THÁNH KINH GIẢI LUẬN/Sáng thế ký 3: 22

SÁNG THẾ KÝ 3: 22 – Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán rằng: Nầy, về sự phân biệt điều thiện và điều ác, loài người đã thành một bực như chúng ta; vậy bây giờ, ta hãy coi chừng, e loài người giơ tay lên cũng hái trái cây sự sống mà ăn và được sống đời đời chăng.

– Lời của Chúa cho biết là sau khi A-đam ăn trái cây biết điều thiện và điều ác thì ông đã có được sự nhận thức về sự khác nhau giữa điều tốt và điều xấu giống như Đức Chúa Trời. Nhưng vấn đề quan trọng là ở chỗ nếu đã biết rồi thì sẽ chọn bên nào để sống và làm theo.
– Đức Chúa Trời là Đấng Thánh Khiết và Công Bình nên vì vậy mà Chúa không làm điều ác bao giờ, dầu là một điều rất nhỏ (Gióp 34: 12). Và vì Ngài cũng là Đấng Toàn Năng nên Ngài có thể chọn lựa để làm điều thiện một cách dễ dàng mà không bị cám dỗ.
– Nhưng loài người không có được quyền năng mạnh mẽ như vậy. Đó là lý do đã khiến Đức Chúa Trời cấm không cho A-đam và bà Ê-va ăn trái cấm. Chúa biết rằng sau khi họ đã nhận thức được sự khác nhau giữa thiện và ác thì họ sẽ không có khả năng để thắng hơn sự cám dỗ của điều ác để làm điều thiện lành (Rô-ma 7: 14, 21).
– Theo luật pháp của Đức Chúa Trời thì khi một người biết điều lành mà không làm theo thì bị xem như đã phạm tội (Gia-cơ 4: 17). Đó là chưa kể đến việc người ấy làm ác.
– Cũng theo luật pháp của Đức Chúa Trời thì khi một người đã phạm tội thì chắc chắn phải chịu hình phạt (Châm ngôn 11: 21). Vì tình yêu thương nên Đức Chúa Trời không muốn A-đam bị phạt vì cớ phạm tội nên vì lẽ đó mà Ngài cấm không cho A-đam ăn trái cấm.
– Dẫu vậy Đức Chúa Trời vẫn phải trồng cây biết điều thiện và điều ác ở trong vườn Ê-đen hầu cho A-đam và Ê-va có thể thực hiện được quyền tự do mà Chúa đã ban cho ông. Vì nếu Chúa ban cho A-đam sự tự do mà không cho ông có cơ hội chọn lựa (tức là được thực hiện quyền tự do đó) thì sự tự do mà ông đã được sẽ không còn có ý nghĩa gì nữa. Để có thể hiểu được điều nầy thì Cơ-đốc-nhân cứ nhìn vào trong các quốc gia độc tài độc đảng thì sẽ thấy. Tại những nước ấy thì người dân có quyền tự do nhưng hoàn toàn không có sự chọn lựa nào khác. Đó là lý do mà người ta đã dùng chữ tự do hão để mô tả những chính thể như vậy.
– Đức Chúa Trời biết rằng sau khi A-đam và Ê-va ăn trái cấm thì họ đã biết phân biệt đâu là điều thiện và đâu là điều ác, nhưng lại không có năng lực để sống theo mẫu mực của sự thiện lành, nên vì vậy mà Đức Chúa Trời phải đuổi hai ông bà ra khỏi vườn Địa đàng để họ không ăn được trái cây sự sống (Sáng thế ký 3: 24).
– Nếu một người làm ác mà lại được sống đời đời thì đó là tai họa cho những người chung quanh. Ma quỉ là một bằng chứng điển hình về một kẻ như vậy. Cho nên Đức Chúa Trời không muốn A-đam và Ê-va ăn trái cây sự sống như họ đã từng ăn trước khi phạm tội (Sáng thế ký 2: 16).

CÁC CÂU GỐC ĐÃ TRƯNG DẪN:

SÁNG THẾ KÝ 2: 16 – Rồi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn.

SÁNG THẾ KÝ 3: 24 – Vậy, Ngài đuổi loài người ra khỏi vườn, rồi đặt tại phía đông vườn Ê-đen các thần chê-ru-bin với gươm lưỡi chói lòa, để giữ con đường đi đến cây sự sống.

GIÓP 34: 12 – Quả thật Đức Chúa Trời không làm ác, Đấng Toàn năng chẳng trái phép công bình.

CHÂM NGÔN 11: 21 – Quả thật kẻ gian ác chẳng hề khỏi bị hình phạt; Song dòng dõi người công bình sẽ được cứu khỏi.

RÔ-MA 7: 14 – Vả, chúng ta biết luật pháp là thiêng liêng; nhưng tôi là tánh xác thịt đã bị bán cho tội lỗi.

RÔ-MA 7: 21 – Vậy tôi thấy có luật nầy trong tôi: khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *