THÁNH KINH GIẢI LUẬN/Ma-thi-ơ 13: 24

THÍ DỤ VỀ LÚA MÌ VÀ CỎ LÙNG

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 13: 24-30

Câu gốc: MA-THI-Ơ 13: 24 – Đức Chúa Jêsus phán ví dụ khác cùng chúng rằng: Nước thiên đàng giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình.

Kính thưa quý Hội thánh, câu chuyện về lúa mì và cỏ lùng đã được chúng ta suy gẫm qua nhiều lần, nhưng chỉ ngắn gọn và sơ lược mà thôi và mặc dầu chúng ta cũng đã nắm vững được những ý chính trong thí dụ ấy, nhưng tôi vẫn mong được trình bày với quý Hội thánh một cách chi tiết hơn để chúng ta có thể hiểu được về câu chuyện lúa mì và cỏ lùng một cách rõ ràng. Vì từ trước đến nay thì thí dụ nầy là một trong những phần Kinh thánh mà người ta thường lầm lẫn nhiều nhất, đặc biệt là đối với Cơ-đốc-nhân. Bởi lẽ đó mà hôm nay tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm một cách chậm rãi chi tiết về câu chuyện ấy. Hy vọng rằng quý Hội thánh có thể kiên nhẫn để theo dõi từ đầu cho đến cuối. Nói như vậy thì không có nghĩa là tôi sẽ giải bày cả thí dụ nầy chỉ trong một lần mà thôi, mà có lẽ sẽ phải cần đến nhiều lần sau nữa vì chúng ta phải suy gẫm từng câu, nhất là những chữ quan trọng trong phần Kinh thánh nầy. Hôm nay thì chúng ta sẽ bắt đầu với câu thứ 24. Tôi cũng xin được khích lệ thêm với quý Hội thánh rằng tìm hiểu về lẽ thật và sự mầu nhiệm trong lời của Chúa là rất khó, chớ không phải dễ, vì là lời của Đấng Khôn Ngoan tuyệt đối, nhưng vì ý muốn của Đức Chúa Trời là con cái Ngài phải hiểu biết lẽ thật nên tôi sẽ cố gắng trình bày một cách chậm rãi chi tiết, có lúc sẽ phải lập đi lập lại để giúp cho quý Hội thánh dễ hiểu và dễ nhớ. Vì vậy xin quý Hội thánh kiên nhẫn theo dõi để chúng ta cùng nhau có thể làm đẹp lòng Chúa và tăng cường đức tin của chúng ta bằng lời của Ngài. Chắn chắc rằng Chúa sẽ thêm sức và soi sáng cho chúng ta để có thể hiểu biết về thí dụ nầy một cách thật chính xác và đầy đủ.

Trong câu gốc nền tảng của chúng ta sáng hôm nay thì Kinh thánh cho biết rằng Đức Chúa Jêsus đã dùng thí dụ về lúa mì và cỏ lùng để giảng dạy cho các môn đồ về sự mầu nhiệm của nước Đức Chúa Trời. Khi nói đến chữ mầu nhiệm thì chúng ta cần phải hiểu rằng đó là lịch sử của nước Thiên đàng mà vốn vẫn che khuất khỏi sự hiểu biết của con người từ trước đến nay. Theo như lời Đức Chúa Jêsus đã phán thì lịch sử nước Thiên đàng cần phải được giảng dạy bởi các thí dụ hầu cho người ngoài, tức là người chưa tin, không thể hiểu được, như lời của Chúa đã được ghi lại trong Mác 4: 11.

MÁC 4: 11 – Ngài phán rằng: Sự mầu nhiệm của nước Đức Chúa Trời đã tỏ ra cho các ngươi; nhưng về phần người ngoài, thì dùng các thí dụ để dạy mọi sự.

Lý do mà Đức Chúa Jêsus dùng thí dụ để làm cho người ngoại không hiểu được là vì Ngài muốn họ phải nhờ cậy nơi Đức-Thánh-Linh để được giải bày, có nghĩa là cần phải ăn năn tiếp nhận Chúa thì mới có được sự giúp đỡ của Đức-Thánh-Linh để có thể hiểu được những sự sâu nhiệm của cõi vô hình. Điều nầy cũng được áp dụng cho Cơ-đốc-nhân nữa. Vì nếu người theo Chúa chỉ cậy trí não của cá nhân mình để hiểu biết các thí dụ của Chúa, nhất là thí dụ về lúa mì và cỏ lùng, thì họ sẽ bị lầm lẫn và hiểu sai các ý nghĩa, rồi từ đó dẫn đến việc hiểu sai cả lịch sử của Thiên đàng và lịch sử của con người trong trần gian nầy.

Chúng ta cần phải biết rằng lịch sử của con người được gắn liền với Thiên đàng và là một phần của lịch sử Thiên đàng, vì vậy mà Đức Chúa Jêsus mới kể thí dụ về lúa mì và cỏ lùng cho các môn và thí dụ nầy đã được ghi vào Kinh thánh để cho các thế hệ sau cũng có thể biết được. Chúng ta thử suy nghĩ như thế nầy thì sẽ thấy được mối liên hệ giữa Thiên đàng và trần gian. Chẳng hạn như khi chúng ta nói đến lịch sử hiện đại của Việt Nam thì chắc chắn là phải đề cập đến lịch sử của thành phố Saigon, vì là thành phố đông dân nhất của cả nước và là nơi dễ làm ăn nhất, đến nỗi dân cư từ các tỉnh thường đổ về Saigon và nhiều khi họ ở lại luôn tại đấy, có người còn đem cả gia đình vào Saigon để sống nữa. Trước đây thì Saigon là thành phố nổi tiếng nhất của vùng Đông Nam Á và được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông, là nơi mà có các trường đại học nổi tiếng đến nỗi sinh viên của Nam Triều Tiên, Hongkong, Đài Loan và Mã Lai đã sang du học rất đông. Vì vậy khi Đức Chúa Jêsus giảng dạy về sự mầu nhiệm của nước Thiên đàng thì Ngài bao gồm luôn cả lịch sử của con người, bởi vì trong tương lai thì Thiên đàng sẽ là nơi thu nhận những người có đức tin giữa vòng loài người, tức là những người đã được tuyển chọn từ Trái đất để nhận được phần thưởng tuyệt diệu là sống đời đời với Chúa trong Thiên đàng.

Bởi lẽ đó khi Đức Chúa Jêsus phán rằng Nước thiên đàng giống như người kia gieo giống tốt trong ruộng mình thì những lời đó có nghĩa là Chúa đang kể về khởi đầu của lịch sử con người trên Trái đất. Vì theo lời giải thích của Đức Chúa Jêsus cho các môn đồ thì chữ ruộng trong lời của Chúa có nghĩa là thế gian, như đã được chép trong Ma-thi-ơ 13: 36-38.

MA-THI-Ơ 13: 36-38 – Bấy giờ, Đức Chúa Jêsus cho chúng về, rồi vào nhà. Môn đồ đến gần mà hỏi Ngài rằng: Xin thầy giải lời ví dụ về cỏ lùng trong ruộng cho chúng tôi. Ngài đáp rằng: Kẻ gieo giống tốt là Con người. Ruộng là thế gian. Giống tốt là con cái nước Thiên đàng; cỏ lùng là con cái quỉ dữ.

Mặc dầu lời của Đức Chúa Jêsus đã giải thích rõ ràng như vậy, nhưng vẫn có nhiều người cứ tưởng lầm chữ ruộng là tấm lòng của con người, như trong một thí dụ khác của Chúa về việc gieo giống, như có chép cũng trong đoạn 13: 3-9. Trong thí dụ ấy thì những mảnh đất là những tấm lòng khác nhau của con người và bởi đó mà có phản ứng, tức là có kết quả khác nhau đối với hạt giống Tin lành được gieo vào trong tấm lòng của họ. Chúng ta cùng đọc lại phần Kinh thánh ấy thì sẽ thấy rõ được sự khác nhau khi Đức Chúa Jêsus có ý nói về thế gian và về tấm lòng của con người.

MA-THI-Ơ 13: 3-9 – Ngài dùng thí dụ mà giảng nhiều điều cùng họ. Ngài phán như vầy: Có người gieo giống đi ra đặng gieo. Khi đang gieo, một phần giống rơi dọc đường, chim bay xuống và ăn. Một phần khác rơi nhằm chỗ đất đá sỏi, chỉ có ít đất thịt, bị lấp không sâu, liền mọc lên; song khi mặt trời mọc lên, thì bị đốt, và vì không có rễ, nên phải héo. Một phần khác rơi nhằm bụi gai, gai mọc rậm lên, phải nghẹt ngòi. Một phần khác nữa rơi nhằm chỗ đất tốt, thì sanh trái; hoặc một hột ra được một trăm, hoặc một hột sáu chục, hoặc một hột ba chục. Ai có tai, hãy nghe!

Trong phần Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy được những sự khác nhau với thí dụ về lúa mì và cỏ lùng. Ở đây thì Đức Chúa Jêsus chỉ nói về một người đi ra đặng gieo giống chớ không hề đề cập rằng người đó là người chủ ruộng hay là người làm công. Vì vậy mà thí dụ nầy mới được dùng để nói về Cơ-đốc-nhân và những người hầu việc Chúa, là người đi ra đặng rao truyền Tin lành cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho mọi người. Còn trong thí dụ cỏ lùng và lúa mì thì Đức Chúa Jêsus đã cho biết một cách rõ ràng rằng người gieo giống tốt vào trong ruộng chính là người chủ ruộng, tức là chính Ngài, còn chữ ruộng có nghĩa là cả thế gian chớ không phải chỉ nhỏ bé như là tấm lòng của con người. Khi Đức Chúa Jêsus giải thích về chữ ruộng thì Ngài muốn cho các môn đồ biết rằng đó là Trái đất mà chúng ta đang sống đây, còn những người kia thì lại giải thích rằng chữ thế gian có nghĩa là tấm lòng của mọi người sống trên quả Địa cầu. Sự lầm lẫn như vậy là một trong những lý do dẫn đến các mâu thuẫn trong sự giải thích của họ mà tôi sẽ đề cập thêm trong các phần sau.

Vì lời của Đức Chúa Jêsus cho biết rằng người chủ ruộng đó chính là Ngài nên nhiều người mới nghỉ ngay rằng chữ gieo giống có nghĩa là giảng Tin lành, vì đó là một trong những trọng tâm trong chức vụ của Đức Chúa Jêsus khi Ngài đến thế gian. Định kiến ấy xuất phát từ ý nghĩa của thí dụ trước đó về sự gieo giống trên bốn mảnh đất khác nhau mà chúng ta vừa đọc qua trong Ma-thi-ơ 13: 3-9. Cũng từ việc cho rằng người chủ ruộng gieo giống tốt là giảng Tin lành nên những người kia mới nghĩ rằng chữ thế gian có nghĩa là tấm lòng của mọi người trong thế gian, còn cỏ lùng là đạo lạc của ma quỉ, hay còn gọi là mầm mống của tội lỗi. Rồi cũng từ đó mà họ mới suy diễn rằng khi hạt giống Tin lành chạm đến tấm lòng nào thì người đó sẽ là lúa mì, và trở thành con cái của Đức Chúa Trời, còn tấm lòng nào bị hạt giống của kẻ thù người chủ ruộng chạm vào thì sẽ thành cỏ lùng. Vì suy nghĩ như vậy nên họ mới kết luận rằng ai nghe Tin lành và chấp nhận để tin Chúa thì sẽ được kể là lúa mì, tức là trở thành con cái của Đức Chúa Trời. Còn kẻ nào nghe theo đạo giả, hay đạo lạc của ma quỉ thì sẽ thành cỏ lùng, tức là trở thành con cái của quỉ dữ. Mới nghe qua thì sự giải thích như vậy có vẻ đúng đắn và bởi đó mà trở thành sự giải thích được rất nhiều người chấp nhận. Từ trước đến nay thì mọi người đều giải thích hoặc hiểu về thí dụ lúa mì và cỏ lùng theo quan điểm ấy. Nhưng nếu chúng ta suy nghĩ sâu xa hơn và mở rộng vấn đề một cách bao quát hơn thì sẽ thấy sự giải thích như vậy có rất nhiều mâu thuẫn với các lẽ thật trong Kinh thánh. Vì vậy mà đang khi chúng ta cùng nhau suy gẫm đến thí dụ về lúa mì và cỏ lùng thì tôi cũng xin trình bày thêm về các mâu thuẫn trong cách giải thích vừa đề cập đến để quý Hội thánh có dịp so sánh và hiểu rõ ràng hơn lời dạy dỗ của Chúa trong câu chuyện nầy là thế nào.

Khi những người kia cho rằng giống tốt mà Đức Chúa Jêsus gieo vào ruộng là sự giảng Tin lành của Ngài cho mọi tấm lòng trong thế gian, thì điều đó không phù hợp với các lẽ thật khác trong Kinh thánh. Đọc lại trong Tân ước và nhất là trong 4 sách Tin lành thì chúng ta có thể thấy rằng chức vụ giảng Tin lành của Đức Chúa Jêsus chỉ tóm gọn trong xứ Giu-đê mà thôi, và chỉ cho riêng người Do-thái, chớ không phải là cho tất cả mọi người trong thế gian. Lời của chính Đức Chúa Jêsus đã cho biết là chỉ khi nào Đức-Thánh-Linh được ban xuống thì lúc đó các môn đồ mới được lệnh đi khắp thế gian để giảng Tin lành cho mọi người, như lời Kinh thánh đã bày tỏ trong các câu gốc sau:

MA-THI-Ơ 15: 24 – Ngài đáp rằng: Ta chịu sai đến đây, chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên đó thôi.

CÔNG VỤ 1: 8 – Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng trên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận lấy quyền phép và làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất.

Như vậy một trong những điểm khác nhau giữa hai thí dụ gieo giống là thí dụ trước trong Ma-thi-ơ 13: 3-9 thì chữ người gieo giống có thể áp dụng cho nhiều người, mà trong thí dụ sau thì chữ người gieo giống hay chủ ruộng chỉ có thể áp dụng cho một mình Đức Chúa Jêsus mà thôi. Khi người ta không nhận thấy được sự khác nhau như vậy mà giải thích cả hai thí dụ trong cùng một cách, tức là cho rằng người chủ ruộng gieo giống tốt tức là giảng Tin lành, thì họ bị vướng vấp vào các mâu thuẫn sau đây: Thứ nhất, ấy là khi Đức Chúa Jêsus rao giảng Tin lành thì cũng có Giăng Báp-tít và các môn đồ Ngài cùng rao giảng Tin lành với Ngài, chớ không chỉ có một mình Đức Chúa Jêsus mà thôi, như lời Kinh thánh đã có đề cập đến trong Lu-ca 3: 18

LU-CA 3: 18 – Trong khi Giăng rao truyền tin lành, thì cũng khuyên bảo dân chúng nhiều điều nữa.

LU-CA 9: 6 – Vậy, các sứ đồ ra đi, từ làng nầy tới làng kia, rao giảng tin lành khắp nơi và chữa lành người có bịnh.

Như vậy thì khi người ta diễn giải sai lầm rằng câu chuyện về lúa mì và cỏ lùng là thí dụ mà Đức Chúa Jêsus muốn nói về việc rao giảng Tin lành thì sự giải thích như vậy sẽ mâu thuẫn với lời của Chúa, vì trong thí dụ nầy thì chỉ có một mình Đức Chúa Jêsus Christ gieo giống tốt mà thôi, chớ không hề có ai khác. Chính bởi lẽ ấy mà các đầy tớ của chủ ruộng, tức là các thiên sứ, mới hỏi Chúa rằng chẳng phải là Ngài chỉ có gieo giống tốt vào trong ruộng đó sao, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 13: 27.

MA-THI-Ơ 13: 27 – Các đầy tớ của chủ nhà bèn đến thưa rằng: Thưa chủ, chủ không gieo giống tốt vào trong ruộng của chủ sao? Vậy thì cỏ lùng bởi đâu mà ra?

Mâu thuẫn thứ hai mà người ta đã phạm phải là sự giải thích của họ đi ngược lại với mỹ đức yêu thương, công bình và thánh kiết của Đức Chúa Trời. Khi những người kia giải thích rằng sự gieo giống là việc giảng Tin lành thì việc chủ ruộng ra lệnh cho các đầy tớ cứ để cỏ lùng lớn lên với lúa mì cho đến mùa gặt sẽ không phù hợp với lẽ thật cần phải từ bỏ tội lỗi vốn có ghi lại trong các mạng lệnh của Chúa. Sự mâu thuẫn như vậy xuất phát từ việc những người đó cho rằng ruộng là tấm lòng của mọi người trong thế gian, còn lúa mì là Tin lành đúng đắn và cỏ lùng là đạo lạc của ma quỉ. Điều nầy thì tôi đã có đề cập đến khi nãy. Bởi lẽ đó khi họ giải thích chữ ruộng là tấm lòng của mọi người trong thế gian thì họ đã trực tiếp cho rằng Đức Chúa Jêsus dung túng cho tội lỗi, tức là việc chủ ruộng ra lệnh cho các đầy tớ cứ để cho đạo giả của ma quỉ tiếp tục lớn lên trong tấm lòng của của con người cho đến ngày tận thế. Chúng ta cùng đọc lại câu Kinh thánh trong Ma-thi-ơ 13: 30 thì sẽ thấy được sự mâu thuẫn trong lời giải thích của những người kia.

MA-THI-Ơ 13: 30 – Hãy để cho cả hai thứ cùng lớn lên cho đến mùa gặt. Đến mùa gặt, ta sẽ dặn con gặt rằng: Trước hết hãy nhổ cỏ lùng, bó lại từng bó mà đốt đi; song hãy thâu trữ lúa mì vào kho ta.

Theo như lời của Chúa trong câu Kinh thánh nầy, thì nếu những người kia cho rằng chữ ruộng là tấm lòng của mọi người trong thế gian, thì rõ ràng là họ đang trực tiếp cho rằng Đức Chúa Jêsus đã đồng ý cho phép hạt giống xấu của ma quỉ cứ tiếp tục lớn lên trong đời sống của một người cho đến ngày tận thế. Điều đó hoàn toàn mâu thuẫn với các mạng lệnh của Chúa là phải trừ bỏ mọi điều xấu xa tội lỗi khỏi đời sống của Cơ-đốc-nhân ngay khi còn đang sống trên đất nầy, chớ không phải đợi đến khi tận thế rồi mới thanh tẩy, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong Cô-lô-se 3: 8.

CÔ-LÔ-SE 3: 8 – Nhưng bây giờ anh em nên trừ bỏ hết mọi sự đó, tức là sự thạnh nộ, buồn giận và hung ác. Đừng nói hành ai, chớ có một lời tục tỉu nào ra từ miệng anh em.

Rõ ràng là mạng lệnh của Chúa không cho phép dung túng những sự xấu xa trong tấm lòng của con người, nhất là trong tấm lòng của Cơ-đốc-nhân. Bởi lẽ đó mà Đức Chúa Jêsus đã đến thế gian để cứu nhân loại khỏi tội lỗi. Ngay cả đến hạt giống của đạo lạc cũng không được phép tồn tại nữa, như lời Kinh thánh có chép trong Gia-cơ 5: 20.

GIA-CƠ 5: 20 – Phải biết rằng kẻ làm cho người có tội trở lại, bỏ đường lầm lạc, ấy là cứu linh hồn người khỏi sự chết và che đậy vô số tội lỗi.

Vì vậy khi những kẻ kia giải thích rằng câu chuyện lúa mì và cỏ lùng là thí dụ mà Đức Chúa Jêsus muốn phán dạy về việc Ngài giảng Tin lành cho muôn dân thì họ đã tự mâu thuẫn với chức vụ của họ và mâu thuẫn với lẽ thật về Tin lành, là mọi người cần phải được giải thoát khỏi tội lỗi. Chẳng những thế thôi lời giải thích của họ còn trực tiếp cho rằng chính Đức Chúa Jêsus muốn dung túng tội lỗi và đạo lạc trong tấm lòng của con người, qua hình ảnh người chủ ruộng đã ngăn cản không cho các đầy tớ nhổ cỏ lùng đó đi mà cứ để chúng phát triển luôn cho đến ngày tận thế. Như vậy thì lời giải thích của họ làm sao phù hợp được với lẽ thật trong Kinh thánh rằng con người cần phải đến với Đức Chúa Trời để tội lỗi của họ được tha và đời sống của họ được đổi mới, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong Giăng 1: 29.

GIĂNG 1: 29 – Qua ngày sau, Giăng thấy Đức Chúa Jêsus đến cùng mình, thì nói rằng: Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi thế gian đi.

1TI-MÔ-THÊ 2: 4 – Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.

Khi những kẻ kia giải thích câu chuyện về lúa mì và cỏ lùng là thí dụ về việc gieo Tin lành thì họ đã tự làm cho họ mâu thuẫn với lời của Chúa đối với điều xấu trong tấm lòng của con người, dầu là tội lỗi hay đạo lạc, vì những điều đó đều đã được mạng lệnh của Chúa cho biết là phải loại bỏ ngay chớ không thể để cho chúng tiếp tục tồn tại trong tấm lòng của con người. Nếu những kẻ kia cho rằng cỏ lùng là đạo giả hay đạo lạc của ma quỉ làm cho con người phạm tội, thì chẳng lẽ Đức Chúa Jêsus lại muốn người ta cứ ở trong tội lỗi và lầm lạc luôn theo đường lối của ma quỉ cho đến ngày phán xét? Nhưng trong khi đó thì lời của Chúa luôn luôn khuyên con người phải ăn năn và phải từ bỏ tội lỗi ngay lập tức không được chần chờ, dẫu người đó là người chưa tin hay là người đã tin Chúa rồi. Như vậy thì chúng ta có thể thấy được sự sai lầm của những kẻ kia là thế nào. Đó là sự tự mâu thuẫn với các tín lý căn bản trong lời của Chúa. Bởi lẽ đó mà trong Chủ đề Những Nguyên Tắc Căn Bản Trong Kinh Thánh thì tôi đã có trình bày với quý Hội thánh rằng một trong những bí quyết để Cơ-đốc-nhân chúng ta có thể biết được đâu là lẽ thật và đâu là tín lý sai lạc bởi tư tưởng của con người là việc phải so sánh và tìm xem sự giải thích của những người khác có mâu thuẫn với lời của Chúa trong Kinh thánh hay không. Đức Chúa Trời là Đấng Thánh Khiết và Công Bình thì chẳng lẽ Ngài lại dung túng cho tội lỗi cứ tiếp tục lớn lên trong đời sống của con người cho đến ngày phán xét? Giải thích như những kẻ kia là hoàn toàn mâu thuẫn với nguyên tắc tái sanh và nên thánh mà Đức Chúa Trời đã dạy dỗ trong lời của Ngài.

Nhưng những kẻ kia thì cũng có cách giải thích khác nữa để biện minh về lời phán của chủ ruộng khi bảo các đầy tớ cứ để hai giống lúa mì và cỏ lùng lớn lên cho đến ngày phán xét. Họ cho rằng lúa mì và cỏ lùng là tượng trưng cho người tốt và kẻ xấu sống lẫn lộn nhau trong thế gian nầy và họ chứng minh rằng khi xã hội ngày nay còn đầy dẫy những kẻ gian ác thì điều đó ứng hiệp với mạng lệnh của Chúa là cứ để cho cỏ lùng lớn lên với lúa mì cho đến ngày tận thế. Nhưng giải thích như vậy thì cũng mâu thuẫn với các lẽ thật khác trong Kinh thánh. Vì nếu lúa mì và cỏ lùng tượng trưng cho người tốt và người xấu sống lẫn lộn với nhau trong thế gian thì trong thực tế chúng ta có thể thấy rằng không có ai là hoàn toàn tốt để được gọi là lúa mì thuần túy và cũng không ai là hoàn toàn xấu để bị xem là cỏ lùng, vì rõ ràng là Đức Chúa Jêsus đã phán bảo con dân Chúa phải đi khắp thế gian giảng Tin lành cho mọi người, không phân biệt ai hết. Vả lại, khi họ cho rằng lúa mì và cỏ lùng tượng trưng cho người xấu và người tốt, thì họ lại tự mâu thuẫn với lời giải thích của chính họ rằng chủ ruộng gieo giống tốt là gieo Tin lành. Vì Tin lành là điều làm việc bên trong tấm lòng của con người, cũng như đạo giả cũng là sự ảnh hưởng ở bên trong tấm lòng. Vì vậy nếu họ nói rằng việc người chủ ruộng gieo giống tốt là gieo Tin lành thì trong ruộng bắt buộc phải có sẳn một loại cây nào đó rồi để khi được Tin lành của Chúa chạm vào thì biến thành cây lúa mì hoặc khi bị đạo giả của ma quỉ ảnh hưởng đến thì biến thành cỏ lùng. Nhưng đó là điều hoàn toàn không có trong thí dụ của Đức Chúa Jêsus. Đức Chúa Jêsus không hề cho biết là trong ruộng có bất cứ một loại cây cỏ nào trước khi chủ ruộng gieo giống tốt vào trong ruộng ấy.

Thêm vào đó nữa thì chúng ta có thể thấy rằng cả hai giống lúa mì và cỏ lùng đều không có sự biến đổi nào hết từ khi được gieo vào ruộng cho đến khi được thu hoạch hoặc đốt bỏ. Nhưng trong thực tế thì tấm lòng của con người lại có sự thay đổi, từ tốt qua xấu, hoặc từ xấu qua tốt. Nếu những người kia cho rằng sự gieo giống của người chủ ruộng là việc giảng Tin lành của Đức Chúa Trời và hễ ai nghe theo Tin lành của Chúa thì trở thành lúa mì, thì trường hợp của Giu-đa là mâu thuẫn với sự giải thích như vậy. Vì rõ ràng rằng Giu-đa đã nghe lời giảng của Đức Chúa Jêsus và tin theo Ngài, sau nầy còn trở thành một trong mười hai sứ đồ thân cận của Chúa, thì như vậy có thể gọi ông là cây lúa mì. Nhưng sau đó thì Giu-đa phản bội Chúa rồi đi tự tử, như vậy ông đã từ cây lúa mì trở thành cây cỏ lùng. Nhưng trong thí dụ của Đức Chúa Jêsus thì không có điều như vậy xãy ra, vì cây lúa mì thì vẫn là cây lúa mì cho đến ngày tận thế và cỏ lùng vẫn là cỏ lùng cho đến ngày ấy. Như vậy thì chúng ta có thể thấy rằng sự giải thích của những người kia không phù hợp với thực tế của Kinh thánh.

Ngoài ra thì sự giải thích của những người kia cũng mâu thuẫn với trường hợp của Phao-lô nữa. Ấy là trước khi tin Chúa thì Phao-lô là người phạm thượng và bắt bớ Hội thánh của Chúa. Như vậy thì theo lời giải thích của những người kia rằng ai không theo Tin lành hoặc đi theo đường lối của ma quỉ để chống đối Tin lành thì người đó là cỏ lùng, thì Phao-lô chính là một cây cỏ lùng như vậy trước ngày gặp Chúa trên đường đi Đa-mách. Nhưng sau đó thì ông trở thành sứ đồ, thành người thánh và là công cụ đắc lực trong tay Chúa. Thế thì Phao-lô đã từ một cây cỏ lùng trở thành cây lúa mì. Nhưng trường hợp như vậy thì lại không hề được đề cập đến trong thí dụ của Đức Chúa Jêsus về lúa mì và cỏ lùng. Lúa mì thì vẫn là lúa mì cho đến ngày được thâu hoạch và cỏ lùng thì vẫn là cỏ lùng cho đến khi bị đốt bỏ. Thế thì sự giải thích của những người kia đã mâu thuẫn với trường hợp của Phao-lô khi họ cho rằng việc chủ ruộng gieo giống tốt là việc Đức Chúa Jêsus rao giảng Tin lành cho muôn dân. Nhưng nếu những người đó biện minh rằng Phao-lô vì chưa nghe được tiếng của Chúa nên mới phạm tội bắt bớ Hội thánh của Ngài chớ không phải là cỏ lùng thì như vậy lúc đó Phao-lô là cây gì? Như tôi đã đề cập đến khi nãy thì trước khi chủ ruộng gieo giống tốt vào trong ruộng thì ruộng chưa có một cây nào hết. Vậy thì với chi tiết nầy thì những người kia sẽ giải thích như thế nào đối với trường hợp của Phao-lô?

Tất cả chúng ta đều biết rằng trước khi Tin lành của Đức Chúa Jêsus được rao giảng thì thế gian đã có người và tất cả đều ở dưới ảnh hưởng của tội lỗi. Chỉ có một số rất ít người được kể là công bình mà thôi. Như vậy thì để phù hợp với thí dụ của Đức Chúa Jêsus thì trong ruộng phải có đầy cỏ dại trước khi hột giống lúa mì được gieo ra, để cây nào nhận được hạt gi1ông Tin lành thì biến thành cây lúa mì, còn cây nào không nghe theo Tin lành thì trở thành cây cỏ lùng, nhưng đó lại là điều không hề được đề cập gì đến trong lời của Chúa. Chẳng những vậy thôi, số ít người được kể là công bình trước khi có Tin lành của Đức Chúa Jêsus, chẳng hạn như trường hợp của Áp-ra-ham, thì đều là sự công bình dưới luật pháp, chớ không phải là công bình bởi ân điển của Tin lành. Vì vậy khi nói rằng sự gieo giống tốt của chủ ruộng là sự giảng Tin lành của Đức Chúa Jêsus thì điều đó không phù hợp với tấm lòng của cả trần gian kể từ thời A-đam bị đuổi khỏi vườn Địa đàng. Vả lại, theo sự giải thích của những người kia thì chỉ có những tấm lòng được gieo trồng hạt giống Tin lành mới được cứu mà thôi, vậy thì những người có đức tin mà chưa nghe được Tin lành từ thời các tổ phụ thì sẽ như thế nào?

Như tôi đã đề cập đến lúc ban đầu thì nguyên nhân chính yếu của sự sai lầm trong cách giải thích của những kẻ kia là họ đã lấy ý nghĩa trong câu chuyện thí dụ trước đó về việc gieo giống vào bốn loại tấm lòng khác nhau để cố gắng giải thích về thí dụ lúa mì và cỏ lùng. Thêm vào đó nữa là khi Đức Chúa Jêsus cho biết rằng người chủ ruộng gieo giống tốt là chính Ngài thì những kẻ kia liền nghĩ ngay đến việc gieo giống là gieo Tin lành, vì là một trong những mục tiêu chủ yếu trong chức vụ của Đức Chúa Jêsus trên mặt đất. Định kiến như vậy đã làm cho họ giải thích về thí dụ lúa mì và cỏ lùng theo sự hiểu biết của cá nhân chớ không theo những lẽ thật khác trong Kinh thánh, bởi lẽ đó mà có các mâu thuẫn như điều mà chúng ta vừa xem xét qua.

Chúng ta cần phải biết rằng ý nghĩa trong hai thí dụ của Đức Chúa Jêsus về việc gieo giống thì hoàn toàn khác nhau. Như tôi đã có đề cập đến khi nãy thì trong thí dụ thứ nhất trong Ma-thi-ơ 13: 3-9 thì Chúa muốn dạy dỗ về kết quả của bốn tấm lòng khác nhau khi nghe về Tin lành. Nhưng trong thí dụ thứ hai về lúa mì và cỏ lùng thì Đức Chúa Jêsus muốn dạy dỗ chúng ta về lịch sử của con người. Bởi lẽ đó mà trong thí dụ thứ nhất thì các mảnh đất, tức là bốn loại tấm lòng, thì có phẩm chất khác nhau, chẳng hạn như là trên đường đi, đất có đá sỏi, đất có bụi gai và đất rất mầu mỡ phì nhiêu để có thể kết quả nhiều. Nhưng trong thí dụ thứ hai thì Đức Chúa Jêsus không hề đề cập gì đến phẩm chất của ruộng, mà chỉ cho biết đó là thế gian mà thôi. Sự khác biệt như vậy thì chúng ta cần phải nhớ để có thể tiếp tục suy gẫm đến những phần sau về thí dụ nầy. Nhưng vì thời giờ của chúng ta vào sáng Chúa nhật có hạn cho nên hôm nay chúng ta chỉ xem xét sơ qua về cách giải thích của nhiều người về thí dụ lúa mì và cỏ lùng. Lần sau thì chúng ta sẽ suy gẫm nhiều hơn về ý nghĩa thật sự của thí dụ ấy. Ước mong quý Hội thánh có thì giờ để suy nghĩ đến những điều mà chúng ta đã cùng nhau xem xét qua sáng hôm nay, hoặc là đọc lại thí dụ ấy của Đức Chúa Jêsus trong Kinh thánh và nghe lại bài giảng nầy để khi chúng ta tiếp tục thì sẽ được dễ hiểu hơn. Lời của Chúa đã cho biết là chỉ bởi sự giúp đỡ của Đức-Thánh-Linh thì con dân Chúa mới có thể thấu đáo một cách rõ ràng và đúng đắn các sự dạy dỗ trong Kinh thánh mà thôi, như lời phán của Đức Chúa Jêsus đã có ghi lại trong Giăng 16: 13.

GIĂNG 16: 13 – Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời toàn năng tiếp tục dùng lời Kinh thánh để giải bày cho con dân Chúa về những sự sâu nhiệm của nước Thiên đàng. Cầu xin Đức Chúa Trời soi sáng luôn luôn cho Cơ-đốc-nhân trong cố gắng học hỏi lời của Chúa về cõi đời nầy và đời sau. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh là Thần Lẽ Thật tiếp tục dẫn dắt con dân Chúa trên con đường tin kính một cách đúng đắn cho đến khi Đức Chúa Jêsus Christ trở lại. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *