SỰ PHẢN NGHỊCH TẠI THIÊN ĐÀNG

ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ CHƯƠNG TRÌNH CỦA NGÀI

Kính thưa quý Hội thánh, sáng hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm tiếp tục về những sự kiện đã xãy ra trước khi loài người được dựng nên để từ đó chúng ta có thể học biết thêm về Đức Chúa Trời và Chương trình của Ngài. Vì vậy, chủ đề của bài giảng ngày hôm nay là

SỰ PHẢN NGHỊCH TẠI THIÊN ĐÀNG (Video)

Phần Kinh thánh chủ đề của chúng ta là trong Khải huyền 12: 1-9

Và câu gốc nền tảng của chúng ta là trong…

HÊ-BƠ-RƠ 12: 9 – Cha về phần xác sửa phạt, mà chúng ta còn kính sợ thay, huống chi Cha về phần hồn, chúng ta há chẳng càng nên vâng phục lắm để được sự sống sao?

Kính thưa quý Hội thánh, trong câu gốc nầy thì lời của Chúa đã cho chúng ta biết được một trong những yếu tố quan trọng để con người có thể hưởng được sự sống đời đời, đó là phải hết lòng vâng phục Chúa. Các chữ CÀNG NÊN VÂNG PHỤC LẮM bày tỏ ý nghĩa của sự vâng phục Chúa một cách hết lòng. Còn các chữ ĐƯỢC SỰ SỐNG có nghĩa là nhận được sự sống đời đời, tức là được sống tại Thiên đàng với Chúa.

Như vậy thì trong câu gốc nầy chúng ta có thể hiểu được một cách chắn chắn rằng bất cứ ai muốn được sống đời đời tại Thiên đàng thì người đó phải bày tỏ tấm lòng hết sức vâng phục Chúa của mình đang khi còn sống tại thế gian.

Nếu như trái lại mà người đó chỉ vâng phục một phần nhỏ hoặc vâng phục nữa chừng thì chắc chắn sẽ không được vào Thiên đàng trong tương lai. Ấy là bởi vì việc được hưởng sự sống đời phụ thuộc vào mức độ vâng phục mà Cơ-đốc-nhân có đối với Chúa như đã được bày tỏ ra trong câu gốc đang được trưng dẫn ở đây.

Nguyên tắc nầy đã được chính Đức Chúa Jêsus Christ minh chứng cho chúng ta bằng sự vâng phục của Ngài như là một tấm gương sáng để mọi người có thể noi theo. Tấm gương làm bằng chứng đó của Đức Chúa Jêsus Christ đã được ghi lại trong…

PHI-LÍP 2: 5-11 – Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có. Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người. Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Cũng vì đó nên Đức Chúa Trời đã đem Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống, và mọi lưỡi thảy đều xưng Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha.

Trong phần Kinh thánh nầy thì lời của Chúa đã chỉ ra cho chúng ta thấy sự vâng phục tuyệt đối của Đức Chúa Jêsus Christ là thế nào, tức là sự vâng phục cho đến chết, ngay cả khi sự chết đó là sự chết đau đớn bằng khổ hình bị đóng đinh vào thập tự giá.

Thêm nữa, chúng ta cần phải để ý đến các chữ CŨNG VÌ ĐÓ. Các chữ ấy cho thấy rằng vì Đức Chúa Jêsus Christ đã vâng phục một cách tuyệt đối cho đến chết cho nên Ngài đã được đem lên rất cao và được ban cho danh trên hết mọi danh, tức là được danh xưng là Chúa và được ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời.

Bởi lẽ đó cho nên lời của Chúa mới phán bảo với Cơ-đốc-nhân chúng ta là phải có tâm tình giống như Đấng Christ đã có, có nghĩa là phải có tâm tình của một tấm lòng vâng phục trọn vẹn cho đến chết thì sau đó mới có thể nhận được sự sống đời đời nơi Thiên đàng.

Còn nếu bất cứ ai làm trái lại tiêu chuẩn ấy, tức là không chịu vâng phục Chúa một cách trọn vẹn hết lòng thì kẻ đó sẽ không được ở tại Thiên đàng. Lời của Chúa trong Ê-sai đoạn thứ 14 mà chúng ta đã cùng nhau học qua trước đây cùng với phần Kinh thánh nền tảng sáng hôm nay cho chúng ta biết là Sa-tan cùng với các thiên sứ theo nó đã không có tấm lòng vâng phục trọn vẹn như sự vâng phục của Đấng Christ cho nên họ đã bị đuổi khỏi Thiên đàng.

Chúng ta cùng nhau xem lại phần Kinh thánh trong Ê-sai thì sẽ thấy được điều đó.

Ê-SAI 14: 12-15 – Hỡi sao mai của sáng sớm kia, sao ngươi từ trời sa xuống! Hỡi kẻ giày đạp các nước kia, ngươi bị chặt xuống đất là thể nào! Ngươi vẫn bụng bảo dạ rằng: Ta sẽ lên trời, sẽ nhắc ngai ta lên trên các ngôi sao của Đức Chúa Trời. Ta sẽ ngồi trên núi hội về cuối cùng phương Bắc. Ta sẽ lên trên cao những đám mây, làm ra mình bằng Đấng Rất Cao. Nhưng ngươi phải xuống nơi Âm phủ, sa vào nơi vực thẳm!

Như những điều mà chúng ta đã cùng nhau học qua trước đây thì quý Hội thánh đã biết rằng các câu Kinh thánh nầy là có ý nói về Sa-tan và sự phản nghịch của nó. Khi so sánh phần Kinh thánh nầy với phần Kinh thánh trong Phi-líp 2: 5-11 vừa được trưng dẫn khi nãy thì chúng ta có thể thấy được sự khác biệt hết sức rõ ràng giữa Sa-tan và Đức Chúa Jêsus Christ.

Đối với Đức Chúa Jêsus thì mặc dầu Ngài mang hình Đức Chúa Trời và được bình đẳng với chính Đức Chúa Trời nhưng Đức Chúa Jêsus vẫn không xem điều đó là sự nên nắm giữ mà lại tự hạ mình xuống để mang hình tôi tớ và vâng phục cho đến chết.

Còn như Sa-tan thì nó lại hành động trái ngược hẳn so với sự vâng phục của Đấng Christ. Nó đã nhơn việc được Đức Chúa Trời ban cho sự tự do và quyền năng lớn lao để rồi từ đó sinh lòng kiêu ngạo và muốn đem mình lên ngang hàng với Chúa. Sự kiêu ngạo và thiếu vâng phục đó đã làm cho nó bị đuổi khỏi Thiên đàng và mang lấy danh xấu xa nhất trong mọi danh, tức là từ đó bị gọi là ma quỉ.

Từ các phần Kinh thánh đã trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy rằng sự vâng phục của Đức Chúa Jêsus Christ đã đem Ngài lên rất cao, còn sự kiêu ngạo và không vâng phục của ma quỉ đã làm cho nó rơi xuống thấp để rồi sau nầy nó sẽ phải ở trong hỏa ngục đời đời.

Như vậy đến đây thì chúng ta có thể hiểu được tại sao có sự phản nghịch và có cuộc tranh chiến tại Thiên đàng mà phần Kinh thánh nền tảng của chúng ta sáng hôm nay trong sách Khải huyền đã có đề cập đến.

Tôi xin được đọc lại một vài câu trong phần Kinh thánh nền tảng của chúng ta để quý Hội thánh có thể thấy được rõ ràng hơn về lý do tại sao có sự phản nghịch tại Thiên đàng và tại sao có cuộc tranh chiến tại đó.

KHẢI HUYỀN 12: 3-4 – Trên trời cũng hiện ra một dấu khác nữa, là một con rồng lớn sắc đỏ, có bảy đầu, mười sừng, và trên đầu có bảy mão triều thiên. Đuôi kéo một phần ba các ngôi sao trên trời đem quăng xuống đất. Con rồng ấy chực trước người đàn bà gần đẻ, hầu cho khi đẻ ra thì nuốt con người đi.

Và 3 câu nữa trong…

KHẢI HUYỀN 12: 7-9 – Bấy giờ có một cuộc chiến đấu trên trời: Mi-chen và các sứ người tranh chiến cùng con rồng. Rồng cũng cùng các sứ mình tranh chiến lại, song chúng nó không thắng và chẳng còn thấy nơi chúng nó ở trên trời nữa. Con rồng lớn đó bị quăng xuống, tức là con rắn xưa, gọi là ma quỉ và Sa-tan, dỗ dành cả thiên hạ. Nó đã bị quăng xuống đất, các sứ nó cũng bị quăng xuống với nó.

Từ xưa đến nay thì các câu Kinh thánh nầy thường được sử dụng để giải thích về những sự kiện tương lai trong thời kỳ cuối cùng. Nhưng thật ra thì đây là những lời mà Kinh thánh cho chúng ta biết về những sự kiện đã xãy ra tại Thiên đàng trước khi Đức Chúa Trời dựng nên loài người.

Sự mầu nhiệm của Kinh thánh là ở chỗ nầy: Ấy là lời của Chúa thì thường không tường thuật lại các sự kiện thuộc linh theo thứ tự thời gian. Chúng ta có thể thấy là những điều xãy ra tại Thiên đàng trước khi loài người được dựng nên lại được mô tả trong sách Khải huyền, là sách cuối cùng của quyển Kinh thánh.

Sự sắp xếp như vậy trong Kinh thánh là theo chủ ý của Đức Chúa Trời, vì Ngài muốn cho Cơ-đốc-nhân phải nương cậy nơi sự soi sáng của Đức-Thánh-Linh để có thể hiểu được lời của Chúa, chớ không phải là nhờ nơi trí não của loài người. Bởi vì nếu người ta có thể nhờ vào bằng cấp và sức riêng để hiểu biết Kinh thánh thì họ sẽ khinh thường ơn ban của Đức-Thánh-Linh và sẽ dễ sinh lòng kiêu ngạo vì khả năng học thức của họ.

Bằng chứng về sự mầu nhiệm của Kinh thánh đã được lời của Chúa bày tỏ ra trong…

A-MỐT 3: 7 – Cũng vậy, Chúa Giê-hô-va chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín nhiệm Ngài ra trước cho tôi tớ Ngài, là các đấng tiên tri.

Trong câu nầy chúng ta có thể thấy lời của Chúa đã khẳng định rằng Đức Chúa Trời chẳng có làm bất cứ một điều gì mà không tỏ sự kín nhiệm đó ra trước cho các tôi tớ Ngài, tức là cho các trước giả của Kinh thánh, và nhờ đó mà họ đã ghi lại đầy đủ cho chúng ta ngày hôm nay. Điều đó có nghĩa là tất cả mọi thắc mắc về đời sống của con người thì đều đã được trả lời trong Kinh thánh, bởi vì theo như lời của Chúa vừa được trưng dẫn thì chẳng có chuyện gì mà Đức Chúa Trời dấu kín với con cái Ngài. Như vậy thì Cơ-đốc-nhân chúng ta chỉ cần nhờ cậy nơi sự soi dẫn của Đức-Thánh-Linh thì sẽ có thể hiểu được những điều mầu nhiệm từ xưa đến nay.

Nói đến đây thì chắc có anh chị em sẽ phản đối bằng câu nói rằng ngày giờ mà Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm thì chỉ có một mình Đức Chúa Trời biết mà thôi, thì cớ sao tôi lại nói rằng mọi điều kín dấu từ xưa đến nay thì Chúa đã bày tỏ hết rồi trong lời của Ngài.

Nếu có anh chị em nào thắc mắc như vậy thì tôi xin thưa lại thế nầy: Quả thật rằng Đức Chúa Trời chẳng có dấu kín bất cứ sự kiện nào mà không bày tỏ ra cho con cái Ngài, nhưng về thì giờ của ngày tái lâm thì chỉ có một mình Chúa biết mà thôi. Chúng ta cần phải để ý đến chữ sự kiện và thì giờ, vì hai điều đó hoàn toàn khác nhau. Chẳng hạn như việc Chúa bày tỏ ra trong sách Khải huyền về cuộc tranh chiến tại trên trời, nhưng Ngài đâu có cho chúng ta biết là cuộc chiến đó bắt đầu xãy ra vào ngày nào giờ nào hoặc kéo dài bao lâu. Cho nên chúng ta cần phải hiểu rằng sự kiện và thì giờ là hai điều hoàn toàn khác nhau. Đức Chúa Trời đã có bày tỏ các sự kiện xãy ra từ xưa đến nay trong quyển Kinh thánh nhưng Ngài không cho biết chính xác là các điều ấy đã xãy ra vào thì giờ nào.

Vì vậy chúng ta có thể hiểu rằng tất cả những điều mà Đức Chúa Trời đã làm thì đều đã có ghi lại trong Kinh thánh để con cái Ngài được biết, nhưng chính xác thì giờ nào những điều đó đã xãy ra hoặc sẽ xãy ra thì chỉ một mình Chúa biết mà thôi. Chẳng hạn như khi Chúa báo trước cho con dân Ngài biết vào thời kỳ nào thì Đấng Christ sẽ trở lại nhưng về ngày và giờ thì không ai biết được chính xác là lúc nào, chỉ có một mình Chúa biết mà thôi, như lời Kinh thánh đã có khẳng định trong…

MA-THI-Ơ 24: 36 – Về ngày và giờ đó, chẳng có ai biết chi cả, thiên sứ trên trời hay là Con cũng vậy, song chỉ một mình Cha biết mà thôi.

Về sự khác nhau giữa sự kiện ngày cuối cùng và thì giờ Đấng Christ trở lại thì tôi sẽ trình bày thêm sau nầy khi chúng ta suy gẫm đến các chủ đề về sự tái lâm, nhưng bây giờ, để tiếp tục với chủ đề sáng hôm nay thì tôi xin nhắc lại là sự mầu nhiệm của Kinh thánh là ở chỗ lời của Chúa đã cho biết đến những sự kiện đã xãy ra trước khi con người được dựng nên trong sách cuối cùng của quyển Kinh thánh, cho nên nếu Cơ-đốc-nhân chúng ta không cậy nhờ nơi sự soi sáng của Đức-Thánh-Linh thì sẽ bị lầm lẫn ở chỗ nầy khi cứ nghĩ rằng sách Khải huyền chỉ đề cập đến chuyện tương lai không mà thôi.

Như vậy khi suy gẫm đến đây thì quý Hội thánh đã có thể hiểu được rằng sự phản nghịch tại Thiên đàng đã xãy ra vì cớ sự kiêu ngạo và tấm lòng không vâng phục của Sa-tan.

Theo như lời của Đức Chúa Jêsus cho biết thì tại Thiên đàng cũng có thứ bậc, tức là có địa vị lớn và nhỏ, như lời của Chúa đã có cho biết trong…

MA-THI-Ơ 5: 19 – Vậy, ai hủy một điều cực nhỏ nào trong những điều răn nầy, và dạy người ta làm như vậy, thì sẽ bị xưng là cực nhỏ trong nước Thiên đàng. Còn như ai giữ những điều răn ấy, và dạy người ta nữa, thì sẽ được xưng là lớn trong nước Thiên đàng.

Trong phần Kinh thánh nền tảng của chúng ta sáng hôm nay thì lời của Chúa cũng đã cho thấy được các thứ bậc ấy, như đã có ghi lại trong…

KHẢI HUYỀN 12: 7 – Bấy giờ có một cuộc chiến đấu trên trời: Mi-chen và các sứ người tranh chiến cùng con rồng. Rồng cũng cùng các sứ mình tranh chiến lại

Các chữ MI-CHEN VÀ CÁC SỨ NGƯỜI cho thấy rằng Mi-chen là một trong những thiên sứ trưởng và có các thiên sứ khác ở dưới quyền. Lời của Chúa cũng cho biết thứ bậc tương tự như vậy đối với Sa-tan, như đã có chép trong câu nầy và trong…

KHẢI HUYỀN 12: 9 – Con rồng lớn đó bị quăng xuống, tức là con rắn xưa, gọi là ma quỉ và Sa-tan, dỗ dành cả thiên hạ. Nó đã bị quăng xuống đất, các sứ nó cũng bị quăng xuống với nó.

Như vậy chúng ta có thể hiểu được rằng Sa-tan cũng là một thiên sứ trưởng như thiên sứ Mi-chen, nhưng vì nó đã lên mình kiêu ngạo, muốn trở nên ngang hàng với Đức Chúa Trời cho nên nó đã bị đuổi khỏi Thiên đàng và bị quăng xuống đất.

Cũng theo lời Kinh thánh thì Chúa cho chúng ta biết là Sa-tan đã dẫn dụ một phần ba các thiên sứ để chống nghịch lại với Đức Chúa Trời, cho nên khi nó bị quăng xuống đất thì các thiên sứ dưới quyền nó cũng vị quăng xuống theo, như đã có chép trong…

KHẢI HUYỀN 12: 3-4 – Trên trời cũng hiện ra một dấu khác nữa, là một con rồng lớn sắc đỏ, có bảy đầu, mười sừng, và trên đầu có bảy mão triều thiên. Đuôi kéo một phần ba các ngôi sao trên trời đem quăng xuống đất. Con rồng ấy chực trước người đàn bà gần đẻ, hầu cho khi đẻ ra thì nuốt con người đi.

Lời Kinh thánh không cho chúng ta biết một phần ba các thiên sứ chính xác là bao nhiêu, nhưng chắc chắn phải là một số rất đông.

Điểm mà chúng ta cần phải đặc biệt để ý đến trong các phần Kinh thánh vừa được trưng dẫn là sự kiêu ngạo và sự không vâng phục hoặc không vâng lời của Sa-tan đã làm cho nó và các kẻ theo nó phải bị đuổi khỏi Thiên đàng.

Đó là một trong những đặc điểm mà Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải nhớ đang khi theo Chúa giữa trần gian nầy. Chính bởi lẽ đó mà lời của Chúa mới cho biết là đức tin trong Đấng Christ được gọi là đức tin của sự vâng phục, như đã có chép trong…

RÔ-MA 16: 25-26 – Ngợi khen Đấng có quyền làm cho vững chí anh em theo Tin lành của tôi và lời giảng Đức Chúa Jêsus Christ, theo sự tỏ ra về lẽ mầu nhiệm, là lẽ đã giấu kín từ mọi đời trước, mà bây giờ được bày ra, và theo lịnh Đức Chúa Trời hằng sống, bởi các sách tiên tri, bày ra cho mọi dân đều biết, đặng đem họ đến sự vâng phục của đức tin.

Sự vâng phục mà Đức Chúa Trời đòi hỏi Cơ-đốc-nhân cần phải có là sự vâng phục trọn vẹn mọi điều mà Ngài đã phán dạy, chớ không phải là sự vâng phục nữa vời, vâng phục theo giai đoạn, lúc có lúc không, hoặc là vâng phục theo ý thích của cá nhân. Sự vâng phục trọn vẹn là vâng phục theo mọi ý muốn của Đức Chúa Trời, như đã có chép trong…

CÔ-LÔ-SE 4: 12 – Ê-pháp-ra, người hàng xứ với anh em, tôi tớ của Đức Chúa Jêsus Christ, có lời chào anh em. Người vì anh em chiến đấu không thôi trong khi cầu nguyện, để anh em trở nên toàn vẹn và trọn niềm vâng phục mọi ý muốn của Đức Chúa Trời.

Theo như các chữ gạch dưới trong câu gốc nầy thì quý Hội thánh có thể thấy rằng Cơ-đốc-nhân cần phải trọn lòng vâng phục mọi ý muốn của Đức Chúa Trời. Chính bởi lẽ đó mà lời của Chúa mới phán dạy rằng chỉ có những ai làm theo ý muốn Chúa mới được sống đời đời mà thôi, như đã có chép trong…

MA-THI-Ơ 7: 21 – Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước Thiên đàng đâu; nhưng chỉ có những kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.

Với lời khẳng định nầy của Chúa thì không phải tất cả mọi người nói rằng mình tin Chúa hoặc theo đạo đều có thể vào được Thiên đàng, mà chỉ có những người biết hết lòng vâng phục Chúa để làm theo mọi ý muốn của Ngài thì mới được cho phép vào nơi ấy để sống đời đời với Đấng toàn năng.

Trước khi học biết nhiều hơn nữa về sự vâng phục của đức tin hay còn được gọi là đức tin vâng phục thì tôi xin được tóm tắt lại toàn bộ sự kiện đã xãy ra tại Thiên đàng trước khi loài người được tạo dựng nên như thế nầy:

Theo như lời Kinh thánh đã bày tỏ mà chúng ta đã cùng nhau nghiên cứu qua trong các bài giảng trước thì từ ban đầu chỉ có một mình Đức Chúa Trời mà thôi, ngoài ra thì không còn có bất cứ một điều nào khác nữa. Chung quanh Ngài là sự trống không hoàn toàn. Nhưng vì Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương cho nên Ngài đã trước hết tạo dựng nên các thiên sứ để làm đối tượng cho tình yêu của Ngài. Vì yêu thương họ cho nên Chúa đã ban cho các thiên sứ những khả năng và quyền năng lớn lao cũng như ban cho họ sự tự do để họ có thể tự nguyện kính yêu Chúa hết lòng.

Trong số các thiên sứ đã được tạo dựng nên có Sa-tan. Nó là một trong những thiên sứ trưởng và cầm quyền trên một phần ba các thiên sứ đã được Chúa tạo dựng nên. Nhưng Sa-tan đã sinh lòng kiêu ngạo vì cớ địa vị đó và vì cớ quyền năng lớn lao mà nó có được, cho nên nó mới dự định là tự đưa mình lên ngang hàng với Đức Chúa Trời và cầm quyền trên tất cả các thiên sứ còn lại. Để thực hiện dự định ấy Sa-tan đã gây chiến tại Thiên đàng theo kiểu nổi loạn để soán ngôi. Điều đó không đẹp lòng Đức Chúa Trời. Sự kiêu ngạo và sự không vâng phục của Sa-tan đã làm cho nó không còn xứng đáng để được ở Thiên đàng nữa cho nên Đức Chúa Trời đã đuổi nó khỏi đó cùng với các thiên sứ phản nghịch khác.

Sau đó thì Đức Chúa Trời quyết định tạo dựng nên con người. Nhưng lần tạo dựng thứ hai nầy thì Chúa không cho phép con người được sống ngay tại Thiên đàng nhưng trước nhất thì phải sống tại Địa cầu trước để chịu thử thách hầu cho có thể tỏ bày tấm lòng vâng phục Chúa của mỗi cá nhân ở mức độ nào. Những người chịu nổi thử thách mà không sa ngã, không phạm tội hoặc nếu có lỡ đã phạm tội mà biết ăn năn thì tất cả những ngưi ấy sau đó mới được tuyển chọn vào Thiên đàng để bù vào cho đủ số thiên sứ mà Chúa đã tạo dựng từ lúc ban đầu, tức là bù vào số một phần ba thiên sứ mà đã theo Sa-tan phản nghịch lại với Chúa.

Sự bù vào cho đủ số như vậy là phù hợp với thần tánh của Đức Chúa Trời, bởi vì Ngài là Đấng không bao giờ thay đổi, tức là khi Ngài đã quyết định một điều gì thì chắn chắn Chúa sẽ làm thành điều đó. Như vậy có nghĩa là ngay từ ban đầu, khi Chúa đã quyết định số lượng của các thiên sứ là bao nhiêu để đủ làm đối tượng cho tình yêu của Chúa thì Ngài sẽ giữ nguyên số lượng ấy cho đến đời đời không bao giờ thay đổi hoặc không bao giờ giảm bớt. Đức Chúa Trời sẽ không vì sự phản nghịch của Sa-tan và các thiên sứ khác mà bỏ đi ý định và chương trình của Ngài đã có từ ban đầu. Thần tánh dứt khoát trước sau không thay đổi của Chúa là điều mà chúng ta đã học qua nhiều lần, như lời Kinh thánh đã có bày tỏ ra trong…

Ê-SAI 14: 24 – Đức Giê-hô-va vạn quân đã thề rằng: Chắc thật, sự ta đã định sẽ xảy đến, điều ta đã toan sẽ đứng vững.

Theo lời của Chúa trong câu Kinh thánh nầy thì điều đó có nghĩa là khi Chúa đã quyết định rằng bao nhiêu thiên sứ là đủ để làm đối tượng cho tình yêu của Ngài thì con số đó sẽ đứng vững đời đời, không dư mà cũng không thiếu. Vì vậy khi Sa-tan và một phần ba các thiên sứ phản nghịch Chúa sẽ bị giam giữ trong hỏa ngục đời đời thì Chúa sẽ làm cho số thiên sứ sống tại Thiên đàng được đầy đủ trở lại để Ngài yêu, chớ không phải vì cớ sự phản nghịch của Sa-tan mà làm cho chương trình và ý định của Chúa bị dở dang hoặc khiếm khuyết. Chính bởi lẽ đó mà con người mới được tạo dựng nên cốt là để chịu thử thách và sau khi đã chứng tỏ tấm lòng vâng phục trọn vẹn suốt đời đối với Chúa rồi thì những ai đạt được các yêu cầu ấy sẽ được tuyển vào Thiên đàng để bù vào cho đủ số các thiên sứ mà Chúa đã dự định từ ban đầu khi tạo dựng nên họ.

Nhờ các lời của Chúa đã được trưng dẫn mà đến đây chúng ta đã có thể hiểu được rằng ngay từ ban đầu các thiên sứ đã được tạo dựng nên để sống tại Thiên đàng, nhưng tại nơi đó thì một số đông đã theo Sa-tan để phản nghịch Chúa, cho nên trong lần tạo dựng thứ hai, là tạo dựng nên loài người, thì Đức Chúa Trời không cho con người sống tại Thiên đàng ngay, mà trước hết phải sống trên mặt đất để chịu thử thách trước đã. Quyết định nầy của Chúa cốt là để chắc chắn rằng từ đó trở về sau sẽ không còn có một sự phản nghịch nào nữa tại Thiên đàng.

Chính vì vậy mà lời của Chúa mới nhấn mạnh đến tầm quan trọng hết sức đặc biệt của sự vâng phục trọn vẹn. Chính vì vậy mà Đức Chúa Jêsus Christ mới bày tỏ tấm lòng vâng phục cho đến chết để làm gương cho Cơ-đốc-nhân trong mọi thời đại. Cũng chính vì vậy mà chỉ có những người nào chứng minh được sự vâng phục trọn vẹn của mình trong đức tin qua những lần chịu thử thách hoặc bị cám dỗ thì sau đó mới được tuyển chọn vào Thiên đàng để trở thành thiên sứ mà bù vào cho đủ số một phần ba đã bị mất đi.

Chính bởi lẽ ấy mà Đức Chúa Jêsus mới cho biết là những người được cứu rỗi sẽ sống lại để giống như thiên sứ trên trời, bởi vì họ sẽ được gia nhập vào hàng ngũ của các thiên sứ để cho đủ số từ ban đầu. Lời phán ấy của Đức Chúa Jêsus đã được chép trong…

MA-THI-Ơ 22: 30 – Vì đến khi sống lại, người ta không cưới vợ, cũng không lấy chồng, song những kẻ sống lại là như thiên sứ trên trời vậy.

Chính vì con người được tạo dựng nên để chịu thử thách hầu cho được tuyển chọn vào Thiên đàng trong tương lai cho nên lời của Chúa đã phán dạy cho Cơ-đốc-nhân là đừng nên ngạc nhiên khi mình phải chịu thử thách trong thế gian nầy, bởi vì đó chính là mục tiêu, là ý nghĩa thật sự của đời sống con người, tức là được sinh ra trên đất nầy để chịu thử thách. Lời phán dạy ấy của Chúa đã được ghi lại trong…

1PHI-E-RƠ 4: 12 – Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường.

Cũng chính bởi lẽ đó mà chỉ có những người nào chịu nổi sự thử thách thì mới hưởng được sự sống đời đời, chớ không phải là chỉ cần tin Chúa suông thì sẽ được cứu đâu. Lời khẳng định như vậy đã được ghi lại trong…

GIA-CƠ 1: 12 – Phước cho người bị cám dỗ, vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão triều thiên của sự sống mà Đức Chúa Trời đã hứa cho kẻ kính mến Ngài.

Chính bởi lẽ ấy mà chỉ có những Cơ-đốc-nhân nào đã chịu thử thách nổi thì mới được đồng trị cùng với Chúa, cũng giống như địa vị của các thiên sứ từ ban đầu, bởi vì họ được gọi là con trai của Đức Chúa Trời, có nghĩa là được đồng trị với Chúa, giống như lời Kinh thánh đã có cho biết trong…

2TI-MÔ-THÊ 2: 12 – Lại nếu chúng ta chịu thử thách nổi, thì sẽ cùng Ngài đồng trị. Nếu chúng ta chối Ngài, thì Ngài cũng sẽ chối chúng ta.

Chính vì sự phản nghịch của Sa-tan và các thiên sứ khác mà lời của Chúa mới nhấn mạnh đến sự vâng phục hay vâng lời trong suốt cả quyển Kinh thánh như là yếu tố quan trọng để quyết định rằng con người có được đẹp lòng Chúa hay không, tức là có thể được phép vào sống tại Thiên đành trong tương lai hay không, như lời đã được chép trong…

1SA-MU-ÊN 15: 22 – Sa-mu-ên nói: Đức Giê-hô-va há đẹp lòng của lễ thiêu và của lễ thù ân bằng sự vâng theo lời phán của Ngài ư? Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ, sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.

Và một câu nữa trong…

PHI-LÍP 2: 12 – Ấy vậy, hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, mà lấy lòng sợ sệt run rẩy làm nên sự cứu chuộc mình.

Trong câu gốc nầy thì chúng ta có thể thấy rằng sự vâng lời đã được Phao-lô nhấn mạnh như là yếu tố quyết định một người có nhận được sự cứu rỗi hay không.

Các chữ LÀM NÊN SỰ CỨU CHUỘC MÌNH có nghĩa là tự mỗi cá nhân phải quyết định rằng mình có xứng đáng nhận được cứu rỗi hay không khi bày tỏ tấm lòng chấp nhận vâng phục theo ý muốn của Chúa hoặc là từ chối vâng phục Ngài. Các chữ HÃY CÀNG HƠN NỮA trong sự vâng lời đã bày tỏ rõ ràng ý nghĩa ấy.

Như vậy đến đây thì quý Hội thánh đã có thể hiểu được tại sao tôi đã từng thưa trình rằng Cơ-đốc-nhân chúng ta có mối liên hệ rất mật thiết với các thiên sứ và trong bài giảng lần trước thì tôi cũng đã có nói rằng chính vì các thiên sứ mà Đức Chúa Trời mới dựng nên loài người chúng ta, tức là thực hiện cuộc tạo dựng lần thứ hai để tuyển chọn thêm người mà bù vào cho đủ số một phần ba các thiên sứ đã phản nghịch và sau nầy sẽ bị giam giữ đời đời.

Cũng chính vì vậy mà khi Cơ-đốc-nhân chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người để được Ngài yêu thương thì điều đó là đúng, nhưng nói một cách chính xác hơn là Đức Chúa Trời đã dựng nên loài người để Ngài có thể tuyển chọn những người xứng đáng để khiến họ trở nên các thiên sứ trong tương lai, bởi vì thiên sứ là đối tượng từ ban đầu của tình yêu Chúa.

Thế thì chúng ta đã có thể hiểu được một cách khái quát chương trình của Chúa và có thể hiểu được vì sao mà con người đã được dựng nên. Cũng từ đó mà chúng ta biết được một trong những yêu cầu quan trọng để Cơ-đốc-nhân có thể nhận được sự cứu rỗi trong tương lai: Đó là phải có một tấm lòng vâng phục Chúa trọn vẹn suốt đời sống nầy thì mai sau mới có hy vọng vào Thiên đàng. Đức Chúa Trời không muốn có sự phản nghịch lần thứ hai xãy ra tại nơi đó cho nên yếu tố vâng phục Chúa phải là trọng tâm trong đời sống của chúng ta.

Nhưng khi nói đến sự vâng phục như là yếu tố để được vào Thiên đàng trong tương lai thì chắc chắn rằng quý Hội thánh sẽ có câu hỏi là vâng phục như thế nào mới được đẹp lòng Chúa đây, bởi vì thực tế cho thấy là sự theo Chúa của Cơ-đốc-nhân có nhiều mức độ vâng phục khác nhau, tùy theo quan điểm của mỗi người và tùy theo yêu cầu của từng giáo hội.

Tôi tin rằng nếu có Cơ-đốc-nhân nào thắc mắc như vậy thì chắc chắn rằng câu trả lời cũng đã có ngay lập tức: Ấy là chúng ta phải vâng phục Chúa theo lời Kinh thánh chớ không phải là theo quan điểm của đại đa số hay là tín lý của bất cứ giáo hội nào.

Nhưng vâng phục như vậy thì lại dẫn đến một vấn đề lớn hơn nữa, đó là từ trước đến nay thì lời của Chúa trong Kinh thánh đã được suy diễn và lý giải nhiều cách lắm đến nỗi Cơ-đốc-nhân ngày nay bị bối rối vì không biết là ai đúng ai sai. Vì vậy mà trong thời gian tới thì tôi sẽ trình bày đến những điều đã được Chúa chọn để làm căn bản cho sự đoán định mức độ vâng phục của loài người, nhất là sự vâng phục của Cơ-đốc-nhân. Vì vậy khi chúng ta học đến đề tài CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ VÂNG PHỤC thì tôi sẽ trình bày chi tiết hơn.

Còn như bây giờ để trở lại với Chủ đề của chúng ta sáng hôm nay thì tôi xin đề cập đến một vài thắc mắc mà quý Hội thánh có thể có sau khi học biết qua về sự phản nghịch của ma quỉ tại Thiên đàng. Có thể là một vài người sẽ hỏi rằng Nếu Đức Chúa Trời là Đấng toàn tri biết hết được mọi điều sẽ xãy ra trong tương lai thì tại sao Chúa lại tạo dựng nên Sa-tan như là một thiên sứ để làm gì? Hoặc là quý Hội thánh thắc mắc rằng nếu Đức Chúa Trời biết trước rằng Sa-tan sẽ phản nghịch Chúa thì Ngài ban cho nó địa vị cao trọng trong Thiên đàng làm chi, hoặc là tại sao Ngài lại ban cho nó có quyền phép lớn lao đến nỗi nó sinh lòng kiêu ngạo mà phản nghịch lại với Chúa?

Đối với những thắc mắc như vậy thì tôi xin có câu trả lời như thế nầy: Mặc dầu Đức Chúa Trời là Đấng toàn tri, nhưng Ngài cũng là Đấng yêu thương. Chúa không thể nào vì sự biết trước về tương lai mà lại giới hạn tình yêu cùng sự ban cho của Ngài dành cho các thiên sứ. Chúng ta cần phải nhớ rằng Đức Chúa Trời là Đấng công bằng, sự công bằng của Ngài không phải là chỉ đối với loài người, đối với các thiên sứ hoặc là với các tạo vật khác, mà sự công bằng của Chúa cũng áp dụng cho chính Ngài nữa. Bởi lẽ đó mà mặc dầu Chúa biết trước rằng các thiên sứ nào sẽ phản nghịch Ngài và biết trước số lượng của họ là bao nhiêu, nhưng cũng không vì cớ ấy mà Chúa bị bắt buộc phải giới hạn mức độ yêu thương của Ngài dành cho họ. Nguyên tắc công bằng nầy của Chúa đã được lời Kinh thánh khẳng định trong…

MA-THI-Ơ 5: 45 – Hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời, bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác.

Cũng chính vì vậy mà Đức Chúa Jêsus Christ đã đến và chết cho cả thế gian, chớ không phải chỉ là riêng cho một dòng dõi hoặc một dân tộc nào.

Mỹ đức công bình của Chúa là như vậy cho nên vấn đề là ở chỗ thiên sứ và loài người đã phản ứng như thế nào đối với tình yêu của Chúa dành cho họ chớ không phải là Chúa cần phải giới hạn tình yêu của Ngài để giảm bớt tội lỗi, và trong trường hợp nầy, là để không cho Sa-tan có cơ hội phạm tội. Chúng ta cần phải hiểu là khi người ta muốn phạm tội thì không có gì ngăn cản được họ, và trong thực tế thì chúng ta thấy không phải là chỉ có người nghèo khổ mới phạm tội, mà ngay cả những kẻ có học thức, địa vị và giàu có cũng phạm tội nữa, mà có khi phạm tội còn lớn hơn, nghiêm trọng hơn, làm hại cho cả một đất nước, một dân tộc.

Chính vì vậy mà dẫu Đức Chúa Trời biết trước sự phạm tội của Sa-tan nhưng Ngài vẫn tạo dựng nên nó và các thiên sứ khác, vẫn yêu thương họ và ban cho họ có những quyền năng lớn lao, tức là ban những điều đó cho cả Sa-tan và những kẻ theo nó. Ấy là bởi vì không thể nào có sự mất quân bình giữa các mỹ đức và thần thánh của Chúa. Đó chính là một trong những nguyên tắc căn bản khi chúng ta áp dụng lẽ thật của Kinh thánh để hiểu biết về Đức Chúa Trời và Chương trình của Ngài.

Thông thường thì Cơ-đốc-nhân chỉ chú ý đến mỹ đức yêu thương của Chúa mà lại quên đi những mỹ đức khác của Ngài, nhất là quên đi mỹ đức thánh khiết của Chúa. Chính bởi lẽ đó mà nhiều người cứ tưởng rằng hễ tin Chúa là được cứu, chớ không hề có cố gắng gì trong việc tìm cầu sự nên thánh cho chính mình mặc dầu lời của Chúa đã có báo trước là nếu không cố gắng nên thánh, tức là sự cố gắng sống tốt hơn chính mình ngày hôm qua, thì không thể thấy được Đức Chúa Trời, tức là không thể hưởng được sự sống đời đời. Lời cảnh cáo như vậy đã được ghi lại trong…

HÊ-BƠ-RƠ 12: 14 – Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.

Sự cố gắng để nên thánh là một trong những yếu tố bày tỏ tấm lòng vâng phục Chúa của chúng ta, bởi vì câu gốc nầy là một trong những mạng lệnh quan trọng của Chúa dành cho Cơ-đốc-nhân.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục thêm sức cho chúng ta đang khi cố gắng hết lòng vâng phục Chúa trong khi còn sống giữa thế gian nầy. Cầu xin Đức Chúa Jêsus tiếp tục dẫn dắt chúng ta đi ngay thẳng trọn vẹn trong đường lối của Ngài luôn luôn. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh soi dẫn thêm con mắt thuộc linh của chúng ta để có thể nhận biết nhiều hơn nữa các sự mầu nhiệm lạ lùng trong Kinh thánh. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *