TẦM QUAN TRỌNG CỦA KINH THÁNH

PHẦN THỨ TƯ – KINH THÁNH

TẦM QUAN TRỌNG CỦA KINH THÁNH

Trong thời đại ngày nay, dường như có một khuynh hướng ngấm ngầm lan truyền trong vòng Cơ-đốc-nhân, là xem thường quyển Kinh thánh. Điều nầy không bày tỏ ra trên bề mặt của cuộc sinh hoạt của tôi con Chúa, vì hầu như tất cả mọi người đều công nhận rằng Kinh thánh là Lời Đức Chúa Trời, và mọi người đều tuyên bố rằng mình yêu mến Kinh thánh. Nhưng trong thực tế cá nhân thì mới thấy sự thờ ơ của tôi con Chúa đối với Kinh thánh là lớn.

Đối với nhiều tín hữu bình thường thì hầu như họ chỉ đụng đến quyển Kinh thánh vào ngày Chúa nhật khi đi đến nhà thờ mà thôi, hoặc nhiều hơn một chút là mở quyển Kinh thánh ra trong những buổi học Kinh thánh. Thời gian còn lại suốt trong tuần lễ, suốt trong năm thì hầu như bỏ quên quyển Kinh thánh sang một bên. Số người đọc Kinh thánh thường xuyên thì lại ít hơn nữa.

Nếu thử hỏi có bao nhiêu người đọc Kinh thánh qua một lần thì số người trả lời có là rất ít so với tổng số con dân Chúa. Nhưng nếu hỏi có bao nhiêu người đọc Kinh thánh qua ba hoặc bốn lần, hoặc đọc thường xuyên mỗi ngày thì con số lại càng ít hơn nữa, ít đến mức đáng phải kinh hãi.

Có rất nhiều Cơ-đốc-nhân biện minh cho việc không đọc Kinh thánh của họ và đã đưa ra rất nhiều lý do. Lý do thường được sử dụng hơn cả là vì cớ quá bận rộn trong cuộc sống. Khi nói như vậy thì những người ấy đã gián tiếp xác nhận rằng đối với họ sự sống thuộc thể đáng quý hơn sự sống thuộc linh. Nói cách khác, đối với những Cơ-đốc-nhân ấy, sự sống thuộc linh mà chính Đức Chúa Trời phải hiện thân thành người, vào trong trần gian nầy để chịu chết trên thập tự giá, đổ huyết quý báu vô tội của Ngài mà chuộc lấy cho họ thì không đáng giá bằng sự sống của miếng cơm manh áo mỗi ngày.

Lý do thứ hai mà Cơ-đốc-nhân vẫn dùng để biện minh cho việc ít đọc hoặc không đọc Kinh thánh của họ là Kinh thánh không hoàn toàn chính xác. Họ dùng ngôn ngữ dân gian (chẳng hạn như các chữ tam sao thất bổn) để cho biết rằng vì Kinh thánh đã được sao chép lại nhiều lần nên không còn giữ được mức độ chính xác để họ đáng phải tôn trọng mà đọc thường xuyên mỗi ngày. Đối với những Cơ-đốc-nhân như vậy thì chúng tôi không thể hiểu được tại sao họ còn tiếp tục theo đạo. Thử hỏi nếu quyển Kinh thánh không còn chính xác nữa để làm căn bản cho cuộc thờ phượng Đức Chúa Trời thì còn có điều nào trong trần gian nầy có thể thay thế cho quyển Kinh thánh hầu con dân Chúa dùng đó để theo Chúa một cách đúng đắn và chính xác nhất?

Nhiều lần chúng tôi thử trao đổi với các Cơ-đốc-nhân ấy để xem kiến thức của họ về Kinh thánh như thế nào, thì chúng tôi mới khám phá ra rằng nhiều người trong số họ chưa từng đọc hết quyển Kinh thánh được một lần, thậm chí sự hiểu biết về Kinh thánh của họ cũng rất mơ hồ, không khác gì người chưa tin, vậy mà họ dám phê phán rằng quyển Kinh thánh thiếu chính xác để từ đó chê bai và từ chối đọc Kinh thánh mỗi ngày.

Lý do thứ ba mà nhiều Cơ-đốc-nhân thường viện dẫn để bào chữa cho việc thiếu đọc Kinh thánh của họ, là than thở rằng Kinh thánh khó hiểu quá. Số người nầy lại chia ra thành hai nhóm.

Nhóm thứ nhất thì đòi hỏi là Kinh thánh phải được dịch lại (vì vậy mà có phong trào dịch Kinh thánh theo thể diễn ý – không phải là ý của Đức Chúa Trời mà là ý của người dịch) để họ có thể hiểu được. Khuynh hướng nầy làm cho một số tôi con Chúa sa vào tình trạng ham mê diễn dịch các câu các chữ của Kinh thánh nhưng hiểu sai những tín lý quan trọng hàm chứa trong lời của Đức Chúa Trời. Riêng về điều ấy thì chúng tôi đã có viết bài PHƯƠNG PHÁP SỬ DỤNG KINH THÁNH nên không trình bày chi tiết tại đây.

Còn về nhóm thứ hai, sau khi than thở rằng Kinh thánh khó hiểu quá, thì họ trông cậy hoàn toàn vào sự giải nghĩa của các mục sư. Vì vậy, đối với các anh chị em ấy, mỗi tuần họ chỉ có một lần nghe về Kinh thánh mà thôi, đó là trong giờ thờ phượng Chúa tại Hội thánh, còn ngoài ra, suốt trong những thì giờ khác của tuần lễ thì họ rất yên tâm để gạt bỏ Kinh thánh qua một bên. Tình trạng như vậy làm cho rất nhiều Cơ-đốc-nhân vẫn tiếp tục giữ lại đời sống cũ của những ngày chưa tin vì họ không hề có đủ lời Kinh thánh để thật sự thay đổi vào trong một đời sống mới hoàn toàn theo gương mẫu mà Chúa đã định (Xin xem thêm bài viết về CƠ ĐỐC NHÂN THẬT).

Trong phạm vi bài viết nầy chúng tôi xin được trình bày về tầm quan trọng của Kinh thánh để quý anh chị em có thể thấy được giá trị vĩ đại của Lời Đức Chúa Trời và hy vọng rằng nhờ thế mà một vài người sẽ trở lại với việc đọc, học và nghiên cứu Kinh thánh một cách chuyên cần, chú tâm hơn để có thể chuẩn bị chính mình đầy đủ và sẳn sàng cho ngày Chúa chúng ta trở lại.

Tầm quan trọng đầu tiên của Kinh thánh là chúng ta chỉ có một quyển Kinh thánh mà thôi, ngoài ra không còn có bất cứ một điều nào nữa để làm căn bản cho niềm tin của chúng ta trong Chúa. Điều nầy đã được chúng tôi trình bày trong bài viết ĐẶC ĐIỂM CỦA KINH THÁNH.

Đức Chúa Trời đã có chủ ý của Ngài khi ban cho loài người chúng ta chỉ một quyển Kinh thánh mà thôi. Ấy là để Cơ-đốc-nhân chúng ta phải chọn lựa một trong hai điều đang khi theo Chúa trong đời nầy: Hoặc là chấp nhận hoàn toàn thẩm quyền của Kinh thánh trên đời sống mình, hoặc là chối bỏ quyển Kinh thánh để làm theo ý riêng (mặc dầu những người như vậy ngoài mặt vẫn ra vẻ ca ngợi Kinh thánh như là một tôi con Chúa chân thật). Đối với Đức Chúa Trời và đối với lời của Ngài thì không có vấn đề đi nước đôi (mà Kinh thánh đã dùng chữ hâm hẩm để mô tả trình trạng giống như vậy).

(Khải huyền 3: 16) Vậy, vì ngươi hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh, nên ta sẽ nhả ngươi ra khỏi miệng ta.

Lý do chính yếu khiến chúng ta phải tin cậy Kinh thánh hoàn toàn kiểu 100% là để có thể hiểu được các ý nghĩa ẩn chứa trong lời của Đức Chúa Trời. Nguyên tắc chính yếu mà Chúa đã định cho tôi con của Ngài trong việc nghiên cứu Kinh thánh là dùng Kinh thánh để giải nghĩa Kinh thánh. Vì vậy, nếu một người không tin cậy Kinh thánh một cách trọn vẹn (100%) thì chắc sẽ không dùng các phần Kinh thánh để giải thích cho nhau, mà sẽ dùng tư tưởng riêng để lý lẽ, và từ đó đi đến việc hiểu sai các tín lý căn bản và quan trọng trong lời của Chúa. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho chúng ta thấy rằng mặc dầu chỉ có một quyển Kinh thánh nhưng Cơ-đốc-giáo lại có rất nhiều hệ phái.

Bởi thế cho nên, khi chúng ta chỉ có một quyển Kinh thánh mà thôi thì điều cần phải làm là tuân thủ triệt để các mạng lệnh mà Đức Chúa Trời đã truyền phán, vì các lời ấy là thành tín, nghĩa là không bao giờ thay đổi.

Đó là đặc điểm quan trọng thứ haì của Kinh thánh, là bất cứ điều gì mà Đức Chúa Trời đã phán và đã cho ghi lại trong Kinh thánh thì điều đó vĩnh viễn không thay đổi được. Nếu Đức Chúa Trời đã chỉ định một hành động, một tư tưởng nào là tội lỗi thì vĩnh viễn đó là tội lỗi, dầu là trong thời kỳ Cựu ước hay là trong thời đại ngày hôm nay. Cũng một thể ấy, bất cứ điều nào mà Đức Chúa Trời đã định sẽ thực hiện trong tương lai thì điều đó chắc chắn phải xãy ra, phải được thực hiện, chỉ có vấn đề sớm hay muộn mà thôi. Nguyên tắc và đặc điểm ấy của lời Đức Chúa Trời đã được Kinh thánh ghi lại nhiều lần để khẳng định cho mọi người về tầm quan trọng của Kinh thánh, cũng là để bày tỏ mỹ đức thành tín của Đức Giê-hô-va.

(Thi thiên 89: 34) Ta sẽ không hề bội giao ước ta, cũng chẳng đổi lời đã ra khỏi môi miệng ta.

(Giê-rê-mi 4: 28) Bởi cớ đó, đất sẽ sầu thảm, các từng trời sẽ tối đen. Vì ta đã phán, đã định, thì chẳng đổi ý, chẳng xây lại.

Kinh thánh đã nhấn mạnh về sự bất khả di dịch của lời Đức Chúa Trời, nhưng tiếc thay, ngày hôm nay có rất nhiều tôi con Chúa cứ tiếp tục thay đổi, bóp mép, diễn dịch sai lời của Ngài trong Kinh thánh để thỏa mãn tư tưởng và tham muốn riêng của xác thịt họ.

Chúng tôi muốn đưa ra một vài thí dụ để minh chứng cho điều đang trình bày. Chẳng hạn như về tội đồng tính luyến ái. Mặc dầu lời của Chúa trong Kinh thánh đã khẳng định rằng đó là điều mà Đức Giê-hô-va lấy làm gớm ghiếc nhưng nhiều mục sư tại các nước Âu Mỹ ngày nay lại tuyên bố rằng Chúa yêu mọi người và người đồng tính luyến ái không cần phải thay đổi nếp sống đồng tính của họ nhưng vẫn được Chúa chấp nhận cho vào Thiên đàng của Ngài. Sự diễn giải như vậy là theo ý riêng của xác thịt, sai trật biết bao nhiêu so với lời của Chúa trong Kinh thánh. (Xin đọc thêm bài viết về TỘI ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI để có thể thấy rằng quan điểm và lý lẽ của họ là sai lầm như thế nào).

Chúng tôi xin đơn cử ra đây ba thí dụ quan trọng để Cơ-đốc-nhân chúng ta có thể thấy rằng khi Chúa đã phán lời của Ngài và đã cho ghi lại trong Kinh thánh thì vĩnh viễn không có bất cứ điều nào, hoặc người nào, ngay cả Đấng Christ, có thể thay đổi lời ấy.

Thường thì Cơ-đốc-nhân chỉ nhớ đến mỹ đức yêu thương của Đức Chúa Trời mà thôi, nên chúng tôi đã nhiều lần nghe một số tôi con Chúa, sau khi đã phạm tội, nói rằng; ‘Chắc Chúa sẽ thông cảm’.

Nhưng yêu thương không phải là mỹ đức duy nhất của Đức Chúa Trời, Kinh thánh còn cho biết rằng Ngài là Đức Chúa Trời Công Bình, là Đức Chúa Trời Thành Tín. Mỹ đức công bình của Chúa là thưởng phạt phân minh, vì vậy mà cả thế gian sẽ phải ngậm miệng lại, không thể cãi chối với Chúa trong ngày Ngài đoán phạt họ:

(Rô-ma 3: 19) Vả, chúng ta biết rằng những điều mà luật pháp nói, là nói cho mọi kẻ ở dưới luật pháp, hầu cho miệng nào cũng phải ngậm lại, cả thiên hạ đều nhận tội trước mặt Đức Chúa Trời.

Thử tưởng tượng rằng nếu Đức Chúa Trời chỉ là Đấng Yêu Thương mà thôi, và mặc dầu Ngài xử phạt những kẻ khác về tội mà họ đã phạm, nhưng lại ‘thông cảm’ cho Cơ-đốc-nhân khi tôi con của Chúa phạm cùng một tội như vậy, thì điều gì sẽ xãy ra trong ngày phán xét. Có lẽ nào những kẻ đã từng bị trừng phạt về tội lỗi ấy lại có thể đứng thẳng lưng trước mặt Đức Chúa Trời và la lớn rằng: ‘Tại sao Chúa trừng phạt con về tội lỗi đó mà lại tha thứ cho những kẻ nầy khi họ phạm cùng một tội như con đã phạm? Chúa làm như vậy là không công bằng! Con không chấp nhận sự phán xét của Chúa? Mặc dầu họ nói là họ đã tin Đức Chúa Jêsus nhưng họ đâu có tái sanh? Đời sống họ đâu có nên thánh? Họ vẫn cố tình phạm tội như bao nhiêu người ngoại khác nhưng tại sao Chúa lại tha cho họ? Chẳng lẽ Chúa không thấy sự giả dối của họ, chẳng lẽ Chúa không thấy sự giả hình của họ?’.

Thử hỏi có lẽ nào trong ngày phán xét kẻ tội nhân của các thời đại trước lại có thể cãi trả với Đức Chúa Trời cách như vậy? Chắc chắn là không có đâu. Kinh thánh đã cho biết là khi Đức Chúa Trời phán xét thì mọi đầu gối phải quỳ xuống, mọi miệng phải ngậm lại vì chịu phục. Ấy là vì Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình, nên những kẻ phạm cùng một tội mà không chịu ăn ăn thật (tức là từ bỏ tội lỗi đó để không bao giờ tái phạm lại lần thứ hai) thì phải chịu chung một án phạt như nhau. Nguyên tắc đó đã được Đức Chúa Trời cho ghi lại trong sách của tiên tri Ê-xê-chi-ên:

(Ê-xê-chi-ên 33: 13) Dầu mà ta có nói với người công bình rằng nó chắc sẽ sống, nếu nó cậy sự công bình mình mà phạm tội, thì sẽ không nhớ đến một việc công bình nào của nó nữa; nhưng nó sẽ chết trong sự gian ác mình đã phạm.

Có một số người tranh luận với chúng tôi, cho rằng nguyên tắc phán xét của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua câu Kinh thánh trên chỉ có thể áp dụng trong thời kỳ Cựu ước mà thôi, chớ không thể được áp dụng đối với những người sống trong thời đại ân điển. Nhưng họ nói như vậy là sai, vì lời Kinh thánh đã khẳng định Cơ-đốc-nhân phải làm vững bền luật pháp bằng cách tôn trọng những điều răn và mạng lệnh trong Kinh thánh hơn là những kẻ sống trong thời kỳ Cựu ước:

(Rô-ma 3: 31) Vậy, chúng ta nhân đức tin mà bỏ luật pháp hay sao? Chẳng hề như vậy! Trái lại, chúng ta làm vững bền luật pháp.

Chính Đức Chúa Jêsus cũng đã nhấn mạnh rằng nếu tôi con của Chúa không vâng giữ điều răn thì họ sẽ không nhận được sự cứu rỗi:

(Ma-thi-ơ 19: 17) Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Sao ngươi hỏi ta về việc lành? Chỉ có một Đấng lành mà thôi. Nếu ngươi muốn vào sự sống, thì phải giữ các điều răn.

Dầu rằng lời của Đức Chúa Jêsus đã khẳng định như trên nhưng theo cách suy diễn Kinh thánh sai lầm của một số người thì họ vẫn cho rằng hễ đã tin Đức Chúa Jêsus thì không cần giữ điều răn nhưng vẫn được vào Thiên đàng. Nếu nói như vậy thì chẳng lẽ lời phán của Đức Chúa Jêsus là vô ích và không đúng sự thật? Còn lời suy diễn của những kẻ kia thì đúng hơn Kinh thánh? Nếu không giữ điều răn thì Cơ-đốc-nhân lấy căn bản ở đâu để sống đạo và làm chứng tốt cho Chúa trước mặt người ngoại? Nếu không giữ điều răn thì lấy gì để phân biệt giữa người thuộc về Đức Chúa Trời và kẻ còn sống trong xác thịt?

(Xin xem thêm bài viết về BA YẾU TỐ CỦA SỰ CỨU RỖI)

Thêm nữa, Đức Chúa Trời còn là Đấng Thành Tín, có nghĩa là lời phán của Ngài không thể thay đổi. Như chúng tôi đã có đề cập đến ở trên, khi lời Chúa đã phán ra thì không có một điều nào, không có một ai, ngay cả Đấng Christ, có thể thay đổi được các lời ấy.

Chúng ta thử tưởng tượng về một hình ảnh như thế nầy: Có một cái cân với hai dĩa đựng ở hai đầu. Khi chúng ta đặt quyển Kinh thánh lên dĩa cân ở đầu bên kia, thì vì tầm quan trọng của Kinh thánh nên cán cân sẽ nhỏng lên ở đầu bên nầy. Nếu lấy cả thế gian và vũ trụ đặt vào đầu cân còn lại thì vẫn không đủ để khiến cán cân thăng bằng, vì chúng không thể so được với Kinh thánh. Đó là điều mà Đức Chúa Jêsus đã phán:

(Mác 13: 31) Trời đất sẽ qua đi, song lời ta không bao giờ qua đâu.

(Lu-ca 16: 17) Trời đất qua đi còn dễ hơn một nét chữ trong luật pháp phải bỏ đi.

Bây giờ, để xác nhận thêm về tầm quan trọng của Kinh thánh thì chúng ta thử suy gẫm đến lời cầu nguyện của Đức Chúa Jêsus trong đêm Ngài chịu thương khó trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Đêm hôm đó, trước viễn cảnh phải chịu sĩ nhục và đau đớn trên thập tự giá, Đức Chúa Jêsus đã cần nguyện khẩn thiết với Đức Chúa Trời đến nỗi mồ hôi đổ ra như giọt máu lớn:

(Mác 14: 33 & 36) Ngài bèn đem Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đi, thì Ngài khởi sự kinh hãi và sầu não… Ngài rằng: A-ba lạy Cha, mọi việc Cha làm được cả; xin Cha cất chén nầy khỏi con; nhưng không theo điều con muốn, mà theo điều Cha muốn.

(Lu-ca 22: 44) Trong cơn rất đau thương, Ngài cầu nguyện càng thiết, mồ hôi trở nên như giọt máu lớn rơi xuống đất.

Như vậy chúng ta có thể hình dung rằng nếu lấy cơn đau thương khủng khiếp mà Đức Chúa Jêsus phải chịu, sự cầu nguyện khẩn thiết của Ngài trong vườn Ghết-sê-ma-nê mà đặt lên đầu cân bên nầy thì cũng không đủ nặng để khiến cho cán cân căn bằng vì cớ lời trong Kinh thánh ở đầu cân bên kia (có nghĩa là không thể thay đổi được lời đã được chép ra trong Kinh thánh).

Khi hình dung được như vậy thì chúng ta mới thấy tầm quan trọng của Kinh thánh là thế nào. Nếu cả vũ trụ nầy (trong đó có thế gian của chúng ta) và sự đau thương thống thiết của Đức Chúa Jêsus vẫn không đủ nặng để làm thay đổi lời của Đức Chúa Trời đã có chép trong Kinh thánh, thì không cón có một điều nào khác nữa có thể làm Đức Chúa Trời chuyển ý mà thay đổi chương trình cùng quyết định của Ngài đã định và đã được bày tỏ ra trong Kinh thánh.

Vì vậy, Cơ-đốc-nhân chúng ta chỉ có một cách duy nhất đối với quyển Kinh thánh mà thôi, đó là chấp nhận thẩm quyển của lời Chúa trên đời sống mình một cách hoàn toàn, để cẩn thận tuân thủ mà làm theo hầu được đẹp lòng Chúa và được ban phước. Bằng trái lại, khi chúng ta bỏ qua lời Kinh thánh để hành động theo ý riêng thì án phạt và sự hối tiếc đời đời sẽ là phần của mỗi một cá nhân, không thể tránh khỏi.

CÁC CÂU GỐC ĐÃ TRƯNG DẪN:

CÔNG VỤ 1: 16 – Hỡi anh em ta, lời Đức Thánh Linh đã nhờ miệng vua Đa-vít mà nói tiên tri trong Kinh thánh về tên Giu-đa, là đứa đã dẫn đường cho chúng bắt Đức Chúa Jêsus, thì phải được ứng nghiệm.

CÔNG VỤ 13: 10 – Hỡi người đầy mọi thứ gian trá và hung ác, con của ma quỉ, thù nghịch cùng cả sự công bình, ngươi cứ làm hư đường thẳng của Chúa không thôi sao?

RÔ-MA 11: 2 – Đức Chúa Trời chẳng từng bỏ dân Ngài đã biết trước. Anh em há chẳng biết Kinh thánh chép về chuyện Ê-li sao? thể nào người kiện dân Y-sơ-ra-ên trước mặt Đức Chúa Trời mà rằng..

2CÔ-RINH-TÔ 2: 11 – Đừng để cho quỉ Sa-tan thắng chúng ta, vì chúng ta chẳng phải là không biết mưu chước của nó.

2CÔ-RINH-TÔ 3: 6 – Ấy là Ngài đã ban tài năng cho chúng tôi giúp việc giao ước mới, chẳng phải giao ước về chữ, bèn là giao ước về Thánh Linh; vì chữ làm cho chết, song Thánh Linh làm cho sống.

Ê-PHÊ-SÔ 4: 14 – Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc.

Ê-PHÊ-SÔ 4: 27 – Và đừng cho ma quỉ nhân dịp.

1TI-MÔ-THÊ 6: 20-21 – Hỡi Ti-mô-thê, hãy giữ lấy sự giao phó đã nấy cho con, tránh những lời hư không phàm tục và những sự cãi lẽ bằng tri thức ngụy xưng là tri thức. Ấy vì muốn luyện tập tri thức đó, nên có người bội đạo.
Nguyền xin ân điển ở cùng các anh em!

2TI-MÔ-THÊ 3: 15 – Từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ.

2PHI-E-RƠ 3: 16 – Ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Kinh thánh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình.

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *