THÁNH KINH GIẢI LUẬN/Gia-cơ 2: 8-13
GIA-CƠ 2: 8 – Thật vậy, nếu anh em vâng giữ cho trọn vẹn luật pháp tôn trọng, theo như Kinh thánh rằng: Hãy yêu người lân cận như mình, thì anh em ăn ở tốt lắm.
Vì đây là thư tín viết cho người đã tin Chúa rồi, tức là các Cơ-đốc-nhân trong Hội thánh đầu tiên thời bấy giờ, nên khi đề cập đến luật pháp thì Gia-cơ chỉ nói đến điều răn căn bản thứ hai mà Đức Chúa Jêsus đã tóm tắt cho người Pha-ri-si biết lúc Ngài còn đi giảng đạo tại xứ Giu-đê
MA-THI-Ơ 22: 37-40 – Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi, ấy là điều răn thứ nhứt và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.
Phần thứ hai của luật pháp căn bản được gọi là Luật vàng để so sánh với luật lệ của quan điểm con người, mà người ta gọi là Luật bạc, đó là hễ mình không muốn người khác làm điều gì cho mình thì cũng đừng làm điều đó cho họ. Luật bạc của con người có tính tiêu cực, nghĩa là không chủ động làm tốt cho người khác mà chỉ chú ý đến việc mình được yên thân mà thôi. Còn Luật vàng của Kinh thánh bày tỏ tính tích cực trong mẫu mực mà Đức Chúa Trời dạy dỗ Cơ-đốc-nhân. Ấy là chúng ta làm cho người khác điều mà mình mong muốn họ làm cho mình.
Chúng ta có thể dùng thí dụ sau đây để làm sáng tỏ hai điều luật trên: Thí dụ như có một cậu học trò đi xe đạp đến trường nhưng chẳng may bị bể bánh xe. Với luật bạc của người thế gian thì các học sinh đi ngang qua đó không nên cười cợt hoặc chế giễu tình trạng không may của người học trò bị bể bánh xe. Đó là vì không muốn người ta cười nhạo mình lúc mình bị xui xẻo tương tự như vậy nên các cậu học trò đi ngang qua đó cũng không nên nhạo cười người bị bể bánh xe.
Nhưng Luật vàng của Chúa thì tích cực hơn, đó là nếu mình chẳng may bị bể bánh xe và mong muốn có người đến giúp đỡ, thì khi chính mình thấy người khác ở trong trường hợp tương tự thì phải giúp đỡ ngay, như là đang giúp chính mình vậy.
Vì vậy câu thứ 8 nầy trong Gia-cơ đoạn 2 cho chúng thấy tiêu chuẩn mà Đức Chúa Trời muốn Cơ-đốc-nhân phải có, tức là áp dụng Luật vàng của trong các hoàn cảnh xãy ra mỗi ngày của đời sống. Khi Cơ-đốc-nhân làm được như vậy thì mới được kể là đã ăn ở tốt giữa người thế gian để làm chứng cho Đức Chúa Trời.
1PHI-E-RƠ 2: 12 – Phải ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, hầu cho họ, là kẻ vẫn gièm chê anh em như người gian ác, đã thấy việc lành anh em, thì đến ngày Chúa thăm viếng, họ ngợi khen Đức Chúa Trời.
Người chưa tin thường cho rằng Cơ-đốc-nhân chúng ta bất hiếu với tổ tiên khi không chịu cúng bái người qua đời, nhưng đó chỉ là sự hiểu lầm mà thôi. Vì sự thờ phượng Chúa là cách báo hiếu tốt nhất với cội nguồn của con người, tức là Đức Chúa Trời, là Đấng đã tạo dựng tổ phụ của con người. Và khi người chưa tin nhìn thấy cách ăn ở ngay lành của chúng ta theo như mẫu mực của Luật vàng mà Chúa đã dạy thì họ sẽ được cảm động để tìm hiểu thêm về Đức Chúa Trời và có thể tin nhận Ngài.
Cách ăn ở của Cơ-đốc-nhân chúng ta là phương pháp tốt nhất để làm chứng về Chúa cho người chưa tin, vì làm chứng bằng lời thì dễ, còn làm chứng bằng hành động và đời sống tin kính thì khó nhưng lại hiệu quả hơn rất nhiều. Vì vậy mà câu Kinh thánh trên mới dùng chữ ‘đến ngày Chúa thăm viếng’ họ, tức là lúc Chúa cảm động họ để có thể tin Ngài, thì lúc đó họ sẽ ngợi khen Đức Chúa Trời vì cớ Ngài đã tạo cơ hội cho họ gặp chúng ta và được chúng ta làm chứng cho họ về đời sống đạo căn cứ trên Luật vàng, là luật pháp tốt nhất để Cơ-đốc-nhân có thể làm chứng cách hữu hiệu cho người thế gian bằng chính đời sống mình đã được thay đổi của mình.
Khi chúng ta ăn ở tốt theo như tiêu chuẩn của Kinh thánh là phải yêu người lân cận như mình thì điều đó được lời của Chúa gọi là ăn ở nên thánh và tin kính, theo như lời của Chúa trong thư tín thứ nhì của Phi-e-rơ:
2PHI-E-RƠ 3: 11 – Vì mọi vật đó phải tiêu tán thì anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào.
Bởi lẽ đó, sống đạo là trọng tâm của cuộc đời Cơ-đốc-nhân chúng ta, vì nếu con dân Chúa chỉ nói mà không làm thì sẽ gây cớ vấp phạm cho người khác và ngày sau sẽ bị Chúa quở trách cũng như Ngài đã quở trách người Pha-ri-si ngày trước:
MA-THI-Ơ 23: 3 – Vậy, hãy làm và giữ theo mọi điều họ đã bảo các ngươi; nhưng đừng bắt chước việc làm của họ, vì họ nói mà không làm.
Khi một người nói về điều tốt mà không làm đúng theo điều mình nói thì Kinh thánh gọi những người ấy là kẻ giả hình. Chính những người chưa tin cũng thường dùng từ ngữ nầy, nhất là cho các chính trị gia. Vì vậy Cơ-đốc-nhân chúng ta phải cố sống xứng đáng với tiêu chuẩn của Chúa và với điều mình đã nói.
Niềm tin của chúng ta trong Chúa là niềm tin của sự làm gương, vì vậy chúng ta phải cố gắng để phân biệt niềm tin của chúng ta trong Chúa với những tôn giáo khác. Có thể rằng Cơ-đốc-nhân chúng ta chưa có thể thực hiện ngay được Luật vàng của Chúa một cách triệt để, nhưng chúng ta phải có sự cương quyết để cố gắng và Chúa sẽ thêm sức cho, miễn là chúng ta có ý muốn sống đẹp lòng Chúa theo các mẫu mực mà Ngài đã dạy dỗ.
PHI-LÍP 2: 13 – Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.
Khi một người không muốn sống theo mẫu mực của Chúa thì chắc chắn là không thể thay đổi được người ấy, vì bản tánh của một người như thế nào thì sẽ cứ giữ mãi như vậy suốt đời. Chỉ khi nào chính người ấy muốn thay đổi thì lúc đó Chúa mới làm việc để sự thay đổi có thể xãy ra. Vì khi chúng ta đã có ý muốn, cộng với sự thêm sức của Chúa thì chúng ta có thể tuyên bố một cách đắc thắng như Phao-lô
PHI-LÍP 4: 13 – Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.
Vì vậy, để có thể sống theo Luật vàng của Chúa thì chúng ta phải quyết định trong lòng rằng muốn làm theo ccá lời phán dạy của Chúa và kế đó là cầu nguyện xin Chúa thêm sức để mình có thể làm được.
GIA-CƠ 2: 9 – Nhưng nếu anh em tây vị người ta, thì phạm tội, luật pháp bèn định tội anh em như kẻ phạm phép.
Nhưng trong câu thứ 9 của Gia-cơ đoạn 2 thì lời Kinh thánh cho chúng ta biết là sự tây vị rất không đẹp lòng Đức Chúa Trời, vì dẫu một người có sống đạo và biết vâng giữ Luật vàng của Chúa, nhưng lại có tánh kỳ thị, thì người ấy cũng vẫn bị kể là kẻ phạm tội. Như vậy chúng ta có thể hiểu được rằng sự tuyên bố quả quyết của lời Kinh thánh trong câu thứ 9 nầy cho thấy tội kỳ thì là điều mà Đức Chúa Trời hoàn toàn không muốn thấy xuất hiện trong cộng đồng Cơ-đốc-nhân, nhất là trong nhà của Đức Chúa Trời, là Hội thánh nơi chúng ta thờ phượng Chúa. Đó là ý muốn của Chúa và vì vậy mà Cơ-đốc-nhân phải tuyệt đối giúp đỡ nhau, nhắc nhở nhau để không bao giờ có tình trạng kỳ thị xãy ra trong Hội thánh.
Chúng ta biết việc vâng giữ Luật vàng của Chúa là khó lắm, không phải ai cũng có thể thực hiện được luôn luôn, vậy mà người vâng giữ được Luật vàng vẫn bị kể là kẻ có tội nếu có tánh kỳ thị. Bởi lẽ đó chúng ta phải thường nhắc nhở nhau nếu có thấy điều nầy xãy ra trong Hội thánh mình, và phải lập tức loại bỏ tánh ấy ngay.
Để có thể thấy được tầm quan trọng của tội thiên vị thì chúng ta cứ tưởng tượng về một cái cân, một bên thì là yêu kẻ lân cận như mình và một bên là tội tây vị, thì chúng ta thấy tội ấy được xem là trầm trọng đến như thế nào. Và một điều chắc chắn là không ai có thể vừa yêu người khác như mình mà lại có tánh kỳ thị người nầy với người khác.
Thí dụ như có 10 người Chúa muốn chúng ta yêu thương theo Luật vàng, mà chúng ta chỉ yêu được theo cách ấy có 9 người mà thôi, còn một người thì chúng ta kỳ thị và xem thường. Như vậy thì chúng ta chưa thật sự sống theo Luật vàng một cách trọn vẹn. Đó là lý do Chúa muốn chúng ta phải loại bỏ tánh kỳ thị một cách tuyệt đối.
GIA-CƠ 2: 10-11 – Vì người nào giữ trọn luật pháp, mà phạm một điều răn, thì cũng đáng tội như đã phạm hết thảy. Vả, Đấng đã phán rằng: Chớ phạm tội tà dâm, cũng có phán rằng: Chớ giết người. Vậy, nếu ngươi không phạm tội tà dâm, nhưng phạm tội giết người, thì ngươi là kẻ phạm luật pháp.
Thông thường thì nhiều người trong thế gian có thói quen phân biệt giữa tội lớn và tội nhỏ, chẳng hạn như xem việc giết người cướp của là tội lớn mà việc nói dối là tội nhỏ. Chính vì vậy mà ai cũng nghĩ là mình vô tội, vì chưa từng phạm tội giết người. Nhưng trong quan điểm và tiêu chuẩn của Chúa thì tất cả các tội đều bằng nhau, chỉ có riêng tội phạm thượng đến Đức-Thánh-Linh là tội lớn nhất và không thể tha thứ được mà thôi.
MA-THI-Ơ 12: 32 – Nếu ai nói phạm đến Con người, thì sẽ được tha; song nếu ai nói phạm đến Đức Thánh Linh, thì dầu đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha.
Và đó là lý do mà lời Kinh thánh phân biệt ra tội đáng chết và tội không đến nỗi chết nếu biết ăn năn:
1GIĂNG 5: 16 – Ví có kẻ thấy anh em mình phạm tội, mà tội không đến nỗi chết, thì hãy cầu xin, và Đức Chúa Trời sẽ ban sự sống cho, tức là ban cho những kẻ phạm tội mà chưa đến nỗi chết. Cũng có tội đến nỗi chết; ấy chẳng phải vì tội đó mà ta nói nên cầu xin.
Theo lời Kinh thánh trong câu gốc trên thì có những tội mà khi chúng ta cầu thay thì Chúa sẽ tha thứ cho người phạm tội, miễn là người đó biết ăn năn. Còn những tội đáng chết thì dẫu có cầu thay cũng vô ích mà thôi.
LU-CA 17: 3 – Các ngươi hãy giữ lấy mình. Nếu anh em ngươi đã phạm tội, hãy quở trách họ; và nếu họ ăn năn, thì hãy tha thứ.
Khi chú ý đến lời Đức Chúa Jêsus dạy dỗ trong câu Kinh thánh nầy thì chúng ta sẽ thấy rằng muốn được tha thứ thì cần phải ăn năn. Nếu không chịu ăn năn thì không có sự tha thứ. Đó là nguyên tắc không thay đổi của Chúa và nếu Cơ-đốc-nhân không vâng theo nguyên tắc nầy thì sẽ dễ dàng bị người ta lợi dụng.
Lời của Chúa cũng cho biết thêm về ý nghĩa của sự ăn năn thật, đó là không bao giờ phạm tội ấy nữa:
GIĂNG 5: 14 – Sau lại, Đức Chúa Jêsus gặp người đó trong đền thờ, bèn phán rằng: Kìa, ngươi đã lành rồi, đừng phạm tội nữa, e có sự gì càng xấu xa xảy đến cho ngươi chăng.
Chúng ta sẽ có dịp suy gẫm lời của Chúa về ý nghĩa của sự ăn năn, nhưng bây giờ thì chúng ta trở lại với vấn đề phạm tội, nhất là tội phạm đến Đức-Thánh-Linh.
Để nhắc lại và để cho chúng ta có thể hiểu một cách tường tận hơn về tội phạm đến Đức-Thánh-Linh thì tội ấy liên quan đến việc người ta cố tình mạ lỵ Đức-Thánh-Linh và đặt Ngài ngang hàng với tà thần, tức là ma quỉ. Chúng ta có thể xem thêm trong các phần Kinh thánh liên hệ đến tội phạm nầy để thấy rõ một trong những thí dụ mà Đức Chúa Jêsus Christ đã nhơn đó tỉnh thức các môn đồ về sự nghiêm trọng của việc nói phạm đến Đức-Thánh-Linh:
MA-THI-Ơ 12: 22-24 – Bấy giờ có kẻ đem đến cho Đức Chúa Jêsus một người mắc quỉ ám, đui và câm; Ngài chữa cho, đến nỗi người câm nói và thấy được. Chúng lấy làm lạ, mà nói rằng: Có phải người đó là con cháu vua Đa-vít chăng? Song những người Pha-ri-si nghe vậy, thì nói rằng: Người nầy chỉ nhờ Bê-ên-xê-bun là chúa quỉ mà trừ quỉ đó thôi.
Đức Chúa Jêsus cho biết là ma quỉ không tự trừ diệt lẫn nhau, mà chỉ có một mình Chúa là Đấng đuổi được chúng mà thôi. Khi những người Pha-ri-si cho rằng Đức Chúa Jêsus cậy quyền phép của Sa-tan để đuổi quỉ thì họ có ý nhục mạ Chúa và xem quyền năng từ trong Ngài đến từ Sa-tan. Đó là hình thức phạm tội đến Đức-Thánh-Linh, vì Ngài là năng lực của Đức Chúa Trời và là năng lực mà Đức Chúa Jêsus đã sử dụng để đuổi quỉ.
Trở lại với vấn đề phạm tội trong câu thứ 10 của Gia-cơ đoạn 2 thì vì Đức Chúa Trời xem các tội đều bằng nhau nên dẫu chỉ phạm một tội thôi thì Chúa cũng xem như đã phạm hết thảy, theo như nguyên tắc của Chúa đã được xác định trong câu gốc nầy. Chính bởi lẽ đó mà lời Kinh thánh cho biết là không có một người công bình nào trên đất nầy:
RÔ-MA 3: 10 – Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không.
Sau khi tin Chúa thì Cơ-đốc-nhân được khoác lên mình chiếc áo công nghĩa của Đức Chúa Jêsus để được kể là công bình và vô tội trước mắt Đức Chúa Trời, nhưng bên dưới cái áo đó thì chúng ta vẫn còn đầy những yếu đuối, vấp phạm. Vì vậy Chúa muốn chúng ta cố gắng sống đạo và thực hành tin kính để chứng tỏ với Ngài rằng chúng ta muốn thật sự thay đổi để xứng đáng với Thiên đàng mai sau, cũng giống như được cái áo sạch thì phải đi tắm rửa để xứng đáng mặc cái áo ấy, là áo được hoàn tất bởi sự hy sinh của Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá.
Chính sự cố gắng sống đạo và thực hành tin kính làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và Ngài sẽ ban sức cho chúng ta để tiếp tục sống đời nên thánh luôn cho đến đời đời trong cố gắng bắt chước Đấng Christ và bắt chước chính Đức Chúa Trời trong sự thánh khiết hoàn mỹ.
(còn tiếp)