VÌ YÊU MÀ NHẮC NHỞ
VÌ YÊU MÀ NHẮC NHỞ
Kinh thánh: 1Giăng 2: 15-17
Câu gốc: CHÂM NGÔN 22: 6 – Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.
*******
Có một số người tưởng lầm rằng tháng Hai là tháng tình yêu, vì có ngày Valentine Day của những người yêu nhau, nhưng trong thực tế thì tháng Chạp mới là tháng Tình Yêu, vì có đêm 24 đánh dấu sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus. Sự kiện đặc biệt và trọng đại hàng đầu nầy cho thấy tình yêu vĩ đại của Đức Chúa Trời khi Ngài hiện thân thành người để chịu chết đền tội cho cả nhân loại.
Vì vậy, trong tháng Tình Yêu nầy tôi xin được cùng quý Hội thánh suy nghĩ về tình yêu của cha mẹ dành cho con cái trong gia đình và đề tài của chúng ta hôm nay là VÌ YÊU MÀ NHẮC NHỞ.
Tâm lý thông thường của con người là yêu quý tất cả những điều thuộc về mình, do mình tạo ra, chẳng hạn bản thân cá nhân, căn nhà, chiếc xe mà mình mua được do công lao khó nhọc làm việc mỗi một ngày. Nhưng điều lớn lao hơn hết mà chúng ta tạo được trong đời sống nầy là con cái mà mình đã sinh ra. Đó là máu thịt của chúng ta tổng hợp lại để thành một con người. Vì vậy đa số các bậc cha mẹ đều yêu thương con của mình và luôn luôn muốn con mình được những điều tốt đẹp hơn hết trong đời sống nầy.
Đối với Cơ-đốc-nhân chúng ta, vì biết lời của Chúa đã ghi trong Kinh thánh nên càng yêu thương con mình nhiều hơn, vì con cái là quà tặng của Đức Chúa Trời ban cho cuộc hôn nhân của chính mình:
THI THIÊN 127: 3 – Kìa, con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra; Bông trái của tử cung là phần thưởng.
Chúng ta chắc cảm nhận được ân điển của Chúa bày tỏ qua câu Kinh thánh nầy khi suy nghĩ về con cái mà chúng ta đã có. Nhiều người muốn có con mà không được cho nên phải dùng cách nhân tạo để sanh. Nhưng cũng có người vì sanh dễ hoặc sanh nhiều nên đôi khi cũng không thương quý con lắm. Nhưng nếu chúng ta suy nghĩ đến những thực tế đã xãy ra thì thấy có nhiều trường hợp mà người mẹ sinh khó, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng vì sanh con, nhưng vẫn yêu cầu các bác sĩ giúp cho mình có một đứa.
Ngoài ra khi nghĩ đến công khó của cha mẹ để nuôi một đứa con từ khi lọt lòng đến khi trưởng thành thì chúng ta thấy biết bao nhiêu là công lao khó nhọc. Vì vậy mà chúng ta thương yêu con của mình lắm, đến nỗi có nhiều bậc cha mẹ thương con đến độ bất kể đến bản thân mình.
Nhưng khi liên quan đến thực tế thì chúng ta phải công nhận rằng nhiều khi tình cảm của ch mẹ dành cho con cái bị thay đổi, bị giảm bới hoặc phai nhạt dần theo năm tháng, thậm chí có khi đến độ không còn thương con cái của mình nữa và xem chúng như là thù nghịch. Đa số các bậc cha mẹ đều thương con lúc con cái còn bé, vì lúc đó thì đứa nhỏ nào cũng dễ thương, và cũng vì nó nghe lời hoặc là cha mẹ có thể la rầy hoặc đánh đòn được. Nhưng khi con bắt đầu lớn, bắt đầu khó dạy dỗ hơn và khi không còn dùng đòn roi được với chúng, thì tình cảm của nhiều bậc cha mẹ cũng bớt dần.
Một trong những lời than thở mà tôi thường nghe trong những năm vừa hầu việc Chúa vừa làm công tác xã hội là việc con cái đến tuổi thiếu niên không còn nghe lời cha mẹ như trước nữa, thậm chí còn cãi trả, gây gổ với cha mẹ tại nhà hoặc ngay cả khi ở nơi công cộng. Vì vậy mà có một số cha mẹ thở ra khoan khoái khi thấy con trưởng thành và ra riêng. Ở tại Mỹ đây còn có một số cha mẹ lên báo chí để hỏi thăm mọi người là làm sao để cho con mình rời khỏi nhà sớm, vì đã mệt mõi với con quá rồi.
Nhưng khi chúng ta suy nghĩ về tình yêu của Chúa đồi với con người thì chắc rằng chúng ta được cảm động để thương con nhiều hơn và thương cho đến cuối cùng.
RÔ-MA 5: 8 – Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.
GIĂNG 13: 1 – Trước ngày lễ Vượt qua, Đức Chúa Jêsus biết giờ mình phải lìa thế gian đặng trở về cùng Đức Chúa Cha đến rồi; Ngài đã yêu kẻ thuộc về mình trong thế gian, thì cứ yêu cho đến cuối cùng.
Vì yêu con như vậy nên có nhiều bậc cha mẹ luôn nghĩ đến việc làm sao con mình được những điều tốt đẹp nhất, thậm chí còn dành dụm tài sản để cho con sau nầy. Chúng ta thấy trong thực tế đời sống việc cha mẹ làm việc cực nhọc để cho con có một đời sống ấm no sung túc là chuyện bình thường. Chẳng những vậy thôi cha mẹ còn chịu cực chịu khó để cho con đi học vì mong muốn sau nầy con đỗ đạt thành tài, có công việc làm ổn định để lo cho gia đình riêng.
Nhưng vì chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời nên khi lo cho con cái thì chúng ta không chỉ nghĩ về cuộc sống đời nầy, mà còn nghĩ về sự sống đời đời nữa. Vì nếu chỉ lo cho con có được đời sống tốt đẹp, ấm no, thì con cái chúng ta sẽ hưởng được bao nhiêu năm? Dẫu là vài ba mươi năm trên đất nhưng nếu so với cõi đời đời mà Chúa đã hứa ban cho những người tin nhận Ngài và theo Ngài một cách trung tín thì chẳng đáng so sánh chi. Vì vậy món quà tình yêu lớn nhất mà chúng ta là bậc cha mẹ có thể để lại cho con cháu của mình là nhắc nhở các con các cháu yêu mến Chúa và thực hiện theo điều mà Ngài đã dạy trong Kinh thánh.
Mặc dầu có hơn 2 tỷ người trên thế giới nhận rằng mình đang theo Chúa, nhưng theo như lời phán của Đức Chúa Jêsus thì chỉ có những kẻ làm theo lời Chúa phán mới hưởng được sự sống đời đời mà thôi:
MA-THI-Ơ 7: 21 – Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.
Chúng ta thấy trong thực tế thì đôi khi Cơ-đốc-nhân đi nhóm thờ phượng Chúa mỗi tuần lễ mà còn chưa muốn làm theo điều Chúa phán về những phương diện khác, huống chi là những Cơ-đốc-nhân bỏ nhóm lâu ngày. Một trong những điều ám ảnh chức vụ của tôi là lời Đức Chúa Jêsus đã phán về ngày Chúa tái lâm:
LU-CA 18: 8 – Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ vội vàng xét lẽ công bình cho họ. Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng?
Lời của Chúa không bao giờ sai trật và như vậy thì tương lai của hơn 2 tỷ người nói rằng mình theo Chúa sẽ như thế nào nếu không làm theo những lời mà Chúa đã phán dạy trong Kinh thánh. Vì vậy trong mùa Yêu Thương năm nay, chúng ta cậy ơn Chúa để nhắc nhở con cháu mình phải biết kính sợ Chúa để được Chúa đón vào sự sống đời đời ngày Chúa tái lâm.
Có nhiều món quà mà chúng ta cho con cái của mình trong những mùa Giáng Sinh đã qua, nhưng tôi ước ao là trong mùa Giáng Sinh năm nay và suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời chúng ta là quý Hội thánh sẽ cho con cháu mình món quà yêu thương lớn nhất là nhắc nhở chúng đến với Chúa và thờ phượng Ngài thường xuyên. Vì như chúng ta đều có thể hiểu rằng món quà vật chất chẳng tồn tại được bao nhiêu, nhưng món quà đạo đức và tin thần thì tồn tại lâu dài và đức tin trong Chúa là món quà trường tồn đến đời đời.
Tôi xin kể một thí dụ để minh họa về món quà đạo đức mà chúng ta cho con, tức là đức tin trong Chúa, thì có giá trị như thế nào. Có cặp vợ chồng kia sinh được đứa con muộn. Đến khi con đến tuổi thiếu niên thì muốn gởi cho con đi học thầy đồ để sau nầy ra làm quan mà sung túc tấm thân. Nhưng hai ông bà không biết cho con đi học với thầy nào, vì có nhiều thầy đồ quá. Người trong làng có nói cho ông ba biết là có hai vị quan lớn trong triều là người cùng quê nên ông đi lên kinh thành gặp họ để hỏi cho biết là ngày trước họ học với ai để ông cũng cho con đi học ông thầy đó. Họ từng là học trò cưng của các thầy đồ nổi tiếng của thời bấy giờ.
Ông đến gặp người thứ nhất là một quan văn, giỏi về chữ nghĩa nên được chức cao vọng trọng trong triều, nhưng lại là kẻ rất khinh người. Khi thấy ông là lão già cùng quê đến xin gặp mặt mà không có quà cáp gì giá trị thì không thèm tiếp, và cũng không muốn người ta biết mình vốn xuất phát từ gia đình nông dân.
Người cha già kia bèn đi tìm gặp vị quan thứ hai, là tướng võ, rất nổi tiếng vì đã đánh thắng nhiều trận, cho nên rất được vua trọng dụng. Người nầy thấy ông là người cùng quê thì vào gặp, nhưng cốt là để khoe sự thành công của mình, vì vậy đang lúc gặp mặt nói chuyện thì hay thường xoay sang la mắng quát tháo quân sĩ để cho làm oai.
Sau đó thì ông già đi nhà và nói với bà vợ rằng ông không muốn cho con đi học với những thầy đồ đã dạy hai vị quan kia. Người vợ nghe xon thì cằn nhằn chồng, vì nghĩ rằng nếu làm như vậy thì con mình sẽ không có cơ hội thăn tiến giống như hai vị quan kia. Nhưng người chồng cắt nghĩa rằng các thầy đồ dạy hai vị quan ấy rất giỏi về văn thư, binh pháp, nhưng lại không dạy được họ về đạo đức, cho nên ông không muốn con của ông bà được thành công mà lại thiếu đức hạnh. Chúng ta có thể nhớ lại rằng người xưa có câu ‘ Tiên học lễ, hậu học văn’, thì vợ chồng người nông phu nầy cũng biết được điều đó.
Thế là ông bà cho con đi học một thầy đồ ở làng cạnh bên là người có tiếng đạo đức. Mấy năm sau, khi cậu con trưởng thành thì cũng thi đậu và làm một chức quan huyện nhỏ, và mặc dầu nghèo nhưng lại được nổi tiếng là đạo đức và thanh liêm. Còn hai vị quan kia thì sau khi được có quyền cao chức trọng trong hoàng cung thì lại có ý nổi loạn để phế vua cũ và đưa vua mới lên. Vì lý do đó mà họ bị cách chức và bị đem đi xử trảm. Nhà vua mới cho người đi tìm người hiền lương để thăng quan thay thế cho hai vị kia, thì người ta tiến cử con của cặp vợ chồng già, là một quan huyện thanh liêm và trung hậu.
Quan điểm tiên học lễ hậu học văn hoặc hậu học võ của người xưa có thể được dùng làm thí dụ cho phương diện thuộc linh đối với Cơ-đốc-nhân. Đức tin trong Chúa sẽ giúp Cơ-đốc-nhân được hưởng sự sống đời đời nơi Thiên đàng vinh hiển, còn của cải vật chất đời nầy chỉ là tạm thời và không thể giúp cho con người sống mãi. Vì lẽ đó món quà yêu thương lớn hơn hết mà chúng ta là các bậc cha mẹ có thể tặng cho con là nhắc nhở chúng biết kính yêu Chúa và hết lòng đi trong đường lối Ngài.
GIA-CƠ 2: 5 – Hỡi anh em rất yêu dấu, hãy nghe nầy: Đức Chúa Trời há chẳng lựa kẻ nghèo theo đời nầy đặng làm cho trở nên giàu trong đức tin, và kế tự nước Ngài đã hứa cho kẻ kính mến Ngài hay sao?
Theo lời Kinh thánh vừa trưng dẫn thì chúng ta có thể hiểu được rằng thà nghèo một chút, thiếu một chút mà được sự sống đời đời còn hơn sung túc đầy đủ mà hư mất linh hồn ngày Chúa trở lại. Bởi lẽ đó, vì thương yêu linh hồn của con cháu mà chúng ta là bậc ông bà cha mẹ nên hết sức cố gắng và bền bĩ trong việc nhắc nhở con cháu đến với Chúa và yêu mến Ngài để chúng được cứu sau nầy. Vì yêu mà chúng ta cứ khuyên lơn, nhắc nhở thường xuyên không thôi cho đến khi con cháu chúng ta mạnh mẽ trong đức tin và kính yêu Chúa hết lòng theo như tinh thần của câu gốc nền tảng ngày hôm nay
CHÂM NGÔN 22: 6 – Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo; Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó.
Vì yêu mà chúng ta khuyên lơn, dạy dỗ con cháu đi theo đường tin kính của Chúa. Vì yêu mà chúng ta nhắc nhở các con biết kính sợ Chúam, biết bớt ngày giờ đi làm lại để thờ phượng Chúa. Vì yêu mà chúng ta nhắc nhở con cháu đọc Kinh thánh và biết trân trọng lời dạy của Chúa. Vì yêu mà chúng ta cầu nguyện mỗi ngày và cầu nguyện không thôi cho đến khi tất cả các con các cháu của chúng ta đều biết trở lại với Chúa và hết lòng kính yêu, vâng phục Ngài. Nếu không bởi sự cầu nguyện bền đỗ, lâu thì giờ của chúng ta với Chúa thì chắc sẽ không bao giờ làm thay đổi được tấm lòng nguội lạnh của con cháu chúng ta. Vì vậy mà chúng ta phải cầu nguyện thường xuyên và nhắc nhở con cháu luôn luôn mỗi một khi có cơ hội.
Cầu xin Chúa ban phước cho quý Hội thánh thật đặc biệt trong mùa Giáng Sinh năm nay để dùng điều nầy làm dấu mốc quan trọng của chúng ta trong việc bày tỏ tấm lòng yêu thương lớn lao của mình cho con cháu bằng việc nhắc nhở con đến với Chúa, trở lại với Ngài và cầu nguyện cho chúng một cách bền lòng cho đến ngày chúng ta đều được gặp Ngài trong vinh hiển. Cầu xin Chúa ban phước dư dật hơn cho quý Hội thánh đang khi chúng ta bày tỏ tấm lòng thương yêu của mình đối với con cháu theo như gương mẫu tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho loài người. Amen.