THÁNH KINH GIẢI LUẬN / 1Sa-mu-ên 8: 7

DÂN Y-SƠ-RA-ÊN TỪ CHỐI CHÚA

Kinh thánh: 1Sa-mu-ên 8: 1-20

Câu gốc: 1SA-MU-ÊN 8: 7 – Đức Giê-hô-va phán cùng Sa-mu-ên rằng: Hãy nghe theo mọi lời dân sự nói cùng ngươi. Ấy chẳng phải chúng nó từ chối ngươi đâu, bèn là từ chối ta đó, hầu cho ta chẳng cai trị chúng nó nữa.

Như điều mà chúng ta đã biết thì quyển Kinh thánh là bửu vật quý giá hơn hết trong trần gian nầy bởi vì trong đó bày tỏ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và bao gồm tất cả các câu trả lời cho mọi nan đề của con người trong cuộc sống, từ phương diện thuộc linh cho đến thuộc thể. Vì vậy không phải là vô lý mà Đức Chúa Trời đã dùng phần lớn quyển Kinh thánh để tường thuật lại về lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên, bởi vì lịch sử của họ phản ảnh lịch sử của loài người. Khi chúng ta suy gẫm đến lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên thì sẽ tìm được những câu trả lời quan trọng cho lịch sử của nhân loại, nhất là về những hậu quả đã xãy ra từ xưa đến nay vì cớ những quyết định của con người trong mọi phương diện của đời sống, từ chính trị, kinh tế, quân sự cho đến những xu hướng và trào lưu trong xã hội.

Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương và khi Ngài tạo dựng nên con người thì đã ban cho con người có sự tự do để lựa chọn, tức là được quyền quyết định điều họ muốn làm hay không. Bởi lẽ đó sự tự do là nhân quyền quan trọng hàng đầu trong đời sống của con người. Dầu vậy thì sự tự do đó phải được hướng dẫn bởi sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, bởi vì Ngài là Đấng Đời Đời. Còn con người thì lại không có đủ sự khôn ngoan để có thể thấy xa hơn nhu cầu thuộc thể hiện tại của mình, vì vậy mà những quyết định của con người thì thường là vội vã và không dó đủ sự sâu xa cần thiết để mang lại lợi ích lâu dài. Câu chuyện về việc dân Y-sơ-ra-ên đòi hỏi phải có một vua để cai trị họ là thí dụ điển hình về những quyết định như vậy và chúng ta sẽ suy gẫm về bài học ấy sáng hôm nay.

Theo như lời của Chúa trong phần Kinh thánh nền tảng mà chúng ta vừa đọc qua khi nãy thì vào cuối đời của tiên tri Sa-mu-ên thì các trưởng lão đã kéo nhau đến trước mặt ông để đòi hỏi phải cho họ có một vị vua. Tiên tri Sa-mu-ên là người đã được Đức Chúa Trời chọn lựa để làm quan xét mà cai trị dân Y-sơ-ra-ên lúc họ đã vào cư ngụ trong Đất hứa được nhiều thế hệ rồi. Tiên tri Sa-mu-ên là một trong những người thánh của Chúa, được đẹp lòng Ngài và ông đã trung tín với Chúa trọn cả cuộc đời. Đối với dân sự thì ông cũng là một người chính trực, công bình và thanh liêm, không hề lợi dụng địa vị của ông để hà hiếp hoặc lấy lợi của dân sự. Ông là một người gương mẫu hoàn toàn cả trong chức vụ và trong đời sống cá nhân, nhưng hai con trai của ông thì lại không được như vậy. Trái lại họ là những người xấu nết, tham lam và lợi dụng địa vị là con của Sa-mu-ên và là quan xét tạm thời trên dân sự để trục lợi cho cá nhân, theo như lời Kinh thánh đã cho biết trong 1Sa-mu-ên 8: 3.

1SA-MU-ÊN 8: 3 – Nhưng hai con trai người chẳng noi theo gương người, xiêu lòng tham của, nhậm lấy hối lộ và trái lệch sự công bình.

Chính bởi lẽ đó mà dân sự mới cử các trưởng lão để đến yêu cầu Sa-mu-ên phải cho họ có một vua để cai trị, tức là có một người thay thế chức vụ quan xét của ông, như lời Kinh thánh đã có tường thuật lại trong 1Sa-mu-ên 8: 4 và 5.

1SA-MU-ÊN 8: 4-5 – Hết thảy những trưởng lão đều hiệp lại, đến tìm Sa-mu-ên tại Ra-ma, và nói rằng: Kìa, ông đã già yếu, còn các con trai ông lại chẳng noi theo gương của ông. Bây giờ, xin hãy lập trên chúng tôi một vua đặng đoán xét chúng tôi, y như các dân tộc khác đã có rồi.

Khi đọc đến lời đề nghị nầy của dân Y-sơ-ra-ên thì nhiều người cho rằng ý kiến ấy là đúng. Bởi vì lúc bấy giờ Sa-mu-ên đã già yếu và chẳng bao lâu nữa thì ông sẽ qua đời. Nếu để hai con trai của ông tiếp tục chức vụ là quan xét trên dân sự thì tánh tham lam và gian ác của họ sẽ làm hại cho cả dân tộc Y-sơ-ra-ên. Vì vậy mà họ muốn có một người tốt hơn để lãnh đạo họ. Ý kiến ấy dường như không có gì sai.

Nhưng nếu chúng ta suy nghĩ kỹ một chút thì sẽ thấy yêu cầu của dân Y-sơ-ra-ên có những sai lầm lớn như sau: Thứ nhất là họ muốn có người để thay thế Sa-mu-ên. Việc họ viện dẫn sự sai lầm của hai con trai của tiên tri Sa-mu-ên chỉ là một cái cớ mà thôi. Lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên cho thấy rằng các quan xét không phải là do dân sự lập lên mà là do chính Đức Chúa Trời chỉ định. Trước khi Sa-mu-ên được Chúa chọn để làm quan xét trong dân Y-sơ-ra-ên thì đã có nhiều người khác được Chúa dức dấy lên để cai trị và bảo vệ tuyển dân của Ngài. Việc Sa-mu-ên tạm thời cho hai con trai thay ông để làm quan xét chỉ là vì hoàn cảnh đó thôi, có nghĩa là vì ông già yếu cho nên không thể hoạt động xông xáo như lúc còn là trai trẻ, nhưng chức vụ của hai con trai của Sa-mu-ên thì vẫn chưa được Chúa chính thức chấp nhận, cho nên việc họ đòi hỏi cần phải có người tốt hơn để thay thế cho hai con trai của Sa-mu-ên chỉ là cái cớ mà thôi. Thêm vào đó thì lời của Chúa trong Kinh thánh cho biết rằng chức vụ quan xét chỉ được thay đổi khi người quan xét đó qua đời và đây không phải là chức vụ cha truyền con nối. Nhưng dân Y-sơ-ra-ên thì lại đòi hỏi có một người lãnh đạo khác đang khi Sa-mu-ên vẫn còn sống. Chính bởi lẽ đó mà sự đòi hỏi của họ đã làm cho tiên tri Sa-mu-ên buồn phiền vì nghĩ rằng họ chê bai ông là người không có khả năng hoặc không còn đủ sức đảm đương trọng trách của chức vụ.

Thứ hai, việc dân sự viện dẫn những sai lầm của hai con trai Sa-mu-ên để đòi hỏi có một người lãnh đạo khác cho họ không phải là một cái cớ chính đáng, bởi vì việc hai con trai của Sa-mu-ên nhận của hối lộ không phải là phần lỗi riêng của họ mà đó cũng là lỗi của dân sự nữa. Ấy là vì lúc bấy giờ thì Sa-mu-ên vẫn là người lãnh đạo trực tiếp, còn hai con trai của ông chỉ là quan xét tạm thời mà thôi. Điều đó đã được bày tỏ qua lời của Chúa trong câu Kinh thánh nền tảng sáng hôm nay khi Chúa phán rằng ấy chẳng phải chúng nó từ chối ngươi đâu, bèn là từ chối ta đó. Trong lời phán nầy thì Đức Chúa Trời không hề đề cập gì đến hai con trai của Sa-mu-ên. Bởi vì chức vụ của họ không phải là do Chúa chỉ định cho nên họ không đáng được nhắc nhở đến mặc dầu dân sự đã nêu ra sự sai lầm của họ như là cái cớ để đòi hỏi phải có người lãnh đạo mới. Cho nên việc hai con trai của Sa-mu-ên nhận của hối lộ cũng là lỗi của dân sự nữa. Việc hai người đó nhận hối lộ và gây thiệt hại cho dân sự thì cũng là vì dân sự không hiểu rằng chức vụ của họ chỉ là tạm thời để thay mặt cho Sa-mu-ên trong lúc ông già yếu. Vả lại, nếu dân sự không hối lộ thì hai con trai của Sa-mu-ên lấy gì mà nhận. Còn nếu hai con trai của Sa-mu-ên cứ đòi hỏi phải hối lộ cho họ mà dân sự biết đi đến gặp trực tiếp Sa-mu-ên để cho hay thì chắc hẳn ông đã răn dạy và ngăn cấm hai con ngay từ đầu thì làm gì có chuyện đó xãy ra nữa. Nhưng trái lại dân sự cứ để cho chuyện ấy xãy ra rồi sau đó viện cớ ấy để đòi hỏi phải có người lãnh đạo mới. Thành ra sự việc xãy đến là vì họ cố tình chớ không phải là lỗi riêng của hai con trai của Sa-mu-ên.

Lỗi thứ ba của dân sự là muốn có người lãnh đạo theo ý của họ chớ không phải là do Đức Chúa Trời chọn lựa, vì thế mà họ đòi hỏi phải có một vị vua chớ không muốn ở dưới sự cai trị của một quan xét. Theo như Kinh thánh cho biết thì các quan xét là những người do Đức Chúa Trời dấy lên và chọn lựa, vì vậy mà họ ít nữa cũng có những đức tánh cần thiết để lãnh đạo, chẳng hạn như biết kính sợ Chúa, biết bảo vệ cho dân sự và nhất là không đòi hỏi phải có lâu đài, cung điện và kẻ hầu người hạ. Nhưng vì sự cám dỗ của xác thịt trong việc muốn bắt chước các dân tộc ngoại bang sống chung quanh mà dân Y-sơ-ra-ên đã đòi hỏi phải có một vị vua cai trị họ thay vì là một quan xét. Sự sai lầm lớn nhất của họ là muốn con người cai trị chớ không muốn Đức Chúa Trời hướng dẫn họ qua chức vụ của các quan xét. Họ đã chọn điều xấu để thay thế cho điều tốt hầu có thể thỏa mãn ý muốn xác thịt theo cách của người ngoại. Vì vậy mà họ phải lãnh lấy hậu quả của sự chọn lựa đó.

Theo lời của Chúa cho biết và cũng chính là lời tự xác nhận của Sa-mu-ên trước mặt dân sự thì ông là một quan xét thanh liêm, công bình, hiền lành và chân thật, như đã được bày tỏ trong 1Sa-mu-ên 12: 3-5.

1SA-MU-ÊN 12: 3-5 – Vậy, ta đây, hãy làm chứng về ta tại trước mặt Đức Giê-hô-va và trước kẻ chịu xức dầu Ngài. Ta có bắt bò ai chăng? Bắt lừa ai chăng? Ta có lừa dối ai chăng? Hành hung cùng ai chăng? Ta có nhận của hối lộ nơi tay ai đặng vì nó mà nhắm mắt ta chăng? Ví bằng có làm vậy, ắt ta sẽ trả lại cho các ngươi. Chúng đáp rằng: Ông không có lừa dối chúng tôi, không hành hung cùng chúng tôi, và không nhận lấy chi nơi tay ai hết. Người tiếp rằng: Đức Giê-hô-va chứng cho các ngươi, kẻ chịu xức dầu của Ngài cũng chứng rằng ngày nay các ngươi không tìm thấy gì trong tay ta. Chúng đáp: Nguyện Ngài làm chứng cho!

Với một người quan xét tốt như vậy thì dân sự có thể tránh được việc hai con trai của Sa-mu-ên đòi hỏi của hối lộ bằng cách đến gặp ông trực tiếp để cho hay về tánh xấu của hai người đó hầu cho ông có thể dạy dỗ ngăn cấm. Chừng nào mà Sa-mu-ên không giải quyết thì lúc bấy giờ họ đòi hỏi một người lãnh đạo khác cũng chưa muộn. Chúng ta nhớ lại trường hợp của Hê-li thì có thể thấy rằng khi ông vì quá yêu quý các con mà để cho họ phạm tội và làm gương xấu cho dân Y-sơ-ra-ên thì chính Đức Chúa Trời đã trừng phạt họ và chọn người khác thay thế. Nhưng vào thời kỳ của Sa-mu-ên thì dân sự không hề đợi chờ sự giải quyết của Chúa mà đòi hỏi sự thay đổi người lãnh đạo ngay lập tức theo ý riêng của họ. Ngay cả khi Sa-mu-ên được Đức Chúa Trời hướng dẫn để rao bảo lời cảnh cáo cho họ về những thiệt hại khi có một vị vua cai trị theo cách của người ngoại thì dân Y-sơ-ra-ên cũng không nghe mà cứ nhất quyết đòi cho có được một vị vua thì hậu quả xãy ra sau nầy hoàn toàn là lỗi của họ. Sự cố chấp của họ đã được bày tỏ ra trong 1Sa-mu-ên 8: 10-20 mà chúng ta đã đọc qua trong phần Kinh thánh chủ đề của sáng hôm nay.

Sự cố chấp của dân Y-sơ-ra-ên trong việc đòi hỏi phải có vua cai trị họ và hậu quả mà họ phải chịu trong các thế hệ sau đó cho đến ngày cả dân tộc bị bắt đi lưu đày là một bài học quan trọng cho Cơ-đốc-nhân và cho cả nhân loại trên thế giới. Đối với Cơ-đốc-nhân thì khi con dân Chúa từ chối thẩm quyền của Kinh thánh để chỉ nghe theo lời của người lãnh đạo không mà thôi thì có khi sẽ bị dẫn dụ để đi sai lầm khỏi lẽ thật của Chúa và khỏi con đường chính đáng mà Ngài đã chỉ định để đi đến Thiên đàng. Suốt chiều dài lịch sử kể từ khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô cho đến thời kỳ của Sa-mu-ên, thời kỳ của các vua Giu-đa, thời kỳ của Hội thánh đầu tiên và cho mãi đến ngày hôm nay thì Đức Chúa Trời vẫn thường nhắc nhở và cảnh cáo con dân Chúa về hậu quả của việc từ chối sự hướng dẫn của Ngài, về việc chểnhh mãng với Kinh thánh để cứ nghe theo lời của những kẻ lãnh đạo trong vòng loài người, nhưng dầu vậy vẫn có ít người nghe theo.

Một trong những thí dụ điển hình là trong thời kỳ Hội thánh đầu tiên thì Đức Chúa Trời đã cảnh cáo Cơ-đốc-nhân về điều đó khi Ngài dùng sứ đồ Giăng để viết thư cho bảy Hội thánh ở trong xứ A-si. Bảy Hội thánh ấy là hình ảnh tiêu biểu của tất cả các Hội thánh trong các thời kỳ sau rốt và lời thư viết ra cho họ cũng là lời mà Chúa muốn thức tỉnh các Hội thánh ngày hôm nay. Những điều đã xãy ra trong nội bộ của bảy Hội thánh ấy cũng là những điều đang xãy ra trong các Hội thánh khắp nơi trên thế giới, nhất là trong thời đại mà chúng ta đang sống đây. Đáng tiếc là bảy Hội thánh trong xứ A-si đã không vâng theo lời dạy của Chúa để thức tỉnh và sửa đổi cho nên họ đã bị tiêu diệt và ngày nay thì vùng đất đó không còn có Hội thánh nào nữa mà chỉ có người Hồi giáo không mà thôi. Cũng một thể ấy nếu Cơ-đốc-nhân ngày nay không cố gắng hết sức để trở lại với lời Kinh thánh một cách chăm chú thì hậu quả cũng sẽ không phải là nhỏ. Ấy cũng là vì tình trạng đó mà Đức Chúa Jêsus đã cho biết rằng lúc Ngài tái lâm thì trên toàn bộ quả Địa cầu sẽ có rất ít người được kể là có đức tin thật trong Chúa, như lời phán của Ngài đã được ghi lại trong Lu-ca 18: 8.

LU-CA 18: 8 – Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ vội vàng xét lẽ công bình cho họ. Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng?

Khi Đức Chúa Jêsus đã báo trước như vậy thì điều đó chắc chắn sẽ xãy ra, tức là số người có đức tin thật sẽ là rất ít trong ngày Chúa trở lại. Vì vậy mà chúng ta phải cố gắng hết sức để chính mình được kể vào trong số những người ấy. Muốn được như vậy thì con dân Chúa phải hết lòng chăm chú vào Kinh thánh để nghiên cứu, suy gẫm một cách sâu xa và nhất là phải biết làm theo để được kể là có đức tin vâng phục trong Đấng Christ. Đức tin như vậy là được hướng dẫn bởi lời của Chúa chớ không phải là bởi quan điểm của con người, bất kể người đó là ai.

Đối với nhân loại nói chung thì khi con người từ chối sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời thì hậu quả cũng rất nghiêm trọng, và vì 2/3 nhân loại là người chưa tin Chúa cho nên hậu quả của việc nghe theo sự lãnh đạo của con người thường là thể hiện trong phương diện thuộc thể và tinh thần nhiều hơn. Suốt trong lịch sử của con người thì người ta ít khi tìm thấy có một người lãnh đạo nào thật sự lo lắng suy nghĩ đến lợi ích của người dân. Điều mà họ quan tâm hơn hết là làm sao giữ vững chiếc ghế quyền lực của họ và làm giàu cho cá nhân. Chính bởi lẽ đó mà trên cả thế giới từ ngày con người có mặt cho đến nay thì chiến tranh cứ xãy ra liên tiếp không ngừng nghỉ để làm lợi cho các kẻ lãnh đạo hoặc để giúp cho các kẻ tham quyền có thể trở thành kẻ cai trị. Mặc dầu các cuộc chiến bao giờ cũng được đánh bóng và tuyên truyền là vì dân tộc, vì quốc gia, vì cơm no áo ấm cho người dân, nhưng sau khi hàng triệu người bỏ mạng và hy sinh trong cuộc chiến thì chỉ có giới lãnh đạo là giàu có và được vinh danh mà thôi, còn binh sĩ và thường dân trong cuộc chiến thì không hề được nhắc nhở đến, có chăng là một nấm mồ tập thể, một tờ giấy ghi công hoặc một đài tưởng niệm mà giá xây dựng còn thấp hơn cả trăm lần so với căn nhà của các kẻ lãnh đạo đang cư ngụ nữa. Điều đó cho chúng ta thấy cái giá mà loài người phải trả cho việc ở dưới sự lãnh đạo của con người là đắt đến cỡ nào. Chẳng những thế thôi cái giá ấy lại cũng rất khác biệt giữa những đất nước tự do và các chính thể độc tài, chẳng hạn như tại Hoa-kỳ thì vào thời gian mà dân chúng bị phong tỏa vì cớ cơn bệnh dịch của thế kỷ thứ 21 thì người dân Mỹ nghèo khó phải sắp hàng để nhận rau cải tươi từ các ngân hàng thực phẩm, nhưng mà là sắp hàng khi ngồi trong xe hơi. Còn tại các nước độc tài thì tình trạng khác hẳn mà tất cả chúng ta đều có thể thấy được qua các hình ảnh trên mạng. Vậy mà trong cuộc chiến trước đó để giúp cho các kẻ độc tài gian ác có thể cầm quyền thì hàng triệu binh sĩ và thường dân đã phải chết cũng vì bị dẫn dụ bởi những khẩu hiệu nào là vì tự do độc lập của đất nước, vì sự ấm no bình đẳng của người dân và vì sự công bằng không có giai cấp trong xã hội, nhưng rốt lại thì các kẻ lãnh đạo vẫn là người giàu có, con cháu của họ được chạy xe hàng triệu đô-la và phung phí hàng ngàn đô mỗi đêm để ăn chơi hưởng thụ, còn nhiều người dân thì vẫn phải lượm ve chai hoăc đi xin ăn để sống qua ngày. Dầu khốn khổ và bị lừa dối, bị bạc đãi như vậy nhưng người ta vẫn thích được con người lãnh đạo hơn là được ở dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời.

Nhiều Cơ-đốc-nhân đã thử làm chứng về Chúa cho những người cùng khốn trong các quốc gia như vậy nhưng câu hỏi đầu tiên của họ không phải là hỏi về Chúa mà là hỏi họ sẽ được gì trong hiện tại. Tâm lý của con người là chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến tương lai lâu dài về sau. Vì cách suy nghĩ như vậy mà người ta thường bị các kẻ lãnh đạo tham quyền dẫn dụ bằng những khẩu hiệu và lời tuyên truyền rất bóng bẩy, chẳng hạn như tự do, độc, giàu có, ấm no. Người ta không thấy được hoặc không hiểu được là sự đau khổ nghèo khó của họ là do các kẻ lãnh đạo tham quyền gây ra, mà họ lại nhiều khi trách móc Cơ-đốc-nhân là không giúp đỡ họ theo ý họ muốn. Nếu cần phải nói trắng ra thì sự đau khổ nghèo khó của nhiều người đâu phải là lỗi của Cơ-đốc-nhân hay là lỗi của Chúa, mà là lỗi của họ vì đã nghe theo lời tuyên truyền của loài người hơn là lời chân thật của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh. Chẳng những thế thôi nhiều người trong xã hội lại lên án con dân Chúa là không hết lòng giúp đỡ cho những người nghèo khó trong khi đó thì lại không hề dám nói một câu trách móc nào đối với những kẻ lãnh đạo nhẫn tâm bỏ mặc nhân dân. Chúng ta cứ thử nghĩ mà xem, Cơ-đốc-nhân đâu có xui ai chết cho lý tưởng nầy hoặc lý tưởng kia, vậy mà con dân Chúa vẫn bị trách móc như thường về những bất công xãy ra trong xã hội, trong khi đó thì các kẻ lãnh đạo tham quyền trục lợi làm hại nhân dân thì lại được vinh danh, tung hô và ngưỡng mộ. Bởi cách phản ứng và suy nghĩ như vậy mà nhiều người cứ tiếp tục đau khổ triền miên.

Chúng ta thử suy nghĩ một chút về phương cách giúp đỡ những người nghèo khổ khó khăn dưới ách cai trị của những lãnh đạo tham quyền và nhẫn tâm thì sẽ thấy được vấn đề rõ ràng hơn. Không phải Cơ-đốc-nhân chúng ta chưa từng giúp đỡ những người nghèo khó. Con dân Chúa khắp mọi nơi đã giúp cho người gặp khó khăn trên thế giới nầy nhiều lắm. Hoa-kỳ là nước đứng đầu thế giới về những sự giúp đỡ giống như vậy và cộng đồng Cơ-đốc-nhân tại Hoa-kỳ là những người đóng góp nhiều nhất. Chúng ta thấy là cứ mỗi một khi thế giới xãy ra tai ương hoạn nạn như là động đất, cháy rừng, hạn hán, mất mùa, sóng thần hay là ngay khi cả một nhóm thiếu niên của một đội bóng Thái Lan bị kẹt trong hang đá tại bờ biển thì người ta cũng thường kêu gọi đến sự giúp đỡ hoặc là sự viện trợ của Mỹ, nhưng mặt khác thì họ lại chê bai Hoa-kỳ nào là đế quốc, nào là tư bản tham lam bóc lột người nghèo. Tất cả các sự giúp đỡ của Mỹ cho thế giới đều có sự đóng góp của con dân Chúa tại Hoa-kỳ, nhưng vì lời của Đức Chúa Jêsus đã dạy dỗ là khi bố thí thì đừng cho tay tả biết tay hữu đang làm việc gì cho nên Cơ-đốc-nhân chúng ta không thổi kèn đánh trống để phô trương với thiên hạ mà chỉ yên lặng, vì biết rằng Đức Chúa Trời đã thấy hết tất cả những việc đó rồi.

Chúng ta cũng biết rằng sự giúp đỡ thuộc thể chỉ có thể đem lại ích lợi ngắn ngủi và tạm thời mà thôi, chớ không thể nào làm thay đổi được cả cuộc đời của họ, chẳng hạn như giúp cho người nghèo khó được ấm bụng, no lòng hoặc qua được cái lạnh giá của một mùa đông. Chính những người ấy phải quyết định rằng họ muốn cuộc đời của họ được thay đổi thì mới hy vọng điều ấy có thể xãy ra. Bởi lẽ đó mà người Hoa-kỳ mới có câu nói là cho con cá không bằng cho cái cần câu. Bởi vì nếu cho con cá thì chỉ có thể giúp cho người nghèo thiếu được no lòng một bữa mà thôi nhưng ngày hôm sau họ lại đói nữa. Mà người khác thì không thể cứ cho họ cá mãi và cho mỗi một ngày. Chính những người đang trong cảnh khó khăn và hoạn nạn phải tự lo liệu và thật tâm muốn thay đổi đời sống mình thì tương lai mới hy vọng có được những ngày tươi sáng. Khi nói đến đây thì chắc sẽ có người hỏi rằng làm sao những người nghèo khó bần hàn có thể thay đổi được hoàn cảnh của họ dầu là trong phương diện cá nhân hay là trong việc thay đổi lãnh đạo, bởi vì họ thì là người vô gia cư, không có việc làm, đau yếu bệnh hoạn, còn những kẻ thống trị thì đầy quyền lực, có tiền bạc, vũ khí, quân đội, cảnh sát thì làm sao có thể thay đổi được cán cân quá là chênh lệch như vậy. Nhưng Kinh thánh đã cho biết là điều gì con người không thể làm được thì Đức Chúa Trời hoàn toàn có đủ quyền năng để làm được hết. Chính Ngài là Đấng thay đổi chủ quyền thế lực trong trần gian, nhất là khi loài người biết kêu cầu với Ngài, như lời của Chúa đã có ghi lại trong Ma-thi-ơ 19: 26 và Giê-rê-mi 33: 3.

MA-THI-Ơ 19: 26 – Đức Chúa Jêsus ngó môn đồ mà phán rằng: Điều đó loài người không thể làm được, song Đức Chúa Trời làm mọi việc đều được.

GIÊ-RÊ-MI 33: 3 – Hãy kêu cầu ta, ta sẽ trả lời cho; ta sẽ tỏ cho ngươi những việc lớn và khó, là những việc ngươi chưa từng biết.

DA-NI-ÊN 2: 21 – Chính Ngài thay đổi thì giờ và mùa, bỏ và lập các vua; ban sự khôn ngoan cho kẻ khôn ngoan, và sự thông biết cho kẻ tỏ sáng.

Qua các câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy được rằng vấn đề quan trọng để đời sống cá nhân hoặc một quốc gia được thay đổi là đức tin của con người nơi Đức Chúa Trời và sự biết hết lòng kêu cầu với Ngài để nhận được sự thay đổi. Chúng ta có thể thấy rằng dân Y-sơ-ra-ên trong thời kỳ của Sa-mu-ên đã không kêu cầu Đức Giê-hô-va để Ngài trừng phạt hai con trai của Sa-mu-ên mà lại nhân cớ tội lỗi của hai người ấy để từ chối sự tể trị của Chúa và đòi hỏi phải có một vua cho họ. Hậu quả về việc họ từ chối sự hướng dẫn của Chúa là như thế nào thì tất cả chúng ta đã biết, vì đã có ghi trong Kinh thánh, từ việc họ theo các vua ấy để thờ lạy thần tượng để rồi bị Đức Chúa Trời trừng phạt nhiều lần cho đến khi cả vương quốc bị bắt đi làm phu tù. Người Y-sơ-ra-ên thì bị làm phu tù bởi dân A-si-ri còn người Giu-đa thì bởi dân Ba-by-lôn.

Sự việc xãy ra trên bình diện quốc gia và trên thế giới thì cũng giống như vậy. Quốc gia nào có nhiều Cơ-đốc-nhân và nhiều người lãnh đạo biết kính sợ Chúa thì quốc gia đó được phát triển, phồn thịnh. Còn quốc gia nào mà có quá ít dân chúng trong nước biết kính sợ Chúa thì quốc gia đó bị chậm tiến, nghèo đói và bị cai trị bởi những kẻ độc tài tham mê quyền lực.

Chúng ta thử lấy nước Nam triều tiên để làm thí dụ thì sẽ thấy được điều đó. Ngay sau thế chiến thứ hai và sau cuộc chiến tại Triều tiên từ năm 1950 cho đến 1951 thì đất nước Nam hàn là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới. Đất nước của họ từng là thuộc địa của Mãn thanh và là thuộc địa của Nhật bản trong các thế kỷ trước cho mãi đến các thập niên đầu thế kỷ 20. Họ nghèo đến nỗi phải lấy chất thải của con người để bón cho ruộng và các binh sĩ Hoa-kỳ tham chiến tại đấy cho biết là cả nước chỗ nào cũng hôi thúi lắm. Lúc bấy giờ thì họ nhìn đến Saigon như là niềm mơ ước cho tương lai, vì Saigon được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn đông, là thành phố phồn thịnh bậc nhất của Đông Nam Á. Nhưng kể từ khi người dân Nam triều tiên bắt đầu tìm cầu Chúa và số người có đức tin nơi Ngài tăng dần lên, dầu rằng vẫn chưa được nhiều như tại Hoa-kỳ và các nước Châu Âu thì Nam triều tiên được chỗi dậy và vươn mình để trở thành một trong những cường quốc Á châu ngày nay, mặc dầu đất nước họ vẫn còn chia đôi ra thành hai vùng Nam Bắc với hai nền chính trị khác nhau. Còn những quốc gia khác thì dầu là đã được thống nhất nữa thế kỷ hoặc hàng mấy thế kỷ rồi thì vẫn nghèo đói và chỉ có sự phồn thịnh giả tạo ở bên ngoài mà thôi, còn bên trong thì dân chúng vẫn bị đàn áp, bóc lột, bị cướp nhà cướp đất bởi chính quyền trong nước. Đó là một trong những thí dụ tiêu biểu cho hậu quả của việc tiếp tục từ chối Đức Chúa Trời để chọn loài người làm kẻ lãnh đạo.

Chúng ta có thể thấy rằng mặc dầu có những đất nước bị đói khổ hàng ngàn năm nhưng người dân trong nước vẫn tiếp tục từ chối Đức Chúa Trời và sự hướng dẫn của Ngài. Khi cơn bệnh dịch xãy ra thì thậm chí trong số họ còn có nhiều người trách móc Đấng Tạo Hóa nữa và chỉ biết trông cậy nơi các kẻ lãnh đạo độc tài và tham quyền. Phản ứng như vậy chỉ làm cho cuộc đời của họ khó khăn thêm mà thôi. Chỉ khi nào cá nhân hoặc một quốc gia biết tìm kiếm và đặt mình dưới sự hướng dẫn và tể trị của Chúa thì quốc gia đó mới có hy vọng vươn lên đến mức ấm no hạnh phúc cho toàn dân, giống như lời Kinh thánh đã bày tỏ trong Thi thiên 144: 12-15.

THI THIÊN 144: 12-15 – Nguyện các con trai chúng tôi giống như cây đang mọc lên mạnh mẽ. Nguyện các con gái chúng tôi như đá góc nhà, chạm theo lối kiểu của đền. Nguyện kho lẫm chúng tôi được đầy dẫy, có đủ các thứ lương thực. Nguyện chiên chúng tôi sanh sản hằng ngàn hằng muôn trong đồng ruộng chúng tôi. Nguyện bò cái chúng tôi sanh đẻ nhiều. Nguyện chớ có sự triệt hạ, sự ra xông đánh, hay là tiếng la hãi trong các hàng phố chúng tôi. Phước cho dân nào được quang cảnh như vậy! Phước cho dân nào có Giê-hô-va làm Đức Chúa Trời mình!

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục giúp đỡ cho con dân Chúa biết ý thức rằng chỉ có ở trong sự hướng dẫn của Chúa thì chúng ta mới tìm được sự bình an, vui mừng và thoả lòng thật sự. Cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ cho những người biết kính yêu Chúa hết lòng được sống yên bình trong mọi nơi mà con cái Ngài cư ngụ. Và cầu xin Đức Chúa Trời dùng quyền năng đời đời để thay đổi hoàn cảnh sống của con dân Chúa khi Cơ-đốc-nhân biết hết lòng kêu cầu Ngài. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *