TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC THÔNG HIỂU KINH THÁNH
Trong bài viết nầy thì chúng tôi sẽ không dùng Kinh thánh theo nguyên tắc giải luận mà chỉ trưng dẫn Kinh thánh để giúp cho quý anh chị em hiểu được các sự kiện đã và đang xãy ra trên thế giới.
Việc thông hiểu Kinh thánh là rất quan trọng vì giúp đỡ cho Cơ-đốc-nhân tránh bị dẫn dụ bởi những kẻ gian ác trong đời nầy, cả trong phương diện cá nhân và trong bình diện của một quốc gia ở dưới sự cai trị của giới cầm quyền.
Một trong thí dụ thực tế của ngày hôm nay là cuộc chiến tại Ukraine. Theo thống kê cho biết thì hơn 87% dân chúng Uknaine là theo Thiên Chúa giáo mà đa số là tín đồ Công giáo. Còn Nga-sô thì có tỷ lệ là hơn 41% dân chúng trong nước theo Chính thống giáo. Nhưng hiện nay thì hai quốc gia ấy đang có chiến tranh với nhau và binh sĩ hai bên đang giết hại những người có cùng một niềm tin như họ, tức là tin vào Đức Chúa Trời và tin vào Đức Chúa Jêsus Christ. Mặc dầu niềm tin của họ khác biệt với đức tin của người Tin Lành, nhưng thế giới vẫn kể chung họ là những người theo Thiên Chúa giáo, tức là theo niềm tin được đặt căn bản trên quyển Kinh thánh.
Điều đó cho thấy là niềm tin của họ không đủ mạnh để tránh khỏi việc giết chết lẫn nhau, nhưng trái lại họ lại để cho giới cầm quyền tuyên truyền và thúc đẩy họ vào trong cuộc chiến đẫm máu nhất trong gia đoạn đầu của thế kỷ thứ 21. Như vậy thì tín đồ Công giáo của Ukraine và tín đồ Chính thống giáo của Nga-sô sẽ cầu nguyện thế nào khi hai bên đang giết chóc lẫn nhau?
Đáng lẽ ra thì với niềm tin nơi Chúa thì họ phải tìm mọi cách để tránh xa cuộc chiến hoặc để cuộc chiến không xãy ra, nhưng trái lại thì họ lại để cho các chính trị quyết định và xô đẩy họ vào cuộc chiến. Chúng ta có thể thấy rằng hai tổng thống của Nga-sô và Ukraine đâu có trực tiếp đấu súng với nhau, nhưng tín đồ của cả hai tôn giáo (tức là binh sĩ của cả hai bên) thì lại đang bắn giết lẫn nhau và phạm thêm các tội ác nữa đối với thường dân.
Chắc chắn một điều là không phải tất cả các binh sĩ của Nga-sô và Ukraine là những người vô thần. Nhiều người trong số họ xuất thân từ các gia đình sùng đạo và chính cá nhân của nhiều binh sĩ cũng tự nhận là họ có đạo, nhưng lại giết hại lẫn nhau. Như vậy thì đối với bài học về việc yêu thương người lân cận mình thì họ trả lời làm sao trước mặt Chúa? Thêm nữa, những người lãnh đạo tôn giáo của họ sẽ nói gì với người tín đồ là binh sĩ khi họ giết hại người anh em trong cùng một niềm tin? (mặc dầu tín lý và nghi thức của hai giáo phái có khác biệt, nhưng trong mắt của người thế gian thì họ vẫn được xem là những người tin vào Kinh thánh và tin vào Đức Chúa Trời).
(còn tiếp)