THÁNH KINH GIẢI LUẬN / Giăng 16: 13

HỌC BIẾT VỀ ĐỨC THÁNH LINH

Kinh thánh: Giăng 16: 16-24

Câu gốc: GIĂNG 16: 13 – Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến.

Đối với Cơ-đốc-nhân thì việc đọc Kinh thánh và suy gẫm lời của Chúa là một trong những công việc quan trọng nhất trong sinh hoạt thường ngày của chúng ta, bởi vì Đức Chúa Trời chỉ ban cho nhân loại có một quyển Kinh thánh mà thôi cho nên đó là nền tảng duy nhất để con dân Chúa có thể biết được ý muốn của Đấng tạo hóa và hiểu được những bí ẩn mầu nhiệm trong cõi vô hình. Nếu không có Kinh thánh thì loài người không thể biết được một cách chính xác về Đức Chúa Trời. Bởi lẽ đó mà một trong những trọng tâm trong các thì giờ nhóm lại của con dân Chúa là đọc và suy gẫm lời Kinh thánh. Đối với quý Hội thánh tại đây thì sau nhiều năm dài cùng học lời của Chúa chung với nhau thì quý Hội thánh đã quen thuộc với cách trình bày của tôi, nhưng đối với một số anh chị em ở xa thì vài người vẫn còn chưa quen thuộc lắm, thậm chí còn thấy là lạ nữa. Mặc dầu mỗi một lần trình bày về bất cứ vấn đề thuộc linh nào thì tôi đều có trưng dẫn Kinh thánh để minh chứng, nhưng các anh chị em ấy cho biết rằng sự giải thích của tôi về các câu gốc vẫn còn làm cho họ thắc mắc. Các anh chị em ấy cho biết rằng dẫu các câu Kinh thánh mà tôi đã trưng dẫn thì đều quen thuộc hết, nhưng vấn đề lạ là ở chỗ sự giải thích của tôi nhiều khi khác hẳn so với sự giải thích của những người khác. Bởi lẽ đó mà hôm nay tôi xin được cùng với quý Hội thánh nghiên cứu một cách chậm rãi về một trong những câu gốc mà chúng ta đã quen thuộc. Câu gốc nầy thì tôi đã từng trưng dẫn rất nhiều lần với quý Hội thánh trong những lúc chúng ta suy gẫm lời Chúa chung với nhau hoặc trong những lúc chuyện trò. Đó là câu Kinh thánh trong Giăng 16: 13. Tôi xin được đọc lại câu gốc nền tảng của chúng ta một lần nữa và xin quý Hội thánh cùng theo dõi, vì câu gốc nầy sẽ được dùng làm căn bản cho sự suy gẫm lời của Chúa trong những tuần lễ tới.

GIĂNG 16: 13 – Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến.

Mặc dầu câu gốc nầy là rất quen thuộc với chúng ta, nhưng xin quý Hội thánh kiên nhẫn để cùng nhau suy gẫm một lần nữa. Lần nầy sẽ chậm rãi và chi tiết hơn để giúp cho chúng ta nhớ lại điều mà mình đã học từ mấy năm trước và cũng để cho các anh chị em ở xa quen thuộc với cách suy gẫm Kinh thánh của chúng ta tại đây.

Đối với tất cả Cơ-đốc-nhân thì câu gốc nầy không có gì khó hiểu và mọi con dân Chúa đều có thể giải thích được rất dễ dàng. Vì vậy mà không có ai thắc mắc về câu gốc nầy. Có lẽ khi nghe đến đây thì quý Hội thánh sẽ hỏi rằng nếu không ai thắc mắc về câu gốc nầy hết thì tại sao tôi lại dùng làm câu gốc căn bản để giải thích về cách suy gẫm lời của Chúa tại Hội thánh của chúng ta. Nếu quý Hội thánh có thắc mắc như vậy thì tôi xin thưa thế nầy: Câu gốc nầy dễ hiểu và mọi Cơ-đốc-nhân đều có thể giải thích được dễ dàng là vì đa số chúng ta đều hiểu ý nghĩa của câu gốc nầy trên bề mặt của chữ, có nghĩa là ý tưởng tổng quát của câu gốc, chớ không phải là ý nghĩa hàm chứa đàng sau các chữ ấy.

Để giải thích cho điều tôi vừa nói thì tôi xin được kể một câu chuyện thực tế như thế này: Từ mấy năm nay tôi có gặp một em tráng niên rất yêu mến Chúa. Sự sốt sắng, mềm mõng, hiền lành và kiên nhẫn của em rất đáng chú ý và khi tôi cho nhà tôi biết nhận xét của tôi về em là như vậy thì nhà tôi cũng đồng ý nữa. Bởi thế mà mỗi một lần gặp em tại nhà thờ thì tôi nhớ lại cách khen ngợi một thanh niên mà người miền Nam chúng ta hay nói, nguyên văn có thể từa tựa thế nầy: Tui mà có con gái thì tui kén nó làm rể liền. Thật ra thì em đã lập gia đình rồi. Mấy năm trước em đã làm đám cưới với một thanh nữ Cơ-đốc người Ấn độ và cả hai em đều sốt sắng yêu mến Chúa lắm. Tôi kể về em ở đây là bởi vì chỉ có một vài người trong Hội thánh chúng ta là từng gặp em mà thôi. Chắc quý Hội thánh còn nhớ em tráng niên cao cao, người trắng trẽo, vui vẽ thường đến tìm tôi sau giờ nhóm tại nhà thờ trước khi có cơn bệnh dịch xãy ra. Em cũng đã có hai ba lần mang vé mời đến cho cả Hội thánh chúng ta để đi dự chương trình ca nhạc truyền giảng tại các sân vận động. Mặc dầu em là người Việt nhưng nhóm ở một Hội thánh Đại hàn và em cũng không rành tiếng Việt bao nhiêu. Tôi kể về em là vì câu chuyện đã xãy ra như thế nầy: Sau một thời gian liên lạc với tôi thì khoảng một năm trước em có gợi ý là muốn chia xẽ lời của Chúa cho tôi và khuyên tôi đi gặp một số diễn giả người Đại hàn để nghe các bài giảng của họ. Em cho biết là từ khi em học hỏi với họ thì đã biết về Kinh thánh nhiều lắm và muốn giúp đỡ tôi hiểu thêm về Kinh thánh nhiều hơn. Tôi biết em có ý tốt và tôi cũng không mích lòng với lời gợi ý như vậy của em. Chúng ta là những người đã sống lâu năm tại ngoại quốc thì đều biết rằng thanh niên ở đây khi nói là nói chớ không có vòng vèo kiểu cách gì hết. Các em nghĩ thế nào thì nói thế ấy cho nên tôi rất là thông cảm với tâm tình của em.

Tôi nói với em là cuộc sống bên nầy rất bận rộn và eo hẹp thì giờ, chính em cũng biết rõ như vậy, mà tôi thì càng bận rộn nhiều hơn vì phải dành nhiều thì giờ cho việc tra cứu và suy gẫm lời của Chúa, vì vậy mà để tránh việc lãng phí thì giờ của tôi và của em thì tôi cần phải biết là em hiểu Kinh thánh đến mức độ nào. Em trấn an tôi và cho biết là em biết về Kinh thánh nhiều lắm. Bởi vì em đã nói như vậy cho nên tôi mới gợi ý với em là giải thích câu Kinh thánh trong Giăng 16: 13 để xem là sự hiểu biết của em và của tôi về câu Kinh thánh ấy có giống nhau hay không. Ban đầu thì em tưởng là tôi tìm cách từ chối khéo lời đề nghị của em về việc học Kinh thánh, nhưng tôi cho em biết rằng Đức-Thánh-Linh chỉ có một cho nên nếu tôi và em cùng được Ngài giải bày lời Kinh thánh cho thì chỉ có một đáp số mà thôi, tức là chỉ có một nội dung và một ý nghĩa, chớ không thể nào khác biệt nhau được.

Nghe đến đây thì chắc có người sẽ phản đối để nói rằng ý nghĩa trong lời của Chúa rất bao la và đa dạng nên sự giải thích của người nầy người kia không thể nào giống nhau hoàn toàn được. Tôi cũng đã có lần nghe một vài người nói với tôi như vậy. Họ còn mô tả lời của Chúa giống như một viên kim cương có nhiều mặt cho nên mỗi người nhìn vào những góc độ khác nhau thì sẽ thấy những ánh sáng khác nhau, tức là sự giải thích lời của Chúa không hoàn toàn giống nhau được. Vì quan điểm của nhiều người là như vậy cho nên chúng ta mới thấy tình trạng là chỉ có một quyển Kinh thánh mà thôi nhưng lại có nhiều giáo hội, nhiều hệ phái khác nhau và thậm chí lại rất mâu thuẫn với nhau về tín lý và đường lối theo Chúa đến nỗi không thể dung hòa nhau được. Nhưng trong Kinh thánh thì lại cho biết là chỉ có một Đức Chúa Trời, một Đức Chúa Jêsus Christ và một Đức-Thánh-Linh mà thôi, như lời của Chúa đã khẳng định trong các câu gốc sau đây:

1CÔ-RINH-TÔ 8: 6 – Về phần chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, là Đức Chúa Cha, muôn vật bởi Ngài mà ra, và chúng ta hướng về Ngài. Lại chỉ có một Chúa mà thôi, là Đức Chúa Jêsus Christ, muôn vật đều nhờ Ngài mà có, và chúng ta cũng vậy.

1CÔ-RINH-TÔ 12: 4 – Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh.

Khi Đức Chúa Trời chỉ có một như vậy thì không thể nào có sự khác biệt được, cả trong đường lối của Ngài và trong sự giải bày lời của Chúa. Bởi lẽ đó mà khi chúng ta thấy có sự khác biệt trong việc hiểu lời của Chúa hoặc giải thích lời của Ngài thì chúng ta biết rằng đã có ý tưởng của con người hoặc ý tưởng của cá nhân xen vào đó rồi. Nhưng nan đề lớn mà nhiều Cơ-đốc-nhân vẫn thường thắc mắc, là làm thế nào để chúng ta biết được đâu là ý nghĩa chính xác trong lời của Chúa và đâu là lẽ thật mà chúng ta phải noi theo.

Vì vậy xin thưa với quý Hội thánh là mặc dầu nội dung trong lời của Chúa rất phong phú và dạy dỗ Cơ-đốc-nhân trong nhiều phương diện khác nhau, nhưng mỗi một câu trong Kinh thánh đều có một ý tưởng quan trọng duy nhất mà thôi, và đó là điều mà tôi muốn em tráng niên kia giải thích trước khi tôi ngồi xuống để cùng học Kinh thánh với em. Như chúng ta đã biết thì một câu Kinh thánh có thể được dùng trong nhiều trường hợp khác nhau và giải bày những vấn đề khác nhau, nhưng mối liên hệ chung của tất cả các câu đều mang cùng một chân lý, một lẽ thật mà thôi. Bởi lẽ đó mà câu gốc trong Giăng 16: 13 cũng có nội dung chính yếu tương tự như vậy cho nên tôi mới gợi ý với em để giải thích câu ấy. Tôi cho em biết là câu gốc trong Giăng 16: 13 không phải là khó hiểu và Đức Chúa Trời không hề dùng bất cứ một kỹ xảo nào để che dấu ý nghĩa trong lời của Ngài khỏi Cơ-đốc-nhân. Ngài muốn con dân Chúa hiểu biết lời Kinh thánh cho nên khi Cơ-đốc-nhân biết tìm kiếm lời của Chúa một cách đúng đắn thì mọi ý tưởng trong Kinh thánh đều phơi bày ra một cách rất là rõ ràng như trong ánh sáng ban ngày, không hề kín dấu chút nào hết.

Tôi hứa với em là khi em giải bày được chính xác ý nghĩa trong Giăng 16: 13 thì tôi sẽ dành nhiều thì giờ với em để cùng nhau suy gẫm Kinh thánh và tôi sẽ trả lời cho em về mọi câu hỏi thuộc linh mà em muốn biết. Từ lúc ấy đến nay đã gần nữa năm rồi và mặc dầu em đã gởi cho tôi nhiều lời giải thích nhưng vẫn chưa có câu nào đúng với nội dung chính yếu của câu gốc trong Giăng 16: 13. Vì em trả lời cho tôi qua các mẫu nhắn tin trên điện thoại cho nên tôi vẫn còn lưu giữ các câu trả lời ấy. Tôi sẽ giải bày câu gốc trong Giăng 16: 13 với quý Hội thánh tại đây để thứ nhất là chúng ta biết được nội dung chính yếu của câu gốc ấy, thứ hai là để quý Hội thánh có thể nhớ lại phương pháp học Kinh thánh mà tôi đã trình bày với quý Hội thánh từ mấy năm trước và thứ ba là để quý Hội thánh có thể thấy được sự khác biệt trong cách giải thích của những người giống như em tráng niên kia khi họ nói rằng đã biết nhiều về lời của Chúa rồi. Tôi cũng sẽ giải bày một cách chậm rãi để quý anh chị em ở xa có thể làm quen với cách học Kinh thánh của chúng ta tại đây. Mặc dầu chỉ là một câu gốc mà thôi nhưng có lẽ chúng ta phải cần đến 2, 3 buổi giống như sáng hôm nay mới có thể học biết hết ý nghĩa trong câu gốc ấy. Trong thời gian nầy thì tôi cũng xin gợi ý là quý Hội thánh có thể hỏi thử những anh chị em quen biết nhưng không thuộc trong Hội thánh chúng ta và nhờ họ giải thích giùm ý nghĩa trong Giăng 16: 13 để chúng ta có thể so sánh với điều mà tôi sẽ trình bày buổi sáng hôm nay và trong những lần tới.

Nhưng trước khi thật sự đi vào chi tiết của câu gốc trong Giăng 16: 13 thì tôi xin nhắc lại những yêu cầu quan trọng cho việc suy gẫm lời của Chúa theo cách mà tôi sắp sửa trình bày cùng với quý Hội thánh. Yêu cầu quan trọng thứ nhất là phải có thời gian. Phương pháp học Kinh thánh mà tôi sẽ trình bày cùng với quý Hội thánh cần nhiều thời gian lắm cho nên sự vội vã gấp rút là điều tối kỵ. Nhưng thời gian lại là điều mà con người trong thời kỳ hiện đại không thể tìm ra được, hay nói đúng hơn là không có để mà dành cho việc suy gẫm Kinh thánh một cách chi tiết. Chúng ta thấy cuộc sống ngày hôm nay có nhiều điều thu hút sự chú tâm của con người lắm, đến nỗi ngay cả Cơ-đốc-nhân cũng ít khi có thì giờ dành riêng cho việc đọc Kinh thánh và cầu nguyện, nói chi là đến việc suy gẫm lời của Chúa một cách chi tiết. Nhưng theo như lời của Chúa đã phán dạy thì bất cứ việc gì mà Cơ-đốc-nhân chúng ta thực hiện thì cũng phải hết lòng mà làm, huống chi là việc suy gẫm Kinh thánh. Vì vậy mà việc Cơ-đốc-nhân dành nhiều thì giờ để học hỏi lời của Chúa là một trong những cách để chúng ta bày tỏ tấm lòng vâng phục trọn vẹn đối với mạng lệnh ấy. Tôi xin đọc lại câu Kinh thánh ấy trong Cô-lô-se 3: 23.

CÔ-LÔ-SE 3: 23 – Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta.

Kế đến, yêu cầu quan trọng thứ hai là phải nhớ nhiều Kinh thánh, càng nhiều chừng nào càng tốt chừng nấy. Đó là một trong những lý do mà tôi đã khích lệ quý Hội thánh đọc Kinh thánh chung với nhau mỗi tuần suốt hơn 10 năm nay. Nhờ việc đọc đi đọc lại Kinh thánh nhiều lần như vậy mà chúng ta sẽ nhớ lời của Chúa nhiều hơn. Trong thời kỳ hiện đại thì có nhiều cách để chúng ta ghi nhớ lời của Chúa lắm, cách nào cũng tốt miễn là chúng ta có thể gieo trồng lời của Chúa vào trong tấm lòng mình mỗi một ngày. Bởi vì khi đã có lời của Chúa và nhớ đến nhiều câu gốc thì chúng ta có thể dùng phương pháp so sánh và đối chiếu mỗi một khi suy gẫm lời của Chúa. Chúng ta cần phải so sánh lời của Chúa với nhau để tìm ra ý nghĩa chính xác trong mỗi câu, nhất là về các lẽ thật quan trọng trong Kinh thánh. Rất nhiều Cơ-đốc-nhân đã biết về phương pháp đối chiếu Kinh thánh nhưng lại có rất ít người sử dụng phương pháp ấy vì nó cần nhiều thời gian cũng như cần nhớ nhiều Kinh thánh. Bởi lẽ đó mà một trong những cách tấn công của ma quỉ đối với Cơ-đốc-nhân là làm cho con dân Chúa bận rộn để từ đó xao lãng việc cầu nguyện, đọc Kinh thánh và suy gẫm lời của Ngài. Trước đây tôi đã có nhiều lần từng thưa trình với quý Hội thánh là phương pháp học Kinh thánh cần có 4 điều, đó là đọc, ghi nhớ, suy gẫm và làm theo. Nếu Cơ-đốc-nhân không xem việc học Kinh thánh là một trong những trọng tâm của cuộc đời mình và không dành nhiều thì giờ cho công tác nầy thì sẽ không thể nào nhớ nhiều Kinh thánh được và cũng không thể nào thành công trong việc thông hiểu lời của Chúa.

Chắc là tất cả quý Hội thánh đều biết trò chơi sắp hình mà nhiều người thường sử dụng để được thư giãn. Đó là việc dùng nhiều mảnh giấy sắp xếp lại với nhau để có được một bức tranh đẹp. Tôi cũng xin phép được so sánh việc học lời của Chúa với việc sắp hình như vậy. Mỗi một câu gốc trong Kinh thánh cần phải được bổ sung và giải thích bằng những câu gốc khác thì từ đó Cơ-đốc-nhân mới có được sự hiểu biết toàn diện về câu gốc ấy và về các chân lý mà Đức Chúa Trời muốn bày tỏ cho con cái Ngài. Suy gẫm lời của Chúa cách như vậy tức là dùng Kinh thánh để giải bày lời Kinh thánh, chớ không thể nào dùng ý riêng được và con dân Chúa cần phải ghi nhớ nhiều Kinh thánh và chuyên chú lắm thì mới thực hiện được.

Nghe đến đây thì có lẽ sẽ có người nói rằng việc chuyên chú vào lời của Chúa là trách nhiệm của chức vụ mục sư, truyền đạo và những người hầu việc Chúa có bổn phận phải giải bày lại cho con dân Chúa, còn Cơ-đốc-nhân bình thường thì chỉ cần đi nhà thờ để lắng nghe chớ đâu cần phải chuyên tâm vào việc suy gẫm lời của Chúa làm chi. Xin thưa với quý Hội thánh rằng có quan điểm như vậy là sai hoàn toàn so với ý muốn của Chúa. Vì ý muốn của Đức Chúa Trời là muốn mỗi một con cái của Ngài phải hiểu biết lẽ thật, như lời khẳng định đã được ghi lại trong 1Ti-mô-thê 2: 4.

1TI-MÔ-THÊ 2: 4 – Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.

Theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì sự hiểu biết Kinh thánh là điều mà tất cả Cơ-đốc-nhân cần phải có, chớ không phải dành riêng cho một nhóm người hoặc một thành phần nào đó trong Hội thánh mà thôi. Bởi lẽ đó sự hiểu biết lẽ thật của Cơ-đốc-nhân không thể phụ thuộc hoàn toàn vào sự giải bày Kinh thánh của các mục sư, truyền đạo. Xin cho phép tôi hỏi một câu thực tế như thế nầy: Nếu lỡ người mục sư truyền đạo đó sai lầm thì sao? Linh hồn của mỗi một người là quý giá và cõi đời đời là rất quan trọng cho nên Cơ-đốc-nhân không thể phú thác tương lai của linh hồn mình cho một người nào đó được, bất kể người đó là ai. Chúng ta đều biết là sự sai lầm về tín lý thì khó nhận biết lắm, nhất là đối với một số các Cơ-đốc-nhân không rành về Kinh thánh. Chúng ta thấy là trong thực tế thì có nhiều người đi nhà thờ là vì cớ cảm tình cá nhân đối với người nầy người kia, nhất là đối với một vị mục sư nào đó, chớ không phải là vì lẽ thật trong Kinh thánh. Nhưng chúng ta cũng biết là việc theo Chúa bởi cảm tình cá nhân và theo Chúa bằng chân lý của Ngài là hai điều hoàn toàn khác nhau và kết quả đời đời cũng rất khác nhau nữa. Chính bởi lẽ đó mà lời của Chúa mới phán dạy Cơ-đốc-nhân là phải đứng vững trong đức tin, như đã được ghi lại trong Ê-phê-sô 6: 14.

Ê-PHÊ-SÔ 6: 14 – Vậy, hãy đứng vững, lấy lẽ thật làm dây nịt lưng, mặc lấy giáp bằng sự công bình.

Sự đứng vững như vậy là đứng vững trong đức tin bằng chân của mình chớ không phải là bằng chân của một người nào khác, cho dù đó là chân của một mục sư nổi tiếng. Điều đó có nghĩa là mỗi một Cơ-đốc-nhân phải hiểu biết lời Kinh thánh để có thể đứng vững trong đức tin của chính mình, còn chức vụ mục sư truyền đạo chỉ là giúp đỡ, bổ sung thêm cho đức tin của cá nhân con dân Chúa mà thôi, chớ Cơ-đốc-nhân không thể nào phụ thuộc hoàn toàn vào những người hầu việc Chúa được. Cơ-đốc-nhân chỉ phải phụ thuộc vào một mình Đức-Thánh-Linh mà thôi chớ không thể nào phụ thuộc vào loài người. Nếu phải nói một cách dân gian cho dễ hiểu thì mỗi một Cơ-đốc-nhân sẽ được cứu bởi đức tin của cá nhân mình chớ không thể nào ăn theo đức tin của một vị mục sư nào đó được, bất kể người đó là ai. Lời của Chúa cho biết là mỗi một người phải trả lời trước mặt Chúa về điều mà mình đã làm và về mức độ đức tin mình đã có, chớ không thể nào nhờ người mục sư trả lời thế cho mình trước mặt Đức Chúa Trời hoặc là đổ thừa cho bất cứ ai được. Chính bởi lẽ đó mà mỗi một Cơ-đốc-nhân phải hiểu Kinh thánh thứ nhất là để làm theo ý muốn Chúa, thứ hai là để được độc lập trong phương diện thuộc linhh và thứ ba là để có thể phân biệt được sự thật giả trong các tín lý mà mình đã nghe, chớ không phải là ai nói gì mình cũng thấy đúng, như lời của Chúa đã có phán dạy trong Ma-la-chi 3: 18.

MA-LA-CHI 3: 18 – Bấy giờ các ngươi sẽ trở lại và sẽ phân biệt giữa kẻ công bình và kẻ gian ác, giữa kẻ hầu việc Đức Chúa Trời và kẻ không hầu việc Ngài.

Trong câu Kinh thánh nầy thì lời của Chúa đã cho biết một nguyên tắc quan trọng khác là sự trở lại của một người, dầu là trong vòng dân Y-sơ-ra-ên hoặc là như Cơ-đốc-nhân sau ngày đã tin nhận Chúa thì người ấy nhờ bởi ơn của Đức-Thánh-Linh hướng dẫn sẽ phân biệt được ai là người thật sự hầu việc Chúa và ai là người đang hầu việc quyền lợi của cá nhân của họ. Sự hướng dẫn như vậy của Đức Chúa Trời chỉ có thể có được khi con dân Chúa có đức tin vững vàng và hiểu biết lời Kinh thánh một cách đầy đủ và chi tiết. Vấn đề nầy thì tôi sẽ xin được trình bày nhiều thêm trong một lần khác.

Trở lại với các yêu cầu quan trọng cho việc suy gẫm lời của Chúa thì yêu cầu quan trọng thứ ba là phải kiên nhẫn. Sự suy gẫm lời của Chúa một cách chi tiết rất cần đến đức tính nầy. Vì nếu một người dẫu biết nhiều Kinh thánh, dẫu có thời gian mà lại không có tánh kiên nhẫn để chuyên chú một cách trì chí vào việc tìm hiểu ý muốn của Chúa trong lời của Ngài và tìm hiểu những lẽ thật cần thiết cho linh hồn trong cõi thuộc linh thì người ấy sẽ dễ nản lòng, dễ bỏ cuộc nửa chừng, sẽ suy gẫm lời của Chúa một cách qua loa cho có lệ và nhất là sẽ dễ chấp nhận những ý tưởng đơn giản sơ sài do tư tưởng đặt ra rồi từ đó đánh lừa chính cá nhân mình hoặc thậm chí còn nguy hiểm hơn nữa là lừa dối người khác rằng đó là những chân lý xác thực trong Kinh thánh. Từ xưa đến nay thì tình trạng như vậy xãy ra nhiều lắm, nhất là trong thời kỳ sau rốt nầy, đến nỗi có nhiều người giết hại con dân Chúa mà tưởng rằng họ đang hầu việc Đức Chúa Trời, như lời phán bảo trước của Đức Chúa Jêsus mà đã có ghi lại trong Giăng 16: 2.

GIĂNG 16: 2 – Họ sẽ đuổi các ngươi ra khỏi nhà hội. Vả lại, giờ đến, khi ai giết các ngươi, tưởng rằng thế là hầu việc Đức Chúa Trời.

Lịch sử đã chứng minh rằng những người hiểu sai Kinh thánh còn nguy hiểm hơn là những người không hiểu Kinh thánh nữa. Trong thời Trung cổ thì đã có biết bao nhiêu người bị tra tấn, bị tử hình hoặc bị thiêu sống bởi chính tay của những kẻ tự xưng là đại diện cho Chúa ở trên đất và là kẻ giữ chìa khóa nước Thiên đàng. Bởi lẽ đó mà sự hiểu biết Kinh thánh một cách đầy đủ và chính xác là quan trọng lắm cho tất cả con dân Chúa để chúng ta có thể đi đúng theo đường lối của Chúa và trở nên gương sáng cho thế gian. Vì vậy đức tánh kiên nhẫn là một trong những yêu cầu quan trọng giúp cho Cơ-đốc-nhân có thể hiểu lời của Chúa một cách tường tận, chi tiết và sâu sắc.

Sau khi đã nghe đến yếu tố quan trọng thứ ba là đức tánh kiên nhẫn mà quý Hội thánh lại không hề nghe tôi nhắc nhở gì đến sự cầu nguyện thì có lẽ sẽ có một vài anh chị em thắc mắc. Nhưng xin thưa với quý Hội thánh là sự cầu nguyện đối với chúng ta là công việc quan trọng không thể thiếu được trong tất cả mọi điều mà Cơ-đốc-nhân thực hiện trong nếp sinh hoạt thường ngày, cho nên đối với việc suy gẫm lời của Chúa thì sự cầu nguyện chắc chắn phải có và là điều đầu tiên mà chúng ta phải làm, theo như lời của Chúa đã cho ghi lại trong Phi-líp 4: 6.

PHI-LÍP 4: 6 – Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời.

Chắc chắn là khi suy gẫm lời của Chúa thì tất cả chúng ta đều muốn được hiểu được tường tận mọi điều mà Đức Chúa Trời đã dạy dỗ, vì thế mà sự cầu nguyện là cách mà chúng ta bày tỏ lòng nài xin của mình để có thể được Chúa ban cho sự hiểu biết như vậy. Thế thì đến đây chúng ta đã biết được ba yếu tố quan trọng cần phải có cho việc suy gẫm lời của Chúa và lần tới thì tôi sẽ bắt đầu cùng với quý Hội thánh nghiên cứu một cách chi tiết đến lời phán của Đức Chúa Jêsus đã có ghi lại trong Giăng 16: 13. Như điều mà tôi đã có gợi ý khi nãy thì trong thời gian từ đây đến Chúa nhật tuần sau thì quý anh chị em có thể dùng câu Kinh thánh nầy để nhờ người khác giải thích giùm, xem thử là những lời giải thích ấy có giống với những điều mà chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm trong những tuần lễ tới hay không. Các thử như vậy chắc sẽ vui lắm, cũng giống như việc tôi thử em thanh tráng kia, vì giúp cho chúng ta nhìn thấy được vấn đề từ những gốc độ khác nhau và quan điểm của nhiều người hầu từ đó việc chuyên chú vào lời của Chúa càng trở nên quan trọng và hào hứng hơn đối với chúng ta.

Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục khích lệ con dân Chúa trong việc học hỏi lời của Ngài trong Kinh thánh bằng những ơn phước đặc biệt hơn để chúng ta có thể thực hiện điều ấy trong sự vui mừng và bền đỗ luôn luôn. Cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục mở mắt tâm linh của con cái Ngài để chúng ta có thể thấu hiểu lời của Chúa theo mức độ mà Ngài muốn chúng ta phải có. Và cầu xin Đức Chúa Trời đùng lẽ thật của Ngài trong Kinh thánh để khiến cho chúng ta biết sống thế nào cho đẹp lòng Chúa trong những tháng ngày trần gian nầy cho đến khi Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *