TÀI NĂNG ĐỂ LÀM CÔNG VIỆC CHÚA

TÀI NĂNG ĐỂ LÀM CÔNG VIỆC CHÚA

Kinh thánh: Sáng thế ký 35: 30-35

Câu gốc: 2CÔ-RINH-TÔ 3: 6 phần A – Ấy là Ngài đã ban tài năng cho chúng tôi giúp việc giao ước mới, chẳng phải giao ước về chữ, bèn là giao ước về Thánh Linh.

*******

ABILITIES TO SERVE GOD

Bible: Exodus 35: 30-35

Main verse: 2CORINTHIANS 3: 6 part A – God also hath made us able ministers of the new testament; not of the letter, but of the spirit.

*******

Trong Kinh thánh có ghi lại nhiều mạng lệnh của Chúa truyền phán rằng Cơ-đốc-nhân phải siêng năng làm việc. Ngoài xã hội thì chúng ta siêng năng làm việc để lo cho bản thân và giúp đỡ cho người thân trong gia đình. Còn trong Hội thánh thì chúng ta làm việc để phục vụ Chúa và phục vụ cộng đồng Cơ-đốc-nhân, là anh chị em của chúng ta trogn đức tin. Nhưng khi chúng ta siêng năng làm việc thì cũng phải biết phân biệt và hiểu rõ sự khác nhau giữa công việc làm bên ngoài xã hội và việc làm bên trong Hội thánh.

Lời của Chúa trong Kinh thánh đã cho chúng ta biết về vấn đề nầy khi ghi lại sự chuẩn bị lập Đền tạm tại nơi đồng vắng cho Đức Chúa Trời sau khi dân Y-sơ-ra-ên đã được cứu ra khỏi sự làm nô lệ tại xứ Ê-díp-tô.

Theo như lời Kinh thánh cho biết thì dòng dõi của Áp-ra-ham đã làm nô lệ tại xứ Ai-cập suốt 430 năm. Sau đó thì họ được Đức Chúa Trời cứu ra khỏi nơi ấy sau khi Ngài thực hiện mười phép lạ lớn lao để làm cho dân Ê-díp-tô nhận biết Ngài.

Trong suốt thời gian làm nô lệ thì công việc chủ yếu của dân Y-sơ-ra-ên là làm việc ngoài đồng ruộng, làm gạch và khuân vác các nguyên vật liệu để xây cất những thành quách lớn lao cho người Ai-cập:

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 1: 11-14 – Vậy, người Ê-díp-tô bèn đặt các kẻ đầu xâu để bắt dân Y-sơ-ra-ên làm xâu khó nhọc; họ xây thành Phi-thom và Ram-se dùng làm kho tàng cho Pha-ra-ôn. Nhưng người Ê-díp-tô càng bắt làm khó nhọc chừng nào, dân Y-sơ-ra-ên càng thêm nhiều lên, và tràn ra chừng nấy. Người Ê-díp-tô bèn đem lòng ghen ghét dân Y-sơ-ra-ên, bắt làm công việc nhọc nhằn, gây cho đời dân ấy nên cay đắng, vì nỗi khổ sở nhồi đất, làm gạch và mọi việc khác ở ngoài đồng. Các công việc nầy người Ê-díp-tô bắt dân Y-sơ-ra-ên làm nhọc nhằn lắm.

Có thể là trong số họ có những người có tài năng, biết làm công việc đẽo đá và khắc chạm, vì những thành quách thời thượng cổ thường được trang hoàng bằng những hình thức như vậy. Nhưng sau khi rời khỏi Ai-cập và được Đức Chúa Trời ra lệnh phải lập Đền tạm làm nơi thờ phượng Chúa thì dân Y-sơ-ra-ên cần phải có những tài năng khác hơn để làm việc đó theo mạng lệnh của Chúa.

Vì vậy mà Đức Chúa Trời đã chọn hai người, là Bết-sa-lê-ên và Ô-hô-li-áp, để làm thợ chánh chính thức hướng dẫn, trông coi và thực hiện các công tác cần thiết của việc lập Đền tạm. Lúc bấy giờ thì Đức-Thánh-Linh chưa được ban xuống cách rộng rãi và liên tục như trong thời kỳ các sứ đồ của Đức Chúa Jêsus và mãi đến thời đại hiện nay của chúng ta. Nhưng Đức Chúa Trời cũng đã ban Đức-Thánh-Linh cho Bết-sa-lê-ên và Ô-hô-li-áp để nhờ đó họ có được khả năng cần thiết mà thực hiện việc lập Đền tạm.

Sự ban cho Đức-Thánh-Linh thời bấy giờ có nghĩa là chỉ những người được chọn để làm công việc Chúa mới được Đức-Thánh-Linh thăm viếng và ở cùng mà thôi, số những người còn lại trong cả dân tộc Y-sơ-ra-ên thì không được đặc ân ấy. Còn trong thời kỳ ân điển mà chúng ta sống đây thì Đức-Thánh-Linh được ban cho tất cả các con cái của Chúa, nhưng mức độ Đức-Thánh-Linh nhiều hay ít thì tùy thuộc mức độ đức tin của người đó thấp hay cao.

Lời Kinh thánh cho biết là đức tin có những mức độ khác nhau và tùy theo mức độ ấy mà Cơ-đốc-nhân có Đức-Thánh-Linh nhiều hay ít.

Ê-PHÊ-SÔ 5: 18 – Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh.

Khi Kinh thánh dùng chữ đầy dẫy để mô tả đến việc Đức-Thánh-Linh ở trong đời sống của Cơ-đốc-nhân, thì điều đó có nghĩa là có người chỉ được Đức-Thánh-Linh chút ít, và có người được Đức-Thánh-Linh một cách đầy dẫy. Thông thường thì Cơ-đốc-nhân, vì biết rằng Đức-Thánh-Linh là một Thân vị trong ba ngôi Đức Chúa Trời, nên cho rằng hễ có Đức-Thánh-Linh thì ai cũng bằng nhau. Nhưng điều đó chưa đúng hoàn toàn với lẽ thật trong Kinh thánh.

Vì Đức-Thánh-Linh chính là năng lực của Đức Chúa Trời được Thân vị hóa nên vì đó mà mức độ Đức-Thánh-Linh ở trong đời sống của mỗi Cơ-đốc-nhân cũng có sự khác nhau.

NÊ-HÊ-MI 9: 20 – Chúa cũng ban cho chúng Thần linh lương thiện của Chúa, để dạy dỗ cho chúng, không từ chối cho miệng chúng ăn ma-na, và ban cho chúng nước đặng uống khát.

1CÔ-RINH-TÔ 2: 11 – Vả, nếu không phải là thần linh trong lòng người, thì ai biết sự trong lòng người? Cũng một lẽ ấy, nếu không phải là Thánh Linh của Đức Chúa Trời, thì chẳng ai biết sự trong Đức Chúa Trời.

2CÔ-RINH-TÔ 3: 17 – Vả, Chúa tức là Thánh Linh, Thánh Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự do cũng ở đó.

Để cho dễ hiểu thì chúng ta thử nghĩ đến thí dụ nầy. Vì Đức Chúa Jêsus đã ví Đức-Thánh-Linh như là gió, tức là sự chuyển động của không khí nên chúng ta cũng lấy không khí để làm thí dụ hầu có thể hiểu về Đức-Thánh-Linh:

GIĂNG 3: 8 – Gió muốn thổi đâu thì thổi, ngươi nghe tiếng động; nhưng chẳng biết gió đến từ đâu và cũng không biết đi đâu. Hễ người nào sanh bởi Thánh Linh thì cũng như vậy.

Trên bề mặt của Trái đất thì ở đâu cũng có không khí. Khi một người hít thở thì không khí sẽ vào trong phổi của người ấy và chúng ta có thể nói là người ấy có không khí ở bên trong cơ thể, nhưng lượng không khí đó nhiều hay ít tùy thuộc vào việc hít thở có sâu hay không.

Cũng một thể ấy tất cả các Cơ-đốc-nhân sau khi tin Chúa đều có Đức-Thánh-Linh, nhưng mức độ ít hay nhiều tùy vào đức tin của người đó mạnh hay yếu trong Chúa. Bởi lẽ đó lời của Chúa trong Kinh thánh mới cho biết rằng để có thể được Đức-Thánh-Linh là Thần Lẽ Thật giúp cho hiểu được Kinh thánh thì Cơ-đốc-nhân phải có đức tin trọn vẹn, bằng không thì chẳng thể nào hiểu được, như trong trường hợp của những người tin không quyết, có nghĩa là dẫu họ đã tin Chúa rồi nhưng vẫn còn nghi ngờ về lời của Chúa trong Kinh thánh:

2PHI-E-RƠ 3: 16 – Ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Kinh thánh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình.

Trở lại với việc lập Đền tạm, thì công việc ấy hoàn toàn khác hẳn với việc xây cất cung đền và thành quách cho người Ê-díp-tô, vì họ là những kẻ thờ lạy thần tượng. Vì vậy mà Bết-sa-lê-ên và Ô-hô-li-áp cần phải có Đức-Thánh-Linh giúp đỡ và chỉ dẫn mới tiến hành được công việc lập Đền tạm một cách thành công và đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Theo như lời Kinh thánh trong Xuất Ê-díp-tô ký đoạn 35: 30-35 thì khi Đức Chúa Trời ban Đức-Thánh-Linh vào trong đời sống của họ thì Bết-sa-lê-ên và Ô-hô-li-áp có được sự khôn ngoan, sự thông sáng, sự hiểu biết để làm mọi thứ nghề thợ về đồ vàng, bạc và đồng, nghề thợ về việc khắc và khảm các thứ ngọc, nghề chạm trổ khéo léo, nghề thêu, dệt, nhuộm cùng các công việc khác có liên quan đến việt cất Đền tạm.

Như vậy chúng ta có thể thấy được về quyền năng của Đức-Thánh-Linh hành động trong một người và giúp cho người ấy có đủ khả năng, tài năng để làm công việc Chúa.

Có nhiều người thì không tin như vậy vì lập luận rằng những người không tin nơi Đức Chúa Jêsus cũng có tài năng, thậm chí tài năng của họ còn hơn hẳn cả Cơ-đốc-nhân nữa, và bằng chứng thì chúng ta có thể thấy khắp mọi nơi trong mọi phương diện. Một trong những bằng chứng dễ thấy nhất là sự ca hát. Những người chưa tin hát hay hơn Cơ-đốc-nhân nhiều lắm, mà họ đâu có Đức-Thánh-Linh. Ngoài ra trong những nghành nghề khác thì rất nhiều người chưa tin có tài năng hơn hẳn Cơ-đốc-nhân.

Trong phạm vi của chủ đề nầy thì chúng ta không nghiên cứu đến sự kiêu ngạo, nhưng cũng cần nói qua một chút. Khi Cơ-đốc-nhân làm được điều gì cho Chúa mà sinh lòng kiêu ngạo, dầu là chỉ chút ít, thì cũng khiến cho tài năng mà mình đang có trở thành vô ích, vì Đức Chúa Trời không bao giờ đẹp lòng kẻ kiêu ngạo:

LÊ-VI KÝ 26: 19 – Ta sẽ dẹp sự kiêu ngạo về năng lực các ngươi. Ta sẽ khiến trời các ngươi cứng như sắt và đất trơ như đồng.

GIA-CƠ 4: 6 – Nhưng Ngài lại ban cho ta ơn lớn hơn nữa. Vì vậy, Kinh thánh chép rằng: Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.

Khi Cơ-đốc-nhân làm công việc Chúa mà có lòng kiêu ngạo thì Đức Chúa Trời sẽ dẹp năng lực của người đó, nghĩa là làm cho tài năng của người đó trở thành vô ích, hoặc là làm cho người đó mất cơ hội để hầu việc Chúa. Hay nói cách khác, theo như lời của Chúa trong câu Kinh thánh vừa trưng dẫn, thì dẫu người đó có tài năng thì vẫn không đem lại kết quả gì hết, giống như việc một người cày cấy mà trời cứ cứng như sắt không có mưa, và đất trơ như đồng không sinh bông trái.

Đó là một trong những lý do mà tài năng của Cơ-đốc-nhân không bằng được tài năng của người thế gian. Ấy là bởi vì lòng kiêu ngạo, vì cứ hễ làm được điều gì cho Chúa thì lập tức lên mặt ta đây là hay là giỏi và coi thường cả Hội thánh. Rốt cuộc thì vì sự kiêu ngạo như vậy nên tài năng không bằng được người chưa tin.

Nhưng Kinh thánh cũng cho biết là người ngoại, dầu là có tài năng hơn hẳn Cơ-đốc-nhân, nhưng vì sử dụng tài năng đó chỉ để đánh bóng và xưng tụng cá nhân mình mà thôi, nên rốt lại thì cũng sẽ vô ích trong đời nầy và trong đời sau. Trong đời nầy thì có nhiều người tài năng nhưng lại không thể nhờ vào đó mà tìm được niềm vui thật hoặc hạnh phúc thật cho chính họ nên vì vậy mà đời sống họ cứ buồn rầu, chán chường, phải sử dụng ma túy, rượu bia và lối sống thác loạn để tìm chút vui tạm bợ, và cũng vì vậy mà có nhiều người trong số họ đi đến chỗ tự tử. Trên báo chí có hằng trăm bằng chứng về câu chuyện của những người có tài năng xuất chúng, được thành công rực rỡ trong nghề nghiệp của họ, được giàu có, được nổi tiếng, nhưng lại đi tự tử vì thấy cuộc đời không đáng sống.

Còn trong đời sau thì sự thành công bởi tài năng như vậy cũng sẽ không được kể đến. Vì nếu công việc của Cơ-đốc-nhân không làm trong danh Chúa mà còn bị tiêu hủy, thì làm sao công việc của những người chưa tin có thể còn lại được?

1CÔ-RINH-TÔ 3: 13-15 – Công việc của mỗi người sẽ bày tỏ ra. Ngày đến sẽ tỏ tường công việc đó; nó sẽ trình ra trong lửa, và công việc của mỗi người đáng giá nào, lửa sẽ chỉ ra. Ví bằng công việc của ai xây trên nền được còn lại, thì thợ đó sẽ lãnh phần thưởng mình. Nếu công việc họ bị thiêu hủy, thì mất phần thưởng. Còn về phần người đó, sẽ được cứu, song dường như qua lửa vậy.

Nhưng khi một người được Thánh Linh của Đức Chúa Trời thăm viếng và ở cùng như trong trường hợp của Bết-sa-lê-ên và Ô-hô-li-áp thì người đó sẽ có sự khôn ngoan để nhận biết rằng mình đang hầu việc Đức Chúa Trời để có thể tìm mọi cách dâng vinh hiển cho Ngài, làm cho Ngài đẹp lòng, để có thể nhu mì, khiêm nhường trước mắt Chúa để được Ngài ban thêm ơn và tăng cường thêm khả năng cho mình. Ngưới đó cũng sẽ có sự thông sáng để biết sử dụng tài năng của mình cho thật thích hợp, biết tận dụng thì giờ và mọi cơ hội Chúa ban cho để không bị lãng phí. Người đó cũng sẽ có sự hiểu biết để cảm thông, hiệp một với những anh chị em đồng công để làm công việc Chúa một cách có hiệu quả và bền đỗ, lâu dài.

Khi được Đức-Thánh-Linh thăm viếng thì chắc chắn Cơ-đốc-nhân chúng ta sẽ càng ngày càng sốt sắng hầu việc Chúa một cách mạnh mẽ trong vui mừng, và công khó của chúng ta sẽ được Chúa ghi nhớ để tưởng thưởng trong đời nầy và đời sau, vì Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng Công Bình, Đấng thưởng phạt phân minh:

1CÔ-RINH-TÔ 15: 58 – Vậy, hỡi anh em yêu dấu của tôi, hãy vững vàng chớ rúng động, hãy làm công việc Chúa cách dư dật luôn, vì biết rằng công khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô ích đâu.

Như câu Kinh thánh chủ đề của chúng ta thì Đức Chúa Trời đã ban tài năng cho chúng ta để giúp việc giao ước mới, hầu cho mỗi chúng ta đều được phần thưởng trong ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm. Vì vậy xin mỗi chúng ta ghi nhớ lời nầy để cố gắng dùng khả năng, tài năng của mình mà hầu việc Chúa trong Hội thánh, để Chúa được vinh hiển, được đẹp lòng, để Hội thánh được gây dựng, được phấn hưng, được có tiếng tốt, và để mỗi người chúng ta trong năm mới nầy được phước càng thêm phước, ơn càng thêm ơn cho đến ngày Chúa chúng ta trở lại. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *