TẠI SAO CUỘC ĐỜI ĐẦY ĐAU KHỔ 2
Kinh thánh: 1Sa-mu-ên 1: 1-11
Câu gốc: TRUYỀN ĐẠO 7: 21 – Chớ để lòng về mọi lời người ta nói, e ngươi nghe kẻ tôi tớ mình chưởi rủa mình chăng.
Trước đây thì chúng ta đã có cùng nhau suy gẫm qua về phần thứ nhất của Chủ đề nầy và đã biết rằng nguồn gốc của sự đau khổ trong đời sống của con người là do những lực chọn sai lầm từ thời A-đam cho mãi đến những thế hệ sau nầy và những hậu quả kèm theo của những lựa chọn ấy. Hôm nay thì tôi xin được trình bày với quý Hội thánh phần thứ hai để chúng ta có thể biết thêm về những nguyên nhân vì sao mà cuộc đời có đầy những đau khổ và sầu muộn. Như quý Hội thánh có thể nhớ lại thì Đức Chúa Trời đã cho con người sự tự do để lựa chọn điều mình muốn làm, nhưng song song với sự tự do như vậy thì con người cũng phải gánh chịu những hậu quả xãy ra do những lựa chọn của mình. Đó là là nguyên tắc đời đời không thay đổi mà Đức Chúa Trời đã đặt ra cho cả nhân loại. Chính Chúa sẽ là Đấng xem xét và làm cho điều ấy chắc chắn phải xãy ra ngay trong đời nầy và cả trong đời sau nữa, vì Ngài là Đức Chúa Trời Công Bằng, tức là Đấng thưởng phạt phân minh. Bởi lẽ đó mà khi Cơ-đốc-nhân suy gẫm lời của Chúa để biết vì sao mà con người phải gặp nhiều đau khổ thì chính chúng ta có thể biết được cách thế nào để tránh bớt được những điều đó hầu có thể sống một đời bình an, vui mừng và thỏa lòng trong Chúa.
Khi tôi trình bày với quý Hội thánh rằng sự đau khổ của con người xãy ra là vì những lựa chọn sai lầm mà mỗi cá nhân đã thực hiện trong quá khứ thì đó chỉ là yếu tố tổng quát mà thôi, còn nếu đi vào chi tiết thì chúng ta sẽ thấy rằng sự chọn lựa sai lầm có nhiều hình thức và nhiều khía cạnh hơn. Vì vậy mà hôm nay tôi xin dùng câu chuyện về cuộc đời của bà An-ne để làm thí dụ về một trong những lý do gây nên sự đau khổ của con người.
Tất cả các Cơ-đốc-nhân chúng ta đều biết rằng bà An-ne là mẹ của Sa-mu-ên, là người sau nầy trở thành thầy tế lễ và làm quan xét trong dân Y-sơ-ra-ên trước khi Sau-lơ được xức dầu lên làm vua. Lời của Chúa cho biết rằng bà là một người phụ nữ hiền lành và có đời sống đẹp lòng Đức Chúa Trời, bởi vì Ngài nghe lời cầu nguyện của bà. Kinh thánh cho biết là Đức Chúa Trời không bao giờ nghe lời cầu nguyện của kẻ gian ác mà chỉ lắng nghe và nhậm lời nài xin của những người có đời sống đẹp lòng Ngài mà thôi, như lời Kinh thánh có chép trong
GIĂNG 9: 31 – Chúng ta vẫn biết Đức Chúa Trời chẳng nhậm lời kẻ có tội, mà nếu ai kính sợ Đức Chúa Trời, làm theo ý muốn Ngài, thì Ngài nhậm lời.
Mặc dầu sáng hôm nay chủ đề của chúng ta không phải là suy gẫm về giá trị của sự cầu nguyện, nhưng tôi xin được nói thêm một chút về điều ấy để Cơ-đốc-nhân có thể hiểu rõ thêm về những cách mà Chúa nhậm lời cầu nguyện của những người có đời sống đẹp lòng Ngài, và sau nầy khi có dịp thì tôi sẽ xin được trình bày chi tiết hơn về sự cầu nguyện. Mặc dầu câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn trong sách Tin lành Giăng 9: 31 cho biết rằng Đức Chúa Trời chỉ nhậm lời cầu nguyện của những người kính sợ Ngài thì không phải vì thế mà chúng ta cho rằng tất cả những người Chúa không nhậm lời đều là người có tội. Chúng ta có thể nhớ lại rằng Phao-lô, mặc dầu là người thánh của Chúa, nhưng khi ông cầu nguyện đến 3 lần để xin Chúa cất cái dằm xóc trong xác thịt ông mà Chúa vẫn không nhậm lời để ban cho ông điều ấy, như lời Kinh thánh có tường thuật lại trong
2CÔ-RINH-TÔ 12: 7-9 – Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi.
Trong lời thư của ông thì Phao-lô đã cho biết nguyên nhân vì sao mà mặc dầu ông đã cầu nguyện đến 3 lần để xin Chúa cất bỏ cái giằm xóc ấy nhưng Chúa vẫn không nhậm lời, ấy là để cho ông đừng kiêu ngạo và để ông có thể nhờ cậy nơi Chúa luôn luôn. Vì vậy dầu là nguyên tắc của Chúa về sự cầu nguyện là không thay đổi, nhưng trong mỗi một trường hợp của từng cá nhân thì sự việc có thể xãy ra khác một chút.
Trở lại với câu chuyện của bà An-ne thì chúng ta thấy rằng Đức Chúa Trời đã nhậm lời cầu nguyện của bà và ban cho bà sinh được một người con trai, là Sa-mu-ên. Như vậy thì điều đó chứng tỏ rằng bà là một người phụ nữ có đời sống đẹp lòng Chúa. Nhưng sự sầu khổ trong cuộc đời của bà có thể giúp cho chúng ta thấy được một trong những nguyên nhân làm cho con người bị đau khổ, đó là lời trêu ghẹo hoặc đàm tiếu của người khác, như Kinh thánh đã có tường thuật lại trong
1SA-MU-ÊN 1: 6-7 – Kẻ phân bì nàng khôn xiết trêu ghẹo nàng, để giục nàng lằm bằm vì Đức Giê-hô-va đã khiến nàng son sẻ. Từ năm nầy đến năm kia, mỗi khi nàng đi lên đền Đức Giê-hô-va, chồng đãi nàng như vậy, còn Phê-ni-na cứ trêu ghẹo nàng; An-ne khóc và không ăn.
Như vậy chnúg ta có thể thấy rằng sự sầu khổ của bà An-ne bắt nguồn từ việc bà bị người vợ thứ hai của Ên-ca-na là Phê-ni-na trêu ghẹo bà vì việc bà không có con. Nếu không có sự trêu ghẹo như vậy thì chắc rằng bà An-ne đã không phải đau khổ như thế, vì rõ ràng là lời Kinh thánh cho chúng ta biết rằng bà An-ne được chồng thương nhiều hơn là bà Phê-ni-na, và chính ông cũng đã an ủi bà bằng những lời rất ngọt ngào tuyệt diệu như có chép trong
1SA-MU-ÊN 1: 8 – Ên-ca-na, chồng nàng, nói rằng: Hỡi An-ne, sao nàng khóc? Cớ sao không ăn và lòng buồn bực dường ấy? Ta há chẳng đáng cho nàng hơn mười đứa con trai ư?
Đọc qua những lời của Ên-ca-na trong câu gốc vừa trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy được rằng ông là một người chồng tốt và rất thương bà An-ne, không những trong lời nói mà còn cả trong hành động nữa, như việc ông đã chia của lễ ra cho bà bằng gấp đôi những thành viên khác trong gia đình. Có một người chồng biết cảm thông và thương yêu bà như vậy thì chắc chắn là bà An-ne được an ủi nhiều lắm để bớt sầu khổ về việc không có con. Nhưng vì bà Phi-nê-na cứ trêu ghẹp và đàm tiếu luôn về việc bà An-ne bị son sẻ nên mặc dầu được chồng thương yêu chìu chuộng như bà vẫn cảm thấy đay khổ, đến nỗi cứ khóc mãi và không chịu ăn.
Đọc đến câu chuyện của bà An-ne thì chúng ta có thể liên tưởng đến những thực tế xãy ra trong cuộc sống bình thường mỗi một ngày của con người. Trong đời sống trần gian nầy thì có rất nhiều người đau khổ vì bị người ta đàm tiếu về nhiều khía cạnh khác nhau, nhất là về những hoàn cảnh thiếu may mắn hoặc không được tốt đẹp giống như những người khác. Tôi đã từng đọc được những mẫu tin tức về một số các học sinh Nhật bản đã tự tử vì bị người ta đàm tiếu chê bai về việc thi rớt. Dân tộc Nhật bản rất quan trọng về vấn đề sĩ diện và vì vậy mà khi bị người ta đàm tiếu thì họ không chịu nỗi, chẳng hạn như việc có hàng loạt binh sĩ và sĩ quan Nhật bản đã tự tử khi biết đất nước họ đầu hàng Đồng minh trong kỳ Đệ nhị thế chiến. Nhưng cũng vì tôn trọng sĩ diện mà hàng hóa họ sản xuất rất tốt, vì không bao giờ muốn người khác chê bai rằng dân tộc họ chỉ sản xuất đồ thứ phẩm. Bởi lẽ đó mà có một số người cho biết là họ chỉ thích đi máy bay của các hãng hàng không Nhật bản mà thôi vì tin rằng người Nhật chăm sóc và bảo trì phi cơ của họ kỹ lưỡng hơn các hãng máy bay khác. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chỉ có người Nhật mới biết coi trọng sĩ diện cá nhân và danh dự quốc gia. Tất cả mọi người khác đều có chung một khuynh hướng như vậy, nhất là cho cá nhân mình, tức là không thích bị người ta đàm tiếu hay chê bai, bất kể rằng chuyện đó thật hay hư, đúng hay sai. Nhiều người còn trở nên rất giận dữ khi bị đối xử cách như vậy.
Nhưng tất cả chúng ta cũng đều biết rằng việc bị người ta đàm tiếu hay chê cười là chuyện bình thường trong cuộc sống. Chắc chắn là không một ai trong chúng ta có ảo tưởng rằng cuộc đời của mình từ lúc sinh ra cho đến khi qua đời sẽ không hề bị người khác đàm tiếu bao giờ. Việc bị người ta chê cười về điều nầy hoặc điều kia là chuyện không thể tránh khỏi. Chúng ta biết rằng một trong những khía cạnh quan trọng của quyền tự do của con người là sự tự do trong ngôn luận. Không ai có thể bịt miệng hoặc cấm người khác đừng nói điều mà mình không thích nghe. Chỉ có những kẻ độc tài mới cầm tù và xử phạt những người nói lời mà họ không thích, còn ngoài ra thì mọi người đều có quyền nói điều mà họ muốn nói. Vấn đề quan trọng là mình có nên nghe hay không mà thôi.
Khi đọc phần Kinh thánh nền tảng của chúng ta sáng hôm nay thì quý Hội thánh có thể thấy rằng mặc dầu Ên-ca-na thương bà An-ne nhiều hơn là những thành viên khác trong gia đình của ông, và chắc chắn là ông biết lý do vì sao mà bà A-nen bị buồn khổ như vậy. Là người chủ trong gia đình thì ông chắc chắn phải biết là sự buồn khổ của bà An-ne là do lời đàm tiếu của bà Phê-ni-na về việc bà An-ne bị son sẻ, nhưng Kinh thánh không hề đề cập gì đến việc Ên-ca-na la rầy hoặc cấm đoán bà Phê-ni-na đừng nói về điều ấy. Bởi vì việc cấm đoán người khác nói lời mà họ muốn nói là vi phạm đến quyền tự do ngôn luận của người ta. Đó là một trong những quyền tự do mà Đức Chúa Trời đã ban cho con người. Như tôi vừa đề cập đến khi nãy thì chỉ có tại các nước độc tài thì người ta mới cấm đoán sự tự do ngôn luận của quần chúng mà thôi, mặc dầu bề mặt thì họ rất là hô hào và ca ngợi về sự tự do, xem nó như là điều quý giá, không gì có thể so sánh được. Nhưng vấn đề có nhận biết được sự mâu thuẫn đó hay không là tùy ở mỗi người. Nhưng trở lại với lời Kinh thánh thì chúng ta có thể thấy rằng chính vì tầm quan trọng của sự tự do ngôn luận mà ông Ên-ca-na đã không hề ngăn cấm bà Phê-ni-na về việc đừng có trêu ghẹo bà An-ne nữa, mà ông chỉ tìm cách hết sức vỗ về an ủi bà mà thôi. Cách thức xử sự của ông Ên-ca-na rất là đúng đắn và cũng là một bài học tốt cho Cơ-đốc-nhân ngày hôm nay khi phải đối diện với sự đàm tiếu hoặc khi cần phải an ủi người bị đau khổ vì những sự cườì chê của người khác. Tất cả chúng ta đều biết rằng mình không thể cấm người ta đừng nói, mà chỉ có thể giữ chính mình đừng nghe mà thôi. Nguyên tắc ấy tuy dễ mà khó, vì có nhiều người không làm được. Nhưng trong trường hợp của bà An-ne thì rất khó khăn vì bà sống chung trong một gia đình với bà Phê-ni-na nên có muốn tránh cũng không khỏi, và dầu không muốn nghe thì cũng không được. Và chính vì lý do đó mà bà An-ne bị sầu khổ vì cứ phải nghe mỗi ngày lời đàm tiếu của người khác về tình trạng của mình. Vì vậy đây là câu chuyện mà Đức Chúa Trời muốn dùng để dạy dỗ con dân Ngài về một trong những phương pháp có thể tránh bớt được đau khổ, đó là không nhất thiết phải nghe tất cả mọi lời mà người ta nói về mình. Nguyên tắc nầy đã được ghi lại trong
TRUYỀN ĐẠO 7: 21 – Chớ để lòng về mọi lời người ta nói, e ngươi nghe kẻ tôi tớ mình chưởi rủa mình chăng.
Khi lời Kinh thánh dạy dỗ rằng chớ để lòng thì điều đó có nghĩa là dẫu khi chúng ta có nghe được điều người khác nói về mình thì cũng đừng để vào lòng hầu có thể tránh khỏi sự buồn tức và những điều tai hại khác. Đây là nguyên tắc mà Cơ-đốc-nhân có thể tập cho chính cá nhân mình nếu muốn giữ được sự bình an và vui mừng trong tấm lòng. Ngoài ra chúng ta cũng cần phải để ý là điều mà bà Phê-ni-na nói về hoàn cảnh của bà An-ne thì không có gì sai, vì đúng thật là bà An-ne bị son sẻ chớ đâu phải bà Phê-ni-na dựng đứng chuyện để nói điều không có. Có thể là bà Phê-ni-na còn nói những lời mỉa mai, chê bai hoặc những lời nặng nề hơn, nhưng tựu chung thì vẫn là đàm tiếu về một thực tế trong đời sống của bà An-ne, là việc bà bị son sẻ. Và đây cũng là một bài học khác mà Cơ-đốc-nhân có thể rút ra được từ trong câu chuyện về cuộc đời của bà An-ne. Theo thực tế của đời thường thì nhiều người cảm thấy rất là khó chịu khi bị người ta nói về sự thật của đời sống mình. Đây là một phản ứng rất đáng ngạc nhiên nhưng lại thường xuyên xãy ra trong tâm trí của nhân loại. Chúng ta thử nhớ lại những trường hợp điển hình trong cuộc sống hàng ngày thì sẽ thấy được điều đó, chẳng hạn như những kẻ tham nhũng thì không bao giờ muốn nghe người khác nói là họ tham nhũng. Chính lương tâm của họ biết đó là điều xấu nhưng họ vẫn làm nhưng lại không muốn người khác gọi họ là kẻ tham nhũng. Phản ứng như vậy rất thường hay xãy ra. Nếu kể thêm về những thí dụ khác nữa thì chúng ta sẽ không có đủ thì giờ nhưng tôi tin rằng quý Hội thánh có thể trưng dẫn ra hàng chục trường hợp tương tự như thế. Nhưng chúng ta cũng cần phải biết thêm rằng sự khó chịu khi nghe người khác nói về thực trạng của mình thường bắt nguồn từ sự ảnh hưởng của lời khen hoặc tiếng chê bai của nhân gian về điều đó, chẳng hạn như có người nghèo thì không muốn bị người khác chê là mình nghèo nên phải cố giữ bề mặt ở bên ngoài rằng mình không có nghèo. Nhưng ngược lại có người giàu lại muốn người ta tưởng rằng họ nghèo để nhờ đó có thể tránh được sự để ý của trộm cướp. Tâm lý đó của nhân loại đã được lời Kinh thánh ghi lại trong
CHÂM NGÔN 13: 7 – Có kẻ làm bộ giàu, mà chẳng có gì hết; Cũng có người làm bộ nghèo, lại có của cải nhiều.
Như vậy chúng ta có thể thấy rằng sự đau khổ khi bị người khác đàm tiếu thường bắt nguồn từ quan điểm chê khen của thế gian, chớ không phải là vì thực trạng của cá nhân, chẳng hạn như trong trường hợp của bà An-ne, vì thời bấy giờ người ta cho rằng một người đàn bà son sẻ là người mất phước, thậm chí còn cho rằng đó là một phụ nữ gian ác nên bị Chúa phạt. Việc bà An-ne bị son sẻ là một thực tế nhưng khi bà Phê-ni-na cười nhạo về điều đó thì bà An-ne cảm thấy buồn khổ trong lòng. Nhiều người trong cuộc đời nầy cũng bị đau khổ giống như vậy khi bị người ta đàm tiếu về thực trạng của mình giống. Nhưng đời sống của bà An-ne đã cho chúng ta một tấm gương tốt và một bài học quý báu về cách đối phó với sự đau khổ từ những lời đàm tiếu. Đó là chạy đến với Chúa và nài xin Ngài giúp đỡ. Đọc lại phần Kinh thánh nền tảng thì chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng bà An-ne đã khóc với Chúa khi trình bày hoàn cảnh của bà và nài xin Chúa ban cho bà một đứa con để bà không còn bị xấu hổ nữa vì những lời đàm tiếu của người khác. Và Đức Chúa Trời đã nhậm lời nài xin của bà, như có chép trong
1SA-MU-ÊN 1: 20 – Đang trong năm, An-ne thọ thai và sanh một con trai, đặt tên là Sa-mu-ên, mà nói rằng: Tôi đã cầu xin nó nơi Đức Giê-hô-va.
Vì bà An-ne là người có đời sống đẹp lòng Chúa và biết nài xin sự giúp đỡ của Chúa nên Ngài đã nhậm lời của bà để cứu bà khỏi sự buồn khổ vì tình trạng không có con. Nhưng dẫu vậy thì câu chuyện của đời sống bà An-ne còn có những bài học khác rất cần để chúng ta đề cập đến, chẳng hạn như tình trạng bị son sẻ. Đó không phải là nguyên nhân dẫn đến sự đau khổ, nhưng những lời đàm tiếu về tình trạng ấy mới là nguyên nhân thật sự. Khi hiểu được như vậy thì Cơ-đốc-nhân sẽ có thể tránh được nhiều đau khổ hơn, không phải chỉ là đối với tình trạng son sẻ mà là đối với tất cả những hoàn cảnh khác. Trong cả vũ trụ nầy thì Đức Chúa Trời là Đấng Tể Trị hoàn toàn và điều gì xãy ra cho loài người cũng do Chúa cho phép mà có. Vì vậy con dân Chúa nên chấp nhận thực tế của đời sống mình và cố tránh nghe những lời đàm tiếu thì sẽ bớt được nhiều đau khổ. Chúng ta thử suy nghĩ về trường hợp của bà An-ne để làm thí dụ như thế nầy: Không phải tất cả mọi người son sẻ khi cầu nguyện với Chúa thì đều được Ngài nhậm lời và ban cho một đứa con như điều đã xãy ra đối với bà An-ne. Nếu như một người bị son sẻ và nài xin lâu năm với Chúa nhưng vẫn không có con thì sao? Nếu Cơ-đốc-nhân không cẩn thận mà chỉ suy nghĩ một chiều rằng vì Chúa đã ban phước cho bà An-ne thì cũng phải ban phước cho mình giống như vậy thì con dân Chúa có thể sẽ bị cám dỗ mà có lòng oán trách Đức Chúa Trời nếu như không nhận được điều mà lòng mình ao ước nài xin. Sự suy nghĩ một chiều như vậy sẽ làm cho sự đau khổ tăng gấp đôi, thứ nhất là đau khổ vì bị son sẻ và thứ hai là sự bực tức vì không được Đức Chúa Trời nhậm lời. Nếu nói một cách tổng quát để bao gồm tất cả những hoàn cảnh bất như ý xãy ra trong đời sống của con người thì sự suy nghĩ một chiều như vậy rất là nguy hiểm cho đời thuộc linh của Cơ-đốc-nhân, vì từ trước đến nay đã có nhiều người chối bỏ đức tin nơi Chúa, thậm chí còn trở thành người chống đối Chúa, chỉ vì lời cầu xin của họ không được Chúa trả lời.
Vì vậy khi đối diện với những sự đau khổ trong đời sống mình thì Cơ-đốc-nhân phải luôn luôn nhớ đến lẽ thật nầy, ấy là Đức Chúa Trời không bao giờ muốn con người phải chịu đau khổ, như lời Kinh thánh đã có chép trong
CA THƯƠNG 3: 33 – Vì ấy là chẳng phải bổn tâm Ngài làm cho con cái loài người cực khổ và buồn rầu.
Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương nên khi Ngài tạo dựng con người thì Ngài chỉ muốn con người được bình an, hạnh phúc và vui mừng mà thôi. Nhưng như trong phần thứ nhất của Chủ đề nầy mà tôi đã trình bày qua cùng với quý Hội thánh thì vì sự chọn lựa sai lầm của con người, từ A-đam là người đầu tiên cho đến cả nhân loại ngày hôm nay, thì đời sống của con người mới đầy những đau khổ, sầu muộn, thất vọng và sự chết. Vì vậy, khi Cơ-đốc-nhân biết được rằng Đức Chúa Trời không hề muốn nhân loại, nhất là con người phải chịu đau khổ thì con dân Chúa phải hiểu rằng những điều mà Chúa cho phép xãy đến cho mình đều là nằm trong chương trình của Chúa khi muốn con dân Ngài được tốt, ngay cả trong những trườnfg hợp khi Cơ-đốc-nhân nhận lấy hậu quả của những tội lỗi mà mình đã phạm, như lời của Chúa đã có ghi lại trong
RÔ-MA 8: 28 – Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.
Khi đọc cẩn thận câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn thì quý Hội thánh có thể thấy ngay được rằng bí quyết mà lời của Chúa đã dạy dỗ để Cơ-đốc-nhân có thể tránh thoát khỏi những đau khổ của cuộc đời là hết lòng kính yêu Đức Chúa Trời, thì dầu sự bất như ý nào xãy ra cho mình cũng sẽ trở thành điều phước hạnh cho chúng ta trong tương lai. Thử lấy trường hợp một người phụ nữ bị son sẻ như bà An-ne để làm thí dụ thì chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn. Lời của Chúa cho biết là trong ngày sau rốt thì những người đàn bà son sẻ sẽ có phước hơn là những người có con, vì cơn đại nạn hầu đến sẽ rất khủng khiếp và người ta sẽ rất đau khổ khi thấy con thơ của mình bị ảnh hưởng vì những tai ươn nặng nề đó, như lời của Chúa đã có cho ghị lại trong
LU-CA 23: 29-30 – Vì nầy, ngày hầu đến, người ta sẽ nói rằng: Phước cho đàn bà son, phước cho dạ không sanh đẻ và vú không cho con bú! Bấy giờ, người ta sẽ nói với núi rằng: Hãy đổ xuống trên chúng ta! với gò rằng: Hãy che chúng ta!
Những tai nạn của thời kỳ sau rốt sẽ rất khủng khiếp, đến nỗi theo như lời của Đức Chúa Jêsus đã phán và đã được trưng dẫn thì lúc bấy giờ người ta sẽ ước ao là núi đồi đổ xuống và phủ lấp họ để họ có thể tránh được những điều đáng sợ xãy ra cho loài người. Nhưng nói như vậy thì tôi không hề có ý bảo rằng các phụ nữ Cơ-đốc đừng sinh con vì cớ chúng ta đang sống trong thời kỳ sau rốt. Tại đây thì tôi chỉ muốn trình bày một cách tổng quát về việc nhận định mọi tình huống mà Cơ-đốc-nhân đang phải đối diện mà thôi. Vì vậy người có đức tin sẽ tiếp tục bình an trong mọi hoàn cảnh mà Đức Chúa Trời cho phép xãy ra trên đời sống mình vì tin rằng đó là tình yêu của Chúa và là chương trình tốt đẹp của Ngài dùng để chuẩn bị con dân của Chúa cho tương lai.
Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải hiểu thêm rằng đối với những sự đau khổ xãy ra vì cớ những tội lỗi đã phạm trong quá khứ thì điều đó vừa là sự công bằng của Chúa mà cũng là tình yêu của Ngài nữa, vì theo lời của Chúa thì người ta không thể không gánh lấy hậư quả của điều mình đã gây ra, nhưng sự đau khổ buồn rầu có thể trở thành ích lợi khi nó giúp cho người có tội biết ăn năn để trở về với Chúa và nhận được sự tha thứ của Ngài, như lời Kinh thánh có chép trong
GA-LA-TI 6: 7 – Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy.
2CÔ-RINH-TÔ 7: 10 – Vì sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự hối cải, và sự hối cải dẫn đến sự rỗi linh hồn; về sự đó người ta chẳng hề ăn năn, còn sự buồn rầu theo thế gian sanh ra sự chết.
Qua hai câu Kinh thánh vừa trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy được rõ ràng rằng mậc dầu Đức Chúa Trời không có ý muốn để cho con người bị đau khổ, nhưng vì sự công bàng và tình yêu thương của Chúa thì Ngài vẫn cho phép sự đau khổ xãy ra để con người nhờ đó biết ăn năn và củng nhờ đó mà trong tương lai họ có thể nhận được sự sống đời đời. Con dân Chúa cần phải ghi nhớ về điều ấy mà tỉnh thức, vì theo như lời của Chúa đã cảnh cáo trước thì trong thời kỳ sau rốt mà chúng ta đang sống đây thì sẽ có nhiều Cơ-đốc-nhân không còn muốn được nhắc nhở về tội lỗi, sự tái sanh và sự nên thánh nữa mà chỉ muốn nghe về phước và những chuyện huyễn tựa như chuyện trong nhà ngoài phố mà thôi, như lời Kinh thánh đã có chép trong
1TI-MÔ-THÊ 4: 3-4 – Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn.
Chỉ bởi nghe lẽ thật thì con dân của Chúa mới biết được điều cần nên làm và điều cần phải tránh, và nhờ đó mới có thể tránh khỏi những lựa chọn sai lầm và bớt được những sự đau khổ trong đời sống mình. Những lời êm tai, né tránh tội lỗi và chỉ nói đến phước không mà thôi sẽ làm cho Cơ-đốc-nhân bị ru ngũ, sẽ làm cho Cơ-đốc-nhân tự thỏa mãn với chính cá nhân của mình nhưng sẽ không giúp gì được cho việc giảm bớt những đau khổ đang phải đối diện. Ấy là vì Đức Chúa Trời là Đấng Công Bằng, Ngài thưởng phạt rất phân minh đối với mọi người, nên Cơ-đốc-nhân cần phải biết sống đẹp lòng Chúa trước đã thì tự nhiên sự đau khổ của mình sẽ giảm bớt dần mỗi ngày cho đến khi được trở về với Chúa.
Bởi lẽ đó, đối với sự đau khổ bắt nguồn từ những lời đàm tiếu của người khác về hiện trạng của mình thì Cơ-đốc-nhân nên tìm cách tránh xa để khỏi phải nghe những lời ấy. Chúng ta cần phải nhớ luôn nguyên tắc nầy, ấy là người ta có thể nói mà mình không cần phải nghe. Chúng ta không thể cấm người ta đàm tiếu về mình nhưng cũng không ai có thể bắt mình phải nghe lời họ nói. Thực tế cho thấy là có những em học sinh mặc dầu thầy cô đang giảng bài lớn tiếng trong lớp nhưng các em vẫn có thể thả hồn qua cửa sổ để nghĩ về chuyện khác. Hoặc là có những người, mặc dầu bị giam cầm hằng mười mấy năm và nghe tuyên truyền mỗi ngày nhưng họ vẫn không để cho cá nhân họ bị ảnh hưởng bởi những lời ấy. Người khác đã làm được thì Cơ-đốc-nhân cũng có thể thực hiện được việc không cần phải nghe những lời đàm tiếu của người khác về mình để có thể bớt được sự buồn khổ trong lòng. Và cách tốt nhất để con dân Chúa có được một đời sống bình an, vui mừng là tập tành sống bằng tiêu chuẩn của Kinh thánh hơn là sống theo quan điểm của thế gian. Vì tiêu chuẩn trong Kinh thánh là đời đời không thay đổi và đã được ban cho bởi Đức Chúa Trời, có nghĩa là đã được Ngài chấp nhận. Còn quan điểm của thế gian thì cứ thay đổi theo thời kỳ và xu hướng của con người, nhất là rất mâu thuẫn với nhau theo kiểu 9 người 10 ý nên sống theo quan điểm của thế gian chỉ làm cho cuộc đời mình khổ thêm mà thôi.
Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời toàn năng thương xót và cứu giúp con dân Ngài khỏi những đau khổ của trần gian. Cầu xin Đức Chúa Trời thêm sức cho và cứ tiếp tục nhắc nhở bằng lời của Ngài để Cơ-đốc-nhân biết tránh khỏi những sai lầm thường xãy ra trong đời sống của con người hầu nhờ đó có thể được vui vẻ hơn và bớt được nhiều đau khổ. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh soi sáng thêm cho con dân Chúa để biết điều cần phải làm mỗi một khi thực hiện sự tự do lựa chọn của mình trong đời sống thường nhật của trần gian. Amen.
CÁC CÂU KINH THÁNH ĐÃ TRƯNG DẪN:
TRUYỀN ĐẠO 7: 21 – Chớ để lòng về mọi lời người ta nói, e ngươi nghe kẻ tôi tớ mình chưởi rủa mình chăng.