THÁNH KINH GIẢI LUẬN: Ma-thi-ơ 28: 16-20
MA-THI-Ơ 28: 18 – Đức Chúa Jêsus đến gần, phán cùng môn đồ như vầy: Hết cả quyền phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta.
– Sự đến gần của Đức Chúa Jêsus là muốn cho các môn đồ nhận thức được rằng quả thật là Ngài đã sống lại,
– Kinh nghiệm ấy vẫn tốt hơn là Ngài ở xa phán với các môn đồ hoặc phán với họ qua thiên sứ,
– Ngài là Đức Chúa Trời, nhưng vẫn đến gần loài người để phán bảo họ một cách gần gũi. Nhưng trong thực tế của Hội thánh, nhiều người hầu việc Chúa có thái độ quan liêu đến nỗi tránh nói chuyện trực tiếp với các anh chị em tín hữu trong Hội thánh. Họ thiếu tinh thần của Đấng Christ biết bao nhiêu,
– Chủ ý của Đức Chúa Trời khi soi dẫn các trước giả để viết ra Kinh thánh là điều chi thật cần thiết cho đức tin của con dân Ngài thì mới được ghi lại mà thôi, vì vậy tất cả các lời phán của Chúa đều rất quan trọng mà Cơ-đốc-nhân cần phải chú ý đến một cách thật đặc biệt,
– Tất cả quyền phép để cai quản vũ trụ đều trở lại thuộc về Đức Chúa Jêsus. Khi trước, vì mang thế tội cho con người nên Đức Chúa Jêsus bị kể là Đấng có tội, đến nỗi Đức Chúa Cha xa lánh Ngài (Ma-thi-ơ 27: 46), nhưng sau khi sống lại thì Ngài trở lại với địa vị là Đức Chúa Trời của cả vũ trụ nên quyền năng và thế lực được phục hồi lại như trước (so sánh với Giê-rê-mi 32: 17),
– Đức Chúa Jêsus dùng chữ ĐÃ GIAO để nói với các môn đồ hầu họ có thể hiểu được dễ dàng, nhưng nhiều người vì các chữ tương tự như vậy mà lầm tưởng rằng Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus Christ là hai thân vị tách biệt (vì đó mà có tín lý Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, rồi để đi thêm một bước lầm lẫn xa hơn nữa là có Đức Chúa Mẹ hay Đức Mẹ),
– Theo như lời phán của chính Đức Chúa Jêsus thì Ngài và Đức Chúa Trời là một (Giăng 10: 30) hay nói cách rõ ràng hơn thì Đức Chúa Jêsus là Đức Chúa Trời hiện thân thành người,
– Vì Đức Chúa Jêsus Christ là Đức Chúa Trời với quyền năng đầy đủ nên Cơ-đốc-nhân cần phải nhờ cậy Ngài để có năng lực mà sống đời gương mẫu để làm sáng danh Chúa (2Phi-e-rơ 1: 3).
(Xin đọc thêm các bài viết về CHỨC VỤ CỦA ĐỨC CHÚA JÊSUS CHRIST, DỨC CHÚA JÊSUS CHRIST LÀ ĐỨC CHÚA TRỜI, QUYỀN NĂNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI, CƠ-ĐỐC NHÂN SỐNG THEO TÂM TÌNH CỦA ĐẤNG CHRIST, CHỨC VỤ NGƯỜI HẦU VIỆC CHÚA, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ SỐNG ĐẠO, CƠ-ĐỐC NHÂN VỚI NĂNG LỰC CỦA ĐẤNG CHRIST)
MA-THI-Ơ 28: 19-20 – Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.
– Đây là mạng lệnh mà Đức Chúa Jêsus phán cho hết thảy con dân của Chúa, không miễn trừ một ai,
– Nhiều người nghĩ rằng đây là mạng lệnh chỉ dành cho các người hầu việc Chúa, đặc biệt là cho những người được kêu gọi vào chức vụ giáo sĩ, nhưng nghĩ như vậy mà hạn chế trách nhiệm của Cơ-đốc-nhân trong việc làm chứng cho người chưa biết Chúa (xem thêm Mác 16: 15),
– Một số người nghĩ rằng chữ ĐI trong câu gốc nầy có nghĩa là Cơ-đốc-nhân phải đi chứng đạo lưu động khi có cơ hội hoặc dịp tiện, nhưng chữ nầy thật ra có nghĩa bao quát hơn là thực hiện hành động làm chứng về Chúa cho người chưa tin trong mọi trường hợp, mọi nơi, mọi chỗ mà mình có mặt (thí dụ chẳng hạn như tại xóm giềng, trường học, công sở, đồng ruộng…),
– Chữ DẠY DỖ mang ý nghĩa rằng Cơ-đốc-nhân phải nói về Tin lành của Đức Chúa Jêsus cho người chưa tin một cách rõ ràng, thông suốt và gương mẫu,
– Nhiều con dân Chúa làm chứng cho người chưa tin về sự cứu rỗi mà chính họ cũng biết rất mập mờ, nhất là không có một đời sống xứng đáng để làm chứng cho người nghe rằng chính họ thật sự tin vào việc cứu rỗi trong ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm,
– Chữ DẠY DỖ vì vậy còn mang ý nghĩa là con dân Chúa phải có nếp sống đạo tương xứng với lời làm làm chứng của mình (là muối của đất, là ánh sáng của thế gian),
– Chữ MUÔN DÂN cho thấy rằng Tin lành của Đức Chúa Jêsus phải được rao giảng cho mọi người bất kể màu da, ngôn ngữ, văn hóa, địa vị trong xã hội,
– Sự rao giảng và làm chứng về Tin lành của Đức Chúa Jêsus phải có động lực vì danh Chúa chớ không phải để kêu gọi người khác gia nhập giáo hội hoặc theo khuynh hướng tín lý của cá nhân mình,
– Có một số người rao giảng vì muốn được nhiều người ở dưới quyền lãnh đạo của họ, để tăng cường địa vị của họ trong giáo hội, để khoe mình là ta đây đầy ơn hoặc để chứng tỏ tài năng của họ hơn người khác,
– Vì vậy, khi nhơn danh danh Chúa để làm chứng về Tin lành của Ngài thì phải nhớ rằng đang nhơn danh Đấng Công Bình, Yêu Thương, Thánh Khiết, Nhu Mì, Hiền Lành, Nhân Từ và Hy Sinh để chính người đang làm chứng cũng phải bày tỏ được các mỹ đức đó trong đời sống họ trước mặt những người chưa tin,
– Có một số người nói rằng nếu chờ cho tôi con Chúa sống thật xứng đáng rồi mới đi ra làm chứng thì có lẽ Hội thánh chẳng bao giờ có thêm người,
– Nhưng nói như vậy là quên từ ngữ Hội thánh được dùng cho đoàn thể của những người biệt riêng ra thánh cho Đức Chúa Trời,
– Chữ Hội thánh được dùng cho đoàn thể con dân Chúa trong những ngày còn sống trên đất, chớ không phải đợi đến vào Thiên đàng rồi mới xử dụng, vì vậy tôi con Chúa phải có đời sống xứng hiệp với danh xưng dành cho chính mình.
– Trong câu 20 thì Đức Chúa Jêsus hứa rằng Ngài sẽ cùng các môn đồ luôn cho đến tận thế, điều đó có nghĩa là Chúa sẽ đồng công với tôi con của Ngài trong công tác truyền giảng cho người chưa tin,
– Nhưng lời hứa nầy cũng nhắc nhở Cơ-đốc-nhân khi làm chứng rằng phải nhơn danh Đức Chúa Jêsus mà làm, chớ không phải vì giáo hội, vì ý riêng hoặc để mưu cầu danh tiếng cho cá nhân mình,
– Cơ-đốc-nhân làm chứng về Chúa là để Ngài được vinh hiển, vì vậy phải theo đúng các lẽ thật và mẫu mực trong Kinh thánh, chớ không thể dùng lời khoa trương thiếu sự thật, hoặc bằng cách gian dối để lôi kéo người chưa tin đến với giáo hội,
– Vì trong thực tế đã có nhiều trường hợp mà tôi con Chúa dùng vật chất, tiền bạc để dẫn dụ người ta đến với Chúa, thật ra là đến với Hội thánh địa phương của họ, nhưng không hề giúp đỡ cho tân tín hữu biết lẽ thật mà lại chỉ lôi kéo để tăng thêm nhân sự cho Hội thánh địa phương.
(Xin đọc thêm các bài viết CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ SỐNG ĐẠO, TRÁCH NHIỆM VÀ BỔN PHẬN CỦA HỘI THÁNH, MỤC TIÊU CỦA SỰ TRUYỀN GIẢNG CHỨNG ĐẠO, CÁC NGUYÊN TẮC CẦN THIẾT KHI LÀM CHỨNG, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ GIẢ HÌNH, ĐẶC ĐIỂM CỦA NGƯỜI PHA-RI-SI, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ TRÁCH NHIỆM DẠY DỖ, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ LÀM GƯƠNG TỐT, HỘI THÁNH VÀ CÁC KHUYNH HƯỚNG THẾ GIAN)
(còn tiếp)