THÁNH KINH GIẢI LUẬN/Gia-cơ 1: 1
THÁNH KINH GIẢI LUẬN
GIA-CƠ 1: 1 – Gia-cơ, tôi tớ Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus Christ, đạt cho mười hai chi phái ở tan lạc, chúc bình an!
– Gia-cơ là một trong những người lãnh đạo của các Hội thánh đầu tiên (Công vụ 15: 12-13, Ga-la-ti 2: 9),
– Người hầu việc Chúa là tôi tớ của Ngài (nhận biết bổn phận và trách nhiệm mình), và như vậy là người có địa vị thấp hơn trong nhà của Đức Chúa Trời khi so sánh với con cái Chúa, tức là các Cơ-đốc-nhân khác. Đặc điểm về địa vị nầy phải được các mục sư, giáo sĩ chú ý.
– Đây là thư tín gởi cho tín đồ gốc Do-thái, vì có nhắc đến mười hai chi phái của dân Y-sơ-ra-ên.
– Như vậy là trong thời kỳ của các sứ đồ và Hội thánh đầu tiên thì dân Y-sơ-ra-ên vẫn còn bị lưu lạc khắp nơi,
– Điều đó cũng cho thấy rằng sự trở về thành trong thời của E-xơ-ra và Nê-hê-mi chỉ là một phần của dân Do-thái mà thôi,
– Khi Gia-cơ chỉ chúc cho họ sự bình an trong lời đầu tiên của thư tín ông đã viết thì điều đó chứng tỏ rằng lúc bấy giờ con dân Chúa đang bị bắt bớ và được sự bình an là quan trọng nhất.
(Xin đọc thêm các bài viết về ĐỜI SỐNG CỦA GIA-CƠ, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI HẦU VIỆC CHÚA, TÔI TỚ ĐỨC CHÚA TRỜI, DÂN Y-SƠ-RA-ÊN, CUỘC LƯU ĐÀY TẠI BA-BY-LÔN, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ BÌNH AN, SỰ BÌNH AN THẬT)
CÁC CÂU GỐC ĐÃ TRƯNG DẪN:
CÔNG VỤ 15: 12-13 – Cả hội đồng đều lẳng lặng, nghe Ba-na-ba và Phao-lô thuật lại những phép lạ dấu kỳ mà Đức Chúa Trời đã cậy mình làm ra giữa người ngoại. Nói xong, Gia-cơ cất tiếng lên rằng: Hỡi anh em, hãy nghe tôi!
GA-LA-TI 2: 9 – Và nhận biết ân điển đã ban cho tôi, thì Gia-cơ, Sê-pha, Giăng, là những người được tôn như cột trụ, trao tay hữu giao kết với chúng tôi, tức là Ba-na-ba và tôi, hầu cho chúng tôi đi đến cùng dân ngoại, còn các người ấy thì đến cùng những kẻ chịu phép cắt bì.
*******
GIA-CƠ 1: 2-3 – Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục.
– Cơ-đốc-nhân là anh em trong gia đình của Chúa,
– Gia-cơ có nghe về sự hoạn nạn mà tín đồ người Do-thái đang gặp phải,
– Lời Kinh thánh ở đây cũng cho biết rằng sự thử thách sẽ xãy đến cho con dân Chúa trong tất cả mọi phương diện của đời sống, vì thế Cơ-đốc-nhân cần phải chuẩn bị tâm lý và nuôi dưỡng đức tin của mình để có thể đối phó với các sự thử thách một cách vùng vàng hầu được đẹp lòng Chúa,
– Dầu vậy đây là lời an ủi và khích lệ,
– Đây cũng là mạng lệnh của Chúa (vì là một phần của Kinh thánh được soi dẫn bởi Đức-Thánh-Linh),
– Vui mừng trong thử thách là bằng cớ của đức tin (vì biết Chúa là Đấng tể trị mọi điều),
– Lý do là vì Đức Chúa Trời muốn cho Cơ-đốc-nhân biết đức tin của chính mình vững vàng đến đâu,
– Vì vậy sự thử thách cũng là cách mà Chúa tôi luyện đức tin của con dân Ngài,
– Sự vui mừng trọn vẹn là nhận biết hoạn nạn sẽ đem lại nhiều ích lợi cho cá nhân về mọi phương diện, cả thuộc linh và thuộc thể,
– Chịu hoạn nạn vì danh Chúa là sự thử thách trong đức tin,
– Sự thử thách đức tin giúp Cơ-đốc-nhân có sự nhịn nhục,
– Sự nhịn nhục là một trong những mỹ đức mà Cơ-đốc-nhân có được nhờ sự ở cùng của Đức-Thánh-Linh,
– Nhờ có sự nhịn nhục mà Cơ-đốc-nhân có một đời sống kết quả cho Chúa,
– Nhờ nhịn nhục mà Cơ-đốc-nhân giữ được linh hồn (tức là được cứu).
(Xin đọc thêm các bài viết về ĐỜI MỚI TRONG ĐẤNG CHRIST, GIA ĐÌNH CỦA ĐẤNG CHRIST, ĐỨC CHÚA TRỜI CÔNG BÌNH, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ HOẠN NẠN, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ VUI MỪNG, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ NHỊN NHỤC, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ THỬ THÁCH)
NHỮNG CÂU KINH THÁNH ĐÃ TRƯNG DẪN:
GIÓP 7: 17-18 – Loài người là gì mà Chúa kể là cao trọng? Nhân sao Chúa lưu ý đến người, viếng thăm người mỗi buổi sớm, và thử thách người mỗi lúc mỗi khi?
*******
GIA-CƠ 1: 4 – Nhưng sự nhịn nhục phải làm trọn việc nó, hầu cho chính mình anh em cũng trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.
– Đức tính nhịn nhục giúp cho Cơ-đốc-nhân được kể là trọn vẹn,
– Sự nhịn nhục của Cơ-đốc-nhân phải được duy trì luôn luôn trong đời sống mỗi cá nhân cho đến cuối cùng (không phải là sự nhịn nhục có giai đoạn),
– Phải nhịn nhục đến cùng mới nhận được kết quả,
– Một đời sống trọn lành toàn vẹn là yêu cầu cần có của Cơ-đốc-nhân,
– Đời sống của Cơ-đốc-nhân phải không có khuyết điểm nào,
– Đó mà mục tiêu để có ý muốn được tiếp tục nên thánh mỗi ngày,
– Biết mục tiêu ấy để tìm cầu sự giúp đỡ từ nơi Chúa.
(Xin đọc thêm các bài viết về CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ ĐỜI SỐNG TRỌN VẸN, MỤC TIÊU CỦA ĐỜI SỐNG THEO CHÚA, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ NÊN THÁNH, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ CẦU NGUYỆN)
********
GIA-CƠ 1: 5 – Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho.
– Cơ-đốc-nhân phải nhận biết rằng mình kém khôn ngoan, vì đó là mỹ đức khiêm nhường (1Cô-rinh-tô 3: 18),
– Lời Kinh thánh cho biết là con người không có sự khôn ngoan (Châm ngôn 1: 7, 9: 10, Rô-ma 3: 11),
– Cơ-đốc-nhân có được sự khôn ngoan vì biết trở lại với Chúa (Châm ngôn 15: 31), nhưng sự khôn ngoan đó chưa đủ, chỉ là sự khởi đầu mà thôi, vì vậy Cơ-đốc-nhân cần phải cầu Chúa ban cho thêm,
– Sự sai lạc của Cơ-đốc-nhân trong mọi thời đại là tưởng rằng mình khôn ngoan, bởi đó mà có nhiều kẻ học cao trong vòng Cơ-đốc-nhân bị ma quỉ dẫn dụ sai lạc khỏi chân lý của Kinh thánh,
– Người ta thường tìm kiếm sự khôn ngoan của cuộc đời hơn là nơi Đức Chúa Trời (vì có một số người dẫu có bằng cấp cao nhưng các tín lý căn bản trong Kinh thánh vẫn chưa nắm vững được),
– Người ta lầm tưởng kiến thức là sự khôn ngoan,
– Kiến thức là biết điều làm điều nầy điều kia, khôn ngoan là biết cách sống đẹp lòng Đức Chúa Trời,
– Người biết cầu xin sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời là người bắt đầu có sự khôn ngoan,
– Chúa ban sự khôn ngoan cho mọi người biết tìm kiếm Ngài, không phân biệt một ai,
– Chúa không chê chúng ta ngu dại khi thú nhận rằng mình chưa được khôn ngoan (Lu-ca 14: 11),
– Tìm kiếm sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời qua Kinh thánh thì sẽ được khôn ngoan (Thi thiên 119: 105, 119: 130).
(Xin đọc thêm các bài viết về CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ KHÔN NGOAN, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ NHU MÌ, TÌM KIẾM ĐỨC CHÚA TRỜI, PHƯƠNG PHÁP CẦU NGUYỆN CÓ HIỆU QUẢ)
*******
GIA-CƠ 1: 6 – Nhưng phải lấy đức tin mà cầu xin, chớ nghi ngờ; vì kẻ hay nghi ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó.
– Lời Chúa dạy cho Cơ-đốc-nhân biết bí quyết làm thế nào để lời cầu xin của mình được nhậm (Ma-thi-ơ 21: 22),
– Nhiều Cơ-đốc-nhân vẫn thường thắc mắc rằng tại sao lời cầu nguyện của họ không có linh nghiệm gì, tức là không được Chúa trả lời,
– Người không tin có Đức Chúa Trời bị Kinh thánh kể là kẻ ngu muội (Thi thiên 14: 1), vì vậy mọi người sau khi tin nhận Chúa nên cầu xin được ban cho sự khôn ngoan,
– Một số Cơ-đốc-nhân vẫn tự cho mình là khôn ngoan nên chẳng bao giờ cầu xin Chúa ban cho điều đó,
– Phải tự nhận biết rằng mình thiếu khôn ngoan để cầu xin Đức Chúa Trời ban cho,
– Dẫu được người khác xem là rất khôn ngoan, nhưng 80 năm của một đời người không có đủ sự khôn ngoan cần thiết như Chúa muốn Cơ-đốc-nhân phải có,
– Khi thành tâm cầu xin Chúa ban cho mình sự khôn ngoan thì sẽ nhận được điều đó, vì đây là một trong những ơn phước Chúa đã hứa ban cho mà không có điều kiện nào cặp theo ngoại trừ việc nhận biết cá nhân mình thiếu khôn ngoan,
– Kẻ nghi ngờ khi cầu xin thường hay thay đổi ý kiến theo hoàn cảnh bên ngoài, vì vậy mà không bền lòng cũng như không có lòng thành tâm khi cầu xin.
(Xin đọc thêm các bài viết về CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ CẦU NGUYỆN, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ CẦU XIN, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ NGHI NGỜ, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ KHÔN NGOAN, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ KIÊU NGẠO, CÁC LỜI HỨA CỦA CHÚA, NHẬN BIẾT THỜI THẾ)
*******
GIA-CƠ 1: 7-8 – Người như thế chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa, ấy là một người phân tâm, phàm làm việc gì đều không định.
– Nhiều Cơ-đốc-nhân tự đánh lừa mình rằng được Chúa nhậm lời cầu nguyện trong khi họ có lòng nghi ngờ về sự chân thật của lời Ngài trong Kinh thánh,
– Lời Kinh thánh dạy ở đây về sự nhận biết mình không nhận được gì từ nơi Chúa cũng là cách giúp cho Cơ-đốc-nhân tự kiểm điểm lại đời sống cá nhân trong cách mình theo Chúa,
– Sự tự biết mình là tốt hơn việc tự đánh lừa,
– Nguyên nhân khiến Cơ-đốc-nhân không được Đức Chúa Trời nhậm lời là vì có lòng phân tâm (Khải huyền 3: 16, Ma-thi-ơ 6: 24, Lu-ca 16: 13)
– Người phân tâm là người cầm cày mà còn ngó lại sau lưng (Lu-ca 9: 62),
(Xin đọc thêm các bài viết về CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ PHÂN TÂM)
*******
GIA-CƠ 1: 9 – Anh em nào ở địa vị thấp hèn hãy khoe mình về phần cao trọng mình.
– Xã hội loài người luôn luôn có giai cấp, vì cớ sự tham lam và lòng kiêu ngạo của con người,
– Mặc dầu con dân Chúa ở trong nhiều địa vị khác nhau giữa xã hội, nhưng trong Đấng Christ thì mọi người đều bằng nhau, là anh em trong cùng một gia đình,
– Đối với những Cơ-đốc-nhân có địa vị thấp kém trong xã hội thì hãy vui mừng vì chính mình được kể là con cái của Đấng Toàn Năng và sẽ là hoàng tử và công Chúa của Thiên đàng trong tương lai (1Cô-rinh-tô 7: 20 & 24, Giu-đe 1: 6),
– Đây là một trong những ân điển lớn lao mà Đức Chúa Trời đã ban cho những người tin nhận Đức Chúa Jêsus Christ,
– Đây là một trong những mạng lệnh mà lời của Chúa đã phán dạy cho Cơ-đốc-nhân (vì có chữ hãy),
– Vì vậy những Cơ-đốc-nhân có địa vị thấp kém trong xã hội phải bày tỏ đức tin của mình bằng việc hãnh diện được làm con cái Đức Chúa Trời và phải có thái độ tự tin, nghiêm trang, chân thật tương xứng với sự nhận biết như vậy (Thi thiên 64: 10, Rô-ma 5: 3, 1Cô-rinh-tô 1: 26-31, 2Cô-rinh-tô 5: 16),
*******
GIA-CƠ 1: 10 – Kẻ giàu cũng hãy khoe mình về phần đê hèn, vì người sẽ qua đi như hoa cỏ.
– Thường thì những kẻ giàu có không tin cậy nơi Chúa, nhưng tin cậy vào của cải tài sản mà họ chất chứa (Ma-thi-ơ 13: 22, Lu-ca 12: 15, 1Ti-mô-thê 6: 17),
– Vì vậy Đức Chúa Jêsus đã cho biết rằng kẻ giàu vào nước Thiên đàng là khó lắm (Ma-thi-ơ 19: 24),
– Vì của cải tài sản của con người là điều chóng qua, nên những kẻ tin cậy vào chúng cũng sẽ có số phận giống như vậy, mà lời của Chúa gọi là số phận đê hèn,
– Có rất nhiều thí dụ về sự chóng qua của tài sản con người. Trong Kinh thánh có câu chuyện về Gióp, về người con trai hoang đàng (Lu-ca 15: 11-32),
– Xem thêm trong Truyền đạo 2: 26, Thi thiên 90: 10, Gióp 1: 20-21,
– Chữ đê hèn ở đây có ý muốn nói về những sự vật không tồn tại được lâu dài hoặc vĩnh viễn, ngay cả đời sống của những kẻ ở dưới ách tội lỗi, chớ không chỉ có ý nói về địa vị trong xã hội theo quan điểm con người,
– Vì vậy lời của Chúa khuyên Cơ-đốc-nhân chúng ta nên chú ý tìm kiếm những điều sẽ còn tồn tại đời đời (2Cô-rinh-tô 4: 18,
(Xin đọc thêm các bài viết về CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ GIÀU CÓ, KẺ GIÀU TRONG THẾ GIAN, CƠ-ĐỐC NHÂN NHẬN ĐỊNH ĐỜI SỐNG, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ CÁC THỨ BẬC XÃ HỘI)
*******
GIA-CƠ 1: 11 – Mặt trời mọc lên, nắng xẳng, cỏ khô, hoa rụng, sắc đẹp tồi tàn: Kẻ giàu cũng sẽ khô héo như vậy trong những việc mình làm.
– Trong câu gốc nầy lời của Chúa dạy chúng ta nhìn vào sự thay đổi của tự nhiên để suy gẫm về chính đời sống của con người, đặc biệt là khi người ta giàu có,
– Đời người có giai đoạn, không ai sống suốt đời mà không có sự đổi thay trong đời sống mình (Truyền đạo 3: 1-8),
– Kẻ giàu bị kể như cỏ khô, hoa rụng, cả về đời sống của họ cũng như những công việc mà họ đã làm, vì những điều mắt thấy được thì dễ chóng qua
– Kẻ giàu mà không biết kính sợ Đức Chúa Trời thì đời sống của họ cũng chỉ có vài mươi năm trên đất rồi bị hình phạt, cũng giống như cỏ phù du sống ngắn ngủi ngoài đồng (Mác 10: 23, 1Ti-mô-thê 6: 17, Gia-cơ 5: 1),
– Chuyện người giàu và La-xa-rơ (Lu-ca 16: 19-31),
– Chúa dùng những điều ấy để cảnh tỉnh nhân loại, nhưng nhiều khi người ta không để ý đến,
– Người ta suy nghĩ nhiều về ngày tháng trần gian hơn là chuẩn bị cho ngày ra đi,
(Xin đọc thêm các bài viết ĐỨC TIN VÀ SỰ NGHÈO GIÀU THUỘC THỂ, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ THỜI GIAN)
CÁC CÂU GỐC TRƯNG DẪN:
GIÓP 1: 20-21 – Gióp bèn chổi dậy, xé áo mình, và cạo đầu, đoạn xấp mình xuống đất mà thờ lạy, và nói rằng: Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!
THI THIÊN 64: 10 – Người công bình sẽ vui vẻ nơi Đức Giê-hô-va, và nương náu mình nơi Ngài, còn những kẻ có lòng ngay thẳng đều sẽ khoe mình.
THI THIÊN 90: 10 – Tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi; Song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi.
TRUYỀN ĐẠO 2: 26 – Bởi Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan, thông sáng, và vui vẻ cho kẻ nào đẹp lòng Ngài; nhưng Ngài khiến cho kẻ có tội phải lao khổ mà thâu góp chất chứa, để rồi ban cho người đẹp lòng Đức Chúa Trời. Điều đó cũng là hư không, theo luồng gió thổi.
TRUYỀN ĐẠO 3: 1-8 – Phàm sự gì có thì tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định. 2 Có kỳ sanh ra, và có kỳ chết; có kỳ trồng, và có kỳ nhổ vật đã trồng; 3 Có kỳ giết, và có kỳ chữa lành; có kỳ phá dỡ, và có kỳ xây cất; 4 có kỳ khóc, và có kỳ cười; có kỳ than vãn, và có kỳ nhảy múa; 5 có kỳ ném đá, và có kỳ nhóm đá lại; có kỳ ôm ấp, và có kỳ chẳng ôm ấp; 6 có kỳ tìm, và có kỳ mất; có kỳ giữ lấy, và có kỳ ném bỏ; 7 có kỳ xé rách, và có kỳ may; có kỳ nín lặng, có kỳ nói ra; 8 có kỳ yêu, có kỳ ghét; có kỳ đánh giặc, và có kỳ hòa bình.
MA-THI-Ơ 6: 19-20 – Các ngươi chớ chứa của cải ở dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy.
MA-THI-Ơ 13: 22 – Kẻ nào chịu lấy hột giống nơi bụi gai, tức là kẻ nghe đạo; mà sự lo lắng về đời nầy, và sự mê đắm về của cải, làm cho nghẹt ngòi đạo và thành ra không kết quả.
MÁC 10: 23 – Bấy giờ Đức Chúa Jêsus ngó xung quanh mình, mà phán cùng môn đồ rằng: Kẻ giàu vào nước Đức Chúa Trời khó là dường nào!
RÔ-MA 5: 3 – Nào những thế thôi, nhưng chúng ta cũng khoe mình trong hoạn nạn nữa, vì biết rằng hoạn nạn sanh sự nhịn nhục,
1CÔ-RINH-TÔ 1: 26-31 – Hỡi Anh em, hãy suy xét rằng ở giữa anh em là kẻ đã được gọi, không có nhiều người khôn ngoan theo xác thịt, chẳng nhiều kẻ quyền thế, chẳng nhiều kẻ sang trọng. 27 Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn những sự dại ở thế gian để làm hổ thẹn những sự mạn h;28 Đức Chúa Trời đã chọn những sự hèn hạ và khinh bỉ ở thế gian, cùng những sự không có, hầu cho làm những sự có ra không có, 29 để chẳng ai khoe mình trước một Đức Chúa Trời. 30 Vả, ấy là nhờ Ngài mà anh em ở trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Đấng mà Đức Chúa Trời đã làm nên sự khôn ngoan, sự công bình, sự nên thánh, và sự cứu chuộc cho chúng ta; 31 hầu cho, như có lời chép rằng: Ai khoe mình, hãy khoe mình trong Chúa.
1CÔ-RINH-TÔ 7: 20 – Ai nấy khi được gọi ở đấng bậc nào, thì phải cứ ở theo đấng bậc ấy.
1CÔ-RINH-TÔ 7: 24 – Hỡi anh em, ai nấy khi được gọi ở đấng bậc nào, thì phải cứ ở theo đấng bậc ấy trước mặt Đức Chúa Trời.
1CÔ-RINH-TÔ 12: 18 – Nhưng bây giờ, Đức Chúa Trời đã sắp đặt các chi thể của thân chúng ta, ban cho mỗi một chi thể cái địa vị theo ý Ngài lấy làm tốt mà chỉ định.
2CÔ-RINH-TÔ 4: 18 – Bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy.
2CÔ-RINH-TÔ 5: 16 – Chúng tôi chẳng lại phô mình cùng anh em, nhưng muốn trao cho anh em cái dịp khoe mình về chúng tôi, đặng anh em có thể đối đáp lại cùng những kẻ chỉ khoe mình về bề ngoài, mà không về sự trong lòng.
Ê-PHÊ-SÔ 4: 11-13 – Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư, để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Christ, cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành nhân, được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Christ.
2TI-MÔ-THÊ 6: 17 – Hãy răn bảo kẻ giàu ở thế gian nầy đừng kiêu ngạo và đừng để lòng trông cậy nơi của cải không chắc chắn, nhưng hãy để lòng trông cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng.
GIA-CƠ 5: 1 – Hỡi anh em là kẻ giàu có! Hãy khóc lóc, kêu la, vì cớ hoạn nạn sẽ đổ trên anh em.
GIU-ĐE 1: 6 – Còn các thiên sứ không giữ thứ bậc và bỏ chỗ riêng mình, thì Ngài đã dùng dây xích họ trong nơi tối tăm đời đời, cầm giữ lại để chờ sự phán xét ngày lớn.
(còn tiếp)