YÊU THƯƠNG TRONG LẼ THẬT 3

Để có thể biết được sự dạy dỗ của Chúa về việc yêu thương trong lẽ thật là thế nào thì chúng tôi xin lần lượt sử dụng tất cả các câu gốc trong Kinh thánh (từ Sáng thế ký đến Khải huyền) để trình bày cho quý anh chị em biết về mỹ đức nầy và điều mà Chúa muốn chúng ta thực hiện trong tình yêu thương. Vì chính Đức Chúa Jêsus đã phán rằng Ngài đến đặng làm trọn luật pháp của Đức Chúa Trời (có nghĩa là làm cho đầy đủ hơn) nên chúng tôi xin được trưng dẫn các câu Kinh thánh từ trong Tân ước trước, bắt đầu thứ sách Ma-thi-ơ.

MA-THI-Ơ 3: 17 – Tức thì có tiếng từ trên trời phán rằng: Nầy là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng.

– Ngay khi Đức Chúa Jêsus bước ra để chịu phép báp-tem và bắt đầu chức vụ của Ngài, thì Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho người thời bấy giờ biết Đức Chúa Jêsus là Đấng nào, dầu vậy vẫn có rất ít người nhận biết,
– Theo như lời Đức Chúa Jêsus cho biết thì Ngài và Đức Chúa Trời là một (Giăng 10: 30), vì vậy việc Ngài có đời sống đẹp lòng Đức Chúa Trời là điều đương nhiên,
– Nhưng trong câu gốc nầy cho chúng ta thấy một điểm mà Cơ-đốc-nhân phải để ý, rằng hễ là con của Đức Chúa Trời thì phải có đời sống đẹp lòng Ngài,
– Lời Kinh thánh cho biết là trong địa vị con người giữa trần gian thì Đức Chúa Jêsus là Con Cả trong gia đình của Đức Chúa Trời và các Cơ-đốc-nhân là những người con khác của Ngài (Rô-ma 8: 29), vì vậy Cơ-đốc-nhân cần phải có một đời sống đẹp lòng Đức Chúa Cha,
– Sự sống đẹp lòng Đức Chúa Trời không phải căn cứ vào tiêu chuẩn thiện lành của cá nhân hay của quan điểm xã hội vào thời gian mà Cơ-đốc-nhân đang sống, nhưng phải căn cứ vào các tiêu chuẩn và mực thước mà Chúa đã chỉ định cho con cái Ngài cần phải có đã ghi trong Kinh thánh,
– Một đời sống đẹp lòng Chúa là biết sống một cách xứng đáng trong mọi phương diện, tức là đối với bản thân, gia đình, xã hội, chớ không phải chỉ có trong một vài khía cạnh mà cá nhân thấy dễ thực hiện,
– Chữ con yêu dấu không những có nghĩa là được Đức Chúa Trời yêu mà người con ấy cũng yêu Đức Chúa Trời nữa, vì vậy Cơ-đốc-nhân cần phải học biết kính yêu Đức Chúa Trời là thế nào theo sự hướng dẫn của Kinh thánh,
– Tình yêu không chỉ bày tỏ ra bằng lời nói mà còn phải bằng hành động nữa nên Cơ-đốc-nhân cần phải có thái độ tương xứng với lời mà mình vẫn thường hay nói là yêu Ngài.

(Xin đọc thêm các bài viết về CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ SỐNG ĐẠO, CƠ-ĐỐC NHÂN BẮT CHƯỚC ĐỨC CHÚA TRỜI, CƠ-ĐỐC NHÂN THEO GƯƠNG ĐẤNG CHRIST, CƠ-ĐỐC NHÂN TRONG GIA ĐÌNH ĐẤNG CHRIST)

MA-THI-Ơ 5: 43-44 – Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.

– Nhiều tôi con của Chúa nghĩ lầm rằng Đức Chúa Jêsus đến để làm trọn luật pháp bằng cách chấm dứt luật pháp ấy để trong thời kỳ ân điển nầy Cơ-đốc-nhân không cần phải sống dưới luật pháp nữa (Rô-ma 6: 14), nhưng suy nghĩ như vậy là tra cứu Kinh thánh chưa đầy đủ,
– Chữ làm trọn ở đây có nghĩa là Đức Chúa Jêsus làm cho luật pháp của thời kỳ ân điển được đầy đủ hơn so với thời kỳ luật pháp của Cựu ước (thí dụ như ngày xưa một người chỉ bị kể là có tội khi bị bắt quả tang đang phạm tội hoặc có ít nhất là 2 người làm chứng (Dân số ký 35: 30), nhưng trong thời kỳ ân điển nầy thì một người chỉ cần có tư tưởng xấu cũng bị kể là phạm tội rồi, như có chép trong Ma-thi-ơ 5: 28),
– Luật pháp của Cựu ước giới hạn tình yêu thương chỉ đối với người lân cận mà thôi, nhưng Đức Chúa Jêsus đã làm trọn luật pháp ấy bằng việc khuyên Cơ-đốc-nhân phải yêu thương cả kẻ thù nghịch mình và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ con dân Chúa,
– Nhưng tình yêu thương trong lẽ thật cho biết thêm rằng sự yêu thương ấy là cốt để kẻ thù nghịch ăn năn và trở lại để được tha thứ, chớ không phải yêu thương mù quáng và để kẻ thù nghịch tiếp tục lợi dụng sự nhu mì hiền lành của tôi con Chúa mà sỉ nhục danh Đức Chúa Trời (Lu-ca 17: 3),
– Tình yêu thương trong lẽ thật là không để cho kẻ khác lợi dụng và lừa dối chính mình (Mác 13: 5),
– Lời Chúa dạy Cơ-đốc-nhân yêu thương như các con cái của sự sáng chớ không phải yêu thương một cách mù quáng như những kẻ sống trong tối tăm (Ê-phê-sô 5: 8),
– Sự cầu nguyện của Cơ-đốc-nhân trong tình yêu thương cũng như vậy, là để kẻ thù nghịch mình được mở mắt, ăn năn, trở lại cùng Đức Chúa Trời (Công vụ 26: 18), chớ không phải cầu nguyện cho họ được tiếp tục bắt bớ con dân Chúa.

(Xin đọc thêm các bài viết về CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ KHÔN NGOAN, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ CẦU NGUYỆN, ĐỐI PHÓ VỚI KẺ THÙ NGHỊCH, CƠ-ĐỐC NHÂN LÀ CON CÁI SỰ SÁNG, BƯỚC ĐI TRONG SỰ SÁNG, SA-TAN VÀ MA QUỈ, CHIẾN TRẬN THUỘC LINH)

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *