THIÊN SỨ (bổ sung)
PHẦN THỨ TÁM – THIÊN ĐÀNG VÀ HỎA NGỤC
THIÊN SỨ
Kinh thánh cho biết rằng trong cõi hữu hình, Cơ-đốc-nhân xem nhau như là anh chị em trong một gia đình. Ấy là nhờ bởi đức tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ mà Cơ-đốc-nhân chúng ta gọi Đức Chúa Trời là Cha và như thế chúng ta (mặc dầu không cùng chung huyết thống) nhưng vẫn đối với nhau như là anh chị em. Cũng một thể ấy, trong cõi vô hình thì Cơ-đốc-nhân cũng có những anh chị em mà mắt thường không thấy được. Đó là các thiên sứ.
Có thể vì cùng sống chung trong một thế giới nên Cơ-đốc-nhân dễ nhận biết các anh chị em trong cùng một đức tin. Nhưng chúng ta ít biết về các thiên sứ lắm. Vì trong tương lai Cơ-đốc-nhân sẽ gặp họ khi Đức Chúa Trời cứu chúng ta vào trong vương quốc của Ngài, nên trong bài viết nầy chúng tôi sẽ cậy ơn Chúa và dùng Kinh thánh để cùng với các anh chị em khác trong đức tin tìm hiểu về các thiên sứ, là các anh chị em mà chúng ta đang có trong cõi vô hình.
Trước khi học biết về đặc điểm và tính cách của các thiên sứ, chúng tôi thiển nghĩ nên tìm hiểu một chút về danh xưng mà Kinh thánh vẫn thường gọi các thiên sứ để từ đó chúng ta sẽ được dễ dàng hơn trong việc trưng dẫn các câu Kinh thánh liên hệ đến các anh chị em ấy.
Kinh thánh cho biết rằng Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên các thiên sứ. Đây là lẽ đương nhiên, vì Ngài là Đấng tạo dựng nên mọi loài mọi vật, cả trong cõi vô hình lẫn hữu hình. Và vì được tạo nên bởi Đức Chúa Trời nên các thiên sứ cũng được mô tả bằng những từ ngữ tương đương mà Kinh thánh đã dùng để mô tả chính Đức Chúa Trời.
Kinh thánh đã dùng hình ảnh của mặt trời để mô tả về Đức Chúa Trời:
(Thi thiên 84: 11) Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời là mặt trời và là cái khiên; Đức Giê-hô-va sẽ ban ân điển và vinh hiển; Ngài sẽ chẳng từ chối điều tốt lành gì cho ai ăn ở ngay thẳng.
Khi dùng hình ảnh mặt trời để mô tả Đức Giê-hô-va thì Kinh thánh có ngụ ý cho chúng ta biết về một vài đặc điểm của Đức Chúa Trời. Thứ nhất là sự vinh hiển của Ngài, giống như sự chói sáng của mặt trời. Thứ hai là sự thánh kiết của Chúa.
Theo như sự ước tính của giới khoa học ngày nay thì mặt trời có độ nóng khoảng nhiều triệu độ C. Với sức nóng như vậy thì không có một loại vi trùng nào sống nổi. Điều đó giúp cho chúng ta hiểu được tại sao Kinh thánh dùng hình ảnh mặt trời để mô tả Đức Chúa Trời, nhất là để làm hình bóng về sự thánh khiết của Chúa, nghĩa là không có một điều ô uế nào mà Đức Chúa Trời dung chịu (hoặc nói một cách khác, không có một điều ô uế nào đến gần được Đức Chúa Trời, vì chắc chắn sẽ bị tiêu hủy hoàn toàn).
Không phải chỉ riêng trong Thi thiên mới mô tả Đức Chúa Trời như mặt trời, mà còn có nhiều chỗ khác trong Kinh thánh đã dùng mặt trời để mô tả Ngài:
(Ô-sê 6: 3) Chúng ta khá nhìn biết Đức Giê-hô-va; chúng ta khá gắng sức nhìn biết Ngài. Sự hiện ra của Ngài là chắc chắn như sự hiện ra của mặt trời sớm mai, Ngài sẽ đến cùng chúng ta như mưa, như mưa cuối mùa tưới đất.
Trong bài ca tụng của Xa-cha-ri (là cha của Giăng Báp-tít) thì ông cũng đã được Đức-Thánh-Linh cảm động để mô tả sự thăm viếng của Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên như là sự thăm viếng của mặt trời mỗi ngày cho loài người:
(Lu-ca 1: 78) Vì Đức Chúa Trời chúng tôi động lòng thương xót, và mặt trời mọc lên từ nơi cao thăm viếng chúng tôi.
Chẳng những Kinh thánh dùng hình ảnh mặt trời để mô tả Đức Chúa Trời mà cũng dùng để mô tả Đức Chúa Jêsus nữa. Cơ-đốc-nhân chúng ta đều biết rằng Đức Chúa Jêsus chính là Đức Chúa Trời hiện thân thành người, vì Ngài đã phán dạy như thế và Kinh thánh đã có ghi lại lời của Ngài trong sách Tin lành Giăng rằng:
(Giăng 10: 30) Ta với Cha là một.
Vì vậy, trong sự hiện thấy ban cho sứ đồ Giăng tại đảo Bát-mô, thì ông đã dùng hình ảnh mặt trời để mô tả dung mạo của Đức Chúa Jêsus:
(Khải huyền 1: 16) Tay hữu người cầm bảy ngôi sao; miệng thò ra thanh gươm nhọn hai lưỡi và mặt như mặt trời khi soi sáng hết sức.
(Xin xem thêm bài viết về ĐỨC CHÚA TRỜI và bài ĐỨC CHÚA JÊSUS CHRIST)
Nguyên tắc tạo dựng loài người của Đức Chúa Trời là nắn nên A-đam theo ảnh tượng của Chúa (có nghĩa là có sự đẹp đẽ hoàn mỹ):
(Sáng thế ký 1: 26) Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta hãy làm nên loài người như hình ta và theo tượng ta, đặng quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt đất, và khắp cả đất.
(Sáng thế ký 5: 1) Đây là sách chép dòng dõi của A-đam. Ngày mà Đức Chúa Trời dựng nên loài người, thì Ngài làm nên loài người giống như Đức Chúa Trời;
Nguyên tắc ấy chắc chắn cũng đã được Đức Chúa Trời áp dụng khi tạo dựng nên các thiên sứ để hầu việc Ngài, chính vì vậy mà Kinh thánh cũng đã mô tả họ giống như mặt trời (tức là dùng cùng một hình bóng để mô tả cả Đức Chúa Trời và thiên sứ):
(Khải huyền 10: 1) Đoạn, tôi lại thấy một vị thiên sứ khác sức mạnh lắm, ở từ trời xuống, có đám mây bao bọc lấy. Trên đầu người có mống; mặt người giống như mặt trời và chân như trụ lửa.
Chẳng những thế thôi Kinh thánh còn mô tả những người được cứu (tức là những người được kể là công bình trước mặt Đức Chúa Trời) cũng giống như mặt trời khi được vào Thiên đàng:
(Ma-thi-ơ 13: 43) Khi ấy, những người công bình sẽ chói rạng như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai, hãy nghe!
Sự Kinh thánh mô tả như vậy là hợp lý, vì trong tự nhiên (của cả cõi vô hình và hữu hình) thì con cái phải giống cha mẹ. Vì thiên sứ và loài người đều được tạo dựng nên bởi Đức Chúa Trời nên trong Thiên đàng họ đều phải giống như Chúa. Chính vì lẽ đó mà Kinh thánh dùng cùng một hình bóng để mô tả Đức Chúa Trời, thiên sứ và những người được cứu.
Viết đến đây thì chúng tôi thấy nên đề cập thêm một lần nữa đến một trong những lý do quan trọng khiến Cơ-đốc-nhân cần phải sống đạo, đó là vì yêu cầu của Kinh thánh rằng chúng ta phải giống như chính Đức Chúa Trời để có thể làm chứng tốt cho người chưa tin về Cha Thiên Thượng của chúng ta và về về việc chúng ta là con cái Ngài:
(Lê-vi ký 20: 26) Đối cùng ta các ngươi hãy nên thánh, vì ta, Đức Giê-hô-va, là thánh; ta đã phân rẽ các ngươi với các dân, để các ngươi thuộc về ta.
Sự thánh khiết trong đời sống của con dân Chúa là đặc điểm dùng để phân biệt giữa Cơ-đốc-nhân và người chưa tin, vì vậy mà lời của Chúa đã nhấn mạnh nhiều lần đến phương diện nầy:
(1Phi-e-rơ 1: 16) Bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh.
(Ê-phê-sô 5: 1) Vậy anh em hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con cái rất yêu dấu của Ngài.
Để chứng minh rằng chúng ta là con cái của Đức Chúa Trời thì Cơ-đốc-nhân phải có một đời sống thánh khiết theo gương mẫu trong Kinh thánh. Cũng chính vì lẽ đó, bất cứ một người nào không cố gắng cậy ơn ban của Đức-Thánh-Linh để sống một đời nên thánh hoặc từ chối vâng theo các mẫu mực trong lời của Chúa thì người đó không thể được vào Thiên đàng:
(Hê-bơ-rơ 12: 14) Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.
(Xin xem thêm bài BA YẾU TỐ CỦA SỰ CỨU RỖI và bài SỰ NÊN THÁNH)
Không những Kinh thánh dùng cùng một hình bóng để mô tả Đức Chúa Trời, các thiên sứ và những người được cứu, mà lời của Chúa còn dùng cùng một hình bóng để mô tả về Đức Chúa Jêsus, các thiên sứ và những người nhận được sự sống đời đời. Sự nhấn mạnh như vậy giúp cho chúng ta hiểu được rằng Cơ-đốc-nhân cần phải giống Chúa và các thiên sứ đều được kể là con của Đức Chúa Trời.
Kinh thánh ngoài việc mô tả Đức Chúa Jêsus giống như mặt trời, thì còn mô tả Ngài là ngôi Sao Mai. Đây chính là lời từ miệng Đức Chúa Jêsus phán ra và đã được sứ đồ Giăng ghi lại trong sách Khải huyền của ông:
(Khải huyền 22: 16) Ta là Jêsus, đã sai thiên sứ ta đến làm chứng về những sự đó cho các ngươi trước mặt các Hội thánh. Ta là chồi và hậu tự của Đa-vít, là Sao Mai sáng chói.
Lý do Đức Chúa Jêsus tự hình dung Ngài là ngôi Sao Mai, là tinh thể nhỏ hơn, ít chói sáng hơn mặt trời (tức là hình bóng dùng để mô tả Đức Giê-hô-va) là vì Chúa muốn chúng ta nhận biết Ngài trong thân vị của Đấng Christ, là Đấng ra từ Đức Chúa Trời.
Vì Đức Chúa Jêsus dùng hình ảnh Sao Mai để làm hình bóng về Ngài nên Kinh thánh cũng đã dùng chữ Sao Mai để mô tả việc Cơ-đốc-nhân cần được Đấng Christ cai trị trong lòng. Chúng ta có thể thấy được sự liên quan về hình bóng ấy trong hai câu gốc sau:
(2Phi-e-rơ 1: 19) Nhân đó, chúng tôi càng tin lời các đấng tiên tri chắc chắn hơ, anh em nên chú ý lời đó, như cái đèn soi sáng trong nơi tối tăm, cho đến chừng nào ban ngày lộ ra, và Sao Mai mọc trong lòng anh em.
(Ê-phê-sô 3: 16-17) Tôi cầu xin Ngài tùy sự giàu có vinh hiển Ngài khiến anh em được quyền phép bởi Thánh Linh mà nên mạnh mẽ trong lòng; đến nỗi Đấng Christ nhân đức tin mà ngự trong lòng anh em.
Ngoài ra Kinh thánh cũng còn cho biết thêm rằng vì Đức Chúa Jêsus (mặc dầu Ngài là Đức Chúa Trời hiện thân thành người) được kể là Con của Đức Chúa Trời nên Ngài được kể là Con Cả trong gia đình có nhiều con của Chúa.
(Rô-ma 8: 29) Vì những kẻ Ngài đã biết trước, thì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em.
Khi Kinh thánh cho biết Đức Chúa Jêsus là Con Cả thì điều đó có nghĩa là trên Thiên đàng Đức Chúa Trời còn có nhiều con cái khác, đó là các thiên sứ và những người sẽ được cứu.
Khi Kinh thánh dùng chữ Con Cả để mô tả về Đức Chúa Jêsus thì điều đó không có nghĩa là lời của Chúa tự mâu thuẫn với tín lý Đức Chúa Jêsus là Con Một của Đức Chúa Trời.
Chữ Con Một mà Kinh thánh đã xử dụng khi đề cập đến Đức Chúa Jêsus là có ý muốn nói đến việc Ngài ra từ Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời chỉ thực hiện điều đó một lần duy nhất mà thôi, vĩnh viễn không có lần thứ hai. Nói một cách khác để Cơ-đốc-nhân chúng ta dễ hiểu hơn thì việc Đức Chúa Trời hiện thân thành người, giáng sinh vào trong trần gian để chịu chết cho nhân loại chỉ được thực hiện một lần duy nhất mà thôi. Bởi lẽ đó mà Kinh thánh gọi Đức Chúa Jêsus là Con Một của Đức Chúa Trời.
(Hê-bơ-rơ 9: 26) Bằng chẳng vậy, thì từ buổi sáng thế đến nay, Ngài đã phải chịu khổ nhiều lần rồi. Nhưng hiện nay đến cuối cùng các thời đại, Ngài đã hiện ra chỉ một lần, dâng mình làm tế lễ để cất tội lỗi đi.
(Hê-bơ-rơ 9: 28) Cũng vậy, Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người; Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để cất tội lỗi đi nữa, nhưng để ban sự cứu rỗi cho kẻ chờ đợi Ngài.
Chữ CHỈ MỘT LẦN trong hai câu gốc trên minh chứng cho việc tại sao Kinh thánh gọi Đức Chúa Jêsus là Con Một của Đức Chúa Trời. Vì vậy, chữ ấy được dùng để mô tả chương trình cứu rỗi của Chúa dành cho nhân loại, tương xứng với các câu Kinh thánh sau đây:
(Công vụ 4: 12) Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.
(Giăng 14: 6) Vậy Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.
(Xin xem thêm bài viết về ĐỨC CHÚA JÊSUS CHRIST)
Trở lại với vấn đề Đức Chúa Jêsus được Kinh thánh gọi là Con Cả của nhiều anh em, thì điều đó có nghĩa là trong Thiên đàng Đức Chúa Trời còn có nhiều con cái khác nữa, là những đấng (thiên sứ) và những người (Cơ-đốc-nhân) được tạo dựng bởi Ngài.
Chính vì những vị ấy được kể là con của Chúa nên Kinh thánh, sau khi đã dùng chữ Sao Mai để mô tả Đức Chúa Jêsus, thì cũng dùng hình bóng ấy để mô tả các thiên sứ và những người được cứu.
Về những người được cứu thì có các câu gốc sau đây:
(Đa-ni-ên 12: 3) Những kẻ khôn sáng sẽ được rực rỡ như sự sáng trên vòng khung; Và những kẻ dắt đem nhiều người về sự công bình sẽ sáng láng như các ngôi sao đời đời mãi mãi.
(Khải huyền 2: 26 & 28) Kẻ nào thắng, và giữ các việc của ta đến cuối cùng, ta sẽ ban cho quyền trị các nước… Ta sẽ cho kẻ ấy ngôi sao mai.
Về các thiên sứ là con của Đức Chúa Trời thì có một số các câu gốc khác nữa:
(Gióp 38: 7) Trong khi ấy các sao mai đồng hát hòa nhau, và các con trai Đức Chúa Trời cất tiếng reo mừng.
(Khải huyền 1: 16 & 20) Tay hữu người cầm bảy ngôi sao; miệng thò ra thanh gươm nhọn hai lưỡi và mặt như mặt trời khi soi sáng hết sức… tức là sự mầu nhiệm của bảy ngôi sao mà ngươi thấy trong tay hữu ta, và của bảy chân đen vàng. Bảy ngôi sao là các thiên sứ của bảy Hội thánh, còn bảy chân đèn là bảy Hội thánh vậy.
(Phục truyền 4: 19) Lại, e khi ngươi ngước mắt lên trời, thấy mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, tức là toàn cả thiên binh, thì ngươi bị quyến dụ quì xuống trước các vì đó, và thờ lạy các tinh tú nầy mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đa chia phân cho muôn dân dưới trời chăng.
Chẳng những các thiên sứ và những người được cứu được Kinh thánh mô tả với cùng một hình bóng như đã dùng để mô tả Đức Chúa Jêsus, tức là dùng chữ ngôi sao, thì lời của Chúa cũng mô tả Sa-tan với cùng một hình bóng như vậy:
(Ê-sai 14: 12) Hỡi sao mai, con trai của sáng sớm kia, sao ngươi từ trời sa xuống! Hỡi kẻ giày đạp các nước kia, ngươi bị chặt xuống đất là thể nào!
Khi Đức Chúa Jêsus đã tự nhận rằng Ngài là Sao Mai thì Kinh thánh không thể dùng hình bóng ấy để mô tả Sa-tan trừ khi nó từng là thiên sứ và từng được kể là con trai của Đức Chúa Trời, bằng không thì Kinh thánh sẽ mang tội phạm thượng khi dám mô tả Đức Chúa Jêsus và Sa-tan với cùng một hình bóng. Nhưng chúng ta đều biết rằng Kinh thánh không thể sai lầm vì đã được soi dẫn bởi Đức-Thánh-Linh.
Chính vì vậy mà nhờ câu Kinh thánh vừa trưng dẫn ở trên chúng ta biết được rằng Sa-tan đã từng là thiên sứ và từng được kể là con trai của Đức Chúa Trời, khi lời của Chúa cho biết nó là con trai của sáng sớm (tức là hình bóng chỉ về mặt trời và chỉ về Đức Chúa Trời – vì nếu không có mặt trời thì làm sao có sáng sớm được). So sánh với câu Kinh thánh mà chúng tôi đã trưng dẫn về Đức Chúa Trời ở phần đầu thì chúng ta sẽ thấy điều đó rõ ràng hơn:
(Ô-sê 6: 3) Chúng ta khá nhìn biết Đức Giê-hô-va; chúng ta khá gắng sức nhìn biết Ngài. Sự hiện ra của Ngài là chắc chắn như sự hiện ra của mặt trời sớm mai, Ngài sẽ đến cùng chúng ta như mưa, như mưa cuối mùa tưới đất.
Như vậy, nếu Sa-tan mà còn được mô tả bằng hình bóng dành cho Đức Chúa Jêsus để cho chúng ta biết rằng nó từng là con trai của Đức Chúa Trời, thì huống chi là các thiên sứ thánh khiết khác, khi họ cũng được Kinh thánh mô tả bằng từ ngữ ngôi sao. Nhờ các câu Kinh thánh ấy mà chúng ta biết rằng các thiên sứ đều là con trai của Đức Chúa Trời, và bởi đó mà Kinh thánh đã gọi Đấng Christ là Con Cả của nhiều anh em.
Thực tế nầy đã được Kinh thánh nhấn mạnh thêm khi dùng chữ con trai của Đức Chúa Trời 3 lần trong cả Kinh thánh qua các câu sau đây:
(Sáng thế ký 6: 2) Các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm vợ.
(Gióp 1: 6) Vả, một ngày kia các con trai của Đức Chúa Trời đến ra mắt Đức Giê-hô-va, và Sa-tan cũng đến trong vòng chúng.
(Gióp 2: 1) Xảy ra một ngày kia, các con trai của Đức Chúa Trời đến ra mắt Đức Giê-hô-va, Sa-tan cũng có đến trong vòng chúng đặng ra mắt Đức Giê-hô-va.
Căn cứ vào hai câu Kinh thánh trong sách Gióp vừa trưng dẫn ở trên thì chúng ta có thể thấy được rằng: Vì từng là con trai của Đức Chúa Trời nên khi các thiên sứ ra mắt Ngài tại Thiên đàng thì Sa-tan cũng hiện diện tại đó nữa. Mặc dầu nó là kẻ phạm tội và chống đối Chúa nhưng vì muốn cho nó cơ hội và thời gian để ăn năn nên Đức Chúa Trời vẫn chưa trừng phạt nó ngay.
Trong bài viết nầy chúng tôi muốn giải bày cho các anh chị em khác thấy được rằng qua lời Kinh thánh chúng ta biết các thiên sứ đều được kể là con của Đức Chúa Trời và đó là một trong những tín lý cần thiết để giúp chúng ta hiểu thêm được những lẽ đạo quan trọng khác có liên quan đến đức tin và sự cứu rỗi của Cơ-đốc-nhân trong tương lai. Dầu vậy, vẫn có một số người chưa hiểu được vấn đề nầy và có những nhận định rất sai lầm về các thiên sứ.
Để nhấn mạnh thêm về việc Kinh thánh dùng cùng một hình bóng để mô tả Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jêsus Christ, các thiên sứ và những người sẽ được cứu, thì có một điều mà chúng ta cần nên biết. Ấy là nếu địa vị của các thiên sứ chỉ là tôi tớ trong Thiên đàng thì Kinh thánh sẽ là sai lầm và phạm thượng khi dám mô tả Đức Chúa Trời và tôi tớ của Ngài với cùng một hình bóng. Làm như vậy tức là hạ thấp giá trị và làm lu mờ sự vinh hiển của Chúa. Chắc chắn một điều, chắc chắn hơn cả vũ trụ nầy, là Kinh thánh không thể sai lầm. Vì vậy, khi các thiên sứ được mô tả với cùng một hình bóng được dùng để mô tả Đức Chúa Trời thì điều đó có nghĩa rằng họ là con của Chúa chớ không thể ở địa vị thấp hơn được.
(để biết thêm về sự trung thực của Kinh thánh, xin xem bài TẦM QUAN TRỌNG CỦA KINH THÁNH)
Mặc dầu Kinh thánh đã cho chúng ta thấy rõ ràng rằng các thiên sứ và Cơ-đốc-nhân, vì đều là con cái Đức Chúa Trời, nên được mô tả bằng cùng một hình bóng như cách Kinh thánh mô tả về Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus, nhưng vẫn có một số người đưa ra lý lẽ rằng các thiên sứ không phải là con của Đức Chúa Trời. Họ viện dẫn một số câu Kinh thánh để chứng minh cho quan điểm đó, chẳng hạn như các câu sau đây:
(Hê-bơ-rơ 1: 14) Các thiên sứ há chẳng phải đều là thần hầu việc Đức Chúa Trời, đã được sai xuống để giúp việc những người sẽ hưởng cơ nghiệp cứu rỗi hay sao?
(Hê-bơ-rơ 1: 7) Nói về thiên sứ thì Ngài phán rằng: Đức Chúa Trời làm cho thiên sứ Ngài như gió, và tôi tớ Ngài như ngọn lửa.
Chúng tôi muốn dừng lại tại đây một chút để nói thêm về chữ thần hầu việc và chữ tôi tớ mà Kinh thánh đã dùng để mô tả các thiên sứ. Vì cớ các chữ nầy mà số người ấy tự ý diễn giải rằng thiên sứ chỉ là tôi tớ của Đức Chúa Trời tại Thiên đàng chớ không phải là con của Ngài. Giải thích như vậy là chỉ hiểu Kinh thánh ở trên bề mặt của chữ và dùng Kinh thánh một cách không đầy đủ, vì chưa xem xét hết những phần khác có liên quan đến điều ấy.
Chúng ta suy nghĩ như thế nầy thì sẽ thấy và hiểu được vấn đề. Tất cả các Cơ-đốc-nhân đều được kể là con cái Đức Chúa Trời, nhưng những người được Chúa cảm động và kêu gọi hầu việc Ngài thì được kể là tôi tớ của Chúa. Đó là ngôn từ được Kinh thánh xử dụng để mô tả tấm lòng khiêm nhường nhu mì của Cơ-đốc-nhân biết hạ mình trước mặt Đức Chúa Trời như trong trường hợp của Phao-lô:
(2Ti-mô-thê 4: 5) Vả, chúng tôi chẳng rao giảng chính mình chúng tôi, nhưng rao giảng Đức Chúa Jêsus Christ, tức là Chúa; và vì tình yêu mến Đức Chúa Jêsus mà chúng tôi xưng mình là tôi tớ của anh em.
Tất cả chúng ta đều biết chắc chắn rằng Phao-lô là con cái rất yêu dấu của Chúa, nhưng Kinh thánh vẫn gọi ông là tôi tớ của Đấng Christ. Vì lẽ đó chúng ta phải hiểu rằng chữ tôi tớ mà Kinh thánh sử dụng để đề cập đến những người kính sợ Chúa là có ý muốn nói về tấm lòng khiêm cung hạ mình của họ trước mặt Chúa, chớ không phải để xác định địa vị của họ trong đức tin.
Để làm rõ nghĩa của hai chữ con cái và tôi tớ thì chúng ta phải hiểu như thế nầy: Phao-lô là một trong những con cái rất yêu dấu của Chúa và tấm lòng hầu việc Chúa của ông khiêm nhường nhu mì như là của một kẻ tôi tớ.
Áp dụng ý nghĩa của hai chữ ấy đối với trường hợp của sứ đồ Giăng thì cũng đúng một cách chính xác như vậy. Theo như lời Kinh thánh cho biết thì sứ đồ Giăng là người được Đức Chúa Jêsus yêu, tức là một trong những con cái rất yêu dấu của Đức Chúa Trời, nhưng đồng thời Kinh thánh cũng gọi Giăng là tôi tớ của Ngài theo như hai câu Kinh thánh sau:
(Giăng 13: 23) Vả, có một môn đồ dựa vào ngực Đức Chúa Jêsus, tức là người mà Ngài yêu.
(Khải huyền 1: 1) Sự mặc thị của Đức Chúa Jêsus Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài đặng đem tỏ ra cùng tôi tớ Ngài những điều kíp phải xảy đến, thì Ngài đã sai thiên sứ đến tỏ những điều đó cho Giăng, tôi tớ Ngài.
Mặc dầu Kinh thánh gọi sứ đồ Giăng là tôi tớ Đức Chúa Trời, nhưng một điều chắc chắn là trong Thiên đàng địa vị của ông không thể là tôi tớ, mà phải là con của Chúa và là người rất được Đức Chúa Trời yêu.
Đó là lý do mà tại sao chúng tôi phải nhấn mạnh đến việc cần phải hiểu các từ ngữ của Kinh thánh một cách chính xác bằng việc tra xem toàn bộ Kinh thánh về các chữ ấy, chớ không phải đọc sơ qua rồi giải nghĩa theo bề mặt của chữ. Vì nếu chỉ xét ý nghĩa bề mặt của chữ thì tôi con của Chúa sẽ có lúc bị lầm lẫn, sẽ tưởng rằng Kinh thánh có mâu thuẫn và đa số các trường hợp là thấy chính họ bị bế tắc trong việc giải thích các tín lý quan trọng trong Kinh thánh.
Trong thực tế thì Kinh thánh đã xác định rằng tất cả những người tin nơi Chúa và kính sợ Ngài đều được kể là con cái của Đức Chúa Trời, theo như ý của các câu gốc sau đây trong Thi thiên và trong thư tín Ga-la-ti của Phao-lô:
(Thi thiên 103: 13) Đức Giê-hô-va thương xót kẻ kính sợ Ngài, khác nào cha thương xót con cái mình vậy.
(Ga-la-ti 3: 26) Vì chưng anh em bởi tin Đức Chúa Jêsus Christ, nên hết thảy đều là con trai của Đức Chúa Trời.
Khi Cơ-đốc-nhân chúng ta vì tin Chúa và kính sợ Ngài mà được kể là con cái của Đức Chúa Trời thì chẳng lẽ các thiên sứ là những đấng kính sợ Chúa càng hơn nữa vì được thấy Chúa luôn luôn tại Thiên đàng lại không thể được kể là con cái của Ngài?
Chúng ta thử đọc hai câu gốc sau đây thì sẽ thấy được cách Kinh thánh dùng chữ để mô tả những người thuộc về Chúa. Đối với dân Y-sơ-ra-ên thì Kinh thánh đã dùng luôn cả hai chữ con cái Chúa và tôi tớ Chúa để mô tả về họ:
(Lê-vi ký 25: 55) Vì dân Y-sơ-ra-ên là tôi tớ ta, tức các tôi tớ ta đã đem ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của các ngươi.
(Ô-sê 1: 10) Dầu vậy, số con cái Y-sơ-ra-ên sẽ giống như cát bờ biển, không thể lường, không thể đếm; và chính nơi mà đã bảo chúng nó rằng: Các ngươi chẳng phải là dân ta, sẽ lại bảo rằng: Các ngươi là con trai của Đức Chúa Trời hằng sống.
(Ê-sai 1: 2) Hỡi các từng trời, hãy nghe; Hỡi đất, hãy lắng tai; Vì Đức Giê-hô-va có phán rằng: Ta đã nuôi nấng con cái, trưởng dưỡng chúng nó, song chúng nó dấy loạn nghịch cùng ta.
Như vậy chúng ta có thể thấy rằng khi đề cập về dân Y-sơ-ra-ên thì Kinh thánh kể họ là con cái của Đức Giê-hô-va, mặc dầu trong những chỗ khác thì Kinh thánh vẫn gọi họ là những tôi tớ của Chúa. Địa vị dân Y-sơ-ra-ên là con của Chúa cũng đã được Môi-se khẳng định từ ngày ông còn dẫn dắt dân sự trong đồng vắng:
(Phục truyền 14: 1) Các ngươi là con cái Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi. Chớ vì người chết mà cắt thịt mình, hoặc cạo giữa hai con mắt.
Chúng ta có thể hiểu được cách dùng chữ như vậy là để cho biết rằng dân Y-sơ-ra-ên có địa vị là con cái của Đức Chúa Trời nhưng tấm lòng hầu việc của họ đối với Ngài phải như là của kẻ tôi tớ, để bày tỏ sự khiêm cung, đầu phục hoàn toàn, không có vấn để cãi trả.
Vì vậy, khi cần giải nghĩa một câu Kinh thánh thì Cơ-đốc-nhân cần phải tra xem toàn bộ Kinh thánh về ý nghĩa của chữ ấy, chớ không phải chỉ nắm bắt một hai câu, một hai chữ nào đó mà thôi, nhất là phải hiểu cặn kẻ rằng các chữ ấy được dùng trong những trường hợp nào và khác biệt với nhau ra sao.
Vì đều được kể là con cái của Đức Chúa Trời nên cả thiên sứ và những người được cứu đều có chung một địa vị tại Thiên đàng. Điều nầy được bài tỏ ra bằng việc danh xưng của họ được ghi chung trên mười hai hiên cửa của thành thánh Giê-ru-sa-lem:
(Khải huyền 21: 12) Thành có một bức tường cao lớn, với mười hai cửa, trên những cửa có mười hai vị thiên sứ, cùng những danh đề, là danh mười hai chi phái của con cháu Y-sơ-ra-ên.
Khi dưới đất nầy có mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên thì trên Thiên đàng cũng có mười hai đạo thiên sứ của Chúa, như điều mà Đức Chúa Jêsus đã cho biết:
(Ma-thi-ơ 26: 53) Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập tức cho ta hơn mười hai đạo thiên sứ sao?
Và cũng giống như các chi phái Y-sơ-ra-ên đều được gọi theo tên tộc trưởng của họ, chẳng hạn như chi phái Ru-bên, chi phái Giu-đa, thì mười hai đạo thiên sứ cũng có tên của những thiên sứ đứng đầu họ, chẳng hạn như thiên sứ trưởng Mi-chên (Michael), và tên của họ cùng với tên của mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên đều được ghi trên mười hai hiên cửa của thành thánh Giê-ru-sa-lem ở trên trời:
(Giu-đe 1: 9) Vả, khi chính mình thiên sứ trưởng Mi-chen chống với ma quỉ giành xác Môi-se, còn chẳng dám lấy lời nhiếc móc mà đoán phạt; người chỉ nói rằng: Cầu Chúa phạt ngươi!
Một số người, khi đọc đến câu gốc trong Khải huyền 21: 12 thì cho rằng mười hai vị thiên sứ là các đấng đứng giữ cửa, nhưng hiểu như vậy tức là chưa suy nghĩ đến các câu Kinh thánh khác có liên quan. Cũng trong Khải huyền lời của Chúa cho biết là tại trên trời các cửa không bao giờ đóng:
(Khải huyền 21: 25) Những cửa thành ban ngày không đóng, vì ở đó không có ban đêm.
Điều đó có nghĩa là tại Thiên đàng có sự bình an lớn đến nỗi không cần phải cửa đóng then gài như những thành quách tại thế gian, vậy thì các thiên sứ đứng tại đó giữ cửa để làm gì? Lúc ấy Sa-tan và các quỉ sứ của nó đã bị trừng phạt đời đời trong hỏa ngục và mọi người ở tại Thiên đàng đều là con cái thánh khiết công bình của Đức Chúa Trời thì việc cho rằng có mười hai thiên sứ đứng giữ cửa là mâu thuẫn với lời của Chúa và thiếu sự ủng hộ của Kinh thánh.
Trở lại với ý nghĩa của chữ tôi tớ thì như điều mà chúng tôi đã đề cập đến về tâm tình hầu việc Chúa của Phao-lô qua câu gốc trong 2Ti-mô-thê 4: 5 thì nếu một sứ đồ đầy ơn như Phao-lô (người từng được Chúa ban cho quyền phép để chữa bệnh, để vực dậy kẻ chết như Ơ-tích trong sách Công vụ 20: 9-12) mà vì lòng yêu mến Chúa còn xưng mình là tôi tớ của các anh chị em cùng đức tin trong xác thịt, thì huống chi là các thiên sứ. Họ cũng vì lòng kính yêu Đức Chúa Trời mà tự xưng là tôi tớ của Đấng Chí Cao nơi Thiên đàng:
(Khải huyền 22: 8-9) Chính tôi là Giăng đã thấy và nghe những điều đó. Khi nghe và thấy đoạn, tôi sấp mình xuống dưới chân thiên sứ đã tỏ những điều ấy cho tôi, để thờ lạy. Song người phán rằng: Chớ làm vậy! Ta là bạn tôi tớ với ngươi, với anh em ngươi, là các đấng tiên tri, và với những kẻ giữ các lời trong sách nầy. Hãy thờ phượng Đức Chúa Trời!
Chúng tôi thấy cũng phải nên giải bày thêm một chút về điều được tỏ bày tại đây qua câu gốc vừa trưng dẫn ở trên. Vị thiên sứ trong sự hiện thấy của Giăng đã cho ông biết là cả hai đều ở chung trong địa vị là tôi tớ của Chúa (khi dùng chữ bạn tôi tớ với ngươi). Điều đó cũng có nghĩa là vì họ cũng đều ở chung trong một địa vì là con cái Ngài nên vị thiên sứ ấy mới dùng từ ngữ như vậy.
Nếu chúng ta suy xét câu gốc trên theo hướng phản diện thì sẽ thấy vấn đề rõ ràng hơn nữa. Tỷ dụ như thiên sứ ấy chỉ là tôi tớ của Chúa chớ không phải là con cái của Ngài (theo như quan điểm sai lầm của một số người) thì việc thiên sứ ấy dùng chữ bạn tôi tớ với ngươi để nói về Giăng, là con cái rất yêu dấu của Chúa, thì thiên sứ ấy là đấng hổn hào, là đấng không biết giữ thứ bậc của mình. Một kẻ tôi tớ không thể nào tự xưng mình là ngang hàng với con của Chủ được, đã vậy còn dám xem con của Chủ như là tôi tớ giống như mình.
Thử tưởng tượng mà xem. Nếu một kẻ tôi tớ trong thế gian nầy mà nói với con của người chủ xác thịt rằng anh cũng là tôi tớ giống như tôi thì người con ấy và người cha (tức là người chủ) sẽ phản ứng như thế nào? Nếu chữ tôi tớ chỉ có nghĩa là địa vị hoặc thứ bậc không mà thôi, thì tôi tớ phải là tôi tớ và con của chủ vẫn phải được xem là con của chủ, hoặc phải được kính trọng ngang bằng với chủ (như lời phán của Đức Chúa Jêsus trong Ma-thi-ơ 21: 37) chớ có lý nào tôi tớ được xem mình ngang hàng với con của chủ? Có suy nghĩ như vậy thì chúng ta mới thấy rằng sự giải thích Kinh thánh của những người kia là mâu thuẫn đến như thế nào.
(Ma-thi-ơ 21: 37) Sau hết, người chủ sai chính con trai mình đến cùng họ, vì nói rằng: Chúng nó sẽ kính trọng con ta.
Giả sử như vị thiên sứ mà Giăng đã gặp trong sự hiện thấy chỉ là tôi tớ mà thôi (theo sự giải thích sai lầm của một số người), chớ không phải là con của Đức Chúa Trời, thì khi vị thiên sứ ấy tự so mình ngang bằng với Giăng và xem sứ đồ Giăng cũng như là tôi tớ như mình thì thiên sứ ấy đáng bị quăng vào âm phủ về tội không giữ thứ bậc trong cõi thuộc linh. Vì rõ rằng rằng lời của Chúa đã cho biết đó là án phạt dành cho những thiên sứ không biết giữ thứ bậc:
(Giu-đe 1: 6) Còn các thiên sứ không giữ thứ bậc và bỏ chỗ riêng mình, thì Ngài đã dùng dây xích họ trong nơi tối tăm đời đời, cầm giữ lại để chờ sự phán xét ngày lớn.
Nhưng đàng nầy thiên sứ ấy lại được Chúa cho phép có mặt trong sự hiện thấy quan trọng về thời kỳ cuối cùng và được dùng để tuyên phán lời của Đức Chúa Jêsus:
Khải huyền 22: 12-13) Nầy, ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với ta, để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm. Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là thứ nhất và là sau chót, là đầu và là rốt.
Thế thì, sự sai lầm của những người kia là rõ ràng lắm. Ấy là vì họ dùng quan điểm riêng của cá nhân nên mới có sự lý giải không đúng giống như vậy. Nhưng với những câu Kinh thánh vừa trưng dẫn ở trên thì chúng ta biết chắc rằng các thiên sứ và những người được cứu đều có chung một địa vị như nhau trong cõi thuộc linh, tức là đều được kể như là con cái của Đức Chúa Trời.
Bởi lẽ đó chúng tôi thấy cần phải lập lại điều mà chúng tôi đã đề cập đến trước đây như là một cách để nhấn mạnh, rằng khi tìm hiểu về một từ ngữ nào đó trong Kinh thánh thì chúng ta cần phải tra xét hết tất cả các ý nghĩa về chữ ấy trong cả Kinh thánh, chớ không phải chỉ hiểu nghĩa bề mặt của nó mà thôi. Vì nếu nói rằng Kinh thánh dùng chữ tôi tớ để chỉ về các thiên sứ nên họ không thể là con của Đức Chúa Trời, thì chẳng lẽ khi Kinh thánh dùng chữ tôi tớ để mô tả Đa-vít, Ê-sai, Giê-rê-mi, Giăng, Phi-e-rơ, Phao-lô và những thánh đồ khác, thì họ đều là tôi tớ của Chúa mà không thể là con của Ngài?
(Khải huyền 10: 7) Nhưng đến ngày mà vị thiên sứ thứ bảy cho nghe tiếng mình và thổi loa, thì sự mầu nhiệm Đức Chúa Trời sẽ nên trọn, như Ngài đã phán cùng các tôi tớ Ngài, là các đấng tiên tri.
Trong câu gốc trên thì Kinh thánh cho biết rằng tất cả các đấng tiên tri, trong đó bao gồm luôn cả Áp-ra-ham, Đa-vít, Phi-e-rơ và Phao-lô đều là tôi tớ của Chúa, nhưng họ cũng đều là con cái của Ngài:
(Sáng thế ký 20: 7) Bây giờ, hãy giao đàn bà đó lại cho chồng nó, vì chồng nó là một đấng tiên tri, sẽ cầu nguyện cho ngươi, thì ngươi mới được sống. Còn như không giao lại, thì phải biết rằng ngươi và hết thảy ai thuộc về ngươi quả hẳn sẽ chết.
Kinh thánh cho biết rằng hầu việc Chúa là một cái ơn, một cách để tỏ bày sự cảm tạ của chúng ta, và cũng là cách để bày tỏ tấm lòng nhu mì hạ mình trước mặt Chúa, cho nên khi Kinh thánh dùng chữ tôi tớ để chỉ về các con cái của Chúa, gồm các thiên sứ và những thánh đồ hoặc những người sẽ được cứu sau nầy thì chữ đó có ý chỉ về tâm tình hầu việc Chúa của họ chớ không phải để xác định địa vị của họ ở trong Chúa.
Cũng một thể ấy, mặc dầu Kinh thánh có gọi những Cơ-đốc-nhân là nô lệ của Đấng Christ, nhưng hai chữ đó được dùng để mô tả một tấm lòng vâng phục trọn vẹn mà chúng ta cần phải có đối với các mạng lệnh của Chúa, chớ không phải mô tả một thực tế trong cõi thuộc linh. Vì trong thực tế, Cơ-đốc-nhân chúng ta vẫn là con cái của Đức Chúa Trời mặc dầu chúng ta đang hầu việc Ngài như một tôi tớ và vâng phục Ngài như một kẻ nô lệ hoặc như một kẻ tôi mọi:
(1Cô-rinh-tô 7: 22) Vì kẻ tôi mọi được Chúa gọi, ấy là kẻ Chúa đã buông tha; cũng một lẽ ấy, ai đang tự do mà được gọi, thì làm tôi mọi của Đấng Christ.
(1Phi-e-rơ 2: 16) Hãy ăn ở như người tự do, nhưng chớ dùng tự do làm cái màn che sự hung ác, song phải coi mình là tôi mọi Đức Chúa Trời.
(Rô-ma 6: 22) Nhưng bây giờ đã được buông tha khỏi tội lỗi và trở nên tôi mọi của Đức Chúa Trời rồi, thì anh em được lấy sự nên thánh làm kết quả, và sự sống đời đời làm cuối cùng.
Chính vì vậy mà Kinh thánh khuyên chúng ta hết lòng hầu việc Đức Chúa Trời để báo ơn Chúa về việc chúng ta sẽ được thừa hưởng (hoặc chính xác hơn là chung hưởng) nước Thiên đàng với Ngài, như con cái trong nhà của Cha mình:
(Cô-lô-se 3: 24) Vì biết rằng anh em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng. Hãy hầu việc Đấng Christ, tức là Chúa.
(Hê-bơ-rơ 12: 28) Như vậy, vì chúng ta có phần trong một nước không hay rúng động, nên hãy cảm ơn, hầu cho lấy lòng kính sợ hầu việc Đức Chúa Trời một cách đẹp lòng Ngài.
Trong Kinh thánh cho biết là một kẻ nô lệ không thể thừa hưởng được cơ nghiệp của chủ, ngoại trừ người chủ đó không có con để nối dõi, như trong trường hợp của Áp-ra-ham:
(Sáng thế ký 15: 3) Áp-ram lại nói rằng: Nầy, Chúa làm cho tôi tuyệt-tự; một kẻ tôi tớ sanh đẻ tại nhà tôi sẽ làm người kế nghiệp tôi.
Cũng một thể ấy, các thiên sứ mặc dầu được Kinh thánh gọi là các thần hầu việc Đức Chúa Trời, nhưng từ ngữ đó được dùng để mô tả sự nhu mì của họ đang khi hầu việc Cha Thiên Thượng, chớ không phải để chỉ về một thực tế thuộc linh, tức là địa vị của họ trong Thiên đàng.
Nếu nói về thực tế thuộc linh thì Kinh thánh cho chúng ta biết là trong Thiên đàng của Đức Chúa Trời không có tôi tớ mà cũng không có nô lệ. Tất cả những tôi tớ hầu việc Đức Giê-hô-va trong Thiên đàng đều là con cái Ngài:
(Khải huyền 22: 3-4) Chẳng còn có sự nguyền rủa nữa; ngôi của Đức Chúa Trời và Chiên Con sẽ ở trong thành; các tôi tớ Ngài sẽ hầu hạ Ngài; chúng sẽ được thấy mặt Chúa, và danh Chúa sẽ ở trên trán mình. Đêm không còn có nữa.
Việc Kinh thánh cho biết những tôi tớ ấy được thấy mặt Chúa và có dấu ấn của Ngài trên trán họ tương xứng với điều được Kinh thánh đề cập về Cơ-đốc-nhân và những người được cứu trong vòng dân Y-sơ-ra-ên:
(Hê-bơ-rơ 12: 14) Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.
(Khải huyền 14: 1) Tôi nhìn xem, thấy Chiên Con đứng trên núi Si-ôn, và với Ngài có mười bốn vạn bốn ngàn người đều có danh Chiên Con và danh Cha Chiên Con ghi trên trán mình.
(Khải huyền 7: 2-3) Tôi lại thấy một vị thiên sứ khác, từ phía mặt trời mọc mà lên, cầm ấn của Đức Chúa Trời hằng sống. Người cả tiếng kêu bốn vị thiên sứ đã được quyền làm hại đất cùng biển, và bảo rằng: Chớ làm hại đất, biển và cây cối, cho đến chừng nào chúng ta đã đóng ấn trên trán những tôi tớ Đức Chúa Trời chúng ta.
Như vậy, cả thiên sứ, Cơ-đốc-nhân và những người Y-sơ-ra-ên được cứu đều được gọi là tôi tớ của Đức Chúa Trời tại Thiên đàng. Chính vì lẽ đó, việc một số người nhân một vài câu Kinh thánh đã dùng chữ tôi tớ của Chúa để chỉ về các thiên sứ mà lý luận rằng họ chỉ là tôi tớ chớ không phải là con cái Đức Chúa Trời thì đó là một sự thiếu sót lớn khi không suy gẫm Kinh thánh cách cẩn thận và đầy đủ hơn.
Vì sự giải thích sai trật như vậy mà chúng tôi cố gắng giải bày lời của Chúa một cách thật chi tiết với hy vọng rằng sẽ giúp cho các anh chị em khác không bị ảnh hưởng lời các lý lẽ ấy mà đâm ra hồ nghi hoang mang đang khi theo Chúa.
Trước khi tiếp tục đi đến những phần khác thì chúng tôi muốn đề cập thêm một chút nữa về cách dùng chữ của Kinh thánh. Khi lời của Chúa gọi các thiên sứ là tôi tớ Ngài thì chữ tôi tớ đó không có nghĩa là địa vị của họ chỉ là tôi tớ trong Thiên đàng mà không thể là con trai của Đức Chúa Trời.
Chúng ta thử suy nghĩ đến lời phán của Đức Chúa Jêsus có liên quan đến những Cơ-đốc-nhân được cứu và các thiên sứ trong câu Kinh thánh sau:
(Ma-thi-ơ 22: 30) Vì đến khi sống lại, người ta không cưới vợ, cũng không lấy chồng, song những kẻ sống lại là như thiên sứ trên trời vậy.
(còn tiếp)