TIN CHÚA CÓ ĐƯỢC TIỀN HAY KHÔNG?
Xin kính chào quý khán thính giả của Chương trình Giải đáp thắc mắc về niềm tin.
Trong số các thắc mắc gởi đến cho chúng tôi thì có một câu hỏi vui vui như thế nầy: Đó là tin Chúa có được tiền hay không?
Dẫu rằng niềm tin là điều thiêng liêng và trang nghiêm nhưng chúng tôi cũng sẽ giải đáp thắc mắc trên để các bạn có thể suy gẫm thêm.
Theo như Kinh thánh cho biết thì việc tin nhận Đức Chúa Trời cũng giống như việc một người con bị thất lạc và tìm lại được cha mình sau nhiều năm xa cách. Trong những trường hợp như vậy thì người con đáng lẽ phải vui mừng, hớn hở, chớ không bao giờ hỏi rằng cha sẽ có cho tiền mình hay không trước khi nhận lại cha ruột. Nếu hỏi như vậy thì chẳng lẽ cha không cho tiền thì người con sẽ không nhìn nhận ông là phụ thân của mình hay sao?
Đối với việc tin nhận Chúa thì cũng tương tự vậy. Mặc dầu Đức Chúa Trời là Đấng ban phước cho loài người, nhưng khi chúng ta đến với Ngài và tin nhận Ngài làm Cha thiên thượng của mình thì đó không phải là vì có được tiền hay không, mà là vì bổn phận hiếu thảo của một người con cần phải làm như vậy. Kinh thánh cho biết rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên vũ trụ, loài người, và như vậy thì Ngài là nguồn cội của sự sống, là tổ phụ của cả nhân loại, trong đó bao gồm cả dân tộc Việt Nam chúng ta, như đã có chép trong sách Sáng thế ký 1: 27 rằng:
Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ.
Mặc dầu các vua Hùng được xem là tổ tông của dân Việt chúng ta, nhưng các vị ấy không phải tự nhiên mà có. Các vua Hùng cũng được sanh ra bởi thân phụ mẫu của họ, và nếu cứ đi ngược dòng lịch sử cho đến các bộ tộc Âu Việt, Lạc Việt của miền Nam Trung Hoa ngày xưa, nơi dân Việt chúng ta xuất phát, và khi đi xa hơn nữa, cho đến tận nguồn gốc ban đầu của cả loài người, thì chúng ta đến với Đức Chúa Trời, là Đấng đã tạo dựng nên con người đầu tiên.
Dân Việt chúng ta khi thờ phượng tổ tiên thì chỉ nhớ đến các vua Hùng mà thôi, nhưng dầu vậy vẫn còn các thế hệ trước đó nữa. Vì thế khi chúng ta đến với Đức Chúa Trời và thờ phượng Ngài, thì điều đó có ý nghĩa như là việc trở về cội nguồn nguyên thủy của dân tộc để báo hiếu cho Đấng đã tạo dựng nên loài người trên mặt đất. Thờ phượng Đức Chúa Trời như vậy chắc chắn sẽ đẹp lòng Ngài và sẽ được Ngài ban phước cho. Bằng chứng thực tế điển hình là Hoa-kỳ và Nam Triều Tiên. Khi mới lập quốc người dân Hoa-kỳ đã biết thờ phượng Đức Chúa Trời nên mặc dầu là đất nước non trẻ chỉ có khoảng 400 năm lịch sữ mà thôi nhưng Hoa-kỳ lại trở nên cường quốc trên thế giới. Nam Triều Tiên cũng vậy, khi có khoảng 50% dân số Hàn quốc tin nhận Chúa thì đất nước của họ hưng thịnh và phồn vinh như chúng ta thấy ngày hôm nay. Đó là phước mà Đức Chúa Trời ban cho họ, như lời Kinh thánh đã khẳng định trong Thi thiên thứ 144 câu 15 rằng:
Phước cho dân nào được quang cảnh như vậy! Phước cho dân nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình!
Báo hiếu cho cha mẹ là điều tốt đẹp và khi chúng ta biết báo hiếu Đức Chúa Trời bằng cách thờ phượng Ngài thì đó lại là điều tốt đẹp hơn nữa, vì biết nhớ đến cội nguồn nguyên thủy của loài người. Vì hiếu thảo là căn bản đạo đức của con người nên việc tin nhận Chúa có mục tiêu cao quý hơn, chớ không phải vì được tiền bạc mới tin nhận Ngài.
Hy vọng lời giải đáp ngắn gọn của chúng tôi thỏa mãn được thắc mắc của quý ông bà anh chị em.
Trân trọng kính chào quý khán thính giả và hẹn gặp lại trong chương trình phát hình lần tới.