SỰ TÁI SANH
Khi giáo sư Ni-cô-đem đến gặp Ðức Chúa Jêsus và hỏi thăm Ngài về sự cứu rỗi thì Chúa đã trả lời cho ông biết là nếu một người mong muốn được cứu rỗi thì phải kinh nghiệm sự tái sanh trong đời sống mình:
(Giăng 3: 3) Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.
Trong chương trình cứu rỗi của Ðức Chúa Trời qua Ðức Chúa Jêsus Christ thì đây là yếu tố thứ hai trong 3 yếu tố cần phải có để một người có thể nhận được sự sống đời đời. Ba yếu tố đó là: xưng tội để được tha thứ, vâng phục để được tái sanh, nên thánh để được sự sống đời đời.
Chúng ta biết là không một người nào sống trên đất nầy được kể là công bình, có nghĩa là vô tội, như lời Kinh thánh đã khẳng định:
(Rô-ma 3: 10) Chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không.
Con người không thể tự mình trở nên công bình được, và ai nấy trong chúng ta đều biết rằng kẻ có tội không thể nào được cứu vào Thiên đàng. Ðức Chúa Trời biết điều nầy và vì vậy mà Ngài đã giáng sinh vào trong trần gian, dâng chính mình Ngài làm của lễ chuộc tội và từ đó trở đi hễ ai tin nhận Ngài thì tội lỗi của người ấy được tha thứ trong danh của Ðức Chúa Jêsus Christ.
Sau khi tin nhận Chúa thì mỗi một Cơ-đốc-nhân cần phải được tái sanh, theo như điều mà Ðức Chúa Jêsus đã phán với Ni-cô-đem. Vì lời của Chúa là thần linh và sự sống (Giăng 6: 63), nghĩa là có uy quyền của Ðức Chúa Trời mang lại sự sống cho người nào nghe và làm theo, nên đó là điều mà Cơ-đốc-nhân phải thực hiện, bằng không thì không ai trong chúng ta được cứu vào Thiên đàng. Nói cách khác cho rõ ràng hơn, là mặc dầu một người đã tin nhận Chúa nhưng không chịu tái sanh thì sự tin nhận ấy không giúp được cho người đó hưởng sự sống đời đời. Nói đến đây thì hẳn chúng ta đã nhớ đến tín lý sai lầm mà một số tôi con của Chúa đã tin và rao giảng bấy lâu nay, là hễ tin thì được cứu. (Xin xem bài viết về đề tài HỄ TIN THÌ ÐƯỢC CỨU).
Ðể nhấn mạnh cho điều Ngài đã phán, Ðức Chúa Jêsus đã một lần nữa lập lại với Ni-cô-đem về việc một người phải được tái sanh hầu có thể nhận được ơn cứu rỗi:
(Giăng 3: 7) Chớ lấy làm lạ về điều ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải sanh lại.
Khi Ðức Chúa Jêsus dùng chử phải thì Cơ-đốc-nhân lập tức hiểu ngay được rằng đó là một mạng lệnh bắt buộc và chúng ta cần phải thực hiện, không thể thoái thác hoặc từ chối. Như vậy nếu chúng ta suy nghĩ sâu xa hơn nữa tại điểm nầy thì sẽ thấy rằng: Nếu tin mà đời sống không tái sanh thì sẽ không được cứu rỗi. Vậy thì thắc mắc của chúng ta sẽ là: Tin thế nào thì mới kinh nghiệm được sự tái sanh? Ðó là điều mà chúng tôi sẽ giải thích trong bài viết HỄ TIN THÌ ÐƯỢC CỨU.
Nhưng sau khi đã kinh nghiệm được sự tái sanh trong đời sống mình thì Cơ-đốc-nhân không dừng lại tại đó, mà phải hoàn tất yếu tố thứ ba, đó là sống một đời nên thánh. Kinh thánh đã khẳng định yếu tố nầy như một đòi hỏi quan trọng cần phải đó để Cơ-đốc-nhân có thể thấy được Ðức Chúa Trời trong nơi vinh hiển của Ngài:
(Hê-bơ-rơ 12: 14) Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.
Sau khi qua khỏi đời sống nầy thì linh hồn của con người chỉ có hai nơi để đến mà thôi, và nơi nào cũng là chỗ sẽ ở đời đời: hoặc là chịu trầm luân đời đời trong hỏa ngục, hoặc là được vui mừng đời đời nơi Thiên đàng. Kinh thánh không hề cho chúng ta biết có một chỗ thứ ba nào khác. Như vậy khi lời của Chúa phán dạy rằng Cơ-đốc-nhân phải nên thánh để có thể thấy được Ðức Chúa Trời thì điều đó có nghĩa là sự nên thánh trong đời sống của một người đã tin Chúa sẽ giúp người ấy được nhận vào nơi vinh hiển mà Ðức Chúa Trời ngự trị, nghĩa là Thiên đàng.
Ðến đây thì chúng ta thử suy nghiệm lại những phần quan trọng trong các câu Kinh thánh đã được trưng dẫn: Nếu không tin thì không được cứu, nếu không tái sanh thì không được cứu, nếu không nên thánh thì không được cứu. Như vậy được cứu là trọng tâm mà ba điều tin, tái sanh, nên thánh là yếu tố cần có hầu đạt được sự cứu rỗi.
Trong phạm vi bài viết nầy chúng tôi chỉ trình bày về sự tái sanh mà thôi, còn về chữ tin và nên thánh thì thuộc về hai bài khác. Như chúng tôi đã cho biết ở trên thì sự tái sanh là yếu tố thứ hai trong ba yếu tố cần phải có để một người có thể nhận được sự cứu rỗi trong Ðức Chúa Jêsus. Nếu chỉ nói riêng về sự tái sanh là cần yếu thì hầu hết các tôi con Chúa đều biết về điều nầy và trong các Hội thánh vẫn thường nghe giảng về đề tài tái sanh. Nhưng điều mà Cơ-đốc-nhân nghe là về kết quả của sự tái sanh, còn về làm sao để được tái sanh thì lại ít nghe trình bày đến nỗi có nhiều Cơ-đốc-nhân sau khi đã tin Chúa nhiều năm vẫn thắc mắc và không biết làm sao để được tái sanh. Cũng có một số người trưng dẫn Kinh thánh và cho biết là phải nhờ Ðức-Thánh-Linh để được tái sanh, theo như lời phán của Ðức Chúa Jêsus:
(Giăng 3: 5) Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời.
Thật, Chúa có phán là phải nhờ nước và Ðức-Thánh-Linh, nhưng nhờ như thế nào thì nhiều người không giải thích được rõ ràng. Có người thì nói rằng sau khi một Cơ-đốc-nhân chịu lễ báp-tem thì người đó đương nhiên có Ðức-Thánh-Linh và đã được tái sanh từ thời điểm ấy. Nhưng trong thực tế chúng ta lại thấy có rất nhiều Cơ-đốc-nhân sau khi đã chịu lễ báp-tem rồi mà đời sống vẫn y như cũ, không có chút chi đổi khác. Có thể người ấy thay đổi về cách trang phục, ngày Chúa nhật thì đi nhà thờ thay vì vui chơi như trước đây, nhưng trong lời ăn tiếng nói, trong suy nghĩ quan điểm, trong cách hành xử và toan tính thì đều giống y như lúc chưa tin Chúa. Thế thì người đó tái sanh ở điểm nào? Theo như Kinh thánh cho biết thì một đời sống tái sanh là đời sống đã lột bỏ những công việc cũ, tánh xác thịt cũ, nếp sống cũ của những ngày chưa tin Chúa:
(Cô-lô-se 2: 11) Anh em cũng chịu cắt bì trong Ngài, không phải phép cắt bì bởi tay người ta làm ra, nhưng là phép cắt bì của Đấng Christ, là lột bỏ tánh xác thịt của chúng ta.
(Cô-lô-se 3: 9) Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng công việc nó.
Theo như hai câu Kinh thánh trên thì những điều cần phải thay đổi là tánh xác thịt của con người cũ và các công việc của nó. Ðó là kết quả của việc đã được tái sanh kể từ ngày chị phép báp-tem:
(Rô-ma 6: 4) Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp-têm trong sự chết Ngài, hầu cho Đấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy.
Nhưng chúng ta biết phép báp-tem chỉ là hình bóng mà thôi, tự mình nó không thể giúp cho Cơ-đốc-nhân được tái sanh.
(1Phi-e-rơ 3: 21) Phép báp-têm bây giờ bèn là ảnh tượng của sự ấy để cứu anh em, phép ấy chẳng phải sự làm sạch ô uế của thân thể, nhưng một sự liên lạc lương tâm tốt với Đức Chúa Trời, bởi sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ.
Nói một cách khác, khi một người chịu phép báp-tem thì không phải tự nhiên mà sau khi lên khỏi nước có thể lột bỏ tánh xác thịt cũ để trở nên người mới trong Ðấng Christ. Thực tế mà chúng ta nhìn thấy hàng ngày trong Hội thánh chung minh chứng cho điều ấy.
Nhưng vì Ðức Chúa Jêsus đã phán về việc nhờ nước và Ðức-Thánh-Linh để được sanh lại thì điều đó đúng đắn và chân thật. Vậy thì chúng ta sẽ giải thích thế nào về sự tái sanh thật và làm sao để đãt được điều đó?
Khi chúng ta suy nghĩ về lời phán của Ðức Chúa Jêsus liên quan đến chữ nước để được tái sanh thì lập tức đa số Cơ-đốc-nhân đều nghĩ ngay đến phép báp-tem vì đây là nghi thức thường thấy trong Hội thánh có dùng đến nước. Liên tưởng như vậy là đúng, nhưng thông thường thì chúng ta chỉ nghĩ về phép báp-tem có một ý nghĩa mà thôi, nhưng trong Kinh thánh thì lại cho biết có ba phép báp-tem với ba ý nghĩa khác biệt nhau.
Phép báp-tem thứ nhất là dùng để tuyên xưng tấm lòng ăn năn tội lỗi của cá nhân và mong muốn được tha thứ:
(Mác 1: 4-5) Giăng đã tới, trong đồng vắng vừa làm vừa giảng phép báp-têm ăn năn, cho được tha tội. Cả xứ Giu-đê và hết thảy dân sự thành Giê-ru-sa-lem đều đến cùng người, xưng tội mình và chịu người làm phép báp-têm dưới sông Giô-đanh.
(Lu-ca 3: 3) Giăng bèn dạo qua hết thảy miền lân cận sông Giô-đanh, giảng dạy phép báp-têm về sự ăn năn để được tha tội.
(Công vụ 19: 4) Phao-lô bèn nói rằng: Giăng đã làm phép báp-têm về sự ăn năn tội, mà truyền dân phải tin Đấng sẽ đến sau mình, nghĩa là tin Đức Chúa Jêsus.
Thứ hai là phép báp-tem thương khó, dùng để tuyên xưng đức tin đồng chịu chết với Chúa:
(Rô-ma 6: 3) Hay là, anh em chẳng biết rằng chúng ta thảy đều đã chịu phép báp-têm trong Đức Chúa Jêsus Christ, tức là chịu phép báp-têm trong sự chết Ngài sao?
Phép báp-tem nầy đã được Ðức Chúa Jêsus đề cập đến trước khi Ngài chịu đóng đinh lên thập tự giá:
(Lu-ca 12: 50) Có một phép báp-têm mà ta phải chịu, ta đau đớn biết bao cho đến chừng nào phép ấy được hoàn thành!
Thứ ba là phép báp-tem bằng Ðức-Thánh-Linh:
(Công vụ 1: 5) Vì chưng Giăng đã làm phép báp-têm bằng nước, nhưng trong ít ngày, các ngươi sẽ chịu phép báp-têm bằng Đức Thánh Linh.
Mặc dầu Phao-lô có viết trong thư tín của ông gởi cho Hội thánh Ê-phê-sô và đề cập đến việc chỉ có một phép báp-tem, thì điều ấy có nghĩa là cả 3 phép báp-tem đều được thực hiện trong danh Ðức Chúa Jêsus và Phao-lô dùng từ ngữ như vậy (một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem) để nhấn mạnh đến sự hiệp một trong Hội thánh:
(Ê-phê-sô 4: 5) Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-têm.
Có người viện dẫn câu Kinh thánh trên để khăng khăng cho rằng chỉ có một phép báp-tem, nhưng nếu nói như vậy thì chẳng lẽ chúng ta công nhận rằng khi một người chịu lễ báp-tem bằng nước thì đương nhiên trong cùng thời gian lại được nhận luôn phép báp-tem bằng Ðức-Thánh-Linh? Chắc chắn là không phải như vậy. Trong thực tế chỉ có một vài trường hợp nhận được cả hai phép báp-tem cùng một lúc, như trường hợp của Ðức Chúa Jêsus:
(Lu-ca 3: 21-22) Vả, khi hết thảy dân chúng đều chịu phép báp-têm, Đức Chúa Jêsus cũng chịu phép báp-têm. Ngài đang cầu nguyện thì trời mở ra, Đức Thánh Linh lấy hình chim bò câu ngự xuống trên Ngài; lại có tiếng từ trên trời phán rằng: Ngươi là Con yêu dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường.
(Xin xem bài viết về PHÉP BÁP-TEM)
(còn tiếp)