THÁNH KINH ĐỀ MỤC / CHUẨN BỊ CHO NGÀY ĐƯỢC DIỆN KIẾN CHÚA

CHUẨN BỊ CHO NGÀY ĐƯỢC DIỆN KIẾN CHÚA

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 22: 1-14

Câu gốc: MA-THI-Ơ 22: 11-12 – Vua vào xem khách dự tiệc, chợt thấy một người không mặc áo lễ, thì phán cùng người rằng: Hỡi bạn, sao ngươi vào đây mà không mặc áo lễ? Người đó làm thinh.

Như điều mà chúng ta đã học qua, là sau khi đã có đức tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng thực hữu thì việc làm được sanh ra bởi đức tin ấy là phải chuẩn bị để gặp mặt Đức Chúa Trời. Theo lời của Chúa trong Gia-cơ 1: 7 mà chúng đã cùng suy gẫm qua thì đức tin mà không sanh ra việc làm tương xứng cặp theo thì đức tin ấy là đức tin chết và chẳng giúp ích gì được cho Cơ-đốc-nhân trong việc nhận được sự sống đời đời cũng như không thể nhận được ơn phước của Chúa trong cuộc đời nầy. Lời của Chúa trong Gia-cơ đoạn 2 cũng cho biết thêm là chính ma quỉ cũng tin rằng có Đức Chúa Trời và run sợ, nhưng mặc dầu nó tin như vậy nhưng vì nó không có việc làm tương xứng với niềm tin ấy cho nên nó vẫn là ma quỉ và vẫn phải chịu sự hình phạt đời đời trong tương lai. Niềm tin của ma quỉ về Đức Chúa Trời đã đợc ghi lại trong Gia-cơ 2: 19.

GIA-CƠ 2: 19 – Ngươi tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, ngươi tin phải; ma quỉ cũng tin như vậy và run sợ.

Bởi lẽ đó mà nếu Cơ-đốc-nhân nào dẫu có đức tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng thực hữu mà lại không có việc làm tương xứng cặp theo thì đức tin ấy cũng vô ích, và theo như lời Kinh thánh cho biết thì đức tin ấy rồi cũng sẽ tàn lụi theo thời gian sau khi gặp những khó khăn hoạn nạn trong đời sống thường nhật và khi gặp những cám dỗ lôi kéo của ma quỉ. Vì vậy mà tất cá Cơ-đốc-nhân chúng ta sau khi đã có đức tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng thực hữu thì chúng ta cũng phải có việc làm thương xứng cặp theo để cho đức tin ấy có thể trở thành đức tin sống động và bền vững theo thời gian. Như chúng ta đã biết thì việc làm tương xứng với đức tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng thực hữu là việc chuẩn bị được gặp mặt Chúa trong tương lai.

Việc diện kiến Chúa là điều đương nhiên theo như sự giải bày trong lời của Chúa và chúng ta đã học qua điều nầy trong phần đầu của Chủ đề Đức Tin và Việc Làm. Hôm nay thì chúng ta sẽ đi vào chi tiết của chủ đề ấy để biết xem là chúng ta phải chuẩn bị như thế nào cho thật xứng đáng. Tất cả Cơ-đốc-nhân chúng ta đều đã biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng cao cả, sự vinh hiển của Ngài là không có gì so sánh được và Ngài được gọi là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa nên việc chuẩn bị được diện kiến Ngài phải là trọng tâm của cuộc đời chúng ta.

Chúng ta thử tưởng tượng đến việc chính mình được gặp mặt với một người nào đó thật là quan trọng trong cuộc đời nầy thì sẽ biết được việc mình phải chuẩn bị ra sao để được diện kiến với Chúa. Vì nếu việc được gặp mặt một vị nguyên thủ quốc gia hoặc một vị vua nào đó trong trần gian nầy mà còn là một vấn đề quan trọng thì việc được diện kiến với Đức Chúa Trời còn quan trọng gấp trăm triệu lần hơn. Nếu Cơ-đốc-nhân nào không thấy việc được diện kiến Chúa là quan trọng thì đức tin của người ấy chưa phải là đức tin thật, vì chưa nhận thức được sự vĩ đại cao cả của Ngài. Có thể là trong vòng chúng ta có nhiều người chưa từng có lần nào trong đời được gặp những nhân vật có tiếng tăm hoặc thế lực trong trần gian nầy, hoặc có thể là chưa từng bao giờ được dự những buổi tiếp kiến các vị vua hoặc nữ hoàng trên thế giới, cũng chưa bao giờ được mời đến gặp các vị nguyên thủ quốc gia, cho nên có lẽ chúng ta nên dùng việc chuẩn bị đi ăn đám cưới của một người nào đó để làm thí dụ minh họa cho việc được diện kiến Đức Chúa Trời trong tương lai.

Theo như lời Kinh thánh cho biết thì khi Đức Chúa Jêsus tái lâm thì những Cơ-đốc-nhân có đức tin thật, tức là đức tin sống động nhờ có việc làm tương xứng cặp theo, sẽ được diện kiến với Đấng Christ và được dự tiệc cưới của Ngài, được gọi là tiệc cưới Chiên Con, tức là sự kết hiệp giữa Đấng Christ và Hội của những người biết biệt riêng mình ra thánh cho Ngài, như lời của Chúa đã cho biết và đã được ghi lại trong Khải huyền 19: 6-9.

KHẢI HUYỀN 19: 6-9 – Đoạn, tôi lại nghe có tiếng như một đám đông vô số người, khác nào tiếng nước lớn hoặc như tiếng sấm dữ, mà rằng: Ha-lê-lu-gia! Vì Chúa là Đức Chúa Trời chúng ta, là Đấng Toàn năng, đã cầm quyền cai trị. Chúng ta hãy hớn hở vui mừng, tôn vinh Ngài, vì lễ cưới Chiên Con đã tới, và vợ Ngài đã sửa soạn, đã cho người được mặc áo sáng láng tinh sạch bằng vải gai mịn (vải gai mịn tức là công việc công bình của các thánh đồ). Thiên sứ phán cùng tôi rằng: Hãy chép: Phước thay cho những kẻ được mời đến dự tiệc cưới Chiên Con! Người lại tiếp rằng: Đó là những lời chân thật của Đức Chúa Trời.

Việc được dự tiệc cưới Chiên Con là cơ hội đầu tiên mà Cơ-đốc-nhân được nhìn thấy Đức Chúa Jêsus mặt đối mặt. Ngài cũng chính là Đức Chúa Trời, vì vậy mà cơ hội trong ngày ấy là vinh dự lớn lao bậc nhất dành cho những người được cứu. Đó cũng là ngày hớn hở vui mừng nhất của chúng ta vì không những được dự tiệc cưới của Đấng Christ và Hội thánh của Ngài mà sau đó còn được sống với Chúa đời đời trong sự vinh hiển. Nếu đặc ân vĩ đại ấy vẫn không đủ để cho Cơ-đốc-nhân tập trung cả tấm lòng và tâm trí để chuẩn bị cho ngày được gặp mặt Chúa thì không biết là còn điều gì nữa mới có thể làm cho Cơ-đốc-nhân chịu chuẩn bị. Bởi lẽ đó mà lời của Chúa mới cho biết rằng nhờ bởi có việc làm tương xứng cặp theo mà đức tin của con dân Chúa mới được kể là đức tin thật, bằng không thì đức tin đó chỉ là đức tin nói suông bằng lời mà thôi, không phải là đức tin thật. Khi chúng ta dùng định nghĩa về đức tin trong Hê-bơ-rơ 11: 1 để xác định mức độ đức tin của chính mình thì chúng ta sẽ thấy được vấn đề rõ ràng hơn. Tôi xin đọc lại định nghĩa ấy một lần nữa mặc dầu tất cả chúng ta ở đây đều đã thuộc lòng rồi.

HÊ-BƠ-RƠ 11: 1 – Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đang trông mong, là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.

Như vậy, theo như định nghĩa trong câu gốc nầy thì chúng ta có thể thấy rằng nếu Cơ-đốc-nhân nào không có lòng trông mong cho ngày được diện kiến Đức Chúa Trời thì người có chưa có một đức tin đầy đủ, hoặc đức tin ấy chưa phải là đức tin thật. Thêm vào đó nữa thì việc hết lòng chuẩn bị cho ngày được diện kiến Chúa chính là hành động bày tỏ ra rằng chúng ta biết chắc rằng ngày ấy sẽ xãy ra và đã chuẩn bị đầy đủ để được tự tin một cách vững vàng mà ra mắt Chúa trong ngày đó. Như vậy thì đến đây quý Hội thánh đã có thể hiểu được rằng việc chuẩn bị để được diện kiến Chúa là việc làm tương xứng được sanh ra bởi đức tin thật, là tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng thực hữu.

Bây giờ thì chúng ta mới thật sự nói đến việc chuẩn bị cho ngày ấy như thế nào. Kinh thánh gọi ngày được diện kiến Chúa là ngày dự tiệc cưới Chiên Con thì chúng ta cũng dùng lời ấy để chuẩn bị chính mình cho thật xứng đáng để ra mắt Chúa. Trong phần Kinh thánh nền tảng sáng hôm nay của chúng ta thì quý Hội thánh đã nghe đọc về câu chuyện mà Đức Chúa Jêsus đã thí dụ về tiệc cưới. Chúng ta sẽ dựa theo thí dụ ấy để học biết về những điều mà Cơ-đốc-nhân cần phải thực hiện để chuẩn bị cho ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm.

Thứ nhất, trong thí dụ của Đức Chúa Jêsus thì Ngài có cho biết về việc có một vị vua gởi thiệp mời khách đến dự tiệc cưới của con mình. Vị vua ấy là hình ảnh của Đức Chúa Trời thương yêu đã dùng các đấng tiên tri và chính Đâng Christ để mời gọi con người đến trong tiệc cưới của Chiên Con trong tương lai. Dầu vậy thì có người nhận lời, có người không. Chúng ta cảm tạ ơn Chúa vì bởi sự cảm động của Đức-Thánh-Linh mà chúng ta đã nhận lời và trở nên những người đang chuẩn bị cho ngày vinh hiển vui mừng ấy. Nói như vậy thì không có nghĩa là tất cả các Cơ-đốc-nhân đều có tấm lòng hết sức chuẩn bị cho ngày dự tiệc cưới Chiên Con. Trong thực tế thì chúng ta thấy rằng có nhiều anh chị em vẫn còn lơ là với ngày ấy lắm mà chỉ chuyên chú vào việc có được gì trong trần gian nầy mà thôi. Ngay cả khi Đức Chúa Trời cho phép những tai ương, hoạn nạn xãy ra, chẳng hạn như cơn bệnh dịch hiện nay để cho Cơ-đốc-nhân có thể biết trông mong cho ngày được dự tiệc cưới Chiên Con mà nhiều người còn chưa chịu nghĩ đến ngày ấy nữa, huống chi là lúc bình an thới thạnh thì làm sao mà nhớ đến ngày đó được. Vì vậy mà số người mãng lo công việc thường ngày không muốn đến dự tiệc cưới của Chiên Con không phải chỉ có người ngoại và những người không tin, mà trong số đó có cả Cơ-đốc-nhân nữa, tức là những người nói rằng mình tin Chúa mà cho đến ngày nay thì vẫn chưa chịu chuẩn bị gì cho ngày Chúa trở lại. Chúng ta thử suy nghĩ mà xem, trong cộng đồng Cơ-đốc-nhân thì có bao nhiêu người thật sự nghĩ về ngày ấy? Nếu nói về việc cần phải chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại thì lại càng ít hơn nữa. Việc chuẩn bị cho ngày được gặp mặt Chúa không phải là đề tài chỉ cần nghe một lần mà thôi, nhưng mà phải được dùng để nhắc nhở nhau thường xuyên, nhất là trong những dịp cùng nhau nhóm lại thờ phượng Chúa, như lời Kinh thánh đã có đề cập đến trong Hê-bơ-rơ 10: 25.

HÊ-BƠ-RƠ 10: 25 – Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.

Theo như lời Kinh thánh trong câu gốc nầy cho biết thì sự nhóm lại của con dân Chúa là để nhắc nhở nhau về ngày được diện kiến Đức Chúa Jêsus Christ trong tiệc cưới Chiên Con, là ngày nhóm lại vinh hiển nhất trong cả cuộc đời chúng ta, vì được thấy dung mạo của Đấng Christ và của Đức Chúa Trời mặt đối mặt. Trông mong cho mau được thấy ngày ấy và được dự tiệc cưới Chiên Con phải là trọng tâm của đức tin chúng ta, phải là trọng tâm của cuộc đời chúng ta, phải là trọng tâm của sự nhóm lại của con dân Chúa mỗi một ngày Chúa nhật, chớ không phải là nhóm lại để tìm xem mình sẽ được gì trong thế gian. Những điều trong thế gian nầy chỉ là những điều nhỏ mọn nếu so với ngày được gặp mặt Đấng Christ. Những ơn phước trong đời nầy mặc dầu cần thiết nhưng cũng chỉ là tạm thời mà thôi nếu so với sự đời đời mà chúng ta được hưởng trong ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm. Chính bởi lẽ đó mà Đức Chúa Trời đã cho phép hoạn nạn, đau buồn, tật bệnh xãy ra để Cơ-đốc-nhân chúng ta có thể thấy rằng đời sống nầy là ngắn ngủi, tạm bợ mà cõi đời đời trong tương lai mới là hạnh phúc vui mừng mãi mãi. Dầu vậy thì trong vòng Cơ-đốc-nhân vẫn còn có nhiều anh chị em vẫn chưa thức giấc khỏi cơn mơ trong thế gian nầy. Nhưng đó vẫn là chuyện của những người không muốn dự tiệc cưới và đề tài ấy thì chúng ta cũng sẽ có lúc nhắc lại để thức tỉnh nhau, nhưng sáng hôm nay thì chúng ta đang suy gẫm về việc cần phải chuẩn bị như thế nào cho ngày được dự tiệc cưới Chiên Con.

Điểm thứ hai mà chúng ta để ý đến trong phần phần Kinh thánh nền tảng sáng hôm nay là lời của Chúa có nhắc đến việc những người đến dự tiệc cưới phải mặc áo lễ, như đã được chép trong Ma-thi-ơ 22: 11 và 12.

MA-THI-Ơ 22: 11-12 – Vua vào xem khách dự tiệc, chợt thấy một người không mặc áo lễ, thì phán cùng người rằng: Hỡi bạn, sao ngươi vào đây mà không mặc áo lễ? Người đó làm thinh.

Việc mặc áo lễ là một yêu cầu cần thiết để dự tiệc cưới, bởi vì trong các câu Kinh thánh sau đó thì chúng ta thấy rằng vua đã ra lệnh ném người không mặc áo lễ ra bên ngoài. Điều đó có nghĩa rằng dẫu có muốn đến dự tiệc cưới của Chiên Con nhưng lại thiếu chuẩn bị một cách xứng đáng thì cũng không được chấp nhận. Bởi lẽ đó mà tôi đã có thưa trình cùng với quý Hội thánh là nếu chúng ta không biết chuẩn bị một cách cẩn thận theo yêu cầu của Đức Chúa Trời thì sẽ không được chấp nhận và không được gặp Đức Chúa Jêsus trong ngày Chúa tái lâm.

Chữ áo lễ trong phần Kinh thánh nầy có ý muốn nói về một cái áo khác biệt hẳn so với áo mặc hàng ngày. Chúng ta thấy trong thực tế là đa số những người đi dự tiệc cưới trong trần gian nầy đều mặc đồ đẹp hoặc đồ mới, chớ ít có ai mặc bộ quần áo đi làm đi học hàng ngày mà đến dự tiệc cưới của người ta. Vì nếu ăn mặc như vậy tức là khinh dễ chủ tiệc cưới mà cũng tự miệt khinh chính mình nữa. Không ai có tâm lý bình thường mà lại làm như vậy bao giờ. Bởi lẽ đó mà nhiều người khi đưọc mời dự tiệc cưới thì họ liền đi mua quần áo mới để vừa tỏ lòng tôn trọng đối với những người đã mời mình mà đồng thời cũng muốn bày tỏ lòng tự trọng của cá nhân nữa. Đối với tiệc cưới của Chiên Con thì cũng tương tự như vậy. Chúng ta là những người đã được Đức Chúa Trời nhân từ mời gọi đến dự tiệc cưới của Đấng Christ trong ngày Chúa tái lâm thì chúng ta phải thay đổi chính mình cả bề trong lẫn bề ngoài để bày tỏ lòng tôn trọng Chúa và cũng để chứng tỏ với lòng nhân từ của Chúa rằng chúng ta xứng đáng được Ngài thương xót.

Theo lời Kinh thánh cho biết thì sau khi tin nhận Chúa thì mỗi Cơ-đốc-nhân được ban cho chiếc áo công nghĩa của Đức Chúa Jêsus mà Ngài đã chuộc mua bằng chính huyết báu của Ngài trên thập tự giá. Việc Cơ-đốc-nhân được ban cho áo như vậy là vì lòng nhân từ của Chúa mà cũng vì chúng ta đã quyết định từ bỏ quá khứ tội lỗi để từ đó bước theo Chúa trên con đường công bình của sự sống. Việc quyết định từ bỏ quá khứ để theo Chúa là hành động của sự đắc thắng, tức là thắng hơn khuynh hướng muốn phạm tội, muốn chìu theo tư dục của bản ngã, muốn thỏa mãn ý riêng. Quyết định như vậy không phải là dễ làm, bởi vậy mà số người tin Chúa không phải là nhiều so với tổng dân số của cả thế giới. Dầu vậy thì quyết định của ngày tin nhận Chúa vẫn là quyết định dễ dàng hơn so với việc đắc thắng các cơn cám dỗ sau khi đã trở thành Cơ-đốc-nhân. Bởi vì lúc từ lúc bấy giờ trở đi thì chúng ta đã trực tiếp trở thành kẻ thù của ma quỉ, cho nên nó hết sức cám dỗ chúng ta nhiều hơn là khi chúng ta còn là người chưa tin. Bởi lẽ đó mà sự đắc thắng của Cơ-đốc-nhân để có thể tiếp tục mặc chiếc áo công nghĩa của Chúa ban cho phải là sự đắc thắng liên tục, chớ không phải là chỉ đắc thắng một lần trong ngày tin nhận Chúa. Đó cũng là lý do mà khi Đức Chúa Jêsus đã chữa lành hoặc tha thứ cho một người nào đó rồi thì Ngài đều phán bảo người ấy là đừng phạm tội nữa, như trong trường hợp của người bại tại ao Bê-tết-đa và của người phụ nữ phạm tội tà dâm, mà đã có ghi lại trong các câu gốc sau đây:

GIĂNG 5: 14 – Sau lại, Đức Chúa Jêsus gặp người đó trong đền thờ, bèn phán rằng: Kìa, ngươi đã lành rồi, đừng phạm tội nữa, e có sự gì càng xấu xa xảy đến cho ngươi chăng.

GIĂNG 8: 10-11 – Đức Chúa Jêsus bấy giờ lại ngước lên, không thấy ai hết, chỉ có người đàn bà, bèn phán rằng: Hỡi mụ kia, những kẻ cáo ngươi ở đâu? Không ai định tội ngươi sao? Người thưa rằng: Lạy Chúa, không ai hết. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta cũng không định tội ngươi. Hãy đi, đừng phạm tội nữa.

Mạng lệnh đừng phạm tội nữa dành cho con dân Chúa đã được ghi trong suốt cả Kinh thánh để cho chúng ta thấy rằng khi một người đã được Đức Chúa Trời tha thứ trong danh của Đức Chúa Jêsus rồi thì người ấy không nên tiếp tục phạm tội nữa, hay nói một cách chính xác hơn là đừng cố tình phạm tội nữa hầu cho có thể giữ được chiếc áo công nghĩa của Chúa cứ tinh sạch trắng trẽo luôn luôn cho đến ngày được dự tiệc cưới Chiên Con. Sự đừng cố tình phạm tội sẽ giúp cho con dân Chúa được kể là người trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời, như lời khẳng định đã được chép trong Thi thiên 19: 13.

THI THIÊN 19: 13 – Xin Chúa giữ kẻ tôi tớ Chúa khỏi cố ý phạm tội. Nguyện tội ấy không cai trị tôi, thì tôi sẽ không chỗ trách được và không phạm tội trọng.

Các chữ KHÔNG CHỖ TRÁCH ĐƯỢC có nghĩa là trọn vẹn. Vì vậy mà khi Cơ-đốc-nhân biết giữ mình để không cố tình phạm tội thì chúng ta đã được kể là người trọn vẹn trước mặt Đức Chúa Trời, có nghĩa là đã chuẩn bị được phần bên trong đời sống mình cho ngày được gặp Đức Chúa Trời và được dự tiệc cưới Chiên Con. Sự không cố tình phạm tội thì tôi đã có trình bày với nhiều chi tiết hơn trong Chủ đề GƯƠNG ĂN NĂN CỦA ĐA-VÍT mà chúng ta đã có suy gẫm qua trước đây, nhưng để nhắc lại một chút thì chúng ta có thể nhớ rằng Đức Chúa Jêsus đã từng phán dạy là nếu một người mà trong tư tưởng có ý định phạm tội thì chỉ bởi điều đó thôi cũng bị kể là người có tội trong mắt Chúa, như lời phán của Ngài đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 5: 28.

MA-THI-Ơ 5: 28 – Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi.

Vì luật pháp của Chúa là như vậy cho nên Cơ-đốc-nhân phải cẩn thận trong tư tưởng của mình để có thể chuẩn bị con người bên trong của chúng ta cho được xứng đáng để dự tiệc cưới Chiên Con trong tương lai. Còn về chiếc áo công nghĩa trắng tinh mà Đức Chúa Jêsus đã ban cho chúng ta trong ngày tin nhận Chúa thì được xem là sự chuẩn bị bên ngoài cho ngày vinh hiển ấy. Bởi lẽ đó mà tôi mới trình bày cùng với quý Hội thánh trước đây là Cơ-đốc-nhân cần phải chuẩn bị cả bên trong lẫn bên ngoài để được diện kiến Đức Chúa Trời khi chúng ta có đức tin rằng Ngài là Đấng thực hữu. Khi nãy thì tôi cũng vừa trình bày cùng với quý Hội thánh rằng việc Cơ-đốc-nhân được ban cho chiếc áo công nghĩa của Đức Chúa Jêsus là vì lòng nhân từ của Chúa mà cũng vì sự đắc thắng của chúng ta nữa. Sự đắc thắng như vậy, tức là sự đắc thắng trong việc quyết định từ bỏ ý riêng để sống theo đường lối của Chúa không phải là chỉ trong ngày tin nhận Chúa mà thôi mà phải là liên tục suốt đời, nhất là thắng hơn các sự cám dỗ và tấn công của ma quỉ sau khi đã tin nhận Chúa. Bởi lẽ đó mà lời của Chúa mới cho biết là những người có sự đắc thắng một cách bền đỗ như vậy sẽ được mặc áo trắng luôn luôn mà sống với Chúa đời đời, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong Khải huyền 3: 5.

KHẢI HUYỀN 3: 5 – Kẻ nào thắng, sẽ được mặc áo trắng như vậy. Ta sẽ không xóa tên người khỏi sách Sự sống và sẽ nhận danh người trước mặt Cha ta cùng trước mặt các thiên sứ Ngài.

Trong câu gốc nầy thì các chữ TA SẼ NHẬN DANH NGƯỜI TRƯỚC MẶT CHA TA CÙNG TRƯỚC MẶT CÁC THIÊN SỨ NGÀI giúp cho chúng ta hình dung ra được việc Đức Chúa Jêsus nêu tên của chúng ta trong tiệc cưới Chiên Con, tức là tên trong danh sách của những người được mời. Được nghe tên của chính mình trong ngày ấy thì vinh dự biết bao, vui mừng biết bao, cảm động biết bao. Chính vì vậy mà Cơ-đốc-nhân chúng ta phải trông mong cho mau đến ngày ấy và trong thời gian hiện tại thì phải hết sức chuẩn bị chính mình cho ngày được diện kiến Chúa trong tiệc cưới Chiên Con.

Ngoài ra thì lời Kinh thánh cũng cho biết thêm là trong vòng Cơ-đốc-nhân có những người làm bẩn chiếc áo công nghĩa mà Đức Chúa Jêsus đã ban cho. Điều đó đã được bày tỏ ra trong lời của Chúa có ghi trong Khải huyền 3: 4.

KHẢI HUYỀN 3: 4 – Nhưng, ở Sạt-đe, ngươi còn có mấy người chưa làm ô uế áo xống mình. Những kẻ đó sẽ mặc áo trắng mà đi cùng ta, vì họ xứng đáng như vậy.

Khi lời của Chúa có đề cập đến những người chưa làm ô uế áo xống mình thì điều đó cũng có nghĩa là đã có những người đã làm ô uế chiếc áo công nghĩa mà Đức Chúa Jêsus đã ban cho trong ngày tin nhận Chúa. Trong câu gốc nầy thì lời của Chúa cho biết là chỉ có những người chưa làm ô uế chiếc áo ấy, tức là những người biết cẩn thận giữ chiếc áo ấy trắng trẽo luôn luôn thì những người đó mới xứng đáng đi cùng với Chúa suốt cả cõi đời đời. Như vậy thì quý Hội thánh đã có thể nhớ lại lẽ thật mà tôi đã có trình bày trước đây rằng sự công nghĩa mà Đức Chúa Jêsus ban cho một người trong ngày tin nhận Chúa không phải là để dung túng cho người ấy tiếp tục phạm tội sau đó, mà là để che đậy, hay nói một cách chính xác hơn, là để xóa bôi tội lỗi trong quá khứ và người ấy phải cố gắng sống một đời mẫu mực kể từ ngày tin nhận Chúa để có thể xứng đáng với Thiên đàng mai sau. Sự cố tình phạm tội sau ngày tin nhận Chúa là hành động làm bẩn, làm ô uế chiếc áo công nghĩa của Chúa và người nào làm như vậy sẽ hụt mất cơ hội được dự tiệc cưới Chiên Con và cũng không được diện kiến Đức Chúa Trời trong tương lai.

Đê có thấy được sự khác nhau giữa việc vô tình làm cho chiếc áo công nghĩa bị dơ bẩn và việc cố tình làm cho chiếc áo ấy bi ô uế thì tôi xin đưa ra một thí dụ như thế nầy: Khi chúng ta đi bộ trên đường thì có lúc bị những chiếc xe chạy ngang qua làm văng nước hay bùn đất lên người và làm dơ bẩn bộ đồ mà chúng ta đang mặc. Đó là trình trạng bất ngờ ngoài chủ ý của chúng ta, mà nhiều khi vì đường chật hoặc không thể nào né tránh cho nên chúng ta đành chịu như vậy, rồi sau đó về nhà giặt sạch sẽ bộ quần áo trở lại. Còn trường hợp cố ý là biết rằng chỗ đó dơ bẩn nhưng vẫn cố tình dẫm đạp, lăn xả vào để tự làm bẩn chính mình và quần áo đang mặc trên người. Sự cố tình như vậy không phải là tình cờ mà là bản chất riêng, như lời của Chúa đã có mô tả trong 2Phi-e-rơ 2: 22.

2PHI-E-RƠ 2: 22 – Đã xảy đến cho chúng nó như lời tục ngữ rằng: Chó liếm lại đồ nó đã mửa, heo đã rửa sạch rồi, lại lăn lóc trong vũng bùn.

Những lời nầy là nặng nề lắm đối với văn hóa Việt Nam, nhưng vì là lời Kinh thánh nên tôi đành xin được trưng dẫn, bởi vì những lời ấy đã được sứ đồ Phi-e-rơ sử dụng để mô tả những người đã tin Chúa rồi, tức là những người đã nhận lãnh chiếc áo công nghĩa của Đức Chúa Jêsus, nhưng sau đó lại trở lui để tiếp tục đi theo con đường của người thế gian và làm bẩn chiếc áo của Chúa, tức là không những xem thường công lao cứu chuộc và dòng huyết báu của Chúa mà còn xem thường cả ngày được diện kiến Đức Chúa Trời nữa. Những người như vậy đã được Phi-e-rơ mô tả trong thư tín của ông, tức là trong 2Phi-e-rơ 2: 20-21.

2PHI-E-RƠ 2: 20-21 – Vả, chúng nó bởi sự nhận biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ, mà đã thoát khỏi sự ô uế của thế gian, rồi lại mắc phải và suy phục những sự đó, thì số phận sau cùng của chúng nó trở xấu hơn lúc đầu. Chúng nó đã biết đường công bình, rồi lại lui đi về lời răn thánh đã truyền cho mình, thế thì thà rằng không biết là hơn.

Lời của Chúa phán nặng nề như vậy bởi vì việc làm dơ bẩn chiếc áo công nghĩa của Đức Chúa Jêsus ban cho không phải là chuyện nhỏ. Việc làm đó không những phụ tấm lòng của Chúa mà nó còn có ảnh hưởng đến sự sống đời đời trong tương lai nữa. Vì vậy mà quý Hội thánh phải cẩn thận khi nghe tín lý rằng hễ tin Chúa thì được cứu còn sống thế nào thì cũng được. Lời của Chúa trong Kinh thánh không hề dạy dỗ như vậy đâu. Tất cả chúng ta ở đây đều biết rằng đức tin phải có việc làm tương xứng cặp theo thì mới là đức tin thật. Đức tin đó mới giúp cho chúng ta nhận được sự sống đời đời, chớ không phải là cứ tin Chúa rồi muốn sống thế nào cũng được mà sau đó vẫn được cứu.

Bởi lẽ đó mà chúng ta cần phải suy gẫm một cách chi tiết về tất cả các phương diện của đức tin để nhận biết việc làm nào là sanh bởi đức tin trong phương diện ấy. Như trong chủ đề của chúng ta sáng hôm nay thì khi Cơ-đốc-nhân có đức tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng thực hữu thì chúng ta phải biết chuẩn bị chính mình cho được thánh sạch cả tư tưởng bên trong và chiếc áo công nghĩa bên ngoài. Sự chuẩn bị như vậy phải căn cứ vào lời của Chúa trong Kinh thánh như điều mà chúng ta đã cùng nhau suy gẫm qua. Tôi sẽ trình bày chi tiết hơn nữa bởi vì lời của Chúa đã dạy dỗ rõ ràng kỹ lưỡng lắm mà nếu chúng ta cứ học phớt qua ở trên bề mặt không mà thôi thì sẽ phụ lòng Chúa và cũng không giúp ích gì bao nhiêu cho việc chuẩn bị của chúng ta.

Nói một cách tổng quát thì khi tin nhận Chúa thì chúng ta đã được Chúa rửa sạch khỏi mọi tội lỗi trong quá khứ bằng quyền phép cứu chuộc của Ngài. Sau đó thì Cơ-đốc-nhân cần phải giữ mình cho thanh sạch luôn luôn, có nghĩa là tránh những điều ô uế của thế gian để cho tư tưởng và bộ áo công nghĩa của mình không bị dơ bẩn, như lời của Chúa đã có nhắc nhở trong 2Cô-rinh-tô 6: 17.

2CÔ-RINH-TÔ 6: 17 – Bởi vậy Chúa phán rằng: Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá động đến đồ ô uế, thì ta sẽ tiếp nhận các ngươi.

Trong câu gốc nầy thì chúng ta thấy rõ ràng rằng Chúa không bao giờ chấp nhận kẻ bị ô uế bởi thế gian, vì vậy mà Cơ-đốc-nhân cần phải biết biện biệt mình ra thánh cho Đức Chúa Trời. Sự ra khỏi và phân rẽ với thế gian như vậy cũng đã được nhắc nhở trong Rô-ma 12: 2.

RÔ-MA 12: 2 – Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.

Sự phân rẽ với những điều ô uế của thế gian như thế nào thì tôi sẽ xin được trình bày tiếp tục trong những lần tới. Nhưng sáng hôm nay thì sự chuẩn bị để diện kiến Chúa có thể được tóm tắt lại như vầy: Ấy là Cơ-đốc-nhân chúng ta khi đã có đức tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng thực hữu thì chúng ta phải có việc làm tương xứng cặp theo là biết chuân bị chính mình để được diện kiến Chúa. Sự chuẩn bị như vậy là cả tư tưởng bên trong và bộ áo công nghĩa bên ngoài theo phương diện thuộc linh. Chúng ta phải giữ cho tư tưởng mình được thanh sạch và giữ cho bộ áo công nghĩa khỏi bị dơ bẩn bởi những ô uế của thế gian. Chỉ có như vậy thì Cơ-đốc-nhân mới có thể xứng đáng được ra mắt Chúa, được dự tiệc cưới Chiên Con trong ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm và được sống với Chúa đời đời trong tương lai. Đó là điều chúng ta cần phải nhớ, còn chi tiết thì xin hẹn lại với quý Hội thánh lần sau.

Vị vậy, cầu xin Đức Chúa Trời thương xót và tiếp tục bày tỏ cho con dân Chúa biết cách thế nào để chuẩn bị chính mình cho thật chu đáo và xứng đáng cho ngày được diện kiến Chúa mặt đối mặt. Cầu xin Đức Chúa Trời ban thêm năng lực Ngài cho con dân Chúa để Cơ-đốc-nhân có thể tiếp tục đắc thắng chính mình và đắc thắng cám dỗ mà giữ cho tinh thần cũng như bộ áo công nghĩa được tinh sạch luôn luôn cho đến ngày dự tiệc cưới Chiên Con. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh ban cho con dân Chúa được có sự khôn ngoan và bền đỗ để theo Chúa và học hỏi lời của Ngài từ nay cho đến đời đời. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *