TẠI SAO PHẢI CÓ ĐIỀU KIỆN TRONG TÌNH YÊU?

TẠI SAO PHẢI CÓ ĐIỀU KIỆN TRONG TÌNH YÊU?

Kinh thánh: Ê-phê-sô 5: 1-21

Câu gốc: 2CÔ-RINH-TÔ 13: 11 – Rốt lại, hỡi anh em, hãy mừng rỡ. Khá theo đến sự trọn lành, hãy yên ủi mình, hiệp một tâm tình, ở cho hòa thuận, thì Đức Chúa Trời của sự yêu thương và sự bình an sẽ ở cùng anh em.

Kính thưa quý Hội thánh, hôm nay là Chúa nhật đầu tiên của tháng Mười Hai, là tháng mà nhiều người trong chúng ta gọi là tháng Tình Yêu, bởi vì trong tháng nầy có Lễ Giáng Sinh, là sự kiện lịch sử quan trọng nhất đã xãy ra để bày tỏ tình yêu của Đức Chúa Trời đối với nhân loại khi Ngài giáng thế thành người để cảm thông với nỗi đau của con người và cũng để chịu chết trên thật tự giá mà đền tội cho cả thế gian. Vì vậy mà tôi sẽ cùng với quý Hội thánh suy gẫm về một trong những khía cạnh quan trọng của tình yêu để chúng ta có thể học biết thêm về một số các lẽ thật cần thiết khác nữa trong Kinh thánh.

Như chúng ta đã có cùng nhau suy gẫm qua trước đây trong Chủ đề YÊU THƯƠNG THEO LẼ THẬT thì chúng ta biết rằng tiêu chuẩn và mẫu mực của Đức Chúa Trời về tình yêu thương thì hoàn toàn khác với quan điểm của con người. Sự khác biệt như vậy là rõ ràng lắm và được bày tỏ rất chi tiết trong Kinh thánh, nhưng nếu Cơ-đốc-nhân không chịu khó suy nghĩ đến thì sẽ không thấy được và từ đó sẽ không thể trả lời được cho những thắc mắc thông thường có liên quan về tình yêu thương. Bởi lẽ đó mà hôm nay thì chúng ta sẽ tiếp tục suy gẫm theo Chủ đề ấy để có thể biết được vì sao Đức Chúa Trời yêu thương lại đặt điều kiện cho con người phải đạt đến trước khi thật sự được Ngài ban cho các ơn phước và ân điển mà Chúa đã có hứa trong Kinh thánh. Để cho chúng ta có thể thấy được điều kiện của Đức Chúa Trời dành cho Cơ-đốc-nhân thì tôi xin được đọc một câu Kinh thánh để làm thí dụ, đó là câu Kinh thánh nền tảng của chúng ta sáng hôm nay và xin quý Hội thánh cùng lắng nghe một lần nữa.

2CÔ-RINH-TÔ 13: 11 – Rốt lại, hỡi anh em, hãy mừng rỡ. Khá theo đến sự trọn lành, hãy yên ủi mình, hiệp một tâm tình, ở cho hòa thuận, thì Đức Chúa Trời của sự yêu thương và sự bình an sẽ ở cùng anh em.

Trong câu gốc nầy thì quý Hội thánh có thể thấy được hai phần riêng biệt: Phần có dấu gạch dưới là các điều kiện mà Đức Chúa Trời đòi hỏi Cơ-đốc-nhân cần phải thực hiện trước khi được Đức Chúa Trời ở cùng. Những điều cần phải làm đó là: Khá theo đến sự trọn lành tức là cần phải nên thánh, hãy yên ủi mình, hãy hiệp nhất trong cùng một tâm tình và phải ở cho hòa thuận với nhau. Khi Cơ-đốc-nhân đã thực hiện được các điều đó thì mới được Đức Chúa Trời ở cùng. Khi đọc câu Kinh thánh nầy một cách cẩn thận chậm rãi thì quý Hội thánh có thể thấy được ý muốn của Đức Chúa Trời một cách rõ ràng, rằng Ngài chỉ ở cùng với con dân Chúa khi chúng ta biết làm theo những điều kiện mà Chúa đòi hỏi. Lời của Chúa trong câu Kinh thánh nầy cũng cho biết thêm là khi được Đức Chúa Trời ở cùng thì Cơ-đốc-nhân sẽ kinh nghiệm được một cách mật thiết tình yêu thưong của Chúa và sẽ hưởng được sự bình an lớn không gì có thể so sánh được.

Theo thực tế cho thấy thì con người thường hiểu lầm về tình yêu thương và trong xã hội loài người thì chữ yêu là chữ thường bị lợi dụng nhiều nhất. Đối với những người chưa tin thì họ nghĩ về tình yêu thương như là một loại tình cảm không có điều kiện. Bởi lẽ đó mà những thanh nữ mới lớn thường bị lợi dụng khi có người nói với họ là phải chấp nhận có chuyện luyến ái trước rồi mới đi đến hôn nhân, vì như vậy mới là yêu thật tình, còn nếu đặt điều kiện là phải chờ đến sau hôn nhân mới chịu cho luyến ái thì đó là loại tình yêu có tính toán thiệt hơn, không đáng gọi là tình yêu. Nhiều người trẻ tuổi nhẹ dạ và dễ tin đã bị lý lẽ đó lừa gạt, lợi dụng rồi từ đó sinh ra đau khổ, có khi đi đến chỗ tự vận. Đó là trong phương diện cá nhân, còn trong phương diện của một quốc gia thì cũng tương tự như vậy. Chúng ta có thể thấy được trong thực tế là các kẻ lãnh đạo đời nay thường kêu gọi quần chúng, nhất là giới trẻ, là phải dấn thân, phải hy sinh, phải đổ máu cho lý tưởng, vì như vậy mới là yêu nước yêu quốc gia, nhưng thật ra là chịu chết để giữ vững địa vị quyền lực của các kẻ cầm quyền hoặc là để thỏa mãn tham vọng chính trị của họ. Bởi lẽ đó mà sau các cuộc chiến tranh thì chỉ có giới cầm quyền là được lợi lộc mà thôi, còn người dân thường và binh sĩ thì vẫn ở địa vị cũ, nhưng lại có thêm thương tật và nhiều khi còn nghèo khổ hơn trước. Chúng ta thử nhìn vào đời sống của các cựu chiến binh trong các quốc gia thì sẽ thấy được điều đó.

Những điều mà tôi mới vừa đề cập qua chỉ là một chút thí dụ về việc người ta lợi dụng chữ yêu để lừa gạt nhau, dối trá nhau mà thôi. Còn riêng về phương diện thuộc linh thì chúng ta thấy rằng Cơ-đốc-nhân cũng thường suy nghĩ sai lầm về tình yêu thương, nhất là về tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Vì ảnh hưởng của xã hội, của loài người trong thế gian nên Cơ-đốc-nhân thường nghĩ rằng tình yêu thương của Chúa là không có điều kiện. Nhiều người diễn giải theo quan điểm của con người rằng vì Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương cho nên ơn phước và ân điển mà Chúa ban cho là không có điều kiện. Họ trưng dẫn một số câu Kinh thánh để minh chứng cho điều đó, chẳng hạn như các câu gốc sau đây:

RÔ-MA 3: 24 – Họ nhờ ân điển Ngài mà được xưng công bình nhưng không, bởi sự chuộc tội đã làm trọn trong Đức Chúa Jêsus Christ.

Và một câu nữa trong Ê-phê-sô 1: 6

Ê-PHÊ-SÔ 1: 6 – Để khen ngợi sự vinh hiển của ân điển Ngài đã ban cho chúng ta cách nhưng không trong Con yêu dấu của Ngài!

Vì chữ NHƯNG KHÔNG trong các câu Kinh thánh nầy mà nhiều người mới lý luận rằng ân điển và ơn phước của Chúa ban cho Cơ-đốc-nhân là không có điều kiện, đ rồi từ đó mới có quan niệm chung trong vòng Cơ-đốc-nhân là hễ cứ cầu nguyện tin Chúa thì đương nhiên là được Đức Chúa Trời ở cùng. Bởi lẽ đó mà con dân Chúa thường rất ít khi được nghe trình bày về các điều kiện mà Đức Chúa Trời đã đặt ra để một người có thể nhận được sự ban cho của Chúa nhưng các diễn giả thì cứ đi thẳng vào việc sẽ được phước nầy, phước kia rồi từ đó kêu gọi con dân Chúa phải làm việc nầy việc nọ, nhất là phải dâng hiến, thật ra là chỉ để làm lợi cho các kẻ lãnh đạo mà thôi. Nếu Cơ-đốc-nhân chúng ta để ý một chút vào những sự diễn giải như vậy thì sẽ thấy được điều đó. Bởi vì quan niệm và xu hướng như vậy trong vòng Cơ-đốc-nhân mà khi có một người nào đề cập đến việc cần phải thỏa mãn các điều kiện mà Đức Chúa Trời đã đặt ra để có thể được Ngài ban phước cho thì lập tức người đó sẽ gặp một làn sóng phản đổi và nhiều người sẽ gọi họ là rao truyền những tín lý sai. Những người phản đối sẽ biện minh rằng vì Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương và vì Kinh thánh có đề cập đến ân điển nhưng không của Chúa cho nên vì vậy mà họ kết luận rằng tình yêu của Chúa và sự ban cho của Chúa là không có điều kiện gì hết.

Cũng chính vì xu hướng ấy mà ngày hôm nay mới có một trào lưu mới trong Hội thánh chung, nhất là ở tại Hoa-kỳ đây, là mọi người đều được Chúa tiếp nhận mà không cần phải thay đổi nếp sống, bản chất hay tánh tình, thậm chí họ còn cho rằng khuyên nhủ người khác phải thay đổi hoặc cần phải tái sanh là việc làm kỳ thị và họ lập luận rằng chắc chắn Đức Chúa Trời sẽ không kỳ thị con người theo cách như vậy. Bởi xu hướng ấy mà hiện nay nhiều Hội thánh tại Hoa-kỳ và trên thế giới đã có các mục vụ đặc biệt dành cho người đồng tính luyến ái mà không cần phải thay đổi lối sống ấy, hoặc là những mục vụ dành cho người nghiện ngập mà không cần phải từ bỏ ma túy. Trái lại nhiều Hội thánh đã tham gia với các tổ chức thế gian để vận động chính phủ bãi bỏ luật cấm ma túy và phải cung cấp ngân sách để ma túy có thể được phân phát tự do miễn phí cho người nghiện nữa. Họ có nhiều lý lẽ để biện minh cho xu hướng đó mà tôi không muốn kể ra chi tiết tại đây bởi vì quý Hội thánh có thể tra cứu thêm về điều đó trên mạng Internet và trên báo chí xuất bản mỗi ngày. Nhưng điều mà tôi muốn nói đến tại đây là việc Hội thánh chung ngày nay có xu hướng từ bỏ lời Đức Chúa Trời để chạy theo quan điểm của thế gian. Xu hướng ấy đã thấy xuất hiện bấy lâu nay trong các Hội thánh đến nỗi ngày hôm nay việc theo Chúa của nhiều Cơ-đốc-nhân cũng giống như việc cúng thần tài của người chưa tin, có nghĩa là chỉ cần làm một số điều theo quan điểm của con người, còn Đức Chúa Trời thì cứ phải ban phước cho Cơ-đốc-nhân tùy theo ý muốn của mỗi người.

Chúng ta có để ý thấy việc người ngoại cúng thần tài hay không? Họ cúng một nãi chuối, một điếu thuốc, một cái bánh donut, một ly cà-phê và nghĩ rằng thần tài sẽ ban cho họ được may mắn thịnh vượng trong công việc làm. Chúng ta có bao giờ nghe họ nói rằng ông thần tài ra điều kiện nầy điều kiện kia hay không? Không bao giờ có. Xu hướng của một số Cơ-đốc-nhân cũng giống như vậy, có nghĩa là nhiều người thấy rằng họ làm được điều nầy điều kia cho Chúa là tốt rồi và Chúa phải ban phước lại cho họ, còn điều kiện của Chúa để con người có thể nhận được những phước ấy thì không cần quan tâm, không muốn nghe mà cũng không muốn được nhắc đến. Chính bởi xu hướng đó mà nhiều diễn giả ngày nay không dám rao giảng theo như lời Kinh thánh đã bày tỏ, vì như vậy thì sẽ có ít người nghe, thậm chí không có ai muốn nghe. Vì thế mà nhiều người phải rao giảng làm sao cho vừa lòng người nghe, còn ý muốn của Đức Chúa Trời thì không nhất thiết phải nhắc đến. Mục tiêu của những người đó là làm sao giữ cho người ta được vui lòng mà đi nhà thờ mỗi tuần để dâng hiến chớ không cần phải đi đúng đường lối của Chúa.

Nhưng như điều mà chúng ta có thể thấy được trong câu gốc nền tảng sáng hôm nay thì Đức Chúa Trời thật ra đã có đặt điều kiện để cho Cơ-đốc-nhân làm theo trước khi được Chúa ở cùng để ban cho ân điển và sự bình an. Tôi xin được đọc lại câu Kinh thánh ấy một lần nữa và xin quý Hội thánh để ý đến chữ THÌ trong lời của Chúa.

2CÔ-RINH-TÔ 13: 11 – Rốt lại, hỡi anh em, hãy mừng rỡ. Khá theo đến sự trọn lành, hãy yên ủi mình, hiệp một tâm tình, ở cho hòa thuận, thì Đức Chúa Trời của sự yêu thương và sự bình an sẽ ở cùng anh em.

Như chúng ta có thể thấy thì trong câu gốc nầy có hai phần: Phần đầu câu là các điều kiện và phần cuối câu là kết quả. Chúng ta cũng có thể thấy được là chữ SẼ trong phần kết quả cho thấy rằng việc Đức Chúa Trời ở cùng với Cơ-đốc-nhân là điều sẽ xãy ra sau khi các điều kiện mà Đức Chúa Trời đòi hỏi trong phần đầu câu được con dân Chúa thực hiện và làm theo, tức là biết cố gắng sống một đời nên thánh, biết tự yên ủi mình, biết hiệp một và biết sống một đời hòa thuận với mọi người.

Có thể là đến đây thì trong tâm trí của một vài anh chị em sẽ hỏi rằng tại sao Đức Chúa Trời lại đặt điều kiện với con dân Ngài trước khi ban phước cho? Tại sao Chúa không cứ ban phước cho một cách nhưng không theo như lời của Ngài đã phán trong một số các câu Kinh thánh khác? Có thắc mắc và có những câu hỏi như vậy là điều tự nhiên, vì khi học Kinh thánh thì phải có thắc mắc, phải đặt câu hỏi, bởi lẽ đó mà tiếng Việt của chúng ta mới có chữ học hỏi. Vì thế mà tôi xin được cùng với quý Hội thánh tiếp tục suy gẫm thêm về vấn đề nầy dựa trên những thắc mắc và những câu hỏi như vậy.

Đối với ý nghĩa của chữ NHƯNG KHÔNG thì tôi đã có trình bày qua trước đây trong một số các bài giảng và tôi cũng đã có giải thích trong Chủ đề THẾ NÀO LÀ ÂN ĐIỂN NHƯNG KHÔNG, cho nên sáng hôm nay tôi chỉ xin được giải thích một cách ngắn gọn như thế nầy: Ân điển tha tội của Chúa được ban cho nhưng không là khi một người mới đến đầu phục tin nhận Chúa mà chưa làm một điều gì để thỏa mãn ý muốn của Ngài. Việc cầu nguyện tin nhận Chúa như vậy cũng đủ để Đức Chúa Trời tha thứ cho người đó mọi tội lỗi đã phạm trong quá khứ. Đó chính là ân điển nhưng không. Nhưng chúng ta cần phải để ý là ngay cả khi Kinh thánh dùng chữ nhưng không thì sự tha thứ của Chúa cũng đã có điều kiện rồi. Ấy là một người muốn được Chúa tha thứ cho thì phải đến cầu nguyện tin nhận Ngài chớ không phải là cứ tiếp tục sống không cần biết đến Chúa không cần đến nhà thờ cầu nguyện mà vẫn được tha thứ. Chúng ta có thể thấy rằng Đức Chúa Jêsus Christ đã chịu chết trên thập tự giá để đền tội cho cả nhân loại nhưng không phải là tất cả loài người trong thế gian nầy đều được tha thứ hết, mà chỉ có những người chịu đến quỳ gối cầu nguyện tin nhận Chúa mới được tha thứ mà thôi. Sự tìm đến cầu nguyện tin nhận Chúa chính là điều kiện để một người được Chúa tha thứ cho mặc dầu đó là ân điển nhưng không. Ngoài ra thì chúng ta còn phải nhớ rằng sự tha thứ của Chúa đối với một người đến cầu nguyện tin nhận Ngài là tha thứ hết các tội lỗi đã phạm trong quá khứ chớ không phải là tha thứ luôn những tội sẽ phạm trong tương lai. Đây cũng là điều mà tôi đã có trình bày qua, chắc quý Hội thánh còn nhớ. Nhưng hôm nay thì chúng ta tập trung suy gẫm đến câu hỏi là tại sao Đức Chúa Trời lại đặt điều kiện với con cái Ngài trước khi ban phước cho.

Trước khi tìm hiểu sâu xa hơn thì chúng ta thử suy nghĩ thế nầy: Chúng ta là cha mẹ và vì yêu thương mà đều muốn con mình được trở nên tốt, vậy thì khi chúng ta ban thưởng cho con chúng ta có đặt điều kiện với chúng hay không, hay là chúng ta cứ việc thưởng cho con mà bất cần đứa con làm điều tốt hay điều xấu. Chúng ta thử suy nghĩ đến thí dụ như thế nầy: Nếu trong một gia đình có hai đứa con, đứa con lớn học đứng hạt nhất trong lớp, còn đứa con nhỏ học cứ đứng thứ hạng cuối lớp mà cha mẹ vẫn thưởng cho hai con bằng nhau thì chuyện gì sẽ xãy ra? Chắc chắn là đứa con nhỏ sẽ không có sự cố gắng nào hết bởi vì nó biết rằng dầu học dở và đứng hạng chót nhưng nó vẫn sẽ được cha mẹ thưởng cho bằng như anh hai, vậy thì nó cần gì phải cố gắng để học cho giỏi. Thí dụ như vậy thì chắc chắn rằng ai nấy trong chúng ta đều có thể hiểu được. Thế thì trong phương diện thuộc linh chúng ta có thể biết được tại sao Đức Chúa Trời lại đặt điều kiện với con dân Ngài trước khi được Ngài ban phước cho. Ấy là vì Chúa muốn Cơ-đốc-nhân được tốt hơn, tức là biết vươn tới những mẫu mực thiện lành trọn vẹn hơn chớ không phải là theo Chúa rồi cứ sống giống như những ngày chưa tin, như vậy thì làm sao mà có thể làm chứng tốt cho Chúa và làm vinh hiển Ngài.

Nhưng mà tâm lý chung của con người thì cứ muốn nhận được điều nầy điều kia một cách miễn phí mà không cần phải tốn kém hoặc có sự cố sức nào cả. Chính vì vậy mà các chính trị gia đời nay vẫn thường dụ dỗ quần chúng theo tâm lý đó bằng các khẩu hiệu như lấy của người giàu chia cho người nghèo nhằm để được sự ủng hộ của đám đông mà thật ra là chính sách cướp của quần chúng để làm giàu cho các kẻ lãnh đạo. Vì là xu hướng chung của con người cho nên tâm lý muốn cái gì cũng được miễn phí vẫn thường thấy trong vòng Cơ-đốc-nhân khi đời sống chưa được tái sanh, vì vậy mà có nhiều người không bao giờ thích nghe về những điều kiện mà Chúa đã đặt ra để cho con người phải làm theo. Ngay cả các diễn giả khi biết tâm lý nầy của đại đa số thì cũng thường diễn giải Kinh thánh theo cách như vậy để thỏa mãn tâm lý của đám đông chớ không thật sự thỏa mãn ý muốn của Chúa, tức là họ nói làm sao để vừa lòng người nghe mà bỏ qua các lẽ thật của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh.

Chúng ta cần phải biết là tất cả những ân điển và ơn phước mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho con dân Ngài đều có điều kiện, ngay cả ân điển cứu rỗi nữa. Đó là chân lý, là lẽ thật, là nguyên tắc không thay đổi của Chúa vốn có bày tỏ trong cả Kinh thánh và Cơ-đốc-nhân phải làm theo trước khi được Chúa ban phước cho. Lý do vì sao mà Chúa phải đặt điều kiện cho con dân Ngài thì đã được gồm tóm lại trong hai điều sau đây: Thứ nhất là vì sự vinh hiển của Chúa và thứ hai là vì tình yêu thương, nhưng là yêu thương trong Lẽ thật chớ không phải là yêu thương theo quan điểm của con người.

Thông thường thì Cơ-đốc-nhân chỉ để ý đến mỹ đức yêu thương của Chúa mà lại ít khi để ý đến đặc tánh vinh hiển của Ngài. Vì chỉ để ý đến mỹ đức yêu thương của Chúa không mà thôi cho nên Cơ-đốc-nhân thường nghĩ rằng sự ban cho của Chúa phải là vô điều kiện, tức là không cần có điều kiện nào cả, thì như thế mới là yêu thương thật tình. Suy nghĩ như vậy là theo quan điểm của con người, giống như điều mà tôi đã có đề cập đến từ đầu bài giảng. Nhưng chúng ta cần phải đế ý là khi Đức Chúa Trời ban phước cho con người thì Ngài cũng cần phải thỏa mãn cùng một lúc cả hai mỹ đức yêu thương và vinh hiển của Chúa, ấy là bởi vì Chúa là Đấng công bình cho nên Ngài không thể nào thực hiện bất cứ điều gì mà thiếu sự quân bình được. Lẽ thật nầy là điều mà chúng ta cần phải luôn luôn luôn ghi nhớ khi suy nghĩ về Đức Chúa Trời. Bởi lẽ đó mà khi Chúa yêu thương thì Ngài cũng bày tỏ luôn cả tính quân bình và sự vinh hiển của Chúa nữa.

Chúng ta thử suy nghĩ như thế nầy thì sẽ thấy được điều đó: Bằng cấp tốt nghiệp của một số trường đại học nổi tiếng tại Mỹ là đáng hãnh diện lắm, vì sinh viên phải khó khăn trong vấn đề học tập và phải chịu tốn kém rất nhiều năng lực cũng như tài chánh để đạt được. Vì vậy mà sinh viên trên cả thế giới thường rất cố gắng để được thu nhận vào các trường ấy. Nhưng thí dụ như các trường đại học nổi tiếng đó phát bằng tốt nghiệp một cách miễn phí cho tất cả mọi người hoặc là cho toàn bộ hơn 350 triệu người dân Mỹ thì các bằng cấp ấy đâu còn có giá trị gì nữa. Nếu trường hợp đó xãy ra thì người ta sẽ xem các bằng cấp ấy như là giấy báo có thể vứt đi chớ cần gì phải treo lên tường một cách hãnh diện làm chi. Trong phương diện thuộc linh thì cũng như vậy: Nếu sự cứu rỗi trong danh của Đấng Christ được ban cho mọi người một cách nhưng không bất kẻ người đó có tin Chúa hay không hoặc là được ban cho mà người ta không cần phải tái sanh, không cần phải cố gắng sống một đời nên thánh thì sự chết của Chúa trên thập tự giá đâu còn có giá trị gì nữa. Bởi vì sự ban cho mà ai cũng được thì đâu còn được kể là quý giá nữa. Vì vậy mà khi người ta cố tình biện minh rằng sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jêsus là được ban cho mọi người một cách vô điều kiện ai ai cũng được thì tức là họ đang miệt khinh dòng huyết quý báu của Đấng Christ trên thập tự giá.

Nếu tất cả mọi người đều được cứu rỗi vào Thiên đàng mà không cần phải có sự thay đổi nào cả thì Thiên đàng của Chúa sẽ trở thành như trần gian nầy rồi, chớ có gì khác biệt đâu. Bởi lẽ đó mà tôi thường hay thưa trình cùng với quý Hội thánh là Đức Chúa Jêsus không phải đến trần gian nầy chịu chết để biến Thiên đàng của Đức Chúa Trời thành như thế gian nầy đâu. Bởi thế mà Cơ-đốc-nhân phải cố gắng sống một đời nên thánh sau khi đã được Đức Chúa Trời tha thứ một cách nhưng không về mọi tội lỗi mà chúng ta đã phạm trong quá khứ. Vì vậy mà chúng ta có thể hiểu được là khi Đức Chúa Trời đặt điều kiện cho con dân Ngài để làm theo trước khi ban phước cho thì ấy là vì giá trị cao quý của ân điển Ngài chớ không phải lúc nào cũng nhưng không theo như một số người vẫn thường lầm tưởng. Vì Đức Chúa Trời là Đấng vinh hiển cho nên sự ban cho của Chúa cũng là cao quý đặc biệt hơn hết và mọi ân điển của Ngài đều có giá trị đời đời cho nên các điều kiện mà Chúa đã đặt ra đều là nhằm để Cơ-đốc-nhân có thể ý thức được điều đó. Chẳng hạn như sự bình an mà Chúa đã hứa ban cho là khác biệt hẳn với sự bình an của thế gian và bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân cần phải thỏa mãn điều kiện của Chúa mới có thể nhận được, như lời của Chúa đã phán trong tin lành Giăng 14: 27 và trong câu gốc nền tảng sáng hôm nay:

GIĂNG 14: 27 – Ta để sự bình an lại cho các ngươi, ta ban sự bình an ta cho các ngươi, ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.

Khi Đức Chúa Jêsus hứa lời nầy thì Cơ-đốc-nhân cứ tưởng rằng hễ tin Chúa thì mọi người đều sẽ có được sự bình an ấy, nhưng thực tế cho thấy rằng đâu phải tất cả con dân Chúa đều có tấm lòng bình an như vậy. Nhiều người chưa có được sự bình an đặc biệt mà Chúa đã hứa là vì họ chưa thỏa mãn được điều kiện mà Chúa đã đặt ra. Chúng ta đọc lại câu Kinh thánh nền tảng sáng hôm nay thì sẽ thấy được điều đó.

2CÔ-RINH-TÔ 13: 11 – Rốt lại, hỡi anh em, hãy mừng rỡ. Khá theo đến sự trọn lành, hãy yên ủi mình, hiệp một tâm tình, ở cho hòa thuận, thì Đức Chúa Trời của sự yêu thương và sự bình an sẽ ở cùng anh em.

Bởi thế mà chúng ta có thể thấy rằng mặc dầu các diễn giả cứ nhấn mạnh đến việc Cơ-đốc-nhân chắc chắn sẽ có được tấm lòng bình an lớn trong Chúa nhưng nhiều người thì mặc dầu đã tin Chúa lâu năm rồi nhưng vẫn chưa có được tấm lòng như vậy, ấy là vì họ đã không có đề cập đến các điều kiện mà Chúa đã đòi hỏi và Cơ-đốc-nhân cũng không biết hoặc không nhớ để thỏa mãn những điều kiện ấy cho nên tấm lòng của nhiều người vẫn bất an như những ngày chưa tin. Đó là một thực tế không thể chối cãi được nhưng nhiều người vẫn cố tình che dấu và làm bộ như họ đã đưọc bình an thật trong Chúa rồi. Cũng bởi lẽ đó mà tôi vẫn thường nói rằng khi suy gẫm Kinh thánh thì không phải là chụp bắt một câu một chữ nào đó, rồi cứ suy diễn theo sự hiểu biết của cá nhân hoặc theo kiến thức sách vở mình, nhưng mà phải lấy lời Kinh thánh giải thích cho Kinh thánh thì chúng ta sẽ thấy được ý nghĩa rõ ràng hơn và từ đó có thể trả lời được nhiều câu hỏi quan trọng mà vẫn thường ẩn sâu trong tâm trí của con dân Chúa bấy lâu nay.

Như vậy chúng ta có thể thấy rằng sự ở cùng của Chúa là có điều kiện và không phải bất cứ Cơ-đốc-nhân nào cũng được Chúa ở cùng. Lời phán của Đức Chúa Jêsus về những kẻ nói rằng lạy Chúa, lạy Chúa mà cuối cùng bị bỏ và thực tế của đời sống cho chúng ta thấy được điều đó. Vì nếu chuyện xãy ra ngược lại, tức là không cần làm gì hết mà vẫn được Chúa ở cùng và được sự bình an thật thì như vậy câu gốc nầy sẽ trở thành dư thừa trong Kinh thánh và Cơ-đốc-nhân khỏi cần phải sống đạo. Nhưng chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng Khôn Ngoan tuyệt đối cho nên Ngài không thể làm một điều dư thừa nào cả. Chỉ có con người với khả năng và sự khôn ngoan có giới hạn mới làm việc dư thừa mà thôi.

Còn lý do thứ hai của việc Đức Chúa Trời đặt điều kiện để con dân Ngài phải làm theo trước khi được ban phước cho thì ấy là vì tình yêu thương lớn của Chúa dành cho con người. Như tôi đã có thưa trình khi nãy thì con người thường lầm lẫn về tình yêu thương lắm, hoặc là vì hiểu sai, hoặc là vì cố tình lợi dụng cho nên chữ yêu không được người ta hiểu một cách chính xác. Trong thế gian nầy thì có rất nhiều định nghĩa về tình yêu, mà tôi chỉ xin đơn cử hai thí dụ mà thôi, vì nói lên được một phần bản tánh của tình yêu thật. Định nghĩa thứ nhất là yêu nghĩa là không bao giờ phải nói rất tiếc, và định nghĩa thứ hai là yêu tức là ban cho điều mà mình không thể giữ lại được. Nhưng dầu là thế nào đi nữa thì sự định nghĩa về tình yêu của con người cũng còn rất phiến diện, nhưng theo sự giải bày của Kinh thánh thì định nghĩa của tình yêu thương thật là biết nâng người mình yêu lên những thứ bậc cao hơn và chính mình cũng biết tự nâng lên để xứng đáng cho người mình yêu. Nói một cách tóm gọn thì định nghĩa của tình yêu thương thật sự nâng lên cao. Chính vì mục tiêu của tình yêu thương thật là như vậy và Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương cho nên Ngài phải đặt điều kiện để cho con người làm theo hầu cho Cơ-đốc-nhân có thể được tập tành mà càng ngày càng trổi cao hơn trong mọi phương diện thiện lành. Điều kiện của Chúa đặt ra cũng nhằm để thử xem Cơ-đốc-nhân yêu Chúa đến mức độ nào, vì theo định nghĩa của tình yêu thì nếu con dân Chúa thật sự kính yêu Ngài thì mỗi người phải biết vươn lên tầm cao hơn để cho chính mình càng ngày càng xứng đáng với tình yêu của Chúa. Chúng ta đều biết rằng trong tình yêu thì phải có sự trả giá, có sự hy sinh, vì vậy mà các điều kiện của Chúa chính là hình thức giúp cho Cơ-đốc-nhân biết từ bỏ mình để chứng tỏ tấm lòng mình yêu Chúa đến mức độ nào. Bởi lẽ đó mà ơn phước của Chúa đều luôn luôn có điều kiện, ấy là vì Chúa yêu chúng ta và muốn chúng ta được nâng lên cao mãi theo mức độ thiện lành đời đời của Ngài. Tôi sẽ trình bày thêm về định nghĩa của tình yêu thương thật trong một lần khác để quý Hội thánh được biết rõ hơn.

Còn bây giờ vì thì giờ có hạn cho nên chúng ta tạm chấm dứt tại đây. Cầu xin Đức Chúa Trời toàn năng giúp cho Cơ-đốc-nhân thấy được tình yêu của Chúa qua mỗi một mạng lệnh và lời hứa mà Ngài đã truyền phán để chúng ta có thể được hiểu biết mà làm theo. Cầu xin Đức Chúa Trời ban phước từng hồi từng lúc mỗi một khi chúng ta biết thỏa mãn ý muốn của Chúa trong từng mạng lệnh hầu cho con dân Chúa được khích lệ mà hăng hái dấn bước theo Ngài trên đất nầy. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục soi sáng cũng như thêm sức cho để chúng ta có thể vì kính yêu Chúa mà vâng phục Ngài và làm theo các điều kiện của Chúa một cách trọn vẹn cho đến ngày Đấng Christ trở lại và cho đến đời đời. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *