THẾ NÀO LÀ ĐỨC TIN THẬT?
Chúng ta đều biết rằng đức tin rất là quan trọng đối với Cơ-đốc-nhân và chúng ta cũng đều biết rằng mỗi một con cái Chúa cần phải duy trì và phát triển đức tin của mình từ ngày mới tin Chúa cho đến khi rời khỏi thế gian nầy hoặc là cho đến khi được gặp Đức Chúa Jêsus trong ngày Chúa tái lâm. Chính nhờ đức tin mà chúng ta còn trung tín theo Chúa cho đến ngày hôm nay. Nếu nói theo phương diện tổng quát thì chắc chắn là tất cả những người nói rằng mình tin Chúa, theo Chúa hay theo đạo đều có đức tin trong Chúa, nhưng mức độ nhiều ít thì có khác nhau. Nếu chúng ta nhìn vào thực tế thì có thể thấy được điều đó, chẳng hạn như có người theo đạo vì cớ đó là tín ngưỡng của gia đình, của cha mẹ ông bà nên không thể không theo. Có người tin Chúa vì đó là đạo của chồng hay của vợ, có người tin Chúa vì nghĩ rằng đây là tôn giáo của xứ sở mới mà mình đang sinh sống. Chính bởi những lý do đó và nhiều lý do khác nữa mà mức độ đức tin của các Cơ-đốc-nhân có thể khác nhau, có người nhiều, có người ít. Ngay cả các môn đồ của Đức Chúa Jêsus ngày xưa cũng có mức độ đức tin ít ỏi nên vì vậy mà họ đã bị Đức Chúa Jêsus quở trách nhiều lần, chẳng hạn như khi Ngài và các môn đồ gặp bão ở trên biển Ga-li-lê (Ma-thi-ơ 8: 23-26).
Chúng ta có thể thấy rằng khi Đức Chúa Jêsus quở trách các môn đồ vì cớ họ có it đức tin thì điều đó có nghĩa là đối với Chúa thì con dân Ngài phải có đức tin mạnh mẽ chớ không thể nào có đức tin chút ít được. Vì nếu chỉ cần theo Chúa với đức tin ít ỏi cũng được thì Đức Chúa Jêsus đâu cần phải quở trách các môn đồ của Ngài làm gì? Bởi lẽ đó mà Kinh thánh còn ghi lại một lần khác nữa mà Đức Chúa Jêsus đã quở trách các môn đồ vì cớ họ có ít đức tin. Đó là khi các môn đồ quên đem bánh theo (Ma-thi-ơ 16: 5-8).
Chính các môn đồ cũng biết rằng Đức Chúa Jêsus không hài lòng khi thấy họ có ít đức tin nên vì vậy mà đã cầu xin Chúa ban thêm cho họ đức tin để được đầy dẫy hơn (Lu-ca 17: 5).
Việc con dân của Chúa cần phải có đức tin nhiều và mạnh mẽ là điều mà Đức Chúa Trời đòi hỏi, vì chỉ có đức tin như thế mới có thể thắng hơn được sự cám dỗ của ma quỉ và sự lôi kéo của thế gian để có thể vào được Thiên đàng trong tương lai (1Giăng 5: 4).
Theo như lời Kinh thánh vừa mới trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy được rằng chỉ bởi nhờ có đức tin mạnh mẽ mà con dân của Chúa mới có thể sống một đời đắc thắng trong phương diện thuộc linh mà thôi. Chính bởi lẽ đó mà Đức Chúa Jêsus đã cho Phi-e-rơ biết rằng Ngài hằng cầu nguyện cho ông để ông có thể thêm lên đức tin một cách mạnh mẽ hầu có thể đối phó với sự tấn công của ma quỉ (Lu-ca 22: 32).
Với những câu Kinh thánh vừa trưng dẫn qua thì quý Hội thánh đã có thể thấy được rằng khi Cơ-đốc-nhân theo Chúa thì mỗi người đều cần phải có đức tin mạnh mẽ, chớ không thể nào nói rằng mình theo Chúa mà chỉ cần có đức tin chút ít hoặc có mức độ đức tin thế nào cũng được. Nếu Đức Chúa Jêsus đã quở trách môn đồ của Ngài xưa kia về việc họ có đức tin ít ỏi thì ngày hôm nay Chúa cũng không muốn Cơ-đốc-nhân cứ còn là con đỏ mãi trong đời thuộc linh. Đức Chúa Trời muốn Cơ-đốc-nhân phải là những người trưởng thành trong đức tin, nghĩa là phải có đức tin nhiều, mạnh mẽ và đầy dẫy. Đó là sự đòi hỏi của Chúa mà Cơ-đốc-nhân phải đạt đến cho bằng được (Hê-bơ-rơ 10: 22).
Theo như ý tưởng trong câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn thì Cơ-đốc-nhân chỉ có thể đến gần Chúa khi đã có đức tin đầy dẫy mà thôi, vì người có đức tin ít hoặc đức tin còn có sự hồ nghi thì không thể nào kinh nghiệm được Chúa trong đời sống cá nhân và không thể nào hiểu được ý muốn của Chúa hoặc sự tỏ bày về chương trình của Ngài cho chính đời sống của mình. Việc có đức tin ít ỏi chẳng khác gì người không có đức tin, vì cả hai đều có thể hoài nghi về sự thực hữu của Chúa hoặc quyền năng đời đời của Ngài, giống như trường hợp của các môn đồ khi xưa lúc họ chưa được Đức-Thánh-Linh thăm viếng. Vì vậy lời của Chúa đã cho biết rằng chỉ có đức tin mạnh mẽ mới có thể làm đẹp lòng Chúa mà thôi (Hê-bơ-rơ 11: 6).
Chữ đức tin trong câu gốc nầy có ý nói đến một đức tin mạnh mẽ và đầy dẫy, chớ không phải là đức tin chút ít. Vì Đức Chúa Jêsus là Đấng Công Bằng và là Đấng không bao giờ thay đổi cho nên khi Ngài đã từng quở trách các môn đồ của Ngài khi xưa về việc họ có đức tin ít ỏi thì ngày hôm nay Chúa cũng không đẹp lòng khi Cơ-đốc-nhân chỉ có đức tin chút ít mà thôi. Bởi sự nhận biết như vậy thì mỗi một Cơ-đốc-nhân phải tìm cách làm cho đức tin của mình tăng trưởng và mạnh mẽ bằng mọi giá thì mới có thể hy vọng được đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Thông thường thì Cơ-đốc-nhân vẫn nghĩ là mình đã có đức tin rồi, và vì có đức tin nên mới đi nhà thờ, mới tham gia các sinh hoạt trong Hội thánh. Nhưng vấn đề mà Kinh thánh muốn chúng ta xem xét lại là mức độ đức tin của từng cá nhân chớ không phải là vấn đề đã có đức tin hay chưa. Hai điều nầy hoàn toàn khác nhau nhưng lại ít khi được con dân Chúa chú ý hoặc được nghe nhắc nhở đến. Sau khi tin nhận Chúa rồi thì Cơ-đốc-nhân đã là con cái của Chúa, nhưng vấn đề quan trọng hàng đầu là Cơ-đốc-nhân phải tăng trưởng, phải lớn mạnh trong đức tin chớ không phải là cứ ở trong mức độ đức tin ban đầu mãi suốt mấy mươi năm theo Chúa. Mỗi một Cơ-đốc-nhân phải là người trưởng thành, chớ không thể ở mãi trong tình trạng con đỏ trong đức tin (Ê-phê-sô 4: 14).
Rõ ràng là lời của Chúa cho biết rằng Đức Chúa Trời không muốn Cơ-đốc-nhân cứ còn là con trẻ mãi trong đức tin, vì điều đó rất nguy hiểm và ảnh hưởng rất tai hại đến việc cần phải theo Chúa một cách đúng đắn cho đến ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm. Nhưng nan đề đáng quan tâm ở đây là việc Cơ-đốc-nhân thường bị ru ngủ bởi lý thuyết rằng hễ có đức tin là được rồi, không cần phải bận tâm đến mức độ nhiều hay ít như thế nào, và bởi đó mà Cơ-đốc-nhân thường chỉ muốn nghe về phước không mà thôi và những điều tương tự như cách học làm người kiểu đắc nhân tâm chớ không chịu để ý đến việc làm sao để được tăng trưởng trong đức tin. Nhưng sự tăng trưởng thuộc linh để được trở nên mạnh mẽ và đầy dẫy trong đức tin lại là điều mà Đức Chúa Trời muốn con dân Ngài phải có. Bởi lẽ đó mà chúng ta phải cố gắng đạt đến mức độ ấy để có thể sống đẹp lòng Đức Chúa Trời và chuẩn bị cho ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm.
Nhưng trước khi chúng ta tìm hiểu về các phương pháp giúp cho sự tăng trưởng đức tin thì chúng ta cần phải biết rõ về những yếu tố quan trọng của đức tin thật là như thế nào hầu từ đó có thể thấy được những điều cần phải làm cho việc xây dựng cho chính cá nhân mình một đức tin mạnh mẽ trong Chúa. Định nghĩa về đức tin thật thì Cơ-đốc-nhân nào cũng biết và đã được Chúa cho ghi lại trong thơ tín Hê-bơ-rơ 11: 1. Phần thứ nhất về định nghĩa của đức tin là sự trông mong hay trông cậy của người đã tin Chúa (Rô-ma 8: 24).
Hai chữ trông mong và trông cậy đều có chung một ý nghĩa, mà trong tiếng Anh là chữ Hope, có nghĩa là hy vọng. Chính vì lẽ đó mà lời của Chúa đã cho chúng ta biết là Cơ-đốc-nhân được cứu bởi đức tin của lòng trông mong hay trông cậy, hoặc nói một cách chính xác hơn thì đức tin thật là đức tin phải có sự trông mong, theo như định nghĩa trong Hê-bơ-rơ 11: 1. Nhưng Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải biết rõ là sự trông mong đó là trông mong về điều gì.
Bây giờ nếu hỏi Cơ-đốc-nhân chúng ta rằng mình trông mong điều gì khi tin nhận Chúa thì sẽ có nhiều người trả lời được ngay lập tức rằng mình tin Chúa vì trông mong được chữa lành, hoặc tin Chúa vì trông mong được cứu giúp khỏi những khó khăn trong đời sống. Cũng có Cơ-đốc-nhân tin Chúa vì trông mong được Chúa ban cho sự bình an, sự vui mừng hoặc sự hạnh phúc trong gia đình. Nói một cách tổng quát thì tất cả Cơ-đốc-nhân tin Chúa là vì muốn được Chúa ban phước trong mọi phương diện của đời sống. Tất cả những sự trông mong như vậy đều không có gì sai và là điều rất bình thường trong tâm trí của mọi con dân Chúa, chính vì vậy mà Đức Chúa Jêsus đã phán rằng Đức Chúa Trời đã biết hết những trông mong đó rồi (Ma-thi-ơ 6: 32).
Nhưng khi lời của Chúa cho biết rằng những điều mà Cơ-đốc-nhân đang trông mong khi theo Chúa cũng giống như những điều mà người trong các tôn giáo khác đang trông mong, thì con dân Chúa phải đặc biệt cảnh giác, bởi vì Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta phải đạt đến những bậc cao hơn là quan niệm của người thế gian. Khi Đức Chúa Jêsus đã giáng sanh vào trong trần gian và đổ dòng huyết quý báu của Ngài trên thập tự giá để chết cho chúng ta thì điều đó không phải là để cho những người tin Chúa có sự trông mong giống như người thế gian đâu, tức là trông mong được cơm áo gạo tiền và sức khỏe, nhưng mà Cơ-đốc-nhân phải trông mong điều lớn lao và đặc biệt hơn nữa, là điều mà chính Đức Chúa Trời đã phải hiện thân thành người để chết cho chúng ta về điều đó. Đó là sự sống đời đời, như lời của chính Đức Chúa Jêsus đã phán (Ma-thi-ơ 6: 33).
Chính bởi thế mà trên hết và trước hết tất cả mọi sự thì Cơ-đốc-nhân phải trông mong làm sao cho chính cá nhân mình phải nhận được sự cứu rỗi. Điều đó mới là đức tin thật, mới thật sự là sự trông mong chính đáng và lớn hơn hết mà Chúa muốn con dân Ngài cần phải có (1Ti-mô-thê 2: 4).
Vì nhận biết được ý muốn của Chúa là như vậy nên sứ đồ Phao-lô, mặc dầu là người thánh của Chúa, thì ông cũng đã hết sức quan tâm đến việc làm sao để có thể nhận được sự cứu rỗi trong tương lai (1Cô-rinh-tô 9: 27).
Qua lời bày tỏ của ông thì chúng ta có thể thấy được rằng đời sống của Phao-lô là một thí dụ điển hình về đức tin thật là như thế nào. Và đó là mức độ đức tin mà Đức Chúa Trời muốn mọi con dân Ngài phải có, tức là hết sức quan tâm đến việc làm sao cho cá nhân mình phải nhận được sự sống đời đời. Bởi lẽ đó mà nếu Cơ-đốc-nhân sau khi đã tin Chúa rồi mà vẫn còn thờ ơ với mục tiêu là làm sao để nhận được sự cứu rỗi trong tương lai thì đức tin của người đó chưa phải là đức tin thật. Vì như trong thực tế cho thấy thì có một số Cơ-đốc-nhân chỉ nghĩ đến đời nầy mà thôi chớ không hề quan tâm đến việc mình có được cứu rỗi trong tương lai hay không.
Nếu nói một cách tổng quát thì khi Cơ-đốc-nhân được hỏi thăm rằng mình có muốn được vào Thiên đàng hay không thì tất cả các con dân Chúa đều sẽ trả lời là có. Thậm chí sẽ có một số anh chị em mích lòng nếu chúng ta hỏi họ câu hỏi ấy. Nhưng trong phản ứng của con người thì nói bao giờ cũng dễ hơn là thực hiện điều mình đã nói, và Đức Chúa Trời mà chúng ta đang thờ phượng là Đấng thấy trong tấm lòng nên Ngài đã có cho ghi lại những tiêu chuẩn trong Kinh thánh để con dân Chúa có thể tự xét lại lòng mình khi chúng ta suy nghĩ về định nghĩa của đức tin thật và để xét xem chính mình có thật sự muốn vào Thiên đàng hay không. Theo như lời của Chúa thì chỉ những người có đức tin mạnh mẽ mới vào được Thiên đàng mà thôi, nên con dân Chúa phải hết sức để ý đến mức độ đức tin trong đời sống của mình. Điều đó còn quan trọng gấp ngàn lần hơn là việc kiểm tra lượng đường trong máu của mình nữa.
Vì Đức Chúa Trời là Đấng nhìn thấy trong tấm lòng của con người nên khi Cơ-đốc-nhân nói rằng mình có sự trông mong nhận được sự cứu rỗi trong tương lai thì Chúa muốn rằng đồng thời với lời nói ấy thì con dân Chúa phải có hành động cặp theo để chứng tỏ rằng lời nói của mình là thật, cũng như có thể chứng tỏ trước mặt Chúa rằng đức tin của mình thật là đức tin của sự trông mong cho được sự cứu rỗi, như lời của Chúa đã chỉ định về tiêu chuẩn của đức tin thật (Gia-cơ).
Theo như lời của Chúa vừa được trưng dẫn thì đức tin thật phải có việc làm cặp theo, hay nói một cách khác cho rõ ràng hơn thì đức tin thật là đức tin hành động, chớ không phải là loại đức tin nói suông bằng lời theo cách suy nghĩ đơn giản của một số người là hễ cứ cầu nguyện tin Chúa là được cứu mà không cần phải sống đạo, không cần phải thực hành tin kính và không cần phải vâng phục hoặc làm theo những điều mà Chúa đã có dạy dỗ trong Kinh thánh. Lời của Chúa đã nhấn mạnh rằng loại đức tin suông bằng lời mà không có hành động tin kính cặp theo sẽ không thể nào giúp cho Cơ-đốc-nhân nhận được sự cứu rỗi. Con dân của Chúa chớ nên để cho mình bị đánh lừa bởi những lý thuyết cho rằng cứ hễ tin Chúa là được cứu bất kể là mình sống như thế nào hoặc phạm tội bao nhiêu lần kể từ sau ngày tin nhận Chúa. Lý thuyết ấy hoàn toàn mâu thuẫn với lời của Chúa trong Kinh thánh.
Vì vậy để đời thuộc linh của mình có thể đạt đến được mức độ mạnh mẽ của đức tin thật thì sau khi cầu nguyện tin Chúa rồi thì Cơ-đốc-nhân phải bày tỏ tấm lòng thật sự tin Chúa của mình ra bằng hành động bên ngoài, tức là phải sống theo mẫu mực và tiêu chuẩn của người đã tin. Nếu một người sau khi đã tin Chúa mà vẫn tiếp tục sống như những ngày chưa tin thì sự cầu nguyện tin Chúa của người đó hoàn toàn không có ý nghĩa gì hết. Đời sống của người đã tin và người chưa tin phải hoàn toàn khác nhau. Đức Chúa Trời muốn rằng sau khi tin Chúa thì Cơ-đốc-nhân phải từ bỏ lối sống cũ của ngày trước để sống một đời sống mới của người đã tin, tức là người được gọi bằng danh của Chúa, là người của Đấng Christ, hay nói theo tiếng Hán Việt là Cơ-đốc-nhân (1Phi-e-rơ 4: 2-3).
Với mạng lệnh của Chúa trong hai câu Kinh thánh vừa trưng dẫn thì Cơ-đốc-nhân có thể dùng các điều ấy để xác định lại đời sống mình rằng từ ngày cầu nguyện tin nhận Chúa cho đến ngày hôm nay thì mình đã thay đổi được bao nhiêu, đã từ bỏ các thói quen của đời sống cũ được bao nhiêu phần trăm rồi. Đây là cách thức mà Cơ-đốc-nhân phải dùng để tự vấn lương tâm và đời sống của mình mỗi ngày, vì trong thực tế thì đã có người sau khi tin Chúa một thời gian, mặc dầu có thay đổi đôi chút, nhưng sau đó lại quay trở về với đời sống cũ và những thói quen cũ, đến nỗi chính họ cũng không thể chỉ ra được bất cứ sự khác biệt nào kể từ sau khi tin Chúa.
Tại điểm nầy thì những lời Kinh thánh mà đã được trưng dẫn qua khi nãy đều có ý nói về sự thay đổi trong quan điểm của Cơ-đốc-nhân sau khi tin Chúa và một tấm lòng được đổi mới hoàn toàn chớ chẳng phải chỉ là nói về sự thay đổi hình thức bên ngoài không mà thôi. Có một số Cơ-đốc-nhân cho biết là từ sau khi tin nhận Chúa thì đã có đi nhà thờ, có đọc Kinh thánh và biết hát thánh ca, chớ không còn đi đến các chùa miễu nữa, và các anh chị em ấy xem sự thay đổi như vậy là đã đủ rồi. Nếu nói một cách đơn giản thì thực hiện được những điều như vậy là rất tốt và nếu Cơ-đốc-nhân có thể giữ được sự trung tín luôn luôn trong việc thực hiện những điều đó thì càng tốt hơn nữa. Nhưng điểm mà lời của Chúa nhấn mạnh đến là tấm lòng của Cơ-đốc-nhân sau khi tin Chúa có thật sự thay đổi hay chưa để đức tin của mình có thể được kể là đức tin thật, bởi vì chúng ta có thể thấy rằng người chưa tin cũng có đi đến những nơi thờ tự của tôn giáo họ và cũng có giữ những nghi lễ, nghi thức, mặc dầu khác xa rất nhiều so với các nghi thức và nghi lễ trong Hội thánh của Chúa, nhưng đó vẫn là những hoạt động tôn giáo theo cách nhìn chung của mọi người. Vì vậy Cơ-đốc-nhân cần phải thay đổi tấm lòng của mình chớ không phải là chỉ thay đổi về hình thức hành đạo bên ngoài không mà thôi, giống như là chuyển đổi từ những hình thức của tôn giáo nầy sang những nghi lễ của một niềm tin khác. Vì vậy mà lời của Chúa đã phán dạy rằng Cơ-đốc-nhân sau khi tin Chúa thì phải nhờ sức của Đức-Thánh-Linh để thay đổi con người bề trong của mình một cách hoàn toàn, tức là thay đổi cả về tư tưởng, quan điểm và cách suy nghĩ (Rô-ma 12: 2).
Trong câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy được rằng Đức Chúa Trời muốn Cơ-đốc-nhân phải đổi mới tâm thần bên trong một cách hoàn toàn để có thể chứng tỏ trước mặt Chúa rằng đức tin của mình nơi Ngài là đức tin thật, chớ không phải là chỉ thay đổi hình thức bên ngoài giống như một người chuyển đổi từ tôn giáo nầy sang tôn giáo khác. Sự thay đổi tấm lòng một cách hoàn toàn như vậy được Kinh thánh gọi là sự tái sanh (Giăng 3: 3).
Qua lời phán của Đức Chúa Jêsus được ghi lại trong câu gốc trên thì mặc dầu Cơ-đốc-nhân đã cầu nguyện tin Chúa rồi nhưng vẫn không thể nhận được sự cứu rỗi nếu không chịu tái sanh. Nói để cho dễ hiểu thì đức tin thật là đức tin biết trông mong cho được sự cứu rỗi trong ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm, và lòng trông mong đó phải được thể hiện ra bằng hành động tìm kiếm sự tái sanh trong Chúa một cách hoàn toàn, tức là đổi mới 100% cả trong tấm lòng, tư tưởng, quan điểm và trong nếp sinh hoạt thường ngày của chính cá nhân mình. Nhưng theo thực tế thì trong vòng Cơ-đốc-nhân có nhiều người đặt vấn đề đức tin vào hàng thứ yếu, nếu không nói là ở vào hạng chót, và chỉ nhớ đến cuộc sống thuộc linh sau khi đã hoàn thành tất cả những công việc thuộc thể khác. Cuộc sống bận rộn đời thường đã làm cho nhiều Cơ-đốc-nhân không còn có bao nhiêu thì giờ để suy nghĩ về sự cứu rỗi, về sự tái lâm của Đức Chúa Jêsus Christ và về cõi đời đời.
Bởi thế mỗi một Cơ-đốc-nhân có thể dùng lời của Chúa để xét lại lòng mình rằng mình có thật sự muốn được cứu rỗi hay không. Nếu đã thật sự muốn thì từ ngày tin Chúa đến hôm nay mình đã được tái sanh chưa, đã từ bỏ nếp sống cũ, quan điểm cũ, tư tưởng cũ hoàn toàn hay chưa. Nếu chúng ta có thể trả lời thẳng thắn với chính mình rằng có thì đó là khởi đầu của một đức tin thật.
Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời dùng lời của Ngài trong Kinh thánh để nhắc nhở Cơ-đốc-nhân luôn luôn về tầm quan trọng của việc có đức tin thật sau khi đã tin nhận Chúa. Cầu xin Đức Chúa Trời toàn năng thêm sức cho con dân Ngài để có thể cố gắng đạt đến mức độ đức tin đầy dẫy hầu có thể được đẹp lòng Đức Chúa Trời đang khi còn sống giữa trần gian. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh giúp đỡ cho Cơ-đốc-nhân thắng hơn được chính mình để có thể quyết tâm sống theo tiêu chuẩn của Chúa luôn trong đời nầy và cả cõi đời đời mai sau. Amen.
CÁC CÂU GỐC ĐÃ TRƯNG DẪN:
MA-THI-Ơ 6: 32 – Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi.
MA-THI-Ơ 6: 33 – Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa.
MA-THI-Ơ 8: 23-26 – Kế đó, Đức Chúa Jêsus xuống thuyền, các môn đồ theo Ngài. Thình lình biển nổi bão lớn, đến nỗi sóng dậy phủ thuyền; nhưng Ngài đang ngủ. Các môn đồ đến gần, đánh thức Ngài, mà thưa rằng: Lạy Chúa, xin cứu chúng tôi với, chúng tôi hầu chết! Ngài phán rằng: Hỡi kẻ ít đức tin kia, cớ sao các ngươi sợ? Ngài bèn đứng dậy, quở gió và biển; thì liền yên lặng như tờ.
MA-THI-Ơ 16: 5-8 – Khi môn đồ đi đến bờ bên kia, quên đem bánh theo. Đức Chúa Jêsus phán cùng môn đồ rằng: Hãy giữ mình cẩn thận về men của người Pha-ri-si và Sa-đu-sê. Môn đồ suy nghĩ và luận cùng nhau rằng: Đây là vì chúng ta không đem bánh theo. Đức Chúa Jêsus biết điều đó, thì phán rằng: Hỡi kẻ ít đức tin, sao các ngươi tưởng rằng ấy là vì cớ các ngươi không có bánh?
LU-CA 17: 5 – Các sứ đồ thưa với Chúa rằng: Xin thêm đức tin cho chúng tôi!
LU-CA 22: 32 – Song ta đã cầu nguyện cho ngươi, hầu cho đức tin ngươi không thiếu thốn. Vậy, đến khi ngươi đã hối cải, hãy làm cho vững chí anh em mình.
GIĂNG 3: 3 – Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.
RÔ-MA 8: 24 – Vì chúng ta được cứu trong sự trông cậy, nhưng khi người ta đã thấy điều mình trông rồi, ấy không phải là trông nữa. Mình thấy rồi, sao còn trông làm chi?
RÔ-MA 12: 2 – Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.
1CÔ-RINH-TÔ 9: 27 – Song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng.
Ê-PHÊ-SÔ 4: 14 – Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc.
1TI-MÔ-THÊ 2: 4 – Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.
HÊ-BƠ-RƠ 10: 22 – Nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa.
HÊ-BƠ-RƠ 11: 1 – Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.
HÊ-BƠ-RƠ 11: 6 – Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.
GIA-CƠ 2: 17 – Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết.
1PHI-E-RƠ 4: 2-3 – Hầu cho còn sống trong xác thịt bao lâu thì chớ lại theo những sự người ta ưa thích, nhưng phải theo ý muốn Đức Chúa Trời. Ngày trước cũng đã đủ làm theo ý muốn người ngoại đạo rồi, mà ăn ở theo tà tịch, tư dục, say rượu, ăn uống quá độ, chơi bời, và thờ hình tượng đáng gớm ghiếc.
1GIĂNG 5: 4 – Vì hễ sự gì sanh bởi Đức Chúa Trời, thì thắng hơn thế gian; và sự thắng hơn thế gian, ấy là đức tin của chúng ta.