SỰ LẦM LẪN TRONG TÌNH YÊU
Câu gốc: 1PHI-E-RƠ 4: 8 – Nhất là trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng, vì sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi.
Cơ-đốc-nhân chúng ta thường nói về tình yêu thương. Biết hành động và sống bằng tình yêu thương thì càng quý giá và quan trọng hơn nữa. Nhưng sự lầm lẫn khi áp dụng các nguyên tắc về tình yêu thương thì cũng nhiều và cũng rất nghiêm trọng.
Một trong những nguyên tắc về tình yêu thương mà Cơ-đốc-nhân thường lầm lẫn là câu gốc được trưng dẫn ở trên. Nhiều người nghĩ rằng câu gốc nầy dạy dỗ Cơ-đốc-nhân nên dùng tình yêu thương để bỏ qua tội lỗi của người khác, cứ xem như tội lỗi đó, mặc dầu là phạm tội đối với mình hay đối với người khác, là chuyện nhỏ, là không đáng kể, không đáng nhắc tới.
Nhưng thật ra là câu gốc trên chỉ áp dụng cho chính cá nhân của mỗi người chớ không phải là dùng để áp dụng khi đối xử với người khác. Hai điều nầy hoàn toàn khác nhau.
Thứ nhất, khi Cơ-đốc-nhân dùng câu gốc trên để làm nguyên tắc đối xử với người khác, tức là dùng tình yêu thương của mình để che đậy tội lỗi của một ai đó, thì hành động như vậy là dung túng cho tội lỗi, hoặc nói một cách khác hơn là đồng lõa với tội lỗi của người đó.
Thực tế trong đời sống cho thấy rằng nếu người ta không nhận lấy hậu quả của việc làm sai trái của họ thì họ sẽ không bao giở sửa đổi hoặc ăn năn. Ấy là bởi vì họ tưởng rằng làm như vậy là đúng cho nên không có sự chê trách hoặc trừng phạt nào cặp theo. Nhất là khi thấy người khác vui vẽ để xem những điều họ phạm là chuyện nhỏ, chuyện không đáng kể.
Một trong những thí dụ điển hình là tình trạng ăn cắp tại một số các thành phố lớn tại Hoa-kỳ như Seatle, Chicago, New York, Los Angeles. Chính phủ tại các thành phố đó cho rằng mọi người phải cảm thông với các kẻ trộm cắp và vì vậy mà không hề phạt nặng tội lỗi đó. Quan điểm như vậy đã làm cho tình trạng trộm cắp tại các thành phố ấy tăng rất cao trong những năm gần đây.
Lời của Chúa trong Kinh thánh đã cho biết về điều đó, tức là việc không có hậu quả xãy ra ngay lập tức cho những kẻ phạm tội cho nên họ cứ miệt mài trong tội lỗi. Phản ứng đó của con người đã được ghi lại trong…
TRUYỀN ĐẠO 8: 11 – Bởi chẳng thi hành ngay án phạt những việc ác, nên lòng con loài người chuyên làm điều ác.
Chúng ta nên để ý đến chữ NGAY, vì chữ đó cho biết là nếu hậu quả về sự phạm tội không xãy ra lập tức thì người ta vẫn cứ tiếp tục phạm tội như trước.
Đức Chúa Trời biết rõ tấm lòng và phản ứng của con người cho nên Ngài không khi nào dạy dỗ con dân của Ngài trở thành những người dung túng cho tội lỗi trong kẻ khác. Chính vì vậy mà câu gốc trong 1Phi-e-rơ 4: 8 là chỉ được áp dụng cho chính cá nhân của mỗi người mà thôi.
Thứ hai, Đức Chúa Trời không hề bao giờ tự mâu thuẫn với chính Ngài, cho nên mặc dầu tình yêu thương là quan trọng nhưng không phải vì vậy mà chính Ngài (hoặc là dạy dỗ con dân Ngài) dùng tình yêu thương để xem sự phạm tội như là không có, tức là ý nghĩa của các chữ CHE ĐẬY VÔ SỐ TỘI LỖI mà nhiều người thường lầm tưởng.
Nguyên tắc của Chúa là mặc dầu Ngài vì tình yêu thương lớn lao mà bỏ qua tội phạm của loài người, nhưng mỗi một người có tội muốn nhận được sự tha thứ của Chúa thì phải biết ăn năn, bằng không thì không có sự tha thứ.
RÔ-MA 2: 5 – Bởi lòng ngươi cứng cỏi, không ăn năn, thì tự chấp chứa cho mình sự giận về ngày thạnh nộ, khi sẽ hiện ra sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời.
Bởi cớ nguyên tắc ấy mà mới có Thiên đàng và hỏa ngục, bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng Công Bằng mặc dầu Ngài cũng là Đấng Yêu Thương.
Vì vậy mà chúng ta có thể hiểu được rằng mặc dầu Đức Chúa Trời yêu thương cả thế gian và Đức Chúa Jêsus Christ đã chết thay cho tội lỗi của cả nhân loại, nhưng chỉ có những người nào thật lòng ăn năn và trở về với Chúa, tức là tin nhận Ngài, thì mới có thể nhận được ân điển tha thứ và sự sống đời đời trong tương lai mà thôi.
CÔNG VỤ 3: 19 – Vậy, các ngươi hãy ăn năn và trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xóa đi.
Nguyên tắc cần phải ăn năn nầy là rất quan trọng, tức là hễ không có sự ăn năn thì không có sự tha thứ. Mặc dầu Đức Chúa Trời vẫn luôn luôn là Đấng Yêu Thương nhưng Ngài không bao giờ để cho con người có thể lợi dụng sự nhân từ của Chúa để cứ miệt mài trong tội lỗi mà cứ tưởng rằng họ đã được tha thứ rồi và sẽ được ở trong Thiên đàng trong tương lai. Chính vì vậy mà mặc dầu Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương nhưng Ngài vẫn tạo ra hỏa ngục cho những kẻ có tội, tức là những kẻ không chịu ăn năn.
Chính vì tầm quan trọng của sự ăn năn nên chính Đức Chúa Jêsus đã dạy dỗ chúng ta về nguyên tắc của sự tha thứ, như có chép trong…
LU-CA 17: 3 – Các ngươi hãy giữ lấy mình. Nếu anh em ngươi đã phạm tội, hãy quở trách họ, và nếu họ ăn năn, thì hãy tha thứ.
Chúng ta cần phải để ý là trong lời nầy của Chúa thì có chỗ nào Ngài dạy dỗ chúng ta rằng phải tha thứ kẻ phạm tội khi người đó chưa chịu ăn năn không? Nếu Cơ-đốc-nhân phải tha thứ bất kể rằng kẻ phạm tội có ăn năn hay không thì lời phán dạy nầy của Chúa đâu còn có ý nghĩa gì nữa!
Chính vì biết rằng Cơ-đốc-nhân sẽ dễ dàng lầm lẫn để yêu thương một cách mù quáng khi tha thứ cho kẻ phạm tội khi họ chưa có sự ăn năn thật nên Đức Chúa Jêsus mới phán kỹ càng rằng HÃY GIỮ MÌNH. Điều đó có nghĩa là đừng dại dột để tha thứ cho người khác khi họ chưa chịu ăn năn. Bởi vì làm như vậy là dung túng cho tội lỗi, là đồng lõa với kẻ phạm tội.
Nhưng từ xưa đến nay thì nhiều người vẫn lầm lẫn cách như vậy trong tình yêu thương cho nên thường khuyên người khác và ngay cả chính mình họ nữa là tha thứ cho kẻ phạm tội khi chưa có sự ăn năn thật. Bởi vì sự lầm lẫn như vậy mà họ mới nghĩ rằng Chúa đã dạy là phải tha thứ cho kẻ phạm tội đến 70 lần 7 với cùng chỉ một tội.
Chúng ta thử nghĩ mà xem, làm sao có thể tha thứ được một người khi cứ tiếp tục phạm tội tà dâm hoặc phạm tội trộm cắp đến 490 lần? Như vậy thì kẻ đó đã lợi dụng tình yêu thương của Chúa và của Cơ-đốc-nhân đến 490 lần rồi? Thế thì như vậy thì ai là người đi trong sự sáng và ai là người còn sống trong tối tăm? Người ta thường cho rằng những người bị kẻ khác lợi dụng là người ngu. Nếu Cơ-đốc-nhân bị mang tiếng như vậy thì làm sao làm sáng danh Chúa? Trái lại còn làm ô danh Ngài nữa.
Thế thì Cơ-đốc-nhân cần phải biết rằng Đức Chúa Trời khôn ngoan không bao giờ dạy cho Cơ-đốc-nhân phải yêu thương và phải tha thứ như vậy đâu.
Khi nghiên cứu kỹ lưỡng lời dạy của Chúa thì chúng ta mới có thể biết rằng Đức Chúa Jêsus dạy chúng ta tha thứ đến 490 tội khác nhau, chớ không phải là tha thứ một tội đến 490 lần. Bởi vì sự phạm một tội mà đến 490 lần là sự cố ý phạm tội và như vậy thì sẽ không bao giờ được tha thứ đâu, như lời của Chúa đã có phán trong…
HÊ-BƠ-RƠ 10: 26 – Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa.
Lời của Chúa trong câu gốc nầy đã được viết ra trong thời kỳ ân điển, tức là sau khi Đức Chúa Jêsus Christ đã hy sinh để làm của lễ chuộc tội rồi, cho nên không còn có tế lễ nào khác nữa để dùng mà tha thứ cho kẻ cứ cố tình phạm tội.
Ngoài ra chúng ta cũng cần phải để ý là câu gốc trên được viết ra là cho Cơ-đốc-nhân, tức là những người đã tin Chúa rồi, bởi vì đã được kể là ĐÃ NHẬN BIẾT LẼ THẬT, tức là biết rằng phải tin đến Đức Chúa Jêsus mới được sự cứu rỗi.
Còn về sự ăn năn thật thì tôi đã có trình bày trước đây, đó là việc không bao giờ phạm lại tội lỗi đó lần thứ hai. Đời sống của vua Đa-vít là gương mẫu điển hình của sự ăn năn thật, như có chép trong…
1CÁC VUA 15: 5 – Vì Đa-vít làm điều thiện trước mặt Đức Giê-hô-va, và ngoài việc U-ri, người Hê-tít, trọn đời người không xây bỏ điều gì của Đức Giê-hô-va đã truyền cho.
Vua Đa-vít đã phạm tội tà dâm và tội giết người, nhưng sau khi ăn năn thì ông không bao giờ phạm lại hai tội lỗi đó lần thứ hai. Ấy chính là sự ăn năn thật của vua Đa-vít.
Cũng với nguyên tắc đó mà Đức Chúa Jêsus đã phán bảo người đàn bà tà dâm đừng phạm lại tội lỗi ấy nữa sau khi đã ăn năn, như lời của Chúa đã được chép trong…
GIĂNG 8: 11 – Người thưa rằng: Lạy Chúa, không ai hết. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta cũng không định tội ngươi. Hãy đi, đừng phạm tội nữa.
Bởi lẽ đó khi Cơ-đốc-nhân dùng tình yêu thương để xem sự phạm tội của người khác như là chuyện nhỏ hoặc xem như là không có thì hành động ấy bị kể như là dung túng cho tội lỗi và đồng lõa với kẻ phạm tội. Đó là điều mà lời của Chúa đã có ngăn cấm, như đã có chép trong…
Ê-PHÊ-SÔ 5: 7 – Vậy, chớ có thông đồng điều chi với họ hết.
Các chữ CHỚ CÓ THÔNG ĐỒNG ĐIỀU CHI ở đây có nghĩa là trong hành động và ngay cả trong tư tưởng cũng đừng bao giờ cho rằng sự phạm tội của người khác là OK, là có thể tha thứ được vì tình yêu thương mặc dầu họ chẳng hề hoặc chẳng thèm ăn năn bao giờ.
Cơ-đốc-nhân cũng đừng bao giờ cố tình làm ra vẽ như mình là yêu thương và nhân từ hơn Đức Chúa Trời khi đi ngược lại nguyên tắc tha thứ của Ngài.
Thực tế cho thấy là ma quỉ và loài người đã bóp méo, giải nghĩa sai ý tưởng trong lời của Chúa trong 1Phi-e-rơ 4: 8 để làm cho Cơ-đốc-nhân dung túng cho tội lỗi và làm cho Hội thánh càng ngày càng đầy dẫy những điều hư xấu của thế gian, chớ không còn là HỘI của những người được biệt riêng ra THÁNH cho Đức Chúa Trời.
Thế thì câu hỏi là: Làm sao để áp dụng câu gốc trong 1Phi-e-rơ 4: 8 cho chính cá nhân mình?
1PHI-E-RƠ 4: 8 – Nhất là trong vòng anh em phải có lòng yêu thương sốt sắng, vì sự yêu thương che đậy vô số tội lỗi.
Ý tưởng chính yếu trong lời của Chúa trong câu gốc nầy là muốn chúng ta sống bằng tình yêu thương để tránh cho mình việc phạm tội đối với người khác, nhất là phạm tội trả đủa đối với những kẻ làm thiệt hại cho cá nhân mình. Nói một cách khác là vì tình yêu thương mà chúng ta không ăn miếng trả miếng với những kẻ đã phạm tội với mình. Câu gốc trong 1Phi-e-rơ 4: 8 có thể được làm sáng tỏ bằng phần đầu của câu gốc trong…
RÔ-MA 12: 17 – Chớ lấy ác trả ác cho ai. Phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người.
Nhờ tấm lòng yêu thương của chúng ta mà Cơ-đốc-nhân có thể che đậy được sự bùng nổ của xác thịt mình khi muốn trả đủa kẻ đã phạm tội với chúng ta. Đó là ý nghĩa thật sự của chữ CHE ĐẬY VÔ SỐ TỘI LỖI.
Ấy là bởi vì xác thịt của con người thì không muốn chịu thua và khi tức giận thì chỉ muốn trả thù mà thôi. Phản ứng như thế là rất thông thường vì chính Phao-lô cũng từng kinh nghiệm như vậy, như ông đã tường thuật lại trong…
RÔ-MA 7: 21 – Vậy tôi thấy có luật nầy trong tôi: Khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính dấp theo tôi.
Bởi sự dính dấp của xác thịt và điều dữ là như vậy trong tấm lòng của con người, ngay cả những người đã tin Chúa, tức là muốn ăn miếng trả miếng, muốn báo thù, cho nên lời của Chúa trong 1Phi-e-rơ 4: 8 mới dạy chúng ta là phải lấy tình yêu thương mà che đậy sự bùng dậy của tội lỗi trong chính cá nhân mình, giống như việc che phủ và đậy nắp thật chặt một bình thuốc nổ, vì nếu nó nổ tung thì sẽ làm hại cho người khác và hại luôn cả chính mình.
Điều đó có thể được hiểu thêm qua câu gốc trong…
TRUYỀN ĐẠO 7: 9 – Chớ vội giận, vì sự giận ở trong lòng kẻ ngu muội.
Vì Cơ-đốc-nhân là con của SỰ SÁNG và được hướng dẫn bởi SỰ KHÔN NGOAN, là Đức-Thánh-Linh cho nên phải lấy tình yêu thương để che đậy, để gài chặt, để đóng kín sự bùng nổ của xác thịt mình khỏi các cơn nóng giận hầu tránh khỏi sự phạm tội.
Ngay từ buổi đầu tiên Đức Chúa Trời đã dạy dỗ Ca-in như vậy, tức là sự quản trị và đè nén sự bùng nổ của tội lỗi bằng tình yêu thương, nhưng Ca-in đã thất bại và vì thiếu tình yêu thương nên mới giết em của ông là A-bên, như lời Kinh thánh đã có tường thuật lại trong…
SÁNG THẾ KÝ 4: 7 – Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao? Còn như chẳng làm lành, thì tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản trị nó.
Các chữ RÌNH ĐỢI TRƯỚC CỬA có nghĩa là tội lỗi đang chờ đợi tại cửa lòng của Ca-in, cho nên ông phải khóa chặt, phải che phủ, phải đậy kín bằng tình yêu thương thì sẽ không có sự phạm tội xãy ra. Đó chính là ý nghĩa thật sự của 1Phi-e-rơ 4: 8, chớ không phải là lấy tình yêu thương để làm thinh, để dung túng, để che đậy tội lỗi CỦA NGƯỜI KHÁC.
Chính bởi lẽ đó mà Đức Chúa Jêsus Christ mới dạy dỗ rằng chúng ta có bổn phận phải quở trách những kẻ phạm tội, chớ không phải là làm thinh hoặc vui vẻ mà xem sự phạm tội của người khác như là không có. Lời ấy của Chúa đã được trưng dẫn khi nãy và tôi xin trưng dẫn thêm một lần nữa ở đây…
LU-CA 17: 3 – Các ngươi hãy giữ lấy mình. Nếu anh em ngươi đã phạm tội, hãy quở trách họ, và nếu họ ăn năn, thì hãy tha thứ.
Sự quở trách như vậy là bắt chước Đức Chúa Trời và thực hiện vì lòng yêu thương, như đã được chép trong…
KHẢI HUYỀN 3: 19 – Phàm những kẻ ta yêu thì ta quở trách sửa phạt. Vậy hãy có lòng sốt sắng, và ăn năn đi.
Chúng ta có thể thấy được trong câu Kinh thánh nầy, là nhờ có sự quở trách mà mới có hy vọng rằng kẻ phạm tội biết ăn năn. Nhưng ma quỉ và loài người thì lại diễn giải sai lời của Chúa để lấy tình yêu thương mà che đậy tội lỗi của NGƯỜI KHÁC. Họ làm như vậy vì nhiều mục đích lắm, ngoại trừ ý muốn làm theo lời của Chúa. Họ làm như vậy vì quyền lợi, vì sợ hãi người ta, vì địa vị, vì lợi lộc, vì lương bổng.
Nhưng sự quở trách tội lỗi lại là điều mà lời của Chúa đã có nhấn mạnh đến và dạy dỗ nhiều lần, chẳng hạn như trong…
1TI-MÔ-THÊ 5: 20 – Kẻ có lỗi, hãy quở trách họ trước mặt mọi người, để làm cho kẻ khác sợ.
Ê-PHÊ-SÔ 5: 11 – Chớ dự vào công việc vô ích của sự tối tăm, thà quở trách chúng nó thì hơn.
Ngoài ra chúng ta cần phải biết thêm là nếu sự quở trách tội lỗi không làm cho kẻ phạm tội ăn năn, thì bước kế tiếp cần phải làm là tránh xa họ, giống như lời của Chúa đã dạy rằng CHỚ DỰ VÀO CÔNG VIỆC CỦA SỰ TỐI TĂM, tức là chớ dự vào tội lỗi của kẻ khác, chớ hội hiệp cùng họ, chớ thông đồng với họ, dầu là trong tư tưởng cũng vậy, như lời của Chúa đã được chép trong…
THI THIÊN 1: 1 – Phước cho người nào chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo báng.
RÔ-MA 16: 17 – Hỡi anh em, tôi khuyên anh em coi chừng những kẻ gây nên bè đảng và làm gương xấu, nghịch cùng sự dạy dỗ mà anh em đã nhận. Phải tránh xa họ đi.
1CÔ-RINH-TÔ 5: 11 – Nhưng tôi viết khuyên anh em đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian dâm, hoặc tham lam, hoặc thờ hình tượng, hoặc chưởi rủa, hoặc say sưa, hoặc chắt bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy.
GIU-ĐE 1: 23 – Hãy cứu vớt những kẻ kia, rút họ ra khỏi lửa. Còn đối với kẻ khác, hãy có lòng thương lẫn với sợ, ghét cả đến cái áo bị xác thịt làm ô uế.
Sự tránh xa như vậy được Chúa cho phép bởi vì Ngài biết rõ bản tánh hay sa ngã của con người, ngay cả khi người đó là Cơ-đốc-nhân, như lời của Chúa đã có đề cập đến trong…
1CÔ-RINH-TÔ 15: 33 – Anh em chớ mắc lừa: Bạn bè xấu làm hư thói nết tốt.
Sự mắc lừa như vậy một phần là do lấy tình yêu thương để che đậy tội lỗi của NGƯỜI KHÁC, đến nỗi sự thân thiết lâu ngày khiến cho tội lỗi đó trở thành tội lỗi mà CHÍNH MÌNH cũng phạm.
(còn tiếp)