THÁNH KINH GIẢI LUẬN / Gia-cơ 1: 5

CÁC LỜI HỨA CỦA CHÚA TRONG KINH THÁNH 1

Kinh thánh: Gia-cơ 1: 19-27

Câu gốc: GIA-CƠ 1: 25 – Nhưng kẻ nào xét kỹ luật pháp trọn vẹn, là luật pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời.

Một trong những lý do mà chúng ta có cớ lớn để tạ ơn Chúa mỗi ngày là Chúa đã ban cho nhân loại quyển Kinh thánh để từ đó loài người có thể nhận biết Ngài, đến với Ngài và được hưởng sự sống đời đời trong tương lai. Riêng đối với Hội thánh chúng ta thì chúng ta lại có cớ lớn để tạ ơn Chúa hơn nữa vì chúng ta đã được cùng nhau đọc Kinh thánh qua nhiều lần trong hơn mười năm qua. Đối với quý anh chị em ở tại Manassas thì chương trình đọc Kinh thánh của chúng ta đã bắt đầu từ năm 2007, cho đến nay thì đã được 14 năm. Còn đối với quý anh chị em trong tiểu bang Maryland thì chúng ta đã bắt đầu đọc từ năm 2010, cho đến nay thì cũng đã được 11 năm rồi. Cũng có con cái Chúa tại Việt Nam tham gia chương trình đọc Kinh thánh với chúng ta trong những năm qua. Chúng ta tạ ơn Chúa vì Ngài đã thêm sức cho cả Hội thánh chúng ta có sự bền lòng đọc Kinh thánh từ đầu đến cuối và đọc đi đọc lại như vậy suốt trong những năm tháng dài, trãi qua biết bao những sự biến đổi trong xã hội và thế giới bên ngoài. Tôi ao ước là sẽ cứ được tiếp tục đọc Kinh thánh như vậy với quý Hội thánh cho đến ngày được chính thức nghĩ ngơi trong Chúa và khỏi những lao khổ của đời sống nầy. Việc đọc Kinh thánh đối chúng ta là quan trọng, cần thiết và cũng là niềm vui nữa, vì cớ lời của Ngài là quý báu và ngọt ngào cho đời sống của chúng ta biết chừng nào. Giữa những hoạn nạn và thăng trầm của đời sống thì lời của Chúa đã nhiều lần an ủi, thêm sức và tỏ bày cho chúng ta biết về ý muốn cũng như đường lối của Ngài và cách thế nào mà Chúa đã cứu giúp chúng ta. Sáng hôm nay thì tôi xin được cùng với quý Hội thánh nghiên cứu về CÁC LỜI HỨA CỦA CHÚA TRONG KINH THÁNH vì đây là một trong những chủ đề cần thiết để có thể giúp cho chúng ta tìm được sự khích lệ lớn lao đang khi phải đối diện với những nan đề trong cuộc sống thường ngày.

Kính thưa quý Hội thánh, trong câu gốc nền tảng sáng hôm nay thì lời của Chúa đã cho chúng ta biết về một trong những lời hứa của Ngài đối với Cơ-đốc-nhân, rằng Chúa sẽ ban thưởng cho sự vâng lời của chúng ta khi biết suy gẫm về luật pháp của Chúa và làm theo. Tôi xin được đọc lại câu gốc nầy một lần nữa trước khi chúng ta cùng nhau nghiên cứu một cách chi tiết về nội dung trong lời của Chúa.

GIA-CƠ 1: 25 – Nhưng kẻ nào xét kỹ luật pháp trọn vẹn, là luật pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời.

Câu gốc nầy là một trong những bí quyết mà Đức Chúa Trời đã bày tỏ để Cơ-đốc-nhân có thể tìm được phước trong Chúa một cách dồi dào và mỹ mãn, nhưng kèm theo với lời hứa tuyệt diệu của Chúa là điều kiện mà Ngài đã đặt ra để Cơ-đốc-nhân phải thực hiện trước khi được thật sự kinh nghiệm ân điển lạ lùng mà Đức Chúa Trời đã dành cho những người biết vâng phục Ngài. Điều kiện của Chúa được bày tỏ qua các chữ XÉT KỸ, BỀN LÒNG và HẾT LÒNG GIỮ THEO hay có nghĩa là làm theo. Chúng ta sẽ cùng nhau nghiên cứu các chữ ấy trước hết để biết rõ rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta làm điều gì để có thể nhận được ơn phước dồi dào từ nơi Ngài.

Khi lời của Chúa dùng chữ KẺ NÀO trong câu gốc nầy thì điều đó có nghĩa là bao gồm tất cả mọi người biết trân trọng lời của Chúa, biết tìm hiểu rõ ràng kỹ lưỡng về những điều mà Kinh thánh đã dạy dỗ. Chữ KẺ NÀO cho thấy rằng Đức Chúa Trời không phân biệt rằng người đó là người đã tin Chúa lâu năm hay mới tin Chúa, là người có địa vị trong Hội thánh hay chỉ là một con dân Chúa bình thường, là người đã dâng mình hầu việc Chúa hay chỉ là một Cơ-đốc-nhân ít được ai biết đến, là người có bằng cấp, học thức hay chỉ là một người bình dân. Trước mặt Đức Chúa Trời thì mọi người đều như nhau, bất kể là người đó ở địa vị nào trong Hội thánh hoặc ngoài xã hội. Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình cho nên đối với Ngài thì mọi người đều bình đẳng, không phân biệt ai hết, nhất là trong vòng con dân Chúa. Chỉ có tâm lý của con người thì mới phân biệt ra người nầy người kia mà thôi, nhất là hay phân biệt theo địa vị, mức độ của cải, học thức hoặc bộ dạng bên ngoài. Vì vậy mà chữ KẺ NÀO trong câu gốc nầy khích lệ chúng ta rất nhiều để có thể biết rằng khi chúng ta biết trân trọng lời của Chúa, biết học hỏi và suy gẫm cẩn thận lời của Ngài thì dẫu chúng ta chỉ là một người bình thường trong Hội thánh hoặc chỉ là một bóng mờ không ai biết đến giữa xã hội loài người thì chúng ta cũng trở nên quý trọng và được quan tâm trong mắt Đức Chúa Trời. Như điều mà tôi đã có thưa trình cùng với quý Hội thánh trong bài giảng với Chủ đề là SỰ KHÔN NGOAN TỪ TRỜI thì việc được Đức Chúa Trời đẹp lòng và ưa thích thì đáng giá trăm triệu lần hơn là được loài người vừa ý. Ấy là bởi vì chúng ta muốn được sống đời đời trong nhà của Chúa chớ không phải là sống đời đời trong nhà của con người, dầu rằng đó là một biệt thự nguy nga tráng lệ. Thiên đàng của Đức Chúa Trời thì tuyệt mỹ và đẹp đẽ hơn mọi điều trong vũ trụ nầy và nơi đó là nơi mà chúng ta muốn đến, muốn ở và muốn được cự ngụ tại đó đời đời với Đấng Tạo Hóa quyền năng. Bởi lẽ đó mà trong chức vụ của tôi thì tôi vẫn thường khuyên nhủ và nhắc nhở quý Hội thánh học hỏi và nghiên cứu lời của Chúa một cách cẩn thận và chi tiết, vì đó là phương pháp, là bí quyết để chúng ta được đẹp lòng Đức Chúa Trời và được phước của Ngài luôn luôn.

Chữ kế tiếp mà chúng ta cần phải để ý là chữ XÉT KỸ. Chữ nầy có nghĩa là chúng ta không những học hỏi, suy gẫm, tìm hiểu về lời của Chúa mà còn phải so sánh với các lẽ thật khác trong Kinh thánh để biết cho chắc về ý nghĩa và nội dung của điều mà Đức Chúa Trời muốn dạy dỗ chúng ta và cũng để so sánh với sự diễn giải của nhiều người khác. Từ xưa đến nay, kể từ thời dân Y-sơ-ra-ên được cứu ra khỏi xứ Ê-díp-tô cho đến thời đại của chúng ta ngày hôm nay thì con dân Chúa đều được nhắc nhở là phải học hỏi, ghi nhớ và làm theo lời của Chúa. Khi mới ra khỏi xứ Ê-díp-tô thì Đức Chúa Trời đã ban hai bảng đá luật pháp cho Môi-se và Chúa đã dùng ông để dạy dỗ dân Y-sơ-ra-ên về mọi điều mà Ngài muốn họ phải làm để có thể tự biện biệt chính họ là dòng dõi mà Đức Chúa Trời đã chọn lựa ra khỏi mọi dân tộc khác trong thế gian. Cũng cùng một cách như vậy thì Đức Chúa Trời đã soi dẫn cho các tôi tớ của Ngài viết ra quyển Kinh thánh để Cơ-đốc-nhân có thể học biết và làm theo ý muốn của Chúa để chúng ta có thể tự biện biệt chính mình ra khỏi đám đông của những người chưa tin. Bởi lẽ đó mà việc học hỏi, nghiên cứu và làm theo mọi sự dạy dỗ trong Kinh thánh là điều mà tất cả các Cơ-đốc-nhân cần phải làm và cũng là trách nhiệm bổn phận của các tôi tớ Chúa để nhắc nhở luôn luôn cho con dân Ngài trong các Hội thánh. Nhưng theo thực tế và theo sự nhận xét chung của nhiều người mà tôi đã có nghe và đã có đọc qua, trong đó có cả Cơ-đốc-nhân người Hoa-kỳ, người Đại Hàn và cả người Việt nữa thì sự học hỏi lời của Chúa trong vòng Cơ-đốc-nhân ngày nay thì chưa được hoàn toàn sâu xa và chi tiết. Mặc dầu trong các Hội thánh địa phương thì luôn luôn có chương trình học Kinh thánh hàng tuần, nhưng tỷ lệ Cơ-đốc-nhân siêng năng tham gia các buổi học như vậy thì rất ít so với sỉ số chung và chưa bao giờ có Hội thánh nào mà có tỷ lệ tham gia học Kinh thánh 100% so với tổng số thành viên trong Hội thánh ấy. Chẳng những thế thôi có nhiều Hội thánh lại học Kinh thánh rất sơ sài và cấp tốc, chẳng hạn như việc mỗi tháng học một sách trong Kinh thánh. Học như vậy thì không thể nào nắm vững được hết các ý nghĩa và lẽ thật trong lời của Chúa mà trái lại còn làm cho Cơ-đốc-nhân tự mãn là mình đã học trọn quyển Kinh thánh rồi sau khi kết thúc những chương trình học Kinh thánh như vậy. Bởi lẽ đó mà có một số Cơ-đốc-nhân tuyên bố rằng họ không cần học Kinh thánh nữa vì đã học hết rồi. Chúng ta thử nghĩ mà xem, khi Kinh thánh là lời của Đức Chúa Trời và bày tỏ sự khôn ngoan đời đời của Ngài mà con người chỉ cần học qua vài ba năm hoặc vài ba tháng mà có thể hiểu hết được thì hoặc giả người đó là người khôn ngoan hơn cả thiên sứ ở trên trời hoặc người đó là người kiêu ngạo nhất trần gian.

Vì vậy mà khi chúng ta đọc thấy lời của Chúa về việc XÉT KỸ thì phải biết rằng đó là sự nhắc nhở của Đức Chúa Trời về cách mà Cơ-đốc-nhân phải học Kinh thánh như thế nào suốt cả đời s1ông nầy. Như tôi vừa đề cập đến khi nãy thì đối với lời của Chúa thì Cơ-đốc-nhân không thể nào học một cách vội vã được, vì thái độ như vậy là bất xứng đối với lời của Chúa và thậm chí có thể bị xem là đang khinh thường Ngài. Khi suy nghĩ về Đức Chúa Trời là Đấng Khôn Ngoan tuyệt đối thì chẳng lẽ Cơ-đốc-nhân lại cho rằng lời của Ngài chỉ cần suy gẫm trong một thời gian ngắn là có thể hiểu hết được một cách thấu đáo trọn vẹn. Những người suy nghĩ như vậy thì cho rằng họ là ai và Đức Chúa Trời là Đấng thế nào mà họ có thể hiểu được lời của Ngài một cách mau chóng như là hiểu lời nói của con người? Trong rất nhiều trường hợp thì người ta còn chưa hiểu ngay được lời nói của người đối diện thì chẳng lẽ Cơ-đốc-nhân lại có thể hiểu được lời của Đấng Toàn Năng một cách mau chóng như là đang đối thoại với con người trong trần gian? Kinh thánh cho biết là lời của Đức Chúa Trời rất sâu nhiệm vì sự khôn ngoan của Ngài là vượt quá sự hiểu biết của con người, như đã được chép trong Ê-sai 40: 28.

Ê-SAI 40: 28 – Ngươi không biết sao, không nghe sao? Đức Chúa Trời hằng sống, là Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các đầu cùng đất chẳng mỏi chẳng mệt; sự khôn ngoan của Ngài không thể dò.

Chính Đức Chúa Jêsus khi còn ở tại trần gian thì cũng đã cho các môn đồ của Ngài biết là những sự sâu nhiệm trong lời của Chúa vượt quá tầm hiểu biết của trí não con người, như lời Ngài đã phán và đã được ghi lại trong Giăng 16: 12.

GIĂNG 16: 12 – Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi.

Chính bởi lẽ đó mà tất cả con dân của Chúa đều phải nhờ quyền năng giải bày của Đức-Thánh-Linh thì mới có thể hiểu một cách thấu đáo và chi tiết những sự sâu nhiệm trong lời của Chúa. Điều ấy cũng đã được Đức Chúa Jêsus cho biết, như có chép trong Giăng 16: 13.

GIĂNG 16: 13 – Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến.

Chỉ có một mình Đức-Thánh-Linh mới có thể giải bày cho chúng ta một cách đầy đủ về ý tưởng và nội dung trong lời của Đức Chúa Trời. Nhưng như điều mà chúng ta đã biết thì Đức-Thánh-Linh là Đấng Vô Hình cho nên cũng vì thế mà có một số người mạo nhận là được Ngài soi dẫn đang khi giải thích lời của Chúa theo ý riêng của họ để dẫn dụ Cơ-đốc-nhân đi theo con đường sai lạc của sự hư mất. Điều đó đã xãy ra từ thời kỳ của dân Y-sơ-ra-ên và trong thời kỳ của Hội thánh đầu tiên, rồi kéo dài mãi cho đến ngày hôm nay. Vì vậy mà lời của Chúa trong Kinh thánh đã cho chúng ta biết về những mẫu mực cần thiết được dùng làm thước đo để nhờ đó mà con dân Chúa có thể phân biệt được sự thật giả đang khi theo Chúa trong đời sống nầy. Những mẫu mực ấy thì tôi đã có đề cập đến trong Chủ đề LÀM SAO NHẬN BIẾT ĐỨC THÁNH LINH và tôi sẽ xin được tiếp tục trình bày thêm trong những lần khác để quý Hội thánh được biết rõ một cách đầy đủ. Nhưng tại đây thì tôi chỉ xin nhắc lại một trong những nguyên tắc căn bản quan trọng mà Cơ-đốc-nhân cần phải nhớ là bất cứ lời giải thích nào về Kinh thánh cũng không được mâu thuẫn với các lẽ thật khác trong lời của Chúa. Đức Chúa Trời chỉ có một và Ngài là Đấng không bao giờ thay đổi cho nên nội dung của Kinh thánh đều thống nhất với nhau từ đầu chí cuối, không hề có một sự mâu thuẫn nào. Chúng ta có thể suy nghĩ đến thí dụ thực tế nầy: Ấy là mặc dầu là từ xưa đến nay có rất nhiều bản dịch Kinh thánh bằng đủ mọi ngôn ngữ, nhưng khi chúng ta thấy bản dịch nào khác biệt với nội dung chính yếu của Kinh thánh hoặc ngược lại với các lẽ thật căn bản thì chúng ta có thể biết ngay lập tức là bản dịch ấy không đáng tin cậy. Nhưng muốn có khả năng đó thì chúng ta phải nghiên cứu Kinh thánh chậm rãi, cẩn thận và hết sức chi tiết, chớ không phải là đọc qua loa, nghiên cứu sơ sài và cho rằng thế là đã đủ. Khi nghe đến đây thì chắc sẽ có những anh chị em ở những nơi xa thắc mắc rằng nếu học như thế thì biết đến chừng nào mới hiểu cả Kinh thánh. Câu trả lời thì quý Hội thánh ở đây đã biết rồi nhưng tôi xin được nhắc lại là Cơ-đốc-nhân chúng ta có cả một cõi đời đời để nghiên cứu lời của Chúa trong Kinh thánh cho nên chúng ta cứ lợi dụng thì giờ để suy gẫm lời của Chúa một cách cẩn thận và chi tiết, và đó chính là lý do mà lời của Chúa trong Gia-cơ 1: 25 mới dùng chữ XÉT KỸ. Việc con dân Chúa cần phải nghiên cứu lời của Ngài suốt cả cõi đời đời thì đã được nhắc nhở đến trong 1Phi-e-rơ 1: 25.

1PHI-E-RƠ 1: 25 – Nhưng lời Chúa còn lại đời đời. Và lời đó là đạo Tin lành đã giảng ra cho anh em.

Khi chúng ta đọc đến câu Kinh thánh nầy thì phải hiểu rằng lời của Chúa, tức là những ý muốn và mạng lệnh của Ngài được ghi trong Kinh thánh sẽ còn lại đến đời đời không phải là để trưng bày trong bảo tàng viện, mà là để con cái Chúa có thể tiếp tục nghiên cứu, ghi nhớ và làm theo mãi mãi. Bởi vậy cho nên khi Cơ-đốc-nhân nghĩ rằng mình cần phải học lời của Chúa cho nhanh chóng để hoàn tất cả quyển Kinh thánh thì điều đó chỉ làm cho Cơ-đốc-nhân sinh lòng tự mãn, kiêu ngạo và dẫn đến chỗ sai lạc, tẻ tách khỏi con đường chính đáng của Đức Chúa Trời mà thôi. Trong thực tế thì có hàng chục, nếu không nói đến là có hàng trăm trường hợp của các giáo sự thần học có bằng cấp tiến sĩ về Kinh thánh đã dạy dỗ cho các sinh viên những tín lý hoàn toàn khác biệt với lẽ thật trong Kinh thánh, thậm chí còn đi đến chỗ phạm thượng nữa, chẳng hạn như việc họ dạy rằng Phao-lô đã ăn cắp các truyền thuyết của các dân tộc thờ lạy thần tượng để viết nên các thư tín trong Tân ước và việc bà Ma-ri Ma-đơ-len là người yêu của Đức Chúa Jêsus hoặc bà là vợ không có hôn thú của Ngài. Sự phạm thượng như vậy không phải là từ những người chưa tin đâu, mà là xuất phát từ những người có văn bằng tiến sĩ về Thần học, là những người thuộc viện Hàn lâm về Trần học của Kinh thánh và đang dạy tại những trường Thần học nổi tiếng trên thế giới.

Bởi lẽ đó mà khi lời của Chúa dạy dỗ rằng con dân Chúa phải xét kỹ luật pháp trọn vẹn thì chúng ta biết rằng việc nghiên cứu Kinh thánh của mình phải cẩn thận và chi tiết đến bậc nào. Khi chúng ta nghiên cứu đến những chủ đề khác thì tôi sẽ có lúc đề cập đến chữ XÉT KỸ nầy để quý Hội thánh được nhắc nhở luôn luôn về điều đó. Nhưng tại đây thì tôi chỉ xin được nhắc lại thói quen rất tốt của những Cơ-đốc-nhân tại thành Bê-rê trong thời kỳ Hội thánh đầu tiên, đó là mỗi một lần họ nghe người khác giảng dạy, bất kể người đó là ai hoặc ngay cả khi người đó là Phao-lô và Si-la, thì họ cũng đều tra xét lại Kinh thánh một cách cẩn thận để xem là những lời giảng ấy có đúng với lẽ thật của Đức Chúa Trời hay không. Cách xét nét kỹ lưỡng của họ đã được ghi lại trong Công vụ 17: 10 và 11.

CÔNG VỤ 17: 10-11 – Tức thì, trong ban đêm, anh em khiến Phao-lô và Si-la đi đến thành Bê-rê. Đến nơi rồi, thì vào nhà hội người Giu-đa. Những người nầy có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh thánh, để xét lời giảng có thật chăng.

Đối với cả Phao-lô và Si-la mà họ còn phải so lại với các lẽ thật khác trong Kinh thánh thì huống chi là đối với những người rao giảng bình thường. Khi Kinh thánh ghi lại thói quen của họ, dầu là chỉ trong một câu gốc ngắn ngủi mà thôi, thì chúng ta cũng biết rằng thói quen ấy rất quan trọng để Cơ-đốc-nhân noi theo hầu có thể giữ mình cho được đúng đắn trên con đường theo Chúa giữa thế gian đầy những sự gian dối như ngày hôm nay.

Chữ kế đến mà chúng ta sẽ suy gẫm là chữ LUẬT PHÁP TRỌN VẸN. Bốn chữ nầy cho chúng ta biết rằng lời của Chúa đang đề cập đến luật pháp của Ngài trong Kinh thánh, chớ không phải là luật pháp của con người. Như điều mà tôi đã có đề cập đến trong bài giảng với Chủ đề ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ LUẬT PHÁP CỦA NGÀI thì trong tất cả các đoàn thể của con người, từ đơn vị nhỏ là gia đình cho bến bình diện lớn là quốc gia hoặc cả thế giới thì đều cần có luật pháp để có thể hoạt động tốt và sinh tồn. Nhưng trong cả vũ trụ nầy thì chỉ có luật pháp của Đức Chúa Trời mới được gọi là luật pháp trọn vẹn mà thôi, còn luật pháp của con người thì dầu là ở các quốc gia tự do thì cũng đều có khuyết điểm và đều có tánh thiên vị. Vả lại, vì luật pháp của con người là do loài người đặt ra và do con người làm quan án nên bởi đó mà không thể nào trọn vẹn được. Nhưng luật pháp của Kinh thánh là hoàn toàn trọn vẹn và công bằng vì được viết ra bởi sự soi dẫn của Đức-Thánh-Linh và Đấng làm quan án chính là Đức Chúa Trời. Bởi lẽ đó mà luật pháp trọn vẹn của Kinh thánh là điều mà Cơ-đốc-nhân phải học hỏi, suy gẫm và làm theo.

Một điểm đặc biệt mà tôi thấy cần phải đề cập đến tại đây là câu Kinh thánh nầy được Gia-cơ viết ra trong thời kỳ ân điển và được viết cho những người đã tin Chúa rồi, như lời đã được chép trong Gia-cơ 2: 1.

GIA-CƠ 2: 1 – Hỡi anh em, anh em đã tin đến Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa vinh hiển chúng ta, thì chớ có tây vị người nào.

Qua phần đầu của câu gốc nầy thì chúng ta đã có thể thấy rằng sách Gia-cơ là thư tín được viết ra cho những người đã tin đến Đức Chúa Jêsus Christ chớ không phải là cho dân Giu-đa không mà thôi, mà cũng không phải là cho những người chưa tin. Như vậy thì chúng ta cũng có thể thấy rằng đối với những Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ Hội thánh đầu tiên, là những người đã có đức tin nơi Đức Chúa Jêsus Christ rồi thì lời của Chúa cũng phán dạy họ rằng phải vâng giữ luật pháp và làm theo thì huống chi là chúng ta ngày hôm nay. Bởi lẽ đó mà chúng ta có thể hiểu được rằng lý lẽ của những người cho rằng Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ ân điển không cần phải làm theo luật pháp nữa là lý lẽ sai trật và đi ngược lại với ý muốn của Chúa trong Kinh thánh. Như chúng ta đã biết thì ma quỉ là kẻ luôn luôn cám dỗ con người làm ngược lại với ý muốn của Chúa và vì không thông hiểu lẽ thật mà một số người đã bị nó dẫn dụ để tuyên truyền với con dân Chúa những điều hoàn toàn mâu thuẫn với lời của Chúa.

Luật pháp của Chúa đã được thiết lập và được ghi lại trong Kinh thánh là cốt để cho con dân Chúa học hiểu và làm theo, vì đó là luật pháp của Thiên đàng và sẽ còn lại cho đến đời đời, chớ luật pháp trong Kinh thánh không phải là những điều được viết ra để đọc cho biết rồi thôi. Vì vậy mà tất cả những mạng lệnh mà Đức-Thánh-Linh đã soi dẫn để được viết ra trong Kinh thánh, nhất là trong phần Tân ước, đều là luật pháp đời đời và Cơ-đốc-nhân cần phải làm theo để báo đáp ơn Chúa, để dâng vinh hiển cho Ngài, để có thể xứng đáng là hoàng tử công Chúa của Thiên đàng, để tìm phước cho cá nhân, cho gia đình, cho Hội thánh và để làm chứng tốt về hoàng gia của Đấng Christ cho cả thế gian.

Sự trọn vẹn trong luật pháp của Đức Chúa Trời đã được Đức Chúa Jêsus đề cập đến khi Ngài nói cho các môn đồ biết về mục tiêu quan trọng và chính yếu của việc Ngài giáng sinh vào trong trần gian. Lời phán ấy của Chúa đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 5: 17.

MA-THI-Ơ 5; 17 – Các ngươi đừng tưởng ta đến đặng phá luật pháp hay là lời tiên tri; ta đến, không phải để phá, song để làm cho trọn.

Sự làm trọn luật pháp của Đức Chúa Jêsus đã được chính Ngài tuyên bố trong giờ phút cuối cùng khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, như đã có chép trong Giăng 19: 30.

GIĂNG 19: 30 – Khi Đức Chúa Jêsus chịu lấy giấm ấy rồi, bèn phán rằng: Mọi việc đã được trọn. Rồi Ngài gục đầu mà trút linh hồn.

Chữ trọn mà Đức Chúa Jêsus phán ở đây mang một ý nghĩa rất quan trọng mà Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải để ý và cần phái ghi nhớ. Ấy là Đức Chúa Jêsus đã làm trọn chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời bằng việc dùng chính thân Ngài để hy sinh trên thập tự giá như là của lễ lớn nhất để chuộc tội cho loài người. Từ ban đầu, khi A-đam phạm tội thì Đức Chúa Trời đã thiết lập chương trình cứu rỗi loài người theo luật pháp đời đời của Ngài và đến cuối cùng thì cũng chính Ngài là Đấng hoàn tất chương trình ấy khi giáng sinh vào trong trần gian để chịu chết. Như vậy thì chữ trọn có nghĩa là Đức Chúa Trời đã làm cho luật pháp của Ngài được thỏa mãn bằng sự chết của Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá và điều đó cũng có nghĩa là Đức Chúa Trời đã làm trọn phần việc của Ngài đối với con người theo chương trình cứu rỗi ấy. Sau đó thì phần còn lại là việc mà con người cần phải làm để có thể nhận được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, tức là cũng phải vâng giữ và làm theo luật pháp trọn vẹn của Chúa như chính Ngài đã làm. Nếu luật pháp ấy và mọi chi tiết ở trong đó đều đã được Đức Chúa Trời làm theo hết rồi, thì Cơ-đốc-nhân cũng phải làm giống như vậy. Không có lý nào mà Đức Chúa Trời đã thực hiện theo luật pháp mà Ngài đã đặt ra để làm gương mà Cơ-đốc-nhân lại không cần phải làm theo luật pháp ấy. Trong cả vũ trụ nầy thì chỉ có những kẻ chống đối Đức Chúa Trời mới không vâng giữ luật pháp của Ngài mà thôi, đó là ma quỉ và các quỉ sứ của nó. Họ là những kẻ cứ tiếp tục bất tuân luật pháp của Chúa và không những thế thôi lại còn cám dỗ con người, ngay cả việc đến cám dỗ Cơ-đốc-nhân để đừng làm theo luật pháp ấy.

Bởi việc làm trái ngược như vậy của nó mà lời của Chúa trong câu gốc nền tảng mới cho biết là Cơ-đốc-nhân phải nghiên cứu suy gẫm thật kỹ lưỡng luật pháp trọn vẹn của Chúa, chẳng phải đọc hoặc nghe rồi quên đi, nhưng phải hết lòng giữ theo các phép tắc trong luật pháp ấy thì Cơ-đốc-nhân mới tìm được phước trong sự mình vâng lời. Chúng ta cần phải nhớ rằng khi Đức Chúa Trời đã hứa là sẽ ban phước cho người nào biết vâng theo luật pháp của Chúa thì điều đó là chắc chắn, vì Chúa là Đấng không bao giờ nói dối và không bao giờ thay đổi. Nhưng vì ma quỉ là kẻ gian ác và muốn con dân Chúa mất phước cho nên nó mới cám dỗ Cơ-đốc-nhân đừng làm theo luật pháp cũng Chúa. Chẳng những nó cám dỗ không mà thôi, mà nó còn dẫn dụ một số người gián tiếp giúp đỡ cho nó bằng cách diễn giải rằng Cơ-đốc-nhân không cần phải làm theo luật pháp trọn vẹn của Chúa. Chính bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân trong mọi thời đại đều không được phước của Chúa cách mỹ mãn như điều đàng phải có. Chỉ cần suy nghĩ về bằng chứng thực tế của tâm lý thì chúng ta sẽ thấy rõ điều đó. Theo tâm lý thông thường của con người thì khi người ta muốn điều gì thì sẽ cứ muốn nói và muốn nghe về điều ấy, nhất là khi chưa được thỏa mãn. Tâm lý như vậy thậm chí còn dẫn người ta đến chỗ bị ám ảnh về điều đó nữa, chẳng hạn như người ta chưa được thỏa mãn về món ăn ngon thì cứ muốn nghe, muốn tìm cho được món ngon mới, hoặc khi ngưòi ta chưa được thỏa mãn cái đẹp mà họ ao ước thì họ cứ chuyên chú đi tìm cái đẹp, giống như việc người ta lên mạn để tìm xem điều họ vẫn khao khát. Đó là phản ứng và thái độ tất nhiên của sự không thỏa lòng. Trong đời thuộc linh cũng như vậy, khi Cơ-đốc-nhân chưa được thỏa lòng về ơn phước của Chúa thì cứ thích nghe nói về ơn phước mãi mà bởi đó lãng quên những điều quan trọng khác. Đức Chúa Trời biết con dân Ngài cần được phước và Ngài cũng muốn chúng ta hưởng được phước của Ngài ban cho một cách mỹ mãn. Chính vì vậy mà Chúa mới chỉ cho chúng ta biết bí quyết để được phước trong câu gốc nầy. Ấy là vì Đức Chúa Trời là Đấng Công Bằng cho nên Ngài không thể ban phước cho kẻ không xứng đáng được và không thể tha thứ được cho kẻ cứ cố tình phạm tội. Vì nếu giả sử Chúa có làm như vậy đối với Cơ-đốc-nhân thì ma quỉ sẽ có cớ để lên tiếng phản đối Ngài trong ngày phán xét, vì nó là kẻ không xứng đáng để được phước và cũng là kẻ cứ cố tình phạm tội mãi. Bởi thế cho nên sự vâng lời làm theo ý muốn của Chúa trong luật pháp trọn vẹn của Ngài là điều mà Cơ-đốc-nhân phải thực hiện để được phước mỹ mãn trong đời nầy và trong đời sau. Và bất cứ ai cố gắng giúp đỡ cho Cơ-đốc-nhân biết ghi nhớ và làm theo ý muốn của Chúa trong luật pháp của Ngài thì đã bày tỏ được tình yêu thương đối với anh chị em của mình trong đức tin. Phần ý nghĩa còn lại trong câu gốc nền tảng của chúng ta sáng hôm nay thì tôi xin hẹn lại với quý Hội thánh trong lần tới để suy gẫm thêm.

Cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục nhắc nhở cho con dân Chúa về ý muốn của Ngài giống như nội dung trong câu gốc nầy để Cơ-đốc-nhân biết mà làm theo. Cầu xin ban thêm phước mới dồi dào trên những người biết hết lòng giữ theo các phép tắc mà Chúa đã co dạy dỗ trong Kinh thánh để con dân Chúa được thỏa lòng luôn luôn. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục soi sáng để chúng ta có thể hiểu được tường tận các ý tưởng sâu nhiệm trong lời của Chúa mà nhờ đó biết hết lòng vui mừng vâng lời Ngài. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *