TẠI SAO LOÀI NGƯỜI TỪ CHỐI CHÚA?
Ngày hôm nay số người vô thần tại Hoa-kỳ càng ngày càng nhiều mặc dầu đất nước nầy vốn từng được xem là quốc gia Tin Lành. Nhiều người thắc mắc và hỏi rằng vì sao có tình trạng ấy trong khi Hội thánh vẫn còn và Tin Lành vẫn được rao giảng rộng rãi khắp nơi. Chúng tôi xin được dùng lời của Chúa để cố gắng giải đáp phần nào câu hỏi nầy.
Trước nhất, nếu chúng ta đọc Kinh thánh trong sách 2Sữ ký 12: 1-16 thì sẽ được biết câu chuyện có ghi lại về vua Rô-bô-am. Theo như lịch sữ thì Rô-bô-am là con trai của vua Sa-lô-môn. Sau khi vua cha qua đời thì ông được lên ngôi tại thành Giê-ru-sa-lem. Lúc ấy đất nước chưa bị phân rẽ và ông thừa hưởng được một vương quốc hùng cường thịnh vượng do vua cha để lại. Kinh thánh cho biết là trong thời Sa-lô-môn vương quốc Y-sơ-ra-ên rất giàu có đến nổi tại kinh đô Giê-ru-sa-lem vàng bạc được xem như đá sỏi ngoài đường:
(2Sữ ký 1: 15) Vua làm cho bạc vàng trong Giê-ru-sa-lem ra thường như đá sỏi, và cây bá hương nhiều như cây sung nơi đồng bằng.
Chính vì sự giàu có thịnh vượng như vậy mà Rô-bô-am quên Ðức Chúa Trời, không nhớ đến Ngài và không thờ phượng Ngài, khác với cách mà vua Sa-lô-môn và như ông nội của ông là vua Ða-vít đã làm khi trước. Trong Kinh thánh đã chỉ ra lý do nầy một cách tỏ tường như trong 2Sữ-ký 12: 1:
(2Sữ ký 12: 1) ‘Xảy khi nước của Rô-bô-am vừa được lập vững bền, và người được cường thạnh, thì người và cả Y-sơ-ra-ên liền bỏ luật pháp của Đức Giê-hô-va’.
Như vậy chúng ta có thể thấy rằng Rô-bô-am phạm tội chối bỏ Ðức Chúa Trời là vì ông không nhận biết có nhu cầu tìm kiếm Chúa trong đời sống mình. Ðối với ông việc lên ngôi là điều tự nhiên vì ông là con vua, nên không cần phải vật vã tìm kiếm hoặc cần phải được Chúa xức dầu như là vua cha Sa-lô-môn và như vua Ða-vít, ông nội của ông. Không có chỗ nào trong Kinh thánh ghi lại việc Rô-bô-am được xức dầu theo như thông lệ của một vị vua trong dân Y-sơ-ra-ên trước khi lên ngôi. Hoặc giả nếu Rô-bô-am có được xức dầu đi chăng nữa thì việc Kinh thánh không ghi lại sự kiện nầy cũng cho thấy rằng đối với ông nghi thức đó hoàn toàn không có gì quan trọng đáng phải để ý. Ðiều đó cũng có nghĩa là ông xem thường việc được Ðức-Chúa-Trời chúc phước cho.
Ðó là một phần trong những nguyên nhân tại sao truyền giảng tại Hoa-kỳ cho người chưa tin Chúa khó hơn là tại quê nhà Việt Nam.
Tại quê hương chúng ta, với hoàn cảnh khó khăn và đời sống còn nhiều chật vật, thiếu thốn, tấm lòng của nhiều người dường như mềm mại hơn để tin nhận Chúa. Nhưng khi người ta được giàu có đầy đủ thì ấy cũng chính là lúc họ không cần đến Ngài. Ngay cả những người đã tin cũng dễ dàng lãng quên Ðức Chúa Trời vì bị thu hút và mê hoặc bởi cuộc sống tiện nghi sung túc như trong trường hợp của vua Rô-bô-am.
Chẳng những thế thôi, không phải chỉ có cá nhân quên Chúa trong những hoàn cảnh như vậy mà Kinh thánh còn cho biết rằng cả dân tộc cũng quên Ðức Chúa Trời khi đã được ấm no sung túc.
Trường hợp dân Y-sơ-ra-ên là một thí dụ điển hình. Ngày mà họ còn làm nô lệ khổ nhọc tại xứ Ê-díp-tô thì họ hết lòng kêu van Chúa, nên Ngài đã sai Môi-se và A-rôn đến để giải thoát họ khỏi cảnh đọa đày đó. Nhưng khi dân Y-sơ-ra-ên đã vào được Ðất hứa rồi, là nơi đượm sữa và mật, khi mà họ đã có nhà cửa, có đất ruộng và vườn nho, thì lập tức họ quên Ðức Chúa Trời ngay, như trong thời các quan xét và các vua sau nầy.
Trong thực tế mà chúng ta đang sống ngày nay thì Hoa-kỳ cũng là một thí dụ điển hình. Ngày mà những người di dân đầu tiên mới đặt chân đến đất nước nầy thì họ hết lòng kêu cầu Chúa giúp đỡ. Ngài đã trả lời họ bằng sự ban phước dồi dào trên những mùa màng thu hoạch buổi đầu tiên, và dân chúng đều có lòng kính sợ Ngài nên mới có lễ Thanksgiving để tạ ơn Chúa.
Những thế kỷ sau, khi Hoa-kỳ phải trãi qua cuộc nội chiến tương tàn Nam Bắc, hai trận thế chiến đẫm máu trong thế kỷ thứ 20 cùng cuộc chiến Triều Tiên và Việt Nam, thì người Hoa-kỳ vẫn còn kính sợ Chúa và tìm kiếm Ngài. Nhưng trong những thập niên sau đó, khi Hoa-kỳ đã chiến thắng Nga-sô trong cuộc Chiến Tranh Lạnh và làm cho khối Liên bang Xô-viết phải sụp đổ, khi không còn ai ngang hàng với Hoa-kỳ để có thể tự xưng là cường quốc, khi đất nước nầy ở thế độc tôn của thế giới thì đó cũng chính là lúc người dân Hoa-kỳ lãng quên Ðức Chúa Trời mà chạy đuổi theo ảo ảnh của cuộc đời, là những tiện nghi vật chất, là lý tưởng công bằng mỵ dân của các chính khách nghiên theo xu hướng vô thần.
Vì vậy đối với Cơ-đốc-nhân chúng ta thì nên lấy chuyện của người làm gương cho mình. Ấy là những khi đời sống chúng ta bình an thới thạnh hơn hết thì đó cũng là lúc chúng ta cần phải cẩn thận giè giữ gấp nhiều lần hơn để bền đổ trong đức tin và để lòng kính sợ Chúa của chính mình vẫn còn luôn luôn, không bị ảnh hưởng hoặc không bị phai nhạt bởi được thời thế thuận lợi cho mình.
Vì vậy một trong các trước giả của Kinh thánh đã cầu nguyện rằng:
(Châm ngôn 30: 8-9) Xin dang xa khỏi tôi sự lường gạt và lời dối trá; Chớ cho tôi nghèo khổ, hoặc sự giàu sang; Hãy nuôi tôi đủ vật thực cần dùng, e khi no đủ, tôi từ chối Chúa, mà rằng: Đức Giê-hô-va là ai? Và lại kẻo e tôi bị nghèo khổ, ăn trộm cắp, và làm ô danh của Đức Chúa Trời tôi chăng.
Thật, lời cầu nguyện nầy đáng phải là lời nằm lòng và thường thường được thốt ra trên môi miệng chúng ta trong những ngày mình được ban phước dồi dào, dư dật.
Trong đời sống nầy ai cũng muốn được phước, được sung túc đầy đủ và bình an. Nhưng nếu không cẩn thận thì chính những phước đó lại khiến Cơ-đốc-nhân chúng ta vấp phạm nhiều hơn và chối bỏ Ðức Chúa Trời. Vì vậy bài học về cuộc đời Rô-bô-am đáng là câu chuyện mà mỗi chúng ta nên ghi nhớ.
Ngoài ra, còn có một nguyên do nữa làm cho vua Rô-bô-am từ chối thờ phượng Ðức Chúa Trời, ấy là mẹ của ông xuất thân là người Am-môn, như có chép trong 1Các Vua 14: 21:
(1Các Vua 14: 21) Rô-bô-am, con trai của Sa-lô-môn, cai trị Giu-đa. Khi lên ngôi, người đã được bốn mươi mốt tuổi; người trị vì mười bảy năm tại Giê-ru-sa-lem, là thành Đức Giê-hô-va đã chọn trong các chi phái Y-sơ-ra-ên, đặng đặt danh Ngài ngự tại đó. Mẹ người tên là Na-a-ma, người Am-môn.
Theo như lời Kinh thánh thì dân tộc nầy được hình thành bởi sự chung đụng loạn luân giữa cha và con gái, tức là giữa Lót và một trong hai người con gái của ông sau ngày Chúa trừng phạt hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ:
(Sáng-thế-ký 19: 36-38) Vậy, hai con gái của Lót do nơi cha mình mà thọ thai. Nàng lớn sanh được một con trai, đặt tên là Mô-áp; ấy là tổ phụ của dân Mô-áp đến bây giờ. Người em cũng sanh đặng một con trai, đặt tên là Bên-Am-mi; ấy là tổ phụ của dân Am-môn đến bây giờ.
Vì vậy mà dân Am-môn và Mô-áp bị Ðức Chúa Trời rủa sả và ngày hôm nay đã tuyệt chủng rồi. Nhưng vào thời của Sa-lô-môn thì họ là một dân tộc hùng cường và ông đã lấy một trong các công chúa của họ để đem về làm hoàng hậu. Bà nầy chính là mẹ của Rô-bô-am. Lúc Sa-lô-môn còn sống thì bà và các hoàng hậu thuộc dân tộc ngoại bang đã dụ dỗ ông từ bỏ Chúa để thờ lạy thần tượng. Ðến khi Rô-bô-am lên làm vua thì chắc ảnh hưởng đó vẫn còn và ấy chính là một lý do nữa khiến ông từ chối Ðức Chúa Trời.
Qua điều nầy chúng ta có thể thấy rằng đôi lúc sự thiếu tin kính của người khác có thể ảnh hưởng rất lớn đến đức tin của Cơ-đốc-nhân, vì vậy mà trong mối giao tiếp hàng ngày giữa đời sống chúng ta phải cẩn thận. Kinh thánh đã có cảnh cáo về điều nầy từ xưa và thời đại ngày nay Cơ-đốc-nhân cần nên ghi nhớ, nhất là đối với giới trẻ còn trong tuổi độ tuổi thanh thiếu niên của Hội thánh, như lời của Chúa có chép trong 1Cô-rinh-tô 15: 33 rằng: ‘Anh em chớ mắc lừa: bạn bè xấu làm hư thói nết tốt’. Chính người xưa Việt Nam cũng từng nói ‘Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng’ để chỉ về mối quan hệ của con người trong cuộc sống. Vì vậy Cơ-đốc-nhân chúng ta ai nấy cũng nên cẩn thận để không bị sa vào lầm lỗi nầy giống như vua Rô-bô-am trước đây.
Dầu vậy, chúng ta không những xem xét về việc Rô-bô-am từ bỏ Chúa để làm gương cho chính mình mà cũng nên chú ý đến hậu quả của việc làm đó để có thể thức tỉnh và tránh xa hầu khỏi chịu chung một số phận giống như vậy.
Chúng ta đã biết rằng Rô-bô-am chối Chúa vì ông được địa vị quyền lực và được dân chúng trong nước thuộc chi phái Giu-đa ủng hộ. Nhưng đó lại là hai điều mà ông mất trước tiên khi quân đội của vua Ê-díp-tô xâm lấn bờ cõi. Ðó là cái giá phải trả cho hành động từ bỏ Chúa của ông. Khi Rô-bô-am thờ lạy thần tượng thì ông không còn được quyền năng của Chúa che chở nữa và đành phải chịu thua bại trước kẻ thù. Và cho dù sau đó Rô-bô-am xưng nhận tội lỗi của ông trước mặt Chúa thì cũng đã trể muộn rồi, không còn cứu vãn kịp nữa. Kinh thánh cho biết là mặc dầu Rô-bô-am vẫn còn giữ được địa vị của ông nhưng hầu như tất cả những của cải quý báu trong vương quốc cũng như trong Ðền thờ đều bị ngoại bang cướp đoạt. Ðáng lẽ triều đại của ông có thể vẫn là thời hoàng kim như lúc Sa-lô-môn còn làm vua Y-sơ-ra-ên, nhưng vì hành động bội phản Ðức Chúa Trời mà ông đành chuốc lấy sự thua bại và mất mát giống như vậy.
Ðối với chúng ta là những người bình thường trong đời sống nầy thì chúng ta không cần phải là một vị vua mới kinh nghiệm được những hậu quả nặng nề của việc từ bỏ Chúa. Kẻ phạm tội là vua thì bị mất mát theo mức độ của một vị vua, và người bình thường dân giả sẽ bị thua thiệt theo cùng một mực độ tương xứng. Ngoài ra cũng còn có một điều khác mà chúng ta nên để ý. Ấy là khi Rô-bô-am từ bỏ Chúa thì không những một mình ông chịu thua bại trước kẻ thù mà cả dân chúng trong vương quốc cũng chịu chung một cảnh ấy. Thế nên đối với người từ bỏ Chúa ngày hôm thì gia đình họ cũng sẽ chịu lây cùng một hậu quả. Vì vậy chúng ta nên tỉnh thức và giè giữ để chính mình và những người gần gũi không vướng phải tội lỗi như tội của Rô-bô-am.