TÀI LIỆU PHỤ LỤC 1
Sau hai năm gặp gỡ và thảo luận dưới sự giám sát chặt chẽ của Vatican, vào ngày 29 tháng Ba 1994, các đại diện của giáo hội Tin Lành và Công giáo tại Hoa-kỳ đã ký vào văn bản ‘Tin Lành và Công giáo hiệp nhất: Công tác của những người có đạo trong thiên niên kỷ thứ 3’ (Evangelicals and Catholics Together: The Christian Mission in the 3rd Millennium) (Chúng tôi dùng chữ có đạo thay vì là Cơ-đốc-nhân hoặc người Thiên Chúa giáo để cho thấy mục tiêu của bản tuyên ngôn nầy). Theo báo New York Times đăng tải vào ngày 30 tháng Ba thì đây là kế hoạch của đôi bên nhằm khuyến khích người Tin Lành và người Công giáo nhìn nhận nhau là Cơ-đốc-nhân (Christians), và từ điểm đó đi đến chỗ bãi bỏ việc truyền giáo cho nhau. (Từ trước đến nay thì người Tin Lành làm chứng cho tín đồ Công giáo để tin Chúa, còn giáo hội Công giáo thì tuyên bố rằng nếu chưa thuộc về Công giáo thì chưa phải là con dân của Chúa).
Những người Tin Lành nổi tiếng ký tên vào bản tuyên cáo nầy là Mục sư Pat Robertson, Mục sư Charles Colson, Mục sư John White (hiệu trưởng trường thần học Geneva College và là cựu chủ tịch Hiệp hội Tin Lành tại Hoa-kỳ – National Association of Evangelicals), Mục sư Bill Bright (người sáng lập nhóm Thập tự quân của Ðấng Christ tại các trường đại học – Campus Crusade for Christ), giáo sư Mark Noll của trường thần học Weaton và nhiều người có tên tuổi khác.
Mặc dầu cả hai bên Tin Lành và Công giáo đều khen ngợi cố gắng nầy, nhưng có một điểm mấu chốt vốn phân biệt giữa niềm tin của hai bên từ hơn 500 năm nay vẫn không được giải quyết hoặc đề cập đến, đó là định nghĩa thế nào là người tin nhận nơi sự cứu rỗi trong Ðấng Christ (mà chúng ta vẫn thường gọi là Cơ-đốc-nhân). Sự khác biệt về nhận định của hai bên là nguyên nhân có cuộc chiến tranh 30 năm tại châu Âu với hàng triệu người Tin Lành bị bắt bớ và tử hình, hàng triệu người bỏ quê quán để vượt biển đến Tân thế giới hầu giữ được mạng sống của họ.
Quan điểm khác biệt nầy bày tỏ rõ ràng trong bài Tín điều các Sứ đồ mà cả hai bên đều sử dụng nhưng ít có người, nhất là Cơ-đốc-nhân (người Tin Lành) nhận thấy điểm trọng yếu trong các lời ấy:
Tôi tin Ðức Chúa Trời toàn năng là Cha, là Ðấng dựng nên trời đất. Tôi tin Jêsus Christ là Con Ðộc Sanh của Ðức Chúa Trời và Chúa chúng ta. Ngài được đầu thai bởi Thánh Linh, sanh bởi nữ đồng trinh Ma-ri, chịu thương khó dưới tay Bôn-xơ Phi-lát, bị đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết và chôn. Ngài xuống Âm phủ, đến ngày thứ ba Ngài từ kẻ chết sống lại. Ngài thăng thiên, ngồi bên hữu Ðức Chúa Trời toàn năng là Cha. Từ đó, Ngài sẽ trở lại để xét đoán kẻ sống và kẻ chết. Tôi tin Thánh Linh, tôi tin Hội thánh phổ thông, sự cảm thông của thánh đồ, sự tha tội, sự sống lại của thân thể, và sự sống đời đời. A-men.
Bài Tín điều các Sứ đồ đã thấy xuất hiện vào khoảng năm 390, khi Hội thánh đầu tiên đã bắt đầu có sự tẻ tách khỏi con đường chánh đáng của Kinh thánh, vì vậy có nhiều lẽ đạo quan trọng không được đề cập đến trong các lời nầy. Dầu vậy Cơ-đốc-nhân của nhiều giáo hội Tin Lành vẫn đọc một cách thành tâm mà không hề thấy được sự thiếu sót quan trọng về niềm tin của người theo Chúa.