THÁNH KINH GIẢI LUẬN: 1Phi-e-rơ 3: 8-22
1PHI-E-RƠ 3: 8 – Rốt lại, hết thảy anh em phải đồng lòng đầy thương xót và tình yêu anh em, có lòng nhân từ và đức khiêm nhượng.
– Chữ RỐT LẠI có nghĩa là một cách tổng quát hoặc trọng điểm thì Cơ-đốc-nhân phải có lòng thương xót, nhưng không phải có chút ít, mà là có lòng thương xót một cách đầy dẫy, dư tràn,
– Chắc chắn rằng tất cả các con dân Chúa đều có lòng thương xót, ở những mức độ khác nhau, nhiều hoặc ít, nhưng lời Kinh thánh tại đây nhắc nhở rằng Cơ-đốc-nhân phải có lòng thương xót đầy dẫy theo tiêu chuẩn của Đấng Christ.
– Chữ PHẢI trong câu nầy cho biết rằng đó là một mạng lệnh chớ không phải là điều mà muốn có cũng được, không có cũng không sao,
– Và vì trong câu gốc nầy cũng không có chủ từ cho lòng thương xót thì điều đó có nghĩa là Cơ-đốc-nhân phải có lòng thương xót đối với mọi người, ngay cả đối kẻ đối nghịch khi họ thất thế sa cơ, vì đó là mẫu mực đã được Đấng Christ thiết lập khi Chúa dạy dỗ các môn đồ (Ma-thi-ơ 5: 44) và nhất là lúc Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá (Lu-ca 23: 34),
– Chữ ANH EM có nghĩa là những người cùng chung đức tin với nhau, vì vậy Cơ-đốc-nhân phải bày tỏ tình yêu thương một cách rõ ràng đối với những anh chị em khác trong cùng gia đình của Đấng Christ, nhưng đây là điều mà cho đến ngày nay vẫn chưa thấy được bày tỏ trong Hội thánh chung khắp mọi nơi. Trong Hội thánh vẫn còn có sự bè đảng, ganh ghét, thù oán, tranh đấu như điều vẫn thấy xãy ra trong thực tế,
– Lòng nhân từ và tình yêu thương có những điểm giống nhau và những điểm khác nhau mà Cơ-đốc-nhân cần phải biết phân biệt để có thể trang bị cho đời sống mình theo như mạng lệnh của Chúa trong Kinh thánh,
– Mạng lệnh của Chúa trong câu gốc nầy cũng nhắc đến đức tính khiêm nhường mà Cơ-đốc-nhân cần phải đó, tức là biết đặt mình thấp hơn người khác một chút để có cử chỉ nhã nhặn, lịch sự, tôn trọng đối với mọi người mà mình gặp gỡ hoặc giao tiếp trong cuộc sống.
(Xin đọc thêm các bài viết về GIA ĐÌNH CỦA ĐẤNG CHRIST, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ ANH CHỊ EM CÙNG ĐỨC TIN, CÁC GƯƠNG MẪU TRONG HỘI THÁNH, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ TÌNH YÊU THƯƠNG, YÊU THƯƠNG TRONG LẼ THẬT, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ LÒNG NHÂN TỪ)
1PHI-E-RƠ 3: 9 – Đừng lấy ác trả ác, cũng đừng lấy rủa sả trả rủa sả; trái lại phải chúc phước, ấy vì điều đó mà anh em được gọi để hưởng phước lành.
– Trong câu Kinh thánh nầy thì lời Chúa phán dạy rằng chớ có trả thù, hoặc chính xác hơn là chớ có báo lại điều dữ mà người khác đã làm cho mình,
– Tâm lý chung của con người là trả đủa lại điều mà người khác đã gây thiệt hại hoặc tổn thương cho cá nhân mình, nhưng vì Cơ-đốc-nhân đã đóng đinh bản ngã và ý muốn xác thịt lên thập tự giá rồi nên không thể thực hiện được điều mình muốn làm theo như thói quen của người đời,
– Cũng vì Cơ-đốc-nhân đã chết và sống lại với Đấng Christ trong đời mới (nghĩa là trong tấm lòng) thì chúng ta không còn nên tính đến việc trả thù ai nữa,
– Trái lại, Cơ-đốc-nhân phải thường chúc phước hoặc nói điều lành đối với mọi người, bạn cũng như thù, để làm chứng tốt về sự sống mới trong Chúa của cá nhân cho những người chưa tin,
– Đức Chúa Trời là Đấng Đoán Xét nên Ngài sẽ quyết định việc thưởng phạt người nầy hoặc người khác theo việc thiện hay ác mà họ đã thực hiện. Vì vậy Cơ-đốc-nhân phải nhường sự đoán xét và báo thù cho Đức Chúa Trời để Ngài thực hiện (Rô-ma 12: 19),
– Khi làm được như vậy thì Cơ-đốc-nhân sẽ được Đức Chúa Trời đẹp lòng và ban thưởng cho, vì sự báo thù cũng việc cư xử hung dữ chỉ làm cho Cơ-đốc-nhân mất phước mà thôi.
(Xin dọc thêm các bài viết về CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ TRẢ THÙ, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ ĐÓNG ĐINH BẢN NGÃ, ĐỒNG CHẾT VÀ ĐỒNG SỐNG VỚI CHÚA, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ CHÚC PHƯỚC, ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐẤNG ĐOÁN XÉT)
1PHI-E-RƠ 3: 10 – Vả, ai muốn yêu sự sống và thấy ngày tốt lành, thì phải giữ gìn miệng lưỡi, đừng nói điều ác và lời gian giảo.
– Chữ SỰ SỐNG không chỉ có nghĩa là cuộc đời trần gian nầy, mà còn có ý nghĩa là sự sống đời đời trong tương lai. Cũng một thể ấy, chữ ngày tốt lành không chỉ có nghĩa là ngày may mắn, một ngày phước hạnh nào đó, mà cón muốn nói đến ngày được diện kiến Đức Chúa Trời và được nhận vào ở trong vương quốc vinh hiển của Ngài tại trên trời,
– Nhiều tôi con Chúa vẫn thường nghĩ một cách rất đơn giản về sự cứu rỗi trong Đấng Christ khi cho rằng hễ tin Chúa thì được cứu, nhưng câu gốc nầy cho thấy rằng tín lý ấy cần phải được hiểu một cách sâu nhiệm và chi tiết hơn nữa,
– Câu gốc nầy cho thấy rằng sự cứu rỗi còn tùy thuộc vào môi miệng và lời nói của cá nhân, cũng như Đức Chúa Jêsus đã từng đề cập đến điều ấy khi dạy dỗ các môn đồ Ngài (Ma-thi-ơ 12: 37),
– Nguyên nhân khiến cho lời nói có tầm quan trọng như vậy là vì nó bày tỏ được sự đầy dẫy sự thiện lành hoặc sự gian ác trong lòng của một người (Ma-thi-ơ 12: 34),
– Vì vậy, khi một người có lời nói dữ thì bày tỏ ra rằng người ấy có lòng hung dữ và vì đầy dẫy trong lòng nên mới nói ra những lời như thế,
– Khi lời Kinh thánh dạy con dân Chúa gìn giữ miệng lưỡi mình thì điều đó có nghĩa là Cơ-đốc-nhân phải nhờ cậy nơi quyền phép của Đức-Thánh-Linh để được tái sanh, để được nên thánh hầu cho không còn có lời dữ nào ra từ chính môi miệng mình mà chỉ toàn là lời lành, đẹp lònh Đức Chúa Trời và làm chứng tốt về Ngài cho mọi người.
(Xin dọc thêm các bài việt về CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ LỜI NÓI, NHÌN TRÁI BIẾT CÂY, CÁC MẠNG LỆNH CỦA CHÚA TRONG KINH THÁNH, BA YẾU TỐ CỦA SỰ CỨU RỖI, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ SỐNG ĐẠO, CÁC MẪU MỰC TRONG LỜI NÓI)
1PHI-E-RƠ 3: 11 – Phải lánh điều dữ, làm điều lành, Tìm sự hòa bình mà đuổi theo.
– Mỗi khi lời Kinh thánh có bao gồm chữ PHẢI, ĐỪNG, HÃY, CHỚ thì con dân Chúa cần nên chú ý, vì các câu gốc như vậy hàm chứa các mạng lệnh mà Đức Chúa Trời muốn Cơ-đốc-nhân phải thực hiện để bày tỏ đời sống đạo của mình,
– Trong câu Kinh thánh nầy Chúa muốn con dân Ngài phải tránh mọi điều dữ, nghĩa là tất cả các hành động, lời nói và tư tưởng dữ, trong chính cá nhân mình mà luôn cả từ những kẻ khác nữa (thí dụ như Cơ-đốc-nhân không được nói lời dữ với người khác mà cũng nên cố hết sức tránh để khỏi nghe những lời bất xứng từ người khác),
– Trong thực tế cho thấy có một số Cơ-đốc-nhân, mặc dầu không nói lời tục tĩu, nhưng lại cứ tiếp tục ngồi chung với những kẻ có những lời nói như vậy, thậm chí còn cười vui vẽ một cách tán đồng nữa, thật khác hẳn với mạng lệnh của Kinh thánh trong câu gốc nầy và trong Thi thiên 1: 1,
– Việc tránh điều dữ chỉ là một phần trong nếp sống đạo của Cơ-đốc-nhân trong phương diện thụ động, nhưng Chúa còn muốn con dân Ngài phải chủ động làm điều lành cho mọi người để làm chứng tốt về Chúa cho những người chưa tin,
– Như vậy câu gốc nầy cho thấy rằng Cơ-đốc-nhân phải làm điều lành luôn luôn chớ không phải lúc làm lúc không, hoặc chọn lựa rằng mình có muốn làm hay không,
– Mạng lệnh của Chúa còn chỉ định rằng Cơ-đốc-nhân phải cố gắng tìm cách sống hòa bình với mọi người, hết sức tránh tất cả những sự tranh đấu, giành giật với bất cứ ai,
– Dầu vậy, Cơ-đốc-nhân cần phải nhớ rằng Đức Chúa Trời muốn con cái Ngài sống một cách khôn ngoan và không để người khác lợi dụng hoặc lừa dối mình, như lời Đức Chúa Jêsus đã phán với các môn đồ Ngài (Mác 13: 5).
(Xin đọc thêm các bài viết về CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ ĐỜI SỐNG ĐẠO, YÊU THƯƠNG TRONG LẼ THẬT, NHÌN TRÁI BIẾT CÂY, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ LỜI NÓI, CƠ-ĐỐC NHÂN TÌM KIẾM SỰ HÒA BÌNH)
1PHI-E-RƠ 3: 14 – Nếu anh em phải vì sự công bình mà chịu khổ, ấy thật là có phước. Chớ sợ điều họ sợ và đừng rối trí.
– Câu gốc nầy vừa là mạng lệnh vừa là lời khích lệ. Mạng lệnh là nhắc nhở con dân Chúa phải làm sự công bình, và lời khích lệ là cho biết sẽ được phước nếu con dân Chúa chấp nhận chịu khổ vì sự công bình,
– Cơ-đốc-nhân trong mọi thời đại thường ít chú ý đến mạng lệnh phải làm sự công bình. Nguyên nhân thứ nhất là vì không hiểu một cách chi tiết rằng làm sự công bình là thế nào, và nguyên nhân thứ hai là thấy rằng làm sự công bình khó quá, nhiều khi phải chịu thiệt thòi, bị người ta nhân cơ hội đó mà lấn lướt, hoặc bị bắt bớ, cũng có khi phải nguy hiểm đến tính mạng,
– Nhưng nếu đã là mạng lệnh của Chúa thì Cơ-đốc-nhân không thể không thực hiện. Khi đã biết đó là mạng lệnh thì không có vấn đề chọn lựa rằng nên làm hay không làm,
– Cơ-đốc-nhân làm sự công bình để bày tỏ đức tin của mình ra bằng hành động. Vì đã được kể là người công bình bởi dòng huyết tha tội của Đức Chúa Jêsus Christ thì Cơ-đốc-nhân không thể không làm sự công bình. Nếu một người từ chối, không chịu thực hiện thì đức tin người đó bị kể là đức tin chết (Gia-cơ 2: 17),
– Khi Kinh thánh cho biết Cơ-đốc-nhân phải vì sự công bình mà chịu khổ thì điều đó là sự chắc chắn sẽ xãy ra, vì vậy con dân Chúa phải chuẩn bị tâm lý và tinh thần để đối diện với thực tế ấy,
– Nhưng đồng thời Kinh thánh cũng cho biết là khi một người chịu khổ vì làm sự công bình thì sẽ được phước. Đó là một lời hứa và Đức Chúa Trời sẽ thực hiện lời hứa của Ngài một cách mau chóng, đúng kỳ, trước nhất là để tưởng thưởng đức tin của Cơ-đốc-nhân, thứ hai là để khích lệ, củng cố thêm tinh thần của những người có đức tin như vậy,
– Phước của Đức Chúa Trời được thể hiện trong nhiều phương diện, vì vậy Cơ-đốc-nhân phải kiên nhẫn chờ đợi và đừng quá chú ý đến những phương diện mà mình tưởng rằng sẽ được Chúa ban phước, vì làm như vậy sẽ dễ bị thất vọng và nản lòng vì không thấy được điều xãy ra theo ý muốn cá nhân,
– Phần thứ hai của câu gốc nầy có ý nghĩa là chớ sợ lời hăm dọa của loài người khi làm sự công bình, hoặc sợ hãi giống như những người khác khi trù trừ trước việc có làm sự công bình hay không,
– Trong cuộc đời nầy những người gian ác không thích thấy người khác làm việc lành hoặc làm sự công bình. Bởi lẽ đó họ thường hăm dọa để bắt người khác cũng phạm tội giống như họ. Chính vì thế mà lời Kinh thánh khuyên chúng ta chớ sợ sự hăm dọa giống như vậy,
– Để không bị sợ hãi hoặc rối trí khi bị kẻ gian ác trong đời nầy hăm dọa lúc làm sự công bình thì Cơ-đốc-nhân nên cầu nguyện hết lòng để được Chúa thêm sức bà bảo vệ cho.
(Xin đọc thêm các bài viết về CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ CÔNG BÌNH, CÁC MẠNG LỆNH CỦA CHÚA, CÁC LỜI HỨA CỦA CHÚA, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ ĐỨC TIN THẬT, CÁC PHƯỚC LÀNH CỦA CHÚA)
1PHI-E-RƠ 3: 16 – Phải có lương tâm tốt, hầu cho những kẻ gièm chê cách ăn ở lành của anh em trong Đấng Christ biết mình xấu hổ trong sự mà anh em đã bị nói hành.
– Đây là mạng lệnh mà Chúa muốn mỗi Cơ-đốc-nhân phải thức hiện
– Khi Cơ-đốc-nhân có lương tâm tốt thì sẽ có hành động tốt, vì bởi sự đầy dẫy trong lòng mà phát lộ ra bên ngoài bằng môi miệng và cử chỉ (Lu-ca 6: 45),
– Bằng nếu không có một lương tâm tốt thì hành động bên ngoài dẫu có vẽ tin kính thì điều đó chỉ là sự giả hình mà thôi (Ma-thi-ơ 23: 28), bởi thế Đức Chúa Jêsus mới phán với người Pha-ri-si phải thanh tẩy tấm lòng trước (Ma-thi-ơ 23: 26),
– Muốn có một lương tâm tốt và một tấm lòng được thanh tẩy thì Cơ-đốc-nhân phải nhờ lời cầu nguyện với Chúa và nhờ suy gẫm lời Kinh thánh,
– Cơ-đốc-nhân dùng đời sống mình để làm chứng cho người chưa biết Chúa, đồng thời cũng để thắng hơn sự gièm chê của kẻ ác.
(Xin đọc thêm các bài viết về CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ LƯƠNG TÂM TỐT, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ SỐNG ĐẠO, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ GIẢ HÌNH, PHƯƠNG PHÁP THANH TẨY TẤM LÒNG, NHÌN TRÁI BIẾT CÂY)
(còn tiếp)