THÁNH KINH GIẢI LUẬN / Gia-cơ 1: 5

VÂNG LỜI ĐỂ ĐƯỢC PHƯỚC

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 22: 34-40

Câu gốc: GIA-CƠ 1: 25 – Nhưng kẻ nào xét kỹ luật pháp trọn vẹn, là luật pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời.

Kính thưa quý Hội thánh, hôm nay thì chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm tiếp tục phần còn lại của câu gốc nền tảng trong Gia-cơ 1: 25. Lần trước thì chúng ta đã suy nghĩ đến ba chữ trong câu gốc nầy, đó là chữ KẺ NÀO, XÉT KỸ và chữ LUẬT PHÁP TRỌN VẸN. Bây giờ thì chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm đến chữ LUẬT PHÁP VỀ SỰ TỰ DO.

Khi chúng ta liên hệ đến thực tế trong đời sống của con người thì có thể thấy rằng luật pháp của các quốc gia không phải đặt ra là để ai muốn làm theo cũng được. Chúng ta đều biết rằng luật pháp là cần thiết cho xã hội con người, chỉ có loài vật trong rừng xanh mới không cần đến luật pháp. Tại đó thì loài vật sống theo bản năng sinh tồn và theo nguyên tắc mạnh được yếu thua. Nhưng trong xã hội loài người thì không phải như vậy. Con người cần phải có tình yêu thương, cần có sự tôn trọng lẫn nhau, cần có sự an ủi, nâng đỡ những người yếu đuối, đau bệnh và nhất là cần có sự công bằng, bình đẳng, nên vì vậy mà con người mới cần phải có luật pháp để bảo đảm cho những điều đó được thực hiện. Trong rừng thẳm thì không có con sư tử nào chịu buông tha cho một con nai con vì cớ nó hiền lành dễ thương. Nhưng trong xã hội loài người thì trẻ em, phụ nữ và người già cả thì cần phải được nâng đỡ và quan tâm. Chính vì vậy mà con người cần có luật pháp, nhưng không phải vì vậy mà luật pháp nào cũng mang đến sự thỏa mãn cho con người.

Chúng ta là những người đã trưởng thành và đã cao tuổi trong đời sống nầy thì biết rằng luật pháp được đặt ra là để bắt buộc con người phải làm theo, dầu là luật pháp trong một nước tự do hay là luật pháp của một chính thể độc tài. Không có một nơi nào trên thế giới mà tại đó con người được phép sống không cần luật pháp. Ngay cả trong các băng đảng và hang ổ của trộm cướp thì họ cũng phải sống theo luật lệ của giới đại ca đặt ra và đàn em phải tuân theo. Bởi thế cho nên chỉ trong một điểm nầy thôi thì chúng ta cũng có thể thấy rằng lý lẽ của những người cho rằng Cơ-đốc-nhân không cần phải sống theo luật pháp của Kinh thánh là hoàn toàn vô lý đến mực độ nào. Đối với luật pháp thiếu công bằng của con người mà người ta, ngay cả Cơ-đốc-nhân lúc còn sống trên đất nầy cũng bị bắt buộc phải tuân theo mà những kẻ đó thì lại cho rằng con dân Chúa không cần phải sống theo luật pháp đời đời của Kinh thánh. Lý lẽ như vậy là không chính xác, thiếu công tâm, hoặc là không hiểu nguyên tắc của đời sống hoặc là chẳng khác gì bênh vực cho Sa-tan trong việc nó chống nghịch lại sự tể trị của Đức Chúa Trời và không muốn vâng theo luật pháp của Ngài.

Như điều mà tôi vừa mới vừa đề cập đến khi nãy thì mặc dầu luật pháp là cần thiết cho xã hội của con người nhưng vì các loại luật pháp trong thế gian được đặt ra bởi con người cho nên không có một đạo luật nào là hoàn toàn công bình, bởi vì con người luôn luôn là thiếu công bình trong phương diện nầy hoặc phương diện khác. Nhưng không phải vì sự thiếu công bình trong luật pháp của con người mà người ta có quyền chống đối lại luật pháp. Tại các nước độc tài thì tình trạng dùng vũ lực để bắt buộc người dân phải chấp hành luật pháp của những kẻ bất tài ăn trên ngồi trước thì nhiều người đã biết rồi, vì vậy mà trên thế giới mới có tình trạng đi tìm một nơi mà tại đó có luật pháp tốt hơn và được tuân thủ nhiều hơn. Tại những nơi như vậy thì đất nước đó phồn thịnh hơn là những nơi khác. Cũng một thể ấy, trong phương diện thuộc linh thì Cơ-đốc-nhân chúng ta là những người đang đi tìm một quê hương tốt hơn dưới luật pháp trọn vẹn của Đức Chúa Trời để được cư ngụ tại đó đời đời. Một nơi như vậy thì không thể nào có được trên thế gian nấy. Bởi đó mà chúng ta đã tin nhận Chúa và mong đợi ngày được sống tại quê hương mới trên trời. Mong chờ một quê hương tốt hơn là đặc điểm của những người có đức tin thật nơi Đức Chúa Trời và nơi luật pháp công bình của Ngài mà đã được mô tả trong Hê-bơ-rơ 11: 16.

HÊ-BƠ-RƠ 11: 16 – Nhưng họ ham mến một quê hương tốt hơn, tức là quê hương ở trên trời, nên Đức Chúa Trời đã không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành.

Thiên đàng là vương quốc tốt hơn hết mọi quốc gia trên đất nầy và là nơi tốt nhất trong cả vũ trụ, vì tại đó con dân của Chúa được sống dưới luật pháp trọn vẹn của Đức Chúa Trời toàn năng, là Đấng công bình và khôn ngoan tuyệt đối, như lời Kinh thánh đã mô tả trong Gióp 37: 23.

GIÓP 37: 23 – Luận về Đấng Toàn năng, ta không tìm thấy đến Ngài được: Ngài vốn rất quyền năng, rất chánh trực và công bình cực điểm, không hề hà hiếp ai.

Bởi vì chúng ta đang nghiên cứu về lời hứa của Chúa dành cho những người biết tôn trọng và làm theo luật pháp của Ngài cho nên trong câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể để ý đến các chữ NGÀI KHÔNG HỀ HÀ HIẾP AI. Các chữ nầy có liên quan đến luật pháp của Đức Chúa Trời. Như điều mà chúng ta đã từng kinh nghiệm qua dưới những chính thể khác nhau tại trần gian nầy, thì tất cả các chính phủ của loài người đều hà hiếp dân chúng trong nước, nhưng theo những mức độ khác nhau. Tại các nước độc tài thì chính quyền chỉ cần ra lệnh mà không cần xem xét hoặc để ý là người dân sẽ phải chịu khốn khổ như thế nào dưới các sắc lệnh ấy. Còn tại các nước tự do thì mỗi một khi ra sắc lệnh mới thì chính phủ ít nữa cũng còn biết suy xét đến việc làm sao để cho dân chúng có thể đỡ khổ khi chấp hành theo luật pháp ấy, chẳng hạn như trong cơn bệnh dịch vừa qua thì khi chính phủ Hoa-kỳ ra lệnh phong tỏa và hạn chế sự đi lại của người dân thì họ cũng có cách thức để giúp đỡ bằng cách cho tiền ngang bằng hoặc thậm chí là nhiều hơn mức lương bình thường để những người không đi làm được vẫn có thể sống đầy đủ trong thời gian phong tỏa. Còn tại các nước độc tài thì mạnh ai nấy lo, người dân có thương nhau giúp đỡ cho nhau thì giúp, còn chính phủ thì thây kệ, cứ bỏ mặc người dân, ai ra sao cũng được, không cần biết là ở nhà dân chúng có đủ tiền, đủ gạo đế sống hay không, trẻ em có đủ sữa và các nhu cầu cần thiết hay không. Cai trị kiểu đó thì quá dễ cho nên đa số các chính trị gia chuyên nghiệp đều thích chế độ độc tài, vì với chế độ ấy thì người lãnh đạo chỉ cần có đủ sự gian ác và nhẫn tâm là đã cầm quyền được, để có thể ra lệnh và dùng vũ lực để bắt buộc dân chúng phải làm theo, chớ không cần phải có sự khôn ngoan để suy nghĩ đến nhu cầu của người dân làm chi cho mệt. Đối với các chế độ độc tài thì giới lãnh đạo chỉ cần nói hay, nói giỏi để tuyên truyền chớ không cần sự khôn ngoan và tài năng để lo cho dân chúng được ấm no, đầy đủ. Bởi vậy cho nên không có một chế độ độc tài nào thật sự đem lại cho người dân sự công bình hạnh phúc, hoặc nếu có thì chỉ là sự phồn thịnh giả tạo ở bên ngoài mà thôi.

Chúng ta suy nghĩ về các chính thể trong xã hội loài người để có thể thấy rằng dầu là trong một quốc gia kém văn minh và chậm tiến thì cũng cần phải có luật pháp và người dân cũng phải tuân theo thì huống chi là trong vương quốc tuyệt mỹ của Đức Chúa Trời. Như điều mà tôi đã có trình bày trong chủ đề ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ LUẬT PHÁP CỦA NGÀI thì chúng ta có thể thấy rằng để một quốc gia có thể phát triển và phồn thịnh thì luật pháp trong quốc gia đó phải tốt đủ và đa số dân chúng trong nước phải vui lòng làm theo thì mới có thể đạt đến kết quả mong muốn. Đó là điều mà chúng ta đã thấy xãy ra tại Hoa-kỳ và tại các quốc gia phát triển ở Âu châu cũng như ở Á châu. Cũng một thể ấy, trong cõi thuộc linh thì Thiên đàng là vương quốc trọn vẹn và tốt đẹp nhất trong cả vũ trụ cho nên tại nơi đó thì luật pháp cũng trọn vẹn, tốt đẹp và mọi con cái của Đức Chúa Trời, tức là tất cả thiên sứ và Cơ-đốc-nhân đều phải biết tôn trọng, ghi nhớ và làm theo luật pháp của Chúa. Bởi lẽ đó mà ngay khi còn sống trên đất nầy thì việc Cơ-đốc-nhân cần phải vâng theo luật pháp của Chúa trong Kinh thánh là cách mà Đức Chúa Trời đang thử thách chúng ta để xem là trong vòng những người được gọi là Cơ-đốc-nhân thì ai là người xứng đáng để được cư ngụ tại Thiên đàng trong tương lai. Chính vì vậy mà sự vâng phục là một trong những yêu cầu thiết yếu của người có đức tin thật trong Chúa, như lời Kinh thánh đã được chép trong Rô-ma 1: 5.

RÔ-MA 1: 5 – Nhờ Ngài chúng ta đã nhận lãnh ân điển và chức sứ đồ, để đem mọi dân ngoại đến sự vâng phục của đức tin, vì danh Ngài.

Theo như câu gốc nầy thì chúng ta có thể thấy rằng đức tin thật là đức tin được bày tỏ ra bằng sự vâng phục, và luật pháp của Kinh thánh chính là thước đo để nhận định ai là người thật sự hết lòng vâng phục Đức Chúa Trời trong vòng Cơ-đốc-nhân. Trước đây chúng ta đều là người ngoại vì không thuộc dòng dõi của dân Y-sơ-ra-ên, nhưng vì ân điển nhưng không của Chúa mà chúng ta được kể là con cái của Ngài. Mặc dầu đa số Cơ-đốc-nhân đều có đức tin nơi Chúa nhưng đức tin ấy chỉ được kể là thật khi bày tỏ được tính vâng phục trong vẹn nơi Chúa. Nhưng nếu không nhờ luật pháp và các mẫu mực trong Kinh thánh để làm thước đo thì Cơ-đốc-nhân lấy gì để chứng tỏ rằng mình có sự vâng phục trong Chúa? Nếu không làm theo các mạng lệnh và mẫu mực trong Kinh thánh thì Cơ-đốc-nhân chúng ta làm sao biết được rằng mình đang vâng phục Ngài?

Chẳng những thế thôi, nếu Cơ-đốc-nhân chỉ biết vâng theo điều mà người khác rao giảng cho mình mà không hết lòng làm theo các luật pháp trong Kinh thánh thì sự vâng phục như vậy là vâng phục loài người chớ không phải là vâng phục Đức Chúa Trời, chẳng hạn như việc vâng lời họ để đi nhà thờ mà không chịu cố gắng để nên thánh, hoặc như việc vâng lời họ để dâng hiến mà lại không cố gắng sống đạo một cách mẫu mực, hoặc là vâng lời họ để không ăn huyết heo mà lại ăn hột vịt lộn hay phở tái. Mặc dầu một vài điều mà họ bảo con dân Chúa cần phải làm đều căn cứ trong Kinh thánh nhưng điều đó cũng chưa thật sự đúng hoặc chưa phải là tất cả luật pháp của Đức Chúa Trời và nếu chỉ làm theo điều mà người ta cho là thuận tiện cho xác thịt trong khi đó lại bỏ qua những mẫu mực quan trọng khác về phần thuộc linh thì điều đó chẳng khác gì vâng phục con người mà bất tuân mạng lệnh của Đức Chúa Trời.

Chính bởi lẽ đó mà lời của Chúa trong câu gốc nầy mới đề cập đến luật pháp trong Kinh thánh bằng các chữ LUẬT PHÁP CỦA SỰ TỰ DO. Nếu chỉ suy nghĩ theo bề mặt của chữ thì chúng ta sẽ thấy rằng chữ luật pháp và chữ tự do có sự tương phản với nhau, ấy là vì luật pháp thì có nghĩa là ràng buộc, tức là phải tuân theo, còn chữ tự do thì lại có nghĩa là muốn làm gì cũng được, tức là không bị ràng buộc gì cả. Nhưng khi chúng ta dùng lời của Chúa để soi sáng cho ý nghĩa của các chữ LUẬT PHÁP CỦA SỰ TỰ DO thì sẽ thấy rằng lời của Chúa đang muốn đề cập đến việc Cơ-đốc-nhân tự nguyện đặt mình dưới luật pháp của Ngài sau khi đã tuyên xưng đức tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ rồi để có thể bày tỏ sự vâng phục của chính mình trước mặt Chúa và làm chứng tốt trước mặt loài người.

Lời của Chúa cho biết là khi một người tin nhận Đức Chúa Jêsus thì người ấy được kể là người được tự do khỏi sự ràng buộc của tội lỗi, như câu gốc đã được ghi lại trong Ga-la-ti 5: 1.

GA-LA-TI 5: 1 – Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do. Vậy, hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa.

Sự tự do mà Cơ-đốc-nhân có được là sự tự do khỏi tội lỗi, nhưng không phải vì thế mà từ đó thì Cơ-đốc-nhân không còn bị ràng buộc bởi luật pháp nữa và muốn sống thế nào cũng được. Đó là điều mà lời của Chúa đã có nhắc nhở đến trong Ga-la-ti 5: 13.

GA-LA-TI 5: 13 – Hỡi anh em, anh em đã được gọi đến sự tự do, song chớ lấy sự tự do đó làm dịp cho anh em ăn ở theo tánh xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu thương làm đầy tớ lẫn nhau.

Như vậy thì trong câu Kinh thánh nầy chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta sau khi đã được tự do khỏi tội lỗi rồi thì phải tự nguyện đặt mình dưới sự ràng buộc của tình yêu thương để sống và tương giao với mọi người chung quanh, nhất là đối với anh chị em của chúng ta trong đức tin. Lý do mà chúng ta phải để cho tình yêu thương ràng buộc mình thì ấy là vì chúng ta muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và muốn làm gương sáng cho nhau, nhất là cho người chưa tin để họ cũng được cảm động mà đến với Chúa. Chính bởi lẽ đó mà tình yêu thương mới được kể là đặc tánh quan trọng hàng đầu trong đời sống của Cơ-đốc-nhân, như lời của Chúa đã bày tỏ trong 1Cô-rinh-tô 13: 13.

1CÔ-RINH-TÔ 13: 13 – Nên bây giờ còn có ba điều nầy: Đức tin, sự trông cậy, tình yêu thương. Nhưng điều trọng hơn trong ba điều đó là tình yêu thương.

Bởi lẽ đó khi Cơ-đốc-nhân chúng ta tự nguyện đặt mình dưới sự ràng buộc của tình yêu thương thì cũng phải biết yêu thương cho đúng đắn chớ không phải là yêu thương một cách mù quáng để rồi bị người ta lợi dụng và từ đó làm ô danh Đức Chúa Trời. Sự yêu thương đúng đắn như vậy được Kinh thánh gọi là yêu thương trong lẽ thật hoặc yêu thương bằng lẽ thật, như lời của Chúa đã có đề cập đến trong 1Giăng 3: 18.

1GIĂNG 3: 18 – Hỡi các con cái bé mọn, chớ yêu mến bằng lời nói và lưỡi, nhưng bằng việc làm và lẽ thật.

Rõ ràng là trong câu gốc nầy thì lời của Chúa cho chúng ta biết là Cơ-đốc-nhân phải yêu mến bằng hành động thực tế chớ không phải bằng lời nói suông không mà thôi. Tình yêu thương một cách cụ thể như vậy được lời của Chúa cho biết rằng đó là tình yêu thương bằng việc làm và yêu thương bằng lẽ thật. Tại đây thì tôi muốn trình bày thêm một chút về sự khác nhau giữa tình yêu thương của người thế gian và tình yêu thương của Cơ-đốc-nhân. Chúng ta có thể thấy rằng người chưa tin cũng thường nhấn mạnh đến tình yêu thương, mà họ thường gọi là lòng bác ái. Nhưng tình yêu thương của người chưa tin thì không được hướng dẫn bởi lẽ thật của Chúa trong Kinh thánh cho nên vì vậy mà không thỏa mãn được yêu cầu của Chúa, bởi lẽ đó mà người ta phải tin nhận Chúa để được Ngài hướng dẫn cho trong tình yêu thương. Còn đối với Cơ-đốc-nhân thì sau khi đã tin nhận Chúa rồi thì chúng ta phải bày tỏ tình yêu thương theo sự dạy dỗ trong lời của Chúa, chớ không thể yêu thương theo cách mà chúng ta đã từng làm khi còn là người chưa tin. Vì vậy mà lời của Chúa mới phân biệt ra hai loại tình yêu thương và gọi tình yêu thương được hướng dẫn bởi lời của Chúa là tình yêu thương trong lẽ thật.

Trong thời gian tới thì tôi sẽ xin được trình bày với quý Hội thánh một cách chi tiết hơn về vấn đề nầy trong Chủ đề YÊU THƯƠNG TRONG LẼ THẬT, nhưng sáng hôm nay thì tôi chỉ xin đề cập đến một trong những đặc điểm nổi bật và quan trọng nhất của tình yêu thương trong lẽ thật là việc phải vâng giữ luật pháp của Kinh thánh, như lời của Chúa đã bày tỏ trong 2Giăng 1: 5 và 6.

2GIĂNG 1: 5-6 – Hỡi bà được chọn, hiện nay tôi khuyên bà, không phải truyền một điều răn mới, nhưng nhắc lại điều chúng ta đã nhận lãnh từ ban đầu: Ấy là chúng ta phải yêu thương nhau. Vả, sự yêu thương là tại làm theo các điều răn của Đức Chúa Trời. Đó là điều răn mà các ngươi đã nghe từ lúc ban đầu, đặng làm theo.

Chúng ta có thể thấy được một cách rõ ràng trong 2 câu gốc nầy là Đức-Thánh-Linh đã soi sáng cho sứ đồ Giăng để khuyên dạy Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ Hội thánh đầu tiên là phải yêu thương nhau bằng cách làm theo điều răn của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh. Mà điều răn của Chúa thì tất cả chúng ta đều biết rằng đó là luật pháp và các mẫu mực đã được ghi lại trong lời của Ngài. Chính Đức Chúa Jêsus đã từng tóm tắt lại luật pháp của Chúa trong chỉ một chữ YÊU mà thôi, đó là lời phán của Chúa có ghi lại trong Ma-thi-ơ 22: 37-40.

MA-THI-Ơ 22: 37-40 – Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.

Qua các câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng luật pháp của Chúa bắt nguồn từ tình yêu thương cho nên Cơ-đốc-nhân phải yêu thương bằng luật pháp của Chúa chớ không phải yêu thương theo ý riêng hoặc theo cách mà người ngoại vẫn thường làm, hầu cho khỏi bị người ta lợi dụng và tránh được việc chính mình trở thành kẻ làm ô danh Chúa. Bởi lẽ đó mà khi chúng ta vâng giữ luật pháp của Chúa thì đã bày tỏ được tình yêu thương của mình đối với Đức Chúa Trời và đối với người khác, tức là dùng đời sống mẫu mực của mình để bày tỏ tấm lòng vâng phục trọn vẹn trước mặt Chúa đồng thời cũng dùng một đời sống mẫư mực như vậy để giới thiệu với người khác về sự thực hữu của Chúa trong đời sống chúng ta hầu cho họ có thể được cảm động mà tìm đến đầu phục Ngài. Bởi vì luật pháp của Chúa bắt nguồn từ tình yêu thương và tình yêu thương chính là luật pháp của Chúa, như lời Kinh thánh đã khẳng định trong Ga-la-ti 5: 14.

GA-LA-TI 5: 14 – Vì cả luật pháp chỉ tóm lại trong một lời nầy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình.

Vì luật pháp của Đức Chúa Trời chính là tình yêu thương cho nên đó là lý do chính yếu và quan trọng nhất mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta vâng giữ luật pháp của Ngài trong Kinh thánh. Ma quỉ cũng biết lý do ấy nữa cho nên nó cám dỗ con dân Chúa đừng sống theo luật pháp để trở thành kẻ chống nghịch Đức Chúa Trời giống như nó. Sự nham hiểm của ma quỉ là chia tình yêu thương và luật pháp ra thành 2 điều khác nhau trong khi đó thì lời của Chúa lại cho biết là tình yêu thương và luật pháp chỉ là một mà thôi, theo như lời phán của Đức Chúa Jêsus mà tôi đã vừa trưng dẫn khi nãy. Một điều đáng tiếc là rất nhiều Cơ-đốc-nhân không hiểu điều đó, ngay cả một số người rao giảng nữa. Họ lầm tưởng là chỉ cần có tình yêu thương là đủ rồi mà không cần phải sống theo luật pháp, trong khi đó thì lời của Chúa lại cho biết là sống theo luật pháp tức là bày tỏ tình yêu thương đối với mọi người. Chính vì sự lầm lẫn và thiếu hiểu biết như vậy mà nhiều Cơ-đốc-nhân đã bị ma quỉ dẫn dụ để từ chối sống theo luật pháp của Kinh thánh. Họ đâu có biết rằng khi làm như vậy thì họ đã trực tiếp không vâng phục Đức Chúa Trời và không làm chứng tốt cho người chưa tin, thậm chí còn khiến cho người ngoại nói phạm đến danh của Đức Chúa Trời nữa vì cớ đời sống thiếu mẫu mực của họ và sự bất tuân luật pháp của Chúa trong Kinh thánh.

Bởi lẽ đó mà khi chúng ta vì tình yêu thương mà tự nguyện đặt mình dưới luật pháp của Chúa để sống vì Ngài và vì mọi người chung quanh thì Kinh thánh đã dùng chữ LUẬT PHÁP CỦA SỰ TỰ DO để bày tỏ về một tấm lòng tự nguyện như vậy. Như điều mà tôi đã có trình bày trong Chủ đề ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ LUẬT PHÁP CỦA NGÀI thì Cơ-đốc-nhân vì đã có đức tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ và Đức Chúa Trời rồi cho nên không còn sợ hình phạt của luật pháp nữa để bắt buộc phải làm theo. Cơ-đốc-nhân đã trở thành con cái của Chúa, là hoàng tử và là công chúa của Thiên đàng trong tương lai nên sẽ được cứu bởi đức tin chớ không phải bởi việc làm theo luật pháp. Nhưng vì kính yêu Vua Cha, là Đức Chúa Trời toàn năng, là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn Chúa và vì muốn làm chứng tốt về Ngài cho người chưa tin để họ cũng đến đầu phục Chúa nên chúng ta tự nguyện vâng giữ luật pháp của Ngài trong Kinh thánh. Chúa ban cho chúng ta sự tự do trong Đấng Christ để nhờ đó chúng ta có thể bày tỏ tấm lòng tự nguyện vâng phục của mình khi chọn lựa sống theo các mẫu mực mà Chúa đã dạy dỗ. Một tấm lòng như vậy là điều mà Chúa muốn con dân Ngài phải có, như đã được bày tỏ ra trong 1Phi-e-rơ 2: 16.

1PHI-E-RƠ 2: 16 – Hãy ăn ở như người tự do, nhưng chớ dùng tự do làm cái màn che sự hung ác, song phải coi mình là tôi mọi Đức Chúa Trời.

Chữ tôi mọi nầy có nghĩa là sự tự nguyện để mình bị ràng buộc bởi luật pháp của Ngài vì cớ tình yêu thương chớ không phải vì sự sợ hãi hình phạt đến từ luật pháp. Khi Cơ-đốc-nhân có sự tự nguyện làm tôi mọi Đức Chúa Trời trong sự vâng phục như vậy thì đã bày tỏ được đức tính khiêm nhu theo gương của Đấng Christ như đã có trình bày trong Phi-líp 2: 5-8.

PHI-LÍP 2: 5-8 – Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có. Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người. Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.

Chính bởi lẽ đó khi Cơ-đốc-nhân biết bày tỏ tấm lòng vâng phục Chúa bằng cách nghiên cứu kỹ lưỡng và chi tiết luật pháp trọn vẹn của Ngài, lại biết tự nguyện đặt mình dưới luật pháp ấy mặc dầu đã được tự do trong Đấng Christ rồi, tức là cứ tiếp tục bền lòng suy gẫm, ghi nhớ, nhất là biết hết lòng làm theo thì chúng ta sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời. Chúa đã hứa là sẽ ban phước cho chúng ta khi con dân Chúa biết hết lòng vâng phục Ngài thì chắc chắn điều ấy sẽ xãy ra, bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng không bao giờ nói dối và không bao giờ thay đổi, dầu là trong thời kỳ luật pháp hay là trong thời kỳ ân điển. Khi so sánh câu gốc trong Gia-cơ 1: 25 với câu gốc trong Giô-suê 1: 8 thì chúng ta có thể thấy được sự không thay đổi của Chúa về lời hứa rằng Ngài sẽ ban phước cho con dân Ngài khi chúng ta biết bày tỏ tấm lòng vâng phục của mình qua việc làm theo các mạng lệnh và mẫu mực mà Chúa đã có dạy dỗ trong Kinh thánh. Mặc dầu chúng ta đều quen thuộc với câu gốc trong Giô-suê 1: 8 nhưng tôi cũng xin đọc lại một lần nữa để quý Hội thánh có thể thấy được sự giống nhau trong lời mà Chúa đã hứa với dân Y-sơ-ra-ên và với Cơ-đốc-nhân chúng ta ngày hôm nay.

GIÔ-SUÊ 1: 8 – Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi. Hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong, vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình và mới được phước.

Qua hai câu gốc nầy, tức là Gia-cơ 1: 25 và Giô-suê 1: 8 thì chúng ta có thể thấy rằng dầu là trong thời kỳ nào thì Đức Chúa Trời cũng đều muốn con dân Ngài bảy tỏ tấm lòng vâng phục Chúa bằng cách sống theo các mẫu mực trong Kinh thánh, tức là làm theo các điều răn và mạng lệnh của Chúa. Tấm lòng vâng phục như vậy là bằng chứng và là đặc điểm của một đức tin thật. Đó cũng là tiêu chuẩn cần thiết để Cơ-đốc-nhân có thể cư ngụ tại Thiên đàng cùng với Chúa. Không một ai có thể sống tại đó mà không chịu vâng phục Chúa. Ma quỉ là bằng chứng điển hình về sự bất tuân và cũng cho chúng ta thấy hình phạt của sự không vâng phục Chúa. Nó là kẻ đã chống nghịch Chúa, tức là không vâng phục Ngài nên vì vậy mà nó bị đuổi khỏi Thiên đàng. Chính bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân phải bày tỏ tấm lòng vâng phục Chúa một cách hoàn toàn ngay khi còn sống trên đất nầy. Điều đó được xem như là một sự thử thách đức tin của chúng ta để mai sau có thể được sống với Chúa đời đời tại nơi vinh hiển. Đó là phần thưởng lớn nhất, là phước lớn nhất mà lời của Chúa đã có hứa trong Gia-cơ 1: 25 và trong Giô-suê 1: 8. Nếu đang khi còn sống tại trần gian nầy mà Cơ-đốc-nhân chưa tự chứng tỏ rằng mình hết lòng vâng phục Chúa thì làm sao có thể được xem là xứng đáng để sống tại Thiên đàng trong tương lai? Và như chúng ta đã biết thì sự vâng phục chỉ có thể được bày tỏ bằng cách sống theo luật pháp của Chúa mà thôi.

Ngoài ra thì Cơ-đốc-nhân chúng ta cũng cần nên biết rằng sự sống đời đời mặc dầu là ơn phước lớn nhất mà Đức Chúa Trời ban cho con người nhưng đó không phải là ơn phước duy nhất. Sau khi chúng ta tin nhận Chúa và vâng phục Ngài bằng việc làm theo các mạng lệnh của Chúa trong Kinh thánh thì Đức Chúa Trời còn hứa ban cho chúng ta những ơn phước khác lúc đang còn sống trong thế gian nầy. Khi chúng ta đọc lại lời hứa của Chúa trong Gia-cơ 1: 25 thì sẽ thấy rằng những ơn phước ấy được Chúa ban cho tùy theo khía cạnh mà chúng ta biết vâng lời Ngài. Vì vậy mà lời của Chúa mới cho biết rằng chúng ta sẽ được phước trong sự mình vâng lời. Điều đó có nghĩa là mức độ ơn phước mà Chúa ban cho sẽ tương xứng với mức độ mà chúng ta vâng phục Ngài. Nếu con dân Chúa chỉ vâng phục Chúa 30% so với mức độ đáng phải có thì ơn phước mà Cơ-đốc-nhân nhận được cũng chỉ là 30% so với những điều mà Chúa dự định ban cho con dân Ngài. Cũng một thể ấy khi Cơ-đốc-nhân biết vâng phục Chúa trong bất cứ phương diện nào của đời sống mình thì Đức Chúa Trời cũng sẽ ban phước cho chúng ta trong phương diện ấy, từ khía cạnh tinh thần, tình cảm, sức khỏe, tài chánh, gia đình, hôn nhân, công việc làm và trong mối giao tiếp với người khác. Đó là ý nghĩ thật sự và bao quát trong lời hứa của Chúa là chúng ta sẽ được phước của Ngài trong sự mình vâng lời.

Lần tới khi tiếp tục suy gẫm đến lời hứa của Chúa có liên quan đến câu gốc nầy thì tôi sẽ trình bày thêm một cách chi tiết hơn về các dạng ơn phước mà Đức Chúa Trời sẽ ban cho chúng ta tùy theo các phương diện mà chúng ta biết vâng phục Ngài.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục soi sáng cho chúng ta hiểu được lời của Ngài, nhất là ý tưởng trong các mạng lệnh của Chúa để chúng ta có thể dạn dĩ mà làm theo để bày tỏ lòng kính yêu Chúa và vâng phục Ngài. Cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục thêm sức và ban phước cho con dân Chúa luôn luôn đang khi chúng ta cố gắng làm theo luật pháp của Chúa trong Kinh thánh để chúng ta có thể được khích lệ và nhờ đó mà được bền bĩ trong sự vâng phục Ngài cho đến đời đời. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục cảm động chúng ta để càng ngày càng biết yêu kính Chúa nhiều hơn qua sự hết lòng làm theo ý muốn Chúa. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *