PHÉP CẮT BÌ
PHẦN THỨ TƯ – KINH THÁNH
LỄ NGHI TRONG KINH THÁNH
PHÉP CẮT BÌ
PHÉP CẮT BÌ LÀ GIAO ƯỚC GIỮA CHÚA VỚI DÂN Y-SƠ-RA-ÊN
Theo như lời cho biết thì phép cắt bì là dấu hiệu của sự giao ước giữa Đức Chúa Trời và dòng dõi của Áp-ra-ham:
(Sáng thế ký 17: 10) Mỗi người nam trong vòng các ngươi phải chịu phép cắt bì; ấy là giao ước mà các ngươi phải giữ, tức giao ước lập giữa ta và các ngươi, cùng dòng dõi sau ngươi.
Giao ước nầy phải được thực hiện luôn luôn cho mỗi một người nam sanh vào dòng dõi Y-sơ-ra-ên trãi qua các đời, và cũng được thực hiện cho bất cứ người nam nào muốn gia nhập và trở thành dân sự của Chúa. Ngay cả nô lệ nam cũng phải chịu phép cắt bì, vì họ được kể là sỡ hữu trong gia đình người chủ Y-sơ-ra-ên:
(Sáng thế ký 17: 12-14) Trải qua các đời, mỗi người nam trong vòng các ngươi, hoặc sanh đẻ tại nhà, hoặc đem tiền ra mua nơi người ngoại bang, chẳng thuộc về dòng giống ngươi, hễ lên được tám ngày rồi, đều phải chịu phép cắt bì. Chớ khá bỏ làm phép cắt bì cho ai sanh tại trong nhà ngươi, hay đem tiền ra mua về; sự giao ước của ta sẽ lập đời đời trong xác thịt của các ngươi vậy. Một người nam nào không chịu phép cắt bì nơi xác thịt mình, sẽ bị truất ra khỏi ngoài dân sự mình; người đó là kẻ bội lời giao ước ta.
Theo như mạng lệnh của Kinh thánh thì phép cắt bì được thực hiện trong vòng dân Do-thái cho đến ngày nay.
Vì phép cắt bì là giao ước để kể một người là thuộc về Đức Chúa Trời, nên dân ngoại bang, vì là dân không thuộc về Chúa, bị Kinh thánh gọi là dân không chịu cắt bì (chữ nầy mô tả thực tế về cả đời thuộc linh lẫn thuộc thể):
(Các quan xét 14: 3) Cha mẹ người nói rằng: Trong vòng các con gái của anh em con và trong cả dân sự chúng ta, há chẳng có người nữ nào, mà con phải đi cưới vợ nơi dân Phi-li-tin chẳng chịu cắt bì đó sao? Sam-sôn đáp cùng cha rằng: Xin cha hãy cưới nàng đó cho con, vì nó đẹp mắt con.
Vì trưng dẫn câu gốc có phần liên quan đến cuộc đời của Sam-sôn nên chúng tôi xin chú giải thêm một chút tại đây về tội lỗi của ông. Ấy là Sam-sôn đã vì sự ham thích của xác thịt (nhìn thấy người nữ ngoại bang là đẹp) nên bất chấp nguyên tắc của Đức Chúa Trời đối với cuộc hôn nhân của dân sự Ngài, là không được kết hiệp với dòng giống được kể là chẳng sạch:
(Lê-vi ký 11: 45) Vì ta là Đức Giê-hô-va, Đấng đã đem các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô đặng làm Đức Chúa Trời của các ngươi; các ngươi phải nên thánh, vì ta là thánh.
(1Cô-rinh-tô 6: 14) Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng?
Nguyên tắc trên được áp dụng trong mọi khía cạnh của cuộc đời con dân Chúa, nhất là đối với Cơ-đốc-nhân trong thời đại ngày nay. Chúng tôi sẽ trình bày thêm về nguyên tắc nầy trong các bài viết về cuộc hôn nhân của con dân Chúa, nhất là của người hầu việc Chúa.
QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI CHỊU PHÉP CẮT BÌ
Một trong những quyền lời thực tiễn mà Kinh thánh đã cho biết, là người chịu phép cắt bì được quyền dự lễ Vượt qua, là một trong những lễ quan trọng của dân Y-sơ-ra-ên:
(Xuất Ê-díp-tô ký 12: 48) Khi một khách ngoại bang nào kiều ngụ nhà ngươi, muốn giữ lễ Vượt-qua của Đức Giê-hô-va, thì mọi người nam của họ phải chịu phép cắt bì; đoạn, họ mới được đến gần giữ lễ nầy, và được coi như người sanh trong xứ. Nhưng ai không chịu phép cắt bì, thì chẳng được ăn đâu.
Ngoài ra, nghành y khoa ngày nay cũng đã công nhận lợi ích của phép cắt bì về phần thuộc thể, không những là cho người nam Y-sơ-ra-ên, mà còn cho người phối ngẫu của họ trong hôn nhân. Các bằng chứng đã cho thấy rằng khi một người nam chịu phép cắt bì mà lập gia đình, thì người vợ của họ tránh được nguy cơ nhiễm trùng đường sinh sản. Tỷ lệ nhiễm trùng như vậy là rất cao trong vòng những dân tộc không làm phép cắt bì cho trẻ em nam. Chính vì lẽ ấy mà trong thời kỳ cận đại, rất nhiều quốc gia đã áp dụng phép cắt bì, chẳng hạn như tại các nước châu Âu kể từ cuối thế kỷ thứ 18. Vì Việt Nam từng là thuộc địa của Pháp nên cũng bị ảnh hưởng về việc đó và có rất nhiều người đàn ông Việt Nam mang dấu hiệu cắt bì trên người.
Ý NGHĨA CỦA PHÉP CẮT BÌ
Phép cắt bì được Đức Chúa Trời chỉ định là dấu hiệu tinh sạch của mỗi một người nam trong dân Y-sơ-ra-ên:
(Ê-sai 52: 1) Hỡi Si-ôn, hãy thức dậy, thức dậy, mặc lấy sức mạnh ngươi! Hỡi Giê-ru-sa-lem, là thành thánh, hãy mặc lấy áo đẹp! Vì rày về sau kẻ không chịu phép cắt bì và kẻ ô uế sẽ không vào nơi ngươi nữa.
Dấu hiệu tinh sạch như vậy cũng được dùng để chỉ về các sản phẩm của đồng ruộng, khi Kinh thánh cùng chữ cắt bì để mô tả các loại cây ăn trái:
(Lê-vi ký 19: 23) Khi các ngươi sẽ vào xứ Ca-na-an, và đã trồng các thứ cây trái rồi, hãy coi các trái chiếng nó không sạch, như chưa chịu phép cắt bì; trong ba năm các ngươi hãy coi nó không sạch, chớ nên ăn.
Như các phần Kinh thánh phía trên cho thấy thì sự tinh sạch như vậy được bày tỏ ra không những trong đời thuộc linh mà cả trong đời thuộc thể nữa.
Phép cắt bì còn có ý nghĩa là đã ăn năn, đã tái sanh, không còn cố ý phạm tội nữa:
(Giê-rê-mi 4: 4) Hỡi các ngươi, là người Giu-đa và dân cư Giê-ru-sa-lem, hãy tự cắt bì mình cho Đức Giê-hô-va, và cất dương bì khỏi lòng ngươi! Bằng chẳng vậy, cơn giận ta sẽ phừng lên như lửa, đốt cháy các ngươi, không ai giập tắt được, vì việc ác các ngươi đã làm.
Trong câu gốc trên thì Kinh thánh cho chúng ta thấy rằng khi người Giu-đa cố tình phạm tội thì họ bị kể là kẻ chưa chịu cắt bì trong lòng. Nhưng cũng theo câu Kinh thánh trên thì chúng ta có thể thấy được một điều khác liên quan đến sự cố gắng của con dân Chúa trong việc tìm cầu bằng được cho mình sự cứu rỗi trong Đức Chúa Trời, là tấm lòng mong muốn được tha thứ, muốn được cứu rỗi, mà Kinh thánh đã dùng chữ là tự cắt bì mình. Nguyên tắc về sự tự ý thức và mong muốn được cứu rỗi qua các cố gắng của cá nhân cũng đã được Kinh thánh lập lại trong những chỗ khác nữa:
(Phi-líp 2: 12-13) Ấy vậy, hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, mà lấy lòng sợ sệt run rẩy LÀM NÊN SỰ CỨU CHUỘC MÌNH. Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em VỪA MUỐN VỪA LÀM THEO ý tốt Ngài.
Chúng tôi sẽ trình bày thêm về tầm quan trọng của chữ MUỐN ĐƯỢC CỨU RỖI trong đời sống của Cơ-đốc-nhân trong những bài viết khác.
Phép cắt bì còn được dùng làm hình bóng để chỉ về một tấm lòng nhu mì thuận phục Đức Chúa Trời:
(Lê-vi ký 26: 41) đến đỗi ta cũng chống trả lại, dẫn họ vào xứ kẻ thù nghịch. Bấy giờ nếu lòng không chịu cắt bì của họ sẽ tự hạ mình xuống, và sẽ phục điều sửa phạt về gian ác mình.
Phép cắt bì cũng được dùng làm hình bóng chỉ về tấm lòng viết vâng theo các lời phán của Đức Chúa Trời:
(Giê-rê-mi 6: 10) Ta sẽ nói và làm chứng cho ai, đặng họ nghe ta? Nầy, tai họ chưa cắt bì, họ không nghe được. Nầy, lời của Đức Giê-hô-va đã trở nên sự quở trách cho họ, họ chẳng lấy làm đẹp lòng chút nào.
Tại chỗ nầy thì chúng tôi xin được chú giải thêm một chút. Vì phép cắt bì được dùng làm hình bóng để chỉ về một đời sống đã được biệt riêng cho Đức Chúa Trời, nên khi lời Kinh thánh cho biết rằng những kẻ mà lỗ tai chưa chịu cắt bì, chưa chịu nghe lời răn dạy của Đức Chúa Trời qua Kinh thánh, thì người đó dẫu bên ngoài mang danh hiệu là con dân của Đức Chúa Trời, nhưng thật sự tấm lòng bên trong của họ chưa chịu đầu phục Ngài hoàn toàn, vẫn còn cãi chối, vẫn còn chống trả với mạng lệnh và điều răn của Chúa trong Kinh thánh.
Ấy là tình trạng đã xãy ra từ xưa đến nay trong các Hội thánh. Có rất nhiều Cơ-đốc-nhân khi đến thờ phượng Chúa vào ngày Chúa nhật thì chỉ muốn người mục sư của họ giảng những bài giảng vui để cười, hoặc những bài giảng chỉ nói về phước không mà thôi, chớ không muốn nghe các nguyên tắc, mẫu mực và điều răn về sự sống đạo, sự tái sanh, sự nên thánh. Họ nghĩ rằng khi các mục sư giảng về điều đó là đang chỉ trích họ, chớ không phải là lời Kinh thánh để làm họ tự thức tỉnh mà ăn năn, để từ bỏ đời sống vẫn còn đầy những tâm tánh, ham muốn như bao nhiêu người thế gian khác. Phản ứng của họ bày tỏ ra đúng như lời Kinh thánh vừa trưng dẫn ở trên:
(Giê-rê-mi 6: 10) Ta sẽ nói và làm chứng cho ai, đặng họ nghe ta? Nầy, tai họ chưa cắt bì, họ không nghe được. Nầy, lời của Đức Giê-hô-va đã trở nên SỰ QUỞ TRÁCH CHO HỌ, họ chẳng lấy làm đẹp lòng chút nào.
Đáng buồn một điều là một số các mục sư ngày nay đã không nhìn thấy được điều đó, trái lại cứ muốn chiều lòng những Cơ-đốc-nhân như vậy, đến nỗi các bài giảng của họ dần dần đi xa khỏi Kinh thánh, không còn là những lời bẻ trách sửa trị nữa, mà chỉ là các bài giảng ru ngủ tấm lòng còn ham muốn thế gian của các Cơ-đốc-nhân xác thịt mà thôi, thật trái ngược với lời của Phao-lô, khi được Đức-Thánh-Linh cảm động mà khuyên dạy Ti-mô-thê trong chức vụ hầu việc Chúa của ông:
(2Ti-mô-thê 4: 2) Hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi.
Cũng theo lời của Phao-lô, bởi sự cảm động và soi dẫn của Đức-Thánh-Linh, đã tiên tri về hiện trạng của Hội thánh trong thời kỳ cuối cùng, khi trong vòng Cơ-đốc-nhân có quá nhiều người có tai chưa chịu cắt bì:
(2Ti-mô-thê 4: 3-4) Vì sẽ có một thời kia, người ta không chịu nghe đạo lành; nhưng vì họ ham nghe những lời êm tai, theo tư dục mà nhóm họp các giáo sư xung quanh mình, bịt tai không nghe lẽ thật, mà xây hướng về chuyện huyễn.
HẬU QUẢ CỦA VIỆC KHÔNG CHỊU CẮT BÌ
Phép cắt bì không những là yêu cầu cần phải thực hiện để được kể là người thuộc về Đức Chúa Trời, mà việc không chịu cắt bì cũng là nguyên do khiến cho con người phải chịu sự hình phạt của Chúa:
(Giê-rê-mi 9: 25-26) Đức Giê-hô-va phán: Nầy, ngày đến, bấy giờ ta sẽ PHẠT MỌI KẺ CHỊU CẮT BÌ MÀ LÒNG CHƯA CẮT BÌ. tức là Ê-díp-tô, Giu-đa, Ê-đôm, con cháu Am-môn, Mô-áp, và hết thảy những dân cạo tóc màng tang và ở nơi đồng vắng. Vì mọi dân tộc đều không cắt bì, còn cả nhà Y-sơ-ra-ên chẳng cắt bì trong lòng.
Theo câu Kinh thánh ở trên thì Đức Chúa Trời đã rao ra án phạt cho mọi kẻ không chịu cắt bì cả trong xác thịt và trong tấm lòng, có nghĩa là bao gồm cả người Y-sơ-ra-ên bất tuân và dân ngoại. Lời ngăm đe đó đã trở thành thực tế khi dân Y-sơ-ra-ên bị mất nước, bị đi lưu đày hai lần, cho đến năm 1947 mới được trở về nguyên quán, và cũng đã ứng nghiệm cho dân Ê-díp-tô, là dân Ai-cập ngày nay, đến nỗi chỉ còn là một nước nhược tiểu, và cho dân Ê-đôm, là dòng giống đã bị tuyệt chủng hoàn toàn.
Nhưng lời ngăm đe trên cũng dành cho Cơ-đốc-nhân nữa, là những kẻ chỉ có bề ngoài, mà trong tấm lòng không có dấu cắt bì thật của một đời sống đã lánh xa tội lỗi và thế gian, một tấm lòng không có sự tái sanh, không có sự nên thánh. Án phạt của Chúa là ứng hợp với nguyên tắc thánh khiết mà Kinh thánh đã bày tỏ ra thường xuyên từ thời các tổ phụ cho đến ngày nay:
(Xuất Ê-díp-tô ký 19: 22) Dầu những thầy tế lễ đến gần Đức Giê-hô-va cũng phải giữ mình thánh sạch, kẻo Ngài hại họ chăng.
(Giăng 3: 3) Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.
(Hê-bơ-rơ 12: 14) Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.
(còn tiếp)