VIẾNG MỘ NGÀY TẾT

Mỗi năm vào những ngày trước Tết, mặc dầu không thờ cúng giống như những người chưa tin Chúa, một số Cơ-đốc-nhân vẫn có thói quen đi tảo mộ. Nhất là trong những năm gần đây còn có tình trạng các gia đình Cơ-đốc-nhân mời các Mục sư quản nhiệm đi tảo mộ người thân và nắm tay nhau để cầu nguyện trước phần mộ của người đã mất. Không biết đã có tôi tớ Chúa nào đề cập đến vấn đề nầy với Hội thánh hay chưa, nhưng chúng tôi chưa có dịp nghe đến hoặc đọc đến nhận định của các mục sư, dầu là tại hải ngoại hay là tại trong nước. Nhân những ngày cuối năm chuẩn bị đón Tết Đinh Dậu chúng tôi xin được cùng với các anh chị em trong đức tin nhìn xem vấn đề ấy qua ánh sáng của Kinh thánh.

Chúng tôi không những đã nghe kể lại về việc Cơ-đốc-nhân đi tảo mộ người thân đã qua đời vào những ngày trước Tết mỗi năm mà có thấy hình ảnh được quay lại trên mạng Internet. Có gia đình con cái Chúa bày mâm cỗ ra ăn tại ngay trước mộ, như là muốn người thân đã qua đời chứng kiến tấm lòng thành của con cháu. Cũng có trường hợp gia đình mời Mục sư đến dự và cầu nguyện cho bữa ăn cũng như cầu nguyện cho người đã chết, giống như cách của dân gian trong việc bày tỏ lòng mong ước rằng người thân sớm được siêu thoát về Thiên đàng!

Chúng ta biết việc tảo mộ là truyền thống của người Việt, mặc dầu là lâu đời, nhưng vẫn là truyền thống của người chưa tin Chúa, không hề có một sự hậu thuẫn nào của Kinh thánh. Nói một cách khác, tảo mộ là hành động xuất phát từ quan điểm thờ cúng của người Á-châu và đối với Cơ-đốc-nhân thì đó là một phần của đời sống cũ mà chúng ta phải từ bỏ. Sau khi đã cầu nguyện tiếp nhận Đức Chúa Jêsus Christ là Chủ của đời sống mình, thì Cơ-đốc-nhân phải tuân thủ theo điều Kinh thánh dạy, chớ không thể nào còn giữ lại cho mình những quan điểm và thói quen của những ngày chưa tin, bất kể là vì lý do nào.

Theo như lời Kinh thánh cho biết thì sau khi đã tin Chúa thì mỗi một Cơ-đốc-nhân được kể là người mới trong Đấng Christ:

(2Cô-rinh-tô 5: 17) Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.

Theo như lời Kinh thánh ở trên thì sự mới mẽ mà chúng ta có được trong Chúa là hoàn toàn, là 100% theo như ý nghĩa của chữ mọi sự. Như vậy thói quen tảo mộ của những ngày chưa tin cần phải bị kể là sự cũ và cần phải được từ bỏ khỏi đời sống đã được đổi mới của Cơ-đốc-nhân.

Nói cách khác, nếu Cơ-đốc-nhân còn giữ lại thói quen nầy thì người ấy hoặc chưa hoàn toàn đổi mới, hoặc gián tiếp xem là lời Kinh thánh dạy dỗ sai, vì nghĩ rằng chỉ một phần đời của Cơ-đốc-nhân được đổi mới mà thôi, chớ không phải mọi sự cần được đổi mới, và vì vậy mà cố tình giữ lại thói quen tảo mộ cho chính mình và gia đình của mình.

Theo như điều mà chúng tôi đã xem thấy thì những Cơ-đốc-nhân đi tảo mộ không phải vì cớ bị gia đình bắt buột, nhưng là sự tự nguyện hoặc là vì ý muốn của họ, và trong nhiều trường hợp thì cả gia đình họ đều đã tin Chúa và chính cá nhân của những người ấy lại là thành viên trong các ban nghành lãnh đạo của Hội thánh địa phương.

Theo như lời phán của Đức Chúa Jêsus thì chỉ những người được tái sanh, tức là được sanh lại mới hoàn toàn trong Đấng Christ, mới được cứu vào Thiên đàng trong tương lai:

(Giăng 3: 3) Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.

Lời phán nầy của Đức Chúa Jêsus có nghĩa là một người muốn nhận được sự sống đời đời thì phải được tái sanh và trở thành một người mới hoàn toàn, tức là không còn vướng lại chút gì của đời sống cũ lúc chưa tin. Nhưng dường như một số Cơ-đốc-nhân ngày nay cho rằng lời của Đức Chúa Jêsus không đáng để ý nên mặc dầu đã tin Chúa lâi năm, đã hầu việc Chúa, nhưng vẫn cố tình lưu luyến và giữ lại thói quen cũng như quan điểm của những ngày thờ cúng thần tượng.

Nói đến đây thì có lẽ một số Cơ-đốc-nhân biện minh rằng việc tảo mộ không phải là thờ lạy thần tượng, mà cho rằng đó là một trong những cách bày tỏ lòng hiếu thảo đối với người đã qua đời, nhất là đối với ông bà cha mẹ đã khuất bóng.

Nhưng nếu chúng ta suy nghĩ cẩn thận một chút thì sẽ thấy việc tảo mộ là một trong những hình thức xuất phát từ việc thờ lạy thần tượng. Kinh thánh gọi đó là những thói tục (thói quen phong tục) của người chưa tin và tôi con Chúa không được bắt chước làm theo:

(2Các Vua 17: 33) Các dân tộc ấy kính sợ Đức Giê-hô-va, song cũng hầu việc các thần mình, theo thói tục của những dân tộc mà họ bị dời ra khỏi đó.

(Rô-ma 12: 2) Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.

Theo như lời Kinh thánh trong sách Các Vua thì chúng ta có thể thấy rằng ngày xưa các dân tộc sống gần dân Do-thái cũng biết kính sợ Đức Chúa Trời nhưng đồng thời vẫn giữ các thói quen phong tục của kẻ thờ lạy thần tượng. Đức Chúa Trời không muốn điều đó nên đã phán dạy tôi con Chúa trong thời đại ân điển nầy đừng làm theo các hình thức của người đời, dầu là dưới danh nghĩa báo hiếu cho cha mẹ ông bà đã qua đời. Đối với Đức Chúa Trời thì việc tôi con của Ngài vừa bước theo Chúa vừa làm theo phong tục tập quán của người ngoại bị xem như là đi hàng hai thuộc linh, là tình trạng hâm hẩm đáng trách và sẽ bị Đức Chúa Trời từ bỏ:

(Khải huyền 3: 16) Vậy, vì ngươi hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên ta sẽ nhả ngươi ra khỏi miệng ta.

Trở lại với lời biện minh của một số Cơ-đốc-nhân thì nhiều người trong số họ xem việc tảo mộ là hình thức báo hiếu với ông bà cha mẹ đã qua đời. Biện luận như vậy là sai hoàn toàn, vì không có sự hậu thuẫn nào trong Kinh thánh chỉ dạy tôi con Chúa phải báo hiếu cách như vậy.

Nhưng trước hết, để giúp cho các Cơ-đốc-nhân ấy thấy được rằng việc tảo mộ không phải là cách hoàn toàn để có thể báo hiếu thì chúng tôi lập luận thế nầy: Nếu cho rằng tảo mộ vào những ngày trước Tết là bày tỏ lòng hiếu thảo thì chẳng lẽ tất cả những người con, người cháu sống xa phần mộ của ông bà cha mẹ và không thể đến viếng được trong những ngày cuối năm thì đều là con bất hiếu hết thảy? Đối với người chưa tin thì họ còn dùng cách cúng kiếng để bù đắp sự thiếu xót đó, còn đối với Cơ-đốc-nhân sống xa phần một gia đình, vì chắc chắn là không thể cúng kiếng giống như người ngoại, thì chẳng lẽ đều là con bất hiếu hết thảy?

Cách lập luận và biện minh của nhiều người thường chỉ có một chiều mà thôi, theo quan điểm giới hạn của cá nhân, nên không thể nào chính xác được. Vì vậy Cơ-đốc-nhân chúng ta đừng viện cớ báo hiếu để tảo mộ, vì làm như vậy là không đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời, là Đấng Khôn Ngoan tuyệt đối, vì vậy nên sử dụng lời Kinh thánh để làm chuẩn mực cho mọi hành động và quan điểm của chính mình, chớ chẳng nên dùng quan điểm thiếu sót của nhân gian mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời và làm chứng xấu cho các anh chị em khác trong đức tin.

By giờ chúng tôi xin tiếp tục dùng Kinh thánh để giải bày sự dạy dỗ trong lời của Chúa về sự chết của người đã qua đời hầu cho các tôi con của Chúa biết việc tảo mộ ngày Tết là vô ích và hy vọng giúp được các anh chị em ấy bỏ được quan niệm cũng như thói quen không nên có đó.

Trong Kinh thánh thì lời của Chúa cho biết là khi một người qua đời thì thân thể họ rữa nát, trở thành cáct bụi, còn linh hồn thì trở về nơi mà Đức Chúa Trời đã chỉ định:

(Truyền đạo 12: 7) Và bụi tro trở vào đất y như nguyên cũ, và thần linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó.

Vì vậy, căn cứ vào lời của Chúa thì chúng ta có thể thấy rằng khi một người đến tảo mộ người thân vào dịp Tết thì tại đó chỉ có tro bụi mà thôi, chớ chẳng có gì khác. Vậy mà một số Cơ-đốc-nhân vẫn cứ giữ quan điểm của người ngoại để cho rằng ông bà cha mẹ đã qua đời của họ vẫn còn nằm tại phần mộ đó. Đã là người in Chúa, theo Chúa, mà không vâng giữ lời Kinh thánh, lại cứ tiếp tục duy trì quan điểm sai lạc của người chưa tin thì các anh chị em ấy làm sao hy vọng có thể sống đẹp lòng Đức Chúa Trời được?

Dầu vậy, vẫn có người cố gắng biện minh là hành động tảo mộ của họ cốt là để bày tỏ lòng thành, chớ họ không thật sự nghĩ rằng người thân đã qua đời của họ còn nằm tại nơi đó. Biện minh như vậy cũng là cố tình cãi chối, vì không có sự hậu thuẫn của Kinh thánh.

Theo như lời của Chúa đã ghi lại mà tất cả các Cơ-đốc-nhân đều biết, rằng khi một người chết đi thì được xem như là ngủ, dầu rằng người đó đã từng tin Chúa hay không tin. Vì vậy lời của Chúa đã cho biết rằng chỉ những người qua đời trong Chúa mới kể là được phước mà thôi, còn những kẻ khác thì cũng sẽ sống lại, nhưng là để chịu sự phán xét và hình phạt đời đời:

(1Cô-rinh-tô 15: 20) Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ.

(1Tê-sa-lô-ni-ca 4: 13) Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy.

(Khải huyền 14: 13) Tôi nghe có tiếng đến từ trên trời rằng: Hãy viết lấy: Từ rày, phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa! Đức Thánh Linh phán: Phải, vì những người ấy nghỉ ngơi khỏi sự khó nhọc, và việc làm mình theo sau.

(Giăng 5: 29) Ai đã làm lành thì sống lại để được sống, ai đã làm dữ thì sống lại để bị xét đoán.

Theo như lời Kinh thánh bày tỏ thì sự chết của loài người chỉ là tình trạng ngủ dài lây mà thôi. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là khi con cháu đi tảo mộ thì người chết có thể chứng giám lòng thành của con, của cháu. Cũng theo lời Kinh thánh thì khi người ta chết đi, họ không còn liên hệ gì được với trần gian, dầu là một chút cũng không có:

(Truyền đạo 9: 10) Mọi việc tay ngươi làm được, hãy làm hết sức mình; vì dưới Âm phủ, là nơi ngươi đi đến, chẳng có việc làm, chẳng có mưu kế, cũng chẳng có tri thức, hay là sự khôn ngoan.

Khi Kinh thánh dùng chữ chẳng có tri thức thì điều đó có nghĩa là người đã chết không còn có thể nhận biết được được bất cứ điều gì đang xãy ra trong thế giới người sống, vì họ đang ở trong tình trạng ngủ cho đến ngày phán xét chung thẩm.

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *