NHỮNG THĂNG TRẦM CỦA ÐỜI SỐNG
Kể từ ngày vừa mở mắt chào đời thì con người phải đối diện với những điều bất như ý, chính vì vậy mà trẻ em khóc. Các em bé khóc vì cớ mất sự ấm áp của lòng mẹ và những điều khác nữa mà chúng tôi không muốn đi vào chi tiết trong bài viết nầy. Rồi sau đó, mỗi ngày tháng qua là thêm mỗi một lần kinh nghiệm những điều khó khăn, đau đớn, thử thách, buồn bã. Ðó là thực tế của đời sống. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận đời sống con người không có những niềm vui. Chắc chắn rằng đời sống của con người trong trần gian có những niềm vui lớn nhỏ vẫn thường xãy đến, có nhiều khi vui đến nỗi nói lời lầm lẫn, cũng có những lúc vui đến nỗi quên cả trách nhiệm, bổn phận, quên cả đường về…
Trong bài viết nầy chúng tôi muốn trình bày đến những thăng trần, những vui buồn của đời người mà những người đi trước chúng ta đã từng trãi qua để nhờ đó ngày nay chúng ta được tỉnh thức, giè giữ và biết trông đợi, tin cậy Ðức Chúa Trời mỗi một ngày trong đời sống ngắn ngủi của chính mình giữa trần gian.
Nhân vật thứ nhất mà chúng tôi muốn đề cập đến là Gia-cốp. Theo như Kinh thánh bày tỏ thì Gia-cốp được sanh vào trong một gia đình rất giàu có, là con cưng của bà Rê-be-ca (Sáng thế ký 25: 28) và cha của ông là Y-sác. Sự giàu có của Y-sác được Kinh thánh mô tả là còn hơn cả tài sản của một trong những vị vua nổi tiếng thời bấy giờ, là vua A-bi-mê-léc:
(Sáng thế ký 26: 16) A-bi-mê-léc nói cùng Y-sác rằng: Hãy ra khỏi nơi ta, vì ngươi thạnh vượng hơn chúng ta bội phần.
Và vì là con cưng nên chắc rằng Gia-cốp được chiều chuộng, được hầu hạ và sống trong nhung lụa. Nhưng những năm tháng ấy bị gián đoạn khi ông bị anh là Ê-sau tìm cách để giết hại (Sáng thế ký 27: 41). Nghe lời của mẹ, Gia-cốp đã trốn khỏi nhà để tìm tới nương nhờ nơi nhà của ông ngoại (Sáng thế ký 27: 42-44) và đồng ý làm việc cho cậu của ông là La-ban trong hai mươi năm. Mười bốn năm đầu làm việc là để được cưới hai người con gái của cậu là Lê-a và Ra-chên. Sáu năm còn lại là để tạo tài sản cho riêng ông (Sáng thế ký 31: 41). Ðó là những năm nhọc nhằn mà sau nầy chính Gia-cốp đã trả lời cho vua Ê-díp-tô khi được hỏi về cuộc đời của ông:
(Sáng thế ký 47: 9) Gia-cốp tâu rằng: Những năm tôi sống ở đời phiêu lưu hết thảy là một trăm ba mươi năm; các năm của đời tôi lấy làm ngắn-ngủi và lại nhọc nhằn, chẳng bằng những năm bình sanh của tổ phụ tôi khi người ở phiêu lưu đây đó.
Nhân vật thứ hai mà chúng tôi cũng muốn đề cập đến là Gióp. Theo như lời Kinh thánh cho biết thì ông là người giàu có, nổi danh hơn hết trong những người từng sống ở Ðông phương (tức là vùng đất về phía Ðông xứ Ca-na-an):
(Gióp 1: 2-3) Người sanh được bảy con trai và ba con gái; có bảy ngàn chiên, ba ngàn lạc đà, năm trăm đôi bò, năm trăm lừa cái, và tôi tớ rất nhiều; người ấy lớn hơn hết trong cả dân Đông phương.
Mặc dầu Kinh thánh không cho biết rằng ông có phải là một vị vua hay không, nhưng với sự giàu có của ông thì chắc các vị vua thời bấy giờ trong các lãnh địa nhỏ cũng không bằng được ông. Chẳng những đáng được chú ý về phương diện thuộc thể, mà trong phương diện thuộc linh ông cũng là người đặc biệt, vì tấm lòng kính sợ Chúa của ông là một gương sáng cho mọi thời đại. Không chỉ cá nhân ông kính sợ Chúa và lánh khỏi điều ác, mà đối với các con Gióp vẫn thường nhắc nhở, nhất là sau những lần tiệc yến vui vẻ, rằng chớ khi nào quên Ðức Chúa Trời (Gióp 1: 1) (Gióp 1: 5).
Dầu vậy, Ðức Chúa Trời vẫn cho phép ma quỉ tấn công ông (Gióp 1: 12). Gióp bị sa-tan hãm hại đến nỗi các con đều bị chết, của cải tài sản mất hết và chính thân thể của ông cũng bị ghẻ chóc cùng khắp. Vì sự đau buồn quá lớn mà Gióp có lúc đã nói ra những lời không hoàn toàn được thuận hiệp:
(Gióp 6: 2-3) Ôi! Chớ gì nỗi buồn tôi nhắc cân cho đúng, và các tai nạn tôi để lên cân thăng bằng! Vì hiện giờ nó nặng hơn cát biển; Nên tại cớ ấy các lời tôi nói đại ra.
Ðây là điều mà chính Gióp cũng biết là không nên nói. Và đó là bài học mà Cơ-đốc-nhân chúng ta ngày hôm nay cũng nên ghi nhớ cẩn thận, để tránh phạm lầm lỗi bởi môi miệng của mình những lúc gặp hoàn cảnh bất như ý xãy ra cho đời sống.
Nhân vật thứ ba mà chúng tôi muốn trưng dẫn ở đây là đời sống của Ða-vít. Ông là vị vua nổi tiếng hơn hết trên thế giới, hầu như dân tộc nào cũng biết đến tên của ông, không nhiều thì ít. Ông là một chiến sĩ can trường, thiện chiến và một người có nhiều tài năng trong âm nhạc lẫn văn thơ. Nhưng thời trai trẻ ông đã gặp rất nhiều hoàn cảnh bất lợi, bị vua Sau-lơ đuổi giết, gia đình vợ con bị giặc bắt lấy, đến nỗi chính cá nhân ông phải giả điên giả dại để bảo toàn mạng sống:
(1Sa-mu-ên 21: 13) Người giả đò điên cuồng trước mặt chúng, và làm bộ dại khờ giữa họ; người vẽ gạch dấu trên cửa và để nước miếng chảy trên râu mình.
Ða-vít đã từng khóc đêm nầy sang đêm khác trước mặt Ðức Chúa Trời để cầu xin được giải cứu (Thi thiên 6: 6). Ông là người đã từng thắng tướng khổng lồ của Phi-li-tin là Gô-li-át mà có lúc đã khóc đến nỗi không còn chút sức lực chi (1Sa-mu-ên 30: 4).
Ðiều đáng chú ý về đời sống của ba nhân vật nổi tiếng ở trên là tấm lòng của họ đối với Ðức Chúa Trời. Họ không hề một lần oán trách Ngài, thậm chí họ còn tạ ơn Chúa về những hoạn nạn đã xãy, như trong trường hợp của Gióp (Gióp 1: 20-21), để bày tỏ tấm lòng tin cậy hoàn toàn nơi Chúa, tin rằng Ngài là Ðấng biết điều cần phải xãy ra, điều đáng phải xãy ra để huấn luyện con dân của Ngài, ngay cả những người mà Ngài yêu (Hê-bơ-rơ 12: 6).
Họ chính là những tấm gương quý báu mà chúng ta cần phải học lấy cho chính mình. Trong đời sống ai cũng gặp hoạn nạn, thử thách, khó khăn. Nhiều khi điều xãy ra cho chúng ta có thể làm người khác cười chê niềm tin mà chúng ta đặt nơi Ðức Chúa Trời. Nhưng các thánh nhân ấy vẫn giữ lòng tin cậy Chúa cho đến cuối cùng, mặc cho sự mỉa mai, đàm tiếu của bạn hữu, của người nhà, như trong trường hợp của Gióp (Gióp 2: 8-9).
Nhờ tấm lòng kiên trì tin cậy Chúa mà lời cầu nguyện của họ trong những lúc hoạn nạn được Ðức Chúa Trời lắng nghe và giải cứu họ.
(2Sa-mu-ên 22: 5-7) Các lượng sóng của tử vong đã phủ bao tôi, lụt gian ác chảy cuộn làm cho tôi sợ hãi; Những dây của địa ngục đã vấn tôi, lưới sự chết có hãm bắt tôi. Trong cơn hoạn nạn tôi cầu khẩn Đức Giê-hô-va, tôi kêu la cùng Đức Chúa Trời tôi. Ở nơi đền Ngài nghe tiếng tôi, tiếng kêu cầu của tôi thấu đến tai Ngài.
Chẳng những vậy thôi Chúa lại ban phước cho họ bội phần hơn điều mà họ đã có trước kia. Gia- cốp thì có người con trai trở thành tể tướng của đế quốc Ai-cập hùng mạnh thời bấy giờ. Gióp thì được Chúa ban cho lại con cái và tài sản bằng gấp hai điều ông có khi trước. Ða-vít thì trở thành vị vua oai hùng nhất trong lịch sữ dân Y-sơ-ra-ên và vương quốc ông được mở rộng, được lân bang thần phục, tiến cống.
Vì vậy trong trần gian nầy chúng ta đáng phải nhận biết sự sống mình là ngắn ngủi với đầy những thăng trầm biến đổi, những vui mừng buồn đau:
(Thi thiên 90: 10) Tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi; Song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi.
Tất cả những điều đó được Chúa cho phép xãy ra hầu chúng ta được luyện tập trong sự kính sợ Chúa và tin cậy nơi Ngài. Vì sự sống trên đất nầy chỉ là tạm thời, mà sự sống mai sau trong thiên đàng mới là đời đời vĩnh viễn (2Cô-rinh-tô 4: 18).
(Thi thiên 39: 5 phần A) Kìa, Chúa khiến ngày giờ tôi dài bằng bàn tay, và đời tôi như không không trước mặt Chúa.
Ðể xứng đáng cho ân điển lạ lùng tuyệt đối đó thì con dân Chúa cần phải trãi qua những thăng trầm của đời sống nầy để biết từ chối chính mình, để chỉ nương cậy nơi Ðức Chúa Trời mà thôi. Chúng ta được tôi luyện như vậy hầu có thể xứng đáng cho Thiên đàng trong tương lai, nơi mà chúng ta sẽ hết lòng, hết ý, hết sức, hết linh hồn để tôn vinh, thờ phượng, hầu việc Ðấng Tạo Hóa và xứng đáng dự phần trong sự vinh hiển chói sáng của Ngài.
Với bài viết nầy (mà chúng tôi dùng để chia xẻ với các Hội thánh địa phương ngày hôm nay) thì chúng tôi ao ước sẽ nhắc nhở chính mình cùng với các anh chị em yêu dấu khác trong đức tin về việc nhờ cậy Ðức Chúa Trời soi sáng cho tâm trí và tấm lòng của chúng ta mỗi một lần phải đối diện với thử thách, khó khăn, với những thăng trầm của đời sống, hầu cho phản ứng của chúng ta được xứng hiệp, đẹp lòng Ðấng đang dò xét chúng ta từ ngôi cao sang của Ngài (Giê-rê-mi 17: 10):
(2Sa-mu-ên 22: 29) Đức Giê-hô-va ôi! Thật Ngài là ngọn đèn tôi, và Đức Giê-hô-va sẽ chiếu sáng sự tối tăm tôi.
Vì Ðức Chúa Trời đã ban phước bội phần hơn cho các thánh nhân thời xa xưa như Gia-cốp, Gióp và Ða-vít thì chúng tôi cũng ao ước Ðức Chúa Trời ban phước cho chúng ta bội phần hơn sau những lần chúng ta phải chịu hoạn nạn, khó khăn, thử thách theo ý muốn tốt của Ngài:
(Thi thiên 90: 15) Xin Chúa làm cho chúng tôi được vui mừng tùy theo các ngày Chúa làm cho chúng tôi bị hoạn nạn, và tùy theo những năm mà chúng tôi đã thấy sự tai họa.
Cầu xin Chúa thương xót mỗi chúng ta và thêm sức cho để không một ai trong chúng ta phải chịu hoạn nạn lớn quá sức mình đến nỗi phải mệt mõi sờn lòng, và cũng cầu xin Chúa giúp chúng ta tránh được những lầm lỗi trong đời sống nầy để khỏi phải chịu hoạn nạn như là sự trừng phạt về những điều đó (1Phi-e-rơ 3: 17). Amen.
NHỮNG CÂU KHINH THÁNH ÐÃ TRƯNG DẪN
(Sáng thế ký 25: 28) Y-sác yêu Ê-sau, vì người có tánh ưa ăn thịt rừng; nhưng Rê-be-ca lại yêu Gia-cốp.
(Sáng thế ký 27: 41) Ê-sau trở lòng ghét Gia-cốp vì cớ cha mình chúc phước cho người, bèn nói thầm trong lòng rằng: Ngày tang của cha đã hầu gần; vậy, ta sẽ giết Gia-cốp, em ta, đi.
(Sáng thế ký 27: 42-44) Họ đem lời Ê-sau, con lớn, thuật lại cùng Rê-be-ca, thì người sai gọi Gia-cốp, con út mình, mà nói rằng: Nầy, Ê-sau, anh con, toan giết con để báo thù. Vậy, bây giờ, hỡi con, hãy nghe lời mẹ, đứng dậy, chạy trốn qua nhà La-ban, cậu con, tại Cha-ran, và hãy ở cùng người ít lâu, cho đến lúc nào cơn giận của anh con qua hết.
(Sáng thế ký 31: 41) Đó trong hai mươi năm tôi ở tại nhà cậu là thế; trong mười bốn năm giúp việc, để được hai con gái cậu, và sáu năm đặng lãnh lấy bầy súc vật của cậu, mà cậu lại còn thay đổi mười lần công giá tôi.
(Gióp 1: 1) Tại trong xứ Út-xơ có một người tên là Gióp; người ấy vốn trọn vẹn và ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác.
(Gióp 1: 5) Xảy khi các ngày tiệc yến xong rồi, Gióp sai người đi dọn các con cái mình cho thanh sạch, thức dậy sớm, dâng của lễ thiêu tùy số chúng nó; vì người nói rằng: Dễ thường các con ta có phạm tội, và trong lòng từ chối Đức Chúa Trời chăng. Gióp hằng làm như vậy.
(Gióp 1: 12) Đức Giê-hô-va phán với Sa-tan rằng: Nầy, các vật người có đều phó trong tay ngươi; nhưng chớ tra tay vào mình nó. Sa-tan bèn lui ra khỏi mặt Đức Giê-hô-va.
(Thi thiên 6: 6) Tôi mỏn sức vì than thở, mỗi đêm tôi làm trôi giường tôi, dầm nó với nước mắt.
(1Sa-mu-ên 30: 4) Bấy giờ, Đa-vít và những kẻ theo người đều cất tiếng lên khóc, khóc đến đổi không còn sức khóc nữa.
(Gióp 1: 20-21) Gióp bèn chỗi dậy, xé áo mình, và cạo đầu, đoạn xấp mình xuống đất mà thờ lạy, và nói rằng: Tôi trần truồng lọt khỏi lòng mẹ, và tôi cũng sẽ trần truồng mà về; Đức Giê-hô-va đã ban cho, Đức Giê-hô-va lại cất đi; đáng ngợi khen danh Đức Giê-hô-va!
(Hê-bơ-rơ 12: 6) Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu, hễ ai mà Ngài nhận làm con, thì cho roi cho vọt.
(Gióp 2: 8-9) Gióp lấy một miếng sành đặng gãi mình, và ngồi trong đống tro. Vợ người nói với người rằng: Ủa? Ông hãy còn bền đỗ trong sự hoàn toàn mình sao? Hãy phỉ báng Đức Chúa Trời, và chết đi!
(2Cô-rinh-tô 4: 18) Bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy.
(Giê-rê-mi 17: 10) Ta, Đức Giê-hô-va, dò xét trong trí, thử nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết quả của việc họ làm.
(1Phi-e-rơ 3: 17) Vì nếu ý muốn Đức Chúa Trời dường ấy, thì thà làm điều thiện mà chịu khổ, còn hơn làm điều ác mà chịu khổ vậy.