TẠI SAO KINH THÁNH KHÔNG CHO BIẾT NGÀY SANH CỦA CHÚA?

Nguyên nhân thứ nhất là vì thời xưa người ta không sử dụng lịch một cách phổ thông và thống nhất như chúng ta ngày nay. Trong các thời kỳ cổ đại cho đến khi Đức Chúa Jêsus giáng sinh thì người ta tính ngày tháng theo lịch địa phương của từng dân tộc. Mỗi một địa phương, mỗi một dân tộc có cách tính lịch riêng, không có dân tộc nào giống với nhau, chẳng hạn như ngày hôm nay chúng ta thấy ngày Tết của Lào và Cam bốt khác với ngày Tết của Việt Nam.

Ngoài ra người thời xưa còn tính lịch theo từng triều đại của các vị vua, chẳng hạn lời Kinh thánh đã có ghi lại về ngày tháng của việc vua Sa-lô-môn xây cất Đền thờ cho Chúa, như có chép trong 1Các Vua 6: 1 rằng:

Xảy ra năm bốn trăm tám mươi, sau khi dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là năm thứ tư của Sa-lô-môn trị vì trên Y-sơ-ra-ên, nhằm tháng Xíp, nghĩa là tháng thứ hai, thì người cất đền của Đức Giê-hô-va.

Việc tính lịch như vậy, có nghĩa là theo các sự kiện đã xãy ra trước đó hàng trăm năm và theo các triều đại của từng vị vua, sẽ làm cho người bình thường như chúng ta ngày hôm nay bị bối rối và nhầm lẫm vì không thống nhất được với lịch của các dân tộc khác. Chính vì lẽ đó mà Đức Chúa Trời đã không cho ghi lại chính xác ngày Đức Chúa Jêsus giáng sinh.

Chúng ta có thể hiểu được điều nầy khi liên hệ với cách tính lịch của người Trung hoa và của dân tộc Việt Nam chúng ta. Khi vua Linh Đế nhà Hán lên ngôi thì người ta đổi niên lịch và gọi là năm Kiến Ninh thứ nhất. Sau khi Linh Đế nhờ các quan binh tướng sĩ, trong đó có anh em của Lưu Bị, dẹp được giặc Khăn Vàng thì lại đổi niên hiệu từ đó trở đi là năm Trung Bình. Như vậy chúng ta có thể thấy là trong một đời vua mà cách tính ngày tháng bị đổi đến hai lần. Còn ở tại Việt Nam thì trong thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, khi vua Nguyễn Huệ lên ngôi thì người ta gọi là năm Quan Trung thứ nhất, trong khi những người theo chúa Trịnh ở miền Bắc thì vẫn còn giữ theo lịch của nhà Hậu Lê.

Lý do thứ hai mà Đức Chúa Trời đã không cho ghi lại chính xác ngày sinh của Đức Chúa Jêsus là vì Ngài không muốn con người nhân cớ ngày ấy mà có lòng mê tín dị đoan. Thế giới nầy có hàng tỷ con người sinh sống và mọi điều, từ việc được may mắn cho đến các tai ương bất như ý, đều có thể xãy ra cho mọi người mỗi một ngày. Vì vậy một người được may mắn trong ngày Giáng sinh sẽ xem ngày đó là ngày tốt trong năm, và một người bị tai nạn trong ngày Giáng sinh sẽ xem đó là ngày xui xẻo, như vậy người ta có thể vì điều xãy ra cho cá nhân mình mà trở nên mê tín đối với ngày Đức Chúa Jêsus giáng sinh và theo đó mà có những suy nghĩ cũng như hành động việc làm không xứng hiệp. Chính bởi lẽ ấy mà Đức Chúa Trời đã để cho con người tự chọn và thống nhất ngày Giáng sinh để tránh ảnh hưởng xấu đối với niềm tin chung của nhân loại nơi Đức Chúa Jêsus.

Lý do thứ ba mà Đức Chúa Trời đã không cho ghi lại chính xác ngày Đức Chúa Jêsus giáng sinh vào trong Kinh thánh là vì Chúa muốn chúng ta nhớ đến Ngài bằng tấm lòng, chớ không phải là chờ cho đến đúng ngày tháng rồi mới nhớ. Vì nếu không cẩn thận thì người ta sẽ chỉ nhớ đến Chúa bằng hình thức mà thôi. Đây là bản tánh thông thường của mọi người, vì vậy mà chúng ta thấy trong cuộc sống hàng ngày thì người ta chỉ chúc mừng nhau đúng vào ngày sanh và tưởng nhớ nhau vào ngày đã qua đời mà thôi, còn những ngày khác trong năm thì quên không đánh giá cao sự có mặt của người ấy đối với chính mình. Chúng ta có thể hiểu được điều nầy khi nhìn vào thực tế và thấy sự nô nức mua sắm của con người trong mùa Nô-ên nhưng lại quên việc đón Đức Chúa Jêsus giáng sinh vào trong tấm lòng mình để được tái sanh vào một đời sống mới đầy bình an, thỏa lòng ở trong Chúa.

Kinh thánh còn cho biết thêm là chúng ta nên thờ phượng Chúa bằng tâm thần, chớ không phải chỉ bằng hình thức bên ngoài mà thôi, như điều mà chính Đức Chúa Jêsus đã nhắc nhở và đã được ghi lại trong sách Tin lành Giăng 4: 24 rằng: Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.

Vì ba lý do chính yếu trên mà Đức Chúa Trời đã không cho ghi lại chính xác ngày giáng sanh của Đức Chúa Jêsus vào trong Kinh thánh. Ước mong rằng lời giải đáp của chúng tôi thỏa mãn được thắc mắc nầy của một số anh chị em.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *