THÁNH KINH ĐỀ MỤC / YÊU THƯƠNG TRONG LẼ THẬT 2
Kinh thánh: Ma-thi-ơ 19: 16-22
Câu gốc: RÔ-MA 12: 9 – Lòng yêu thương phải cho thành thật. Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành.
Sau khi đã cùng nhau nghiên cứu qua phần thứ nhất của Chủ đề nầy thì chúng ta đều đã biết được 2 nguyên tắc căn bản đầu tiên của sự yêu thương trong Lẽ thật là yêu nhiều hơn và yêu như Chúa đã yêu. Tình yêu thương như vậy mới xứng đáng để được gọi là yêu thương thật theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Sáng hôm nay trước khi suy nghĩ một cách chi tiết hơn đến các khía cạnh khác của tình yêu thương thật thì tôi xin được nhắc lại một chút về những điểm quan trọng trong hai nguyên tắc căn bản của việc yêu thương trong Lẽ thật, vì hình như đã có anh chị em vẫn còn thắc mắc về hai nguyên tắc ấy.
Đối với nguyên tắc đầu tiên là yêu thương nhiều hơn thì điều đó không có nghĩa là chúng ta phải yêu cá nhân mình ít hơn. Như điều mà tôi đã có đề cập đến trong phần thứ nhất của chủ đề nầy thì trong cả Kinh thánh không có chỗ nào Đức Chúa Trời phán bảo con dân Ngài phải yêu chính mình chúng ta ít lại. Đức Chúa Trời biết rằng mọi người đều yêu chính cá nhân mình và Ngài chấp nhận điều đó, bởi vì yêu thương như vậy là bản tánh chung của con người. Vấn đề đáng nói ở đây và cũng là nguyên nhân gây ra tội ác và sự đau khổ trong đời sống nầy là con người thường yêu thương chính mình nhiều hơn là yêu thương người khác. Vì vậy nguyên tắc căn bản đầu tiên của Đức Chúa Trời đối với sự yêu thương theo Lẽ thật là mỗi người phải yêu thương người khác nhiều thêm nữa, tức là kính yêu Chúa nhiều hơn và yêu thương người khác nhiều thêm. Sự yêu thương nhiều thêm như vậy không có nghĩa là yêu người khác nhiều hơn chính cá nhân mình, mà là yêu người khác ở mức độ cao hơn để có thể bằng với mức độ yêu thương mà mỗi người dành cho chính cá nhân mình. Để cho dễ hiểu thì tôi xin được thí dụ như thế nầy: Cứ cho rằng mỗi người đều yêu thương chính cá nhân mình ở mức tối đa là 10 phần mà yêu thương người khác chỉ có 3 phần hoặc 5 phần hoặc là 7 phần mà thôi. Nhưng theo nguyên tắc của Chúa thì mình phải yêu thương người khác thêm lên nữa để tình yêu thương mà mình dành cho họ cũng đạt được mức tối đa là 10 phần như là mình yêu chính mình. Đó chính là yêu thương nhiều hơn hay nói cách khác cho dễ hiểu là yêu thương người khác ở mức độ cao hơn. Chính bởi lẽ đó mà Đức Chúa Jêsus mới dạy rằng chúng ta phải yêu người khác như là yêu chính mình.
Trước đây khi tôi nói rằng mỗi người phải yêu thương người khác nhiều hơn thì có người hiểu lầm và tưởng rằng mình phải yêu thương cá nhân mình ít lại. Nhưng đó không phải là nguyên tắc mà Đức Chúa Jêsus đã dạy dỗ. Chúa không bảo chúng ta yêu thương cá nhân mình ít đi để có thể yêu thương người khác nhiều hơn, nhưng mà Ngài bảo chúng ta phải yêu thương người khác nhiều thêm nữa để cho bằng với việc yêu chính mình. Nguyên nhân mà Đức Chúa Jêsus dạy dỗ chúng ta phải yêu thương như vậy là vì Chúa là Đấng Công Bình và Ngài muốn cho mọi người được bình đẳng trong tình yêu thương. Chúng ta thử nghĩ mà xem: Nếu tất cả mọi người trong thế gian nầy đều yêu thương người khác như yêu thương chính mình thì thế giới đâu còn chiến tranh và đau khổ nữa. Nhưng trong thực tế thì có rất ít người chịu yêu thương người khác giống như vậy. Ngay cả trong vòng Cơ-đốc-nhân chúng ta cũng ít có người yêu thương người khác theo mức độ ấy. Bởi lẽ đó mà lời của Chúa trong Kinh thánh mới dạy dỗ chúng ta rằng Cơ-đốc-nhân phải tập tành sống yêu thương theo như tiêu chuẩn mà Đức Chúa Trời đã định sẳn. Điều đó có nghĩa là chúng ta từ trước đến nay chưa từng yêu thương ai được bằng như yêu chính mình, nhưng bây giờ thì Cơ-đốc-nhân phải tập tành yêu thương theo tiêu chuẩn của Chúa và phải có sự cố gắng để lần hồi mới có thể yêu thương được như vậy. Nếu Cơ-đốc-nhân chúng ta không chịu khó tập tành yêu thương theo những Lẽ thật trong Kinh thánh thì sẽ chẳng bao giờ có thể yêu như Chúa đã yêu.
Thành thật mà nói thì yêu thương người khác như chính mình là điều rất khó. Nhưng vì yêu thương như vậy là mạng lệnh mà Chúa đã truyền phán cho con dân Ngài cho nên chúng ta không thể không làm. Nếu không làm thì là trái nghịch mạng lệnh của Chúa, mà nếu làm theo thì đó lại là điều rất khó để thực hiện. Nhưng tạ ơn Chúa là chúng ta đã có Đức-Thánh-Linh giúp sức để nhờ quyền năng Ngài mà chúng ta có thể làm được mọi điều theo ý muốn của Chúa. Vì vậy mà chúng ta cần phải tập tành yêu thương theo Lẽ thật ngay từ ngày hôm nay, tức là phải thực tập điều đó mỗi một ngày. Chắc chắn là lúc ban đầu thì sẽ có nhiều thất bại hơn là thành công, nhưng nếu chúng ta cứ kiên trì để tập tành yêu thương theo Lẽ thật mỗi một ngày thì lâu dần chúng ta sẽ làm được. Vì vậy tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm về việc thực tập yêu thương theo như lời của Chúa đã dạy dỗ. Chúng ta sẽ bắt đầu từ chỗ dễ trước rồi lần hồi sẽ đi đến những bước khó hơn.
Đối với việc yêu người khác như mình thì chúng ta có thể dùng phương pháp lấy ra từ luật Vàng trong việc đối nhân xử thể để huấn luyện chính mình. Chắc là tất cả chúng ta đều còn nhớ lời dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus về luật Vàng như đã được chép trong Ma-thi-ơ 7: 12.
MA-THI-Ơ 7: 12 – Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri.
Chữ luật Vàng không có trong Kinh thánh mà đó chỉ là danh từ được nhiều người dùng đến để mô tả sự tốt đẹp nhất của luật pháp về tình yêu thương mà Đức Chúa Jêsus đã dạy dỗ so với các dạng yêu thương mà con người vẫn hay nói đến trong dân gian. Luật pháp trong câu gốc vừa được trưng dẫn được gọi là luật Vàng vì nó mang tánh chất tích cực trong việc giao tiếp với mọi người trong xã hội. Còn tánh chất thụ động đối với luật pháp nầy thì được gọi là luật Bạc, bởi vì nó không trực tiếp làm điều gì tốt cho người khác mà chỉ tránh làm cho người ta điều mà mình muốn tránh. Luật Bạc có thể được hiểu như thế nầy: là đừng làm cho người khác điều mà mình không muốn người ta làm cho mình. Về nguyên tắc của luật Bạc thì tôi có thể thí dụ một cách đơn giản như thế nầy: Vì mình không muốn bị người ta làm cho mình bị thiệt hại về bất cứ một điều gì thì mình cũng đừng gây ra thiệt hại cho người nào khác.
Khi chúng ta so sánh hai điều luật nầy với nhau thì chắc thấy được sự tương phản của chúng. Một bên thì là hành động tích cực, tức là làm cho người khác điều mà mình muốn người ta làm cho cho mình, còn một bên thì có sự thụ động hơn, nghĩa là tránh làm cho người ta điều mà mình không muốn người khác làm cho mình. Trong hai phương pháp đối nhân xử thế nầy thì luật Bạc dễ làm hơn là luật vàng, vì không cần có nhiều cố gắng, tức là tránh làm điều thiệt hại cho người khác là đủ rồi. Vì vậy mà khi Cơ-đốc-nhân muốn bắt đầu tập tành sống yêu thương theo Lẽ thật của Chúa thì chúng ta có thể sử dụng phương pháp ấy để tập yêu thương người khác nhiều thêm, tức là tránh làm cho người khác điều chúng ta không muốn người ta làm cho mình.
Trong phần Kinh thánh nền tảng của chúng ta sáng hôm nay thì quý Hội thánh đã có đọc qua câu chuyện về người trẻ tuổi giàu có đến hỏi thâm Đức Chúa Jêsus về những điều răn cần phải làm để có thể hưởng được sự sống đời đời. Đức Chúa Jêsus đã dùng câu hỏi của người trẻ tuổi ấy để dạy dỗ mọi người về cả luật Vàng và luật Bạc. Vì người tuổi trẻ ấy giả vờ hỏi Chúa về những điều răn mà người ấy đã làm được hầu có thể khoe mình trong luật pháp cho nên Đức Chúa Jêsus mới trước hết nói về những điều mà con người không nên làm đối với nhau. Chúa phán dạy như vậy cũng là vì khi một người khoe mình về luật pháp mà họ đã làm được thì người đó chưa hiểu được căn bản về nguyên tắc yêu thương trong luật pháp của Đức Chúa Trời. Trong ý muốn của Chúa thì chúng ta làm theo luật pháp là để tỏ bày lòng yêu thương của mình đối với mọi người, vì căn bản luật pháp của Chúa là tình yêu thương, chớ không phải là làm theo luật pháp để khoe khoang rằng mình là người trọn vẹn. Vì vậy khi Cơ-đốc-nhân nào hiểu được nguyên tắc căn bản về tình yêu thương trong luật pháp của Chúa thì người đó sẽ hết lòng vâng phục để làm theo hầu có thể làm sáng danh Chúa, làm chứng tốt về Ngài và cũng để trở thành người hữu ích cho mọi người chung quanh.
Vì người trẻ tuổi kia muốn khoe mình về luật pháp mà người ấy đã làm được từ bấy lâu nay nên Đức Chúa Jêsus mới trước hết nhắc nhở đến luật Bạc, là luật về những điều mình đừng làm cho người khác, ấy là vì những điều đó thì dễ làm, rồi sau đó Ngài mới đề cập đến luật Vàng, là luật về những điều mà mình cần phải làm cho người chung quanh, tức là những điều ở mức độ khó hơn. Sau khi người trẻ tuổi ấy cho biết rằng anh ta đã làm được tất cả những điều đó rồi thì lúc ấy Đức Chúa Jêsus mới đề cập đến mức độ tột cùng của đức tin thật, là phân phát tất cả mọi điều mà mình có cho mọi người để chỉ trông cậy nơi tình yêu thương của Chúa mà thôi. Với mức độ đức tin tột đỉnh như vậy thì người trẻ tuổi kia không còn có thể khoe mình được nữa, vì anh ta có nhiều của cải lắm theo như lời Kinh thánh cho biết.
Chúng ta có thể đọc lại những điều mà Đức Chúa Jêsus đã phán có liên quan đến tình yêu thương thụ động, tức là chỉ cần tránh làm những điều thiệt hại cho người khác mà thôi, như có chép trong Ma-thi-ơ 19: 18.
MA-THI-Ơ 19: 18 – Người hỏi: Những điều răn gì? Đức Chúa Jêsus phán rằng: Những điều răn nầy: Đừng giết người, đừng phạm tội tà dâm, đừng trộm cắp, đừng làm chứng dối.
Trong câu Kinh thánh nầy thì chúng ta thấy lời của Chúa có phán dạy về những điều mà chúng ta đừng làm. Khi Cơ-đốc-nhân biết vâng giữ theo những luật pháp ấy thì đã có thể bày tỏ được tình yêu thương của mình đối với người khác, bởi vì đó cũng là những điều mà chúng ta cũng không muốn người khác làm cho mình. Theo phương diện thuộc thể thì tội tà dâm tức là sự ngoại tình. Không ai trong chúng ta muốn bị người phối ngẫu làm điều đó cho mình cho nên chính vì vậy mà Cơ-đốc-nhân nên tuyệt đối không bao giờ phạm tội ngoại tình để khỏi làm tổn thương người phối ngẫu của mình trong hôn nhân và cũng không làm tổn thương cho người thứ ba nữa.
Ngoài ra thì khi suy nghĩ đến những điều còn lại thì chúng ta cũng sẽ thấy có cùng chung một mẫu mực giống như vậy, tức là tránh làm điều mà mình không muốn người khác làm cho mình, chẳng hạn như tất cả chúng ta đều không muốn bị người khác giết chết, chính vì lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân không được phạm tội sát nhân. Cũng một thể ấy tất cả chúng ta đều không muốn mình bị người khác trộm cắp, cho nên con dân Chúa cũng không được trộm cắp của người khác bất cứ điều gì, dầu là nhỏ nhặt hơn hết.
Còn về vấn đề bị người khác nói dối thì cũng giống như vậy. Chúng ta rất muốn người khác thành thật với mình, nhất là trong những khía cạnh quan trọng mà mình muốn biết để nhờ đó có thể ứng xử một cách phù hợp hoặc xứng đáng. Vì vậy mà Cơ-đốc-nhân cần phải thành thật trong lời nói của mình, nhất là khi nói về người khác hoặc nhận định một điều nào đó. Nếu chúng ta không biết chắc về điều đúng đắn cần nên nói thật thì tốt hơn là chúng ta đừng nói gì cả, chớ đừng làm như người thế gian là nói ngược lại với sự thật. Người ta thường nghĩ rằng khi khen người khác thì không cần phải nói sự thật mà chỉ cần nói cho mát lòng người ta mà thôi, thậm chí nói dối một chút cũng chẳng sao. Nhưng đó lại là điều mà Cơ-đốc-nhân cần phải tránh, vì dễ lắm mà tự đặt mình vào tình trạng nịnh bợ người khác hoặc làm cho người ta có suy nghĩ sai về một điều nào đó. Sự nói ngược lại với sự thật tức là nói dối và đó là một trong những trọng tội có thể khiến cho chính mình hụt mất sự cứu rỗi của Chúa và sự sống đời đời, như lời Kinh thánh đã khẳng định trong Khải huyền 21: 8.
KHẢI HUYỀN 21: 8 – Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng gớm ghét, kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng và phàm kẻ nào nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng: Đó là sự chết thứ hai.
Để cảnh cáo Cơ-đốc-nhân về sự nguy hiểm của tội nói dối thì lời của Chúa lại một lần nữa khẳng định rằng kẻ nói dối không được vào Thiên đàng, như lời Kinh thánh đã có ghi lại trong Khải huyền 21: 27.
KHẢI HUYỀN 21: 27 – Kẻ ô uế, người làm điều gớm ghiếc và nói dối không hề được vào thành; nhưng chỉ có những kẻ đã biên tên trong sách sự sống của Chiên Con.
Chính bởi sự nguy hiểm của lời nói dối là như vậy cho nên khi còn ở tại thế gian thì Đức Chúa Jêsus đã có phán dạy rằng con dân Chúa phải nói một cách thành thật, như lời của Ngài đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 5: 37.
MA-THI-Ơ 5: 37 – Song ngươi phải nói rằng: Phải, phải, không, không. Còn điều mà người ta nói thêm đó là bởi nơi quỉ dữ mà ra.
Nhưng có một điều mà Cơ-đốc-nhân chúng ta thấy nói thật là khó quá, ấy là vì lời nói thật thường làm mích lòng người khác. Chúng ta là người đã trưởng thành lâu năm trong đời sống nầy thì đều biết rằng nhiều lúc người ta không thích mình nói thật với họ điều mà họ không thích nghe. Nhưng Cơ-đốc-nhân không thể vì cớ người ta không thích mà phạm luật pháp của Đức Chúa Trời, vì làm như vậy tức là xem trọng ý thích của con người hơn là ý muốn của Chúa. Nói dối để được lòng người ta mà lại phạm tội với Đức Chúa Trời là điều không đáng, thậm chí còn bị coi là dại dột nữa. Việc nói dối để được lòng người ta mà chính mình trở thành kẻ phạm tội với Đức Chúa Trời là vì làm như vậy tức là không hết lòng, hết ý, hết linh hồn mà kính yêu Chúa, tức là sợ người ta giận hơn là sợ làm buồn lòng Đức Chúa Trời. Vì thế mà trong những trường hợp như vậy thì chúng ta phải tập biết yên lặng, có nghĩa là nếu người ta không thích nghe sự thật thì mình không cần phải nói để khỏi phải phạm luật pháp Đức Chúa Trời và khỏi làm người nịnh bợ thế gian.
Chính vì lẽ đó mà ngay cả khi cần phải truyền giảng Tin lành mà người khác không muốn nghe thì Đức Chúa Trời cũng cho phép chúng ta đi nơi khác chớ không cần phải cố gắng một cách vô ích đối với những người không muốn nghe mà lại còn chống đối Tin lành của Chúa, như trong trường hợp của Phao-lô và của các sứ đồ của Chúa, như đã có chép trong các câu Kinh thánh sau đây:
CÔNG VỤ 13: 46 – Phao-lô và Ba-na-ba bèn nói cùng họ cách dạn dĩ rằng: Ấy cần phải truyền đạo Đức Chúa Trời trước nhất cho các ngươi; nhưng vì các ngươi đã từ chối, và tự xét mình không xứng đáng nhận sự sống đời đời, nên đây nầy, chúng ta mới xây qua người ngoại.
MÁC 6: 11 – Nếu có chỗ nào người ta không chịu tiếp các ngươi và cũng không nghe các ngươi nữa, thì hãy đi khỏi đó, và phủi bụi đã dính chân mình, để làm chứng cho họ.
Qua hai câu Kinh thánh nầy và một số các câu gốc tương tự khác thì tôi xin được đề cập đến một phương pháp nữa để Cơ-đốc-nhân chúng ta có thể yêu thương như Chúa đã yêu, đó là yêu thương trong sự tự do, có nghĩa là yêu thương bằng cách tôn trọng sự tự do của người khác. Như chúng ta có thể nhớ lại trong phần thứ nhất của chủ đề nầy thì khi Cơ-đốc-nhân yêu thương trong Lẽ thật thì hai nguyên tắc đầu tiên cần phải nhớ là phải yêu người khác thêm lên và yêu như Chúa đã yêu. Trong nguyên tắc thứ hai là yêu như Chúa đã yêu thì Cơ-đốc-nhân cần phải yêu thương đồng đều, yêu thương một cách xứng đáng, yêu thương một cách thành thật và phương pháp thứ tư mà tôi đang đề cập đến sáng hôm nay là yêu thương trong sự tự do, có nghĩa là không ép buột chính mình và không ép buột người khác, tức là biết tôn trọng sự tự do của người ta. Phương pháp yêu thương trong sự tự do như vậy đã được lời của Chúa dạy dỗ trong Rô-ma 12: 8.
RÔ-MA 12: 8 – Ai gánh việc khuyên bảo, hãy khuyên bảo. Ai bố thí, hãy lấy lòng rộng rãi mà bố thí. Ai cai trị, hãy siêng năng mà cai trị. Ai làm sự thương xót, hãy lấy lòng vui mà làm.
Trong phần cuối của câu gốc nầy thì chúng ta có thể thấy được rằng lời của Chúa cho biết là khi Cơ-đốc-nhân làm sự thương xót hoặc tỏ bày tình yêu thương đối với bất cứ ai thì phải lấy lòng vui mà làm, nghĩa là không có sự bắt buộc nào hết. Qua đời sống của Phao-lô thì chúng ta có thể thấy được nguyên tắc ấy. Mặc dầu ông là người sẳn sàng chết để cho dân tộc của ông được cứu rỗi, nhưng khi họ bắt bớ Tin lành của Chúa và điều đó làm cho ông không vui thì ông xoay sang người ngoại để truyền giảng chứng đạo chớ không cố gắng mãi một cách vô ích với người Giu-đa. Tâm tình như vậy cũng đã từng thấy có trong đời sống của Giô-suê khi ông dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào trong Đất hứa, như lời Kinh thánh đã có tường thuật lại trong Giô-suê 24: 15.
GIÔ-SUÊ 24: 15 – Nếu chẳng thích cho các ngươi phục sự Đức Giê-hô-va, thì ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phục sự, hoặc các thần mà tổ phụ các ngươi đã hầu việc bên kia sông, hoặc các thần của dân A-mô-rít trong xứ mà các ngươi ở; nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va.
Chắc chắn rằng Giô-suê là người có lòng yêu thương dân tộc của ông nhiều lắm cho nên ông mới được Chúa sử dụng để dẫn dắt tuyển dân của Ngài và chính ông cũng trở thành một người lãnh đạo được dân Y-sơ-ra-ên kính nể và tôn trọng, nhưng mặc dầu vậy ông vẫn không bắt buộc họ phải đi theo con đường mà ông đã lựa chọn, có nghĩa là ông tôn trọng sự tự do riêng của họ. Tình yêu thương như vậy là yêu thương trong Lẽ thật như Chúa đã yêu, vì chính Ngài cũng không ép buộc loài người phải đến với Ngài. Đức Chúa Trời tôn trọng sự tự do lựa chọn của con người, dầu biết rằng những sự lựa chọn như vậy mang lại hậu quả nghiêm trọng trong đời nầy và trong đời sau, nhưng Chúa vẫn không hề ép buộc con người phải tin nhận Chúa.
Hầu cho chúng ta có thể thấy được cách thức yêu thương trong việc tôn trọng sự tự do của người khác là như thế nào thì chúng ta có thể suy nghĩ đến những thực tế trong đời sống qua cách yêu thương giả dối của con người, chẳng hạn như việc chính phủ của các nước đã tuyên truyền cách thức chống dịch của họ và khoe khoang rằng đó là cách họ yêu thương và bảo vệ dân chúng khỏi sự nguy hiểm của dịch bệnh. Như điều mà chúng ta vừa mới cùng nhau suy gẫm qua thì sự yêu thương trong Lẽ thật là phải biết yêu thương một cách thành thật và yêu thương trong việc tôn trọng sự tự do của người khác, nhưng các chính phủ hiện nay thì lại không làm như vậy. Một mặt thì họ tuyên truyền là vì muốn bảo vệ dân chúng khỏi cơn bệnh dịch nên họ phải phong tỏa sự đi lại của người dân đồng thời bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang và phải chích ngừa đầy đủ, nhưng mặt khác thì họ lại gian dối với quần chúng và bưng bít sự thật về những chi tiết quan trọng liên quan đến bệnh dịch hiện nay. Theo sự đo lường của các khoa học gia về vi trùng học thì con vi khuẩn bệnh dịch nhỏ hơn các khe hở trên bề mặt khẩu trang là 95 lần cho nên dẫu có đeo khẩu trang cũng không ngăn cản được việc nó xâm nhập xuyên qua và gây bệnh cho người đeo, cho nên trừ khi là người ta nín thở luôn và không đưa tay lên mắt lên miệng hoặc lên mũi thì con vi khuẩn mới không vào được khí quản, ngoài ra thì vì nó ở trong không khí cho nên nó vẫn có khả năng gây bệnh như thường mặc dầu người ta có đeo khẩu trang, nhưng các chính phủ thì vẫn bắt dân chúng phải đeo và làm cho người ta lầm tưởng rằng nhờ khẩu trang mà có thể tránh được bệnh dịch. Điều đó chỉ làm cho người dân ỷ lại vào khẩu trang mà bị nhiễm bệnh nhiều hơn, vì lầm tuởng rằng họ đã được an toàn rồi. Chính bởi lẽ đó mà việc bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang đâu có ngăn cản được việc lây lan của dịch bệnh mà chỉ tạo ra cảm giác an toàn giả tạo mà thôi. Khi các chính phủ tuyên truyền rằng lệnh đeo khẩu trang của họ là vì quan tâm đến sự an toàn của người dân thì đó chỉ là sự dối trá hoặc nói cách khác là một hình thức yêu thương thiếu thành thật mà thôi.
Ngoài ra thì báo cáo của chính Bộ y tế Hoa-kỳ cho biết rằng việc sử dụng máy điều hòa không khí có bộ phận lọc xứng hợp và giữ khoảng cách an toàn giữa người nầy với người khác sẽ có tác dụng tốt hơn là đeo khẩu trang, cũng giống như việc chúng ta đừng đến gần người bị cảm để khỏi bị cảm lây. Nhưng họ vẫn che dấu điều đó để bắt buộc trẻ em học sinh ngày nay phải đeo khẩu trang đến trường. Khi họ làm như vậy thì các em sẽ có cảm giác an toàn giả tạo và làm cho sự lây nhiễm gia tăng nhiều hơn.
Chúng ta cứ thử nghĩ mà xem: Đức Chúa Trời là Đấng Khôn Ngoan tuyệt đối và Ngài biết chính xác là điều nào tốt cho loài người mà Ngài còn cho phép con người được có quyền tự do lựa chọn con đường họ thích đi, trong khi đó thì các chính phủ chỉ là loài người bất toàn, thậm chí nhiều khi còn là kẻ thất học nữa, mà lại nghĩ rằng họ biết cách tốt nhất để giúp quần chúng nhân dân chống lại bệnh dịch và từ đó mà ra lệnh buộc người dân phải chấp hành, ngay cả đối với những phương pháp hoàn toàn vô ích và mâu thuẫn với nhau. Điều đó cho chúng ta thấy là họ tham mê quyền lực trong sự sai khiến người ta là như thế nào. Nhất là tại các nước độc tài chậm tiến thì các kẻ lãnh đạo thường hay khoe khoang rằng họ dành cả đời để tranh đấu, vậy thì lấy đâu ra thì giờ để học tập mà có kiến thức và sự khôn ngoan để lãnh đạo quần chúng? Ngay cả các kẻ cố vấn và phụ tá cho họ cũng là những kẻ hối lộ mua danh mua chức thì lấy đâu ra học thức để biết phương pháp nào là đúng phương pháp nào là sai mà buộc quần chúng phải chấp hành? Bởi lẽ đó mà khi họ tuyên truyền là các chính sách chống dịch của họ là thương dân, là bảo vệ quần chúng, thì điều đó chỉ là sự giả dối mà thôi.
Nếu nói về các phương pháp chống dịch thì cũng cần phải nhắc đến việc các chính phủ bắt dân chúng phải chích ngừa. Chính Bộ y tế Hoa-kỳ cho biết là các loại thuốc chích ngừa bệnh dịch hiện nay chỉ có tác dụng cao nhất là 45% mà thôi nhưng họ vẫn bắt buộc dân chúng phải chích, thậm chí có loại còn làm cho người chích ngừa bị tử vong nữa. Trước đây thì các loại thuốc chích ngừa khi được bào chế thì phải được thử đi thử lại trên động vật, chẳng hạn như chuột và thỏ, thử di thử lại đến hơn một thập niên cho đến chừng nào thật sự an toàn thì mới được phép đem ra sử dụng cho con người. Còn hiện nay thì các chính phủ bắt buộc dân chúng phải chích ngừa ngay mặc dầu các loại thuốc ấy chưa được thử bao nhiêu trên động vật và chỉ được bào chế khoảng 1 năm trở lại đây mà thôi. Bắt buộc dân chúng chích ngừa bằng các loại thuốc ấy thì chẳng khác gì đem sinh mạng con người ra thử nghiệm chớ không phải là thử nghiệm trên động vật. Vậy mà họ nói là yêu thương quần chúng bảo vệ người dân thì đó chỉ là sự dối trá của các kẻ đam mê quyền lực mà thôi.
Mới đây các khoa học gia của Do-thái đã làm một cuộc thí nghiệm trên 50,000 người tình nguyện thì đã cho biết rằng các loại thuốc chích ngừa làm gia tăng tỷ lệ nhiễm bệnh dịch cao hơn so với những người không chích ngừa. Ngoài ra thì khả năng đề kháng bệnh dịch của những người đã chích ngừa lại thấp hơn là những người bị bệnh mà không có chích ngừa đến 13 lần. Nói một cách khác thì khi cả hai bị nhiễm bệnh thì người không chích ngừa có sức đề kháng cao hơn người đã chích ngừa là 13 lần. Ấy là vì hệ thống niễm nhiễm trong cơ thể của con người có khả năng tạo ra sức đề kháng tốt hơn là sức đề kháng do chích ngừa đem lại. Đó là theo báo cáo về cuộc thí nghiệm mới đây của các khoa học gia người Do-thái và nếu quý Hội thánh muốn đọc thêm thì tôi sẽ cho biết địa chỉ trên mạng để quý Hội thánh có thể tham khảo. Nhưng chính phủ Hoa-kỳ thì lại làm ngơ với tin tức ấy và vẫn cứ tiếp tục bắt buộc dân chúng trong nước phải chích ngừa theo lệnh của họ. Khi họ nói rằng vì yêu thương quần chúng mà ra lệnh như vậy thì đó chỉ là sự dối trá mà thôi, chớ không phải là yêu thương thật lòng. Bởi vì khi họ quyết định cho phá thai tự do thì họ nói rằng mỗi người phải có quyền tự do trên cơ thể mình, mà nay thì họ bắt buộc người dân không được có quyền tự do lựa chọn việc có tiêm thuốc ngừa vào cơ thể mình hay không. Sự mâu thuẫn như vậy là tánh chất tráo trở của các chính trị gia chuyên nghiệp để nói làm sao cho có lợi cho sự cầm quyền của họ chớ không phải là thật sự quan tâm đến lợi ích của người dân.
Một điều khác cũng cần phải đề cập đến ở đây là các cuộc nghiên cứu về cơn bệnh dịch hiện nay cho thấy là mức độ tử vong trung bình mà nó gây ra là 0.26%, có nghĩa là nếu có 1,0000 nhiễm bệnh thì mới có khoảng 2 người bị tử vong, tức là ở mức độ tương tự như bệnh cảm cúm vẫn thường xãy ra mỗi năm và thường nguy hiểm nhiều cho người lớn tuổi, suy nhược hoặc đã có sẳn bệnh tật trong cơ thể. Vì con vi khuẩn nầy được chính quyền Trung quốc tái tạo trong phòng thí nghiệm để làm giảm bớt số người già yếu bệnh tật trong xã hội cũng như gạn lọch để gia tăng thành phần cường tráng có ích cho chế độ cho nên họ mới thổi phồng sự kiện để làm cho dân chúng hoảng sợ mà điều khiển người dân gắt gao hơn. Các chính phủ phương Tây thấy thế cũng học theo nên thế giới mới có tình trạng rối bời như hiện nay. Bệnh tật nào thì cũng gây tử vong nhưng mỗi loại bệnh có tỷ lệ tử vong khác nhau tùy theo sức khỏe của người bị nhiễm bệnh. Thay vì thông báo cho người dân biết và đề nghị cách thức phòng chống rồi để cho mỗi người tự do quyết định phải làm thế nào vì nó có liên quan trực tiếp đến cá nhân họ thì các chính phủ lại nhân cơn bệnh dịch để thỏa mãn tham vọng quyền lực của họ. Thái độ như vậy là thí dụ điển hình về sự trái ngược của tình yêu thương theo Lẽ thật trong Kinh thánh. Thái độ và chỉ thị như vậy thậm chí còn bị xem là hành động của những kẻ bất nhân, làm cho người dân bị khốn khổ, lo âu, có nguy cơ bị chết đói trước khi thật sự bị nguy hiểm vì dịch bệnh.
Bởi lẽ đó mà khi Cơ-đốc-nhân học biết về sự yêu thương trong Lẽ thật thì chúng ta phải yêu thương cho công bằng, yêu thương một cách xứng đáng, yêu thương bằng cách tôn trọng sự tự do của người khác và nhất là phải yêu thương một cách thành thật, không hề có sự gian dối nào, như lời của Chúa đã phán dạy trong Rô-ma 12: 9, cũng là câu gốc nền tảng của chúng ta sáng hôm nay.
RÔ-MA 12: 9 – Lòng yêu thương phải cho thành thật. Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành.
Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục dạy dỗ cho con dân Ngài để chúng ta có thể học theo Chúa mà biết yêu thương mọi người một cách đúng đắn theo các Lẽ thật trong Kinh thánh. Cầu xin Đức Chúa Trời thêm sức cho chúng ta trong cố gắng tập tành sống một đời yêu thương theo tiêu chuẩn của Chúa để chúng ta có thể làm sáng danh Ngài và làm chứng cho mọi người về sự nhân từ lạ lùng của Chúa dành cho cả thế gian. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh giúp đỡ cho chúng ta ghi nhớ luôn các nguyên tắc và cách thức yêu thương trong Lẽ thật để có thể tránh được sự lừa dối của loài người trong phương diện nầy cho đến ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm. Amen.