TẠI SAO PHẢI LÀM VINH HIỂN CHÚA?

Kinh thánh: Thi thiên 29: 1-11

Câu gốc: THI THIÊN 29: 1 – Hỡi các con của Đức Chúa Trời, hãy tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển và quyền năng.

Trong mùa lễ của những ngày cuối năm thì chúng ta sẽ tiếp tục suy gẫm về chủ đề tình yêu để chuẩn bị tấm lòng mừng lễ giáng sinh một lần nữa. Như chúng ta đã có suy gẫm trong tuần vừa qua thì quý Hội thánh đã biết là tại sao tình yêu thương của Chúa đều phải có điều kiện. Ấy là để cho con người có thể ý thức được sự quý giá tuyệt đối của tất cả mọi ân điển và ơn phước của Chúa, tức là sự ban cho của Đấng vinh hiển; đồng thời cũng là vì Chúa muốn nâng con người lên khỏi sự thấp thỏi tầm thường để có thể ở vào những địa vị cao trọng hơn trong tương lai. Như tất cả chúng ta đều đã biết thì định nghĩa của tình yêu thương thật là sự nâng lên cao của cả hai phía, tức là về cả phần Đức Chúa Trời và về phần con người. Nếu trong tình yêu mà không có ý định nâng lên cao người mình yêu thì đó chưa phải là tình yêu thương thật. Tôi sẽ giải thích thêm về định nghĩa của tình yêu để quý được hiểu rõ hơn nữa.

Nhưng sáng hôm nay thì tôi xin đề cập đến một trong những ý kiến của người khác về định nghĩa của tình yêu thương thật mà tôi đã có trình bày qua với Hội thánh. Có người tưởng rằng đó là định nghĩa do tôi đặt ra nên đã phản đối điều ấy và nói như thế nầy: Vì Đức Chúa Trời yêu thương loài người nên Ngài đã từ bỏ Thiên đàng để giáng sinh vào trong trần gian thấp thỏi tăm tối nầy để ở với con người. Như vậy là vì tình yêu mà hạ xuống chớ đâu có phải là sự nâng lên. Họ lý lẽ với tôi là như vậy. Thế thì quý Hội thánh nghĩ như thế nào về lập luận đó.

Tôi xin phép được thưa trình cùng với quý Hội thánh thế nầy: Lập luận của những người phản đối là biết một mà không biết hai. Ấy là mặc dầu tình yêu trong sự giáng sinh của Đức Chúa Jêsus đúng là hạ xuống để đến với con người, nhưng sự hạ xuống như vậy là để nâng con người lên cao, cao đến tận Thiên đàng để được làm con cái của Đức Chúa Trời vinh hiển. Vì vậy sự hạ xuống của Đức Chúa Jêsus là cách thức để Chúa nâng con người lên cao, Ngài hạ xuống là để đem con người ra khỏi chỗ tối tăm và khỏi đời sống tội lỗi, để con người có thể nhận được sự sống đời đời và tránh khỏi hình phạt tận sâu nơi hỏa ngục, chớ sự hạ xuống của Ngài không phải là để ở luôn với con người trong thế gian nầy. Bởi lẽ đó mà sự hạ xuống của Chúa là hành động của tình yêu, chớ không phải là định nghĩa của tình yêu thương thật. Chúng ta phải hiểu là bất cứ hành động nào cũng phải có mục tiêu, và sự hạ xuống của Chúa là nhằm để hướng đến mục tiêu là nâng con người lên cao để đồng hưởng vinh hiển đời đời với Chúa. Bởi thế mà sự nâng lên cao như vậy mới là định nghĩa của tình yêu, còn sự hạ xuống của Chúa chỉ là hành động của tình yêu mà thôi.

Khi tôi đề cập đến lập luận của những người phản đối định nghĩa về tình yêu thì ấy là cốt để làm thí dụ hầu cho quý Hội thánh có thể thấy rằng trong phương diện thuộc linh và nhất là đối với việc suy gẫm lời của Chúa thì người ta hay dùng sự suy diễn riêng của cá nhân để giải bày các lẽ thật trong Kinh thánh. Mặc dầu các chân lý căn bản trong Kinh thánh thì đa số Cơ-đốc-nhân đều đã biết hết rồi, nhưng nhiều người khi muốn giải bày thêm thì họ lại mở rộng vấn đề bằng sự suy diễn của cá nhân chớ không phải bằng các câu gốc và các phần khác trong Kinh thánh. Chính bởi lẽ đó mà chúng ta mới thấy có nhiều sự mâu thuẫn trong việc hiểu biết và áp dụng lời của Chúa trong đời sống thực tế hàng ngày của Cơ-đốc-nhân.

Chính việc hay dùng sự suy diễn của cá nhân để giải bày các lẽ thật trong Kinh thánh cho nên mới có người nói rằng: Đức Chúa Trời là Đấng đã được vinh hiển đời đời rồi cho nên Cơ-đốc-nhân dầu có sống thế nào đi nữa thì cũng không làm sao làm ảnh hưởng đến sự vinh hiển của Chúa. Những người đó nói như vậy cốt là để chất vấn rằng tại sao phải làm vinh hiển Chúa và từ đó thì họ cũng cố tình muốn biện minh cho lối sống nữa đạo nữa đời của họ. Ý của họ là Cơ-đốc-nhân không cần phải làm vinh hiển Chúa và đối với họ thì các mạng lệnh phải làm vinh hiển Chúa có ghi trong Kinh thánh chỉ là điều dư thừa mà thôi, không đáng phải bận tâm đến.

Như tôi đã có đề cập với quý Hội thánh trước đây nhiều lần thì vì Đức Chúa Trời là Đấng khôn ngoan tuyệt đối cho nên Ngài không làm bất cứ điều nào dư thưa cả, bởi lẽ đó mà những mạng lệnh truyền phán trong Kinh thánh cho con dân Chúa rằng phải làm vinh hiển Ngài thì đều là đúng đắn cả và đều có lý do chánh đáng để Cơ-đốc-nhân phải nên tuân thủ làm theo. Vì vậy mà sáng hôm nay chúng ta mới cùng nhau suy nghĩ về câu hỏi là TẠI SAO PHẢI LÀM VINH HIỂN CHỦA?

Chúng ta cần phải nhớ rằng đối với bất cứ một mạng lệnh nào mà Chúa có cho ghi lại trong Kinh thánh thì Cơ-đốc-nhân chúng ta đều phải nên suy gẫm, tìm hiểu cho cặn kẽ để có thể làm theo một cách tự tin, như vậy thì mới đẹp lòng Chúa và mới bày tỏ được đức tin thật của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời và trước mặt mọi người. Ngoài ra thì việc làm vinh hiển Chúa chính là một trong những hành động quan trọng bày tỏ lòng kính yêu đối với Ngài, bởi lẽ đó mà chúng ta mới suy gẫm đến vấn đề nầy trong mùa Giáng sinh năm nay.

Vì đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong, mà sự trông mong của chúng ta ở đây là làm đẹp lòng Chúa bởi việc làm vinh hiển Ngài, cho nên chúng ta cần phải tìm hiểu và suy gẫm vấn đề nầy một cách chi tiết để có sự tự tin mà làm vinh hiển Chúa một cách vui vẽ hết lòng và cũng để có sự hiểu biết mà giúp đỡ cho các anh chị em khác khi họ chưa hiểu được lý do tại sao Cơ-đốc-nhân phải làm vinh hiển Chúa.

Vì vậy trước hết thì chúng ta cùng nhau suy gẫm đến định nghĩa của chữ vinh hiển. Nói đến đây thì tôi xin dừng lại để nói đến một vấn đề khác có vẽ hơn ngoài lề một chút nhưng thật ra là có liên quan đến sự suy gẫm lời Chúa của chúng ta từ trước đến nay.

Ấy là có người đã chỉ trích việc chúng ta suy gẫm lời của Chúa là quá chi tiết. Họ đã sử dụng hai câu Kinh thánh trong Rô-ma và trong 2Cô-rinh-tô một cách sai lầm để nói rằng việc chúng ta suy gẫm lời của Chúa là theo văn tự, tức là làm cho chết, còn họ thì suy gẫm lời của Chúa theo cách của Đức-Thánh-Linh để làm cho sống. Vấn đề nầy thì tôi sẽ trình bày một cách chi tiết hơn để quý Hội thánh không vì những lời chỉ trích ấy mà hoang mang, nhưng sáng hôm nay thì tôi chỉ xin giải thích một cách ngắn gọn để chúng ta có thể tiếp tục suy gẫm Chủ đề làm vinh hiển Chúa một cách tự tin mà thôi.

Trước nhất thì tôi xin được trưng dẫn hai câu gốc mà những người ấy đã sử dụng để chỉ trích việc suy gẫm Kinh thánh của chúng ta. Đó là câu gốc trong Rô-ma 7: 6.

RÔ-MA 7: 6 – Nhưng bây giờ chúng ta đã chết về luật pháp, là điều bắt buộc mình, thì được buông tha khỏi luật pháp đặng hầu việc Đức Chúa Trời theo cách mới của Thánh Linh, chớ không theo cách cũ của văn tự.

Và câu thứ hai là ở trong 2Cô-rinh-tô 3: 6.

2CÔ-RINH-TÔ 3: 6 – Và ấy là Ngài đã ban tài năng cho chúng tôi giúp việc giao ước mới, chẳng phải giao ước về chữ, bèn là giao ước về Thánh Linh, vì chữ làm cho chết, song Thánh Linh làm cho sống.

Những người chỉ trích chúng ta thì cho rằng khi chúng ta suy gẫm Kinh thánh quá kỹ lưỡng, nghĩa là suy gẫm đến từng câu từng chữ, thì đó là cách học theo văn tự, nghĩa là chỉ làm cho chết. Còn họ thì vì học theo sự chỉ dẫn của Đức-Thánh-Linh cho nên không cần phải kỹ lưỡng quá như vậy.

Theo như lời nói của họ thì tôi chỉ giải thích ngắn gọn bằng cách đặt vài câu hỏi như thế nầy: Thế thì khi Đức-Thánh-Linh giải bày Kinh thánh cho con người thì Ngài sẽ giải bày thế nào? Ngài sẽ giải bày một cách lớt phớt trên bề mặt của chữ hay là Ngài sẽ dẫn chúng ta đi sâu vào Lẽ thật của Chúa trong từng ý nghĩa của mỗi câu? Chẳng lẽ sự giải bày của Đức-Thánh-Linh lại kém chi tiết hơn là cách học theo văn tự của loài người? Khi Đức-Thánh-Linh giải bày lời của Chúa trong Kinh thánh thì Ngài sẽ chỉ ra một chữ, một câu, một đoạn trong Kinh thánh rồi để cho con người suy diễn tự do theo ý của mỗi người hay là Ngài sẽ dùng lời của chính Ngài, tức là dùng các câu gốc khác trong Kinh thánh để giải bày về ý nghĩa của câu Kinh thánh đang được suy gẫm?

Đối với những người chỉ trích chúng ta thì việc suy diễn Kinh thánh theo quan điểm của giáo hội và trình độ của cá nhân là cách học theo Đức-Thánh-Linh, còn việc chúng ta dùng lời Kinh thánh để giải thích cho Kinh thánh thì họ lại cho đó là cách học theo văn tự. Quý Hội thánh có thấy được sự mâu thuẫn ở đây hay không? Tôi sẽ trình bày thêm về điều nầy trong một chủ đề khác nhưng bây giờ thì chúng ta trở lại với sự làm vinh hiển Chúa bằng việc suy nghĩ đến định nghĩa của chữ vinh hiển.

Theo như lời của Chúa cho biết thì sự vinh hiển là sự trổi cao hơn người khác về mức độ tốt đẹp và thiện lành. Sự định nghĩa về chữ vinh hiển không thể được tóm gọn bằng việc trỗi cao hơn người khác, bởi vì như vậy thì chữ ấy cũng có thể áp dụng cho kẻ ác được, vì kẻ làm ác thì có thể thực hiện thủ đoạn của họ một cách tinh vi hơn là người bình thường. Chính bởi lẽ đó mà định nghĩa về chữ vinh hiển phải được bao gồm luôn các chữ tốt đẹp thiện lành thì mới thật là chính xác và mới bày tỏ một cách đúng đắn về ý nghĩa của nó. Vì vậy mà tôi xin nhắc lại định nghĩa của chữ vinh hiển, đó là sự trỗi cao hơn kẻ khác về mức độ tốt đẹp thiện lành. Sự định nghĩa như vậy đã được Kinh thánh bày tỏ qua các câu gốc sau đây:

THI THIÊN 97: 9 – Vì, Đức Giê-hô-va ơi, Ngài là Đấng Chí Cao trổi cao hơn cả trái đất. Ngài được tôn cao tuyệt các thần.

THI THIÊN 135: 5 – Tôi biết rằng Đức Giê-hô-va là lớn. Chúa chúng tôi trổi cao hơn hết các thần.

THI THIÊN 148: 13 – Cả thảy khá ngợi khen danh Đức Giê-hô-va! Vì chỉ danh Ngài được tôn cao cả. Sự vinh hiển Ngài trổi cao hơn trái đất và các từng trời.

Kinh thánh cũng cho biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng vinh hiển tuyệt đối, tức là Đấng trỗi cao hơn mọi điều mọi vật trong cả vũ trụ nầy và sự cao cả của Ngài là vô cùng không gì có thể so sánh được, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong Thi thiên 145: 3.

THI THIÊN 145: 3 – Đức Giê-hô-va là lớn và đáng ngợi khen thay. Sự cao cả Ngài không thể dò xét được.

Sự vinh hiển của Chúa được xác định và bày tỏ như vậy nhưng chúng ta cần phải nhớ đến điều nầy: Ấy là mặc dầu tất cả các Cơ-đốc-nhân, dầu ít dầu nhiều, đều tin nơi Kinh thánh và đều biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng vinh hiển tuyệt đối, nhưng không phải là tất cả các con dân Chúa đều hiểu hết về ý nghĩa của sự vinh hiển. Chính vì không hiểu hết cho nên mới có người tuyên bố rằng không cần làm vinh hiển Chúa vì Ngài đã là Đấng vinh hiển rồi.

Bởi lẽ đó mà tôi mới thưa trình cùng quý Hội thánh từ đầu bài giảng là có nhiều người biết một mà không biết hai, có nghĩa là biết một số các lẽ thật trong Kinh thánh, chẳng hạn như Đức Chúa Trời là Đấng vinh hiển vô cùng, nhưng lại không hiểu được mối quan hệ về sự vinh hiển của Chúa đối với con người là thế nào. Ấy là mặc dầu Đức Chúa Trời đã là Đấng vinh hiển nhưng sự vinh hiển của Ngài cần phải được bày tỏ ra trong thế gian.

Trước khi giải thích xa thêm thì tôi xin được đưa ra một thí dụ như thế nầy: Ngày xưa có những vị vua thường hay giả dạng mặc đồ thường phục để đi xem cuộc sống của dân chúng trong vương quốc, mà người xưa gọi là thăm dân cho biết sự tình. Các vị vua thì thường sống trong tẩm cung cho nên dân chúng ít khi được biết mặt các vị vua ấy, mà vua lại giả dạng nữa cho nên họ không thể nhận ra được, ngay cả khi vị vua đó đang đi giữa chợ nhóm đông người. Ngai vàng của vua thì vẫn còn cho nên sự vinh hiển của vị vua đó là không thay đổi, nhưng vì đang mặc đồ thường dân cho nên không ai biết được để tung hô. Chỉ khi nào có một người cao trọng hoặc đáng tin cậy tại địa phương đó nhận diện ra được vua mà phủ phục xuống tung hô thì dân chúng đang đi lại chung quanh mới biết và mới đồng tung hô vạn tuế để vua được vinh hiển.

Đó là thí dụ để cho chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của việc làm vinh hiển Chúa. Mặc dầu Đức Chúa Trời là Đấng đã được vinh hiển và sự vinh hiển của Ngài còn đến đời đời nhưng sự vinh hiển ấy phải được bày tỏ ra trong trần gian nầy để mọi người được biết. Chúng ta thử suy nghĩ mà xem, nếu Đức Chúa Trời đã được vinh hiển trong cả vũ trụ mà trên mặt đất nầy chưa một ai biết về Chúa thì như vậy trong cả vũ trụ bao la mênh mông vẫn còn một nơi mà Chúa chưa được vinh hiển, đó là trên quả Địa cầu nhỏ nhoi của chúng ta. Vì vậy Cơ-đốc-nhân phải hiểu là việc làm vinh hiển Chúa tức là giúp cho mọi người biết đến danh của Ngài. Đây là yếu tố thứ nhất và điều đó đã được bày tỏ qua câu nói của Pha-ra-ôn khi Môi-se đến xin cho dân Hê-bơ-rơ được rời khỏi xứ Ê-díp-tô, như đã chó chép trong Xuất Ê-díp-tô ký 5: 20.

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 5: 20 – Nhưng Pha-ra-ôn đáp rằng: Giê-hô-va là ai mà trẫm phải vâng lời người, để cho dân Y-sơ-ra-ên đi? Trẫm chẳng biết Giê-hô-va nào hết, cũng chẳng cho dân Y-sơ-ra-ên đi nữa.

Qua câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng mặc dầu Đức Chúa Trời là Đấng vinh hiển nhưng khi Pha-ra-ôn chưa biết gì về Ngài thì đối với cá nhân Pha-ra-ôn thì Chúa chưa được vinh hiển.

Cũng một thể ấy chúng ta biết rằng khi Giô-sép được đưa lên làm tể tướng trong vương triều Ai-cập thì Gia-cốp chưa hề biết gì về điều đó. Bởi vậy cho nên Giô-sép mới bảo với các anh của mình là nói cho cha biết là Giô-sép đã được vinh hiển như thế nào tại xứ Ê-díp-tô, như lời Kinh thánh có tường thuật lại trong Sáng thế ký 45: 13.

SÁNG THẾ KÝ 45: 13 – Vậy, hãy thuật lại các điều vinh hiển của tôi tại xứ Ê-díp-tô, cùng mọi việc mà anh em đã thấy cho cha nghe, và hãy mau mau dời cha xuống đây.

Qua câu Kinh thánh nầy thì chúng ta thấy rằng mặc dầu Giô-sép đã được vinh hiển tại xứ Ê-díp-tô nhưng đối với Gia-cốp thì Giô-sép là đứa con đã bị thú dữ xé xác rồi. Đối với Gia-cốp lúc bấy giờ thì Giô-sép làm gì có sự vinh hiển, tưởng rằng con đã chết thì làm sao mà Gia-cốp có thể nghĩ ra là con mình bây giờ đang ở trong địa vị vinh hiển tại Ai-cập. Chỉ khi nào các người con khác về đến nhà và thuật lại cho Gia-cốp về chuyện của Giô-sép thì lúc đó ông mới biết đến sự vinh hiển của con trai ông mà thôi.

Như vậy thì chúng ta có thể hiểu rằng sự vinh hiển của một người hay của Đức Chúa Trời có liên quan đến sự mắt thấy tai nghe, chớ không phải chỉ là bày tỏ trong Kinh thánh không mà thôi. Bởi thế cho nên Cơ-đốc-nhân phải rao giảng, làm chứng về danh của Chúa và sống một đời mẫu mực để mọi người được biết đến Ngài. Đó chính là làm vinh hiển Chúa.

Chúng ta có thể thấy rằng mặc dầu Đức Chúa Trời đã được vinh hiển từ ban đầu trước khi tạo dựng cả vũ trụ, nhưng đối với con người thì Chúa cũng cần phải bày tỏ danh Ngài để loài người được biết hầu cho chính Ngài được vinh hiển. Bởi vậy mà Đức Chúa Trời đã chọn dòng dõi của Áp-ra-ham để dân tộc Y-sơ-ra-ên có thể làm vinh hiển Chúa giữa thế giới loài người. Lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên và của đoàn thể Cơ-đốc-nhân sau nầy chính là hình ảnh của một cái cây được Đức Chúa Trời vun trồng hầu cho Ngài được vinh hiển giữa thế gian. Điều đó đã được khẳng định bởi lời phán của Chúa trong Ê-sai 61: 1-3.

Ê-SAI 61: 1-3 – Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta, vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng tin lành cho kẻ khiêm nhường. Ngài đã sai ta đến đặng rịt những kẻ vỡ lòng, đặng rao cho kẻ phu tù được tự do, kẻ bị cầm tù được ra khỏi ngục, đặng rao năm ban ơn của Đức Giê-hô-va, và ngày báo thù của Đức Chúa Trời chúng ta, đặng yên ủi mọi kẻ buồn rầu, đặng ban mão hoa cho kẻ buồn rầu ở Si-ôn thay vì tro bụi, ban dầu vui mừng thay vì tang chế, ban áo ngợi khen thay vì lòng nặng nề; hầu cho những kẻ ấy được xưng là cây của sự công bình, là cây Đức Giê-hô-va đã trồng để được vinh hiển.

Các câu Kinh thánh nầy và câu gốc trong Ê-phê-sô 3: 21 cho chúng ta thấy rằng tất cả con dân Chúa, tức là người Do-thái và Cơ-đốc-nhân ngày nay đều có bổn phận phải làm vinh hiển Chúa. Đó là điều cần phải làm, là một trong những mạng lệnh quan trọng mà con dân Chúa không thể chối từ. Tôi xin được đọc lời của Chúa trong Ê-phê-sô 3: 21 để chúng ta biết được mạng lệnh ấy.

Ê-PHÊ-SÔ 3: 21 – Nguyền Ngài được vinh hiển trong Hội thánh, và trong Đức Chúa Jêsus Christ, trải các thời đại, đời đời vô cùng! A-men.

Khi đọc qua câu Kinh thánh nầy thì có thể có một vài anh chị em hiểu lầm rằng chữ NGUYỀN đứng đầu câu làm cho câu gốc nầy trở thành một điều ao ước chớ không phải là mạng lệnh, nhưng hiểu như vậy là phiến diện, vì chỉ căn cứ vào một câu Kinh thánh mà thôi. Như điều mà tôi vẫn thường đề cập đến, là Cơ-đốc-nhân phải dùng Kinh thánh để giải thích hoặc bổ sung cho Kinh thánh, chớ không phải nắm bắt các chữ trong chỉ một câu mà thôi. Vì vậy khi chúng ta dùng thêm những câu Kinh thánh khác thì sẽ thấy rằng sự làm vinh hiển Chúa là một mạng lệnh dành cho tất cả những ai được kể là con cái của Đức Chúa Trời, có nghĩa là cả thiên sứ và Cơ-đốc-nhân, như lời của Chúa đã truyền phán trong Thi thiên 29: 1.

THI THIÊN 29: 1 – Hỡi các con của Đức Chúa Trời, hãy tôn Đức Giê-hô-va vinh hiển và quyền năng.

Như vậy thì qua câu Kinh thánh nầy chúng ta biết rằng hễ đã là con cái của Chúa thì phải biết làm vinh hiển Chúa, chớ không thể nói rằng Chúa đã được vinh hiển rồi thì Cơ-đốc-nhân không cần phải làm vinh hiển Chúa, hoặc tệ hơn nữa là tuyên bố rằng vì Chúa đã được vinh hiển rồi cho nên Cơ-đốc-nhân dầu có sống thế nào cũng không làm sao ảnh hưởng đến sự vinh hiển của Chúa.

Lời Kinh thánh cho biết là sự sống đạo mẫu mực của Cơ-đốc-nhân là yếu tố làm cho Đức Chúa Trời được vinh hiển giữa thế giới loài người, vì nếu Cơ-đốc-nhân có đời sống thiếu gương mẫu hoặc phạm tội thì sự vinh hiển của Chúa sẽ bị nói phạm bởi việc người ta chê cười hoặc phỉ báng niềm tin trong Chúa, như lời Kinh thánh đã có nhắc nhở đến trong Rô-ma 2: 21-24.

RÔ-MA 2: 21-24 – Vậy ngươi dạy dỗ kẻ khác mà không dạy dỗ chính mình ngươi sao! Ngươi giảng rằng chớ nên ăn cắp, mà ngươi ăn cắp! Ngươi nói rằng chớ nên phạm tội tà dâm, mà ngươi phạm tội tà dâm! Ngươi gớm ghét hình tượng mà cướp lấy đồ vật của hình tượng! Ngươi khoe mình về luật pháp mà bởi phạm luật pháp làm nhục đến Đức Chúa Trời! Vì bởi cớ các ngươi nên danh Đức Chúa Trời đã bị nói phạm trong vòng người ngoại, như lời đã chép.

Khi chúng ta để ý đến các chữ được gạch dưới thì sẽ thấy rằng khi con dân Chúa phạm luật pháp, dầu là luật pháp của loài người hay là luật pháp của của Đức Chúa Trời thì đều bị kể là đã làm nhục đến Ngài. Vì vậy mà chúng ta phải sống hết sức là mẫu mực để làm vinh hiển Chúa.

Nhưng trước đây thì tôi có nghe một vài người biện minh rằng các câu gốc vừa được trưng dẫn là dành cho người Giu-đa chớ không phải là cho Cơ-đốc-nhân, cho nên chỉ có họ là làm nhục Chúa mà thôi, chớ Cơ-đốc-nhân thì không có. Nhưng nói như vậy là cãi chối với Kinh thánh để bênh vực cho việc không cần phải sống đạo mẫu mực để làm vinh hiển Chúa. Lời Kinh thánh cho biết là trong thời kỳ ân điển nầy vẫn có những Cơ-đốc-nhân không những không làm vinh hiển Chúa mà còn làm cho Ngài bị sỉ nhục tỏ tường nữa khi họ cứ vấp ngã trước các cơn cám dỗ và sự tấn công của ma quỉ, như lời Kinh thánh đã có đề cập đến trong Hê-bơ-rơ 6: 4-6.

HÊ-BƠ-RƠ 6: 4-6 – Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh, nếm đạo lành của Đức Chúa Trời và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài bị sỉ nhục tỏ tường.

Qua các câu gốc nầy thì chúng ta có thể hiểu rằng khi Cơ-đốc-nhân vấp ngã trước sự cám dỗ của ma quỉ và thế gian thì đó là việc làm sỉ nhục Đấng Christ, tức là cũng sỉ nhục Đức Chúa Trời nữa, có nghĩa là không làm vinh hiển Chúa. Vì vậy mà chúng ta phải cẩn thận sống trong cuộc đời nầy theo mẫu mực của Chúa và phải cầu nguyện xin Đức-Thánh-Linh thêm sức cho mỗi một ngày để được đứng vững luôn luôn mà làm sáng danh Chúa.

Nhưng như điều mà chúng ta đã biết, là khi học thì phải có hỏi, nhất là trong việc suy gẫm lời của Chúa, vì vậy mà đến đây, khi chúng ta biết rằng con dân Chúa phải làm sáng danh Ngài thì chúng ta cần phải đặt thêm một câu hỏi nữa là tại sao mình cần phải làm sáng danh Chúa.

Để trả lời cho câu hỏi nầy thì chúng ta sẽ dùng nguyên tắc tình yêu để có lời giải đáp. Chúng ta cũng biết rằng thập tự giá là hình ảnh, là khuôn mẫu của tình yêu, vì vậy chúng ta sẽ dùng hình ảnh của thập tự giá để trả lời cho câu hỏi là Tại sao Cơ-đốc-nhân phải làm vinh hiển Chúa. Như tất cả chúng ta đều đã biết thì thập tự giá có hai chiều để tượng trưng cho hai mối liên hệ giữa cá nhân của mỗi người đối với Đức Chúa Trời và đối với những người khác. Chiều dọc là chiều giữa mình và Đức Chúa Trời thì bao giờ cũng dài hơn, tức là quan trọng hơn. Còn chiều ngang là chiều giữa mình với người khác. Mối liên hệ của Cơ-đốc-nhân với Chúa và với người đều không thể thiếu một chiều nào cả, cũng như thập tự giá không thể có một chiều. Vì vậy, theo khuôn mẫu của thập tự giá thì chúng ta thấy có hai lý do cần phải làm vinh hiển Chúa.

Lý do thứ nhất là vì chúng ta kính yêu Đức Chúa Trời, là Cha thiên thượng của chúng ta. Việc Cơ-đốc-nhân làm vinh hiển Chúa là một trong những cách thức bày tỏ lòng tôn trọng và kính yêu Đức Chúa Trời của con dân Ngài. Đây là điều dễ hiểu lắm, vì tất cả chúng ta đều biết rằng con cái thì phải nên làm cho cha mẹ được hãnh diện. Đó là chữ hiếu trong đạo làm con mà người Á châu của chúng ta đều biết. Cũng bởi lẽ đó mà khi Cơ-đốc-nhân gọi Đức Chúa Trời là Cha thì chúng ta đương nhiên phải làm vinh hiển Chúa để báo đáp tình yêu của Ngài. Hễ càng kính yêu Chúa chừng nào thì Cơ-đốc-nhân càng phải cố gắng làm vinh hiển Chúa chừng nấy, tức là làm cho người khác nhận biết được sự hiện hữu của Ngài qua chính đời sống mình.

Lý do thứ hai mà Cơ-đốc-nhân cần phải làm vinh hiển Chúa là vì chúng ta yêu người lân cận như mình. Đây là chiều thứ hai của thập tự giá, tức là chiều ngang giữa mình với người khác. Khi chúng ta cố gắng sống đẹp lòng Chúa để làm vinh hiển Ngài thì đương nhiên những người chung quanh sẽ nhìn thấy điều đó và họ cũng sẽ được biết về Chúa, tức là có cơ hội để đến với Ngài. Bởi lẽ đó mà sự làm vinh hiển Chúa cũng là cách làm chứng về Ngài cho mọi người để họ cũng có thể được cứu trong danh của Đấng Christ. Luật pháp của Chúa đặt căn bản trên tình yêu thương, tức là kính Chúa yêu người. Vì kính yêu Chúa mà chúng ta làm vinh hiển Ngài và vì muốn tỏ bày tình yêu thương của mình đối với người khác mà chúng ta cũng giới thiệu về Đức Chúa Trời cho họ biết không những bằng lời nói, mà bằng cả việc làm và bằng chính đời sống mẫu mực của mình giữa thế gian.

Bởi lẽ đó mà khi Cơ-đốc-nhân cố gắng làm vinh hiển Chúa thì điều đó cũng có nghĩa là đang giới thiệu về Ngài cho người chung quanh. Việc họ có đến để tin nhận Ngài hay không là quyết định của họ. Đức Chúa Trời ban cho con người quyền tự do để lựa chọn và họ sẽ trả lời về những chọn lựa đó trước mặt Chúa ngày sau, còn chúng ta thì thoát khỏi máu oan của người chưa tin, vì đã làm tròn bổn phận là giới thiệu về Chúa cho mọi người. Bởi vậy chúng ta có thể hiểu rằng việc làm vinh hiển Chúa là một trong những bổn phận quan trọng của tình yêu thương mà Cơ-đốc-nhân không thể không thực hiện. Nói một cách khác thì việc làm vinh hiển Chúa không những là trách nhiệm, một điều cần phải làm mà cũng vì hình phạt của việc thiếu tình yêu thương nữa nếu Cơ-đốc-nhân không làm vinh hiển Chúa. Hình phạt ấy là có liên quan đến danh Chúa và liên quan đến linh hồn của con người, theo như nền tảng căn bản của tình yêu thương và trách nhiệm mà lời của Chúa đã có cảnh cáo trong Ê-xê-chi-ên 33: 8 và 9.

Ê-XÊ-CHI-ÊN 33: 8-9 – Khi ta phán cùng kẻ dữ rằng: Hỡi kẻ dữ, mầy chắc chết! Nếu ngươi không răn bảo để cho kẻ dữ xây bỏ đường lối xấu của nó, thì kẻ dữ ấy sẽ chết trong sự gian ác mình; nhưng ta sẽ đòi máu nó nơi tay ngươi. Nếu, trái lại, ngươi đã răn bảo kẻ dữ đặng xây bỏ đường lối xấu của nó mà nó không xây bỏ, thì nó sẽ chết trong sự gian ác nó, còn ngươi đã giải cứu mạng sống mình.

Đây là nguyên tắc không thay đổi của Chúa có liên quan đến tình yêu thương trong sự răn bảo người khác và làm chứng cho họ về Chúa, mà sự làm vinh hiển Chúa là một hình thức quan trọng trong sự răn bảo và làm chứng như vậy. Người ta không thể không biết về Chúa nếu Cơ-đốc-nhân cố hết sức làm vinh hiển Ngài. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới thỏa mãn được nguyên tắc của tình yêu thương và mới có thể tránh khỏi sự trách phạt ngày sau.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời toàn năng ban cho Cơ-đốc-nhân sự thông sáng để biết tầm quan trọng trong việc làm vinh hiển Chúa là thế nào để con dân Chúa cố gắng thực hiện cho hoàn mỹ trong đời sống nầy. Cầu xin Đức Chúa Trời yêu thương ban thưởng đặc biệt cho những người biết hết lòng làm vinh hiển Chúa. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục soi dẫn để Cơ-đốc-nhân biết làm vinh hiển Chúa trong mọi hoàn cảnh và ở mọi nơi cho đến ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm và cho đến đời đời. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *