VÌ VINH HIỂN ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

Kinh thánh: 1Các Vua 12: 26-32

Câu gốc: THI THIÊN 29: 1 – Hỡi các con của Đức Chúa Trời, hãy tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển và quyền năng.

*******

Có một câu hỏi được lập đi lập lại suốt chiều dài lịch sử của con dân Chúa, ấy là làm thế nào để được phước. Câu hỏi nầy được nêu lên trong mọi hoàn cảnh, dầu là ở bình diện cá nhân hay là cho gia đình hoặc một Hội thánh địa phương. Thông thường thì mỗi một Cơ-đốc-nhân tự hỏi rằng làm thế nào để mình được phước trong Chúa. Những người chủ gia đình đôi khi cũng thường hỏi nhau làm sao để gia đình mình được Chúa ban phước. Con cái Chúa trong các Hội thánh, khi gặp khó khăn, hoạn nạn, thì cũng thường hỏi nhau làm sao để Hội thánh mình được phước.

Dầu là ở bình diện cá nhân, gia đình, hay đoàn thể cộng đồng Cơ-đốc-nhân, thì câu hỏi nầy đã được Chúa trả lời từ xưa và đã có ghi lại trong Kinh thánh. Đó là nếu chúng ta muốn được phước của Chúa thì nguyên tắc số một mà Cơ-đốc-nhân cần phải làm là sống và hành động vì vinh hiển Đức Giê-hô-va.

Kinh thánh cho biết rằng Đức Chúa Trời mà chúng ta đang thờ phượng, danh Ngài là Đức Giê-hô-va vạn quân, là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn Chúa, là Đấng Tạo Hóa vinh hiển vô đối trên cả vũ trụ. Vì vậy Cơ-đốc-nhân chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ điều ấy để chúc tụng, ngợi khen sự vinh hiển của Ngài:

THI THIÊN 24: 10 – Vua vinh hiển nầy là ai? Ấy là Đức Giê-hô-va vạn quân, chính Ngài là Vua vinh hiển.

KHẢI HUYỀN 4: 11 – Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên.

THI THIÊN 29: 1 – Hỡi các con của Đức Chúa Trời, hãy tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển và quyền năng.

Trong vòng Cơ-đốc-nhân có người suy nghĩ lầm lẫn rằng vì Đức Chúa Trời là Đấng vinh hiển nên chúng ta không cần phải dâng vinh hiển cho Ngài nữa, hoặc làm cho Ngài vinh hiển thêm. Đây là cách suy nghĩ chưa được chính xác vì dựa theo quan điểm của con người về hai chữ vinh hiển. Nhưng nếu chúng ta suy nghĩ cẩn thận đến các câu Kinh thánh có nhắc nhở đến việc phải dâng vinh hiển cho Chúa thì sẽ thấy được sự dạy dỗ rõ ràng về điều nầy, chẳng hạn như trong Thi thiên:

THI THIÊN 96: 3 – Hãy thuật sự vinh hiển Ngài giữa các nước, truyền các công việc lạ lùng Ngài giữa các dân.

Mặc dầu Cơ-đốc-nhân chúng ta nhận biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng Vinh Hiển, nhưng trong cả thế gian chỉ có khoảng 2 tỷ người tự nhận rằng mình tin Chúa và theo Chúa mà thôi, còn hơn 4 tỷ người khác thì chưa. Như vậy thì chỉ có khoảng 1/3 dân số Địa cầu là biết Chúa vinh hiển để tôn vinh chúc tụng Ngài, 2/3 số người còn lại thì vì chưa biết Chúa nên chi biết đi tìm vinh hiển riêng cho cá nhân họ mà thôi. Họ chưa biết Đức Chúa Trời thì làm sao biết tôn quý, chúc tụng sự vinh hiển của Ngài? Ngay cả đối với Cơ-đốc-nhân thì nhiều khi chúng ta còn chưa có được sự hăng hái, sốt sắng để chúc tụng, ngợi khen sự vinh hiển của Chúa, huống chi là ngươờ chưa tin và người chưa biết Ngài. Vì vậy đó chính là lý do khiến cho Cơ-đốc-nhân chúng ta phải sống, hành động và hết sức rao truyền sự vinh hiển của Chúa cho mọi người cùng biết, như mạng lệnh của Chúa đã được ghi lại trong 1Cô-rinh-tô:

1CÔ-RINH-TÔ 10: 31 – Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.

Câu gốc nầy là mạng lệnh nên Cơ-đốc-nhân chúng ta phải lấy điều đó làm mục tiêu của cuộc đời mình, của gia đình mình và của mỗi một Hội thánh địa phương. Nhưng biết và nói thì dễ, còn thực hiện mới là điều khó. Nhưng không phải vì khó mà chúng ta không làm. Vì vậy hôm nay tôi xin được cùng quý Hội thánh học biết về một trong những lý do chính yếu có thể giúp chúng ta biết sống vì danh vinh hiển của Đức Giê-hô-va, để làm đẹp lòng Chúa và để chúng ta được phước.

Trước hết thì chúng ta cần phải để ý rằng Kinh thánh đã cho biết là Cơ-đốc-nhân muốn làm vinh hiển Chúa thì chính cá nhân người đó phải trưởng thành trong đức tin. Khi Cơ-đốc-nhân còn là con đỏ trong đức tin thì không thể nào làm vinh hiển Chúa được. Chúng ta thử suy nghĩ đến thực tế của đời sống thì sẽ thấy được điều nầy.

Khi còn là trẻ nhỏ thì các em, các cháu luôn nghĩ về quyền lợi của mình trước tiên. Chúng ta thấy trẻ sơ sinh chỉ biết làm có một điều là khóc đòi sữa. Có sữa thì sẽ nín khóc ngay. Vài năm sau đó, khi đã dứt sữa rồi thì các em cũng chưa biết suy nghĩ đến quyền lợi của người khác hay là giúp đỡ người khác mà chỉ biết đòi hỏi quyền lợi cho nhu cầu của các em mà thôi. Khi trong nhà có trẻ nhỏ thì chúng ta sẽ nghe rất thường xuyên những câu nói hoặc lời kêu la như thế nầy: Con muốn cái đó, con muốn cái kia, con muốn ăn, con khát nước. Điều đó có nghĩa là khi các em còn nhỏ thì chỉ biết điều mình muốn, điều mình cần mà thôi, chớ chưa nhận biết được điều người khác cần, người khác muốn.

Cũng vì các em còn nhỏ, còn trong tuổi thơ ấu nên trong các gia đình thì chúng ta thường thấy trẻ em giành đồ chơi và giành ăn với nhau, vì vậy các bậc cha mẹ phụ huynh thường phải dạy các em nhường nhịn để trong gia đình được hòa thuận. Nhưng tánh giành giật nầy vẫn còn trong một số em ngay khi đã ở trong tuổi thiếu niên, thậm chí đã là thanh niên rồi cũng vẫn còn tranh giành với anh chị em trong gia đình. Đó là lý do vì sao mà lời của Chúa đã dùng hình ảnh con trẻ và kẻ thành nhân để làm hình bóng cho sự cần thiết phải tăng trưởng trong đời thuộc linh, như có chép trong:

1CÔ-RINH-TÔ 13: 11 – Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhân, bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ.

Vì vậy chúng ta có thể hiểu được rằng chỉ khi nào các em trưởng thành và chính chắn rồi thì lúc đó mới biết quan tâm đến sự mong muốn của cha mẹ hoặc ông bà. Nhưng biết là một chuyện mà thỏa mãn lòng mong muốn của cha mẹ ông bà lại là chuyện khác nữa.

Trong phương diện thuộc linh thì cũng tương tự như vậy. Đó là lý do mà Phao-lô đã gọi một số tín đồ tại Hội thánh Cô-rinh-tô là con đỏ trong đức tin, như có chép trong thư tín Cô-rinh-tô:

1CÔ-RINH-TÔ 3: 1 – Hỡi anh em, về phần tôi, tôi chẳng có thể nói với anh em như với người thiêng liêng, nhưng như với người xác thịt, như với các con đỏ trong Đấng Christ vậy.

Ấy là vì họ chưa nhận biết được là sau khi tin Chúa rồi thì phải sống và hành động vì vinh hiển Đức Giê-hô-va, chớ chẳng phải vì lợi ích riêng của bản thân mình nữa, nhất là khi nhóm nhau lại trong nhà của Đức Chúa Trời. Khi Cơ-đốc-nhân còn là con đỏ trong đức tin thì điều quan tâm hàng đầu của họ là thoả mãn ý muốn của mình chớ chưa suy nghĩ đến ý muốn của Chúa. Vì vậy khi một Hội thánh muốn được mạnh mẽ và thật sự được phục hưng thì tất cả các thành viên trong Hội thánh phải trưởng thành trong đức tin để có chung một mục tiêu là sống vì vinh hiển Đức Giê-hô-va.

Dầu vậy, cũng có một số người thắc mắc về mục tiêu nầy, vì nghĩ rằng Đức Chúa Trời đã là Đấng Vinh Hiển rồi thì cần gì làm vinh hiển Chúa nữa. Nhưng như điều tôi đã trình bày lúc đầu thì chúng ta cần phải rao giảng và làm chứng về Chúa để cho hơn bốn tỷ người còn lại trên trái đất được biết đến Đức Chúa Trời và sự vinh hiển của Ngài. Làm được như vậy thì Chúa sẽ đẹp lòng, chúng ta sẽ được phước và ngày tái lâm của Chúa sẽ mau đến, theo như câu Kinh thánh trong:

MA-THI-Ơ 24: 14 – Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.

Đó là nguyên nhân vì sao mà chnúg ta chứng đạo, truyền giảng và hết sức khích lệ nhau để ca ngợi, chúc tụng sự vinh hiển của Chúa.

Ngoài ra khi mỗi một Cơ-đốc-nhân biết lấy sự vinh hiển của Chúa làm mục tiêu cho đời sống mình và đang khi mình hầu việc Chúa trong Hội thánh thì chúng ta còn có một điều lợi thứ hai, đó là đạt được sự hiệp một trong Hội thánh.

Thường thì Cơ-đốc-nhân hay nghĩ rằng để một Hội thánh có thể phát triển được thì nguyên tắc đầu tiên là cần phải biết hiệp một trong sự yêu thương. Nhưng nếu chúng ta không cẩn thận thì sự yêu thương thiếu mục tiêu sẽ bị dẫn dắt sai lạc bởi ý riêng, tức là muốn người khác yêu thương mình theo quan điểm của cá nhân. Vì lẽ đó mà chúng ta thường nghe những lời phê bình về việc Hội thánh nầy hoặc Hội thánh kia thiếu tình yêu thương khi quan điểm cá nhân của một người nào đó không được thỏa mãn. Chính vì vậy mà phương pháp tốt nhất để một Hội thánh được phát triển trong tình yêu thương là cả Hội thánh phải hiệp một với nhau trong sự ao ước làm vinh hiển Đức Chúa Trời. Đó phải là mục tiêu quan trọng thứ nhất mà cả Hội thánh phải nêu cao và thực hiện, vì khi tất cả các Cơ-đốc-nhân đều hết lòng kính yêu Chúa thì tự nhiên sẽ biết yêu thương nhau.

Khi con dân Chúa biết hiệp một trong sự làm vinh hiển Đức Giê-hô-va thì cả Hội thánh sẽ phát triển và sẽ thật sự có tình yêu thương, không phải là yêu thương theo quan điểm của cá nhân, mà là theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Một trong những bằng chứng lịch sử mà chúng ta có thể biết được là dân Y-sơ-ra-ên. Họ chỉ có được một thời hoàng kim ngắn ngủi dưới triều đại của vua Đa-vít và vua Sa-lô-môn. Sau khi vua Sa-lô-môn qua đời thì vương quốc bị chia đôi. Phần phía Nam thì được gọi là vương quốc Giu-đa, còn phần phía Bắc thì được gọi là vương quốc Y-sơ-ra-ên. Vì tranh giành quyền lực mà các vua của cả hai vương quốc đều không có sự hiệp một trong cùng một mục tiêu là làm vinh hiển Đức Giê-hô-va. Theo như phần Kinh thánh nền tảng của chúng ta ngày hôm nay và khi chúng ta đọc thêm trong sách Sử ký và sách Các Vua thì sẽ thấy điều đó.

Vì vậy mà đất nước Y-sơ-ra-ên bị suy yếu, phải thần phục và nhờ cậy xứ Ê-díp-tô, nhưng cuối cùng rồi thì họ cũng bị thua bại và bị bắt đi lưu đày, trước nhất là bởi người A-sy-ri và sau đó là bởi người Ba-by-lôn. Nhưng nếu chúng ta thấy lịch sử của Y-sơ-ra-ên hơi xa xưa thì tôi xin được đưa ra đây một thí dụ thứ hai của thời đại chúng ta đang sống để minh chứng về việc chúng ta phải có một mục tiêu chung là làm vinh hiển Đức Giê-hô-va.

Đa số người Việt chúng ta đều rất thích xem đá banh, không những nam giới mà cả nữ giới nữa. Và khi đã thích xem đá banh thì ai cũng biết đội tuyển Anh quốc. Đây là một trong những đội banh nổi tiếng thế giới và Anh quốc có rất nhiều cầu thủ tài năng lừng danh thế giới. Chính vì vậy mà giải bóng đá các câu lạc bộ của Anh là giải căng thẳng, hào hứng nhất, và các cổ động viên người Anh cuồng nhiệt đến nổi người ta gọi họ là hooligans. Nhưng mặc dầu Anh quốc có nhiều cầu thủ tài năng nhưng chỉ đoạt được chức vô địch thế giới một lần vào năm 1966 mà thôi, và từ đó đến nay mặc dầu họ cố gắng hết sức nhưng vẫn chưa đoạt được cúp vô địch lần thứ hai.

Nguyên nhân chính yếu là các cầu thủ Anh quốc không có sự hiệp một trong ý muốn tìm kiếm sự vinh hiển cho quốc gia của họ nhưng lại xem các giải vô địch là cơ hội để đánh bóng tài năng cá nhân. Thật ra không phải chỉ có cầu thủ Anh quốc, mà nhiều cầu thủ nổi tiếng của các quốc gia khác cũng có cùng một tham vọng ấy. Chúng ta biết là các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp có thể ký những hợp đồng thi đấu cho các câu lạc bộ trị giá đến hàng trăm triệu đô-la. Chính vì lẽ đó mà việc thi đấu trước sự chứng kiến của cả thế giới là cơ hội để họ đạt được sự chú ý của chủ nhân các câu lạc bộ và của các huấn luyện viên. Đó là lý do mà vì sao các cầu thủ chung trong một đội tuyển thường cự cãi với nhau khi mất cơ hội chính họ được đá vào lưới đối phương.

Khi liên hệ thực tế đời sống với các nguyên tắc thuộc linh thì chúng ta có thể hiểu được rằng nếu một Hội thánh không có sự hiệp một trong việc làm vinh hiển Đức Giê-hô-va thì chúng ta sẽ khó mà đạt được những ước ao chung cho Hội thánh.

Khi chúng ta muốn một Hội thánh có sự hiệp một, có sự yêu thương thì yếu tố quan trọng hàng đầu cần phải thực hiện là có chung một mục tiêu là làm vinh hiển Đức Giê-hô-va. Điều đó có nghĩa là mỗi một cá nhân con cái Chúa phải cố gắng cậy ơn Chúa để trưởng thành trong đời thuộc linh và phải thường xuyên tự hỏi chính mình những câu hỏi sau, chẳng hạn như: Nếu tôi nói điều nầy thì có làm vinh hiển Chúa không? Nếu tôi làm điều kia thì có vinh hiển Chúa không?

Nói một cách tổng quát hơn thì mọi điều lớn nhỏ trong đời sống của Cơ-đốc-nhân, từ lời ăn tiếng nói hành động cử chỉ và sự suy nghĩ, từ gia đình cho đến trong Hội thánh và ra ngoài xã hội, chúng ta đều phải chuyên tâm vì mục tiêu làm vinh hiển Đức Giê-hô-va.

Khi Cơ-đốc-nhân làm được như vậy thì Đức Chúa Trời sẽ rất đẹp lòng và Ngài chắc chắn sẽ ban phước cho chúng ta, cho gia đình chúng ta, và cho Hội thánh Chúa ở khắp mọi nơi khi tất cả các con cái Chúa biết cùng nhau thực hiện mục tiêu ấy.

Cầu xin Chúa giúp chúng ta nhớ điều nầy, quyết tâm thực hiện mục tiêu chung là trong mọi sự phải làm vinh hiển Đức Giê-hô-va, hầu cho phước của Chúa cứ ban xuống dồi dào luôn trên con dân Ngài, trên Hội thánh của Ngài khắp mọi nơi cho đến khi Đức Chúa Jêsus trở lại. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *