Ý NGHĨA CỦA ĐỜI NGƯỜI
Ý NGHĨA CỦA ĐỜI NGƯỜI
Kinh thánh: Hê-bơ-rơ 11: 13-16
Câu gốc: GIA-CƠ 1: 21 – Phước cho người bị cám dỗ, vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài.
Bước sang năm mới 2022 thì chúng ta lại thênm một lần nữa có cớ lớn để tạ ơn Chúa. Đó là vì được Chúa ban cho thêm những ngày tháng được sống trên trần gian nầy. Điều đó cũng có nghĩa là thời gian mà chúng ta có mặt trên Trái đất sẽ ngắn lại thêm một năm nữa. Theo như lời Kinh thánh cho biết thì tuổi tác của con người trung bình là khoảng bảy tám mươi năm, cũng có người sống lâu hơn mà cũng có nhiều người sống ngắn hơn. Chính bởi lẽ đó mà khi chúng ta có thêm một năm mới nữa thì thời gian ở trên đất của chúng ta ngắn lại một năm. Vì vậy mà khi còn được sống động ngày nào trên mặt đất thì con dân còn có cớ để vui mừng và tạ ơn Chúa trong ngày ấy. Và đó là một trong những lý do mà sáng hôm nay tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm đến một chủ đề mới để qua đó chúng ta có thể hiểu được nguyên nhân tại sao con người có mặt trên trái đất nầy và cũng để chúng ta có thể biết được mà lựa chọn mục tiêu cho chính mình một cách đúng đắn theo như sự giải bày của lời Chúa trong Kinh thánh.
Trước đây thì chúng ta đã có cùng nhau suy gẫm qua chủ đề Cơ-đốc-nhân và Thiên sứ và đã biết được rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên các thiên sứ trước khi tạo dựng nên con người. Điều đó cũng đã được Đức Chúa Jêsus cho biết khi Ngài phán dạy câu chuyện về lúa mì và cỏ lùng, tức là khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên con người thì Sa-tan cũng bắt chước tạo nên giống người của nó, mà khoa học ngày nay gọi là vượn người hay là người khỉ. Vấn đề đó thì tôi cũng đã có trình bày trong Chủ đề Thí Dụ Về Lúa Mì và Cỏ Lùng, chắc quý Hội thánh còn nhớ.
Vì vậy để có thể hiểu được lịch sử cũng như ý nghĩa của đời người thì tôi xin được nhắc lại một chút về sự tạo dựng nên các thiên sứ để từ đó chúng ta có thể hiểu được vì sao mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên con người.
Tất cả chúng ta đều biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương cho nên bởi lẽ đó mà Ngài đã tạo dựng nên các thiên sứ để họ có thể nhận được sự yêu thương của Ngài.
Theo nguyên tắc thông thường thì hễ yêu thương thì phải có đối tượng để bày tỏ tình yêu thương ấy, bởi vì nếu chỉ biết yêu thương có chính cá nhân mình mà thôi thì tình yêu thương đó là sự ích kỷ. Điều đó thì ai trong chúng ta cũng có thể hiểu được. Bởi vậy cho nên những người nói rằng mình có tình yêu thương mà lại vào rừng sâu hoặc lên núi cao để sống một mình thì tình yêu thương của người ấy chỉ là sự ích kỷ mà thôi.
Theo như lời Kinh thánh cho biết thì ngay từ ban đầu chỉ có một mình Đức Chúa Trời, vì Ngài là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, ngoài ra thì không có một điều nào khác hoặc một ai khác ở đó với Ngài. Nhưng vì mỹ đức yêu thương của Chúa cho nên Ngài cần phải có đối tượng để bày tỏ tình yêu thương ấy. Vì vậy mà Chúa mới tạo dựng nên các thiên sứ để họ có thể nhận được tình yêu của Ngài. Tình yêu thương của Chúa được bày tỏ ra một cách đặc biệt khi Ngài ban cho các thiên sứ có sự tự do để lựa chọn điều họ muốn làm. Khi chúng ta suy nghĩ đến các kẻ cầm quyền trong đời sống nầy thì mới có thể thấy được tình yêu thương của Chúa là đặc biệt đến chừng nào khi Ngài ban cho các thiên sứ và cả con người đều có sự tự do để lựa chọn. Đó là một trong những ơn phước lớn lao nhất mà Đức Chúa Trời đã ban cho các thiên sứ và cho cả nhân loại.
Nhưng trong số các thiên sứ thì có Sa-tan là kẻ kiêu ngạo. Nó muốn tự nâng lên để bằng được với Đức Chúa Trời. Việc mà nó đã làm thì chẳng khác gì việc một đứa con tự coi mình ngang hàng với cha của nó. Đó là tội hổn hào và là sự bất hiếu. Bởi sự phản nghịch như vậy mà Sa-tan đã bị đuổi khỏi Thiên đàng. Nhưng khi bị đuổi đi thì nó cũng kéo theo một phần ba các thiên sứ khác đi theo nó. Đây là điều mà tôi đã có đề cập đến trong Chủ đề Cơ-đốc-nhân và thiên sứ.
Sau đó thì Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên loài người để có thể bù đắp vào số các thiên sứ đã bị đuổi đi. Điều nầy đã được chính Đức Chúa Jêsus cho biết theo như lời phán của Ngàí có ghi trong Ma-thi-ơ 22: 30.
MA-THI-Ơ 22: 30 – Vì đến khi sống lại, người ta không cưới vợ, cũng không lấy chồng, song những kẻ sống lại là như thiên sứ trên trời vậy.
Khi chúng ta để ý một cách cẩn thận thì sẽ thấy rằng lời của Đức Chúa Jêsus cho biết là khi chúng ta sống lại để được hưởng sự sống đời đời thì con dân Chúa sẽ giống như các thiên sứ, có nghĩa là được kể chung vào số của họ và có thân thể giống như họ, chớ không phải là ở trong một địa vị khác và có một thân thể khác. Suốt trong cả Kinh thánh không hề thấy có chỗ nào lời của Chúa cho biết là sau khi sống lại thì những người được cứu sẽ khác hơn các thiên sứ. Bởi lẽ đó mà khi một số người cho rằng các thiên sứ là tôi tớ của Chúa và cũng là tôi tớ của những người được cứu thì điều đó là cả một sự lầm lẫn lớn.
Ngoài ra việc được giống như các thiên sứ còn giúp cho chúng ta hiểu được lý do tại sao Đức Chúa Trời lại tạo dựng nên con người trên mặt đất nầy. Khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên các thiên sứ thì họ được nhìn thấy Chúa ngay lập tức và được sống với Ngài ngay trong Thiên đàng. Nhưng vì sự phản nghịch của Sa-tan và các thiên sứ khác mà Đức Chúa Trời phải đặt để con người trên mặt đất trước, giống như là để trãi qua quá trình thử thách để chọn lọc rồi sau đó những người được cứu mới được vào Thiên đàng để bù vào số các thiên sứ đã phản nghịch và đã bị đuổi đi. Như vậy chúng ta có thể hiểu rằng vì sự phản nghịch của Sa-tan và một số các thiên sứ theo nó mà con người mới được tạo dựng trên mặt đất nầy.
Có thể khi nghe đến đây thì sẽ có một vài anh chị em không đồng ý với điểm nầy và sẽ thắc mắc, vì nghĩ rằng lý do ấy làm cho sự sáng tạo của con người không còn có vẽ quan trọng như trước nữa. Ấy là vì đa số Cơ-đốc-nhân thường nghĩ rằng vì Đức Chúa Trời yêu thương con người nên mới tạo dựng nên con người trên mặt đất. Thật ra quan niệm như vậy thì không có gì sai, mà ngay cả khi biết được lý do rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên con người để bù vào số các thiên sứ đã phản nghịch thì điều đó cũng đúng nữa. Chúng ta có thể thấy là cả hai sự tạo dựng đều xuất phát từ tình yêu của Chúa chớ không bởi một lý do nào khác.
Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên các thiên sứ để làm đối tượng cho tình yêu của Ngài, thì cũng vậy, đối với con người thì Chúa cũng đã tạo dựng nên loài người để được Ngài yêu thương. Bằng chứng là Chúa muốn con người được giống như các thiên sứ, là đối tượng của tình yêu Ngài ngay từ ban đầu.
Khi người ta nghĩ về lý do ấy là sai là vì họ đã có định kiến rằng chỉ có con người mới được Chúa yêu mà thôi, còn các thiên sứ thì chỉ là tôi tớ, được tạo dựng nên để phục vụ Đức Chúa Trời. Nhưng quan niệm đó là quan niệm của con người, chớ không phải là hoàn toàn căn cứ vào lời Kinh thánh. Lời của Chúa cho biết là các thiên sứ được gọi là con trai của Đức Chúa Trời, như đã có chép trong Gióp 1: 6.
GIÓP 1: 6 – Vả, một ngày kia các con trai của Đức Chúa Trời đến ra mắt Đức Giê-hô-va, và Sa-tan cũng đến trong vòng chúng.
Khi để ý cẩn thận câu gốc nầy thì chúng ta sẽ thấy rằng Sa-tan được kể là một trong các con trai của Đức Chúa Trời, vì Kinh thánh đã dùng chữ trong vòng chúng, có nghĩa là trong vòng con trai của Ngài. Chữ các con trai trong câu gốc nầy có ý nói về các thiên sứ tại Thiên đàng.
Nhưng có người lại giải thích rằng chữ các con trai ở đây là có ý nói đến những người được cứu. Nhưng giải thích như vậy là sai. Vì thời điểm mà các con trai của Đức Chúa Trời ra mắt Ngài là vào thời kỳ của Gióp, vì Chúa có đề cập đến tên của ông với Sa-tan như là một người đang sống vào thời đại ấy. Bởi lẽ đó nếu nói rằng chữ các con trai của Đức Chúa Trời là chỉ về những người được cứu thì chẳng lẽ Sa-tan có xuất xứ từ trong vòng Cơ-đốc-nhân? Mà vào thời kỳ của Gióp thì làm gì có Cơ-đốc-nhân, vì lúc đó Đức Chúa Jêsus còn chưa giáng sinh thì làm gì có ai được gọi theo danh của Ngài? Mà nếu nói rằng từ thời kỳ của Gióp đã có những người được cứu vào Thiên đàng, vậy thì tại sao đến thời kỳ của Đức Chúa Jêsus và La-xa-rơ thì Áp-ra-ham vẫn còn ở trong Ba-ra-đi? Tất cả chúng ta đều biết rằng Ba-ra-đi chưa phải là Thiên đàng. Vậy thì nếu Áp-ra-ham, là tổ phụ của đức tin, mà còn ở trong Ba-ra-đi thì người nào lại được vào Thiên đàng trước cả Áp-ra-ham? Lời Kinh thánh cho biết là tất cả những người đã chết trong đức tin từ xưa đến nay đều chỉ trông thấy Thiên đàng từ đàng xa mà thôi, chớ chưa được vào đó cho đến khi sự phán xét chung thẫm kết thúc, như điều đã được ghi lại trong Hê-bơ-rơ 11: 13.
HÊ-BƠ-RƠ 11: 13 – Hết thảy những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình; chỉ trông thấy và chào mừng những điều đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất.
Chữ Chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình có ý nói về sự sống đời đời trong Thiên đàng. Vì vậy quan niệm cho rằng chữ các con trai của Đức Chúa Trời trong sách Gióp có ý nói về những người được cứu là hoàn toàn sai.
Như vậy thì đến đây chúng ta đã có thể hiểu được lý do là tại sao con người lại được tạo dựng trên mặt đất. Ấy là để cho con người được thử thách đức tin trước khi chính thức được vào sống tại Thiên đàng trong tương lai. Chính bởi lẽ đó mà Đức Chúa Trời đã cho phép Sa-tan đến cám dỗ bà Ê-va trong vườn Địa đàng. Nếu Đức Chúa Trời không muốn con người bị cám dỗ thì chắc chắn rằng Sa-tan sẽ không có cơ hội đến gần ông A-đam và bà Ê-va dầu rằng họ ở bất cứ đâu, huống chi là ở trong vườn Địa đàng, là nơi mà Đức Chúa Trời sau nầy đã sai thiên sứ canh giữ để không một ai được vào đó cả. Vì vậy mà chúng ta có thể hiểu rằng sự cám dỗ là một trong những điều cần thiết phải xãy ra đối với đời sống con người, đến nỗi ngay cả khi Đức Chúa Jêsus vào trong thế gian để thi hành chức vụ cứu chuộc của Ngài thì Chúa cũng phải bị cám dỗ nữa. Lời của Chúa đã xác nhận rằng sự cám dỗ là điều cần phải có, như đã có chép trong Ma-thi-ơ 18: 7.
MA-THI-Ơ 18: 7 – Khốn nạn cho thế gian vì sự gây nên phạm tội! Vì sự gây nên phạm tội phải có; song khốn nạn thay cho ai là kẻ gây nên phạm tội!
Trong câu gốc nầy thì chúng ta thấy rằng Đức Chúa Jêsus đã có đề cập đến sự cám dỗ mà lời Kinh thánh gọi là sự gây nên phạm tội. Chúa đã xác nhận rằng sự cám dỗ là điều cần phải có miễn là con người đừng trở thành kẻ cám dỗ người khác. Điều đó có nghĩa là sự cám dỗ đến từ ma quỉ và nó đã bị tuyên án rồi, còn con người thì tốt nhất là đừng cám dỗ ai để khỏi phải chịu chung án phạt với Sa-tan.
Chính vì sự cám dỗ là điều cần thiết để thử thách con người, ngay cả đối với chính Đức Chúa Jêsus nữa khi Ngài trở thành con người trong trần gian cho nên Đức-Thánh-Linh đã đưa Đức Chúa Jêsus vào trong đồng vắng để Ngài phải chịu sự cám dỗ của ma quỉ, như lời Kinh thánh đã cho biết trong Ma-thi-ơ 4: 1.
MA-THI-Ơ 4: 1 – Bấy giờ, Đức Thánh Linh đưa Đức Chúa Jêsus đến nơi đồng vắng, đặng chịu ma quỉ cám dỗ.
Lời Kinh thánh ở đây cho chúng ta thấy rằng sự bị cám dỗ là một yếu tố cần thiết cho đời sống của con người, cho nên chính Đức Chúa Jêsus khi còn là con người thì cũng cần phải bị cám dỗ. Nhưng Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải biết rằng Đức Chúa Trời không hề có chủ ý cám dỗ con người. Chính Sa-tan mới là kẻ muốn cám dỗ con người còn đối với Đức Chúa Trời thì Ngài chỉ cho phép điều đó xãy ra để thử thách đức tin của mỗi một người được sanh vào trong thế gian nầy mà thôi. Lời Kinh thánh cho biết rằng Đức Chúa Trời chẳng bao giờ cám dỗ ai, như đã được xác định trong Gia-cơ 1: 13.
GIA-CƠ 1: 13 – Chớ có ai đang bị cám dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi. Vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám dỗ được, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai.
Vì Đức Chúa Trời biết rằng trong sự phản nghịch của Sa-tan thì nó sẽ tìm cách cám dỗ con người để phá hỏng chương trình của Chúa trong việc bù đắp lại số thiên sứ đã bị đuổi khỏi Thiên đàng cho nên Đức Chúa Trời đã dùng điều đó để thử thách con người. Như vậy thì trong sự khôn ngoan của Chúa thì Ngài đã thực hiện hai điều song song với nhau khi không trừng phạt Sa-tan ngay lập tức sau khi nó phản nghịch Ngài. Lý do thứ nhất ấy là để cho Sa-tan có thời gian để ăn năn, bởi vì Chúa là Đấng nhân từ, mặc dầu Ngài biết rằng nó sẽ không bao giờ ăn năn, nhưng dầu vậy thì khi Chúa cho nó thời gian thì sau nầy khi Ngài trừng phạt nó thì Sa-tan cũng sẽ không có lý do để phản đối rằng Chúa không cho nó cơ hội lần thứ hai để trở lại với Ngài. Bởi vậy mà khi các thiên sứ ra mắt Đức Giê-hô-va như có chép trong Gióp 1: 6 và đoạn 2: 1 thì Đức Chúa Trời cũng cho phép Sa-tan đến gặp Ngài như là cơ hội để nó có thể hối cải mà ăn năn.
Lý do thứ hai mà Đức Chúa Trời đã trì hoãn chưa xử phạt Sa-tan ấy là vì muốn nhân sự phản nghịch của nó mà cho phép nó được cám dỗ con người. Vì Sa-tan và các thiên sứ khác đã phản nghịch Chúa ngay khi còn ở trong Thiên đàng cho nên Đức Chúa Trời muốn thử thách con người trước rồi mới cho phép được sống đời đời tại nơi ấy.
Mỹ đức nhân từ của Đức Chúa Trời là luôn luôn cho phép những kẻ phạm tội được có cơ hội để làm hòa lại với Ngài. Bởi vậy cho nên cả trong cõi vô hình và hữu hình thì Chúa đều cho phép ma quỉ và con người được có cơ hội để ăn năn. Đối với ma quỉ thì mặc dầu nó đã phản nghịch Đức Chúa Trời trước khi Ngài dựng nên A-đam thì Chúa cũng để cho nó được tự do cho đến ngày phán xét cuối cùng mới phạt nó vào hỏa ngục để chịu sự trừng phạt đời đời. Còn đối với con người thì Chúa cho phép người ta được sống bảy tám chục năm trên đất để có cơ hội tìm biết Chúa và đến với Ngài. Bởi vậy cho nên chúng ta có thể hiểu rằng đời sống của con người trên mặt đất nầy chỉ là thời gian chịu thử thách mà thôi chớ chưa phải là sự sống vĩnh cửu. Sau khi qua đời rồi thì lúc bấy giờ mới là sự đời đời, tức là hoặc sống với Chúa đời đời trong Thiên đàng, hoặc là chịu hình phạt đời đời trong hỏa ngục chung với Sa-tan và các quỉ sứ của nó.
Bởi lẽ đó mà chúng ta có thể thấy rằng mọi điều trong đời sống nầy chỉ là tạm bợ mà thôi, từ cái áo chúng ta mặc trên người, cho đến thực phẩm mà chúng ta ăn mỗi ngày, cho đến cái nhà mà chúng ta đang ở hoặc chiếc xe mà chúng ta đang sử dụng cũng chỉ là những điều tạm bợ mà thôi. Mọi vật chất trong đời sống nầy, dầu là mới và tốt đến đâu thì cũng sẽ trở nên cũ và rồi sẽ hư mất. Ngay cả cơ thể của con người thì cũng sẽ già nua, yếu đuối, mòn mõi rồi qua đi. Chỉ có linh hồn của con người là còn lại đời đời mà thôi. Cơ-đốc-nhân chúng ta phải hiểu điều đó để cố hết sức tìm kiếm Chúa và ở trong Ngài luôn luôn suốt cả đời sống nầy hầu cho mai sau được diện kiến Chúa trong sự vui mừng và được Ngài đón vào Thiên đàng để sống đời đời tại đó như các thiên sứ.
Vì vậy đối với ý nghĩa của đời người thì trước nhất chúng ta cần phải nhớ rằng con người được sinh vào trong đời sống nầy là để chịu thử thách theo như chương trình của Chúa. Và sau khi đã chịu nỗi thử thách rồi, có nghĩa là đứng vững trước các sự cám dỗ mà không sa ngã thì sau khi đã chấm dứt cuộc đời nầy rồi thì con người sẽ nhận được sự sống đời đời như là phần thưởng của sự cố gắng thắng hơn các cơn cám dỗ mà ma quỉ đã tạo ra cho mỗi người. Nguyên tắc nầy đã được lời của Chúa cho biết trong Gia-cơ 1: 21.
GIA-CƠ 1: 21 – Phước cho người bị cám dỗ, vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài.
Điều thứ hai mà chúng ta cần phải nhớ khi suy nghĩ về ý nghĩa của đời người là cuộc sống nầy chỉ là tạm bợ mà thôi. Theo như thực tế cho thấy thì không có một điều gì trong thế gian nầy là trường cửu hết. Từ danh vọng, quyền thế, tài sản, sức khỏe, tất cả đều là tạm thời để rồi cuối cùng con người cũng phải mất hết khi chấm dứt đời sống nầy. Không ai có thể mang theo bất cứ điều gì mà mình từng sở hữu trong thế gian nầy để tiếp tục có điều đó trong đời sau. Chúng ta thấy rằng ngày xưa có những vị vua quyền thế khi chết thì ra lệnh cho quần thần chôn theo tài sản và người hầu để sang thế giới bên kia họ có mà sữ dụng, nhưng rồi hàng trăm năm sau khi các nhà khảo cổ học khai quật các ngôi mộ của các vị vua ấy thì các tài sản của họ vẫn còn lại trong thế giới nầy.
Ngay cả danh vọng thì người ta cũng không mang theo được sang thế giới bên kia. Trong vòng cổ nhân Việt Nam thì có người đã nói rằng ‘Làm trai đứng giữa vòng trời đất phải có danh gì với núi sông’. Với quan niệm như vậy thì ông đã cố gắng để lại danh tiếng của ông cho hậu thế, nhưng đến ngày hôm nay thì có bao nhiêu người trong vòng dân Việt Nam thật sự biết đến ông là ai và tên của ông là gì. Mà dẫu có biết, chẳng hạn như những người lớn tuổi như chúng ta thì cũng không ai nhớ đến ông một cách thường xuyên. Người ta còn có biết bao nhiêu chuyện bận rộn cần phải quan tâm, cần phải ghi nhớ, rồi nào là người nhà, con cháu, công ăn việc làm và biết bao nhiêu thứ khác nữa, ai mà nhớ đến ông thường xuyên làm gì. Tôi kể ra điều đó như là một thí dụ để cho chúng ta thấy rằng đời sống của con người là tạm thời và chóng qua, như lời Kinh thánh đã bày tỏ trong Truyền đạo 1: 11.
TRUYỀN ĐẠO 1: 11 – Người ta chẳng nhớ các đời trước, và các đời sau những người đến sau cũng sẽ chẳng nhớ đến nữa.
Theo như thực tế cho thấy thì trong đời sống nầy có những kẻ dẫn dụ người khác nào là phải hy sinh cho chủ nghĩa nầy hoặc cho lý tưởng nọ, nhưng sau khi những người nghe theo đã chết rồi, đã phơi thây trong rừng sâu, trên núi cao, khi mà mồ họ đã xanh cỏ rồi thì điều mà họ đã hy sinh cho cũng đâu có xãy ra, chẳng hạn như là tự do, độc lập, hạnh phúc, no ấm, công bằng, dân chủ. Chúng ta có thể thấy được là trong xã hội nào, đất nước nào cũng có sự bất công, cũng có sự hà hiếp, cũng có kẻ dùng quyền lực để chèn ép bắt nạt người nghèo, cũng có sự tham nhũng, dối trá, nghèo đói, bất hạnh. Người Việt chúng ta là những người hiểu rõ thực trạng đó hơn ai hết, nhất là sau khi đã có hàng chục triệu sinh mạng thanh niên chết trong chiến tranh, chết cho tham vọng của những kẻ muốn độc quyền thống trị quần chúng. Sự lừa dối người khác để chết cho tham vọng của những kẻ đam mê quyền lực là điều mà Kinh thánh đã nhắc đến để con dân Chúa có thể cẩn thận mà tránh xa, bởi vì loài người không thể biết được điều gì sẽ xãy ra sau khi mình đã qua đời, cho nên con dân Chúa đừng để cho mình bị dẫn dụ mà hy sinh cho những lý tưởng do con người đặt ra. Sự nhắc nhở như vậy đã được ghi lại trong Truyền đạo 3: 22.
TRUYỀN ĐẠO 3: 22 – Thế thì, ta thấy chẳng chi tốt cho loài người hơn là vui vẻ trong công việc mình, ấy là kỷ phần mình; vì ai sẽ đem mình trở lại đặng xem thấy điều sẽ xảy ra sau mình?
Những kẻ tham quyền thường dẫn dụ quần chúng rằng hãy hy sinh để cho đời sau được tự do, công bằng, hạnh phúc. Nhưng sau khi đã có hàng triệu người chết cho các loại lý tưởng đó thì sự tự do công bằng hạnh phúc cũng đâu có xãy đến cho các thế hệ sau.
Từ xưa đến nay thì thực trạng đời sống đều là như vậy, bất kể là con người sống dưới chính thể nào, quyền lực nào. Bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân chúng ta phải cẩn thận, đừng để mình bị dẫn dụ bởi bất cứ lý tưởng nào của con người, dầu là có vẻ hay ho và cao thượng đến đâu đi nữa, vì thật ra đó cũng chỉ là những điều lừa dối, mị dân mà thôi. Cũng chính vì hiểu được như vậy mà những người có đức tin trong Chúa đều xem đời sống nầy chỉ là con đường mà mình tạm thời trãi qua để đi đến quê hương trên trời, như lời Kinh thánh đã có bày tỏ trong Hê-bơ-rơ 11: 13-16.
HÊ-BƠ-RƠ 11: 13-16 – Hết thảy những người đó đều chết trong đức tin, chưa nhận lãnh những điều hứa cho mình; chỉ trông thấy và chào mừng những điều đó từ đằng xa, xưng mình là kẻ khách và bộ hành trên đất. Những kẻ nói như thế, tỏ rõ rằng mình đang đi tìm nơi quê hương. Ví thử họ đã tưởng đến nơi quê hương mà mình từ đó đi ra, thì cũng có ngày trở lại, nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời; nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành.
Theo như lời của Chúa trong các câu gốc nầy thì đối với một người có đức tin trong Ngài thì thế gian nầy chỉ là cõi tạm mà thôi, còn Thiên đàng mới chính là quê hương thật của chúng ta. Khi chúng ta suy nghĩ đến luật pháp công bình của Chúa và tình yêu của Ngài thì mới thấy rằng chúng ta là những người may mắn hơn hết vì đã biết Chúa, đã đầu phục Ngài và đã trở nên con cái của Đấng Chí Cao. Còn trong thế gian nầy thì bất cứ chỗ nào, nơi nào thì cũng đều có những bất công, đau buồn, sầu muộn, chỉ có khác là nơi nầy tốt hơn nơi kia một chút mà thôi, nhưng đời sống con người thì vẫn đầy những gian dối, bất công và hoạn nạn.
Thử hỏi rằng có ai trong đời sống nầy đã từng chết cho những người theo họ không? Không hề có một ai. Các lãnh tụ chính trị thì chỉ giỏi kêu gọi người khác chết cho tham vọng của họ mà thôi, nào là hô hào khích động để hàng triệu thanh niên phải đổ máu nơi chiến trường, phải chịu chết phanh thây vì bom đạn, còn họ và con cái họ thì được an toàn, được bảo vệ cẩn thận, được vinh thân phì gia, được giàu có, tiêu tiền như nước, được sống trên cả luật pháp và có tượng đài để ghi nhớ, còn những người đã hy sinh thì chỉ có nấm mộ hoang vô danh mà thôi, nhiều lắm là được một cái bằng tử sĩ không có giá trị gì.
Ngay cả trong các tôn giáo thì các thần tượng của họ cũng không có chết cho tín đồ, chẳng có ai trong số họ đã thực hiện được sự hy sinh giống như Đức Chúa Jêsus đã làm cho cả thế gian. Nếu họ cho rằng sự hy sinh của Chúa chỉ là huyền thoại thì tại sao họ không thêm điều tương tự như vậy vào trong lịch sử của tôn giáo họ? Huyền thoại thì dễ thêm vào mà họ lại không làm là tại sao? Ấy là vì họ biết rằng nếu họ thêm vào thì tín đồ của họ sẽ biết đó là sự dối trá. Còn đối với sự chết của Đức Chúa Jêsus thì đó là một thực sự cho mọi người tin Ngài, đặc biệt là đối với các sứ đồ và những người sống trong thời kỳ Hội thánh đầu tiên. Bởi vì họ biết sự hy sinh của Chúa trên thập tự giá là thật cho nên họ mới vui lòng tuận đạo và chịu bắt bớ vì danh Ngài. Còn đối với các lý tưởng khác trong thế gian nầy thì chỉ là sự lừa dối, là điều để mỵ dân của các kẻ tham lam, tham danh tham quyền mà thôi.
Chính vì nhìn thấy những điều đó và từng kinh nghiệm qua mà những người có đức tin được đề cập đến trong phần Kinh thánh nền tảng sáng hôm nay đã không muốn trở lại thế gian nầy lần thứ hai, giống như Hê-bơ-rơ 11: 15 đã cho biết. Nhưng họ ao ước, mong đợi và nhắm vào Thiên đàng để làm mục tiêu cho những ngày sống trên đất nầy.
Nhưng khi chúng ta nhắm đến Thiên đàng để làm mục tiêu thì Cơ-đốc-nhân cần phải nhớ rằng mỗi người trong chúng ta phải chứng tỏ rằng mình có thể thắng hơn sự thử thách, có nghĩa là thắng hơn những sự cám dỗ mà Đức Chúa Trời cho phép xãy ra trong đời sống nầy. Sự thử thách chính là bằng chứng để cho thấy là Cơ-đốc-nhân có xứng đáng với Thiên đàng trong tương lai hay không. Bởi lẽ đó mà khi có một sự khó khăn hoạn nạn nào xãy ra hoặc khi có một sự cám dỗ nào đang lấp ló trước mặt thì Cơ-đốc-nhân chúng ta phải cậy ơn Chúa mà vượt thắng những sự đó để được đẹp lòng Đức Chúa Trời và để có thể thưa trình với Chúa rằng chúng ta đang cố gắng vì Ngài và vì Thiên đàng mai sau. Và đó chính là ý nghĩa thứ ba của đời người, là sống vì Chúa và vì Thiên đàng, chớ không phải là sống cho bất cứ một điều nào trong trần gian nầy, dầu là điều đó có vẻ như hay tốt đến bậc nào đi nữa.
Đến đây thì tôi xin tóm tắt lại ba ý nghĩa chính yếu của đời người mà chúng ta vừa suy gẫm qua. Ý nghĩa thứ nhất của đời người là sống để chịu thử thách trong nhiều phương diện. Ý nghĩa thứ hai của đời người là cuộc sống trần gian chỉ là cõi tạm, và ý nghĩa thứ ba của đời người là sống vì Chúa và vì mục tiêu Thiên đàng. Ba ý nghĩa nầy đều có liên quan đến chữ TIN, là bước thứ ba của chúng ta trong tiến trình theo Chúa. Tôi sẽ xin mở rộng thêm vấn đề nầy hơn nữa để quý Hội thánh có thể thấy được mối liên hệ quan trọng giữa việc hiểu được ý nghĩa của đời người và đức tin của Cơ-đốc-nhân là thế nào. Bởi vì như tôi đã từng thưa trình cùng với quý Hội thánh thì chữ tin có một ý nghĩa rất bao quát và gồm tóm nhiều phương diện, cho nên Cơ-đốc-nhân không những tin mà còn phải làm theo nữa, chớ không phải là chỉ tin một cách đơn giản như nhiều người vẫn lầm tưởng bấy lâu nay.
Bởi lẽ đó khi chúng ta đã biết được ba ý nghĩa chính yếu của đời người thì từ đó chúng ta sẽ hiểu được về sự sống sự chết, về việc tại sao có những trẻ em chết lúc còn thơ, hoặc là tại sao người hiền lành lại chết sớm mà kẻ gian ác lại sống lâu và giàu có trong thế gian nầy. Những thắc mắc như vậy đã được đề cập đến trong Kinh thánh và đã được trả lời, như trong Truyền đạo 7: 15.
TRUYỀN ĐẠO 7: 15 – Trong những ngày hư không của ta, ta đã thấy cả điều nầy: Người công bình tuy công bình cũng phải hư mất; và kẻ hung ác tuy hung ác lại được trường thọ.
Sự khác biệt như vậy, tức là sự sống ngắn dài của người công bình và kẻ gian ác đều đã được Đức Chúa Trời giải thích cho chúng ta trong lời của Ngài, nhưng trước hết thì Cơ-đốc-nhân phải có đức tin rõ ràng và mạnh mẽ trong Chúa thì những thắc mắc ấy mới được giải tỏa, bằng không thì người theo Chúa vẫn hoang mang và hồ nghi như những người chưa tin về các vấn đề hàng ngày của đời sống. Bởi vậy mà bước thứ ba trong tiến trình theo Chúa là rất quan trọng để chúng ta có thể hiểu được mọi điều trước khi thật sự bắt đầu thực hiện bước thứ tư trên con đường đức tin.
Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục thương xót và giúp cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của đời sống con người là thế nào để con dân Chúa có thể sống trọn vẹn trong đời sống nầy. Cầu xin Đức Chúa Jêsus Christ tiếp tục thêm sức và dẫn dắt chúng ta trên con đường đức tin. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh cảm động chúng ta để biết làm theo ý muốn của Chúa luôn luôn, ngay cả việc cần phải chịu thử thách, hầu cho mai sau được xứng đáng sống với Chúa đời đời trong Thiên đàng. Amen.