NHÌN THẤY THIÊN ÐÀNG SAU KHI CHẾT 2
Kinh thánh đã cho chúng ta biết rằng Thiên đàng là nơi ngự của Ðức Chúa Trời và những Cơ-đốc-nhân được cứu rỗi sẽ được đến ở tại đấy. Nhưng Kinh thánh không mô tả chính xác quan cảnh của Thiên đàng là thế nào, vì trong thực tế chưa có một con dân Chúa nào đến đó. Trước khi nhận định về lời mô tả của các bệnh nhân trong quyển sách của Mục sư Burke thì chúng tôi sẽ trưng dẫn Kinh thánh để trình bày những điều có liên quan đến Thiên đàng. Nếu đặt lên bàn cân để so sánh thì những lời viết trong Kinh thánh có giá trị hơn hẳn lời tường thuật của các bệnh nhân, ấy là vì quyển Kinh thánh đã được Ðức Chúa Trời soi dẫn và đã được sử dụng hàng ngàn năm qua không một chút mâu thuẫn. Vì thế, nếu có phải tin những điều liên quan đến Thiên đàng thì chúng ta đáng phải tin cậy lời Kinh thánh hơn.
Từ ngữ Thiên đàng ít được dùng đến trong các sách của Cựu ước, nhưng trong Tân ước thì lại được sử dụng nhiều hơn. Ða số những lần chữ Thiên đàng được dùng là để làm hình bóng về sự cứu rỗi mà những người tin nơi Ðức Chúa Jêsus sẽ được nhận lấy trong tương lai, chẳng hạn như các câu sau đây:
(Ma-thi-ơ 5: 20) Vì ta phán cho các ngươi rằng, nếu sự công bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công bình của các thầy thông giáo và người dòng Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước Thiên đàng.
(Lu-ca 12: 32) Hỡi bầy nhỏ, đừng sợ chi; vì Cha các ngươi đã bằng lòng cho các ngươi nước Thiên đàng.
Dầu vậy, trong sách Khải huyền thì Thiên đàng được mô tả như là một nơi đẹp đẽ, vinh hiển, và được gọi là thành thánh Giê-ru-sa-lem:
(Khải huyền 21: 2) Tôi cũng thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem mới, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống, sửa soạn sẵn như một người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình.
(Khải huyền 21: 10-11) Rồi tôi được Thánh Linh cảm động, thiên sứ đó đưa tôi đến trên một hòn núi lớn và cao, và chỉ cho tôi thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống, rực rỡ vinh hiển của Đức Chúa Trời. Sự chói sáng của thành ấy giống như của một viên bửu thạch, như bích ngọc sáng suốt.
Kinh thánh mô tả Thiên đàng như một cái thành hình vuông, nghĩa là có vách tường bao bọc bốn bên:
(Khải huyền 21: 12) Thành có một bức tường cao lớn, với mười hai cửa, trên những cửa có mười hai vị thiên sứ, cùng những danh đề, là danh mười hai chi phái của con cháu Y-sơ-ra-ên.
(Khải huyền 21: 16) Thành làm kiểu vuông và bề dài cùng bề ngang bằng nhau. Thiên sứ đo thành bằng cây sậy: thành được một vạn hai ngàn ếch-ta-đơ; bề dài, bề ngang, và bề cao cũng bằng nhau.
Nếu chúng ta đọc thêm các câu sau đó trong đoạn 21 của sách Khải huyền thì sẽ biết được các loại ngọc dùng làm vật liệu xây cất nên thành. Sứ đồ Giăng, bởi sự cảm động của Ðức-Thánh-Linh cũng cho biết những đặc điểm khác của Thiên đàng, rằng thành không có đền thờ, không cần có mặt trời, cũng không có ban đêm:
(Khải huyền 21: 22) Ở đó, tôi không thấy đền thờ nào; vì Chúa là Đức Chúa Trời toàn năng và Chiên Con đều là đền thờ của thành. Thành cũng không cần mặt trời, mặt trăng để soi sáng; vì vinh hiển của Đức Chúa Trời chói lói cho, và Chiên Con là ngọn đèn của thành.
Sứ đồ Giăng cũng mô tả những cảnh quang khác của thành thánh Giê-ru-sa-lem, chẳng hạn như giòng sông sự sống chảy từ ngôi Chiên Con, các hàng cây với lá chữa lành được muôn dân:
(Khải huyền 22: 1-2) Thiên sứ chỉ cho tôi xem sông nước sự sống, trong như lưu ly, từ ngôi Đức Chúa Trời và Chiên Con chảy ra. Ở giữa phố thành và trên hai bờ sông có cây sự sống trổ mười hai mùa, mỗi tháng một lần ra trái; và những lá cây đó dùng để chữa lành cho các dân.
Thiên đàng được mô tả nhiều nhất trong sách Khải huyền, nhưng có những điểm đặc biệt về Thiên đàng mà chúng ta cần phải chú ý:
Thứ nhất, mặc dầu lời của Chúa cho biết rằng những người được cứu sẽ vào đó, nhưng Kinh thánh dùng chữ sẽ, nghĩa là cho tương lai, chớ chẳng phải ngay vào thời kỳ mà thế gian còn tồn tại như chúng ta thấy ngày nay.
(Khải huyền 21: 24) Các dân sẽ đi giữa sự sáng thành đó và các vua trên đất sẽ đem vinh hiển mình vào đó.
Nhiều người nằm mơ thấy Thiên đàng hoặc tưởng mình đã được vào Thiên đàng và mô tả rằng thấy có người đi qua lại tại đó, thì ấy là hoàn toàn mâu thuẫn với lời của Kinh thánh. Vì theo như lời của Chúa thì trước ngày phán xét cuối cùng, không một con người nào, mặc dầu đã được cứu, được vào Thiên đàng. Căn cứ vào lời Kinh thánh thì thứ tự của thời kỳ cuối cùng sẽ xãy ra như sau (chúng tôi sẽ trình bày chi tiết về vấn đề nầy trong một bài viết khác):
– Hoạn nạn xãy ra trên khắp mặt đất.
– Ðức Chúa Jêsus tái lâm cách ẩn nhiên. Những người được cứu sẽ sống lại và được cất lên không trung để gặp Chúa trong đám mây.
– Lúc bấy giờ Ba-by-lôn lớn sẽ bị hủy diệt. Ðang khi đó trên không trung, trong đám mây sẽ là tiệc cưới của Chiên Con.
– Sau đó Ðức Chúa Jêsus sẽ tái lâm cách hiển nhiên ở tại Giê-ru-sa-lem. Những người được cất lên lúc trước sẽ trở lại trái đất với Ngài và đồng trị cùng với Chúa trong 1000 năm bình an.
– Sa-tan được thả ra ra, cám dỗ dân cư trên thế giới phản nghịch Chúa và tấn công thành Giê-ru-sa-lem.
– Chúa hủy diệt mọi kẻ ác và cả thế gian.
– Sư phán xét chung thẫm. Những kẻ không được cất lên trong lần Ðức Chúa Jêsus tái lâm cách ẩn nhiên sẽ bị ném vào hồ lửa đời đời chung với Sa-tan và các quỉ sứ của nó.
– Trời mới, đất mới với thành thánh Giê-ru-sa-lem xuất hiện và những người được cứu sẽ vào đó sống với Chúa đời đời:
(Khải huyền 20: 13-15) Biển đem trả những người chết mình chứa; Sự chết và Âm phủ cũng đem trả những người chết mình có. Mỗi người trong bọn đó bị xử đoán tùy công việc mình làm. Đoạn, Sự chết và Âm phủ bị quăng xuống hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa.
Như vậy, theo như trình tự trên của Kinh thánh thì những người được cứu chỉ có thể vào được Thiên đàng sau khi Ðức Chúa Jêsus đã phán xét cả thế gian:
(Khải huyền 21: 1-2) Đoạn, tôi thấy trời mới và đất mới; vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa. Tôi cũng thấy thành thánh, là Giê-ru-sa-lem mới, từ trên trời, ở nơi Đức Chúa Trời mà xuống, sửa soạn sẵn như một người vợ mới cưới trang sức cho chồng mình.
Bằng chứng về điểm nầy đã được chính Ðức Chúa Jêsus và sứ đồ Phao-lô đề cập đến trong Kinh thánh. Ðức Chúa Jêsus đã kể về câu chuyện của La-xa-rơ và cho biết rằng khi ông qua đời, ông được thiên sứ đưa vào lòng của Áp-ra-ham:
(Lu-ca 16: 22) Vả, người nghèo chết, thiên sứ đem để vào lòng Áp-ra-ham; người giàu cũng chết, người ta đem chôn.
Không có chỗ nào trong Kinh thánh cho biết là nơi mà Áp-ra-ham đang ở sau khi ông đã qua đời là Thiên đàng. Nhưng trái lại Ðức Chúa Jêsus cho biết là khi một người được hưởng ơn cứu rỗi thì khi qua đời sẽ được vào Paradise (chữ nầy có nghĩa là Vườn vui vẽ, giống như Ê-đen, chớ không phải Thiên đàng), như lời Chúa đã phán với người tử tội bị đóng đinh một bên Ngài:
(Lu-ca 23: 43) Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi.
Sau khi bị đóng đinh thì Ðức Chúa Jêsus đi đến hai nơi, thứ nhất là Âm phủ và thứ hai là Paradise, nơi mà Ngài đã phán với người tử tội là sẽ gặp Ngài tại đấy:
(Công vụ 2: 31) Người đã thấy trước và nói trước về sự sống lại của Đấng Christ rằng: Ngài chẳng bị để nơi Âm phủ, và xác thịt Ngài chẳng thấy sự hư nát.
Việc Ðức Chúa Jêsus đến tại Paradise và sự thăng thiên của Ngài sau khi sống lại cho thấy rằng hai nơi ấy hoàn toàn khác nhau. Vì nếu cả hai nơi nầy chỉ là một thì điều đó có nghĩa là Ðức Chúa Jêsus sau khi bị đóng đinh thì về trời rồi sau đó trở lại thế gian để sống lại và để thăng thiên về trời lần thứ hai? Chắc chắn là không phải như vậy đâu. Kinh thánh đã phân biệt ra rõ ràng về hai nơi mà người ta phải đi đến sau cõi chết. Những người sẽ được cứu trong tương lai thì được đến nơi Paradise hay còn gọi là lòng của Áp-ra-ham; còn những người người không được cứu thì khi qua đời sẽ phải vào trong Âm-phủ:
(Lu-ca 16: 23) Người giàu ở nơi Âm phủ đang bị đau đớn, ngước mắt lên, xa thấy Áp-ra-ham, và La-xa-rơ trong lòng người.
Chúng tôi tạm gọi hai nơi nầy là chỗ tạm giữ và tạm giam để dễ phân biệt. Vì người nào được vào nơi Paradise thì khi Ðức Chúa Jêsus tái lâm sẽ được sống lại, được cất lên để gặp Chúa nơi đám mây và được dự tiệc cưới Chiên Con tại đấy (tức là sự kết hiệp giữa Ðấng Christ và Hội thánh của Ngài)
(1Tê-sa-lô-ni-ca 4: 16) Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết.
Thế thì, theo như lời Kinh thánh thì những Cơ-đốc-nhân qua đời sẽ được tạm giữ tại Paradise để chờ ngày sống lại mà gặp Chúa, chớ không phải là sau khi chết thì được vào Thiên đàng rồi từ đó trở vào lại trong mồ mã để rồi được sống lại mà thăng thiên lần nữa. Vì vậy các bệnh nhân trong quyển sách của Mục sư Burke đã công bố những điều hoàn toàn sai với lẽ thật trong Kinh thánh. Vì nếu Áp-ra-ham là tổ phụ đức tin mà còn phải tạm thời ở nơi Paradise để chờ ngày sống lại để gặp Ðức Chúa Jêsus thì họ là ai mà lại được vào Thiên đàng trước cả Áp-ra-ham?
(còn tiếp)