XUẤT XỨ VÀ SỰ PHẢN NGHỊCH CỦA MA QUỈ

Tất cả các Cơ-đốc-nhân đều biết rằng quyển Kinh thánh rất là quan trọng, vì là lời của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại để có thể hiểu biết về Ngài và về chương trình cứu rỗi của Chúa cho con người. Vì mục tiêu đó mà Đức Chúa Trời đã soi dẫn để quyển Kinh thánh được viết ra nhằm giải đáp mọi thắc mắc của con người có liên quan đến đời thuộc linh đang khi Cơ-đốc-nhân còn sống trong trần gian nầy. Nhưng Kinh thánh cũng có bày tỏ cho chúng ta biết nhiều điều quan trọng thuộc về cõi vô hình để nhờ đó Cơ-đốc-nhân có thể tăng cường đức tin và sự hiểu biết trong việc phải sống thế nào để đẹp lòng Đức Chúa Trời và có thể thắng hơn sự cám dỗ của ma quỉ.

Hầu như tất cả mọi người, từ những người có niềm tin nơi tôn giáo đến những người cho rằng họ không tin gì hết, thì đều cảm nhận được từ trong sâu thẳm tiềm thức của họ về một thế giới vô hình mà họ không thể biết được một cách rõ ràng. Chính vì vậy mà có nhiều người cho rằng thế giới đó không có thật. Riêng đối với chúng ta là Cơ-đốc-nhân thì nhờ lời của Chúa trong Kinh thánh mà chúng ta biết được rằng trong vũ trụ nầy có hai thế giới đang hiện hữu cùng một lúc, đó là thế giới hữu hình mà chúng ta có thể thấy được bằng mắt thường và thế giới vô hình mà con người không thể thấy được.

Mặc dầu Kinh thánh tập trung vào sự dạy dỗ Cơ-đốc-nhân phải biết sống thế nào trong thế giới hữu hình nầy để đẹp lòng Đức Chúa Trời và để được cứu rỗi trong tương lai, nhưng lời của Chúa cũng bày tỏ cho chúng ta biết về những điều đã và đang xãy ra trong thế giới vô hình để con dân Ngài được thức tỉnh và biết được nguyên nhân của những điều đangxãy ra trong đời sống nầy. Tuần lễ trước chúng ta đã cùng nhau suy gẫm lời của Chúa theo Chủ đề Tại Sao Cuộc Đời Đầy Đau Khổ thì đã biết được rằng những đau khổ sầu muộn xãy ra cho đời sống con người là vì những chọn lựa sai lầm mà mỗi một cá nhân đã thực hiện. Ngoài ra sự đau khổ của con người cũng do ma quỉ gây ra nữa. Vì nó là kẻ chống đối Đức Chúa Trời nên khi Ngài tạo dựng con người để họ có thể hưởng được hạnh phúc và vui mừng đời đời trong Ngài, thì ma quỉ tìm mọi cách làm cho con người phạm tội để từ đó dẫn đến những đau khổ triền miên. Bằng cách đó nó muốn phá hỏng kế hoạch của Đức Chúa Trời để chứng tỏ khả năng của nó. Bởi lẽ đó mà đời sống của con người, nhất là đối với Cơ-đốc-nhân, là một chuỗi ngày dài tranh đấu với ma quỉ để có thể sống thiện lành theo tiêu chuẩn của Đấng Tạo Hóa hầu cho có thể hưởng được Thiên đàng trong tương lai (Ê-phê-sô 6: 12).

Ma quỉ không thể thắng hơn được Đức Chúa Trời nên nó tìm mọi cách tấn công con người, nhất là Cơ-đốc-nhân. Vì vậy cuộc chiến thuộc linh mà Kinh thánh đề cập đến ở đây là cuộc chiến sinh tử giữa điều thiện và điều ác, giữa con người và ma quỉ. Người nào thắng thì sẽ được sự sống đời đời nơi Thiên đàng, còn kẻ nào thua thì phải chịu hình phạt đời đời nơi hỏa ngục, tức là vĩnh viễn không bao giờ được ra khỏi đó nữa. Nhưng tạ ơn Chúa là trong cuộc chiến sinh tử như vậy thì Cơ-đốc-nhân đã có Đức Chúa Trời bênh vực và thêm sức cho để chúng ta có thể thắng hơn ma quỉ và những cám dỗ của nó. Sức lực của Đức Chúa Trời là toàn năng nên Cơ-đốc-nhân có thể đắc thắng một cách mỹ mãn nếu chúng ta biết cầu nguyện, tìm kiếm và nhờ cậy Ngài. Đó là những điều Cơ-đốc-nhân cần phải làm và phải thực hiện thường xuyên mỗi ngày như một người lính lúc nào cũng tỉnh thức và cảnh giác tại trận mạc. Nhưng một vấn đề khác cũng rất quan trọng mà tôi muốn đề cập đến ở đây, là việc Cơ-đốc-nhân phải biết ma quỉ xuất xứ từ đâu và có khả năng như thế nào để chúng ta có thể thắng hơn được nó. Vì theo lời tuyên bố của các chiến lược gia trong lịch sử loài người thì sự thành công trong một cuộc chiến thuộc về người biết rõ đối phương là kẻ như thế nào, như câu ngạn ngữ Biết Người Biết Ta, Trăm Trận Trăm Thắng và trong Kinh thánh cũng đã nhắc nhở Cơ-đốc-nhân về điều đó (1Cô-rinh-tô 2: 11).

Trong câu Kinh thánh mà tôi vừa trưng dẫn thì lời của Chúa đã cho chúng ta biết một trong những bí quyết quan trọng để có thể thắng hơn ma quỉ trong cuộc chiến thuộc linh, đó là phải biết rõ mưu chước của nó. Còn ngược lại, nếu Cơ-đốc-nhân không biết rõ những quỉ kế mà Sa-tan vẫn thường dùng để cám dỗ người ta thì con dân Chúa sẽ dễ dàng bị bất ngờ và bị sa ngã. Ngoài ra thì chúng ta cũng cần phải để ý rằng câu gốc nầy là một mạng lệnh vì có chữ đừng và cũng là một lời khẳng định chớ không phải là một lời khuyên. Điều đó có nghĩa là Cơ-đốc-nhân bắt buộc phải biết rõ về ma quỉ để có thể thắng hơn nó và tránh được việc bị nó cám dỗ mà phạm tội. Nhưng trước khi biết rõ mưu chước của ma quỉ thì Cơ-đốc-nhân phải biết xuất xứ của ma quỉ, phải biết nó từ đâu mà có thì mới có thể cảnh giác đúng mức được trong cuộc chiến nầy.

Kinh thánh cho biết rằng Sa-tan từng là thiên sứ của Đức Chúa Trời nhưng sau đó nó phản nghịch lại với Ngài và từ đó trở thành ma quỉ. Sự phản nghịch của nó đã được ghi lại trong sách tiên tri Ê-sai 14: 12-15.

Mặc dầu đây là lời tiên tri trong sách của Ê-sai để nói về đế quốc Ba-by-lôn nhưng chúng ta cần phải biết rằng Đức Chúa Trời vẫn thường dùng những điều trong thế giới hữu hình nầy để làm hình bóng mà bày tỏ cho con dân Ngài biết những sự kiện đã xãy ra trong thế giới vô hình. Nếu không thì chúng ta không thể hiểu được vì theo như điều mà tôi đã đề cập tại phần đầu thì mắt thường của con người không thể thấy được thế giới vô hình. Vì vậy để cho rõ nghĩa hơn về lời của Đức Chúa Trời bày tỏ cho chúng ta biết về sự phản nghịch của Sa-tan thì chúng ta cùng nhau suy nghĩ một chút về những từ ngữ mà Kinh thánh đã sử dụng trong Ê-sai 14 mà chúng ta vừa mới đọc qua.

Trong Kinh thánh thì chữ sao mai được dùng để gọi những người hoặc những đấng được kể là con của Đức Chúa Trời (Gióp 38: 7). Chúng ta biết rằng trên bầu trời thì chỉ có một ngôi sao mai mà thôi, vì vậy khi Kinh thánh dùng chữ các sao mai thì điều đó có nghĩa sao mai là tên gọi hay là biệt danh của các thiên sứ. Tên gọi ấy cũng được dùng cho chính Đức Chúa Jêsus nữa (Khải huyền 22: 16).

Chính Đức Chúa Jêsus, mặc dầu là lời nói của Đức Chúa Trời hiện thân thành người, thì Ngài cũng đã từng xác nhận rằng Ngài là Con Đức Chúa Trời, vì vậy mà Ngài đã tuyên bố rằng Ngài là Sao Mai sáng chói, nghĩa là ngôi Sao Mai lớn nhất trong tất cả các ngôi sao mai, là Đấng lớn hơn hết trong vòng con trai của Đức Chúa Trời. Cũng vì lẽ đó mà khi Cơ-đốc-nhân được tái sanh và được Đức Chúa Jêsus cai trị trong đời sống mình thì Kinh thánh gọi điều đó là sự được sao mai ngự vào lòng (1Phi-e-rơ 1: 19).

Chẳng những thế thôi, lời của Chúa còn cho biết rằng phần thưởng dành cho những người hết sức dẫn đưa người khác đến với sự cứu rỗi trong danh Đức Chúa Jêsus là được trở nên những ngôi sao sáng chói đời đời mãi mãi (Đa-ni-ên 12: 3).

Những ngôi sao đó được gọi là sao mai, tức là tên gọi hay là biệt danh dành cho những người được cứu rỗi và được hưởng sự sống đời đời, như lời của Chúa trong sách Khải huyền (Khải huyền 2: 28).

Khi Kinh thánh cho biết rằng Đức Chúa Trời sẽ ban cho những người được cứu rỗi một ngôi sao mai thì điều đó không có nghĩa là mỗi một người được cứu sẽ được làm chủ một hành tinh giống như một số người lầm tưởng. Như điều tôi vừa đề cập đến khi nãy thì trong thực tế trên bầu trời chỉ có một ngôi sao mai mà thôi, hay còn gọi là sao Bắc đẩu, trong khi đó thì số người được cứu sẽ đông chớ không phải chỉ có một người. Vì vậy khi lời Kinh thánh cho biết rằng Chúa sẽ ban cho những người được cứu rỗi một ngôi sao mai thì điều đó là biểu tượng được làm con cái của Ngài trong cõi đời đời. Để minh chứng cho điều nầy thì chúng ta có thể nhớ lại rằng Đức Chúa Jêsus đã từng phán với các môn đồ là khi Cơ-đốc-nhân được sống lại thì tất cả đều sẽ giống như thiên sứ trên trời vậy (Ma-thi-ơ 22: 30).

Vì vậy theo như lời Kinh thánh đã bày tỏ thì chúng ta có thể thấy rằng các thiên sứ được gọi là sao mai, và Cơ-đốc-nhân khi sống lại để nhận được sự sống đời đời thì cũng được gọi là sao mai, còn Đức Chúa Jêsus thì được gọi là Sao Mai sáng chói, tức là Sao Mai lớn nhất trong vòng các sao mai, vì được kể là con cả trong vòng những người đã tin (Rô-ma 8: 29).

Như vậy chúng ta có thể hiểu được rằng từ ngữ sao mai là danh hiệu được Kinh thánh dùng để gọi những người được kể là con cái của Đức Chúa Trời, nghĩa là những kẻ được Ngài tạo dựng nên và được ở trong Thiên đàng với Chúa, tức là thiên sứ và những người được cứu. Bởi lẽ đó, theo như lời Kinh thánh cho biết thì trước khi Đức Chúa Trời tạo dựng loài người thì Ngài đã tạo dựng các thiên sứ và họ được gọi là con trai của Đức Chúa Trời, tức là các sao mai của Ngài, và trong số đó có Sa-tan (Gióp 1: 6, 2: 1).

Qua hai câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy rằng vì Sa-tan từng là thiên sứ được Đức Chúa Trời tạo dựng, nên nó được gọi là sao mai như trong Ê-sai 14: 12 mà chúng ta đã đọc qua khi nãy, và cũng bởi lẽ đó mà khi các thiên sứ khác ra mắt Chúa thì nó cũng đến mà ra mắt Ngài. Mặc dầu vào thời kỳ của Gióp thì Sa-tan đã chống nghịch Chúa và bị đuổi khỏi Thiên đàng nhưng vì Ngài còn muốn cho nó thời gian để ăn năn nên nó vẫn còn có cơ hội để ra mắt Chúa. Sự khoan dung của Chúa dành cho kẻ có tội cách như vậy bắt nguồn từ mỹ đức yêu thương của Ngài (Ê-xê-chi-ên 33: 11, Truyền đạo 8: 11).

Qua hai cây Kinh thánh vừa trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy được rằng Đức Chúa Trời là Đấng khoan dung nhân từ, nhưng Sa-tan cứ nhơn sự khoan dung của Chúa mà tiếp tục chống nghịch Ngài. Chính vì sự cứ cố tình phạm tội như vậy và không chịu ăn năn nên án phạt của nó đã được định sẳn, và đến ngày phán xét thì nó sẽ phải chịu hình khổ trong hỏa ngục cho đến đời đời (Khải huyền 20: 10).

Tại một chỗ khác trong Kinh thánh thì cũng đã có ghi lại lời của Đức Chúa Jêsus cho biết rằng sự phản nghịch của Sa-tan xãy ra trước khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên loài người (Ma-thi-ơ 13: 25).

Sa-tan đã trở nên kẻ chống nghịch Đức Chúa Trời trước khi Ngài dựng nên loài người, vì vậy mà khi Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên A-đam và Ê-va trong vườn Địa đàng thì Sa-tan bèn lấy hình con rắn đến để cám dỗ họ ăn trái cấm (Sáng thế ký 3: 13).

Con rắn đã dỗ dành bà Ê-va chính là Sa-tan và lời Kinh thánh đã xác định điều đó (Khải huyền 12: 9). Lý do mà Sa-tan chống nghịch Đức Chúa Trời là vì nó muốn được ngang bằng với Chúa, theo như lời Kinh thánh mà chúng ta đã đọc qua trong Ê-sai 14: 12-15.

Kinh thánh cho biết là khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên các thiên sứ thì Ngài đã ban cho họ những khả năng lớn lao để có thể hầu việc Ngài và cai quản vũ trụ bao la nầy (Hê-bơ-rơ 1: 7).

Khả năng của họ lớn lắm, chẳng hạn như việc một thiên sứ của Chúa chỉ trong một đêm thôi có thể giết đến hàng trăm ngàn binh sĩ A-si-ri để trừng phạt họ về tội hung bạo và tàn ác khi họ đến cướp phá đất đai của dân sự Chúa (Ê-sai 37: 36).

Vì được những khả năng như vậy nên Sa-tan sanh lòng khiêu ngạo và nó muốn tự cất mình lên để được ngang bằng với Đức Chúa Trời. Để tự chứng tỏ về khả năng của nó nên khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên loài người trong vườn Địa đàng thì Sa-tan cũng cố gắng tạo dựng nên một loài giống như vậy để làm ra vẻ như có khả năng bằng với Đức Chúa Trời, như lời Kinh thánh đã trưng dẫn trong Ê-sai 14: 14. Nhưng vì khả năng của nó không thể nào bằng được với Chúa, vì nó dầu sao cũng chỉ là tạo vật của Ngài, nên loài mà Sa-tan tạo nên lại giống khỉ hơn là giống người, mà giới khoa học gia ngày nay gọi là người tiền sử. Sự Sa-tan cố tình làm giống như Đức Chúa Trời đã được Đức Chúa Jêsus kể lại cho môn đồ (Ma-thi-ơ 13: 24-26).

Kinh thánh cho biết là khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên con người thì Ngài tạo nên họ đẹp đẽ theo ảnh tượng của Ngài, trong khi đó thì các nhà khoa học lại khám phá ra rằng người tiền sử rất là xấu xí, giống con khỉ hơn là con người, nên họ mới lầm lẫn mà cho rằng loài người tiến hóa từ loài khỉ. Khi chúng ta đọc lại sự sáng tạo của Chúa thì sẽ thấy được sự khác biệt rõ ràng đó (Sáng thế ký 1: 26).

Đức Chúa Trời là Đấng tuyệt mỹ cho nên loài người mà Ngài đã tạo dựng nên theo ảnh tượng của Ngài phải có dấu tích của sự hoàn mỹ đó, chớ không thể nào giống với loại người tiền sử mà giới khoa học đã khám phá ra. Những người tiền sử đó là sản phẩm của Sa-tan khi nó cố sức làm giống như Đức Chúa Trời nhưng khả năng thì không thể nào đạt đến được mức độ hoàn hảo như quyền năng của Ngài.

Bởi sự phản nghịch như vậy mà Sa-tan bị đuổi khỏi Thiên đàng, như lời Kinh thánh trong Ê-sai đoạn 14 và Khải huyền 12 mà chúng ta vừa đọc qua khi nãy. Chúng ta cần phải nhớ lại một trong những nguyên tắc của Chúa là hễ kẻ nào phạm tội thì Ngài sẽ đuổi kẻ ấy ra khỏi nơi tốt đẹp của Ngài, chẳng hạn như trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên phạm tội thờ lạy thần tượng trong đất Ca-na-an đượm sữa và mật thì Chúa đuổi họ ra khỏi đó và họ phải bị đi lưu đày (1Các Vua 14: 15).

Vì Đức Chúa Trời là Đấng không bao giờ thay đổi nên nguyên tắc ấy đã được Chúa áp dụng cả cho A-đam và Sa-tan. Khi A-đam và Ê-va phạm tội thì Ngài đuổi hai ông bà ra khỏi vườn Địa đàng. Vì vậy khi Sa-tan phạm tội thì Đức Chúa Trời cũng đuổi nó khỏi Thiên đàng. Nhưng vì Sa-tan vẫn còn giữ được khả năng lớn lao của nó nên nó đã lợi dụng thời gian Đức Chúa Trời cho nó để ăn năn mà đến thế gian để tôn mình làm quỉ vương và cám dỗ con người trong kế hoạch tiếp tục chống đối lại Đức Chúa Trời.

Chúng ta cũng cần nên để ý là khi Sa-tan nổi loạn chống nghịch lại với Đức Chúa Trời thì nó cũng đã dẫn dụ các thiên sứ khác theo nó để phản nghịch với Chúa. Theo lời Kinh thánh cho biết thì nó dụ được đến 1/3 các thiên sứ khác theo nó (Khải huyền 12: 3-4).

Chính vì số đông như vậy mà mới có trường hợp có những người bị quỉ ám với số lượng đông, như lời Kinh thánh đã có ghi lại việc Đức Chúa Jêsus đuổi bầy quỉ đông đến 2,000 con đến nỗi nó tự cho nó là một đạo quân (Lu-ca 8: 30-32).

Vì ma quỉ là tà linh nên 2,000 con quỉ có thể nhập vào đời sống của chỉ một người. Điều đó rất là khủng khiếp và đáng sợ, nhưng tạ ơn Chúa là loài người đã có Đức Chúa Trời để cầu xin Ngài giúp đỡ miễn là chúng ta biết sống đẹp lòng Ngài. Nhưng khi đề cập đến việc một người bị 2,000 con quỉ ám vào thì điều đó không có nghĩa là ma quỉ chỉ đông đến như thế mà thôi, có thể là họ còn đông hơn con số ấy gấp nhiều lần, và vì Kinh thánh không cho biết chính xác số các thiên sứ là bao nhiêu thì chúng ta cũng không thể biết được rằng 1/3 trong số họ đi theo Sa-tan là bao nhiêu, nhưng chắc chắn phải là một con số đông hơn 2,000.

Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng mọi điều trong vũ trụ nầy và vì Ngài là Đấng thiện mỹ nên mọi điều Ngài tạo dựng điều tốt đẹp. Bởi lẽ đó Ngài đã không tạo nên Sa-tan một cách gian ác giống như vậy. Ngài tạo nên nó là một thiên sứ sáng láng, và ban cho nó những khả năng lớn lao, nhưng vì Đức Chúa Trời cũng đã ban cho các thiên sứ sự tự do để lựa chọn nên vì lòng kiêu ngạo mà Sa-tan đã chọn việc thỏa mãn các tham vọng của nó hơn là hầu việc Đấng Tạo Hóa toàn thiện toàn mỹ. Về lý do tại sao Đức Chúa Trời đã ban cho thiên sứ và con người sự tự do thì tôi đã có trình bày vấn đề ấy trong bài giảng với Chủ đề Chúa Ngăn Cản Việc Xây Tháp Ba-bên, chắc quý Hội thánh còn nhớ.

Như vậy là quý Hội thánh đã có thể biết được xuất xứ của ma quỉ. Nhưng trước khi kết thúc thì tôi xin được đề cập một chút đến một vấn đề khác rất quan trọng mà tôi sẽ có dịp trình bày chi tiết hơn vào những dịp tới. Đó là sự sáng tạo và chương trình cứu chuộc loài người của Chúa có liên quan đến sự phản nghịch của ma quỉ. Khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên các thiên sứ thì họ được ở trong Thiên đàng với Chúa ngay lập tức mà không phải chịu qua một sự thử thách nào. Nhưng vì sự tự do mà Chúa đã ban cho nên 1/3 các thiên sứ đã theo Sa-tan để chống nghịch lại với Đức Chúa Trời và trở thành ma quỉ để rồi sau đó bị đuổi khỏi Thiên đàng. Vì vậy khi Chúa tạo dựng nên con người thì Ngài muốn loài người phải sống trên mặt đất để chịu thử thách trước đã. Sau khi đã thắng hơn sự cám dỗ của ma quỉ và chứng tỏ tấm lòng vâng phục Chúa trọn vẹn thì lúc đó con người mới được tuyển vào Thiên đàng để gia nhập vào số 2/3 thiên sứ còn lại tại đó. Vì nếu trong đời nầy con người không có tấm lòng vâng phục Chúa trọn vẹn thì khi đã vào Thiên đàng rồi thì con người có thể sẽ lên mình kiêu ngạo mà phạm tội giống như Sa-tan đã phạm. Vì vậy việc bày tỏ tấm lòng vâng phục Chúa trọn vẹn là một trong những yếu tố quan trọng để có thể giúp cho Cơ-đốc-nhân nhận được sự cứu rỗi và được vào Thiên đàng trong tương lai (Gia-cơ 1: 12).

Còn về phần Sa-tan và các quỉ sứ của nó thì sẽ chịu hình phạt đời đời trong hỏa ngục. Những người không thắng hơn được sự cám dỗ của ma quỉ và không chịu vâng phục Chúa một cách trọn vẹn cũng sẽ bị hình phạt tại đó với nó. Bởi lẽ đó Cơ-đốc-nhân chúng ta có thể hiểu được rằng việc ngày hôm nay Đức Chúa Trời còn trì hoãn việc hình phạt Sa-tan là vì muốn cho nó thời gian để ăn năn và đồng thời cũng dùng nó để thử thách tấm lòng vâng phục Chúa của loài người đến mức độ nào.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời cảm động tấm lòng của con dân Ngài để biết vâng phục Chúa hoàn toàn đang khi còn sống những ngày giữa trần gian nầy. Cầu xin Đức Chúa Trời cũng thêm sức cho mỗi một Cơ-đốc-nhân để chúng ta có thể đắc thắng sự cám dỗ của ma quỉ mà đứng vững trên đức tin một cách trọn vẹn khi theo Chúa. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh nhắc nhở Cơ-đốc-nhân luôn luôn bằng lời của Ngài về những điều đã xãy ra trong cõi vô hình để chúng ta có thể tỉnh thức và giè giữ trước mọi mưu chước của Sa-tan cho đến ngày được gặp Đức Chúa Jêsus trong sự vinh hiển. A-men.

CÁC CÂU KINH THÁNH ĐÃ ĐƯỢC TRƯNG DẪN:

SÁNG THẾ KÝ 1: 26 – Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất.

SÁNG THẾ KÝ 3: 13 – Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán hỏi người nữ rằng: Ngươi có làm điều chi vậy? Người nữ thưa rằng: Con rắn dỗ dành tôi và tôi đã ăn rồi.

1CÁC VUA 14: 15 – Đức Giê-hô-va sẽ hành hại Y-sơ-ra-ên, như một cây sậy bị nước đưa đi, truất Y-sơ-ra-ên khỏi xứ tốt đẹp nầy mà Ngài đã ban cho tổ phụ họ, và làm tản lạc họ phía bên kia sông cái, bởi vì họ đã lấy hình tượng chọc giận Đức Giê-hô-va.

GIÓP 1: 6 – Vả, một ngày kia các con trai của Đức Chúa Trời đến ra mắt Đức Giê-hô-va, và Sa-tan cũng đến trong vòng chúng.

GIÓP 2: 1 – Xảy ra một ngày kia, các con trai của Đức Chúa Trời đến ra mắt Đức Giê-hô-va, Sa-tan cũng có đến trong vòng chúng đặng ra mắt Đức Giê-hô-va.

GIÓP 38: 7 – Trong khi ấy các sao mai đồng hát hòa nhau, và các con trai Đức Chúa Trời cất tiếng reo mừng.

TRUYỀN ĐẠO 8: 11 – Bởi chẳng thi hành ngay án phạt những việc ác, nên lòng con loài người chuyên làm điều ác.

Ê-SAI 14: 12-15 – Hỡi sao mai, con trai của Sáng Sớm kia, sao ngươi từ trời sa xuống! Hỡi kẻ giày đạp các nước kia, ngươi bị chặt xuống đất là thể nào! Ngươi vẫn bụng bảo dạ rằng: Ta sẽ lên trời, sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao Đức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối cùng phương Bắc. Ta sẽ lên trên cao những đám mây, làm ra mình bằng Đấng Rất Cao. Nhưng ngươi phải xuống nơi Âm phủ, sa vào nơi vực thẳm!

Ê-SAI 37: 36 – Bấy giờ, một thiên sứ của Đức Giê-hô-va vào trại quân của người A-si-ri, và giết mười tám vạn năm ngàn người. Sáng hôm sau, người ta dậy sớm, thấy rặt những thây chết.

Ê-XÊ-CHI-ÊN 33: 11 – Hãy nói cùng chúng nó rằng: Chúa Giê-hô-va phán: Thật như ta hằng sống, ta chẳng lấy sự kẻ dữ chết làm vui, nhưng vui về nó xây bỏ đường lối mình và được sống. Các ngươi khá xây bỏ, xây bỏ đường lối xấu của mình. Sao các ngươi muốn chết, hỡi nhà Y-sơ-ra-ên?

ĐA-NI-ÊN 12: 3 – Những kẻ khôn sáng sẽ được rực rỡ như sự sáng trên vòng khung; và những kẻ dắt đem nhiều người về sự công bình sẽ sáng láng như các ngôi sao đời đời mãi mãi.

MA-THI-Ơ 13: 24-26 – Đức Chúa Jêsus phán ví dụ khác cùng chúng rằng: Nước thiên đàng giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Nhưng đang khi người ta ngủ, thì kẻ thù chủ ruộng liền đến, gieo cỏ lùng vào trong lúa mì, rồi đi. Đến khi lúa mì lớn lên, và trổ bông, thì cỏ lùng cũng lòi ra.

MA-THI-Ơ 22: 30 – Vì đến khi sống lại, người ta không cưới vợ, cũng không lấy chồng, song những kẻ sống lại là như thiên sứ trên trời vậy.

LU-CA 8: 30-32 – Đức Chúa Jêsus hỏi người rằng: Mầy tên gì? Người thưa rằng: Quân đội; vì nhiều quỉ đã ám vào người. Vả, ở đó có một bầy heo đông đang ăn trên núi. Các quỉ xin Đức Chúa Jêsus cho chúng nó nhập vào những heo ấy, Ngài bèn cho phép.

RÔ-MA 8: 29 – Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em.

1CÔ-RINH-TÔ 2: 11 – Đừng để cho quỉ Sa-tan thắng chúng ta, vì chúng ta chẳng phải là không biết mưu chước của nó.

Ê-PHÊ-SÔ 6: 12 – Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy.

HÊ-BƠ-RƠ 1: 7 – Nói về thiên sứ thì Ngài phán rằng: Đức Chúa Trời làm cho thiên sứ Ngài như gió, và tôi tớ Ngài như ngọn lửa.

GIA-CƠ 1: 12 – Phước cho người bị cám dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài.

2PHI-E-RƠ 1: 19 – Nhân đó, chúng tôi càng tin lời các đấng tiên tri chắc chắn hơn, anh em nên chú ý lời đó, như cái đèn soi sáng trong nơi tối tăm, cho đến chừng nào ban ngày lộ ra, và Sao Mai mọc trong lòng anh em.

KHẢI HUYỀN 2: 28 – Ta sẽ cho kẻ ấy ngôi sao mai.

KHẢI HUYỀN 12: 3-4 – Trên trời cũng hiện ra một dấu khác nữa, là một con rồng lớn sắc đỏ, có bảy đầu, mười sừng, và trên đầu có bảy mão triều thiên. Đuôi kéo một phần ba các ngôi sao trên trời, đem quăng xuống đất; con rồng ấy chực trước người đàn bà gần đẻ, hầu cho khi đẻ ra thì nuốt con người đi.

KHẢI HUYỀN 12: 9 – Con rồng lớn đó bị quăng xuống, tức là con rắn xưa, gọi là ma quỉ và Sa-tan, dỗ dành cả thiên hạ; nó đã bị quăng xuống đất, các sứ nó cũng bị quăng xuống với nó.

KHẢI HUYỀN 20: 10 – Còn ma quỉ là đứa đã dỗ dành chúng, thì bị quăng xuống hồ lửa và diêm, trong đó đã có con thú và tiên tri giả rồi. Chúng nó sẽ phải chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời.

KHẢI HUYỀN 22: 16 – Ta là Jêsus, đã sai thiên sứ ta đến làm chứng về những sự đó cho các ngươi trước mặt các Hội thánh. Ta là chồi và hậu tự của Đa-vít, là Sao Mai sáng chói.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *