THỜ LẠY THẦN TƯỢNG
(1Cô-rinh-tô 10: 14) Hỡi kẻ yêu dấu của tôi, vậy nên hãy tránh khỏi sự thờ lạy hình tượng.
Thờ lạy thần tượng là một trong những trọng tội mà dân Y-sơ-ra-ên đã phạm và khiến cho họ bị hình phạt nặng nề, đến nỗi bị mất nước, bị đi lưu đày. Ngay từ buổi đầu tiên được giải cứu khỏi ách nô lệ tại Ai-cập, dân Y-sơ-ra-ên đã được Ðức-Chúa-Trời truyền phán cho Mười Ðiều Răn làm căn bản cho niềm tin nơi Chúa, mà trong đó có sự cấm thờ lạy thần tượng. Nhưng họ vẫn cứ phạm tội nầy mãi luôn cho đến khi bị đi lưu đày tại Ba-by-lôn.
Ðối với Cơ-đốc-nhân thì việc từ bỏ thần tượng và cấm không được thờ lạy thần tượng dưới bất cứ hình thức nào cũng là niềm tin căn bản của những ngày đầu tiên tin nhận Chúa. Nhưng tôi con Ðức-Chúa-Trời vẫn phạm tội nầy thường xuyên dưới nhiều hình thức, đến nỗi tình trạng mất phước vẫn tiếp tục tồn tại trong Hội thánh và trong từng đời sống cá nhân.
Nhiều Cơ-đốc-nhân lầm tưởng rằng điều răn cấm không được thờ lạy thần tượng chỉ liên quan đến ảnh tượng và việc thờ cúng thông thường như trong nếp văn hóa của người Việt Nam chúng ta. Nhưng thật ra luật pháp nầy bao gồm những phương diện rất rộng lớn trong đời sống thường nhật của mỗi Cơ-đốc-nhân. Khi nghiên cứu cẩn thận các lời đã được ghi chép trong Kinh thánh thì chúng ta sẽ hiểu rõ ràng hơn về điều răn nầy.
I. Mạng lệnh của Chúa về thần tượng:
A. Cấm thờ thần tượng:
(2Các Vua 17: 35) Đức Giê-hô-va đã lập giao ước với chúng, truyền dạy chúng rằng: Các ngươi chớ kính sợ các thần khác, chớ thờ lạy, hầu việc chúng nó, và đừng tế lễ chúng nó.
Giao ước mà Ðức Giê-hô-va đã lập ngày xưa với dân Y-sơ-ra-ên đã được Ngài cứu chuộc khỏi ách nô lệ của Pha-ra-ôn cũng vẫn còn có tác dụng đối với Cơ-đốc-nhân chúng ta ngày hôm nay, là tuyển dân Y-sơ-ra-ên thuộc linh được cứu khỏi ách tội lỗi của ma quỷ.
Một số tôi con Chúa biện minh rằng vì ông bà tổ tiên không phải là thần nên điều răn của Chúa không áp dụng được trong khía cạnh nầy. Nhưng thật ra sự cúng kiếng của người Việt chúng ta là bày tỏ tấm lòng tôn trọng, kính sợ các người đã qua đời, cho nên vẫn phải chịu dưới luật pháp về sự thờ lạy thần tượng.
Ðức-Chúa-Trời đã dạy dỗ chúng ta phải biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ, nhưng là theo cách khác hẳn, tức là khi các vị ấy còn sống. Việc thờ cúng chỉ là quan điểm riêng của người Việt chúng ta và một số dân tộc khác, nhất là tại Á-châu. Ðó không hẳn là cách tưởng nhớ và báo hiếu duy nhất. Vì nếu không phải như vậy thì chẳng lẽ chúng ta bảo rằng những dân tộc không thờ cúng ông bà cha mẹ đều là bất hiếu hết cả?
Mặc dầu chúng ta là người Việt, có truyền thống văn hóa riêng, nhưng vì đã vâng phục Chúa thì luật pháp của Ngài có ghi trong Kinh thánh chúng ta phải tuân theo. Bằng nếu nói rằng người tin Chúa của dân tộc nào cứ giữ lấy phong tục tập quán của riêng dân tộc ấy, thì Kinh thánh được viết ra để làm chi? Ðể đọc chơi rồi bỏ qua?
Người xưa Việt Nam chúng ta có câu ‘Tứ hải giai huynh đệ’, có nghĩa là mọi người trong bốn biển năm châu đều là anh em một nhà, có chung một nguồn gốc; nhưng nếu cứ giữ sắc thái riêng không chịu thay đổi thì làm sao có thể đến gần với nhau để hiệp thành một nhà? Thêm nữa, văn hóa là quan điểm riêng của từng dân tộc, không thể so sánh hơn kém, vậy thì chúng ta nên theo nền văn hóa nào, bỏ nền văn hóa nào, để hòa hiệp với nhau?
Nhưng nếu đã chấp nhận rằng ‘Tứ hải giai huynh đệ’ thì tại sao chúng ta không nêu gương cho người khác trong việc vâng theo lời phán của Chúa để giúp họ cũng có thể trở về với Ngài, mà lại tìm cách biện minh để giữ lấy văn hóa riêng?
Chưa có tôn giáo nào mà vị thần chính thức của tôn giáo đó tuyên bố rằng đã dựng nên vũ trụ và tạo thành loài người. Chỉ có một mình Ðức-Chúa-Trời là Ðấng đã tuyên bố như thế mà thôi. Như vậy Ngài là Ðấng Cội Nguồn của nhân loại, và tất cả các thế hệ tổ tiên của mọi dân tộc trên thế giới khi qua đời đều trở về với Ngài, như câu mà người xưa đã nói, rằng ‘Lá rụng về cội’. Vậy thì việc Cơ-đốc-nhân thờ phượng Ðức-Chúa-Trời tức là đã báo hiếu đầy đủ cho tất cả các thế hệ tổ tiên từ trước cả thời vua Hùng.
B. Cấm quỳ lạy:
(Xuất Ê-díp-tô ký 20: 5) Ngươi chớ quì lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó; vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhân tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời.
Có một số Cơ-đốc-nhân không hề muốn tuân theo sự dạy dỗ nầy của Chúa, vẫn cứ tiếp tục quỳ lạy bàn thờ, xem đó như là cách để bày tỏ lòng hiếu thảo đối với tổ tiên. Thậm chí có người còn biện minh rằng dẫu bên ngoài họ quỳ lạy nhưng trong lòng không thật sự thờ phượng thì cũng đâu có sao. Có một số mục sư ủng hộ cách biện minh nầy và hướng dẫn con cái Chúa làm như vậy mỗi khi có người đến để hỏi về điều cần phải làm khi họ trở về thăm lại quê nhà và bà con gia tộc.
Mạng lệnh của Chúa không hề dạy rằng Cơ-đốc-nhân có thể quỳ lạy bằng hình thức bên ngoài nhưng trong tấm lòng đừng quỳ lạy, nhưng các người ấy vẫn cố bẻ cong lời của Chúa để làm vừa lòng con người, để tránh bị gia đình bắt bớ, để không gặp khó khăn trong mối giao tiếp với người khác. Họ là những người muốn đi con đường rộng rãi của trần gian.
Cách biện minh như trên cho thấy rằng những Cơ-đốc-nhân quỳ lạy thần tượng vừa bất tuân luật pháp của Chúa vừa có tánh gian dối nữa, vì hành động bên ngoài và tấm lòng bên trong mâu thuẫn nhau. Ðó cũng là lý do mà câu Kinh thánh trên cho biết rằng những người quỳ lạy thần tượng là kẻ ghét Ðức-Chúa-Trời, và án phạt dành cho họ đã định từ lâu.
C. Chớ bắt chước:
(Xuất Ê-díp-tô ký 23: 24) Ngươi chớ quì lạy và hầu việc các thần chúng nó; chớ bắt chước công việc họ, nhưng phải diệt hết các thần đó và đạp nát các pho tượng họ đi.
Về vấn đề tránh việc thờ lạy thần tượng thì Ðức-Chúa-Trời đã có phán dạy rất rõ ràng trong tất cả các phương diện. Trong câu Kinh thánh nầy thì Chúa ngăn cấm con dân Ngài đừng bắt chước ngay cả các nghi thức của sự thờ lạy thần tượng. Vì sự bắt chước về hình thức lúc đầu có vẻ như vô hại, nhưng lâu dần điều đó sẽ trở thành sự cám dỗ và dần dà dẫn đến việc thờ lạy thần tượng lúc nào chẳng hay.
Ðể tránh cho dân Y-sơ-ra-ên khỏi sa vào tội thờ lạy thần tượng, Ðức-Chúa-Trời đã căn dặn họ kỹ lưỡng trước khi qua sông Giô-đanh để vào Ðất hứa, rằng họ phải đuổi hết các dân tộc ngoại bang hầu không bắt chước các thói tục mà Ðức-Chúa-Trời gớm ghiếc:
(Phục truyền 18: 9) Khi ngươi đã vào xứ mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho; chớ tập bắt chước những sự gớm ghiếc của các dân tộc ở tại đó.
Nhưng dân Y-sơ-ra-ên đã không vâng lời Chúa một cách trọn vẹn, vẫn để cho một phần dân Ca-na-an ở lại trong xứ. Mặc dầu dân Y-sơ-ra-ên bắt họ phải phục dịch và dường như điều đó tạo được sự lợi ích ban đầu, nhưng rốt lại trở thành cái bẫy cho dân sự của Chúa. Việc gần gũi giao tiếp với các dân tộc từng sống tại đấy, dầu là dưới bất cứ hình thức nào, cũng khiến cho dân Y-sơ-ra-ên bắt chước thói quen thờ lạy thần tượng của dân Ca-na-an và bởi đó mà phạm tội trước mặt Ðức-Chúa-Trời.
Ðối với Cơ-đốc-nhân Việt Nam thì điều nầy vẫn thường thấy xãy ra trong cuộc sống hiện tại. Nhiều người sau khi đã tin Chúa rồi vẫn còn giữ thói quen xá bàn thờ để tỏ lòng tôn trọng, thắp vài nén nhang để cho người khác thấy mình có lòng thành tâm. Những người nầy biện minh rằng vì đó là phong tục tập quán lâu đời của người Việt nên cứ thực hiện để giữ mối quan hệ tốt trong gia đình hoặc sự giao tiếp ngoài xã hội, miễn là trong lòng không có thờ phượng thì thôi. Quan điểm nầy không chỉ thấy nơi Cơ-đốc-nhân bình thường, mà còn được một số các mục sư ủng hộ nữa.
Thậm chí trong nhiều gia đình Cơ-đốc vẫn còn giữ lệ mỗi năm nấu một bữa cơm đặc biệt để tưởng nhớ người đã qua đời. Mặc dầu bữa ăn có khi không tổ chức đúng ngày chết của người đã nằm xuống, nhưng họ vẫn mời con cháu tụ hội về để dùng bữa với nhau và không khí lúc ấy chẳng khác gì một bữa giỗ, chỉ có thiếu nhang đèn và cảnh xá lạy mà thôi. Có người còn đến đứng trước ảnh người chết để cầu nguyện (mặc dầu là cầu nguyện với Chúa), nhưng nhìn qua thì chẳng khác gì đang khấn vái với người đã qua đời.
Tất cả những điều đó đều được xem như là bắt chước sự thờ lạy thần tượng của người chưa biết Chúa. Ðó là điều mà Ðức-Chúa-Trời đã ngăn cấm con dân của Ngài đừng phạm đến, tức là những người thuộc trong vòng tuyển dân Y-sơ-ra-ên thuộc thể và thuộc linh. Thế cho nên, sự bắt chước cung cách hoặc hình thức của kẻ thờ lạy thần tượng là phạm tội trước mặt Ðức-Chúa-Trời.
D. Cấm làm (sản xuất) thần tượng:
1. Hình tượng của Chúa:
(Xuất Ê-díp-tô ký 20: 23) Vậy, chớ đúc tượng thần bằng bạc hay bằng vàng mà sánh với ta.
Khi Ðức-Chúa-Trời đã ngăn cấm việc làm hình tượng thì điều đó bao gồm cả việc không được làm (nắn, đúc) thần tượng cho người khác thờ lạy và việc chạm khắc hình tượng cho Cơ-đốc-nhân để bày tỏ sự tôn trọng đối với Chúa.
Nhiều Cơ-đốc-nhân nghĩ rằng họ không thờ lạy thần tượng nào khác ngoài Chúa, nên thường có ảnh tượng của Chúa trong nhà, ngoài sân, trong xe như là cách bày tỏ đức tin và lòng tôn trọng Chúa. Dầu rằng họ không chưng bày ảnh tượng của Chúa nơi cao với nhang đèn như một số các hệ phái trong Cơ-đốc-giáo, nhưng họ vẫn bày tỏ lòng sùng kính đối với những ảnh tượng ấy đến nỗi có nhiều người lồng hình vẽ của Ðức Chúa Jêsus vào những khung tranh đắc giá hoặc chịu bỏ ra một món tiền lớn mua ảnh tượng của Chúa về treo tại những nơi tôn trọng nhất trong nhà.
Ðó không phải là cách bày tỏ niềm tin trong Chúa của chúng ta.
Tất cả các hình ảnh đó đều không thể mô tả được chân dung của Chúa. Những họa sĩ đã vẽ hình của Chúa trái ngược hoàn toàn với lời Kinh thánh đã mô tả về Ngài, rằng:
(Ê-sai 53: 2) Người đã lớn lên trước mặt Ngài như một cái chồi, như cái rễ ra từ đất khô. Người chẳng có hình dung, chẳng có sự đẹp đẽ; khi chúng ta thấy người, không có sự tốt đẹp cho chúng ta ưa thích được.
Ðức Chúa Jêsus vào trong trần gian để chịu khổ nhục và chết. Ngài sinh vào trong một gia đình thợ mộc bần hàn, và khi lớn lên Chúa thường phải chịu những gian nan nhọc nhằn của những ngày tháng dong ruổi đường xa để giảng Tin Lành, nhiều khi phải nhịn đói, thế thì làm sao Chúa có được gương mặt phương phi, đẹp đẽ như những họa sĩ đã mô tả? Thậm chí, đến một chỗ ngủ thông thường để Chúa được an giấc còn không có, như điều Kinh thánh đã chép về lời phán của Ngài, rằng:
(Ma-thi-ơ 8: 20) Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu.
Thêm nữa, các họa sĩ nhiều khi còn vẽ hình của Chúa với vầng hào quang trên đầu. Ðiều đó hoàn toàn đi ngược lại với tín lý đã có ghi trong Kinh thánh:
(2Giăng 1: 7) Trong thế gian đã rải nhiều kẻ dỗ dành, là kẻ chẳng xưng Đức Chúa Jêsus Christ lấy xác thịt mà đến: ấy đó thật là kẻ dỗ dành và kẻ địch lại Đấng Christ.
Mặc dầu đó chỉ là hình vẽ nhưng cũng nói lên được sự sai lạc trong tín lý hoặc sự thiếu hiểu biết lời Kinh thánh của những nghệ nhân ấy. Một người khi còn sống trong xác thịt không thể nào có được vầng hào quang như vậy. Còn khi Ðức Chúa Jêsus hóa hình thì toàn thân Ngài trở nên sáng lòa chớ không phải chỉ có vầng hào quang trên đầu mà thôi. Vì thế, khi chúng ta để ý thì có thể thấy rằng đối với những hệ phái trong Cơ-đốc-giáo mà tôn sùng những hình ảnh mô tả về Ðức Chúa Jêsus giống như vậy thì đều có những tín lý sai lầm rất tai hại cho đức tin của con dân Ngài.
Vả lại, cũng có các con cái Chúa hỏi thăm chúng tôi về việc một người làm nghề nắn đúc thần tượng, sau khi đã tin Chúa rồi thì phải làm sao. Ðây là điều mà mỗi cá nhân của người tin Chúa phải quyết định. Nếu chúng ta đã biết điều Ðức-Chúa-Trời không đẹp lòng thì cách tốt nhất để làm vừa ý Ngài là từ bỏ điều đó đi. Khi chúng ta biết rằng Chúa đã ngăn cấm việc nắn đúc thần tượng, dầu là cho chính mình hay cho người khác, thì tốt hơn hết là người đó phải đổi nghề sau khi đã tin Chúa hầu cho có thể nhận được sự ban phước của Chúa, cũng xem đó như là cách bày tỏ đức tin mãnh liệt của mình trong sự vâng phục Chúa.
Chúng ta cứ liên tưởng đến thực tế thì sẽ thấy được điều nầy. Nếu Cơ-đốc-nhân chúng ta không hút thuốc lá vì biết điều đó làm thiệt hại đến cơ thể, nhất là buồng phổi, tức là làm thiệt hại đến đền thờ của Chúa (là thân thể chúng ta) nhưng lại bán thuốc lá cho người khác hút thì sự nhận biết đó không ích lợi gì hết. Chúng ta làm như vậy là thiếu tình yêu thương, chẳng khác chi kẻ không hút ma túy nhưng lại bán thứ nguy hiểm độc hại đó cho cho người khác.
Vì vậy, nếu lời của Chúa đã ngăn cấm việc nắn đúc thần tượng thì tốt hơn hết Cơ-đốc-nhân chúng ta nên từ bỏ công việc đó để được đẹp lòng Ðức-Chúa-Trời, và để có thể nhận được lời hứa tuyệt diệu của Ngài, rằng:
(1Giăng 2: 17) Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.
2. Làm hình tượng cho chính mình:
(Xuất Ê-díp-tô ký 20: 4) Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia, hoặc nơi đất thấp nầy, hoặc trong nước dưới đất.
Vì Ðức-Chúa-Trời đã phán dạy rõ ràng về vấn đề hình tượng nên trong niềm tin của người Tin Lành chúng ta không có việc tôn sùng hoặc trân trọng những hình ảnh, tượng đúc của bất cứ ai, ngay cả hình tượng của các thánh.
Nhưng một số các hệ phái khác của Cơ-đốc-giáo thì lại quảng bá việc tôn sùng, thậm chí cầu nguyện, không những với các bức tượng của nhiều nhân vật có ghi tên trong Kinh thánh, mà còn với xác chết của những người mà họ đã phong thánh (gọi là thánh tích), việc xông hương, xá lạy trước các mảnh xương còn sót lại của những người đã qua đời cách nay hàng trăm, hàng ngàn năm. Mặc dầu họ dùng mọi cách để biện minh cho sự tôn sùng như vậy, nhưng vẫn là điều hoàn toàn trái ngược với sự phán dạy của Ðức-Chúa-Trời có ghi trong Kinh thánh:
(Lê-vi-ký 26: 1) Các ngươi chớ làm những hình tượng; hoặc hình chạm, hoặc hình đúc; chớ dựng trong xứ mình một hòn đá nào có dạng-hình, đặng sấp mình trước mặt hình đó, vì ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các ngươi.
(Phục truyền 4: 16-19) E các ngươi phải làm hư hoại cho mình chăng, và làm một tượng chạm nào, tạo hình trạng của tà thần nào, hoặc hình của người nam hay người nữ, hoặc hình của con thú nào đi trên đất, hoặc hình của vật nào có cánh bay trên trời, hoặc hình của loài côn trùng nào bò trên đất, hay là hình của con cá nào ở trong nước dưới đất; lại, e khi ngươi ngước mắt lên trời thấy mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, tức là toàn cả thiên binh, thì ngươi bị quyến dụ quì xuống trước các vì đó, và thờ lạy các tinh tú nầy mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã chia phân cho muôn dân dưới trời chăng.
Ngoài ra, nếu chúng ta nhìn theo một khía cạnh khác, thì lời phán của Chúa trong các câu Kinh thánh vừa trưng dẫn ở trên về việc chớ làm tượng chạm cho mình còn có nghĩa là Cơ-đốc-nhân không được tôn sùng chính bản thân mình.
Mới nghe thoáng qua thì điều nầy có vẽ như không thực tế, vì ít có người, nhất là con cái của Chúa, lại làm tượng của chính mình để thờ lạy. Nhưng nếu chịu khó suy gẫm một chút thì chúng ta sẽ thấy điều răn nầy hoàn toàn chính xác và có thể áp dụng cho mỗi một người trong vòng anh chị em chúng ta.
Trong thời đại ngày nay, có thể Cơ-đốc-nhân không làm tượng chạm của chính mình bằng đất, đá, vàng, bạc nhưng có thể chạm chính cá nhân mình lên tấm lòng để tôn sùng bản thân. Kinh thánh cho biết đó là tội lỗi đáng bị hình phạt:
(Gióp 31: 27-28) Nếu lòng tôi có thầm mê hoặc, và miệng tôi hôn gởi tay tôi; Điều đó cũng là một tội ác đáng bị quan xét phạt; Vì nếu làm vậy, tôi đã từ chối Đức Chúa Trời trên cao kia.
Ðó cũng là một trong những hình thức thường thấy của lòng kiêu ngạo. Người ta hay đề cao chính bản thân để rồi từ đó khoe mình với người khác, chẳng hạn như việc có những người tự xưng là tiên tri của Ðức-Chúa-Trời mà chẳng có một bằng chứng nào khả dĩ đáng tin cậy cả, hoặc những người tự tuyên bố là đầy dẫy Ðức-Thánh-Linh nhưng lẽ thật căn bản của Kinh thánh thì không biết hoặc chỉ biết một cách mù mờ. Hoặc là trường hợp của những người cứ mãi miết trong cố gắng làm thỏa mãn tham muốn xác thịt của chính mình về địa vị, quyền lợi, danh vọng, bất kể là họ đang ở trong vị trí của người hướng dẫn con dân Chúa. Chính vì lẽ đó mà có lời của Ðức-Chúa-Trời đã phán trong Kinh thánh rằng sự tham lam và sự thờ hình tượng chỉ là một:
(Cô-lô-se 3: 5) Vậy hãy làm chết các chi thể của anh em ở nơi hạ giới, tức là tà dâm, ô uế, tình dục, ham muốn xấu xa, tham lam, tham lam chẳng khác gì thờ hình tượng.
Vì vậy Cơ-đốc-nhân phải cẩn thận, vì có thể chúng ta đang phạm tội thờ lạy thần tượng của bản thân mình bấy lâu nay mà chẳng hay.
Người trong thế gian thường có khuynh hướng tôn sùng chính mình. Trong chính trường, các lãnh đạo quốc gia cho đúc tượng của họ để dân chúng chiêm ngưỡng. Trong điện ảnh văn nghệ người ta đề cao bản thân, gọi đó là một hình thức quảng cáo, hay là phương pháp thương mại cần thiết. Trong giới văn chương, thể thao, khoa học, người ta cũng có cùng một cách giống như vậy, đến nỗi ngày nay mọi người xem các điều đó là bình thường.
Ðiểm đáng chú ý, ấy là Cơ-đốc-nhân khắp mọi nơi đã để cho chính mình sa vào tình trạng thờ lạy thần tượng con người mà chẳng hề biết đến, cũng chẳng hề băn khoăn thắc mắc để tự hỏi rằng làm như vậy có đẹp lòng Chúa hay không.
Trong vòng Cơ-đốc-nhân có những người say mê danh tài âm nhạc đến nỗi biết các sáng tác của người đó nhiều hơn các bài Thánh ca thường dùng để tôn vinh Chúa. Trong vòng Cơ-đốc-nhân có người say mê tiếng hát của một ca sĩ đến nỗi sẳn sàng bỏ buổi nhóm thờ phượng Chúa để đi dự các buổi ca nhạc chỉ với mục đích được tận mắt thấy người mà mình ái mộ và càng mừng rỡ hơn nữa nếu được bắt tay, xin được chữ ký, hoặc được chụp chung một tấm hình. Rồi khi về nhà thì hình ảnh của ca sĩ đó được treo khắp nơi, nào là trong phòng khách, trong phòng ăn, nhất là trong phòng ngủ, để mỗi đêm được nhìn thấy hình của người mà mình yêu thích, trong khi đó lại quên đọc Kinh thánh và cầu nguyện với Ðức-Chúa-Trời.
Trong vòng Cơ-đốc-nhân có những người say mê danh tài bóng đá hoặc các môn thể thao khác, đến độ biết từng chi tiết cá nhân, biết cuộc đời và tiểu sữ của người đó, nhớ nằm lòng những thành công trong thi đấu của người đó hơn là lời dạy của Ðức Chúa Jêsus và cuộc đời của Ngài trên đất.
Ngay cả trong phương diện thuộc linh, nhiều Cơ-đốc-nhân thích thú với những sách vở của các tôi tớ Chúa thành công, đến nỗi chúng trở thành sách gối đầu giường, cứ đọc đi đọc lại, trưng dẫn hết trang nầy sang trang khác mà Kinh thánh thì bỏ qua không đọc, hoặc chỉ đọc cho có lệ mà thôi chớ không dành thì giờ để nghiên cứu sâu xa cặn kẽ hơn.
Nguy hiểm nhất là việc có người say mê những sách vở mà trong đó có nhiều tín lý sai lạc với chân lý lẽ thật của Kinh thánh, nhưng vì choáng ngợp bởi sự thành công quá sức của các tác giả mà không hề bận tâm suy nghĩ rằng Ðức-Chúa-Trời đã phán gì về những tín lý và những đời sống thiếu chuẩn mực của Kinh thánh giống như vậy.
(Vì nếu Cơ-đốc-nhân có thể theo Chúa và phụng sự Ngài bởi lời hướng dẫn trong các sách vở, dầu là được viết bởi người đã tin hay người chưa tin, thì hóa ra Kinh thánh chỉ giữ vai trò thứ yếu? Hoặc giả việc Ðức-Chúa-Trời soi dẫn cho các tôi tớ Ngài viết ra Kinh thánh từ xưa hoàn toàn vô ích? Dẫu rằng chúng ta cần phải tăng thêm học thức như lời thư của Phi-e-rơ đã nhắc nhở, nhưng Kinh thánh vẫn là quyển sách mà chúng ta thông thuộc trước các sách vở khác, vẫn phải là sách gối đầu giường của mỗi Cơ-đốc-nhân. Có nhiều người biện minh rằng vì đọc Kinh thánh hoài mà không hiểu nên phải đọc các sách vỡ khác hoặc muốn Kinh thánh phải được dịch lại cho dễ hiểu hơn! Vậy thì tại sao không chuyên cần cầu nguyện với Chúa cho đến khi Ðức-Thánh-Linh giúp mình hiểu được mọi điều? Ðức-Chúa-Trời tạo dựng vũ trụ nầy chỉ bằng lời phán của Ngài, có lẽ nào Ngài lại không soi dẫn cho người hết lòng tìm cầu Chúa để có thể hiểu được Kinh thánh?)
Trở lại với vấn đề thờ lạy thần tượng, thì nếu có Cơ-đốc-nhân nào sa vào một trong những trường hợp kể trên, hoặc tương tự như vậy (mà chúng tôi không thể liệt kê hết được) thì người anh chị em đó đang thờ thần tượng loài người, phạm luật pháp của Ðức-Chúa-Trời mà chẳng hay. (Người ta dùng chữ thần tượng âm nhạc, thần tượng điện ảnh, thần tượng bóng đá quả chẳng sai chút nào).
Chúng ta phải cẩn thận và tỉnh thức, vì lời Kinh thánh đã phán tỏ tường rằng nếu một người đã phạm chỉ một điều răn mà thôi thì cũng bị xem như là phạm hết cả:
(Gia-cơ 2: 10) Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy.
Thử hỏi nếu một người phạm hết cả những điều Ðức-Chúa-Trời đã ngăn cấm thì làm sao hưởng được nước Thiên đàng? Làm sao nhận được sự cứu rỗi?
Lời Kinh thánh của thời kỳ Ân điển (chúng tôi nhấn mạnh đến chữ nầy) cho biết rằng Cơ-đốc-nhân phải giữ điều răn, bằng không thì người ấy là kẻ nói dối:
(1Giăng 2: 4) Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người.
Khi lẽ thật không ở trong người ấy thì điều đó có nghĩa là Ðức-Thánh-Linh cũng không có trong đời sống họ, vì Ngài là Thần Lẽ thật. Ðiều đó cũng có nghĩa là Ðức-Chúa-Trời không ở cùng họ, tương xứng với lời của Kinh thánh đã phán:
(1Giăng 3: 24) Ai vâng giữ các điều răn Ngài thì ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy; chúng ta biết Ngài ở trong lòng chúng ta, là nhờ Đức Thánh Linh mà Ngài đã ban cho chúng ta.
Vậy thì, nếu một người, mặc dầu trên danh xưng là Cơ-đốc-nhân, nhưng không có Thần Lẽ Thật để giúp sống một đời thánh khiết xứng đáng, không có Ðức-Thánh-Linh để ấn chứng cho đến ngày cứu chuộc, lại phạm điều răn cấm thờ lạy thần tượng, là điều bị xem là gớm ghiếc trước mặt Ðức-Chúa-Trời, lại bị kể là kẻ nói dối vì tin mà không làm theo, thì sao vào được Thiên đàng? Kinh thánh cho biết rằng Thiên đàng là nơi mà những kẻ nói dối không được vào:
(Khải huyền 21: 27) Kẻ ô uế, người làm điều gớm ghiếc và nói dối không hề được vào thành; nhưng chỉ có những kẻ đã biên tên trong sách sự sống của Chiên Con.
Thế thì, chúng ta hãy tránh khỏi sự thờ lạy thần tượng, dầu là bằng đá, gỗ vàng, bạc hoặc là những kẻ nổi danh trong đời nầy, nhất là khi thần tượng đó là chính bản thân mình. Mong rằng nhờ vâng theo lời Kinh thánh mà tất cả chúng ta đều sẽ gặp nhau tại nơi ngự vinh hiển của Ðức-Chúa-Trời. A-men.