NỮ NHÂN TRONG KINH THÁNH/RA-HÁP
Khi xem xét các phần Kinh thánh có liên quan đến kỵ nữ Ra-háp thì chúng ta có thể nhận biết rằng bà là người đã được đề cập đến trong gia phổ của Đức Chúa Jêsus (Ma-thi-ơ 1: 5). Có ba đặc điểm giúp chúng ta xác nhận được điều đó. Thứ nhất là về phương diện đức tin, thứ hai là về sự ích lợi và chính xác của Kinh thánh, và thứ ba là về thời điểm lịch sử.
Về phương diện đức tin thì lời của Chúa cho biết kỵ nữ Ra-háp là người có đức tin và được kể là người công bình (Hê-bơ-rơ 11: 31, Gia-cơ 2: 25).
Như vậy hai câu Kinh thánh trên giúp chúng ta hiểu rằng mặc dầu bà là một kỵ nữ nhưng sau đó đã từ bỏ nghề nghiệp xấu ấy để trở nên người tốt trong Chúa. Vì nếu bà vẫn cứ tiếp tục đời sống cũ thì không thể nào được Kinh thánh liệt kê vào danh sách các anh hùng đức tin và cũng không thể được kể là người công bình. Danh sách những anh hùng đức tin đều được chọn ra trong vòng dân Y-sơ-ra-ên và bà Ra-háp cũng được kể là một người thuộc về dân sự của Chúa (Giô-suê 6: 25).
Cũng một thể ấy, khi lời của Chúa cho biết bà là người có đức tin và là người công bình, thì điều đó đồng nghĩa rằng bà là người được cứu và được hưởng sự sống đời đời. Một người như vậy xứng đáng được kể vào gia phổ của Đức Chúa Jêsus.
Trong đặc điểm thứ hai về sự ích lợi và chính xác của Kinh thánh thì trong gia phổ của Đức Chúa Jêsus chỉ có 4 người phụ nữ được nhắc đến tên mà thôi, đó là Tha-ma, Ra-háp, Ru-tơ và Ma-ri. Khi Kinh thánh đã có ghi lại những sự kiện liên quan đến ba phụ nữa kia (là Tha-ma, Ru-tơ và Ma-ri) thì không có lý nào Kinh thánh lại đề cập đến tên Ra-háp của một người phụ nữ mà không ai biết. Trong trường hợp như vậy thì không cần nhắc đến tên bà làm gì. Chúng ta cần phải nhớ là lời của Chúa rất chính xác, không thừa mà cũng không thiếu vì đã được Đức-Thánh-Linh soi dẫn (2Ti-mô-thê 3: 16) và được ghi lại từ những ngày xa xưa để làm ích lợi cho Cơ-đốc-nhân trong các thời đại sau (Rô-ma 15: 4). Vì vậy không phải là vô lý mà Kinh thánh có ghi tên của bà Ra-háp trong gia phổ của Đức Chúa Jêsus.
Lời của Chúa xác nhận rằng Kinh thánh có ích cho sự dạy dỗ Cơ-đốc-nhân về đức tin (2Ti-mô-thê 3: 15) và về một đời sống tái sanh trong Chúa (Ê-sai 1: 18). Nếu Ra-háp trong gia phổ của Đức Chúa Jêsus không phải là kỵ nữ Ra-háp xưa kia tại Giê-ri-cô, thì tên của bà là một sự dư thừa, không có sự dạy dỗ nào hết. Chỉ khi nào Ra-háp trong gia phổ của Đức Chúa Jêsus là kỵ nữ Ra-háp thì lúc đó Cơ-đốc-nhân mới có thể học được bài học quý báu rằng Đức Chúa Trời sẳn sàng ban phước cho bất cứ tội nhân nào biết từ bỏ tội lỗi để quay về với Chúa và sống một đời công bình đầy dẫy đức tin.
Trong Kinh thánh không có nhắc đến một người phụ nữ nào khác tên là Ra-háp ngoại trừ người kỵ nữ tại thành Giê-ri-cô, là người đã được tái sanh để trở nên một trong những anh hùng đức tin. Như vậy Ra-háp mẹ của Bô-ô và Ra-háp kỵ nữ là cùng một người.
Về đặc điểm thứ ba là thời điểm của lịch sử thì khi tính theo thời gian trong gia phổ của Đức Chúa Jêsus thì Kinh thánh đã đề cập đến Ra-háp trước rồi kế đến mới tới Ru-tơ. Hai người phụ nữ nầy chỉ cách nhau một thế hệ mà thôi (Ma-thi-ơ 1: 5). Ra-háp sống trong thời kỳ dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu đánh chiếm xứ Ca-na-an (Giô-suê 2: 1) và Ru-tơ thì thuộc vào thời kỳ các quan xét ngay sau đó (Ru-tơ 1: 1). Sự trùng hợp với thời gian như vậy là bằng chứng cho thấy rằng kỵ nữ Ra-háp và mẹ của Bô-ô là cùng một người.
Trong Kinh thánh còn có những câu đề cập đến Ra-háp, nhưng lại mang ý nghĩa khác hơn là tên gọi của một người. Như điều mà chúng ta thường thấy thì trong ngôn ngữ của các dân tộc, một chữ thường mang rất nhiều nghĩa. Tương tự như vậy, trong ngôn ngữ của Kinh thánh thì chữ Ra-háp còn có những ý nghĩa sau:
Trong Gióp 3: 19 thì chữ Ra-háp có nghĩa là xứ Ê-díp-tô. Chữ nầy cũng được dùng trong Thi thiên 87: 4, 89: 10. Đây là tên mà Đức Giê-hô-va đã đặt cho xứ Ê-díp-tô (Ê-sai 30: 7). Trong ngôn ngữ Việt Nam thì chúng ta có thể thấy được là những chữ Đức, Nhật được dùng để đặt tên cho cá nhân đồng thời cũng dùng để gọi hai quốc gia trên thế giới.
Trong Gióp 26: 12 và trong Ê-sai 51: 9 thì chữ Ra-háp được dùng để mô tả một loại quái vật ở biển. Trong tiếng Việt của chúng ta cũng có những chữ được dùng theo cách tương tự như vậy, chẳng hạn như chữ Hải Long được dùng để đặt tên cho một người mà cũng có nghĩa là con rồng biển (theo nghĩa Hán Việt)
(còn tiếp)
CÁC CÂU KINH THÁNH ĐÃ TRƯNG DẪN:
GIÔ-SUÊ 2: 1 – Giô-suê, con trai của Nun, từ Si-tim mật sai hai người do thám mà rằng: Hãy đi do thám xứ, nhất là Giê-ri-cô. Vậy, hai người ấy đi đến nhà của một kỵ nữ tên là Ra-háp, và ngụ tại đó.
GIÔ-SUÊ 6: 25 – Vậy, Giô-suê bảo tồn sự sống của Ra-háp là kỵ nữ, luôn nội nhà của cha nàng, và mọi vật chi thuộc về nàng; nàng ở giữa Y-sơ-ra-ên cho đến ngày nay, vì nàng có giấu sử giả mà Giô-suê đã sai do thám Giê-ri-cô.
RU-TƠ 1: 1 – Trong đời các quan xét, một cơn đói kém xảy đến trong xứ, có một người từ Bết-lê-hem xứ Giu-đa, đi với vợ và hai con trai mình đến kiều ngụ trong xứ Mô-áp.
GIÓP 9: 13 – Đức Chúa Trời không hồi cơn giận Ngài; Những kẻ giúp đỡ Ra-háp đều cúi mình xuống dưới Ngài.
GIÓP 26: 12 – Ngài lấy quyền năng mình mà khiến biển dậy lên, và nhờ sự khôn ngoan mình mà đánh vỡ Ra-háp.
THI THIÊN 87: 4 – Ta sẽ nói đến Ra-háp và Ba-by-lôn, là những người trong bọn quen biết ta; Kìa là Phi-li-tin, và Ty-rơ, với Ê-thi-ô-bi: Kẻ nầy đã sanh ra tại Si-ôn.
THI THIÊN 89: 10 – Chúa đã chà nát Ra-háp khác nào kẻ bị đánh chết. Nhờ cánh tay mạnh mẽ Chúa, Chúa đã tản lạc những kẻ thù nghịch Chúa.
Ê-SAI 1: 18 – Đức Giê-hô-va phán: Bây giờ hãy đến, cho chúng ta biện luận cùng nhau. Dầu tội các ngươi như hồng điều, sẽ trở nên trắng như tuyết; dầu đỏ như son, sẽ trở nên trắng như lông chiên.
Ê-SAI 30: 7 – Sự cứu giúp của người Ê-díp-tô chẳng qua là hư không vô ích, nên ta đặt tên nó là Ra-háp, ngồi yên chẳng động.
Ê-SAI 51: 9 – Hỡi cánh tay Đức Giê-hô-va, hãy thức dậy, thức dậy! Hãy mặc lấy sức mạnh đi! Hãy thức dậy như ngày xưa, như các đời thượng cổ! Há chẳng phải Ngài là Đấng đã phân thây Ra-háp và đâm con quái vật lớn sao?
MA-THI-Ơ 1: 5 – Sanh-môn bởi Ra-háp sanh Bô-ô. Bô-ô bởi Ru-tơ sanh Ô-bết. Ô-bết sanh Gie-sê.
RÔ-MA 15: 4 – Vả, mọi sự đã chép từ xưa đều để dạy dỗ chúng ta, hầu cho bởi sự nhịn nhục và sự yên ủi của Kinh thánh dạy mà chúng ta được sự trông cậy.
2TI-MÔ-THÊ 3: 15 – Từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ.
2TI-MÔ-THÊ 3: 16 – Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình.
HÊ-BƠ-RƠ 11: 31 – Bởi đức tin, kỵ nữ Ra-háp không chết với kẻ chẳng tin, vì nàng đã lấy ý tốt tiếp rước các kẻ do thám.
GIA-CƠ 2: 25 – Đồng một thể ấy, kỵ nữ Ra-háp tiếp rước các sứ giả và khiến họ noi đường khác mà đi, người há chẳng phải cậy việc làm mà được xưng công bình sao?