SỨC MẠNH CỦA LỜI NÓI TRONG HÔN NHÂN

Kinh thánh: Nhã ca 2: 10-17

Câu gốc: CÔ-LÔ-SE 4: 6 – Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào.

*******

Câu Kinh thánh nầy xác định rằng lời nói của con người là rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày và Cơ-đốc-nhân chúng ta phải nên cẩn thận trong cách dùng ngôn từ để giao tiếp với mọi người trong từng trường hợp. Tất cả các chuyên gia về tâm lý học cũng như về xã hội học đều có chung một nhận xét tương tự như vậy. Nếu chúng ta chịu khó tra cứu kỹ lưỡng trong Kinh thánh thì sẽ tìm thấy được hơn 100 câu gốc dạy dỗ Cơ-đốc-nhân phải nên cẩn thận sử dụng ngôn từ trong lời nói của mình như thế nào khi giao tiếp với mọi người, dầu là đối với người thân trong gia đình, đối với các anh chị em trong đức tin tại Hội thánh, hay là đối với mọi người ngoài xã hội, như tại chỗ làm, công sở. Khi lời nói của chúng ta xứng hiệp thì sẽ ích lợi cho người nghe nhiều lắm:

CHÂM NGÔN 15: 23 – Miệng hay đáp giỏi khiến người vui vẻ; Và lời nói phải thì lấy làm tốt biết bao!

Nhưng ngày hôm nay chúng ta chỉ cùng nhau suy gẫm lời Kinh thánh dạy dỗ chúng ta về những lời nói của vợ chồng đối nhau trong hôn nhân mà thôi. Trong những lần tới chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm tầm quan trọng của lời nói trong những phương diện khác của cuộc sống.

Theo các chuyên gia tâm lý học và cố vấn về gia đình thì cuộc hôn nhân của các cặp vợ chồng thường bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những lời mà họ nói với nhau tại nhà riêng. Thông thường thì lời nói của họ có thể khác biệt giữa những lúc nói chuyện với nhau trước đám đông và những lúc ở tại nhà. Những lời nói ra tại nhà mới thật sự là quan trọng và có ảnh hưởng đến hạnh phúc trong hôn nhân. Vì vậy mà chúng ta phải chú ý khi nói chuyện với người phối ngẫu của mình, ngay cả khi nói thầm, tức là suy nghĩ về người phối ngẫu của chúng ta trong tư tưởng, khi mà chỉ có Chúa và một mình chúng ta biết mà thôi. Dầy vậy sự suy nghĩ trong lòng cũng có ảnh hưởng rất lớn đến hôn nhân của các cặp vợ chồng.

Thường thì tất cả các cuộc hôn nhân đều bắt đầu bằng những lời nói đầy tình cảm. Khi mới yêu nhau thì người ta thường nói với nhau những lời rất tốt đẹp. Nam giới thì dùng lời ngọt ngào, nữ giới thì dùng lời dịu dàng thỏ thẻ để tạo tình cảm đối với nhau. Những lời nói êm tai, ngọt ngào như vậy là một trong những động lực chính giúp cho những cặp nam nữ có quyết định đi đến hôn nhân. Vì chắc chắn là không bao giờ có việc hai người cứ cãi vả mỗi lần gặp mặt nhau lại quyết định thành hôn với nhau bao giờ.

Nhưng cũng theo thực tế của đời sống cho thấy, thì sau khi đã lập gia đình với nhau một thời gian thì những lời nói ngọt ngào, êm dịu, nhỏ nhẹ lúc mới quen, lúc mới yêu, sẽ bắt đầu giảm bớt và thay vào đó là những lời khô khan, cọc cằn hơn. Và sau nhiều năm sống chung trong hôn nhân thì người ta bắt đầu có những lúc cay đắng và nặng lời với nhau, đặc biệt là những lời nói ra lúc nóng giận, buồn phiền hoặc hiểu lầm nhau. Lúc bấy giờ thì hai người sẽ không còn nhớ đến những lời ngọt ngào dịu dàng ngày trước nữa mà họ đã nói với nhau, mà chỉ còn nhớ đến những lời trách cứ, xỉ vả nhau, những lời làm tổn thương nhau trong hiện tại mà thôi. Mặc dầu sau đó hai vợ chồng có thể làm hòa lại với nhau, nhưng những lời nói lúc nóng giận, lúc cay đắng sẽ vẫn cứ còn giữ lâu trong tâm trí họ và ký ức đó sẽ có dịp trở lại mỗi một khi có cãi vả, giận dữ với nhau. Vì thế mà cuộc hôn nhân của những người ở trong những trường hợp như vậy sẽ bắt đầu có khuynh hướng bị nhạt phai, và nếu không lập tức sửa chữa ngay thì sẽ có nguy cơ bị rạn nứt và đổ vỡ sau nầy.

Ngoài ra các nhà tâm lý học còn cho biết rằng trong con người có một khuynh hướng đặc biệt, có thể ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc trong hôn nhân. Đó là Khuynh Hướng Ủng Hộ Quan Điểm Cá Nhân (Confirmation Bias). Khuynh hướng nầy được các chuyên gia giải thích như sau: Khi một người nói về người khác hay nghĩ về người khác thế nào, thì họ có khuynh hướng là sẽ cố tìm cho bằng được các chứng cớ để ủng hộ cho quan điểm cá nhân đó của mình.

Chẳng hạn như khi một người nghĩ về người phối ngẫu của mình là người làm biếng, hoặc là người ích kỷ, thì từ đó trở về sau sẽ cứ tìm kiếm hoặc chú ý đến lỗi lầm của vợ hoặc chồng để ủng hộ cho quan điểm ấy mà thôi, trong khi đó lại quên những ưu điểm hoặc đức tính tốt khác. Nhưng ngược lại, nếu một người biết chú ý đến ưu điểm của người phối ngẫu của mình thì sẽ cứ nhìn thấy những điều hay đẹp mà quên đi những khuyết điểm khác, và nhờ đó mà được vui vẽ, gắn bó với nhau lâu dài. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cứ giữ mãi khuyết điểm trong đời sống mình và bắt buộc người phối ngẫu phải chấp nhận. Vì cớ hạnh phúc riêng của mình mà chúng ta cần phải nên thay đổi. Vả lại, chúng ta là Cơ-đốc-nhân và Chúa muốn chúng ta phải trở nên người mới, người tốt hơn cho Chúa và tốt hơn để ích lợi cho nhau.

2CÔ-RINH-TÔ 4: 16 – Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn.

Những chữ Dầu người bề ngoài hư nát có ý nói đến việc đời sống chúng ta càng ngày càng cao tuổi, sức lực mòn mõi dần, nhưng người bề trong thì cứ tiếp tục đổi mới, tiếp tục tốt hơn theo như điều Chúa đã dạy, theo như các mẫu mực mà Chúa đã chỉ định. Sự đổi mới như vậy sẽ ích lợi cho cuộc hôn nhân của chúng ta nhiều lắm. Vì vậy sự nên thánh trong đời sống của Cơ-đốc-nhân là một trong những bí quyết quan trọng giúp cho con dân Chúa được hạnh phúc lâu dài trong cuộc hôn nhân của mình. Nó giúp cho những cặp vợ chồng trong Chúa yêu quý nhau nhiều hơn theo năm tháng của cuộc sống chung của họ.

Người ta đưa ra một thí dụ để minh chứng cho Khuynh Hướng Ủng Hộ Quan Điểm Cá Nhân như thế nầy: Mặt trời thì lớn mà các ngón tay của chúng ta thì nhỏ, nhưng nếu đưa chỉ đưa hai ngón tay đến thật gần con mắt, thì sẽ che được ánh sáng của mặt trời. Cũng vậy, ai cũng có khuyết điểm, nhưng nếu chúng ta cứ chú ý mãi đến khuyết điểm nhỏ của người khác thì sẽ không bao giờ nhận thấy được những đức tính hoặc ưu điểm khác của người đó, và từ đó sẽ ảnh hưởng đến mối liên hệ song phương đối với nhau. Trong cuộc hôn nhân cũng như vậy, lời nói và sự suy nghĩ của chúng ta về người phối ngẫu quyết định sự hạnh phúc trong cuộc hôn nhân của mình. Trong Kinh thánh có một câu gốc mà chúng ta có thể liên hệ đến chủ đề nầy một cách chính xác, đó là Nhã ca 2: 15

NHÃ CA 2: 15 – Hãy bắt cho chúng tôi những con chồn, những con chồn nhỏ phá hại vườn nho; Vì vườn nho chúng tôi đang trổ bông.

Vườn nho có thể được ví như cuộc hôn nhân của chúng ta và những con chồn nhỏ đó có thể được ví như là những lời nói không hay được thốt ra lúc giận dữ, những lời nói làm tổn thương nhau và từ đó có thể làm cho cuộc hôn nhân của chúng ta bị ảnh hưởng. Cũng bởi lẽ đó mà Kinh thánh đã cho biết rằng cái lưỡi có quyền làm cho sống hoặc chết.

CHÂM NGÔN 18: 21 – Sống chết ở nơi quyền của lưỡi; Kẻ ái mộ nó sẽ ăn bông trái của nó.

Điều đó cũng có nghĩa là cái lưỡi làm cho vui mà cũng làm cho buồn, làm cho người phối ngẫu của chúng ta được phấn khởi, mà cũng có thể làm cho người phối ngẫu của chúng ta nản lòng, buồn bã. Vì vậy ý nghĩa của câu Kinh thánh nầy có thể được áp dụng một cách chính xác trong lời nói đối với nhau của các cặp vợ chồng trong hôn nhân, có nghĩa là lời nói có thể mang lại hạnh phúc cho đôi lứa, mà lời nói cũng có thể làm cho một cuộc hôn nhân mất hạnh phúc, thậm chí đi đến chỗ tan vỡ.

Cuộc hôn nhân của chúng ta được bền lâu, tốt đẹp và hạnh phúc hay không, cũng là vì cái lưỡi, vì quyền lực của lời nói là mạnh mẽ lắm. Vì vậy trong cuộc hôn nhân chúng ta nên chú ý để nói đến ưu điểm của người phối ngẫu của mình hơn là cứ chăm chú nói về những khuyết điểm của họ.

Tôi tin rằng đây là điều mà tất cả chúng ta đều có thể biết được. Nhưng biết là một việc, còn thực hiện được hay không lại là việc khác. Nhưng vì chúng ta đang thờ phượng Đức Chúa Trời toàn năng, là Đấng có thể làm được mọi việc nếu chúng ta cầu xin Ngài giúp đỡ. Vì vậy cầu xin Chúa ban cho mỗi chúng ta có được sự nhắc nhở cũng như năng quyền của Chúa để dùng lời nói của mình mà tạo hạnh phúc trong cuộc hôn nhân của chúng ta trên đất, để có một đời sống vui mừng, thỏa lòng, để gia đình của chúng ta trở nên một tổ ấm, để cho con cháu chúng ta, mặc dầu đã trưởng thành, đã ra riêng, nhưng vẫn thường mong muốn có dịp trở về để hưởng niềm hạnh phúc của cha mẹ, để các em có thể nhờ đó mà có những chọn lựa thích, đúng đắn cho cuộc hôn nhân của các em trong tương lai, để chúng ta có thể làm chứng tốt về đời sống hạnh phúc của Cơ-đốc-nhân cho người chưa tin, để Chúa được vinh hiển.

Cầu xin Chúa ban phước luôn cho quý Hội thánh trong cuộc hôn nhân của mình để có thể hưởng được một đời sống hạnh phúc, thỏa lòng, vui mừng cho đến ngày Chúa chúng ta trở lại. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *