PHÓ CHO QUỈ SA-TAN

Có một thắc mắc của con cái Chúa trong Hội thánh hỏi chúng tôi về lời Kinh thánh liên quan đến việc Phao-lô tuyên án một tín hữu trong Hội thánh Cô-rinh-tô rằng người đó cần phải bị phó cho quỉ Sa-tan vì đã phạm tội tà dâm với vợ kế của cha. Chúng tôi đã có dịp trình bày và giải thích về điều nầy tại Hội thánh địa phương, nhưng thấy cũng cần nên ghi lại tại đây để các anh chị em khác có thể đọc được nếu có chung một thắc mắc giống như vậy. Phần Kinh thánh liên quan đến câu hỏi đã có chép trong thư Cô-rinh-tô thứ nhất:

(1Cô-rinh-tô 5: 1-5) Có tin đồn ra khắp nơi rằng trong anh em có sự dâm loạn, dâm loạn đến thế, dẫu người ngoại đạo cũng chẳng có giống như vậy: là đến nỗi trong anh em có kẻ lấy vợ của cha mình. Anh em còn lên mình kiêu ngạo! Anh em chẳng từng buồn rầu, hầu cho kẻ phạm tội đó bị trừ bỏ khỏi vòng anh em thì hơn! Về phần tôi, thân dầu xa cách mà lòng ở tại đó, (vì anh em và lòng tôi được hội hiệp với quyền phép của Đức Chúa Jêsus, là Chúa chúng ta), nên tôi đã dường như có mặt ở đó, nhân danh Đức Chúa Jêsus là Chúa chúng ta, tuyên án kẻ phạm tội đó rằng, một người như thế phải phó cho quỉ Sa tan, để hủy hoại phần xác thịt, hầu cho linh hồn được cứu trong ngày Đức Chúa Jêsus.

Trước khi giải thích về nội dung lời mà Phao-lô đã tuyên án, chúng tôi xin đề cập qua một chút về tình hình Hội thánh Cô-rinh-tô vào thời bấy giờ. Đấy là một Hội thánh lớn và giàu có trong thời các sứ đồ. Dầu vậy trong Hội thánh ấy tín hữu đã phạm nhiều tội, cả nhỏ và lớn, đôi khi rất nặng nề, chẳng hạn như tội tranh cạnh, bè đảng:

(1Cô-rinh-tô 1: 11-12) Vì, hỡi anh em, bởi người nhà Cơ-lô-ê, tôi có được tin rằng trong anh em có sự tranh cạnh. Tôi có ý nói rằng trong anh em mỗi người nói như vầy: Ta là môn đồ của Phao-lô; ta là của A-bô-lô; ta là của Sê-pha, ta là của Đấng Christ.

(1Cô-rinh-tô 3: 3) Thật, bởi trong anh em có sự ghen ghét và tranh cạnh, anh em há chẳng phải là tánh xác thịt ăn ở như người thế gian sao?

Tín hữu tại Cô-rinh-tô còn phạm thêm tội kiêu ngạo nữa:

(1Cô-rinh-tô 4: 19) Nhưng nếu Chúa khứng cho, thì chẳng bao lâu tôi sẽ tới cùng anh em, và xét cho biết, chẳng phải xét lời nói của những kẻ kiêu ngạo đó, bèn là năng lực họ thể nào.

Nhưng tội nặng nhất mà họ phạm là tội tà dâm với vợ kế của cha và với kỹ nữ. Nhiều người trong số họ, mặc dầu có địa vị và chức vụ trong Hội thánh, vẫn thường xuyên lui tới tại các kỹ viện:

(1Cô-rinh-tô 5: 1) Có tin đồn ra khắp nơi rằng trong anh em có sự dâm loạn, dâm loạn đến thế, dẫu người ngoại đạo cũng chẳng có giống như vậy: là đến nỗi trong anh em có kẻ lấy vợ của cha mình.

(1Cô-rinh-tô 6: 15-16) Anh em há chẳng biết thân thể mình là chi thể của Đấng Christ sao? Vậy thì mình có nên lấy chi thể của Đấng Christ mà làm thành chi thể của điếm đĩ chăng? Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Anh em há chẳng biết người nào kết hiệp với điếm đĩ, thì trở nên một xác với nó sao? Vì có chép rằng: Hai người sẽ đồng nên một thịt.

Ngoài ra trong vòng Hội thánh Cô-rinh-tô các tín hữu còn phạm tội tham lam, thờ cúng thần tượng và nhiều tội khác nữa mà chúng tôi sẽ có dịp trình bày một cách chi tiết hơn trong một bài viết khác. Ở đây chúng tôi chỉ muốn đề cập một chút về tình trạng của Cơ-đốc nhân ở tại Hội thánh đấy để cho thấy rằng việc một người cầu nguyện tin Chúa chỉ bằng hình thức bên ngoài mà không bằng tấm lòng ăn năn thật bên trong thì không thể nào giúp người đó có một đời sống xứng đáng với mẫu mực của Kinh thánh. Vì vậy mà họ phạm rất nhiều tội không nên phạm. Thế nên nói rằng hễ tin Chúa thì được cứu là một quan điểm sai lầm, vì nếu như vậy thì chẳng lẽ những tín hữu đã cầu nguyện tin Chúa tại Cô-rinh-tô vẫn được cứu trong khi đời sống họ lại phạm những tội ghê gớm đến như vậy?

Theo như luật pháp của Kinh thánh thì người phạm tội quan hệ luyến ái với vợ kế của cha phải bị rủa sả:

(Phục truyền 27: 20) Đáng rủa sả thay kẻ nào nằm cùng vợ kế của cha mình! Vì kẻ đó làm nhục cha mình. Cả dân sự phải đáp: A-men!

Chữ rủa sả nầy là hình thức trừng phạt thuộc linh, khác với tội ném đá là hình thức trừng phạt thuộc thể. Như vậy chúng ta có thể hiểu rằng án phạt mà Phao-lô tuyên bố đó mang tính cách thuộc linh hơn là thuộc thể. Vào thời Trung cổ tại châu Âu giới giáo phẩm Công giáo không hiểu ý nghĩa thật sự của án phạt nầy nên đã không ngần ngại tử hình người nầy người kia, nhất là các tín hữu Cải chánh (Tin Lành) bằng cách thiêu họ trên dàn hỏa và các hình thức khác, vì tưởng rằng được quyền hủy hoại thân thể họ (như là cách phó cho quỉ Sa-tan) để linh hồn các nạn nhân được cứu rỗi. Hiểu một cách sai lầm như vậy tai hại biết bao nhiêu và đã làm cho rất nhiều người phải chết oan.

Trở lại với nội tình của Hội thánh Cô-rinh-tô, vì có người phạm tội tà dâm với vợ kế của cha họ nên Phao-lô đã nhân danh chức vụ của ông trong Chúa mà tuyên án rằng người đó phải bị phó cho quỉ Sa-tan như là một cách để trừng phạt. Đây không phải là lần duy nhất Phao-lô dùng án phạt ấy. Ông cũng đã từng tuyên án tương tự cho những người dám phạm thượng đến danh của Đức Chúa Trời:

(1Ti-mô-thê 1: 18-) Hỡi Ti-mô-thê, con ta, sự răn bảo mà ta truyền cho con, theo các lời tiên tri đã chỉ về con, tức là, phải nhờ những lời đó mà đánh trận tốt lành, cầm giữ đức tin và lương tâm tốt. Mấy kẻ đã chối bỏ lương tâm đó, thì đức tin họ bị chìm đắm: trong số ấy có Hy-mê-nê và A-léc-xan-đơ, ta đã phó cho quỉ Sa-tan rồi, hầu cho họ học biết đừng phạm thượng nữa.

Để hiểu rõ về hình phạt nầy chúng ta cũng cần phải hiểu thêm một chút về chữ phó cho. Theo như lời giải thích trong Kinh thánh thì chữ phó cho có hai nghĩa, thứ nhất là giao toàn quyền cho người đó muốn làm sao cũng được và nghĩa thứ hai để để mặc cho người ấy chịu lấy mọi điều tương xứng với tội lỗi đã phạm (mà chúng ta có thể thay thế bằng chữ phó mặc):

(Ê-xơ-tê 3: 11) Vua nói với Ha-man rằng: Bạc đã ban cho ngươi, dân sự cũng phó cho ngươi, để làm điều chi mặc ý ngươi.

(Phục truyền 7: 16) Vậy, phải diệt các dân tộc mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi phó cho ngươi, mắt ngươi chớ đoái thương chúng nó, và đừng hầu việc các thần họ; vì ấy sẽ là một cái bẫy cho ngươi.

Vì là hình phạt theo ý nghĩa thuộc linh nên chúng ta cũng cần phải biết thêm về vị trí của cá nhân mỗi một con cái Chúa trong Hội thánh. Đức Chúa Jêsus đã thành lập Hội thánh của Ngài như là một đoàn thể để Cơ-đốc nhân làm sáng danh Chúa và gây dựng, bảo vệ lẫn nhau. Lời Kinh thánh cho biết là ma quỉ lúc nào cũng rình rập để tìm cách hãm hại con dân Chúa, nhưng nó không thể tấn công trực tiếp mỗi người nếu con dân Chúa biết đoàn kết với nhau trong tinh thần tương trợ, nhất là bằng lời cầu thay cho nhau. Kinh thánh đã dùng hình ảnh của một con sư tử rình mồi để mô tả tình trạng ấy:

(1Phi-e-rơ 5: 8) Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.

Thử tưởng tượng về hình ảnh của một bầy chiên hoặc bầy nai đông đảo trên cánh đồng trong khi có một con sư tử rình rập gần đó. Dù là mãnh thú nhưng con sư tử không thể nào đương cự lại với số đông nên nó kiên nhẫn chờ cơ hội tốt (khi một con chiên hay con nai rời xa khỏi bầy) thì nó sẽ tấn công ngay. Cũng với ý nghĩa tương tự như hình ảnh đó, việc phó một người cho quỉ Sa-tan tức là làm đứt đoạn sự tương giao giữa cá nhân của người ấy với tập thể chung của Hội thánh (được gọi một cách khác là dứt phép (hoặc dứt mối) thông công) và để cho người ấy trở thành người cô đơn thuộc linh, nghĩa là không được các anh chị em khác khích lệ, nâng đỡ và nhất là cầu thay cho. Một người cô đơn như vậy rất dễ bị ma quỉ tấn công. Hình thức nầy đã được Đức Chúa Trời sử dụng nhiều lần trong thời Cựu ước, khi dân Y-sơ-ra-ên phạm tội với Ngài và Chúa không cho phép các tôi tớ thánh của Chúa (chẳng hạn như các tiên tri) cầu thay cho dân sự:

(Giê-rê-mi 11: 14) Vậy ngươi chớ cầu thay cho dân nầy; chớ vì chúng nó lên tiếng kêu cầu; vì khi chúng nó nhân cớ hoạn nạn mà kêu đến ta, ta chẳng thèm nghe.

Qua lời của câu gốc vừa trưng dẫn ở trên thì một người phạm tội chắc chắn sẽ gặp hoạn nạn vì hai nguyên nhân, một là sự trừng phạt của Đức Chúa Trời và hai là sự tấn công của ma quỉ, nhưng người phạm tội lại không thể nhờ người khác (nhất là những tôi con Chúa sống đẹp lòng Ngài) để cầu nguyện cho, thành ra hoạn nạn sẽ kéo dài mà không giảm bớt. Tại chỗ nầy thì ý nghĩa của các chữ hủy hoại phần thân thể được bày tỏ, như là hình ảnh của một người gặp tai ương thử thách ảnh hưởng đến cuộc đời, sinh hoạt hoặc thân thể của họ (thí dụ như bị đau bệnh, bị tai nạn xe cộ, bị trộm cướp tấn công…)

Trong thời đại Tân ước (thời đại ân điển) thì hình thức không được cầu thay cho người phạm tội vẫn áp dụng theo như lời của Kinh thánh đã bày tỏ:

(1Giăng 5: 16) Ví có kẻ thấy anh em mình phạm tội, mà tội không đến nỗi chết, thì hãy cầu xin, và Đức Chúa Trời sẽ ban sự sống cho, tức là ban cho những kẻ phạm tội mà chưa đến nỗi chết. Cũng có tội đến nỗi chết; ấy chẳng phải vì tội đó mà ta nói nên cầu xin.

Như thế chúng ta có thể thấy rằng không phải tội nào chúng ta cũng có thể cầu thay cho các anh chị em trong đức tin. Có những tội phạm trầm trọng đáng bị trừng hạt thì Cơ-đốc nhân không được cầu thay cho người phạm tội. Sự không cầu thay nầy không có nghĩa là hất hủi người phạm tội, nhưng là một hình thức trừng phạt trong yêu thương để người đó có cơ hội ăn năn. Vì vậy người bị trừng phạt không nên vì thế mà giận dữ đối với những anh chị em khác trong đức tin, nhưng phải biết buồn rầu ăn năn vì mất mối tương giao tốt đẹp trong Hội thánh:

(2Cô-rinh-tô 7: 9-10) Nay tôi lại mừng, không phải mừng về sự anh em đã phải buồn rầu, song mừng về sự buồn rầu làm cho anh em sanh lòng hối cải. Thật, anh em đã buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời, đến nỗi chưa chịu thiệt hại bởi chúng tôi chút nào. Vì sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự hối cải, và sự hối cải dẫn đến sự rỗi linh hồn; về sự đó người ta chẳng hề ăn năn, còn sự buồn rầu theo thế gian sanh ra sự chết.

Sự biết buồn rầu là cần thiết để người phạm tội có thể ăn năn (là sự ăn năn thật, nghĩa là dứt khoát với tội lỗi đã phạm và không bao giờ tái phạm nữa, chớ không phải chỉ ăn năn bằng hình thức bên ngoài). Nhờ biết ăn năn mà người phạm tội có cơ hội trở lại với Chúa và bởi đó mà sau nầy có hy vọng được cứu trong ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *