THÁNH KINH ĐỀ MỤC / ĐỨC TIN VÀ VIỆC LÀM

ĐỨC TIN VÀ VIỆC LÀM

Kinh thánh: Gia-cơ 2: 14-26

Câu gốc: GIA-CƠ 2: 17 – Về đức tin, cũng một lẽ ấy, nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết.

Khi Cơ-đốc-nhân chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng Thực Hữu thì mỗi chúng ta phải chuẩn bị cho ngày được gặp mặt Chúa. Sự chuẩn bị như vậy là hành động tương xứng của đức tin, để bày tỏ ra rằng đức tin của chúng ta là thật, là đức tin có việc làm cặp theo chớ không phải là đức tin suông chỉ bằng lời nói không mà thôi. Theo như lời của Chúa cho biết thì đức tin như vậy là đức tin sống, sẽ dẫn chúng ta đến sự sống đời đời, còn đức tin mà không có việc làm tương xứng cặp theo thì đó là đức tin chết, không thể giúp cho Cơ-đốc-nhân nhận được bất cứ điều gì từ nơi Chúa. Sự khẳng định như vậy đã được ghi lại trong Gia-cơ 2: 17.

GIA-CƠ 2: 17 – Về đức tin, cũng một lẽ ấy, nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết.

Lời của Chúa trong câu Kinh thánh nầy cho biết rõ ràng rằng đức tin phải sanh ra việc làm tương xứng cặp theo, còn nếu không thì đức tin đó sẽ chết, tức là tàn lụi theo thời gian và không giúp ích được gì cho Cơ-đốc-nhân trong cõi thuộc linh. Như chúng ta đã cùng nhau suy gẫm qua thì điều đó có nghĩa là khi Cơ-đốc-nhân có đức tin nơi Chúa trong bất cứ phương diện nào thì đều phải có hành động tương xứng cặp theo trong phương diện đó, chẳng hạn như khi chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng Thực Hữu thì việc làm tương xứng cặp theo là phải biết chuẩn bị cho ngày được gặp Chúa. Nhưng trước khi đi vào chi tiết của việc chuẩn bị như vậy thì tôi xin được đề cập một chút đến sự lầm lẫn đã từng xãy ra trong cộng đồng Cơ-đốc giáo về việc hiểu sai mối tương quan giữa đức tin và việc làm.

Từ thời kỳ Hội thánh đầu tiên cho đến ngày hôm nay thì trong vòng Cơ-đốc giáo vẫn còn có những vụ tranh luận về sự khác biệt giữa đức tin và việc làm. Như chúng ta đã biết thì có những người cho rằng Cơ-đốc-nhân chỉ cần có đức tin nơi Đức Chúa Jêsus là được cứu mà không cần phải làm gì hết. Ý của họ là con dân Chúa không nhất thiết phải có một đời sống mẫu mực triệt để hoặc là không cần phải làm việc thiện lành, tức là nếu có làm điều thiện hoặc làm theo luật pháp thì tốt mà nếu không làm thì cũng chẳng sao. Những người đó cho rằng Cơ-đốc-nhân chỉ cần chờ Chúa trở lại thì Ngài sẽ biến hóa tất cả con dân Ngài cho được xứng đáng với Thiên đàng. Quan điểm nầy được nhiều người thích lắm vì làm cho việc theo Chúa được dễ dàng, có nghĩa là muốn sống thế nào cũng được miễn là có đức tin thì sẽ được cứu. Còn những người khác thì lại cho rằng nếu chỉ có đức tin không thì chưa đủ mà cần phải có việc làm cặp theo, chẳng hạn như những việc làm công đức hoặc từ thiện, nhất là phải làm theo các nghi thức mà giáo hội yêu cầu thì mới được cứu. Cả hai nhóm người nầy đều trưng dẫn lời của Chúa trong Kinh thánh để bênh vực cho quan điểm của họ cho nên từ đó làm cho nhiều Cơ-đốc-nhân rất bối rối vì không biết là bên nào đúng bên nào sai. Nếu nói theo bình diện tổng quát thì quan điểm chỉ cần có đức tin mà thôi thì được nhiều hệ phái thuộc giáo hội Tin Lành ủng hộ, còn quan điểm cần phải có việc làm cặp theo mới được cứu thì lại được giáo hội Công giáo ủng hộ. Cả hai bên đều có trưng dẫn Kinh thánh để ủng hộ cho quan điểm của mình. Bên phía các hệ phái Tin Lành của chúng ta thì dùng câu Kinh thánh trong Rô-ma 3: 28 để cho thấy rằng chỉ cần có đức tin là được cứu. Tôi xin đọc câu Kinh thánh ấy để quý Hội thánh cùng theo dõi.

RÔ-MA 3: 28 – Vì chúng ta kể rằng người ta được xưng công bình bởi đức tin, chớ không bởi việc làm theo luật pháp.

Những người trưng dẫn câu gốc nầy nhấn mạnh rằng lời của Chúa đã cho biết là chỉ cần có đức tin thì một người đã được kể là công bình rồi, tức là sẽ được cứu trong tương lai, chớ không cần phải làm theo luật pháp của Kinh thánh. Còn bên phía Công giáo thì lại trưng dẫn các câu Kinh thánh trong thư Gia-cơ đoạn 2, tức là phần Kinh thánh nền tảng của chúng ta sáng hôm nay, để nói rằng một người dầu đã có đức tin rồi nhưng cũng cần phải làm theo luật pháp của Giáo hội thì mới được cứu. Bởi lẽ đó mà cho đến ngày nay thì vẫn còn có những cuộc tranh luận và thắc mắc liên quan đến đức tin và việc làm. Cũng từ hai quan điểm trái ngược đó mà chúng ta thấy sự tin Chúa hoặc theo đạo của nhiều người rất khác nhau, chẳng hạn như người Công giáo thì rất ít khi bỏ đi lễ ngày Chúa nhật ngoại trừ những trường hợp bất khả kháng mà thôi, bởi vì đối với họ thì buổi lễ ngày Chúa nhật là rất quan trọng vì đó là một trong những nghi thức chủ yếu đòi hỏi người tín đồ phải làm để chứng tỏ đức tin của cá nhân. Trong khi đó thì nhiều Cơ-đốc-nhân Tin Lành lại không xem việc đi nhà thờ là quan trọng vì nghĩ rằng mình đã có đức tin rồi thì thế nào cũng được cứu, cho nên có bỏ qua sự nhóm lại cũng không sao, Chúa sẽ thông cảm cho.

Vì sự suy nghĩ của nhiều người về đức tin và việc làm là như vậy, cho nên sáng hôm nay chúng ta mới cùng nhau nghiên cứu và suy gẫm đến chủ đề nầy để từ đó có thể liên hệ được với bước thứ 3 trong tiến trình theo Chúa của Cơ-đốc-nhân, là phải có đức tin nơi Đức Chúa Trời. Như điều mà chúng ta đã suy gẫm qua mấy tuần lễ trước thì khi một người nói rằng mình tin Chúa thì người đó phải tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng thực hữu. Sự thực hữu của Ngài được bày tỏ qua việc đời sống của người tin Chúa được thay đổi. Như chúng ta đã biết thì con người không có khả năng tự thay đổi chính mình mà cần phải nhờ đến sức của Chúa. Bởi lẽ đó mà những Cơ-đốc-nhân có tấm lòng thay đổi mới nhận biết được rằng Đức Chúa Trời là Đấng có thật. Lòng tin như vậy được Kinh thánh gọi là đức tin nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu mà thôi.

Đến đây thì tôi xin được trở lại với hai quan điểm trái ngược nhau về đức tin và việc làm mới vừa được đề cập đến khi nãy. Sự trái ngược như vậy đã xãy ra vì cớ tất cả những người đó tưởng rằng đức tin và việc làm là hai điều tách biệt hẳn với nhau, nhưng theo sự giải bày của Kinh thánh thì đức tin và việc làm lại là một mà thôi, hay nói một cách chính xác hơn thì đức tin là động cơ của việc làm và việc làm là kết quả của đức tin. Tôi biết vấn đề nầy không phải là dễ hiểu, vì nếu dễ hiểu thì người ta đã không có hai quan điểm trái ngược nhau và tiếp tục tranh luận cho đến ngày hôm nay. Vì vậy mà tôi sẽ cố gắng giải thích một cách rõ ràng hơn để quý Hội thánh có thể hiểu được.

Theo như sự giải thích trong lời của Chúa thì khi một người có đức tin trong phương diện nào thì người đó sẽ bày tỏ đức tin của mình ra bằng hành động thực tiễn tương xứng với đức tin của mình trong phương diện ấy. Hành động đó gọi là việc làm của đức tin trong từng phương diện một. Trong đời sống thực tế thì điều đó là bình thường lắm, bởi vì bất cứ việc làm nào mà một người thực hiện thì cũng đều xuất phát từ lòng tin. Nếu không có lòng tin đầy đủ vào một điều nào đó thì người ta sẽ không thực hiện hành động có liên quan đến vấn đề ấy. Bởi lẽ đó mà tôi mới dùng chữ tương xứng để đi chung với chữ việc làm, vì chữ ấy giúp cho vấn đề được dễ hiểu hơn, tức là việc làm phải tương xứng với đức tin trong từng phương diện một.

Như điều mà tôi vừa đề cập đến khi nãy thì sự lầm lẫm của nhiều người về đức tin và việc làm là vì họ nghĩ đến hai điều ấy một cách tách biệt hẳn với nhau, chẳng hạn như tin Chúa và làm theo luật pháp. Họ nghĩ về hai điều ấy theo phương diện tổng quát, mà tôi thường gọi là hiểu vấn đề theo bề mặt của chữ, tức là tin Chúa để được cứu và làm theo luật pháp để được cứu. Nhưng thật ra thì lời của Chúa lại cho biết là đức tin có nhiều phương diện và mỗi một phương diện như vậy phải có việc làm tương xứng cặp theo thì đức tin trong phương diện đó mới được kể là đức tin thật và mới dẫn đến phần thưởng là sự sống đời đời. Bởi lẽ đó mà khi nghiên cứu về đức tin thì chúng ta phải nghiên cứu một cách chi tiết đến từng phương diện một, chẳng hạn như tin rằng Chúa là Đấng Thực Hữu, tin rằng Chúa là Đấng Công Bình, tin rằng Chúa là Đấng Yêu Thương rồi từ đó chúng ta mới xem xét đến từng hành động một để biết việc làm nào, hành động nào là tương xứng với đức tin trong phương diện ấy, như lời của Chúa đã bày tỏ trong Gia-cơ 2: 17 mà tôi đã có trưng dẫn khi nãy. Tôi xin đọc lại câu Kinh thánh ấy một lần nữa để chúng ta có thể thấy được ý nghĩa một cách chi tiết hơn.

GIA-CƠ 2: 17 – Về đức tin, cũng một lẽ ấy, nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết.

Điều đó có nghĩa là khi Cơ-đốc-nhân tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương thì chúng ta cũng phải yêu như Chúa đã yêu, vì chúng ta là con cái Ngài và con cái thì phải giống với cha mẹ. Cũng một thể ấy, khi Cơ-đốc-nhân tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình thì chúng ta phải sống một đời xứng đáng theo tiêu chuẩn của Ngài thì mới được phần thưởng, bởi vì mỹ đức công bình của Chúa là thưởng phạt phân minh. Tương tự như vậy, khi Cơ-đốc-nhân tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng Thánh Khiết và ghét sự ô uế thì chúng ta cần phải tập tành sống một đời nên thánh ngay khi còn ở trong thế gian nầy để mai sau có thể sống với Chúa đời đời. Khi Cơ-đốc-nhân tin rằng Đức Chúa Trời sẽ là Quan án tối cao để đoán xét cả thế gian thì chúng ta phải giữ theo luật pháp của Ngài để không trở thành kẻ phạm luật pháp và bị kết án trong tương lai. Những hành động như vậy là việc làm sanh ra bởi đức tin trong từng phương diện một, chớ không thể nào hiểu chữ đức tin và việc một cách tổng quát hoặc chung chung được.

Chắc quý Hội thánh vẫn còn nhớ là mấy tuần trước thì chúng ta đã có suy gẫm đến điểm đầu tiên trong đức tin nơi Đức Chúa Trời, đó là phải tin rằng Ngài là Đấng Thực Hữu. Như điều mà tôi vừa đề cập đến khi nãy thì tin như vậy mới chỉ là bước đầu tiên của đức tin mà thôi. Chỉ khi nào Cơ-đốc-nhân có hành động cặp theo để bày tỏ lòng tin của mình rằng Đức Chúa Trời là Đấng có thật thì lúc bấy giờ đức tin như vậy mới được gọi là đức tin thật. Chúng ta thử đặt câu hỏi thế nầy thì sẽ làm cho vấn đề sáng tỏ hơn: Khi Cơ-đốc-nhân tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng Thực Hữu thì chúng là cần phải làm gì để bày tỏ đức tin ấy? Theo lời Kinh thh cho biết thì tất cả nhân loại đều sẽ sống lại hoặc là để nhận được sự sống đời đời hoặc là để chịu hình phạt đời đời, như lời Kinh thánh đã được chép trong Đa-ni-ên 12: 2.

ĐA-NI-ÊN 12: 2 – Nhiều kẻ ngủ trong bụi đất sẽ thức dậy, kẻ thì để được sự sống đời đời, kẻ thì để chịu sự xấu hổ nhơ nhuốc đời đời.

Sự sống lại như vậy có nghĩa là được gặp mặt Đức Chúa Trời để được phần thưởng hoặc là bị Ngài xét đoán. Nhưng đối với những người chưa tin hoặc không tin là có một Đức Chúa Trời thực hữu thì phản ứng tự nhiên của họ là không thèm để ý đến ngày ấy, hay nói một cách khác là họ không tin vào việc sẽ phải gặp Đức Chúa Trời. Nhưng đối với chúng ta là những người tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng Thực Hữu thì chúng ta cũng phải tin rằng một ngày nào đó trong tương lai thì chúng ta sẽ được diện kiến Chúa. Vì nếu Cơ-đốc-nhân nói rằng mình tin có Đức Chúa Trời mà lại không tin rằng sẽ có ngày được gặp mặt Chúa thì điều đó là cả một sự mâu thuẫn vô cùng. Bởi lẽ đó khi chúng ta nói rằng mình tin có Đức Chúa Trời và tin rằng Ngài là Đấng Hằng Hữu thì đức tin đó phải bày tỏ ra bằng hành động là mỗi một chúng ta phải chuẩn bị cho ngày được gặp mặt Chúa. Sự được diện kiến Chúa là điều mà Đức Chúa Trời đã nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa và đã có ghi trong sách tiên tri A-mốt 4: 12.

A-MỐT 4: 12 – Hỡi Y-sơ-ra-ên, vậy nên ta sẽ đãi ngươi dường ấy. Hỡi Y-sơ-ra-ên, vì ta sẽ đãi ngươi dường ấy, nên ngươi khá sửa soạn mà gặp Đức Chúa Trời ngươi.

Khi người Y-sơ-ra-ên sẽ gặp mặt Đức Chúa Trời vì là tuyển dân của Ngài thì tất cả Cơ-đốc-nhân chắc chắn cũng sẽ gặp Chúa vì trong đức tin chúng ta là con cái Ngài. Vì vậy sự chuẩn bị cho ngày quan trọng đó là việc làm của đức tin trong phương diện nầy, tức là tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng có thật. Bởi thế cho nên Cơ-đốc-nhân nào biết chuẩn bị cho ngày ấy thì đức tin của người đó là đức tin thật, vì có hành động tương xứng cặp theo. Còn Cơ-đốc-nhân nào không chịu chuẩn bị cho ngày ấy thì đức tin của người đó chưa được kể là đức tin thật.

Khi nghe đến đây thì chắc có người sẽ phản đối để nói là họ chỉ cần có đức tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng có thật, còn việc sẽ như thế nào để gặp Ngài thì không cần thiết. Tôi đã từng nghe một số người bày tỏ quan điểm của họ như vậy. Họ cho rằng khi sống trong trần gian thế nào thì họ cũng sẽ ra mắt Đức Chúa Trời thế ấy, cứ như là Đức Chúa Trời phải chấp nhận con người của họ, còn ý muốn của Chúa thế nào thì họ không cần quan tâm. Họ nói với tôi thế nầy: Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương, Ngài là Đấng đã chấp nhận họ lúc mới tin Chúa thì trong tương lai họ cũng sẽ ra mắt Chúa như vậy. Khi nghe những lời nói đó thì quý Hội thánh nghĩ thế nào?

Trước khi trưng dẫn Kinh thánh để cho quý Hội thánh có thể thấy rằng việc chuẩn bị đời sống mình cho ngày được gặp mặt Chúa là cần thiết và rất quan trọng thì tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy nghĩ đến những thực tế của đời sống một chút để từ đó chúng ta có thể so sánh với việc được diện kiến Đức Chúa Trời. Tất cả chúng ta đều biết rằng vào những ngày đầu năm mới thì khi các con các cháu về thăm ông bà cha mẹ thì đều phải ăn mặc cho tươm tất để tỏ lòng kính trọng các bậc sinh thành và cũng để làm cho ông bà cha mẹ được vui. Đây là điều mà tất cả chúng ta đều có thể hiểu được. Bởi vì vào ngày đầu năm mới mà ông bà cha mẹ thấy con cháu về thăm mình mà mặc quần áo lôi thôi, đầu tóc không chãi gỡ thì một là vì nó không xem ngày đó là quan trọng cho nên nó thấy không cần phải quan tâm đến cách ăn mặc. Hai là nó buồn bã hay bực mình về một chuyện nào đó cho nên việc gặp ông bà cha mẹ vẫn không làm cho nó vui. Ba là nó nghèo thiếu thất bại trong cuộc đời cho nên nó rách rưới, tả tơi, lôi thôi như vậy. Nghe đến đây thì có thể có người sẽ góp ý rằng việc gặp ông ba cha mẹ vào ngày đầu năm là quan trọng ở tấm lòng thành bên trong chớ đâu cần phải có quần áo chãi chuốt ở bên ngoài. Nếu nói như vậy thì lời đó mới đúng chỉ có nữa sự thật mà thôi, bởi vì lòng thành là cần thiết nhưng bộ dạng bên ngoài cũng là cách bày tỏ lòng thành tâm ở bên trong, bởi lẽ đó mà người xưa mới có câu Đói cho sạch rách cho thơm, ý muốn nói rằng bộ dạng bên ngoài là một trong những cách bày tỏ lòng tôn trọng đối với chính mình và đối với người chung quanh. Vì vậy mà việc ăn mặc tươm tất để về gặp ông bà cha mẹ vào ngày đầu năm là cách bày tỏ lòng thành một cách đầy đủ nhất, tức là sự thành tâm cả bên trong và bên ngoài.

Có lẽ khi nói đến đây thì có người sẽ trưng dẫn câu chuyện người con trai hoang đàng trở về gặp lại cha để biện minh rằng ăn mặc lôi thôi, rách rưới như người con trai ấy thì vẫn được cha chấp nhận chớ có bị trách móc gì đâu. Nhưng xin thưa với quý Hội thánh là câu chuyện người con trai hoang đàng về gặp lại cha là thí dụ được áp dụng cho Cơ-đốc-nhân trong ngày mới tin Chúa, tức là khi từ bỏ quá khứ tội lỗi để về làm hòa lại với Đức Chúa Trời. Trong thời điểm đó thì Đức Chúa Trời chấp nhận mọi người. Lúc đó thì Ngài chỉ xét tấm lòng mà thôi chớ không phải là bộ dạng hoặc y phục bên ngoài. Còn ngày được diện kiến Đức Chúa Trời thì lại hoàn toàn khác, bởi vì lúc đó thì chúng ta đều đã từng là Cơ-đốc-nhân lâu năm trên đất rồi cho nên không thể không chuẩn bị cả bên trong lẫn bên ngoài.

Chắc là khi nghe đến đây thì sẽ có quý anh chị em càng ngạc nhiên hơn nữa mà hỏi rằng: Lúc được diện kiến Đức Chúa Trời thì chúng ta đâu có gặp Ngài bằng thân thể nầy thì tại sao tôi lại đề cập đến việc chuẩn bị bộ dạng bên ngoài lẫn bên trong. Vì có lẽ có những thắc mắc như vậy nên tôi xin được thưa rằng những thí dụ trên chỉ là hình bóng về sự chuẩn bị để gặp Chúa mà thôi. Dầu vậy thì tôi sẽ trình bày chi tiết hơn nữa để quý Hội thánh có thể thấy được mối liên hệ giữa hai phương diện thuộc linh và thuộc thể, tức là sự chuẩn bị bên trong và bên ngoài là như thế nào.

Trong vấn đề chuẩn bị để gặp Đức Chúa Trời thực hữu trong tương lai thì Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải chuẩn bị theo từng mỹ đức của Chúa chớ không thể nào nói một cách chung chung được. Đó là điều mà chúng ta đã cùng suy gẫm qua khi nãy, tức là đức tin trong phương diện nào thì phải có việc làm tương xứng với phương diện ấy. Bởi lẽ đó mà khi nghiên cứu về đức tin thì chúng ta phải suy gẫm từng phương diện một của đức tin để từ đó mới có thể thấy được là việc làm nào là tương xứng nhất. Vì vậy sau khi đã biết là khi một người nói rằng mình có đức tin nơi Đức Chúa Trời thì người đó trước hết phải tin rằng Ngài là Đấng Thực Hữu. Kế đến thì người ấy phải tin vào quyền năng của Chúa cùng với tất cả các mỹ đức của Ngài mà Kinh thánh đã có đề cập đến. Bởi vì nếu tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng có thật mà lại không tin vào quyền năng của Ngài là Đấng làm được mọi điều thì đức tin đó chưa được đầy đủ và cũng chẳng mang lại ích lợi gì cả.

Lời của Chúa cho biết rằng Ngài là Đấng toàn năng, tức là Đấng làm được mọi sự và không có điều nào là khó quá cho Ngài, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong Giê-rê-mi 32: 27.

GIÊ-RÊ-MI 32: 27 – Nầy, ta là Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của mọi xác thịt. Có sự gì khó quá cho ta chăng?

Đây là lời mà Đức Chúa Trời đã phán và đã được tiên tri Giê-rê-mi ghi lại. Chính ông cũng là người có đức tin như thế về Đức Chúa Trời như đã có chép trong Giê-rê-mi 32: 17.

GIÊ-RÊ-MI 32: 17 – Ôi! Hỡi Chúa Giê-hô-va! Chính Ngài đã dùng quyền phép lớn và cánh tay giơ ra mà làm nên trời và đất. Chẳng có sự gì là khó quá cho Ngài cả.

Sau khi đọc qua hai câu Kinh thánh nầy thì Cơ-đốc-nhân chúng ta phải tự hỏi chính mình là sau khi đã tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng thực hữu thì chúng ta có tin rằng Ngài là Đấng toàn năng hay không? Và khi chúng ta đã tin Ngài là Đấng làm được mọi điều thì chúng ta có tin rằng Ngài sẽ giúp cho chúng ta chuẩn bị một cách đầy đủ cho ngày được diện kiến Chúa hay không? Nếu nói không thì đức tin của chúng ta về quyền năng của Chúa đâu phải là đức tin thật. Nhưng nếu nói có thì tại sao có nhiều Cơ-đốc-nhân lại nghĩ rằng việc chuẩn bị gặp Chúa là khó quá và cứ lo lắng mãi hoặc thậm chí cố tránh để không nghĩ không nghe không nói đến vấn đề ấy?

Trước đây thì tôi cũng đã từng có lần đề cập đến vấn đề nầy cho một số anh chị em, nhưng nhiều người trong số họ lại nghĩ rằng tôi làm cho việc theo Chúa trở nên khó quá và từ đó sẽ làm cho nhiều người nản lòng. Vậy thì đức tin của họ nơi một Đức Chúa Trời toàn năng và là Đấng hay giúp đỡ cho con cái Ngài thì ở đâu?

Đối với quý Hội thánh sáng hôm nay thì có ai trong chúng ta suy nghĩ cách như vậy hay không, tức là thấy việc chuẩn bị để gặp Chúa là khó quá và không muốn nghĩ đến vấn đề ấy? Tất cả chúng ta ở đây đều tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng Thực Hữu và tin rằng trong tương lai chúng ta đều sẽ gặp được Ngài, vậy thì chúng ta phải chuẩn bị cho ngày ấy. Tôi xin nói một cách vui vui rằng đi dự đám cưới của người ta mà chúng ta đây còn chuẩn bị nữa, huống chi là ngày được dự tiệc cưới của Chiên Con và được diện kiến Đức Chúa Trời mặt đối mặt. Đối với ngày trọng đại và vinh hiển như vậy mà chẳng lẽ Cơ-đốc-nhân chúng ta không hề chuẩn bị gì hết hay sao? Nếu không chuẩn bị gì hết thì đức tin của chúng ta đâu có việc làm cặp theo. Mà nếu không có việc làm tương xứng cặp theo thì lời của Chúa cho biết đó là đức tin chết, chẳng giúp gì được cho Cơ-đốc-nhân trong phương diện thuộc linh. Thế thì việc theo Chúa của chúng ta trong bao nhiêu năm trở nên vô ích hay sao?

Như vậy đến đây thì chúng ta đã có thể thấy rằng đức tin trong phương diện nào thì đều phải có việc làm tương xứng với đức tin trong phương diện ấy. Đó là một trong những ý nghĩa quan trọng của đức tin thật. Và từ đó chúng ta cũng thấy rằng khi có đức tin thật trong phương diện nầy thì sẽ dẫn đến đức tin thật trong phương diện khác, như lời của Chúa đã có đề cập đến trong Rô-ma 1: 17.

RÔ-MA 1: 17 – Vì trong Tin lành nầy có bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin.

Lời của Chúa trong câu gốc nầy cho thấy là có nhiều phương diện để bày tỏ đức tin, cho nên Kinh thánh mới dùng chữ BỞI ĐỨC TIN LẠI DẪN ĐẾN ĐỨC TIN NỮA, chẳng hạn như sau khi đã tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng Thực Hữu thì chúng ta cũng phải tin rằng Ngài là Đấng Toàn Năng và từ đó tin rằng Ngài sẽ giúp chúng ta làm được mọi điều, nhất là trong việc chuẩn bị thật đầy đủ và xứng đáng cho ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm, như lời khích lệ đã được Phao-lô ghi lại trong Ê-phê-sô 6: 10.

Ê-PHÊ-SÔ 5: 10 – Vả lại, anh em phải làm mạnh dạn trong Chúa, nhờ sức toàn năng của Ngài.

Chính Phao-lô là người đã kinh nghiệm được sự giúp sức của Chúa nhờ vào đức tin thật mà ông đã có nơi Ngài, như lời làm chứng của ông đã được ghi lại trong Phi-líp 4: 13.

PHI-LÍP 4: 13 – Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.

Đức tin như vậy là đức tin thật nơi sự toàn năng của Đức Chúa Trời. Bởi thế cho nên khi Cơ-đốc-nhân nào còn nghĩ rằng theo Chúa là khó quá hoặc chuẩn bị cho ngày được gặp Chúa là một nan đề mà mình không thể vượt qua thì đức tin của người đó cần phải được bổ sung và tăng trưởng thêm. Biết được đức tin của chính mình ở mức độ nào là điều rất tốt, vì điều đó sẽ thức tỉnh chúng ta và giúp chúng ta biết học hỏi, nghiên cứu, tin cậy nơi Đức Chúa Trời nhiều hơn. Vì vậy mà tôi thật lòng tin rằng khi chúng ta biết suy gẫm Kinh thánh một cách cẩn thận và chi tiết thì đức tin của chúng ta sẽ được giúp đỡ nhiều và chính mình sẽ trưởng thành càng hơn ở trong Chúa. Ấy là Đức Chúa Jêsus đã cho biết rằng khi chúng ta có lời của Ngài trong tấm lòng thì tức là chúng ta có Đức Chúa Trời và hễ lời của Ngài càng đầy dẫy trong chúng ta bao nhiêu thì sự ở cùng của Chúa cũng đầy dẫy bấy nhiêu, như lời Ngài đã được chép trong Giăng 15: 4, 5 và câu thứ 7.

GIĂNG 15: 4-5, 7 – Hãy cứ ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong ta, thì cũng không kết quả được. Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong ta và ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được… Ví bằng các ngươi cứ ở trong ta, và những lời ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều mình muốn, thì sẽ được điều đó.

Đối với đức tin thì sự kết quả mà Đức Chúa Jêsus đã đề cập đến trong các câu Kinh thánh nầy là những việc làm tương xứng với các phương diện của đức tin thật. Sự kết quả như vậy có được là do có lời Đức Chúa Trời ở trong chúng ta, tức là có sự hiện diện của Chúa trong đời sống mình và Ngài sẽ giúp cho chúng ta chuẩn bị cho ngày được gặp Chúa một cách đầy đủ trọn vẹn khi chúng ta biết cầu xin Ngài giúp đỡ cho.

Thế thì để tóm tắt lại cho quý Hội thánh dễ nhớ thì bước thứ 3 trong tiến trình theo Chúa là phải có đức tin nơi Đức Chúa Trời. Điểm đầu tiên của đức tin là phải tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng thực hữu. Để cho đức tin ấy được kể là đức tin thật thì phải có hành động tương xứng cặp theo, tức là biết chuẩn bị cho ngày được diện kiến Chúa. Kế tiếp theo, từ việc tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng thực hữu thì chúng ta cũng phải tin rằng Ngài là Đấng toàn năng. Việc làm tương xứng với đức tin ấy là vui vẻ và sốt sắng tập tành vâng giữ mọi điều mà Đức Chúa Trời có dạy dỗ trong Kinh thánh vì tin rằng chính Đấng toàn năng sẽ giúp sức cho chúng ta sống được như vậy một cách thành công suốt cả đời. Việc làm tương xứng với đức tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng toàn năng thì còn thể hiện trong nhiều khía cạnh khác nữa mà tôi sẽ lần lượt trình bày với quý Hội thánh trong những lần tới. Như điều mà tôi đã có thưa trình cùng với quý Hội thánh nhiều lần thì việc suy gẫm Kinh thánh của chúng ta là rất chi tiết và Cơ-đốc-nhân có cả một cõi đời đời để học hỏi lời của Chúa, vì thế mà chúng ta cứ kiên trì trong cố gắng nầy luôn luôn thì chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ thêm sức và ban thưởng cho để khích lệ tấm lòng của chúng ta đối với lời của Ngài.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục ban phước dư dật luôn trên con dân Chúa tùy theo mức độ chuyên chú của mỗi người đối với sự dạy dỗ của Ngài trong Kinh thánh. Cầu xin Đức Chúa Trời dẫn dắt Cơ-đốc-nhân vào mọi lẽ thật trong lời của Ngài để cho chúng ta tăng cường thêm sự hiểu biết trong Chúa và trưởng thành càng hơn trong đức tin. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh giúp cho đức tin của chúng ta sanh ra những việc làm đúng đắn và tương xứng trong từng phương diện một để từ đó có thể được chuẩn bị đầy đủ cho ngày dự tiệc cưới Chiên Con trong tương lai. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *