PARADISE VÀ ÂM PHỦ (p.2 )
Theo như lời Kinh thánh thì Âm phủ và hỏa ngục là hai nơi khác nhau:
(Châm ngôn 15: 11) Âm phủ và chốn trầm luân còn ở trước mặt Đức Giê-hô-va thay, phương chi lòng của con cái loài người!
Kinh thánh dùng chữ chốn trầm luân để chỉ về hỏa ngục hay Ðịa ngục. Vì vậy Âm phủ chỉ là nơi tạm giam linh hồn của các kẻ tội lỗi. Nó được mô tả như là một vực tẳm tối đen:
(Ê-sai 14: 15) Nhưng ngươi phải xuống nơi Âm phủ, sa vào nơi vực thẳm!
Nơi đó cũng có lửa hình khổ nhưng vẫn chưa phải là ngọn lửa của hỏa ngục:
(Nhã ca 8: 6) Hãy để tôi như một cái ấn nơi lòng chàng, như một cái ấn trên cánh tay chàng; Vì ái tình mạnh như sự chết, lòng ghen hung dữ như Âm phủ; Sự nóng nó là sự nóng của lửa, thật một ngọn lửa của Đức Giê-hô-va.
Vì ngọn lửa ấy mà linh hồn của kẻ có tội sẽ cảm thấy sự đau đớn:
(Lu-ca 16: 23) Người giàu ở nơi Âm phủ đang bị đau đớn, ngước mắt lên, xa thấy Áp-ra-ham, và La-xa-rơ trong lòng người.
Vì chỉ là chỗ tạm giữ linh hồn của kẻ có tội nên trong ngày phán xét chung thẫm các kẻ ấy sẽ được ra khỏi Âm phủ để ứng hầu trước mặt Ðức Chúa Trời mà chịu đoán xét:
(Khải huyền 20: 13) Biển đem trả những người chết mình chứa; Sự chết và Âm phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tùy công việc mình làm.
Vì linh hồn của con người không bao giờ chết, và cũng không bị lệ thuộc vào vật chất như thực phẩm, nước uống, ăn ngủ, nên chúng ta không thể biết được thời gian của sự phán xét là bao lâu, vì mọi kẻ có tội từ xưa đến nay sẽ nghe lời tuyên phán của Chúa về tất cả những điều gian ác họ đã làm. Sau khi sự phán xét đã xong thì tất cả những linh hồn tội lỗi ấy sẽ bị quăng vào hỏa ngục và tại đó họ phải chịu hình khổ đời đời, vĩng viễn không có ngày được ra khỏi:
(Khải huyền 20: 14-15) Đoạn, Sự chết và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa.
(Khải huyền 21: 8) Còn những kẻ hèn nhát, kẻ chẳng tin, kẻ đáng gớm ghét, kẻ giết người, kẻ dâm loạn, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng, và phàm kẻ nào nói dối, phần của chúng nó ở trong hồ có lửa và diêm cháy bừng bừng: đó là sự chết thứ hai.
(Khải huyền 14: 11) Khói của sự đau đớn chúng nó bay lên đời đời. Những kẻ thờ lạy con thú và tượng nó, cùng những kẻ chịu dấu của tên nó ghi, thì cả ngày lẫn đêm không lúc nào được yên nghỉ.
(Khải huyền 20: 10) Còn ma quỉ là đứa đã dỗ dành chúng, thì bị quăng xuống hồ lửa và diêm, trong đó đã có con thú và tiên tri giả rồi. Chúng nó sẽ phải chịu khổ cả ngày lẫn đêm cho đến đời đời.
Thế cho nên, theo lời của Chúa trong Kinh thánh thì Paradise và Âm phủ là nơi hai tạm giữ linh hồn của con người sau khi chết. Ngoài ra không có một nơi thứ ba mà con người có thể đi đến. Còn về nơi gọi là ngục luyện tội thì đó chỉ là sự lầm lẫn khi người ta căn cứ vào một hai câu gốc để đưa ra tín lý ấy mà không suy xét đến cả Kinh thánh để xem lời của Chúa đã phán thế nào. Chúng tôi hy vọng sẽ có dịp viết về đề tài ấy trong một dịp khác.
Một đặc điểm quan trọng liên quan đến Paradise và Âm phủ là việc linh hồn của con người ở tại hai nơi ấy không thể nào qua lại được:
(Lu-ca 16: 23-26) Người giàu ở nơi Âm phủ đang bị đau đớn, ngước mắt lên, xa thấy Áp-ra-ham, và La-xa-rơ trong lòng người; bèn kêu lên rằng: Hỡi Áp-ra-ham tổ tôi, xin thương lấy tôi, sai La-xa-rơ nhúng đầu ngón tay vào nước đặng làm cho mát lưỡi tôi; vì tôi bị khổ trong lửa nầy quá đỗi. Nhưng Áp-ra-ham trả lời rằng: Con ơi, hãy nhớ lại lúc ngươi còn sống đã được hưởng những sự lành của mình rồi, còn La-xa-rơ phải những sự dữ; bây giờ, nó ở đây được yên ủi, còn ngươi phải bị khổ hình. Vả lại, có một vực sâu ở giữa chúng ta với ngươi, đến nỗi ai muốn từ đây qua đó không được, mà ai muốn từ đó qua đây cũng không được. Vả lại, có một vực sâu ở giữa chúng ta với ngươi, đến nỗi ai muốn từ đây qua đó không được, mà ai muốn từ đó qua đây cũng không được.
Chỉ có Ðức Chúa Jêsus, vì Ngài là Ðức Chúa Trời, nên mới có thể qua lại được hai nơi ấy sau khi chịu đóng đinh trên thập tự giá:
(Công vụ 2: 31) Người đã thấy trước và nói trước về sự sống lại của Đấng Christ rằng: Ngài chẳng bị để nơi Âm phủ, và xác thịt Ngài chẳng thấy sự hư nát.
(Lu-ca 23: 43) Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi.
Việc linh hồn không thể qua lại được giữa Paradise và Âm phủ là một lẽ đạo quan trọng mà Cơ-đốc-nhân cần phải nhớ. Vì nhờ điều ấy mà chúng ta biết được rằng một người có được cứu hay không là bởi sự lựa chọn được thực hiện trong đời sống nầy. Sau khi qua đời rồi không ai có thể thay đổi được kết quả hoặc hậu quả sẽ nhận được khi Ðức Chúa Jêsus tái lâm và trong ngày phán xét chung thẫm. Vì vậy vấn đề cầu siêu cho linh hồn của những người đã qua đời để họ được cứu rỗi là việc làm hoàn toàn sai với chân lý trong Kinh thánh.
Lẽ đạo rằng linh hồn của con người không thể qua lại được giữa Paradise và Âm phủ còn được dùng để phân định giữa việc trẻ em được hưởng nước Ðức Chúa Trời và trẻ em cần được cứu rỗi. Có người lầm lẫn giữa hai điều nầy (vì cớ dùng Kinh thánh theo phương pháp bổ túc) nên đã tuyên bố rằng trẻ em cần được cứu rỗi, nhưng điều đó lại mâu thuẫn với lời phán của chính Ðức Chúa Jêsus rằng nước Thiên đàng thuộc về con trẻ:
(Ma-thi-ơ 19: 14) Song Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn trở; vì nước Thiên đàng thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy.
Nếu một người có tâm tình con trẻ được hưởng nước Thiên đàng mà con trẻ với tánh tình ngây thơ tự nhiên của nó lại không hưởng được nơi ấy thì còn gì mâu thuẫn cho bằng. Chúng ta đáng phải nói rằng con trẻ cần được hướng dẫn để biết kính sợ Chúa từ thuở ấu thơ hầu cho sau nầy khi lớn lên được hưởng ơn cứu rỗi, chớ không phải nói rằng con trẻ cũng cần được cứu rỗi. Hai điều nầy hoàn toàn khác nhau mà chúng tôi sẽ trình bày trong một bài viết khác.