THÁNH KINH GIẢI LUẬN/Gia-cơ 2: 12
GIA-CƠ 2: 12 – Hãy nói và làm dường như phải chịu luật pháp tự do đoán xét mình (So speak ye, and so do, as they that shall be judged by the law of liberty)
– Câu Kinh thánh nầy là mạng lệnh, vì có chữ HÃY đứng đầu.
– Mạng lệnh nầy liên quan đến hai phương diện: NÓI và LÀM.
– Chữ DƯỜNG NHƯ có nghĩa là hình dung ra về điều sẽ xãy ra. Chữ nầy khác với chữ GIỐNG NHƯ vì mô tả về một hàng động tương tự. Như vậy có nghĩa là một chữ để dùng cho sự suy nghĩ, liên tưởng; còn chữ kia thì dùng cho hành động.
– Chữ PHẢI CHỊU có nghĩa là liên tưởng hoặc hình dung về một điều chắc chắn sẽ xãy ra.
– Chữ LUẬT PHÁP TỰ DO có nghĩa là Cơ-đốc-nhân được quyền chọn lựa rằng có tự đặt cá nhân mình trong khuôn khổ của luật pháp ấy hay không. Cơ-đốc-nhân không bị bắt buột phải sống theo mẫu mực của Kinh thánh, nhưng phải gánh lấy hậu quả của sự chọn lựa sống theo ý mình.
– Chữ ĐOÁN XÉT có nghĩa là khi đã chọn tự đặt mình dưới luật pháp của Đức Chúa Trời rồi thì lời nói và hành động của mình sẽ bị đoán xét theo mẫu mực của luật pháp ấy.
Câu Kinh thánh nầy là một trong những nguyên tắc sống đạo để bày tỏ đức tin của chúng ta trong Đức Chúa Jêsus, vì Tin lành là niềm tin của sự làm gương. Cơ-đốc-nhân không thể nói mà không làm. Dầu vậy vẫn có nhiều Cơ-đốc-nhân phạm phải lầm lỗi nầy, là chỉ nói mà không hề có việc làm cặp theo, vì vậy đây là khuyết điểm lớn lao nhất của Cơ-đốc-nhân chúng ta.
Theo nguyên tắc của câu Kinh thánh nầy thì hễ Cơ-đốc-nhân chúng ta nói khuyên người khác điều gì thì chính mình phải làm điều đó trước đã. Hễ khuyên người khác sốt sắng hầu việc Chúa thì chính mình phải sốt sắng hầu việc Chúa. Hễ khuyên người khác đọc Kinh thánh thì chính mình phải siêng năng đọc Kinh thánh. Hễ khuyên người khác trung tín thờ phượng Chúa thì chính mình phải trung tín hơn họ trong sự thờ phượng Chúa. Hễ khuyên người khác cầu nguyện thì chính mình phải làm gương sáng trong sự cầu nguyện. Hễ khuyên người khác nhịn nhục thì chính mình phải hết sức nhịn nhục. Hễ khuyên người khác tha thứ thì chính mình phải tha thứ và hễ khuyên người khác yêu thương thì chính mình phải là tấm gương của tình yêu thương. Nhưng Cơ-đốc-nhân thường nói được mà lại không làm được.
Nguyên nhân chủ yếu là vì Cơ-đốc-nhân cầu nguyện với Chúa quá ít, không những ít về lần cầu nguyện và cũng ít trong thì giờ ở riêng với Đức Chúa Trời. Nhưng nếu Cơ-đốc-nhân có cầu nguyện, thì chủ yếu chỉ xin được ban cho về những phương diện thuộc thể mà thôi, chẳng hạn như có công ăn việc làm, được giàu có, được mạnh khỏe, hoặc được Chúa trị bệnh cho. Ít Cơ-đốc-nhân nào cầu nguyện xin Chúa cho mình sống đẹp lòng Ngài và làm gương tốt cho thế gian. Chúng ta thử nghe các lời cầu nguyện tại Hội thánh, trong các buổi nhóm nhỏ thì sẽ thấy được điều đó.
Khi lời Kinh thánh phán dạy rằng chúng ta phải chịu luật pháp tự do đoán xét mình thì điều đó có nghĩa là Cơ-đốc-nhân được tự do để làm theo điều răn mẫu mực của Chúa hay không, nhưng nếu chưa làm được thì khoan nói. Thí dụ như Cơ-đốc-nhân nào cũng muốn Hội thánh phát triển, nhưng chính cá nhân của nhiều người lại không muốn phát triển trong đời thuộc linh, nghĩa là không chịu lớn lên trong Chúa. Cơ-đốc-nhân nào cũng muốn Hội thánh mạnh mẽ, nhưng nhiều người lại cứ thụ động không chịu dấn thân. Cơ-đốc-nhân nào cũng muốn Hội thánh hiệp một nhưng là hiệp một theo ý riêng của mình chớ không chịu theo tiêu chuẩn của Kinh thánh.
Bởi vì theo thực tế thì nói dễ hơn làm. Một trong những bằng chứng điển hình về điều nầy là lời nói và hành động của tình yêu thương. Cơ-đốc-nhân rất thích nói về tình yêu thương nhưng không sống theo mẫu mực của tình yêu thương. Khi Cơ-đốc-nhân nói rằng Đức Chúa Trời yêu thương thì dường như muốn dùng điều đó để ủng hộ cho sự phạm tội của mình, để có thể nghĩ rằng Chúa sẽ không trách phạt và mình cứ tiếp tục phạm tội hoài mà không chán.
Khi Cơ-đốc-nhân nói với người khác rằng phải có tình yêu thương thì dường như ngụ ý rằng họ phải chấp nhận và tha thứ thói quen sống theo tư dục của cá nhân mình. Hễ mà người khác không yêu thương theo quan điểm của họ như vậy thì lập tức chụp mũ người đó là không có tình yêu thương.
Khi lời Kinh thánh cho biết là luật pháp tự do sẽ đoán xét Cơ-đốc-nhân thì điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời cho phép con người, ngay cả Cơ-đốc-nhân có quyền tự do lựa chọn rằng mình có muốn sống theo mẫu mực của Kinh thánh hay không. Nhưng khi đã chọn lựa rồi thì phải chấp nhận lấy kết quả hoặc hậu quả cặp theo, chớ không thể từ chồi được. Và điều đó thì lời của Chúa gọi là sự đoán xét, giống như việc một người phải chấp nhận án của tòa chớ không thể tranh cãi lại được.
GIA-CƠ 2: 13 – Sự đoán xét không thương xót kẻ chẳng làm sự thương xót; nhưng sự thương xót thắng sự đoán xét.
Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình cho nên luật pháp của Ngài bày tỏ điều đó ra cho con người, có nghĩa là mỗi một cá nhân phải gánh lấy hậu quả của những chọn lựa sai lầm của mình. Vì vậy nguyên tắc nầy được áp dụng cho những người không biết thương xót người khác.
MA-THI-Ơ 5: 7 – Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!
MA-THI-Ơ 9: 13 – Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội.
Theo như hai câu Kinh thánh trên thì chúng ta có thể thấy được rằng Đức Chúa Trời xem trọng sự thương xót của một người đối với người khác còn hơn là của lễ mà người ấy đem dâng cho Ngài. Nói một cách khác dễ hiểu hơn thì sự thương xót có nghĩa là cảm thông, tức là hiểu được hoàn cảnh và nguyên nhân khiến cho một người có hành động hoặc thái độ như thế nầy hoặc thế kia. Nhưng muốn thương xót hoặc cảm thông người khác thì chúng ta phải đặt cá nhân mình vào trong hoàn cảnh của người đó để có thể am hiểu, cảm thông và thương xót
Dầu vậy Cơ-đốc-nhân phải cẩn thận, vì sự thương xót khác với sự thỏa hiệp hoặc dung túng tội lỗi. Điều đó có nghĩa là chúng ta cảm thông, thương xót người phạm tội chớ không phải chấp nhận tội lỗi mà người đó đã phạm. Thí dụ như Cơ-đốc-nhân chúng ta có thể cảm thông và thương xót người phạm tội ngoại tình để không lên án họ, không chê bai hoặc khinh dễ họ, nhưng phải xem đó là một tội lỗi mà mọi người phải lánh xa.
Cơ-đốc-nhân phải cẩn thận đừng bao giờ dung túng và chấp nhận những tội lỗi mà người khác đã phạm. Câu chuyện Đa-vít phạm tội tà dâm với bát-Sê-ba là một thí dụ điển hình. Chúa tha thứ ông nhưng điều đó vẫn phải bị xem là tội lỗi. Còn người thế gian ngày hôm nay thì cảm thông, thương xót kẻ phạm tội tà dâm, nhưng lại xem đó là chuyện bình thường và vì vậy mà làm cho xã hội ngày một sa sút về phương diện đạo đức.
Cũng vì lầm lẫn giữa sự thương xót kẻ phạm tội và dung túng tội lỗi nên ngày hôm nay có nhiều giáo hội đã xem tội đồng tính luyến ái là bình thường và chấp nhận điều đó trong Hội thánh và ngoài xã hội.
Cơ-đốc-nhân có quyền chọn lựa để đặt mình dưới sự hướng dẫn của luật pháp Chúa trong Kinh thánh hay không. Nếu một Cơ-đốc-nhân không muốn làm theo luật pháp ấy thì đó chỉ là một người có danh là Cơ-đốc-nhân mà thôi, chớ không có lòng thật tin theo Đức Chúa Jêsus.
Còn nếu đã quyết định đặt mình trong sự hướng dẫn của luật pháp Chúa thì mọi lời nói hành động của Cơ-đốc-nhân sẽ bị đoán xét bởi Đức-Thánh-Linh (2Cô-rinh-tô 13: 5, Ê-phê-sô 4: 30).
Có rất nhiều thí dụ để chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của câu gốc trên. Một thanh niên có quyền quyết định là mình có trở thành quân nhân hay không. Khi còn là người dân bình thường thì anh không cần phải vâng theo luật nhà binh. Nhưng khi đã chấp nhận vào quân ngũ rồi thì anh không thể cứ tiếp tục sống theo luật dân sự được. Anh phải chấp nhận luật pháp dành cho quân nhân.
Cũng một thể ấy, một người có thể chọn việc không tin Chúa. Nhưng khi tin Chúa rồi thì phải chấp nhận sống theo mẫu mực mà Kinh thánh đã dạy dỗ. Nếu một Cơ-đốc-nhân từ chối sống theo mẫu mực đó thì sẽ bị coi như là người chưa tin (Gia-cơ 2: 26).
Đức Chúa Trời muốn chúng ta phải chọn lựa dứt khoát, hoặc là con cái thật của Ngài và sống theo mẫu mực trong Kinh thánh, hoặc là người chưa tin sống theo bản ngã của mình. Còn người sống nữa đời nữa đạo sẽ bị gọi là kẻ hâm hẩm và sẽ bị Đức Chúa Trời bỏ ra ngoài (Khải huyền 3: 16)
Như vậy câu Kinh thánh nầy có nghĩa là mạng lệnh của Chúa muốn Cơ-đốc-nhân phải suy nghĩ về lời nói và hành động của mình trước khi thực hiện, vì chúng sẽ bị đoán xét bởi luật pháp và mẫu mực của Chúa đã có ghi lại trong Kinh thánh.
CÁC CÂU GỐC ĐÃ TRƯNG DẪN:
2CÔ-RINH-TÔ 13: 5 – Chính anh em hãy tự xét để xem mình có đức tin chăng. Hãy tự thử mình: Anh em há không nhận biết rằng có Đức Chúa Jêsus Christ ở trong anh em sao? Miễn là anh em không đáng bị bỏ.
Ê-PHÊ-SÔ 4: 30 – Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc.
PHI-LÍP 3: 18 – Vì tôi đã thường nói điều nầy cho anh em, nay tôi lại khóc mà nói nữa: lắm người có cách ăn ở như là kẻ thù nghịch thập tự giá của Đấng Christ.
GIA-CƠ 2: 26 – Vả, xác chẳng có hồn thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy.
KHẢI HUYỀN 3: 16 – Vậy, vì ngươi hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên ta sẽ nhả ngươi ra khỏi miệng ta.