TINH THẦN LẠC QUAN
Kinh thánh: Gia-cơ 1: 1-11
Câu gốc: GIA-CƠ 1: 2 – Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn.
Một tinh thần lạc quan rất là quan trọng cho sức khỏe.
CHÂM NGÔN 17: 22 – Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay, còn trí nao sờn làm xương cốt khô héo.
Nhưng làm sao để có một tinh thần lạc quan?
GIA-CƠ 1: 2 – Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục.
1. Nhận biết rằng mục tiêu của đời sống của con người là phải chịu thử thách:
GIA-CƠ 1: 12 – Phước cho người bị cám dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài.
Người bị thử thách thường đi tìm kiếm niềm tin. Người may mắn thì tìm được Chúa và tin Chúa. Còn người giàu có và bình yên thì thấy rằng không cần tin vào đấng nào cả, chỉ tin nơi tiền bạc mà thôi.
TRUYỀN ĐẠO 10: 19 – Người ta bày tiệc đặng vui chơi; rượu khiến cho đời vui; có tiền bạc thì ứng cho mọi sự.
TRUYỀN ĐẠO 7: 12 – Vì sự khôn ngoan che thân cũng như tiền bạc che thân vậy; nhưng sự khôn ngoan thắng hơn, vì nó giữ mạng sống cho người nào đã được nó.
GIA-CƠ 1: 11 – Mặt trời mọc lên, nắng xẳng, cỏ khô, hoa rụng, sắc đẹp tồi tàn: kẻ giàu cũng sẽ khô héo như vậy trong những việc mình làm.
MA-THI-Ơ 16: 26 – Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?
Sự khôn ngoan thắng hơn tiền bạc khi sự khôn ngoan đó đến từ Đức Chúa Trời.
CHÂM NGÔN 9: 10 – Kính sợ Đức Giê-hô-va, ấy là khởi đầu sự khôn ngoan. Sự nhìn biết Đấng Thánh, đó là sự thông sáng.
Thí dụ:
Sự khôn ngoan khi kính sợ Chúa là không hút thuốc lá để tránh hủy hoại đền thờ của Chúa. Làm như vậy thì sẽ tiết kiệm được tiền bạc, có hai lá phổi mạnh khỏe mà lại được phước trong Chúa vì biết tôn trọng đền thờ của Ngài.
Còn người có tiền bạc mà bị ung thư phổi vì cớ thuốc lá thì cũng không thể chữa khỏi được nhưng chỉ tốn hết tiền của mà thôi.
Vì đời sống con người là phải chịu thử thách cho nên chúng ta đừng lấy làm ngạc nhiên.
1PHI-E-RƠ 4: 12 – Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường.
Sự thử thách đó là bao gồm trong mọi phương diện của đời sống, từ sức khỏe, công ăn việc làm, tình cảm, giao tiếp…
Còn trong phương diện thuộc linh thì bị thử thách là điều đương nhiên.
Đức Chúa Trời thử thách mọi người, nhất là người Ngài yêu.
GIÓP 7: 18 – Loài người là gì mà Chúa kể là cao trọng? Nhân sao Chúa lưu ý đến người, viếng thăm người mỗi buổi sớm và thử thách người mỗi lúc mỗi khi?
Ma quỉ luôn luôn cám dỗ loài người, đó cũng là sự thử thách.
1PHI-E- RƠ 5: 8 – Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.
Sự thử thách thường đến thình lình, cho nên lời của Chúa trong Gia-cơ 1: 2 mới dùng chữ THOẠT ĐẾN, có nghĩa là đến lúc bất ngờ.
Nhưng nếu Cơ-đốc-nhân hiểu được rằng đời sống của con người là phải chịu thử thách thì khi thử thách đến không có gì là ngạc nhiên, nhưng mà đã có chuẩn bị trước.
1CÔ-RINH-TÔ 10: 13 – Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.
(còn tiếp)