VỀ Ý NGHĨA CỦA HAI CHỮ TIN LÀNH

THÁNH KINH TỔNG QUÁT

PHẦN THỨ SÁU – HỘI THÁNH

VỀ Ý NGHĨA CỦA HAI CHỮ TIN LÀNH

Bắt đầu vào thời kỳ Cải chánh tại châu Âu vào thế kỷ thứ 16 thì những người theo Chúa chia ra thành hai phái. Phái thứ nhất là Giáo hội Công giáo La-mã (Roman Catholic Church) thì chịu trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Vatican, phái thứ hai là những người ủng hộ cuộc Cải chánh (Reformation, có nghĩa là trở lại với các chân lý và lẽ đạo căn bản trong Kinh thánh) gọi là Reformers (mà sau nầy tiếng Việt của chúng ta gọi là người Tin Lành). Nhưng vào thời bấy giờ thì giáo hội Công giáo cố tình gọi những tín đồ theo Cải chánh là người phản giáo, vì vậy mới có tên gọi là Protestant Reformation (phản giáo Cải chánh). Lý do mà người Công giáo dùng chữ phản giáo cho những người Cải chánh là vì phong trào nầy được khởi động chủ yếu bởi Martin Luther, là một giáo sư thần học người Ðức, một cựu tu sĩ của Công giáo. Ông đọc Kinh thánh và được soi dẫn qua câu gốc trong Rô-ma 1: 17 rằng người công bình sống bởi đức tin, chớ không phải qua các nghi thức tôn giáo, rồi từ đó ông khuyến khích mọi người đọc Kinh thánh để biết lời của Chúa dạy dỗ như thế nào về sự cứu rỗi, chớ không phải qua các sự giải nghĩa của hàng giáo phẩm Công giáo. Vào thời bấy giờ thì Vatican cấm không cho các tín hữu đọc Kinh thánh và nếu vi phạm luật nầy có thể dẫn đến án tử hình. Lịch sữ đã ghi lại rất nhiều thãm cảnh trong thời kỳ ấy mà người ta gọi là Hắc ám thời đại (Dark ages) suốt 13 thế kỷ tại châu Âu. Chúng ta có thể tìm thấy hàng tấn tài liệu về thời kỳ đen tối đó trong các thư viện quốc gia toàn cả thế giới.

Khi trở lại với nền tảng của Kinh thánh thì các tín đồ Cải chánh mới khám phả được những chân lý quan trọng mà từ trước tới lúc bấy giờ người ta không thấy được bởi sự cố tình che dấu của Vatican. Một trong những nguyên tắc quan trọng đó là sự tự do tín ngưỡng. Trước đó giáo hội Công giáo vẫn thường dùng áp lực để buột người khác phải theo đạo, chẳng hạn như khi người Công giáo Tây ban nha và Bồ đào nha đặt chân đến Mỹ châu thì đã bắt buột các thổ dân phải theo đạo. Nhưng nay khi dân chúng hiểu được điều đó thì cuộc Cải chánh bắt đầu lan rộng ra khắp châu Âu. Nhờ Kinh thánh mà người ta hiểu được rằng để nhận được sự cứu rỗi trong Ðức Chúa Jêsus Christ thì không cần phải ở trong giáo hội Công giáo nhưng điều quan trọng là vâng theo lời của Chúa đã dạy dỗ trong Kinh thánh. Chính nguyên tắc tôn trọng sự tự do của con người (nhân quyền đầu tiên mà nhờ cuộc Cải chánh mới được truyền bá vào xã hội cho đến ngày hôm nay) mà tín đồ Cải chánh không có một giáo hội duy nhất như người Công giáo. Những người tiền phong của cuộc Cải chánh chẳng hạn như Martin Luther, John Calvin, Huldrych Zwingli và nhiều người khác nữa đã thành lập các hệ phái khác nhau, mặc dầu vẫn tôn trọng quyển Kinh thánh như là nền tảng căn bản của đức tin. Mỗi một hệ phái của giáo hội Cải chánh nhấn mạnh đến những khía cạnh khác nhau trong đức tin. Chẳng hạn như giáo phái Puritan (Thanh giáo) thì nhấn mạnh đến việc trong sạch hóa giáo hội Anh quốc giáo, nhấn mạnh đến đời sống mẫu mực của Cơ-đốc-nhân. Giáo phái Methodist (Giám lý) thì nhấn mạnh đến các tín lý một cách có hệ thống. Giáo phái CM&C (Christian Missionary and Alliance/Phúc âm Liên hiệp, được thành lập bởi Mục sư Albert B. Simpson thuộc giáo phái Trưởng lão/Presbyterian của Canada) thì nhấn mạnh đến sự đoàn kết trong công tác truyền giáo. Giáo phái Baptist (người chịu báp-têm) thì nhấn mạnh đến việc theo gương Ðức Chúa Jêsus khi chịu lễ báp-tem lúc đã ý thức rõ ràng về niềm tin của mình nơi Ðấng Christ (để đối kháng với lễ rửa tội cho trẻ em của giáo hội Công giáo hoặc phương pháp báp-tem bằng cách rẩy nước). Ðó là một số các giáo phái tiêu biểu của giáo hội Cải chánh khi so sánh với giáo hội Công giáo La-mã.

Vì trở lại với Kinh thánh và đặt trọng tâm niềm tin vào lời dạy của Ðức Chúa Jêsus rằng người ta chỉ được cứu qua ân điển tha thứ của Ðức Chúa Trời bởi sự chuộc tội trong Ðấng Christ vốn được ghi lại rõ ràng trong 4 sách Tin Lành (Gospels) nên trong các thế kỷ sau nầy người ta gọi những tín đồ của cuộc Cải chánh bằng một tên chung là Evangelicals (Tin Lành). Vì vậy chữ Tin Lành bao gồm tất cả các giáo hội không thuộc về Công giáo La-mã, chớ không phải là tên để chỉ riêng một hệ phái của cuộc Cải chánh (cũng như chữ Cơ-đốc-giáo/Tin Lành dùng để phân biệt với Thiên Chúa giáo/Công giáo).

Niềm tin trong Cứu Chúa Jêsus Christ đến được Việt Nam là do công khó của các giáo sĩ thuộc giáo phái Phước âm Liên hiệp, vì vậy, từ ban đầu khi đã có người Việt tin Chúa và thành lập các chi hội địa phương thì tên gọi đầu tiên của Hội thánh Việt Nam là giáo hội Phước Âm Liên hiệp (lúc bấy giờ chữ Tin Lành chưa có). Sau đó, các giáo sĩ của các giáo phái khác thuộc giáo hội Cải chánh cũng dần dần đến Việt Nam để làm công tác truyền đạo. Vào năm 1956 cố Mục sư Lê văn Thái, là Hội trưởng Hội thánh Phước âm Liên Hiệp Việt Nam, đã đến Hoa-kỳ để xin với giáo hội Christian Missionary and Alliance được thay đổi tên hầu có sự thống nhất trong các Hội thánh Việt Nam và cũng nhằm để phân biệt rõ ràng với giáo hội Công giáo vốn đã có mặt tại quê hương chúng ta từ thời kỳ đầu Pháp thuộc. Giáo hội mẹ tại Mỹ đã đồng ý và Hội thánh Việt Nam quyết định lấy tên là Hội thánh Tin Lành kể từ đấy. Ngay từ đầu thì ước vọng của các tôi tớ Chúa là tạo sự thống nhất cũng như tinh thần đoàn kết trong các hệ phái của cuộc Cải chánh để biện biệt niềm tin trong Ðấng Christ với tín lý của giáo hội Công giáo. Nhưng những năm về sau nầy thì vì sự thiếu thông tin, thiếu sự giải thích từ các mục sư của Hội thánh Tin Lành Việt Nam mà các Cơ-đốc-nhân trong nước cứ tưởng rằng Tin Lành là một giáo phái riêng, không phải là Công giáo mà cũng khác với những giáo phái khác của cuộc Cải chánh. Thậm chí có Cơ-đốc-nhân trong nước cho rằng chỉ có giáo hội Tin Lành Việt Nam là chính thống mà thôi, còn các giáo phái Việt Nam khác của cuộc cải chánh như Baptist Việt Nam, Thanh giáo Việt Nam, Giám lý Việt Nam đều là tà giáo hết thảy!

Mấy trăm năm trước Công giáo La-mã đã cố tình bưng bít sự thật trong Kinh thánh để thống trị niềm tin của thế giới, nhất là của dân chúng tại châu Âu; thì ngày nay tại Việt Nam Hội thánh Tin Lành lại sa vào cùng một vết xe đổ khi không giải thích với con cái Chúa trong nước về việc tại sao cuộc Cải chánh có nhiều hệ phái. Có người cho chúng tôi biết là vì một số người lãnh đạo giáo hội muốn củng cố địa vị quyền lực, sợ con cái Chúa trở thành thuộc viên của các giáo hội khác mà tiến hành phương pháp che dấu lịch sữ của Hội thánh như vậy. Các anh em ấy vì quyền lợi cá nhân mà cố tình tạo ra sự chia rẽ trong vòng các giáo hội của cuộc Cải chánh. Thật là đáng tiếc quá.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *