TÌM KIẾM CHÚA (p. 2)
(tiếp theo)
Như vậy, theo như lời của Chúa đã phán trong Giê-rê-mi 29: 13 thì chúng ta có thể thấy rằng bước đầu tiên (hoặc được gọi là bí quyết thứ nhất) mà Cơ-đốc nhân cần phải thực hiện để có thể kinh nghiệm được Chúa (hoặc gặp được Ngài, theo cách dùng từ của Kinh thánh) là biết tìm kiếm Đức Chúa Trời. Chẳng những vậy thôi Cơ-đốc nhân cần phải tìm kiếm Ngài hết lòng, chớ chẳng phải là sự tìm kiếm lơ là, qua loa, làm cho có lệ.
Nếu Đức Chúa Jêsus đã dùng câu chuyện về của báu trong ruộng để làm hình bóng mô tả sự quý giá của Thiên đàng, thì Đức Chúa Trời lại là Đấng đáng kính yêu, đáng quý chuộng tỷ tỷ lần hơn. Bởi thế khi Cơ-đốc nhân tìm kiếm Ngài thì phải hết lòng mới hy vọng gặp được Chúa. Sự hết lòng là thước đo để cho thấy Cơ-đốc nhân quý chuộng Đức Giê-hô-va đến mức độ nào.
Trong đời sống nầy, khi người ta ưa chuộng hoặc ham thích một điều nào thì họ sẳn sàng trả giá, nhiều khi rất đắt, để được điều đó. Chúng tôi có thể trưng dẫn hàng ngàn thí dụ trong thực tế để minh chứng cho phương diện nầy. Chẳng hạn như khi một người công dân yêu nước thì anh sẳn sàng trả giá bằng sinh mạng để bảo vệ quê hương. Khi người cha người mẹ yêu con thì sẳn sàng làm lụng khổ nhọc suốt đời để lo cho con được đầy đủ. Khi vợ chồng yêu nhau thì họ sẳn sàng hy sinh mọi điều để gắn bó với nhau trọn đời. Khi một học trò quý chuộng sự học vấn thì không một cuộc chơi nào có thể cám dỗ em xa rời việc chăm chỉ với sách vở, bút mực. Đó là lẽ thường tình trong đời sống con người mà ai nấy trong chúng ta đều thấy được, hiểu được.
Vì thế Đức Chúa Trời đã dùng mẫu mực của sự hết lòng để yêu cầu Cơ-đốc nhân phải thực hiện khi tìm kiếm Ngài, để mỗi một người có thể tự xét rằng mình yêu Chúa, ao ước được Ngài đến mức độ nào. Chính điều nầy được dùng làm tiêu chuẩn đoán định đức tin của người đã tin Chúa, hầu cho đến ngày chung thẩm thì mọi miệng đều phải ngậm lại trước mặt Ngài, không thể cãi chối khi án phạt được rao ra. Nếu Cơ-đốc nhân tin Chúa thật lòng và nhận biết rằng Ngài là Đấng đáng quý chuộng hơn hết thì việc hết lòng tìm kiếm cho được Ngài ngự vào trong đời sống mình là điều đương nhiên. Người Cơ-đốc nhân ấy sẽ sẳn sàng trả bất cứ giá nào để được Ngài (sẽ chuyên cần trong sự cầu nguyện, sẽ cố gắng tra xem lời của Chúa, sẽ giữ mình khỏi tội lỗi) thậm chí tuận đạo mà không hề do dự hay đắn đo. Ngược lại, nếu Cơ-đốc nhân tin Chúa như là tin theo một tôn giáo của đời nầy, hoặc để nhắm đến một mục tiêu nào đó khác hơn Chúa (thí dụ như là để được vợ, hoặc để được chứng minh giấy tờ xuất ngoại…), hoặc tin sai lầm rằng hễ đã cầu nguyện tin Chúa thì chắc sẽ được cứu thì người đó hẳn không bao giờ chịu tìm kiếm Chúa, hoặc nếu có tìm thì cũng chỉ là thực hiện với sự thờ ơ, chớ không thật sự bằng cả tấm lòng họ, theo như điều Chúa đã chỉ định.
Tại chỗ nầy chúng tôi muốn dừng lại một chút để xem xét chi tiết hơn nữa về sự lơ là, không chịu tìm kiếm Đức Chúa Trời hết lòng của tôi con Ngài. Đây là một trong những thí dụ được dùng để thức tỉnh quý anh chị em chúng tôi trong đức tin, chớ không phải để chỉ trích hay phán xét. Mong rằng sau khi đọc qua thì nhiều người sẽ được nhắc nhở mà thay đổi thái độ của mình đối với Đấng đã chết vì chúng ta trên thập tự giá.
Lời của Chúa trong Kinh thánh có nhắc nhở Cơ-đốc nhân về việc nhóm họp lại với các anh chị em khác cùng đức tin để thờ phượng Chúa, và hễ chúng ta thấy càng gần đến thời kỳ Chúa trở lại chừng nào thì phải hết sức siêng năng khích lệ nhau để nhóm lại cách trung tín chừng nấy:
(Hê-bơ-rơ 10: 25) Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.
Khi Chúa khuyên phải làm điều nầy thì chắc rằng đó là điều đẹp lòng Ngài, nhưng trong thực tế có một số Cơ-đốc nhân, vì nhiều lý do khác nhau (chẳng hạn như vì giận mục sư hoặc giận một anh chị em nào đó trong Hội thánh) đã không thực hiện điều Chúa dạy dỗ. Họ quyết định không nhóm lại tại nhà thờ vào ngày Chúa nhật nữa mà cứ ở nhà riêng, mở TV, hoặc Youtube, hoặc băng đĩa, để nghe các bài giảng và gọi đó là một cách để thờ phượng Chúa. Thậm chí họ còn trưng dẫn Kinh thánh để nói rằng Đức Chúa Trời ở đâu cũng có và thách thức những người khác chứng minh là Chúa không có tại nhà riêng của họ. Trong phạm vi của bài viết nầy thì đó là sự tìm kiếm Chúa không hết lòng. Dẫu rằng Đức Chúa Trời ở đâu cũng có nhưng Chúa đã chỉ định sự nhóm lại cùng các Cơ-đốc nhân khác là hình thức để thờ phượng Ngài và chúng ta không thể thay đổi được mạng lệnh ấy. Chính các sứ đồ ngày xưa cũng dùng sự nhóm lại với các Cơ-đốc nhân khác để thờ phượng Chúa:
(Công vụ 20: 7) Ngày thứ nhất trong tuần lễ, chúng ta đang nhóm lại để bẻ bánh; Phao-lô phải đi ngày mai, nên người nói chuyện với các môn đồ, và cứ giảng luôn cho đến nửa đêm.
(Công vụ 13: 44) Ngày Sa-bát sau, gần hết cả thành đều nhóm lại để nghe đạo Chúa.
(Công vụ 16: 13) Đến ngày Sa-bát, chúng ta ra ngoài cửa thành, đến gần bên sông, là nơi chúng ta tưởng rằng người ta nhóm lại đặng cầu nguyện; chúng ta ngồi xong, giảng cho những đàn bà đã nhóm lại.
Vì vậy việc ở tại nhà vào ngày Chúa nhật, và dầu là có nghe bài giảng, vẫn không thể gọi là sự nhóm lại để thờ phượng Chúa theo nghĩa thông thường. Dầu rằng có những trường hợp đặc biệt mà gia đình nhóm lại, hoặc chúng ta đến nhà riêng của một người bệnh liệt giường để giúp người ấy có cơ hội thờ phượng Chúa tại chỗ, thì sự nhóm lại thờ phượng Chúa phải nên tổ chức nơi quy định hẳn hoi và được sự đồng ý của các con cái Chúa cùng trong một khu vực. Việc đọc Kinh thánh, hát thánh ca, nghe giảng lời Chúa một mình tại nhà đang khi địa phương có Hội thánh và có nơi nhóm họp thường xuyên mỗi tuần không thể được kể là thờ phượng Chúa theo nghĩa mà Kinh thánh đã phán dạy.
Trở lại với ý chính của bài viết nầy thì sự thờ phượng Chúa một mình theo cách ấy tại nhà riêng không bày tỏ được tấm lòng hết sức để tìm kiếm Chúa. Vì ở tại tư gia Cơ-đốc nhân có thể không tề chỉnh trong trang phục, không có sự hòa lòng để ngợi khen Chúa, không có sự kỉnh kiềng đúng mức để lắng nghe lời Kinh thánh và còn nhiều điều khác nữa mà khung cảnh riêng tại nhà có thể làm mất sự trang nghiêm cần phải có như khi thờ phượng Chúa tại Hội thánh. Chỉ riêng về tấm lòng cũng đã không chứng tỏ được việc tìm kiếm Chúa theo như lời Kinh thánh trong Giê-rê-mi 29: 13. Nếu so sánh việc thờ phượng Chúa tại hai nơi như vậy thì ở tại nhà riêng Cơ-đốc nhân không bày tỏ hết được tấm lòng sẳn sàng trả giá của mình khi thờ phượng Chúa (thắng hơn sự buồn giận trong lòng cũng là một cách bày tỏ sự chịu trả giá để tìm kiếm Chúa).
Theo nguyên tắc trong lời của Chúa thì nếu không hết lòng thì Cơ-đốc nhân không thể tìm thấy được Đức Chúa Trời, mà trong trường hợp nầy, là sự thờ phượng Chúa một mình tại nhà riêng. Bỏ sự nhóm họp tại Hội thánh để làm điều vô ích như vậy thì lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng thiếu sức sống thuộc linh (vì không tìm thấy được Đức Chúa Trời), đức tin sa sút và một thời gian sau thì mất hẳn. Đã có nhiều trường hợp xãy ra như vậy cho những người hờn giận Hội thánh và bỏ sự nhóm lại tại nhà thờ vào ngày Chúa nhật. Theo thiển ý của chúng tôi thì vì Kinh thánh đã có phán dạy về sự nhóm họp, nên nếu Cơ-đốc nhân không thể nhóm được nơi nầy thì tốt hơn hết là kiếm một Hội thánh khác để nhóm lại thờ phượng Chúa, chớ đừng ngồi tại nhà nghe bài giảng và tự đánh lừa mình là cũng đang nhóm họp thờ phượng Chúa.
Chúng ta thử suy nghĩ đến việc hít thở không khí để minh chứng cho điều mà chúng tôi vừa trình bày ở trên. Không khí thì ở đâu cũng có, nhưng chỉ những người biết hít thở sâu mới nhận được hết lợi ích của không khí. Theo các chuyên gia về lá phổi và sự hô hấp thì người bình thường chỉ hít không khí vào đến cuống phổi rồi thở ra. Sự hít thở như vậy chỉ cung cấp một lượng oxy rất nhỏ nên khi hoạt động nhiều một chút người ta gặp phải tình trạng thiếu hơi (thiếu dưỡng khí) làm mặt trở nên đỏ, hơi thở gấp rút, đứt quảng, dễ bị chóng mặt, lảo đảo. Nhưng đối với những người biết hít thở sâu và luyện tập thường xuyên thì họ tránh được tình trạng trên. Ấy là vì họ dùng cơ bụng để thở và khi hít vào thì hít rất sâu để không khí có thể vào đầy đến phần dưới của hai lá phổi. Nhờ hít thở như vậy mà họ có được lượng oxy đầy đủ cho cơ thể, mạch tim đập chậm rãi, đều đặn, tâm trí thư dãn, ngay cả khi hoạt động nhiều cũng không gặp phải trường hợp thiếu dưỡng khí như những người kia. Điều nầy có thể thấy được rõ ràng nơi những ca sĩ chuyên nghiệp. Để hát được hay họ không những có giọng ca mà còn phải biết hít thở đúng phương pháp. Đối với người bình thường như chúng ta thì khi hát chúng ta dễ bị thiếu hơi, mất tiếng; nhưng đối với các ca sĩ chuyên nghiệp thì họ nhiều khi vừa hát vừa nhảy múa mà giọng ca vẫn không bị ảnh hưởng bao nhiêu.
Trong phương diện thuộc linh cũng như vậy, mặc dầu ở đâu cũng có Đức Chúa Trời, nhưng sự thờ phượng chung với các Cơ-đốc nhân khác vẫn tốt hơn là ngồi một mình tại nhà riêng thờ phượng Ngài. Ấy là vì Chúa đã quyết định rằng Cơ-đốc nhân phải trả giá, phải hết lòng khi tìm kiếm Ngài, thì là dù trong sự thờ phượng, học Kinh thánh, cầu nguyện hay mọi sự khác thì mẫu mực nầy vẫn là thước đo được sử dụng để đoán định tấm lòng của tôi con Chúa đối với Đấng Toàn Năng.
Vì vậy, căn cứ vào lời của Chúa đã phán trong Giê-rê-mi 29: 23 thì chúng ta có được câu trả lời cho những thắc mắc về việc tại sao có sự khác biệt trong đời thuộc linh của Cơ-đốc nhân, của từng người hầu việc Chúa. Nguyên do cũng là vì người đó có chịu tìm kiếm Đức Chúa Trời hết lòng hay không mà thôi. Nhưng vấn đề chưa chấm dứt tại đây, vì sự tìm kiếm Chúa hết lòng mới chỉ là chặng thứ nhất trong cố gắng hiểu được ý muốn của Đức Chúa Trời để nhờ đó Cơ-đốc nhân nhận được sự sống đời đời theo như lời Đức Chúa Jêsus đã phán:
(Ma-thi-ơ 7: 21) Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước Thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.
Đức Chúa Trời đã đòi hỏi rằng chỉ những kẻ tìm kiếm Ngài hết lòng mới gặp được Ngài, nhưng muốn biết được ý muốn của Chúa thì Cơ-đốc nhân còn phải làm hơn điều đó nữa.
Có một số người vẫn thường tự hào rằng họ biết được ý muốn của Đức Chúa Trời cho chính mình hoặc cho người nầy người khác. Nhưng việc tuyên bố như vậy là dễ dàng, ai cũng làm được, vì họ có thể lấy tư tưởng riêng của chính họ rồi tự cho rằng đó là ý muốn của Chúa. Những người như vậy tưởng rằng làm thế sẽ không có ai khám phá ra được sự thật. Vì vậy, vấn đề kiểm chứng để biết điều nào là ý muốn của Chúa và điều nào thì không phải là cả một sự khó khăn, cần phải xem xét một cách cẩn thận.
Để con dân Chúa có thể phân biệt được đâu là ý muốn của Chúa thì Kinh thánh chính là bản chỉ dẫn chính xác nhất để từ đó Cơ-đốc-nhân có thể tự tin và dạn dĩ kiểm chứng những ý tưởng của chính cá nhân mình và lời tuyên bố của những người khác.
(còn nữa)