NHÌN THẤY THIÊN ÐÀNG SAU KHI CHẾT 3

Khi nói đến đây thì chắc có người biện minh rằng sứ đồ Giăng đã từng thấy quang cảnh Thiên đàng, thì các người kia cũng có thể thấy được. Nói như vậy là mâu thuẫn vì hai điều nầy hoàn toàn khác hẳn nhau. Ðây cũng chính là đặc điểm thứ hai mà chúng tôi muốn trình bày về những lẽ thật liên quan đến Thiên đàng.

Các bệnh nhân trong quyển sách của Mục sư Burke cho biết là họ đã được vào Thiên đàng và thấy quang cảnh xinh đẹp ở tại đấy. Nhưng trong trường hợp của sứ đồ Giăng thì ông chỉ được thấy Thiên đàng từ đàng xa:

(Khải huyền 21: 10-11) Rồi tôi được Thánh Linh cảm động, thiên sứ đó đưa tôi đến trên một hòn núi lớn và cao, và chỉ cho tôi thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống, rực rỡ vinh hiển của Đức Chúa Trời. Sự chói sáng của thành ấy giống như của một viên bửu thạch, như bích ngọc sáng suốt.

Rõ ràng lời Kinh thánh ghi lại rằng Giăng được đem lên một hòn núi và từ đó nhìn thấy thành thánh Giê-ru-sa-lem, chớ chẳng phải là ông đã được vào đó. Chính vì vậy mà Kinh thánh dùng chữ hiện thấy để mô tả trường hợp của Giăng:

(Khải huyền 9: 17) Kìa trong sự hiện thấy, tôi thấy những ngựa và kẻ cỡi ra làm sao: những kẻ ấy đều mặc giáp màu lửa, mầu tía, mầu lưu hoàng; đầu ngựa giống như đầu sư tử, và miệng nó có phun lửa, khói và diêm sanh.

Chắc chúng ta còn nhớ là ở phần đầu sách Khải huyền thì sứ đồ Giăng đã cho biết rằng sự hiện thấy về thời kỳ sau rốt xãy đến khi ông đang bị giam ở đảo Bát-mô. Chúng tôi xin dùng thí dụ sau đây để giúp làm sáng tỏ thêm vấn đề đang được trình bày. Khi chúng ta ngồi tại nhà và mở TV thì có thể thấy được nhiều quang cảnh trên thế giới, chẳng hạn như các đỉnh núi phủ tuyết trong dãy Hy mã lạp sơn. Chúng ta có thể thấy được những quang cảnh ấy thật rõ ràng, ngay trước mắt, nhưng thực tế thì vẫn đang ngồi tại nhà. Trường hợp của sứ đồ Giăng cũng tương tự như vậy. Ông được nhìn thấy quang cảnh Thiên đàng từ xa. Nhưng với các bệnh nhân mà Mục sư Burke đã phỏng vấn thì họ cho biết là linh hồn của họ được đưa vào trong Thiên đàng! Ðây là điều mà chúng tôi muốn giải thích, vì so với lời Kinh thánh mà chúng tôi đã trưng dẫn thì không một người nào (dầu là bằng linh hồn của họ) được vào Thiên đàng trước khi Ðức Chúa Trời phán xét cả thế gian (xin xem lại phần 2 đã đăng)

Nhưng chắc cũng có người tranh luận rằng sứ đồ Giăng còn sống mà được sự hiện thấy, nhưng những người kia thì đã chết rồi (mặc dầu chết lâm sàng) cho nên vì vậy mà có cơ hội được vào thăm Thiên đàng trước. Nói như vậy cũng là mâu thuẫn với Kinh thánh. Vì sứ đồ Phao-lô đã từng chết (tạm thời) nhưng cũng chỉ được nhìn thấy Paradise mà thôi thì làm sao những người kia có được đặc ân hơn Phao-lô để có thể vào Thiên đàng trước ông, trước cả thứ tự mà Kinh thánh đã bày tỏ?

Khi đọc sách Công vụ thì chúng ta biết được rằng Phao-lô đã từng bị ném đá đến chết (chết tạm), nhưng sau đó ông sống lại, vì vậy mà Kinh thánh dùng chữ tưởng đã chết để mô tả trường hợp xãy ra cho Phao-lô:

(Công vụ 14: 19) Bấy giờ có mấy người Giu-đa từ thành An-ti-ốt và thành Y-cô-ni đến dỗ dành dân chúng; chúng ném đá Phao-lô, tưởng người đã chết, nên kéo ra ngoài thành. Nhưng các môn đồ đang nhóm chung quanh người, thì người vùng đứng dậy và vào trong thành. Bữa sau, người đi với Ba-na-ba đến thành Đẹt-bơ.

Lúc Phao-lô chết tạm (hay còn gọi là chết lâm sàng theo ngôn từ ngày nay) thì ông được đưa lên từng trời thứ ba, là nơi có Paradise:

(2Cô-rinh-tô 12: 2-4) Tôi biết một người trong Đấng Christ, cách mười bốn năm trước, đã được đem lên đến từng trời thứ ba (hoặc trong thân thể người, hoặc ngoài thân thể người, tôi chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết). Tôi biết người đó (hoặc trong thân thể người, hoặc ngoài thân thể người, tôi cũng chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết) được đem lên đến chốn Ba-ra-đi, ở đó, nghe những lời không thể nói, mà không có phép cho người nào nói ra.

Trong tất cả những tôi con của Chúa vào thời đại Tân ước cho đến ngày nay thì không ai có thể hơn được Phao-lô về đức tin, quyền phép, lòng tận tụy cùng mọi phương diện khác của đời sống đạo trong Ðấng Christ. Nhưng với một người đầy ơn như vậy mà mới chỉ được vào Paradise khi chết tạm thì làm sao những kẻ khác, với đời sống thua sút Phao-lô rất xa, lại được ơn hơn hẳn cả ông để có thể vào Thiên đàng trước cả trình tự mà Ðức Chúa Trời đã đặt ra cho ngày sau rốt? Ngài là Ðấng Chân Thật và lời của Ngài còn y nguyên dẫu cả thế gian và vũ trụ nầy qua đi, thì những kẻ kia là ai mà vì họ Ðức Chúa Trời phải làm cho lời của Ngài ra hư không, thiếu chính xác theo như điều đã được ghi lại trong Kinh thánh. Vì vậy, đứng trên quan điểm và lẽ thật của lời Ðức Chúa Trời thì những lời tường thuật của các bệnh nhân trong quyển sách của Mục sư Burke chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng cá nhân mà thôi, mặc dầu cũng được căn cứ trên những điều mà Kinh thánh mô tả về Thiên đàng.

Thế cho nên chúng tôi vẫn thường nhắc nhở và nhấn mạnh với các tôi con của Chúa là khi xem xét đến bất cứ điều nào có liên quan đến phương diện thuộc linh thì phải xem xét cả quyển Kinh thánh để tìm hiểu cho cặn kẻ các câu gốc nói về vấn đề đó và các câu liên đới khác, chớ chẳng phải chỉ nắm bắt một vài câu thuận hiệp với ý tưởng cá nhân rồi lập tức tuyên bố điều đó là sự thật hoặc là chân lý của Kinh thánh.

Sau bài viết nầy chúng tôi hy vọng sẽ có dịp trình bày về sự sai lầm trong giấc mơ của những người cho rằng họ đã được đưa đi dạo qua hỏa ngục và thấy những kẻ tội ác bị khổ hình tại nơi ấy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *