THÁNH KINH GIẢI LUẬN/1Cô-rinh-tô 2: 6
1CÔ-RINH-TÔ 2: 6 – Dầu vậy, chúng tôi giảng sự khôn ngoan cho những kẻ trọn vẹn, song chẳng phải sự khôn ngoan thuộc về đời nầy, cũng không phải của các người cai quản đời nầy, là kẻ sẽ bị hư mất.
Trong câu gốc nầy thì Phao-lô cho biết về mục tiêu của sự giảng dạy mà ông đã thực hiện bấy lâu nay giữa vòng Cơ-đốc-nhân và sẽ còn tiếp tục nữa cho đến ngày ông được yên nghỉ trong Chúa. Mục đích sự giảng dạy của Phao-lô là trình bày về sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời trong lời của Ngài để con dân Chúa nhờ đó cũng được khôn ngoan mà sống một đời làm sáng danh Chúa. Vì Chúa đã định cho mỗi một con dân Ngài được địa vị quan trọng trong trước mặt loài người là muối của đất là ánh sáng của thế gian (Ma-thi-ơ 5: 13-14), nên Cơ-đốc-nhân phải khôn ngoan để có thể đảm nhiệm địa vị ấy một cách xứng đáng trọn vẹn.
Theo lời của Phao-lô bày tỏ tại đây thì sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời hoàn toàn không giống với sự khôn ngoan của loài người, hoặc sự khôn ngoan mà loài người lầm tưởng rằng họ đang có. Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời không thể hiểu thấu được (Thi thiên 145: 3) vì Ngài là Đấng Chân Thiện Mỹ và đã tạo dựng nên cả vũ trụ chỉ bằng lời phán mà thôi (Thi thiên 148: 5). Còn sự khôn ngoan của loài người thường là đạt được nhờ sự truyền thụ lại của người khác (được gọi là sự khôn ngoan của bằng cấp) hoặc nhờ sự thắng hơn người khác bởi việc tranh dành quyền lợi (được gọi là khôn lõi/khôn lanh/khôn mánh).
Ngoài ra theo lời giải thích của Phao-lô trong câu Kinh thánh trên thì nhiều người tưởng rằng họ có sự khôn ngoan vì đạt được địa vị và quyền thế cao trọng hơn đa số quần chúng. Đây là sự khôn ngoan mà các chính trị gia và các kẻ cầm quyền thường khoe khoang. Ngay cả một số người bình dân cũng thán phục các kẻ ấy và thường bênh vực cho họ khi nói rằng nếu không phải họ khôn ngoan và tài giỏi hơn người khác thì làm sao đạt được địa vị quyền lực trong một quốc gia.
Nhưng theo lời Kinh thánh thì những sự khôn ngoan theo quan điểm của con người không giúp ích được gì hết cho việc đạt đến sự sống đời đời (Gia-cơ 3: 15, 17). Vì vậy mà Phao-lô cho biết là những kẻ cầm quyền đời nầy sẽ bị hư mất. Nhưng đây là điều mà có nhiều sự tranh cãi trong vòng con dân Chúa.
Thứ nhất, có người chất vấn rằng nếu lời nầy là đúng thì chẳng lẽ những vị vua tốt của Y-sơ-ra-ên ngày xưa cũng bị hư mất sao, vì họ cũng là kẻ cầm quyền đời nầy. Nhưng hỏi như vậy tức là chưa thông suốt được nguyên tắc của Kinh thánh và đường lối của Đức Chúa Trời.
Khi lời Kinh thánh ghi rằng ‘Kẻ cầm quyền đời nầy’, thì điều đó có nghĩa là những kẻ quyền thế đó không hề thật lòng có sự kính sợ Chúa hoặc là những kẻ hoàn toàn chối bỏ sự hiện hữu của Đức Chúa Trời trong đời sống của nhân loại (giống như những kẻ cầm quyền trong các chính thể vô thần). Còn những vị vua tốt của Y-sơ-ra-ên hoặc những lãnh đạo chính trị kính sợ Chúa thì họ được gọi là tôi tớ của Ngài, như trong trường hợp của Đa-vít (2Sa-mu-ên 3: 18) hoặc của Đa-ni-ên (Đa-ni-ên 6: 20). Bởi lẽ đó Cơ-đốc-nhân phải biết phân biệt ngôn ngữ của Kinh thánh để không bị lầm lẫn trong trong các ý tưởng mà Kinh thánh đã bày tỏ.
Ngoài ra thì chữ ‘Cai quản đời nầy’ cũng tương ứng với lời Kinh thánh đã dùng để mô tả về quyền lực và hành động của Sa-tan trong thế giới loài người (Ê-phê-sô 2: 2, 6: 12). Vì vậy mà Kinh thánh đã gọi nó và các quỉ sứ của nó là cầm quyền trong thế gian mờ tối nầy là là thần dữ chốn không trung. Cũng nhân cơ hội nầy mà chúng tôi xin được nhắc lại một trong những nguyên tắc của việc nghiên cứu lời của Chúa là dùng thêm những câu Kinh thánh khác để làm sáng tỏ vấn đề hoặc ý tưởng của các từ ngữ trong Kinh thánh, chớ không phải chỉ dùng một câu mà thôi và căn cứ trên sự suy diễn cá nhân. Làm như vậy thì Cơ-đốc-nhân chúng ta sẽ khó mà có thể hiểu hết được sự dạy dỗ trong lời của Chúa. Điều đó được gọi là dùng lời Kinh thánh để giải thích Kinh thánh.
Thứ hai, khi lời của Phao-lô trong câu gốc nầy cho biết rằng những kẻ cai quản đời nầy sẽ bị hư mất thì cũng lại có một số Cơ-đốc-nhân phản đối sau khi so sánh với bản dịch tiếng Anh. Trong các bản dịch ngoại quốc thì người ta chỉ dùng chữ ‘Becoming nothing’, có nghĩa là trở thành hư không, chẳng là gì hết. Một số người vì thế mà cho rằng chữ hư không (nothing) chủ ý muốn nói đến công trạng của họ sẽ không ích lợi gì hết, chớ không phải là họ sẽ không được cứu.
Suy nghĩ như vậy là một lần nữa chưa rõ các nguyên tắc trong Kinh thánh. Khi con người còn sống thì mỗi một linh hồn, dầu là tội nhân hay công bình, người chưa tin hay đã tin, đều là giá quý trước mặt Chúa. Chính bởi lẽ đó mà Đức Chúa Trời đã đến trong trần gian để chết thế cho tội lỗi của cả nhân loại và Ngài vẫn còn đang chờ đợi cho đến ngày hôm nay để cho kẻ có tội biết ăn năn và trở lại. Vì vậy chữ hư không hay nothing không thể dùng được cho người sống. Nhưng khi con người qua đời thì chỉ có hai nơi để đi đến mà thôi. Một là trở thành con cái của Đức Chúa Trời và sống đời đời với Ngài trong Thiên đàng. Đó là trường hợp được trở nên giá trị trước mặt Chúa. Hai là bị hình phạt vĩnh viễn trong hỏa ngục, xa cách Chúa đời đời. Đó là trường hợp trở thành vô giá trị. Vì vậy chữ nothing trong bảng tiếng Anh vẫn mang cùng một ý nghĩa với chữ bị hư mất trong bảng dịch tiếng Việt.
Không phải là không có lý do khi lời Kinh thánh cho biết là những kẻ cai quản đời nầy sẽ bị hư mất. Không những lời của Chúa xác định điều đó mà trong thực tế đời sống, thái độ, hành động và mưu tính của các chính trị gia và của các kẻ quyền thế đều cho thấy rằng họ là những kẻ cố tình phạm tội và ít có người trong số họ biết ăn năn. Khi xử dụng nguyên tắc Xem Trái Thì Biết Cây mà Đức Chúa Jêsus đã dạy dỗ thì chúng ta có thể thấy điều đó.
TIN TỨC ĐỌC THÊM:
– Politicians take on police departments as Floyd protests intensify
– Looting costs businesses in major metro areas at least $400M, experts estimate
– Connecticut Protesters Demand New Haven Police Be ‘Defunded’
CÁC CÂU GỐC ĐÃ TRƯNG DẪN:
2SA-MU-ÊN 3: 18 – Vậy bây giờ, hãy làm đi; vì Đức Giê-hô-va có phán cùng Đa-vít rằng: Ấy bởi Đa-vít, tôi tớ ta, mà ta sẽ giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ta khỏi tay dân Phi-li-tin và khỏi tay mọi kẻ thù nghịch họ.
ĐA-NI-ÊN 6: 20 – Khi vua đến gần hang, lấy giọng rầu rĩ mà kêu Đa-ni-ên; vua cất tiếng nói cùng Đa-ni-ên rằng: Hỡi Đa-ni-ên, tôi tớ Đức Chúa Trời hằng sống! Đức Chúa Trời ngươi mà ngươi hằng hầu việc, có thể giải cứu ngươi khỏi sư tử được chăng?
THI THIÊN 145: 3 – Đức Giê-hô-va là lớn và đáng ngợi khen thay; Sự cao cả Ngài không thể dò xét được.
THI THIÊN 148: 5 – Cả thảy khá ngợi khen danh Đức Giê-hô-va; Vì Ngài ra lịnh, thảy bèn được dựng nên.
MA-THI-Ơ 5: 13-14 – Các ngươi là muối của đất; song nếu mất mặn đi, thì sẽ lấy giống chi mà làm cho mặn lại? Muối ấy không dùng chi được nữa, chỉ phải quăng ra ngoài và bị người ta đạp dưới chân. Các ngươi là sự sáng của thế gian; một cái thành ở trên núi thì không khi nào bị khuất được.
Ê-PHÊ-SÔ 2: 2 – Đều là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói quen đời nầy, vâng phục vua cầm quyền chốn không trung, tức là thần hiện đang hành động trong các con bạn nghịch.
Ê-PHÊ-SÔ 6: 12 – Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy.
GIA-CƠ 3: 15, 17 – Sự khôn ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu; trái lại, nó thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỉ… Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình.