TỘI NGOẠI TÌNH: NGUY CƠ VÀ CÁCH ĐỐI PHÓ
Trong xã hội con người thì tội lỗi thường xãy ra trong nhiều lãnh vực, nhưng ngoại tình là tội mà nhiều người, ngay cả các Cơ-đốc-nhân, thường bị mắc phải và cũng không biết làm cách nào để đối phó hoặc giải quyết. Ấy là vì ít có ai chịu khó để ý đến các nguyên tắc và mạng lệnh trong Kinh thánh về tội lỗi nầy.
Mới đây, vào ngày 27 tháng Ba 2018, báo chí đã đưa tin về việc Tiến sĩ Frank S. Page đã phải từ chức vội vã sau khi thú nhận phạm tội ngoại tình. Ông nầy là chủ tịch Hội đồng Baptist Nam Phương tại Hoa-kỳ, có vợ và 3 con gái (mà một người đã qua đời vào năm 2009). Cũng theo các thông báo cho hay thì các thành viên trong ban lãnh đạo Hội đồng đã tuyên bố rằng họ ủng hộ việc ông Page tìm cách dàn xếp lại mối liên hệ trong gia đình với vợ và con sau khi phạm tội ngoại tình. Nếu mới nhìn vào thì thấy điều ấy có vẻ như hợp lý, bày tỏ được tình yêu thương khi người phạm tội thú nhận sai lầm và những người khác hết sức tha thứ. Nhưng nếu so với các nguyên tắc và mẫu mực trong Kinh thánh thì giải quyết như vậy là sai hoàn toàn với luật pháp mà Đức Chúa Trời đã chỉ định.
Theo như lời Kinh thánh cho biết thì trong hôn nhân, vợ chồng không nên ly dị nhau vì bất cứ lý do nào ngoại trừ một trong hai người phạm tội ngoại tình (như lời của Đức Chúa Jêsus đã phán trong Ma-thi-ơ 5: 32, 19: 9). Điều đó cũng có nghĩa là nếu một trong hai người phạm tội ngoại tình thì người kia bắt buột phải ly dị, không được phép tiếp tục ăn ở với nhau nữa, vì Kinh thánh kể sự đó là điều ô uế (Giê-rê-mi 3: 1).
Ngoài ra, khi một người đã phạm tội ngoại tình thì sau khi ly dị kẻ ấy không được phép lập gia đình với người khác, vì làm như vậy sẽ khiến cho người thứ ba cũng bị kể là phạm tội ngoại tình (Ma-thi-ơ 19: 9). Điều đó có nghĩa là sau khi đã ngoại tình thì người phạm tội không được phép lấy người khác, hoặc chỉ có thể tiếp tục với người mà mình đã phạm tội ngoại tình trước đây (nếu người thứ ba chưa có lập gia đình với ai).
Có người trưng dẫn chuyện vua Đa-vít đã phạm tội ngoại tình với bát-Sê-ba để phản đối tín lý trên, nhưng Cơ-đốc-nhân phải nhớ rằng Đa-vít là người sống trong thời kỳ luật pháp và đã được Đức Chúa Trời tha tội, nhưng tín lý vừa được trình bày ở trên là do chính Đức Chúa Jêsus đã phán và Ngài là Đấng đã đến thế gian để làm cho luật pháp của thời kỳ Cựu ước được trở nên trọn vẹn hơn (Ma-thi-ơ 5: 17), có nghĩa là Cơ-đốc-nhân phải vâng phục luật pháp của thời kỳ ân điển cách triệt để hơn.
Có nhiều tôi con Chúa, đặc biệt là các mục sư truyền đạo, rất phản đối tín lý mà chúng tôi vừa nêu trên. Họ cho rằng tội ngoại tình có thể được hàn gắn và hai vợ chồng có thể trở lại chung sống với nhau. Nhưng nếu để ý cho kỹ thì sẽ thấy sự mâu thuẫn và cố tình bẻ cong luật pháp trong Kinh thánh của các người ấy. Nếu thuận ý họ, thì có lúc họ lấy luật pháp trong Cựu ước để thỏa mãn quan điểm riêng về một vấn đề nào đó, lúc khác thì lại lấy lời Kinh thánh trong phần Tân ước để tuyên bố rằng trong thời kỳ ân điển người ta không cần vâng giữ luật pháp nào nữa, nhất là luật pháp của thời Cựu ước. Sự lựa chọn thiếu thống nhất và tùy sở thích như vậy cốt chỉ để dung túng cho các tội lỗi mà thôi, trong đó có tội ngoại tình. Vì vậy mà trong Hội thánh vẫn thấy Cơ-đốc-nhân phạm tội ngoại tình và vẫn tự lừa dối chính họ rằng chẳng có sao đâu.
Nhưng lời của Đức Chúa Jêsus đã phán rất rõ ràng về tội lỗi nầy, rằng chẳng những người phạm tội ngoại tình không được trở lại với người chồng hoặc vợ của mình, mà ngay cả người không phạm tội cũng không được tái giá, tức là không được lập gia đình với người khác, vì như vậy sẽ phạm tội tà dâm (Rô-ma 7: 3, 1Cô-rinh-tô 11: 11).
Theo chủ định của Chúa thì luật pháp của thời kỳ Tân ước làm trọn vẹn hơn luật pháp trong thời kỳ Cựu ước (Hê-bơ-rơ 8: 13) nên điều mà Kinh thánh có ghi lại về mối quan hệ của vợ chồng chung sống trong hôn nhân như trong thư tín Rô-ma 7: 2-3 là nguyên tắc chính yếu để hành xử đối với tội ngoại tình cho mọi Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ ân điển.
Để tóm tắt lại cho dễ hiểu trước khi đi xa hơn trong việc nghiên cứu về luật pháp của Kinh thánh có liên quan đến tội ngoại tình, thì đây là những điều Cơ-đốc-nhân cần phải nhớ: Hôn nhân là mối liên hệ thánh (Hê-bơ-rơ 13: 4), mà đã được Kinh thánh dùng để làm ảnh tượng về sự kết hiệp giữa Đấng Christ và Hội thánh (Ê-phê-sô 5: 32), vì vậy mà mối quan hệ nầy cần được tôn trọng triệt để. Thế cho nên khi một người (vợ hoặc chồng) phạm tội ngoại tình thì người kia bắt buột phải ly dị ngay lập tức, và mặc dầu người phạm tội có thú nhận và ăn năn thì người kia cũng không được trở lại để ăn ở với người ấy như trước, vì làm như vậy sẽ bị Kinh thánh kể là ô uế. Người phạm tội ngoại tình không được lập gia đình với ai khác cho đến lúc chết, nhưng người không phạm tội cũng không được phép tái giá nếu người chồng cũ hoặc vợ cũ (là người đã phạm tội ngoại tình) còn sống. Người không phạm tội chỉ được phép lập gia đình lần thứ hai khi người phạm tội ngoại tình đã qua đời.
Nhiều người cho rằng luật pháp của Chúa như vậy là quá khắt khe, nhưng chúng ta phải nhớ rằng khi lời Kinh thánh đã được chép ra rồi thì không có quyền lực nào trong vũ trụ nầy có thể thay đổi điều đó được. Thứ hai, luật pháp của Chúa có nghiêm khắc như vậy thì mới khiến cho kẻ khác sợ mà không dám phạm tội ấy. Bằng không thì người ta cứ phạm vì nghĩ rằng chẳng có sao cả. Thứ ba, ấy là người phạm tội vẫn có thể được tha thứ nếu biết thật lòng ăn năn và không bao giờ phạm lại tội ấy nữa (Giăng 8: 11), miễn là phải sống như là người độc thân cho đến hết đời.
(còn tiếp)