CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ ÐOÁN XÉT

Từ trước đến nay có nhiều người lầm tưởng rằng Ðức Chúa Trời không cho phép con dân Chúa được quyền đoán xét ai, theo như lời dạy của Ðức Chúa Jêsus:

MA-THI-Ơ 7: 1 – Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét.

Chính vì vậy Cơ-đốc-nhân rất ít khi dám chỉ ra tội lỗi hoặc sai lầm của người khác, vì sợ trái ngược với lời dạy của Chúa, hoặc cũng sợ người khác chê bai mình là người kiêu ngạo, thiếu tình yêu thương, nhất là bị người khác lên án rằng mình là kẻ nhìn thấy cái rác trong mắt anh em mà không thấy cây đà trong mắt mình (Ma-thi-ơ 7: 3). Có Cơ-đốc-nhân khi nghe người khác nói về điều lầm lỗi mà họ đã phạm, ngay cả khi người đó là mục sư của Hội thánh địa phương, thì đã không biết sửa sai mà còn chất vấn ngược lại về tư cách của người ấy trong cố gắng biện minh rằng không có ai xứng đáng đoán xét họ, hoặc ít nữa cũng còn nhiều người phạm tội giống như mình. Bởi những trường hợp và cách hành xử như vậy, hoặc vì quan điểm sai lầm đối với lời dạy của Ðức Chúa Jêsus mà Cơ-đốc-nhân cứ nín lặng về tội lỗi, về những thiếu sót, sai phạm trong sinh hoạt chung của Hội thánh, của anh chị em mình trong đức tin, đến nỗi lâu dần trở thành những người gián tiếp dung túng cho đủ mọi lầm lỗi trong đời sống của tôi con Chúa. Tình trạng nầy dần dần dẫn đến sự sa sút trong đời sống đạo, sự thiếu mẫu mực trong đời sống thường ngày của Cơ-đốc-nhân và làm Hội thánh mất dần ảnh hưởng đạo đức trong xã hội.

Trái lại, có những người rất thích lên án, chỉ trích người khác và trưng dẫn Kinh thánh theo ý riêng cá nhân để chứng tỏ rằng họ thuộc linh hơn, thiện lành hơn. Cả hai thái cực nầy đều không xứng hiệp với những điều mà Ðức Chúa Trời đã cho ghi lại trong lời của Ngài về vấn đề đoán xét. Nếu chúng ta đọc kỹ Kinh thánh và nghiên cứu một cách cẩn thận thì sẽ thấy lời Chúa phán dạy hoàn toàn khác hẳn với quan điểm bấy lâu nay của đa số tôi con Chúa.

(Xin đọc thêm bài viết về CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ NHẬN ĐỊNH ĐỜI SỐNG)

Có một số các câu Kinh thánh cho chúng ta biết về định nghĩa của sự đoán xét. Thứ nhất, theo như lời của Chúa mà chúng tôi sẽ trưng dẫn kế tiếp, thì đoán xét có nghĩa là hành động chỉ ra sự đúng sai và được cặp theo bởi sự thưởng phạt, chẳng hạn như câu Kinh thánh sau:

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 12: 12 – Đêm đó ta sẽ đi qua xứ Ê-díp-tô, hành hại mọi con đầu lòng xứ Ê-díp-tô, từ người ta cho đến súc vật; ta sẽ xét đoán các thần của xứ Ê-díp-tô; ta là Đức Giê-hô-va.

Câu Kinh thánh trên cho biết là khi Ðức Giê-hô-va thi hành sự đoán xét các thần của xứ Ai-cập thì Ngài sẽ trừng phạt họ bằng việc hành hại tất cả các con đầu lòng trong cả nước, bất luận là người hay súc vật.

Nguyên tắc nầy về sự đoán xét cũng được bày tỏ qua một số các câu Kinh thánh khác, chẳng hạn như các câu sau:

PHỤC TRUYỀN 32: 41 – Khi ta mài lưỡi sáng của gươm ta, và tay ta cầm sự đoán xét, thì ta sẽ báo thù kẻ cừu địch ta, cùng đối trả những kẻ nào ghét ta.

1CÁC VUA 8: 32 – xin Chúa ở trên trời hãy nghe, đối đãi và xét đoán tôi tớ Chúa, mà lên án cho kẻ dữ, khiến đường lối nó đổ lại trên đầu nó, và xưng công bình cho người công bình, và thưởng người tùy theo sự công bình của người

Theo như lời Chúa cho biết thì khi đoán xét bao giờ cũng có sự trừng phạt cặp theo, và như câu Kinh thánh trong 1Các Vua 8: 32 thì có cả sự ban thưởng nữa. Chúng ta cần ghi nhớ về định nghĩa nầy để có thể tìm hiểu thêm về sự đoán xét một cách chi tiết hầu nhờ đó có thể trừ bỏ được những hoang mang, hoài nghi, hoặc những quan điểm sai lầm và nếu có một lần nào đó cần phải thực hiện sự đoán xét thì sẽ hành xử một cách thích hợp theo như lời của Chúa đã dạy.

Ý nghĩa thứ hai của sự đoán xét là hành động giúp cho người khác biết được về mạng lệnh và luật pháp của Chúa dạy về một vấn đề nào đó, như được bày tỏ qua câu Kinh thánh sau:

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 18: 16 – Khi nào họ có việc chi, thì đến cùng tôi, tôi xét đoán người nầy cùng người kia, và cho họ biết những mạng lịnh và luật pháp của Đức Chúa Trời.

Trong câu Kinh thánh nầy chúng ta thấy có những điểm đáng chú ý. Thứ nhất, Môi-se là người ở trong cương vị của một người được quyền xét đoán (chúng tôi sẽ đề cập chi tiết đến điểm nầy ở các phần sau), thứ hai là dân Y-sơ-ra-ên nhờ ông đoán xét việc của họ. Ðiều đó có nghĩa là họ muốn ông đoán xét chớ không phải tự ông làm việc ấy bất kể người khác có đồng ý hay không. Thứ ba, khi Môi-se đoán xét thì ông căn cứ trên luật pháp và các mạng lệnh của Chúa để cho dân Y-sơ-ra-ên biết điều nào đúng, điều nào sai, chớ không phải ông đoán xét theo quan điểm riêng của cá nhân ông (đó là định nghĩa thứ hai của sự đoán xét). Chúng tôi sẽ trình bày hết cả ba điều để chúng ta có thể thấy rằng quan niệm về sự xét đoán từ trước đến nay của Cơ-đốc-nhân là chưa chính xác với điều mà Kinh thánh dạy dỗ về vấn đề nầy.

Vì Kinh thánh có đề cập đến Môi-se trong cương vị là người được quyền đoán xét dân sự, nên chúng ta sẽ cùng xem xét những ai được Kinh thánh cho biết rằng được Chúa đặt để trong vị trí nầy.

Trước nhất thì chúng ta biết rằng Ðức Chúa Trời đương nhiên là Ðấng Ðoán Xét vì Ngài là Ðấng Tạo Hóa, mọi loài mọi vật đều ở dưới quyền cai trị của Ngài. Chúa xét đoán thế gian và xét đoán dân sự Ngài, tức là dân Y-sơ-ra-ên cũng như mỗi một Cơ-đốc-nhân:

1SỬ KÝ 16: 14 – Ngài vốn là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng ta; Sự xét đoán Ngài làm ra khắp thế gian.

HÊ-BƠ-RƠ 10: 30 – Vì chúng ta biết Đấng đã phán rằng: Sự trả thù thuộc về ta; ta sẽ báo ứng, ấy là lời Chúa phán. Lại rằng: Chúa sẽ xét đoán dân mình.

Câu Kinh thánh trong thư Hê-bơ-rơ xác định với chúng ta một lần nữa về định nghĩa của sự xét đoán, ấy là sự phân xử có cặp theo hình phạt hoặc ban thưởng.

Hiểu rằng Ðức Chúa Trời là Ðấng Ðoán Xét thì Áp-ra-ham, tổ phụ đức tin của cả nhân loại, đã nhận biết điều đó từ ngàn xưa:

SÁNG THẾ KÝ 18: 25 – Không lẽ nào Chúa làm điều như vậy, diệt người công bình luôn với kẻ độc ác; đến đỗi kể người công bình cũng như người độc ác. Không, Chúa chẳng làm điều như vậy bao giờ! Đấng đoán xét toàn thế gian, há lại không làm sự công bình sao?

Trong câu Kinh thánh trên không những xác định Ðức Chúa Trời là Ðấng Ðoán Xét mà còn cho chúng ta biết thêm một đặc điểm liên quan đến sự đoán xét, là thực hiện hành động ấy trong tiêu chuẩn công bình của Ðức Chúa Trời. Chúng ta sẽ có dịp trở lại với đặc điểm nầy trong các phần sau.

Kinh thánh cũng cho chúng ta biết rằng Ðức Chúa Jêsus Christ là Ðấng Ðoán Xét:

GIĂNG 10: 42 – Lại Ngài đã biểu chúng ta khá giảng dạy cho dân chúng, và chứng quyết chính Ngài là Đấng Đức Chúa Trời đã lập lên để đoán xét kẻ sống và kẻ chết.

Trong câu Kinh thánh nầy cho chúng thấy một đặc điểm khác liên quan đến sự đoán xét mà chúng tôi đã có đề cập đến trong trường hợp của Môi-se, ấy là Ðấng (hoặc người, chẳng hạn như Cơ-đốc-nhân) được quyền đoán xét hay không phải tùy thuộc vào việc được Ðức Chúa Trời chỉ định. Như vậy những người nào không được Chúa chỉ định thực hiện sự đoán xét hoặc không ở trong vị trí của người cần phải làm sự đoán xét mà lại đi đoán xét người khác thì đó là kẻ lạm quyền hoặc thiếu sự nhận thức về địa vị của mình trong cuộc sống. Ngược lại, nếu một người được Chúa chỉ định làm công việc đoán xét mà lại trốn tránh trách nhiệm nầy thì người đó trở thành kẻ khinh dễ lời của Ðức Chúa Trời và chối bỏ quyền chủ tể của Chúa trên đời sống mình. Vì vậy, những vấn đề liên quan đến sự đoán xét không thể được hiểu một cách đơn giản theo cách nói ‘đừng đoán xét ai để mình khỏi bị đoán xét’ mà bấy lâu nay tôi con Chúa vẫn lầm lẫn. Chúng ta ai cũng biết rằng lời của Ðức Chúa Trời là sâu nhiệm và lạ lùng, là kho tàng quý báu nhất trong thế gian, nhưng hầu như đa số tôi con Chúa cứ hiểu lời Kinh thánh ở bề mặt mà thôi, ít có bao giờ chịu khó đào bới sâu xa để có thể hiểu thấu được những điều mà Ðấng Khôn Ngoan trong cả vũ trụ muốn bày tỏ. Ðó là một trong những cách xem thường lời Sự Sống, một trong những lầm lẫn to lớn của người theo Chúa. Tình trạng nầy cần phải được thay đổi, bằng không sẽ có nhiều người phải hối tiếc trong ngày đối diện với Ðức Chúa Trời.

Bây giờ chúng ta trở lại với vấn đề Ðấng Ðoán Xét. Mặc dầu Kinh thánh cho chúng ta biết rằng Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Ðoán Xét thế gian, nhưng chúng ta cũng đừng vì thế mà hoang mang khi đọc đến các câu Kinh thánh cho biết rằng Ðức Chúa Jêsus đến thế gian không phải để đoán xét, chẳng hạn như câu Kinh thánh sau:

GIĂNG 3: 17 – Vả, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu.

Câu Kinh thánh trên được dùng để mô tả về chức vụ của Ðức Chúa Jêsus khi Ngài giáng sanh vào trong trần gian và mang thân xác con người. Ngài đến để làm của lễ chuộc tội cho cả nhân loại nên trước khi Ngài thực hiện công tác ấy thì Ngài chưa chính thức nhận lấy quyền thế và địa vị của Ðấng Ðoán Xét, mặc dầu trong khi giảng dạy về Tin Lành của Ðức Chúa Trời thì Ðức Chúa Jêsus cũng đã thực hiện sự đoán xét đối với những kẻ có tội bằng chân lý và lẽ thật của Ðức Chúa Trời:

GIĂNG 12: 47-48 – Lại nếu kẻ nào nghe lời ta mà không vâng giữ, ấy chẳng phải ta xét đoán kẻ đó; vì ta đến chẳng để xét đoán thế gian, nhưng để cứu chuộc. Người nào bỏ ta ra và không nhận lãnh lời ta, đã có kẻ xét đoán rồi; lời ta đã rao giảng, chính lời đó sẽ xét đoán họ nơi ngày sau cùng.

Chính vì vậy Ðức Chúa Jêsus mới cho biết rằng mặc dầu Ngài là Ðấng Ðoán Xét nhưng trước hết Ngài phải rao truyền chân lý trong chương trình cứu chuộc thế gian của Ðức Chúa Trời cho mọi người:

GIĂNG 8: 26 – Ta có nhiều sự nói và đoán xét về các ngươi; nhưng Đấng đã sai ta đến là thật, và điều chi ta nghe bởi Ngài, ta truyền lại cho thế gian.

Ðến đây thì chúng tôi xin đề cập đến một đặc điểm khác nữa liên quan đến sự đoán xét được bày tỏ qua các câu Kinh thánh vừa trưng dẫn, ấy là trong chương trình của Chúa thì sự đoán xét phải được thực hiện đúng thời điểm của nó, chớ không phải tự ý muốn làm lúc nào cũng được. Ðặc điểm nầy được bày tỏ qua câu Kinh thánh sau:

GIĂNG 5: 22-23 – Cha cũng chẳng xét đoán ai hết, nhưng đã giao trọn quyền phán xét cho Con, đặng ai nấy đều tôn kính Con, cũng như tôn kính Cha vậy. Ai không tôn kính Con, ấy là không tôn kính Cha, là Đấng đã sai Con đến.

Cơ-đốc-nhân chúng ta đều biết rằng Ðức Chúa Trời là Ðấng Ðoán Xét và Ngài sẽ ngồi tại tòa án lớn và trắng mà đoán xét cả thế gian (Khải huyền 20: 11-12), nhưng trong câu Kinh thánh trên thì lại cho biết rằng Ðức Chúa Trời chẳng đoán xét ai. Nguyên nhân là vì khi Ðức Chúa Jêsus đã giáng sanh và thi hành chức vụ của Ngài trên đất thì Ðức Chúa Trời ban cho Ðấng Christ quyền đoán xét để loài người biết tôn kính Ðức Chúa Jêsus một cách xứng đáng. Như vậy là sự đoán xét có thời kỳ, chớ không phải được thực hiện luôn luôn. Chúng ta nên nhớ đến đặc điểm nầy để có thể hiểu về những vấn đề khác liên quan đến sự đoán xét.

Ngoài ra chúng tôi cũng xin nói thêm rằng mặc dầu Ðức Chúa Trời nhường quyền đoán xét lại cho Ðấng Christ thì điều đó không có nghĩa là Ngài ngừng sự đoán xét của Ngài đối với cả thế gian. Vì theo lời của Ðức Chúa Jêsus thì Ngài với Ðức Chúa Trời là một (Giăng 10: 30). Lẽ đạo Ba Ngôi thì hầu như Cơ-đốc-nhân nào cũng biết, nên chúng ta có thể hiểu được rằng đang khi Ðức Chúa Jêsus thi hành sự đoán xét thì điều đó có nghĩa là sự đoán xét của Ðức Chúa Trời và khi Ðức Chúa Trời phán xét cả thế gian trong lần chung thẫm thì chính Ðức Chúa Jêsus có dự phần trong chức vụ ấy.

Kế đến chúng ta cũng phải nhận biết rằng Ðức-Thánh-Linh là Ðấng Ðoán Xét. Cũng nhờ lẽ đạo Ba Ngôi mà chúng ta xác định được về điều đó, vì Ðức-Thánh-Linh chính là Ðức Chúa Trời. Ngoài ra Kinh thánh cũng có ghi thêm về chức vụ là Ðấng Ðoán Xét của Ðức-Thánh-Linh:

GIĂNG 14: 7-8 – Dầu vậy, ta nói thật cùng các ngươi: Ta đi là ích lợi cho các ngươi; vì nếu ta không đi, Đấng Yên ủi sẽ không đến cùng các ngươi đâu; song nếu ta đi, thì ta sẽ sai Ngài đến. Khi Ngài đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình và về sự phán xét

Vì Ðức-Thánh-Linh là Ðấng làm việc trong tấm lòng của con người nên bởi lẽ đó sự đoán xét của Ngài làm cho chính họ tự cáo trách về những tội lỗi đã vi phạm và nhận biết sự công bình của Ðức Chúa Trời khi họ phải chịu sự trừng phạt tương xứng từ nơi Ngài.

Như vậy, qua các câu Kinh thánh đã trưng dẫn ở trên thì chúng ta biết được về Ðấng Ðoán Xét. Về phần người được quyền đoán xét thì chúng tôi sẽ trình bày tiếp tục trong các phần sau. Dầu vậy, để tóm tắt những điều chúng ta vừa xem xét qua từ lời Kinh thánh thì chúng ta có thể nhớ thế nầy:

Sự đoán xét là công việc được thực hiện để người khác biết điều đúng điều sai theo mẫu mực và sự công bình qua lời của Ðức Chúa Trời đồng thời giúp họ thấy được sự ban thưởng hoặc trừng phạt tương xứng mà Chúa đã chỉ định. Những đặc điểm của sự đoán xét là phải được Ðức Chúa Trời chỉ định, phải thực hiện tùy theo sự yêu cầu (chỉ riêng trong trường hợp của con người được làm người đoán xét mà thôi, còn đối với Ðức Chúa Trời thì Ngài có quyền đoán xét bất cứ lúc nào Ngài muốn), phải căn cứ theo mạng lệnh và điều răn trong lời của Chúa, và phải thực hiện theo kỳ đã định sẳn.

Thế thì chúng ta thấy được rằng sự đoán xét hoàn toàn khác hẳn với sự nhận định. Sự đoán xét phải theo các nguyên tắc mà Kinh thánh đã bày tỏ, còn sự nhận định là quyền tự do của con người, ai cũng có thể bày tỏ ý kiến cá nhân của mình, đúng sai tùy thuộc theo quan điểm của mỗi người. Cơ-đốc-nhân vẫn lầm lẫn giữa hai điều nầy luôn, chính vì vậy mà các tiêu chuẩn, mẫu mực của đời sống đạo không được đề cao, ít được nhắc nhở và tình trạng dung túng tội lỗi cứ tiếp tục lan truyền trong Hội thánh.

CÁC CÂU KINH THÁNH ÐÃ TRƯNG DẪN

KHẢI HUYỀN 20: 11-12 – Bấy giờ tôi thấy một tòa lớn và trắng cùng Đấng đang ngồi ở trên; trước mặt Ngài trời đất đều trốn hết, chẳng còn thấy chỗ nào cho nó nữa. Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy.

GIĂNG 10: 30 – Ta với Cha là một.

Sau khi trưng dẫn Kinh thánh để biết rằng Ðức Chúa Trời là Ðấng Ðoán Xét thì chúng tôi xin được trình bày tiếp về những người được Chúa chỉ định để làm công việc đoán xét, bằng không thì Cơ-đốc-nhân cứ tưởng rằng con dân Chúa chẳng được quyền đoán xét ai.

Thứ nhất, theo như lời Kinh thánh thì các sứ đồ của Ðức Chúa Jêsus có quyền đoán xét người khác:

MA-THI-Ơ 19: 28 – Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, đến kỳ muôn vật đổi mới, là khi Con người sẽ ngự trên ngôi vinh hiển của Ngài, thì các ngươi là kẻ đã theo ta, cũng sẽ ngồi trên mười hai ngôi, mà xét đoán mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên.

Trong câu Kinh thánh nầy chúng ta phải chú ý đến những điểm sau đây: Ðức Chúa Jêsus cho biết kỳ định mà các sứ đồ của Ngài được làm sự đoán xét, đó là khi Ngài đoán xét cả thế gian. Nhưng các người ấy chỉ được đoán xét dân Y-sơ-ra-ên thuộc trong mười hai chi phái mà thôi. Dầu vậy, vì họ được quyền đoán xét tuyển dân của Chúa trong tương lai nên đang khi còn sống tại đất nầy, họ được quyền đoán xét các tín đồ trong Hội thánh đầu tiên, như trong trường hợp của A-na-nia và Sa-phi-ra:

CÔNG VỤ 5: 1-10 – Nhưng có một người tên là A-na-nia, thuận với vợ là Sa-phi-ra, bán gia sản mình, và đồng mưu với vợ, giữ lại một phần tiền giá bán; rồi mới đem phần còn lại đặt dưới chân các sứ đồ. Phi-e-rơ bèn nói với người rằng: Hỡi A-na-nia, sao quỉ Sa-tan đã đầy dẫy lòng ngươi, đến nỗi ngươi nói dối cùng Đức Thánh Linh, mà bớt lại một phần giá ruộng đó? Nếu ngươi chưa bán ruộng đó, há chẳng phải là của ngươi sao? Khi bán rồi, giữ giá đó há chẳng được sao? Điều đó nhập vào lòng ngươi thế nào? Ấy chẳng phải ngươi nói dối loài người, bèn là nói dối Đức Chúa Trời. A-na-nia nghe nói bấy nhiêu lời, thì ngã xuống và tắt hơi; phàm người nào hay điều đó đều sợ hãi quá đỗi. Nhưng các gã trẻ tuổi đứng dậy khâm liệm thây người và đem đi chôn. Khỏi đó độ ba giờ, vợ người bước vào, vốn chưa hề biết việc mới xảy đến. Phi-e-rơ cất tiếng nói rằng: Hãy khai cho ta, ngươi đã bán đám ruộng giá có ngằn ấy phải không? Thưa rằng: Phải, giá ngằn ấy đó. Phi-e-rơ bèn nói rằng: Sao các ngươi dám đồng mưu để thử Thánh Linh của Chúa? Kìa, chân những kẻ chôn chồng ngươi đang ở ngoài cửa, họ sẽ đem ngươi đi luôn. Chính lúc đó, nàng té xuống nơi chân Phi-e-rơ và tắt hơi. Các gã tuổi trẻ trở về, thấy nàng đã chết, bèn khiêng đi chôn bên chồng nàng.

Chúng ta thấy được qua các câu Kinh thánh trên rằng khi sứ đồ Phi-e-rơ thi hành sự đoán xét thì có bao gồm luôn cả sự trừng phạt, giống như điều mà chúng tôi đã trình bày về định nghĩa của sự đoán xét.

Ngày hôm nay thì chúng ta không còn có ai xứng đáng như các sứ đồ của Ðức Chúa Jêsus ngày trước, dầu vậy điều đó không có nghĩa là trong Hội thánh của Ðấng Christ không có những người được chỉ định làm công việc đoán xét. Chúng ta theo dõi những phần sau thì sẽ thấy rõ hơn điều mà Kinh thánh dạy về vấn đề nầy.

Thứ hai, người được chỉ định làm công việc đoán xét là những người ở trong cương vị lãnh đạo dân sự của Chúa, như trong trường hợp của Môi-se:

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 18: 13 – Qua ngày sau, Môi-se ra ngồi xét đoán dân sự; dân sự đứng chực trước mặt người từ sớm mai đến chiều.

Ðiều nầy là rõ ràng, vì trong một tập thể, dầu đó là tuyển dân của Chúa hay trong Hội thánh của Ðấng Christ ngày hôm nay, thì đều phải có những người mà Chúa chỉ định làm công tác đoán xét để giữ gìn đường lối của tập thể đó theo mạng lệnh và luật pháp của Ðức Chúa Trời, đồng thời đề cao, khích lệ những mẫu mực tốt và nhắc nhở, khuyên bảo, răn đe con dân Chúa từ bỏ những điều không đẹp lòng Ðức Chúa Trời. Chính sứ đồ Phao-lô đã nhấn mạnh đến trách nhiệm nầy trong Hội thánh của Chúa, mà trường hợp điển hình là Hội thánh Cô-rinh-tô:

1CÔ-RINH-TÔ 5: 12 – Vì chưng có phải tôi nên đoán xét kẻ ở ngoài sao? Há chẳng phải anh em nên đoán xét những người ở trong sao?

Qua câu Kinh thánh trên thì chúng ta có thể thấy sứ đồ Phao-lô đã hỏi một cách mạnh mẽ những tín đồ trong Hội thánh Cô-rinh-tô thời ấy rằng tại sao trong vòng họ không có ai làm công tác đoán xét, đến nỗi Hội thánh dung túng cho kẻ phạm tội tà dâm với vợ của cha mình:

1CÔ-RINH-TÔ 5: 1 – Có tin đồn ra khắp nơi rằng trong anh em có sự dâm loạn, dâm loạn đến thế, dẫu người ngoại đạo cũng chẳng có giống như vậy: là đến nỗi trong anh em có kẻ lấy vợ của cha mình.

Như điều mà chúng tôi đã đề cập đến trong phần đầu của bài viết về đề tài nầy, chính vì quan điểm sai lầm về việc đừng đoán xét ai để mình khỏi bị đoán xét mà Hội thánh từ xưa đến nay nhiều lúc trở nên tệ hại như vậy, tệ hơn cả đoàn thể của những người chưa biết Chúa. Chúng tôi nhiều lúc rất là ưu tư về việc tôi con Chúa cứ hiểu Kinh thánh theo bề mặt của chữ mà không chịu nghiên cứu, suy gẫm thêm các ý tưởng cho thật sâu xa để biết ý của Ðức Chúa Trời dạy về điều đó là thế nào. Ðã vậy nhiều người lại dùng quan điểm sai lầm ấy để kiêu hãnh, tự cho mình là nhu mì, hiền lành, là kẻ không bao giờ đoán xét ai, nhưng rốt lại thì vì thái độ, hành động đó mà dung túng tội lỗi và các thói hư tật xấu tiếp tục tồn tại trong Hội của những người đã biệt riêng ra Thánh cho Ðức Chúa Trời. Trong những phần sau chúng tôi sẽ giải thích cách chi tiết về ý nghĩa trong lời dạy của Ðức Chúa Jêsus về việc đừng đoán xét ai.

Trở lại với thí dụ về sứ đồ Phao-lô và Hội thánh Cô-rinh-tô thì Kinh thánh cho biết rằng vì từ người lãnh đạo cho đến con cái Chúa trong Hội thánh không chịu làm công việc đoán xét kẻ có tội cho nên Phao-lô, dẫu là người ở xa (nhưng vì đã được gọi vào chức vụ truyền giảng và chăn bầy chiên của Ðức Chúa Trời) vẫn thi hành quyền đoán xét mà ông có được từ nơi Ngài, đồng thời tuyên án kẻ có tội (theo như định nghĩa mà Kinh thánh đã bày tỏ về sự đoán xét):

1CÔ-RINH-TÔ 5: 3-4 – Về phần tôi, thân dầu xa cách mà lòng ở tại đó, (vì anh em và lòng tôi được hội hiệp với quyền phép của Đức Chúa Jêsus, là Chúa chúng ta), nên tôi đã dường như có mặt ở đó, nhân danh Đức Chúa Jêsus là Chúa chúng ta, tuyên án kẻ phạm tội đó rằng, một người như thế phải phó cho quỉ Sa tan, để hủy hoại phần xác thịt, hầu cho linh hồn được cứu trong ngày Đức Chúa Jêsus.

Ðể cho các tín đồ ở tại Hội thánh Cô-rinh-tô ý thức được rằng phải có một người thi hành sự đoán xét giữa vòng họ hầu có thể giữ được danh tiếng của Hội thánh và tôn vinh hiển cho Ðức Chúa Trời thì Phao-lô nhấn mạnh một lần nữa về án phạt mà ông đã nêu ra cho kẻ có tội:

1CÔ-RINH-TÔ 5: 13 – Còn như kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ đoán xét họ. Hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi anh em.

Các chữ trong phần cuối của câu Kinh thánh trên cho thấy rằng Phao-lô muốn các tín đồ tại Hội thánh Cô-rinh-tô phải làm việc ấy. Chúng ta thử suy nghĩ mà xem, nếu Cơ-đốc-nhân cứ lầm lẫn rằng mình không đoán xét ai để khỏi bị đoán xét thì người nào sẽ thực hiện điều mà Ðức Chúa Trời đã phán dạy và được các sứ đồ của Ðức Chúa Jêsus nhắc nhở? Chẳng những vậy thôi chúng tôi còn thấy tình trạng nầy: Ấy là khi có ai chỉ ra cho tôi con Chúa điều cần phải làm theo như lời Kinh thánh đã ghi chép thì người ấy lập tức bị chụp mũ là kẻ kiêu ngạo, kẻ thích đoán xét người khác, là kẻ thiếu lòng yêu thương hoặc nhiều danh từ khác nữa. Như vậy chúng ta có thể thấy được thái độ của nhiều tôi con Chúa, rằng đã không làm điều đáng phải làm, mà lại còn ngăn cản người khác làm điều Chúa đã phán dạy. Thật đáng tiếc quá. Chúng tôi không biết chừng nào thì tình trạng nầy sẽ được sửa lại, được thay đổi? Ngược lại, cũng có nhiều Cơ-đốc-nhân, chính mình không phải ở trong địa vị làm công việc đoán xét, chưa hề được Chúa chỉ định vào vị trí ấy, lại cứ thích lên án người khác bằng tư tưởng riêng, quan điểm riêng hoặc sự hiểu biết sai lạc về Kinh thánh, gây ra sự bất hòa không nên có giữa vòng các anh chị em trong đức tin. Quả thật là hai thái cực trái ngược nhau.

Thế cho nên có một điều quan trọng mà chúng tôi muốn nhắc nhở ngay tại điểm nầy, ấy là mặc dầu cần phải có người làm công việc đoán xét nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện sự đoán xét trong Hội thánh của Ðức Chúa Trời. Theo như phần đầu của bài viết nầy mà chúng tôi có đề cập thì chỉ những người được Chúa chỉ định mới có thể thi hành công tác đoán xét, còn những người khác, là những người không được chỉ định vào chức vụ ấy thì không nên lạm quyền để khỏi mắc tội với Chúa. Ðó là phần kế tiếp mà chúng tôi sẽ trình bày sau đây.

Thứ ba, người được phép làm sự đoán xét là những người được chọn, được đề cử (bầu cử) để có trách nhiệm trong tập thể của con dân Chúa, chẳng hạn như những người được Môi-se chọn lựa để thay thế ông đoán xét các công việc nhỏ và không có tầm quan trọng lớn:

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 18: 25-26 – Vậy, Môi-se bèn chọn trong cả Y-sơ-ra-ên những người tài năng, lập lên trên dân sự, làm trưởng cai trị, hoặc ngàn người, hoặc trăm người, hoặc năm mươi người, hoặc mười người; họ xét đoán dân sự hằng ngày. Các việc khó họ giải lên cho Môi-se; nhưng chính họ xét lấy các việc nhỏ.

Một người, dầu có tài năng và được Ðức Chúa Trời ban cho quyền phép như Môi-se, cũng không thể nào đảm đương hết tất cả các công việc cần thiết liên quan đến dân sự. Vì vậy ông phải chọn thêm người để chia xẻ công việc và trách nhiệm. Cũng một thể ấy, trong Hội thánh của Chúa một mình người mục sư không thể nào đảm đương được tất cả các công việc, nhất là còn phải chuyên cần cầu nguyện, tương giao với Chúa để lãnh lấy mạng lệnh từ nơi Ngài và hết sức tập trung vào việc nghiên cứu Kinh thánh để hướng dẫn con dân Chúa về phương diện thuộc linh, nên cũng cần phải có các anh chị em khác (là người được cả Hội thánh đề cử) để chia xẻ công việc và trách nhiệm. Ðó là nguyên tắc hoạt động trong tập thể của con dân Chúa, dầu là trong vòng dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa hay trong Hội thánh ngày hôm nay, mà tất cả các Cơ-đốc-nhân đều biết và Kinh thánh đã có ghi lại:

CÔNG VỤ 14: 23 – Khi hai sứ đồ khiến lựa chọn những trưởng lão trong mỗi Hội thánh, cầu nguyện và kiêng ăn xong, thì dâng các người đó cho Chúa là Đấng mình đã tin đến.

Như thế thì chúng ta có thể hiểu được rằng trong Hội thánh của Chúa những người nào ở trong vị trí có thể làm sự đoán xét và phải thực hiện điều ấy trong giới hạn hoặc chừng mực nào. Nhưng không cứ phải cao tuổi là đã có quyền đoán xét đâu. Chúng tôi sẽ trình bày thêm về tiêu chuẩn cần phải có của những người được chỉ định làm sự xét đoán trong tập thể con cái của Ðức Chúa Trời. Vì mỗi một khi Chúa dạy dỗ về vấn đề nào thì Ngài cũng đều hướng dẫn một cách cẩn thận và hết sức chi tiết, chỉ cần Cơ-đốc-nhân chúng ta chịu khó suy gẫm, nghiên cứu thì sẽ thấy được sự rõ ràng một cách lạ lùng trong lời Kinh thánh. Chỉ vì nhiều Cơ-đốc-nhân quá thờ ơ với Kinh thánh, chỉ đọc qua một cách sơ sài hoặc nghe ý kiến của người nầy, tư tưởng của người khác mà không chịu so sánh với lời của Chúa nên rốt lại chỉ hiểu được ý nghĩa của các câu Kinh thánh theo bề mặt mà thôi.

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *